C
ông việc nào cũng vậy, sẽ có những lúc ta thấy hài lòng, thử thách và thỏa mãn. Công việc có thể đem lại cho ta sự hỗ trợ, tình bạn, sự thấu hiểu, sự học hỏi và phát triển. Nhưng công việc cũng có thể khiến ta cảm thấy kiệt sức, nghi ngờ về khả năng vượt khó của bản thân, cảm thấy mình không đủ giỏi, cảm thấy tổn thương và muốn gục ngã. Vì vậy, khả năng tự vực dậy là yếu tố thiết yếu trong công việc; và chúng ta cần hiểu được bản chất của thất bại, nhanh chóng phản ứng với nó và xây dựng cho bản thân tính kiên cường.
Tính kiên cường, khả năng phục hồi, hay khả năng tự vực dậy có thể được hiểu theo nhiều cách. Một cái cây oằn mình trong cơn bão có thể ngả nghiêng trước sức mạnh của trận cuồng phong, nhưng sau đó nó sẽ trở lại tư thế thẳng đứng khi bão tan, đó chính là hình ảnh kiên cường. Hay như trong khoa học, một số vật liệu có thể trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị kéo dãn hoặc uốn cong. Ngoài ra, khả năng tự vực dậy còn được thể hiện theo nhiều cách khác trên phương diện thể chất, cảm xúc và tâm lý. Đó là khái niệm được thể hiện qua cách một quốc gia ứng phó với thảm họa tự nhiên; khả năng xoay xở của một tổ chức trong quá trình sáp nhập; cách một đội ngũ phản ứng khi người lãnh đạo của họ qua đời; cách một cá nhân làm quen với công việc mới khi không có những đồng nghiệp đáng tin cậy bên cạnh, hoặc khi họ phải vừa hoàn thành công việc vừa đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống riêng.
Điểm chung của tất cả những biểu hiện khác nhau nói trên của khả năng tự vực dậy là năng lực thích ứng và thay đổi hoàn cảnh. Theo Darwin, loài sống sót không nhất thiết là loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là loài có khả năng thích nghi cao và sẵn sàng thay đổi.
Với cá nhân tôi, khả năng phục hồi rất quan trọng, trong cả đời sống lẫn công việc. Thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ cực kỳ nhút nhát và dễ ngượng ngùng. Chỉ cần có ai đó nhìn tôi, chứ chưa cần nói chuyện, tôi sẽ đỏ hết cả mặt. Những khi đó, tôi cảm thấy vô cùng chán ghét bản thân vì không thể tự tin và bình tĩnh. Tôi dè dặt thái quá và luôn cố làm người khác vui lòng. Tôi đã dành nhiều năm để quan sát con người và các mối quan hệ, cũng như phát triển khả năng đương đầu với khó khăn. Tôi tìm kiếm sự giúp đỡ, thiết lập những mối quan hệ bạn bè cũng như các cố vấn đáng tin cậy, và tôi bắt đầu làm được những việc mà bản thân tôi khi còn nhỏ luôn cho là bất khả thi. Giờ đây tôi tự tin làm công việc cố vấn, giảng dạy, đào tạo và hòa giải, nhưng tôi luôn ý thức về sự dễ tổn thương tiềm ẩn trong bản thân mình và người khác. Tôi thất bại thường xuyên và khả năng phục hồi của tôi liên tục được thử thách - nhưng tôi luôn bật dậy.
Sức bật tinh thần không phải là một khả năng bẩm sinh hay một đặc điểm tính cách đơn thuần. Bạn có sức bật tinh thần và có thể xây dựng sức bật tinh thần - tất cả chúng ta đều có khả năng này. Không ai có thể tránh được những thử thách, nỗi đau hay khó khăn trong cuộc sống lẫn trong công việc. Chúng ta đều có thể phát triển sức bật tinh thần và năng lực đương đầu với khó khăn, sự mất mát và thay đổi.
Sức bật tinh thần trong công việc
Trong công việc, chúng ta có thể được yêu cầu làm thêm giờ hoặc sử dụng công nghệ mới. Chúng ta có thể phải điều chỉnh cách làm việc cho phù hợp với quy định mới, hoặc phải làm việc trong môi trường quốc tế. Chúng ta có thể phải đối mặt với trở ngại, những lời chê bai, hoặc phải làm việc với những người ưa bắt bẻ. Chúng ta có thể bị giới hạn về nguồn lực và cần phải làm việc linh hoạt hơn với tốc độ nhanh hơn. Chúng ta có thể phải ứng phó hoặc đối mặt với việc cắt giảm nhân sự. Nếu kiên cường, chúng ta có thể đương đầu với những thử thách này bằng thái độ tích cực và chủ động. Chúng ta có thể duy trì sự lạc quan, mạnh mẽ và nhanh chóng phục hồi sau những lần vấp ngã trong đời. Tuy nhiên, thường thì sẽ có những lúc chúng ta thấy lòng tự tin của mình vỡ vụn khi đối mặt với phong ba bão táp, còn bản thân chúng ta thì nhạy cảm và yếu ớt hơn bình thường.
Hãy nhớ lại hình ảnh “Một cọng rơm làm gãy lưng lạc đà” hoặc “Giọt nước làm tràn ly”. Lạc đà là loài động vật mạnh mẽ, có khả năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt của sa mạc và có thể đi quãng đường dài mà không cần nước. Thế nhưng ngay cả lạc đà cũng có thể ngã quỵ khi chở thêm vài cọng rơm. Ai cũng có thể sụp đổ khi gặp phải một loạt những điều gây khó chịu, cản trở, thất vọng và phá hoại. Tất cả chúng ta đều có lúc tuyệt vọng, suy sụp và đánh mất sức bật tinh thần.
Thuật ngữ “Sức bật tinh thần”
Tựa đề của quyển sách này bắt nguồn từ từ resilio trong tiếng Latin, có nghĩa là “sức bật” - khả năng đương đầu với những tình huống khó khăn đồng thời phục hồi, phản ứng và trở lại đường đua. Cuộc sống luôn chứa đầy những thử thách, thất vọng và tổn thương mà từ đó, chúng ta cần hồi phục và quay trở lại với công việc (cũng như cuộc sống). Tự vực dậy tinh thần không phải là quên đi những khó khăn mà chúng ta đã đối mặt hay phớt lờ nghịch cảnh; những trải nghiệm và khó khăn đó sẽ thay đổi chúng ta và tác động đến cảm xúc cũng như phản ứng của chúng ta trước những khủng hoảng trong tương lai.
Tuy nhiên, mấu chốt của sức bật tinh thần là giúp chúng ta có thể suy nghĩ trong những lúc khó khăn, cân nhắc các phản ứng về mặt hành vi và cảm xúc của bản thân cho dù đang đối mặt với thử thách nào đi nữa. Nói cách khác, sức bật tinh thần giúp chúng ta ứng phó với tình huống một cách tích cực, chủ động và sáng tạo. Với sức bật tinh thần, chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội, học hỏi từ nghịch cảnh và xây dựng các chiến lược để đảm bảo tình trạng thể chất và tinh thần luôn ở mức có thể kiểm soát. Hãy hình dung con lật đật - cho dù bị ngã bao nhiêu lần, nó sẽ luôn bật dậy - với một nụ cười trên môi. Con lật đật lắc lư nhưng nó không đổ. Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể áp dụng khả năng hồi phục này khi đối mặt với những biến cố không thể tránh khỏi trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân.
Quyển sách này được viết để giúp bạn vực dậy bản thân - mang lại cho bạn sức bật để đương đầu với những thất bại, va vấp và những sự thất vọng không thể tránh khỏi - dẫu cho cuộc sống có vẻ tuyệt diệu đến mức nào. Sức bật tinh thần có thể giúp chúng ta biến khó khăn và thử thách thành những bài học phát triển kỹ năng và sự hiểu biết. Khi đối mặt với nghịch cảnh, cảm giác đau khổ hoặc tức giận là điều dễ hiểu, tuy nhiên, người kiên cường có thể vượt qua và tiếp tục tiến lên - cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Cho dù làm việc ở đâu và giữ vai trò gì, chúng ta đều có năng lực trở nên kiên cường hơn, để thay đổi cách tư duy và phản ứng trước thất bại. Chúng ta sẽ có những lúc chùn chân, chúng ta sẽ bị thách thức, chúng ta sẽ thất vọng, nhưng nhờ nội lực, chúng ta có thể phục hồi.
Sức bật tinh thần là một khả năng có thể được phát triển, nâng cao và rèn giũa. Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có khả năng phát triển sức bật tinh thần. Sức bật tinh thần sẽ giúp bạn trên hành trình này.
Để “Sức bật tinh thần” hỗ trợ bạn tốt nhất
Quyển sách này xem xét sức bật tinh thần dưới nhiều góc độ mới. Mỗi chương sách đều có nội dung độc lập với nhau, bạn có thể đọc và áp dụng theo từng chủ đề một. Tuy nhiên, nếu đọc theo thứ tự từ đầu đến cuối, bạn sẽ xây dựng được nền tảng cho sức bật tinh thần - từ thế giới nội tâm đến thế giới bên ngoài, trong vai trò người lãnh đạo hoặc nhân viên, trong giai đoạn biến động hay giai đoạn chịu nhiều tổn thất, trong lúc hiệp lực và đoàn kết nhóm hay lúc bất đồng và lũng đoạn.
Phần Giới thiệu nêu ra bối cảnh và giới thiệu các khái niệm sẽ được phát triển và khám phá trong Sức bật tinh thần. Chương 1 tìm hiểu mối liên hệ giữa chúng ta và sự thất bại, lý do mối liên hệ này có thể trói chân một số người và cản trở quá trình học hỏi của chúng ta - gồm cả việc thử một điều gì đó không chắc chắn. “Thất bại nhanh” không khuyến khích hành động liều lĩnh, thay vào đó, nó mang đến cho bạn một khuôn khổ mà ở đó bạn được phép mắc sai lầm - không phải theo kiểu dại dột hay thiếu thận trọng - để bạn phát triển và tiến bộ trong công việc.
Chương 2 nói về não bộ, cơ thể và mối liên hệ giữa chúng với khả năng phục hồi. Mặc dù trong quyển sách này, chúng ta nhắc rất nhiều đến khả năng phục hồi về mặt tâm lý, nhưng tác động thể chất của cơ thể và khả năng thay đổi vượt trội của bộ não mới là nền tảng để phát triển sức bật tinh thần.
Chương 3 khai thác vấn đề ở mức độ sâu sắc hơn. Phần lớn bản chất của chúng ta và cách chúng ta tiếp cận cuộc sống được hình thành không chỉ trong những năm gần đây mà chính là trong những năm đầu đời, và thậm chí từ trước đó nữa: trong bụng mẹ. Chương này xem xét các yếu tố khó tiếp cận hơn trong mỗi người, những phần không dễ thấy nhưng định hình cách hành xử của chúng ta.
Chương 4 xem xét tính tất yếu của sự thay đổi và sự xáo trộn trong công việc. Những điều này có thể gây ra trở ngại, khiến ta lo lắng và căng thẳng. Chúng ta cần sức bật tinh thần để đương đầu với sự thay đổi và những tổn thất. Chương này đánh giá cách chúng ta ứng phó với thay đổi, đồng thời cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết và công cụ để đối phó với những tổn thất khó tránh khỏi trong công việc.
Chương 5 đề cập đến thuật lãnh đạo. Dù bạn là nhà lãnh đạo hay nhân viên, bạn sẽ luôn đối mặt với thử thách. Khi được nâng lên vị trí lãnh đạo, chúng ta chuyển từ vai trò thành viên trong nhóm sang một vai trò khác, với những áp lực, trách nhiệm và nhiều yêu cầu khác. Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào cho sự chuyển tiếp này? Và làm sao để chúng ta, trong vai trò nhân viên, đáp ứng những yêu cầu của nhà lãnh đạo?
Chương 6 sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về xung đột, thứ có thể gây ra trở ngại cho chúng ta vào lúc này hoặc lúc khác. Về bản chất, xung đột trong công việc đòi hỏi chúng ta phải tách hành vi ra khỏi người thực hiện, tách kết quả ra khỏi mục đích và tách quá khứ khỏi tương lai. Những bất đồng, sự công kích và hành vi bắt nạt có thể khiến chúng ta phân tâm và đi lệch hướng trong công việc. Chương này nghiên cứu những vấn đề nói trên và cung cấp một số công cụ hữu hiệu để giúp bạn phát triển sức bật tinh thần khi ứng phó với xung đột.
Chương 7 nói về mục đích: Điều gì tiếp thêm năng lượng và tạo động lực để bạn nỗ lực làm việc? Chúng ta sẽ khám phá mối liên hệ giữa cảm giác sống có mục tiêu và sức bật tinh thần, cũng như xem xét tầm quan trọng của mối liên hệ đó trong việc đương đầu với khó khăn. Chương này cũng đưa ra một số bài tập để bạn suy ngẫm về mục tiêu của mình: Điều gì thôi thúc bạn đi làm mỗi ngày? Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau.
Chương cuối cùng sẽ liên kết các nội dung chính trong quyển sách này lại với nhau và gợi ý một số phương pháp để bạn tiếp tục bồi đắp sức bật tinh thần trong công việc. Bạn sẽ được hướng dẫn cách đánh giá các ý tưởng một cách cụ thể hơn. Không chỉ ở chương cuối, mà mỗi chương trong quyển sách này đều có một hoặc một vài bài tập giúp bạn trau dồi nhận thức và kiến thức. Bạn có thể làm các bài tập này nhiều lần. Một số bài tập cần bạn dành ra vài phút; một số khác, chẳng hạn như bài tập Tự đánh giá sức bật tinh thần của bản thân, có thể khiến bạn tốn nhiều thời gian hơn vì bạn sẽ đào sâu vào những vấn đề đáng được cân nhắc kỹ càng. Việc làm bài tập Tự đánh giá sức bật tinh thần của bản thânkhi bắt đầu đọc và sau khi đọc xong quyển sách sẽ cho bạn thước đo để đánh giá xem sức bật tinh thần của mình phát triển như thế nào.
Nhà tâm lý học người Pháp Boris Cyrulnik là người đầu tiên đưa ra khái niệm khả năng phục hồi tâm lý. Những tổn thương và mất mát cá nhân đã giúp ông xây dựng giả thuyết rằng điều quyết định số phận của chúng ta không phải những trải nghiệm này, mà là cách chúng ta phản ứng với các tổn thương và sự đau đớn. Ông viết về nguồn sức mạnh nội tại sẵn có ở mỗi người mà ai cũng có thể dùng để giải phóng bản thân, và về việc chúng ta có thể làm được nhiều hơn mình nghĩ. Cyrulnik nói về ngọc trai, biểu tượng của sự phục hồi kiên cường. Ngọc trai là kết quả của một hạt cát bị mắc kẹt trong con trai; hạt cát đó khiến con trai khó chịu, và để tự vệ, con trai sản sinh ra chất xà cừ bao bọc lấy hạt cát đó. Sau cùng, hạt cát được bọc xà cừ sẽ trở thành một hạt ngọc cứng cáp, sáng bóng và quý giá mà chúng ta gọi là hạt ngọc trai.
Cho dù sức bật tinh thần hiện tại của bạn như thế nào, bạn đều có thể phát triển nó. Bạn có thể xây dựng tiềm lực phục hồi tâm lý, đối mặt với tương lai bằng nhiệt huyết và năng lượng tràn đầy. Dĩ nhiên thất bại, khó khăn và sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến bạn, nhưng bạn có thể đứng dậy, bạn có thể mài giũa khả năng phục hồi.
Bài tập
Tự đánh giá sức bật tinh thần của bản thân
Khi xem xét sức bật tinh thần của bản thân, chúng ta thường nhận ra cách chúng ta nhìn nhận sức bật tinh thần của mình khác với cách người khác đánh giá về chúng ta. Có thể chúng ta dễ bị tổn thương hơn nhiều so với những gì người khác nhận định…, hoặc có lẽ vì chúng ta thường im lặng nên dễ bị đánh giá là kém mạnh mẽ. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống khác nhau, và sức bật tinh thần của chúng ta cũng có thể rất khác nhau trong các hoàn cảnh đó.
Hãy suy ngẫm về bản thân trong công việc và đánh giá xem sức bật tinh thần của mình ở mức độ nào. Hãy dùng thang điểm từ 1 tới 10, với 10 là mức kiên cường nhất. Người khác sẽ đánh giá sức bật của bạn như thế nào? Hãy nhờ một vài người (được gợi ý bên dưới) chấm điểm cho bạn. Những câu hỏi này không có đáp án đúng hay sai; mục đích của phần này là giúp bạn dừng lại và xem xét bản thân kỹ hơn một chút.
Theo thang điểm từ 1 đến 10:
• Bạn đánh giá sức bật tinh thần của bản thân ở mức nào?
• Cộng sự của bạn cho bạn bao nhiêu điểm?
• Đồng nghiệp đánh giá bạn ra sao?
• Cố vấn/huấn luyện viên của bạn (nếu có) chấm cho bạn bao nhiêu điểm?
• Sếp trực tiếp của bạn cho bạn bao nhiêu điểm?
• Bạn bè cho bạn bao nhiêu điểm?
Hãy nhìn những điểm số này và suy ngẫm về ý nghĩa của chúng. Có sự chênh lệch nào không?
Lưu ý: Khi tìm hiểu về cách bạn tự đánh giá và cách người khác nhìn nhận bạn, hãy cân nhắc mức độ lạc quan hoặc bi quan của bản thân. Hãy xem lại cách bạn hành động khi vấp ngã trong quá khứ. Bạn dễ dàng vượt qua và đi tiếp, hay bạn để những trải nghiệm này đeo bám?
Tự nhận thức về sức bật tinh thần của bản thân
Hãy dành thời gian trả lời các câu hỏi bên dưới. Hãy nghiền ngẫm từng vấn đề, và việc này sẽ giúp bạn hiểu mối quan hệ giữa bạn và sức bật tinh thần hiện tại của mình. Cần nhớ rằng đây không phải một mối quan hệ bất biến. Nó có thể thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Có thể bạn cần mất một ít thời gian để hoàn thành bài tập này, vì bạn phải chiêm nghiệm những trải nghiệm của mình. Đừng vội trả lời hết các câu hỏi; hãy dành thời gian để hiểu được các nền tảng tạo nên con người bạn, và mối quan hệ giữa các nền tảng này tác động đến sức bật tinh thần của bạn như thế nào. Bài tập này có thể giúp bạn nhìn ra những “điểm mù” trong nhận thức về bản thân.
1. Cuộc sống gia đình của bạn có ổn định không?
2. Hồi nhỏ bạn có gặp phải cú sốc tâm lý hay sự thay đổi đặc biệt nào không?
3. Bạn có phải đối mặt với nhiều thử thách trong đời chưa?
4. Bạn đương đầu với nghịch cảnh như thế nào, bao gồm những thử thách lớn lẫn những trở ngại nhỏ?
5. Bạn có tự nhận mình là người bi quan không?
6. Hay bạn là một người lạc quan?
7. Bạn vượt qua trở ngại và nỗi thất vọng nhanh đến mức nào?
8. Đồng nghiệp mô tả cách bạn đối phó với trở ngại và nỗi thất vọng như thế nào?
9. Bạn đã rút được điều gì về bản thân khi đối phó với sự thất vọng?
10. Bạn đã nhận được sự hỗ trợ nào từ người khác?
11. Bạn đã giúp bản thân vượt qua khó khăn như thế nào?
Lý do để kiên cường
Hãy đánh dấu vào những câu đúng với bạn.
Tôi muốn trở nên kiên cường hơn để:
1. Cảm thấy tự tin hơn.
2. Trở thành một người quản lý giỏi hơn.
3. Hỗ trợ những người xung quanh.
4. Có thể vượt qua…
5. Bớt hồi hộp.
6. Bớt lo lắng.
7. Dám nói từ chối.
8. Cân bằng công việc - cuộc sống tốt hơn.
9. Đạt được nhiều thành tựu hơn.
10. Bớt lãng phí thời gian nghi ngờ bản thân.
11. Tận hưởng thành công của mình.
12. Thăng tiến.
Để nâng cao khả năng tự nhận thức, hãy xếp các câu trên theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 10, với 1 là mức độ quan trọng cao nhất.
Tôi muốn trở nên kiên cường hơn để:
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
9.
10.
11.
12.
Thước đo sự kiên cường
Hãy xác định vị trí của bạn trên trục kiên cường bên dưới. Một đầu là hoàn toàn không có chút kiên cường nào; bạn kiệt sức và không nghĩ được bất kỳ triển vọng nào trong tương lai. Đầu bên kia là trạng thái phấn chấn, hào hứng và sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề. Vị trí của bạn là ở đâu?
Lưu ý: Đây không phải một lựa chọn tuyệt đối và bạn không bị giới hạn bởi thời gian. Bạn có thể thay đổi vị trí trên trục này sau khi hoàn thành một công việc, một dự án, hay thậm chí là sau một ngày!
Yếu ←-------------------→ Cực kỳ mạnh mẽ