Chúng ta phải thêm dầu để giữ cho ngọn đèn luôn tỏa sáng.
- Mẹ Teresa
Khiêm tốn là một trong những từ bị hiểu nhầm và áp dụng sai nhiều nhất trong tất cả các ngôn ngữ. Khiêm tốn không có nghĩa là thụ động và phục tùng, nó cũng không phải là những cái hạ vai cung kính, những cái cúi đầu, hay khúm núm nhìn xuống. Đó là khả năng tiếp thu sự chỉ bảo và rèn luyện. Nó hàm ý rằng ta phải cam kết không ngừng học hỏi, phát triển, và mở rộng. Vươn tới một cuộc sống đỉnh cao, với tư thế thẳng vai và ngẩng cao đầu khi chúng ta nỗ lực để đạt được những điều tốt đẹp nhất cho chính bản thân mình, và rồi đưa tay ra để giúp đỡ những người khác. Và sau đó, hãy lại bắt đầu.
Khiêm tốn được xem như "trục quay của bánh lái", là yếu tố cốt lõi giữa sự tự chủ và khả năng lãnh đạo. Tại đây, ngay phần giữa của cuốn sách này, hãy kết nối những từ ngữ ở năm chương đầu về quá trình tự khám phá và phát triển bản thân cùng với các từ đặc trưng của năm chương cuối – những từ cho phép chúng ta giúp đỡ, truyền cảm hứng và tạo khả năng dẫn dắt người khác. Chúng ta không thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai nếu bản thân không được ảnh hưởng. Chúng ta không thể thay đổi thế giới nếu không tự thay đổi chính mình.
Với sự khiêm nhường, quá trình chuyển đổi này hoàn toàn có thể xảy ra.
"Humility" có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là "humus", có nghĩa là đất, đặc biệt là loại đất hữu cơ sẫm màu và chứa nhiều dưỡng chất. Khi được gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ, hạt giống sẽ biến hóa diệu kỳ. Quả sồi sẽ phát triển thành cây sồi. Nếu được gieo trồng cẩn thận vào mùa xuân thì những hạt giống nhỏ bé nhất cũng sẽ đem đến một mùa bội thu vào mùa thu. Tất cả đều bắt nguồn từ khả năng nuôi dưỡng của đất - humus.
Khi có đủ "đất" (humus) trong cuộc sống của mình, chúng ta sẽ trưởng thành và phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho những người xung quanh cùng phát triển. Sự khiêm nhường chính là dưỡng chất nuôi ta khôn lớn.
Chìa khóa để phát triển
Quá trình phát triển có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Sự trù phú hiếm khi được tạo ra trên nền đất khô cằn, nứt nẻ. Một vụ mùa tươi tốt không thể nào là kết quả của sự bỏ bê, thiếu bàn tay chăm sóc. Chúng ta có thể trưởng thành và học hỏi bằng việc loại bỏ, cho đi những cái cũ để nhường chỗ cho một điều gì đó mới mẻ hơn. Đôi khi, ta cần phải bổ sung dưỡng chất để nuôi lớn nó. Chỉ có cày xới, gieo trồng và cắt tỉa cẩn thận mới có thể đem đến một vụ mùa tươi tốt.
Khi phát triển năng khiếu của bản thân, thực chất là chúng ta đang tạo ra lợi ích cho tất cả mọi người, bao gồm cả chính mình. Năng khiếu và tài năng của chúng ta tăng lên khi được nuôi dưỡng một cách tự nhiên. Ngược lại, khi làm ra vẻ biết tất cả, chúng ta đang đánh mất cơ hội để phát triển và mở rộng tài năng của bản thân. Khu vườn luôn đáp lại tình cảm và sự chăm sóc mà nó nhận được từ người làm vườn. Phát triển bản thân tức là yêu chính mình.
Những khả năng vô hạn luôn chờ đợi những ai có đủ khiêm tốn để thừa nhận rằng mình không biết tất cả. Thành công chỉ được tìm thấy ở những người biết nuôi dưỡng thái độ học hỏi suốt đời.
"Success" (thành công) và "humility" (sự khiêm tốn) là hai từ ít được sử dụng thay thế cho nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Giống như "humility", "success" cũng bắt nguồn từ đất. "Success" có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là "succeder", có nghĩa là nỗ lực đi lên. Vế giữa "cede" là một cách gọi khác của "seed" (hạt giống). Khi xuyên qua đất để hướng đến ánh sáng, hạt giống sẽ đi theo con đường thành công và quá trình tiếp nối. Nỗ lực đi lên là thành công. Và cách duy nhất để đi lên là tận dụng lợi thế của mùn đất dồi dào (humus). Chúng ta gieo trồng những hạt giống thành công trên "mảnh đất" của sự khiêm tốn. Không có sự khiêm tốn đích thực nào mà không có thành công và ngược lại, không có sự thành công thực sự nào lại thiếu đức tính khiêm tốn.
NHỮNG BUỔI CHIỀU CÙNG VỚI ARTHUR
Tôi nhớ một buổi chiều khi Arthur tình cờ dạy tôi về sự khiêm tốn và khẳng định rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cuộc hành trình tự hoàn thiện bản thân. Hôm đó, tôi bị trễ giờ. Khi tôi đến khu nhà hưu trí và đi xuống đại sảnh về phía phòng của Arthur, ông đã ở đó, đang ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang để đợi tôi. Ông đang đọc một cuốn sách. Tôi nhìn thấy tựa đề khi ông gấp sách lại: Spellbound. Ngay bên ngoài đã là một tiêu đề hấp dẫn, có lẽ ẩn chứa bên trong sẽ là một nội dung vô cùng bí ẩn, hoặc một câu chuyện đầy ly kỳ, phấn khích.
Sau đó, tôi đọc phần tựa phụ: The Surprising Origins and Astonishing Secrets of English Spelling (tạm dịch: Nguồn gốc và những bí mật đáng kinh ngạc của cách đánh vần tiếng Anh).
Đây là nhà nghiên cứu từ vựng học vĩ đại nhất mà tôi từng gặp, một "kho" từ vựng độc nhất vô nhị, và ngay cả ở tuổi 90, ông vẫn đang đọc một cuốn sách về việc đánh vần. Để trở thành người hướng dẫn, trước hết bạn phải là và luôn là một học trò.
Khi bước vào "văn phòng" của Arthur – nói đúng hơn là một chỗ ngồi ở góc phòng – tôi "trêu" ông về loại sách mà ông đang đọc. Không chút chậm trễ, Arthur đã đáp lại: "Sự tinh thông (mastery) là điều mà ta phải theo đuổi suốt đời".
Tiếp tục nói về từ "master" và theo cách mà chỉ có ông mới làm được, Arthur đã làm sống lại từ này bằng cách giải thích về nguồn gốc sử dụng ban đầu của nó. Ông có biệt tài trong việc đưa ra những từ thông dụng, dễ nhận biết và rồi khám phá ý nghĩa ban đầu của chúng ẩn dưới nhiều lớp phủ của thời gian.
Không ai có thể trở thành ông chủ chỉ sau một đêm, Arthur giải thích. Đó là cả một quá trình. Đầu tiên, anh ta phải là người học việc, sau đó là một người thợ, và cuối cùng mới có thể trở thành ông chủ.
Người học việc. Người thợ. Ông chủ. Ba từ này nói lên tầm quan trọng của việc thực hiện những bước cơ bản và cần thiết để có được đức tính khiêm tốn xứng đáng với vai trò lãnh đạo thực sự.
Arthur trở nên vô cùng hào hứng như thể ông sắp tiết lộ về một chân lý cổ xưa. "Anh có biết rằng ‘apprentice’ có nghĩa là học trò không?", ông hỏi, sau đó giải thích rằng từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp, "apprendre", có nghĩa là học.
Ông kể lại rằng, thời gian trước, apprentice (người học việc) là tên dành cho người nào đã chọn cho mình một nghề cụ thể, người này sau đó sẽ tìm đến một bậc thầy trong làng để học các kỹ năng cần thiết cho nghề của mình. Sau khi học được tất cả những gì cần thiết từ người thầy, anh ta sẽ đi khắp nơi để mở rộng kiến thức. Cuộc hành trình đó sẽ biến người học việc thành người thợ. Người thợ sẽ phải đi thật xa để có cơ hội làm việc với những ông chủ tài giỏi – những người có khả năng giúp anh trau dồi tay nghề của mình. Theo thời gian, cuối cùng người thợ có thể trở thành ông chủ, và chu trình trên sẽ quay lại từ đầu.
"Nhưng một người thầy không bao giờ ngừng học hỏi", Arthur nói. "Dù có bao nhiêu học trò, bao nhiêu người học việc, một ông chủ hay một người thầy đích thực sẽ không ngừng học hỏi và nâng cao tay nghề của mình cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt".
Về khía cạnh này, không ai có thể sánh kịp với người thầy mà tôi đang được hầu chuyện. Khi còn là giáo sư kiêm trưởng khoa ngôn ngữ của trường đại học, ông từng xin nghỉ phép để ghi danh tại trường Đại học Georgetown, nơi ông đã học tiếng La-tinh và tiếng Hy Lạp từ một vị linh mục nổi tiếng người Do Thái.
Trong căn phòng của mình, Arthur kể lại những trải nghiệm đó như cách một cầu thủ bóng chày hồi tưởng lại những cú đánh bóng ghi điểm của mình. Trong chuyến nghỉ hè đến Na Uy, Arthur đã gõ cửa Đại học Oslo và hỏi họ khi nào sẽ khai giảng các khóa học tiếng Na Uy. Họ trả lời rằng có một khóa sơ cấp dành cho người mới bắt đầu vào buổi sáng, một khóa trung cấp vào buổi chiều, và một khóa nâng cao vào buổi tối. "Tuyệt", Arthur nói. "Tôi sẽ đăng ký cả ba". Điều đáng nói ở đây là chỉ trong một vài tháng ngắn ngủi sau khi trở về, ông đã viết và xuất bản một cuốn sách giáo khoa về việc học tiếng Na Uy.
Niềm khao khát kiến thức vô bờ đã giúp Arthur vượt qua những năm tháng cô đơn, giá lạnh của cuộc đời. Ông chính là hiện thân cho ý nghĩa của từ "bậc thầy" (master), và tôi luôn nhận thấy mình đã may mắn biết bao khi được là "người học việc" của ông.
Những người có thu nhập cao là những người biết học hỏi
Những câu nói của Arthur khiến tôi nhớ đến một công trình nghiên cứu mà mình đã thực hiện khi còn phụ trách bộ phận kinh doanh và đào tạo tại Franklin. Khi đó, chúng tôi muốn tìm hiểu về sự khác biệt giữa các nhà sản xuất hàng đầu – những người kiếm được hàng trăm ngàn đô-la mỗi năm – và những người chỉ kiếm được một phần mười con số đó. Điều gì đã khiến họ đáng được chú ý? Điều gì khiến họ trở nên vượt trội so với người khác? Đâu là điểm khác biệt giữa một bậc thầy bán hàng có thu nhập cao với một người chỉ có mức thu nhập tối thiểu?
Chúng tôi đã thuê một công ty tư vấn để giúp xác định sự khác biệt này, và sau nhiều giờ phỏng vấn cũng như nhiều tuần nghiên cứu, các chuyên viên đã tổng kết bằng một câu hết sức ngắn gọn, súc tích: những người có thu nhập cao là những người biết học hỏi.
Những nhân viên hàng đầu của chúng tôi đều là những người luôn học hỏi bằng sự đam mê và cống hiến. Họ không ngừng tiếp nhận những thông tin mới. Chúng tôi phát hiện ra rằng họ đọc trên hai mươi cuốn sách mỗi năm. Họ luôn cập nhật kiến thức của bản thân về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là những chủ đề liên quan đến nhu cầu của khách hàng.
Dường như họ hiểu rõ về khách hàng hơn là chính bản thân khách hàng đó. Những nhân viên bán hàng xuất sắc của chúng tôi luôn hiểu rõ từ trong ra ngoài từng sản phẩm, cùng các tính năng cụ thể và lợi ích của nó. Dù ở vị trí dẫn đầu và được nhiều người nể trọng nhưng không ai trong số họ nghĩ rằng mình biết tất cả. Họ đã chứng minh được đức tính khiêm nhường của mình bằng cách không ngừng tìm kiếm để học hỏi, luôn khát khao vươn đến một tầm cao mới về trải nghiệm và chuyên môn.
Một nhà lãnh đạo khiêm tốn
Trong thời gian làm cố vấn trong ngành du lịch và khách sạn, tôi đã quen biết Norman Brinker, một nhà triệu phú khiêm tốn và là một ông chủ nhà hàng kiệt xuất. Ở Norman không toát lên điều gì thể hiện sự giàu có và sức ảnh hưởng to lớn. Ông không có vẻ gì hống hách cũng không sống tách biệt. Một buổi sáng thứ Hai, tôi được mời đến dùng bữa tại ngôi nhà của ông ở Dallas trước khi bắt chuyến bay trong ngày.
Tôi đã biết được câu chuyện về Norman. Ông lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng khốn khó ở Roswell, New Mexico. Công việc đầu tiên của ông là giao báo bằng xe đạp, sau đó bằng ngựa, cuối cùng là bằng ô tô khi tuyến đường nông thôn được mở rộng. Từ một khởi đầu hết sức khiêm tốn, ông đã đạt đến những thành quả mang tính chuẩn mực. Ông từng là vận động viên cưỡi ngựa ở Thế vận hội, và cũng từng tham dự cuộc thi năm môn phối hợp hiện đại – bao gồm các môn chạy, bắn súng, cưỡi ngựa, đấu kiếm và bơi lội tại các giải vô địch thế giới. Ông trở thành một nhà từ thiện huyền thoại. Với tư cách một doanh nhân và là người tiên phong trong ngành công nghiệp ăn uống, ít ai có thể sánh kịp với Norman Brinker.
Norman luôn truyền cảm hứng cho tôi bằng sự nhiệt tình và niềm đam mê trong cuộc sống. Ông luôn nỗ lực hết mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Ngày hôm đó, tôi đã lên một danh sách dài gồm những câu hỏi mà mình muốn đặt ra với Norman Brinker vĩ đại. Ông đã cách mạng hóa ngành công nghiệp nhà hàng như thế nào? Làm cách nào ông đã biến một vài nhà hàng nhỏ bé thành một tập đoàn Brinker International trị giá hàng tỷ đô-la, công ty mẹ của những chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Chili’s, Romano’s Macaroni Grill, On The Border Mexican Grill, và Maggiano’s Little Italy? Làm cách nào ông có thể tạo ra một kiểu văn hóa doanh nghiệp sống động, sáng tạo, và phù hợp đến vậy? Làm sao ông biết được rằng người Mỹ rất thích thưởng thức các món ăn trong một không gian thoải mái, tự nhiên? Điều gì khiến ông nghĩ đến kiểu nhà hàng tự phục vụ đầu tiên? Làm thế nào ông cải tiến chuỗi nhà hàng Chili’s của mình để phục vụ món cuộn fajitas chiên giòn ngon tuyệt? Vì sao sự tham gia của ông có thể thu hút được sự ủng hộ rộng rãi trong buổi ra mắt của tổ chức Susan G. Komen Breast Cancer Foundation, một trong những tổ chức phi lợi nhuận thành công nhất thế giới?
Nhưng tôi không thể hỏi được một câu nào. Vì sao ư? Bởi Norman đã hỏi tôi tất cả những điều ấy. Ông muốn biết về cuộc sống của tôi, về các mục tiêu và mơ ước, về những lợi ích và thành tựu mà tôi đã đạt được. Ông ấy tò mò như một đứa trẻ hiếu kỳ.
Bạn bè thân thiết và cộng sự của ông đều xác nhận rằng Norman làm thế với tất cả những người mà ông gặp gỡ, không bao giờ tỏ vẻ hống hách hay độc đoán, luôn biết lắng nghe, luôn quan tâm đến người khác nhiều hơn chính bản thân mình. Ông nâng đỡ tinh thần mình bằng cách nâng đỡ tinh thần của người khác, ông hoàn thiện bản thân bằng cách hoàn thiện người khác.
Hàng chục nhà quản lý vốn từng là những người học việc của Norman và từng quan sát cách lãnh đạo khiêm nhường của ông đã xem ông như một tấm gương để học tập. Những người này hiện đều giữ chức Giám đốc điều hành của các công ty như Chili’s, Outback Steakhouse, P.F Chang’s, Buca di Beppo, T.G.I Friday’s, và Pei Wei Asian Diner, v.v. Họ có một điểm chung: Tất cả đều trưởng thành từ "mảnh đất màu mỡ" của Norman Brinker.
Thói quen khiêm tốn
Một trong những người thầy vĩ đại trong cuộc đời tôi là Tiến sĩ Stephen R. Covey. Ông đã từng dạy tôi rằng sự khiêm tốn là "khởi nguồn của mọi đức hạnh". Sự hỗ trợ bền bỉ và hào phóng của ông đã góp phần rất lớn trong quá trình hoàn thiện cuốn sách này. Ông là hiện thân của những gì tạo nên "viên ngọc bích" mà chúng ta gọi là sự khiêm tốn. Khi thảo luận về một từ hoặc một ý nghĩa đặc biệt, ông thường nói: "Bạn đánh vần từ đó như thế nào? Nó có nghĩa là gì? Nguồn gốc của nó ra sao?".
Mặc dù được xem là một trong những nhà định hướng tư tưởng hàng đầu hiện nay nhưng Stephen vẫn thấy cần phải luôn chiến thắng chính mình bằng cách tự phát triển và hoàn thiện bản thân. Không có gì bất ngờ khi bước vào nhà ông và nhìn thấy sách xuất hiện ở khắp nơi, trong phòng làm việc, phòng khách, nhà bếp, thậm chí là bên cạnh bồn tắm. Những chồng sách này đánh dấu con đường của một độc giả cần mẫn luôn dành thời gian đọc qua một vài cuốn sách mỗi ngày. Một lần nữa, từ những kết quả nghiên cứu ở đội ngũ bán hàng của chúng tôi tại Franklin, độc giả chính là người định hướng, và một người định hướng phải không ngừng học tập.
Được tạp chí Time bình chọn là "một trong hai mươi lăm người Mỹ có ảnh hưởng nhất" trong thời đại của chúng ta, Stephen vẫn luôn nỗ lực mỗi ngày để chứng tỏ rằng một người cần phải được ảnh hưởng trước khi có thể gây ảnh hưởng đến người khác. Người dạy chúng ta 7 thói quen của người thành đạt đã biến sự khiêm tốn thành thói quen cốt lõi trong cuộc sống của chính mình.
Đối với Stephen, việc vươn tới cuộc sống đỉnh cao vượt ra khỏi giới hạn của một phương châm sống đơn thuần. Ông đang ở độ tuổi xế chiều nhưng vẫn giảng dạy, học tập và thực hành đức tính kh- iêm tốn mỗi ngày. Đó là một thói quen, là cách sống, là lối học tập và là con đường không ngừng hoàn thiện bản thân. Và không có gì ngạc nhiên khi Norman Brinker cho rằng phần lớn thành công trong sự nghiệp của mình đều nhờ vào những bài học mà ông đã học được từ bậc thầy Stephen Covey.
Giảng dạy chính là một cách thể hiện. Bạn không thể dạy những gì bạn không biết. Bạn không thể là người dẫn đường đến những nơi mà mình chưa từng đi qua. Bạn không thể trồng cây nếu không gieo hạt.
Gieo trồng hạt giống
Như tôi đã kể, việc Tiến sĩ Gerald Bell tình cờ xuất hiện trong cuộc hành trình của chúng tôi tại vùng đất hoang sơ của Wyoming đã đưa đến những cuộc trò chuyện giúp tôi nhận ra mối liên hệ giữa sự khiêm tốn và việc thiết lập mục tiêu. Công trình nghiên cứu của ông về các giám đốc nghỉ hưu đã tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức để thực hiện và hoàn thành. Những người được khảo sát đều ở độ tuổi trung bình 70, và khi được hỏi sẽ làm gì nếu có cơ hội bắt đầu cuộc sống của mình lại một lần nữa, họ đều tỏ ra hối tiếc sâu sắc vì đã không lên kế hoạch tốt hơn cho cuộc đời mình. Những câu trả lời mà ông nhận được đều nói rằng: "Hẳn tôi sẽ đặt ra các mục tiêu và làm chủ cuộc đời mình", "Cuộc sống không phải là một bài thực hành, nó chính là thực tế diễn ra mỗi ngày", "Đúng ra tôi nên làm chủ cuộc đời mình bằng việc thiết lập mục tiêu", "Hẳn tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc phát triển bản thân", "Hẳn tôi sẽ lên kế hoạch rõ ràng hơn cho sự nghiệp của mình".
Việc lên kế hoạch đòi hỏi phải có mục đích và sự chuẩn bị. Việc lập kế hoạch cũng giống như trồng cây. Đầu tiên, chúng ta phải gieo trồng hạt giống để nó có cơ hội phát triển. Trái với quan điểm thông thường, một người cần phải có đức tính khiêm nhường thật sự để trước hết là lên kế hoạch, và kế tiếp là theo đuổi việc thực hiện kế hoạch đó nhằm đạt được những mục tiêu có giá trị. Những người sống giả tạo - không theo đuổi những gì phù hợp với mình, không đánh giá đúng tiềm năng của bản thân, không thừa nhận giới hạn trong khả năng của mình - sẽ hứng chịu sự sỉ nhục, một trạng thái hoàn toàn đối lập với sự khiêm nhường.
Tư duy của người mới bắt đầu
Ở phương Đông, các bậc thầy vĩ đại đã phát triển một quan điểm sắc sảo được gọi là "tư duy của người mới bắt đầu". Trong bộ môn võ thuật, đai đen – biểu tượng mà người phương Tây thường dùng để nói đến những thành tựu to lớn – là dấu hiệu của một sự khởi đầu nghiêm túc. Quan điểm này được mô tả bằng một từ duy nhất "shoshin". Với kiểu chữ cổ xưa là 初心, từ này mô tả một thái độ cởi mở và háo hức. Thiền sư Shunryo Suzukiroshi giải thích, "Trong tâm thức của người mới bắt đầu, có rất nhiều khả năng, nhưng trong tâm thức của các chuyên gia thì lại rất ít". Những người áp dụng shoshin cam kết không mang thành kiến khi nghiên cứu một chủ đề. Ngay cả khi ở trình độ cao, họ vẫn tiếp cận vấn đề đó như một người mới bắt đầu.
Việc phát triển shoshin đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên nhẫn và sẵn sàng lắng nghe, quan sát và học hỏi từ những người xuất hiện trên con đường của mình. Tại Vienna, nơi Pravin Cherkoori đã dạy tôi từ "Genshai", anh đã tuyên bố: "Chẳng phải cuộc sống là điều kỳ diệu sao! Thử tưởng tượng mình là một cái thùng rỗng và mỗi người ta gặp là một cái giếng – hãy xem chuyện gì xảy ra khi đặt chiếc thùng ấy ở dưới vòi nước chảy ra từ cái giếng kia nào. Tất cả mọi dưỡng chất duy trì sự sống và tạo ra sự phát triển sẽ chảy ngay vào trong chiếc thùng của ta".
VÀI DÒNG SUY NGẪM VỀHUMILITY - SỰ KHIÊM TỐN
Tôi thay đổi khi đương đầu và chinh phục thử thách.
Thay đổi có nghĩa là chuyển hướng hoặc tìm cách thích nghi.
Một hạt giống vốn ngủ yên sẽ phát triển thành cây con – một thực thể biết chuyển hướng và vươn mình xuyên qua đất để đạt đến sự hoàn thiện của bản thân.
Thử thách tạo ra sự thay đổi, và sự thay đổi sẽ thúc đẩy quá trình phát triển.
Thiết lập mục tiêu là phương pháp để tạo ra các thách thức một cách có chủ đích.
Giống như nguồn nước, mục tiêu có sức mạnh nuôi dưỡng tôi. Những mục tiêu được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ cho tôi sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Năng khiếu và tài năng sẽ là nguồn năng lượng để đạt được những mục tiêu đã đề ra; nhưng nếu
không được phát triển, tài năng đó sẽ bị suy giảm. Đó là quy luật của sự hao mòn: sử dụng hoặc đánh mất nó. Sự hao mòn có nghĩa là lãng phí. Giống như cơ bắp của chúng ta, tài năng sẽ mất đi nếu không được sử dụng. Khi được thử thách và vận động, cơ bắp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Kiên trì phấn đấu và mở rộng… Thay đổi và trưởng thành…
Mở rộng tầm với và phát triển… Đó chính là giá trị cốt lõi của sự khiêm tốn.
Bằng cách nhận biết những năng khiếu cụ thể cần phát triển, tôi sẽ bắt đầu cuộc hành trình tự hoàn thiện bản thân và biến cuộc sống của mình thành một kiệt tác.
Như nhà biên kịch người Anh Philip Massinger đúc kết: "Những ai muốn chỉ huy người khác, trước hết phải làm chủ được chính mình".