Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.
– Leonardo da Vinci
Bầu trời trở nên u ám khi máy bay cất cánh rời khỏi Miami, và tôi đang bắt đầu cuộc trò chuyện với hành khách ngồi kế bên, một quý ông tên Sita Patel đến từ Ấn Độ. Chúng tôi đang nhận xét về thời tiết u ám của ngày hôm đó thì chiếc chuyên cơ bỗng đâm xuyên qua những đám mây và đi vào vùng ánh sáng rực rỡ đến mức chúng tôi phải kéo rèm cửa xuống để tránh những tia nắng chói chang đó.
Sự thay đổi đột ngột này khiến cho vị khách bên cạnh tôi nhớ lại một kỷ niệm. Anh quay sang tôi và nói: "Hồi còn bé ở Bombay, có một lần tôi trở về nhà vào một ngày u ám và mẹ tôi đã hỏi: ‘Hôm nay thế nào con trai?’. ‘Hôm nay là ngày không tốt, thời tiết thật ảm đạm’, tôi đáp, ‘mặt trời chẳng khi nào xuất hiện cả’. Và mẹ tôi đã nói: ‘Mặt trời đã xuất hiện. Mặt trời luôn xuất hiện. Chỉ có điều con không nhìn thấy đó thôi. Con à, con phải học cách nhìn thấy những gì ẩn sau những đám mây’".
Nhìn thấy một thế giới hoàn toàn mới
Người ta từng nói: "Khi chúng ta thay đổi cách nhìn nhận sự việc, những thứ mà ta nhìn nhận đó sẽ thay đổi". Có lẽ về điểm này, không ai có thể sánh được với Leonardo da Vinci, họa sĩ vĩ đại, nhà phát minh, nhà khoa học, nhà thiết kế người Ý, người có khả năng nhìn trước tương lai đến hàng trăm năm. Cách thức nhìn nhận sự việc một cách mới mẻ của ông, khi đến thời điểm thích hợp, sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới về đất trời và biển cả; trong khi đó, Christopher Columbus, người đồng hương của ông, đã mở ra một thế giới mới khác bằng việc khám phá ra châu Mỹ.
Không chỉ là một họa sĩ thiên tài đã vẽ nên những kiệt tác nổi tiếng như Nàng Mona Lisa, Bữa tối cuối cùng của Chúa và vô số tác phẩm khác, da Vinci còn là một nhà cải cách bậc thầy. Với bộ óc nhạy bén, ông quan sát tất cả mọi thứ xung quanh dưới những góc độ chưa từng có trước đây. Ông nghiên cứu đặc tính và quy trình hoạt động đơn giản của tự nhiên: cách chim bay, dòng thủy triều, hình thái con người và tính đối xứng của nó, hầu như không điều gì có thể thoát khỏi sự quan sát độc đáo của ông. Trong xưởng vẽ của mình, ông để lại một bộ sưu tập gồm những cuốn sổ ghi chép – các ghi chú và bản vẽ chi tiết về những phát minh mà nhiều thế kỷ sau đó đã trở thành xe đạp, tàu lượn, máy bay, trực thăng, xe tăng, người máy, con quay, thiết bị cứu hộ, thuyền, dù, cần cẩu. Ông đã nhìn thấy trước được những điều kỳ diệu trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng, máy móc mà cả thế giới chỉ bắt đầu đánh giá hoặc phát triển rất lâu sau khi ông qua đời. Hơn năm trăm năm sau, chúng ta vẫn khó có thể hiểu hết được những gì mà "người đàn ông tài hoa thời Phục hưng" này dự tính.
Khi được hỏi về bí quyết cho những tài năng của ông, da Vinci thường trả lời bằng thành ngữ mà ông xem như một phương châm sống: Sapere vedere. Cụm từ này là sự kết hợp giữa từ La-tinh "sapere" có nghĩa là biết cách, và "vedere" có nghĩa là nhìn.
Sapere vedere là biết cách nhìn. Nó chuyển câu thành ngữ "Thấy mới tin" thành "Tin ắt sẽ thấy".
Những người có sapere vedere có xu hướng nhìn về phía trước cũng như hướng vào nội tâm; họ có khả năng tin tưởng và nhìn thấy những thứ mà người khác không nhìn thấy. Da Vinci hiểu rằng chúng ta thật sự nhìn thấy bằng trí não của mình trước, tiếp đó là bằng trái tim và cuối cùng mới là bằng đôi mắt. Ông nhận ra rằng việc biết cách nhìn sẽ tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa. Nó cho phép chúng ta tập trung vào những điều mình mong đợi sẽ xảy ra thay vì vào những điều ngược lại.
Sapere vedere là một sự kết hợp ba chiều giữa khả năng nhìn về quá khứ, khả năng nhìn thấy tương lai, và khả năng nhìn thấu được bên trong.
"Hindsight" là nhìn lại quá khứ. "Hind" có nghĩa là behind (đằng sau). "Foresight" là nhìn về phía trước, hay hướng về tương lai. "Fore" có nghĩa là before (đằng trước).
"Insight" là nhìn từ bên trong. Đó chính là những điều chúng ta nhìn thấy bằng đôi mắt của tâm hồn và cảm nhận bằng nhịp đập của trái tim.
Myles Munroe đã viết trong cuốn The Principles and Power of Vision: "Thị lực là chức năng của đôi mắt, còn tầm nhìn là chức năng của trái tim… Tầm nhìn giúp bạn thoát khỏi những giới hạn chật hẹp của những gì mắt thường nhìn thấy, đồng thời cho phép bạn bước vào mảnh đất tự do của những gì trái tim có thể cảm nhận. Đừng bao giờ để đôi mắt của bạn quyết định những điều mà trái tim bạn mách bảo". Những người không có tầm nhìn thường chỉ sống dựa vào quá khứ. Họ nhìn vào những điều đã xảy ra như một điểm tựa thay vì một điểm chỉ dẫn. Vì chịu sự chi phối của những điều nhìn thấy trong quá khứ, họ cho rằng con đường của mình sẽ luôn được lặp lại như thế. Ngược lại, dấu hiệu nhận dạng của những người có sapere vedere là khả năng nhìn thấy không chỉ quá khứ, hiện tại mà cả tương lai. Bằng cách tập trung vào những gì tồn tại trong tâm trí mình và luôn nhìn về phía trước, chúng ta sẽ được tầm nhìn dẫn lối.
NHỮNG BUỔI CHIỀU CÙNG VỚI ARTHUR
Arthur đã nhảy lên như một đứa trẻ vào ngày chúng tôi nghiên cứu về từ "vision" (tầm nhìn) và "sapere vedere". Những từ đó đã khiến ông trẻ lại. Ông háo hức dạy cho tôi về những từ này đến mức gần như đi nhanh hơn cả khung tập đi để đuổi kịp tôi vào phòng khách của khu nhà hưu trí.
Sau khi chúng tôi đã đến nơi và ngồi xuống chiếc ghế cạnh lò sưởi, Arthur đưa ra một tuyên bố giống như câu hỏi: "Anh có biết là cả từ ‘vision’ (tầm nhìn) lẫn ‘wisdom’ (sự thông thái) đều nói về tầm nhìn?".
Ông giải thích rằng những từ này có nguồn gốc từ tiếng Đức cổ. "Wisdom" xuất phát từ chữ "wissen", có nghĩa là tôi hiểu những gì mình đã nhìn thấy. "Vision" xuất phát từ chữ "vissen", có nghĩa là tôi hiểu những điều mình đang nhìn thấy.
"Wisdom", ông nói tiếp, "là hiểu những điều mà chúng ta đã nhìn thấy. "Vision" là hiểu những điều ta đang thấy. Còn "sapere vedere" là biết cách nhìn.
Arthur chỉ về phía lò sưởi ngay cạnh chúng tôi. Từ gốc ban đầu của từ "fireplace" (lò sưởi) là "hearth" (lòng lò sưởi) có nghĩa là heart (trái tim). Vào thời điểm đó, lòng lò sưởi là tâm điểm của tất cả những hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Sự ấm áp của ngôi nhà xuất phát từ lòng lò sưởi. Những bữa ăn duy trì sự sống đều được chế biến trong lòng lò sưởi. Những cuộc đối thoại có ý nghĩa đều diễn ra quanh lò sưởi. Nó là tâm điểm, là trái tim của ngôi nhà.
Sau đó, Arthur trích câu tục ngữ: "Không có tầm nhìn, con người sẽ chết khô". Với tầm nhìn, con người sẽ tự tin hướng về phía trước. "Sự tự tin" có nghĩa là bước đi cùng với niềm tin. Tầm nhìn rõ ràng sẽ cho phép chúng ta tiến về phía trước với niềm tin vào chính mình.
Khi Arthur tiếp tục giải thích, tôi nhìn thấy sự hân hoan và niềm vui trong mắt ông khi ông đắm mình vào những bí mật của ngôn từ. Đó là hình ảnh của sự mãn nguyện. Cơ thể ông đã không còn khỏe mạnh như xưa, nhưng tôi nhận thấy rằng với sự hiểu biết và tầm nhìn của mình, ông có thể đi đến những nơi mà ít ai có thể hình dung được. Dù chỉ quanh quẩn trong khu nhà hưu trí nhưng ông vẫn là người tự do như bất kỳ ai trong chúng ta.
Trong một nghiên cứu gần đây, tôi đã phát hiện ra rằng mọi thứ sẽ trở nên nguy hiểm khi ta về hưu mà không có một tầm nhìn về tương lai. Nếu tầm nhìn của mọi người là "một ngày nào đó" – một ngày nào đó có được một chiếc xe, một ngày nào đó mua được một ngôi nhà, một ngày nào đó bọn trẻ có thể tự lập, một ngày nào đó có được chiếc đồng hồ bằng vàng – và nếu đó là mục đích sống của họ, thì khi đã đạt được, nhiều khả năng là họ sẽ chết trong vòng vài năm ngắn ngủi sau khi về hưu. Trạng thái lãnh đạm sẽ xuất hiện bởi vì họ không có con đường tương lai nào. (Như Arthur đã dạy cho tôi, trạng thái lãnh đạm nghĩa là không có con đường nào. Các mục tiêu, giấc mơ và niềm khao khát sẽ biến mất. Về mặt từ vựng, "sự lãnh đạm" có nghĩa là không có cảm giác. Nó đối lập với niềm đam mê và tầm nhìn). Ở đây, trước mặt tôi là một người có tầm nhìn sâu sắc. Mặc dù có sức khỏe tốt, thính giác tốt, thị giác tốt, và vô số cơ hội ở phía trước, nhưng tôi thấy mình đang ghen tị với ông.
Không giới hạn
Khi vừa xuất phát trong cuộc chạy marathon Boston ở Hopkington, Massachusetts, tôi đã nhìn thấy một người ở phía trước mình, rõ ràng là lớn tuổi hơn tôi, len lỏi một cách khéo léo giữa những người chạy khác. Đó là lễ kỷ niệm lần thứ 100 của cuộc thi chạy đường dài với hơn 40.000 người tham dự, bao gồm những người được quyền tham dự và những người ngẫu nhiên nhập cuộc. Mặc dù các nhà tổ chức đã nỗ lực kiểm soát đám đông bằng cách bố trí chạy theo đợt, nhưng một khi đã vào cuộc, cứ như thể bạn đang phải len lỏi giữa sân ga tàu điện ở New York để bắt kịp chuyến tàu.
Tôi đã để ý người đàn ông phía trước mình khi chúng tôi chờ ở vạch xuất phát. Đó là một người cân đối và gọn gàng, anh khởi động và bật người giống như hầu hết các vận động viên trước khi tham gia cuộc thi chạy cự ly 42 km. Nhưng có điều gì đó khiến anh khác biệt so với các vận động viên khác mà tôi không tài nào nhận ra được. Sau đó, nhóm của chúng tôi bắt đầu giãn rộng ra và tôi cố gắng đuổi theo người này. Anh chạy một cách rất thoải mái, cứ như thể không có ai ở đó, và nhanh chóng tăng tốc lao về phía trước.
Chỉ khi đó, tôi mới nhìn thấy một người khác cùng chạy với anh. Hai người di chuyển theo kiểu nối đuôi nhau. Khi người này sang trái, người kia cũng sang trái, khi người này sang phải, người kia cũng sang phải. Tôi tăng tốc để đến gần hơn và vô cùng bất ngờ khi nhận ra rằng người đàn ông mà tôi nhìn thấy khởi động ở vạch xuất phát là một người khiếm thị. Người chạy cùng với anh chính là người hướng dẫn; người này hướng dẫn anh chỉ với một cái chạm nhẹ ở khủy tay. Và họ như đang bay! Vài phút trôi qua và cả hai đã biến mất khỏi tầm nhìn của tôi.
Về sau, tôi đã biết được người đàn ông này là ai. Tôi đã kể câu chuyện này với người hàng xóm và anh ấy đã nói: "Đó hẳn là Harry Cordellos, có lẽ là vận động viên điền kinh khiếm thị vĩ đại nhất thế giới. Tôi đã từng hướng dẫn anh ấy trượt tuyết. Cậu nên đọc cuốn sách của anh ấy, No Limits (Không giới hạn)".
Tôi đã tìm đọc cuốn sách này, và may mắn hơn nữa là tôi đã được gặp Harry khi mời anh đến nhà cũng như phát biểu tại một buổi gặp mặt ở Núi Rocky. Harry quả là một người khác thường. Anh là người vui chuyện trên suốt đường đi; anh thường hít thật sâu và nói: "Hmm, đây có phải là loại thông làm cột không? Có phải chúng cao chừng này? To khoảng chừng này?". Và anh thường đoán đúng nhiều hơn sai.
Rõ ràng đây là một người khiếm thị, nhưng như tựa đề cuốn sách của anh, Harry không có bất kỳ giới hạn nào. Anh đã lướt ván gần 60 km từ Dana Point, California đến Catalina Island ở biển Thái Bình Dương. Có lẽ một người bình thường sẽ không thể làm được điều đó bởi họ nhìn thấy tất cả những trở ngại. Nhưng Harry cứ tiến về phía trước, như những gì anh đã làm ở cuộc chạy marathon Boston, cái nhìn từ bên trong của anh đã đưa anh đến đích cuối cùng. Anh biết được mục đích của mình và điều đó đã làm nên sự khác biệt.
Con đường và mục đích
Mục đích là phần quan trọng của sapere vedere. Một khi biết được mục đích của mình, chúng ta sẽ trở thành những người tìm đường. Việc biết được điều mình muốn làm sẽ xác định được nơi mình muốn đi và những vị trí cần đặt trọng tâm. Con đường là cách ta đi. Tầm nhìn là nơi ta đến. Mục đích là nguyên nhân để ta thực hiện chuyến đi đó.
Da Vinci đã nói: "Hy vọng rằng công việc của bạn sẽ phù hợp với mục đích mà bạn đề ra".
Từ "mục đích" (purpose) xuất phát từ "đề xuất" (propose), một từ tiếng Anh cổ được kết hợp giữa "pro" có nghĩa là forth (về phía trước) và "pose" có nghĩa là put (đặt). "Đề xuất" có nghĩa là định trước những điều mà chúng ta dự kiến sẽ xảy ra trong cuộc đời mình. Khi gắn kết cuộc đời của mình với những thứ đã được đề xuất, chúng ta đang đáp lại lời kêu gọi sống "có mục đích". Mỗi chúng ta đều được tạo ra một cách có mục đích cũng như được dành cho một mục đích, giống như vạn vật trên trái đất này.
Như Viktor Frankl đã nói: "Mỗi người đều có một thiên hướng hay sứ mệnh cụ thể của riêng mình, mỗi người đều phải thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Trong đó, không ai có thể thay thế cho ai và cuộc sống cũng không thể lặp lại".
Việc hiểu cũng như đánh giá đúng lời kêu gọi duy nhất của chúng ta là điều cốt yếu. Hai ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình là ngày ta được sinh ra và ngày ta khám phá mục đích của điều đó. Đó chính là ngày chúng ta có được tầm nhìn về con người thật sự của mình.
Hình dung về những cảm nhận mà mình sẽ đạt được
Peter Vidmar, vận động viên từng đoạt hai huy chương vàng ở Thế vận hội Olympic, chia sẻ với tôi về trải nghiệm của anh. Anh bắt đầu tập luyện cho Thế vận hội Olympic ở tuổi 12 và không tham gia cho đến năm 23 tuổi, tức là 11 năm sau. Đó là thời gian chuẩn bị rất dài, với vô số giờ tập luyện cùng một bài tập trong suốt nhiều năm. Cách duy nhất để anh tập trung trong thời gian dài đó là không ngừng nghĩ đến kết quả cuối cùng mà anh mong muốn và gắn kết nó với cảm xúc nội tại của bản thân.
"Tôi nhìn thấy điều mình muốn đạt được – một nhà vô địch Thế vận hội", Peter nói. "Điều đó rất quan trọng, nó thật sự giúp tôi tiến bước".
Việc nhìn thấy chính mình thực hiện một hành động hoàn hảo và đứng trên bục vinh quang với chiếc huy chương vàng trên ngực cũng không phải là tất cả. "Câu hỏi khi đó không hẳn là ‘Mình sẽ trông như thế nào?’ mà là ‘Mình sẽ cảm thấy như thế nào?’. Đó mới là động lực mạnh mẽ hơn nhiều", anh nói.
Mỗi ngày khi kết thúc một buổi tập luyện kéo dài sáu tiếng, Peter và đồng đội Tim Daggett của mình sẽ ở lại phòng tập khi những người khác đã ra về và tự tưởng tượng mình đang tham dự vòng chung kết Thế vận hội bằng cách hình dung những gì họ cần làm với các động tác biểu diễn. Khi ngày đó thật sự đã đến, hai người này là những vận động viên cuối cùng đại diện cho Hoa Kỳ trong trận tranh tài gay cấn với đội Trung Quốc. Khi Vidmar và Daggett biểu diễn những động tác gần như hoàn hảo – những động tác mà họ đã thấy và cảm nhận trong suy nghĩ và trong tim mình suốt nhiều năm – nước Mỹ đã giành được huy chương vàng. Ngay sau khi Thế vận hội kết thúc, tôi đã sắp xếp để Peter phát biểu trước nhóm bán hàng của tôi ở Franklin về những trải nghiệm của anh từ cuộc thi đó và vai trò quan trọng của trí tưởng tượng đối với thành công mà anh đã đạt được. Nhiều lần sau đó, khi cần giúp đỡ để hình dung ra các mục tiêu và ước mơ, tôi đều tìm đến anh. Anh không chỉ nhìn thấy bằng trí óc và đôi mắt mà còn cảm nhận sâu sắc bằng trái tim, đó chính là khả năng vô giá của Peter Vidmar.
Nhìn thấy trước khi nỗ lực đạt được
Có câu nói rằng "Tầm nhìn là thứ mà chúng ta nhìn thấy khi nhắm mắt lại". Đó là điều chúng ta nhìn thấy trước khi có thể đạt được. "Hãy mơ những giấc mơ cao đẹp", James Allen viết, "Và khi làm như vậy, giấc mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực. Tầm nhìn của bạn chính là sự hứa hẹn về những gì bạn sẽ đạt được vào một ngày nào đó".
Richard Paul Evans, người bạn, người đồng nghiệp kinh doanh của tôi, và cũng là tác giả thuộc hàng best-seller theo xếp hạng của New York Times, vừa dùng bữa với tôi và chia sẻ một câu chuyện thú vị về sức mạnh vô bờ của tầm nhìn. Anh nhớ lại những ngày đầu khi cùng vợ, Keri, và hai con của mình sống trong một ngôi nhà chật chội. Khi đó, anh vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên, The Christmas Box, và nó bắt đầu bán rất chạy nhờ vào hình thức truyền miệng. Nhìn thấy được tiềm năng mà ít tác giả mới vào nghề dám mơ đến, anh đã đặt ra mục tiêu là phải có được một cuốn sách bán chạy số 1 tại Mỹ. Sau khi hình thành được mục tiêu to lớn đó, anh lập tức ra ngoài và mua năm chiếc vòng vàng cho chính mình và những người hỗ trợ anh, những người đã cùng cam kết chứng kiến cuốn sách của anh trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ. Tất cả đều hứa sẽ đeo chiếc vòng này cho đến khi đạt được mục tiêu đó.
Richard kể với tôi về sự phấn khích của anh khi đeo chiếc vòng vào cổ tay mình và việc nó trở thành vật nhắc nhở thường xuyên về tầm nhìn của anh đối với cuốn sách. Đó là một sự gắn kết giữa cảm xúc với mục tiêu. Bất cứ khi nào bắt tay, viết, hay nhấc điện thoại, anh đều nhớ đến mục tiêu mà mình đã đặt ra. Richard thể hiện niềm hân hoan không giấu giếm khi nhắc đến cảm giác vui sướng tột độ của anh nhiều tháng sau, khi được tạp chí People nhắc đến tên anh với tư cách tác giả của cuốn sách số 1 tại Mỹ. Khi được chụp hình để đăng trong bài báo đó, anh đã đưa tay ra và đẩy chiếc vòng vàng ra sát cổ tay để bốn người còn lại – những người cũng đeo chiếc vòng vàng giống hệt anh – có thể thấy rằng họ đã đạt được tầm nhìn chung của mình. Hình ảnh đó được lặp lại khi anh xuất hiện với tư cách khách mời của Katie Couric trong chương trình trò chuyện và tin tức buổi sáng Today. Anh nhìn vào máy quay, đưa tay lên và một lần nữa đẩy chiếc vòng ra sát cổ tay, với hàm ý khẳng định rằng giấc mơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu bạn cảm nhận được chúng và nhìn thấy chúng một cách rõ ràng.
Với mười lăm triệu bản in và mười bốn cuốn sách bán chạy liên tiếp trên New York Times sau đó, Richard Paul Evans hoàn toàn tin tưởng vào việc tạo ra tầm nhìn để đưa mình hướng về phía trước. Anh đã thành lập một tổ chức quốc tế có tên Christmas Box House International với mục đích ngăn chặn tình trạng lạm dụng trẻ em và bảo vệ những trẻ em bị bỏ rơi. Giờ đây, anh vẫn tiếp tục liệt kê và thực hiện những giấc mơ nung nấu trong tim, trong tâm trí mình.
Chúng ta chính là người quyết định tầm nhìn của mình. Chúng ta quyết định những điều mình muốn, những điều mình mơ ước, và những mục tiêu mà mình hướng tới. Gandhi đã nhìn thấy một Ấn Độ tự do. Người khác không nhìn thấy, nhưng điều đó không quan trọng bởi chính ông đã nhìn thấy. Chúng ta được tự do lựa chọn những giấc mơ của mình. Không có bất kỳ giới hạn nào. Sự thành công của bản thân, sự tinh thông trong công việc, thể chất dồi dào, gia đình viên mãn, các mối quan hệ phong phú, hòa bình, sức khỏe và sự ấm no hạnh phúc, hành động quên mình, một di sản kế thừa: nếu có thể hình dung về nó, chúng ta đều có thể đạt được.
Tấm bảng tầm nhìn
John Assaraf – một người bạn quý, một nhà doanh nghiệp phi thường – là bậc thầy sử dụng tầm nhìn để tạo ra cuộc sống tràn đầy những giấc mơ. Vài năm trước, tôi đến thăm anh tại căn nhà ở San Diego, và anh đã mời tôi vào văn phòng phía trên gara nhìn ra bể bơi và khu nhà nghỉ. Anh chỉ cho tôi xem một tấm bảng ghi tầm nhìn được treo trên tường phía trên bàn làm việc. Trên đó là những bức ảnh được cắt ra từ những thứ mà anh muốn có và thực hiện. Anh nói về ý nghĩa của một số bức ảnh, từ đó dẫn đến một cuộc thảo luận về sức mạnh của trí óc con người và khuynh hướng tự nhiên của chúng ta trong việc theo đuổi các mục tiêu.
Chúng tôi quay trở lại gian nhà chính, và trong khi cùng ngồi xem hai cậu con trai Noah và Keenan của anh nô đùa, John nhìn qua và hỏi rằng anh ấy đã kể cho tôi nghe làm thế nào anh lại sống trong ngôi nhà này chưa. Tôi trả lời chưa, và anh bắt đầu chia sẻ một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất về tầm nhìn mà tôi từng biết. John giải thích về việc gia đình anh phải chuyển nhà nhiều lần và một số vật dụng vẫn còn lưu kho trong nhiều năm cho đến khi họ ổn định tại ngôi nhà mới này. Anh kể về việc ngay khi dọn đến ngôi nhà mới, anh và Keenan đã mở một chiếc hộp có tên "Tầm nhìn", trong đó có hình ảnh của chính ngôi nhà mà chúng tôi đang đứng. Bức ảnh đó không giống mà chính xác là ngôi nhà mới này. John kể rằng anh đã cắt nó từ một tờ tạp chí nhà đẹp từ năm năm trước khi đang sống ở Indiana và dán nó lên tấm bảng tầm nhìn. Vào thời điểm đó, anh không biết ngôi nhà mơ ước của mình ở đâu hoặc nó đáng giá bao nhiêu. Tấm bảng tầm nhìn đã nằm trong kho suốt nhiều năm, nhưng anh đã mua và sống trong chính ngôi nhà mà mình đã từng tưởng tượng. Nhiều năm sau khi tôi nghe câu chuyện này, John đã chia sẻ nó để minh họa cho nguyên lý của luật hấp dẫn trong cuốn The Secret, và trong The Answer, cuốn sách tiếp theo mà anh cùng viết với một người khác; John đã chỉ ra cách thực hiện các bước nhằm biến ước mơ thành hiện thực.
Vượt lên nghịch cảnh
Khả năng tưởng tượng là bước đầu tiên để đạt được thành công trong tương lai. Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là phải nhìn thấy nó và sau đó tạo ra nó bằng cách nỗ lực thực hiện. Nhà điêu khắc Michelangelo, một người đồng hương của da Vinci đã nói: "Trong mỗi khối đá cẩm thạch, tôi nhìn thấy một bức tượng thật rõ ràng như thể nó đang đứng trước mặt tôi, đã thành hình và hoàn hảo trong từng đường nét biểu cảm và cử chỉ. Tôi chỉ việc loại bỏ những lớp đá đang giam giữ hình ảnh đáng yêu đó để người khác cũng có thể nhìn thấy như tôi đã nhìn thấy".
Giống như những khó khăn và thử thách trong cuộc sống của mình, có những khối đá cẩm thạch có thể dễ dàng chạm trổ nhưng đôi khi cũng có những khối đá rất rắn. Dù khó khăn đến mức nào, việc có thể nhìn thấy trước được vấn đề sẽ giúp ta có khả năng duy trì và giành chiến thắng.
Một ví dụ rõ nét về điều này là cuộc sống của nhà điêu khắc đương đại Gary Lee Price. Nhờ tài năng và tay nghề độc đáo của mình, Gary đã được giao nhiệm vụ điêu khắc Tượng đài Trách nhiệm mà Viktor Frankl đã hình dung sẽ bổ sung cho tượng Nữ thần Tự do vào một ngày nào đó. Mẫu điêu khắc mà Gary tạo ra là hình ảnh hai bàn tay nắm chặt vào nhau, một bàn tay đưa ra từ phía trên và bàn tay kia đưa lên từ phía dưới, cả hai cùng tượng trưng cho trách nhiệm mà chúng ta chia sẻ với nhau.
Trong thời gian ở Áo để trình bày mô hình của bức tượng cho gia đình Tiến sĩ Frankl, nhà điêu khắc tài ba này đã kể về hành trình của mình trong vòng vây của nghịch cảnh.
Anh nói, việc trở lại châu Âu khiến anh nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc, vừa đau đớn vừa thật ấm áp. Nó như lời nhắc nhở rằng tất cả những thành quả to lớn đều bắt nguồn từ những giấc mơ.
Gary chỉ mới sáu tuổi khi sống cùng mẹ và bố dượng trong khu doanh trại quân đội Mỹ ở Đức, nơi bố dượng anh đóng quân. Gary nhớ lại lần đầu tiên khi mẹ anh nhìn thấy năng khiếu hội họa của con trai và khuyến khích anh phát triển nó. "Mẹ cầm tay tôi và chỉ cho tôi cách thực hiện những nét vẽ bằng bút chì và bút màu", Gary nói. "Mẹ thường nói rằng tôi có năng khiếu. Bà khen tôi và tin chắc rằng tôi sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp".
Thế rồi, một đêm nọ, nhiều giờ sau khi đã say giấc, Gary choàng tỉnh bởi những tiếng la hét. Nhiều năm về sau, anh đau đớn kể lại lần đó anh đã chạy vào phòng ngay khi bố dượng chĩa súng vào mẹ anh và bóp cò. Anh nhìn thấy đôi mắt thật sáng của mẹ khép lại khi bà trút hơi thở cuối cùng và rồi kinh hãi chứng kiến bố dượng cũng tự kết liễu đời ông. Gary thú nhận rằng phải mất nhiều năm anh mới có thể vượt qua trải nghiệm đau thương đó để tiếp tục sống. Theo thời gian và cùng với sự trưởng thành, Gary nhận ra rằng điều khiến anh chịu đựng và nuôi dưỡng những ký ức về mẹ không phải là cái chết đầy bi thương của bà, mà chính là tầm nhìn bà đã dành con trai mình: rằng anh thật sự có năng khiếu để trở thành một nghệ sĩ vĩ đại, và dù bất cứ điều gì xảy ra, anh cũng không nên từ bỏ tài năng thiên bẩm đó.
Qua các trang sách của Viktor Frankl, người đã không chịu khuất phục trước sự đàn áp tàn bạo của quân Nazi, Gary càng thấu hiểu hơn tầm quan trọng của việc tiếp nhận cuộc sống theo những điều kiện của nó và tìm kiếm ý nghĩa trong đó thay vì chối bỏ nó.
"Tôi sẽ không thay đổi cuộc đời mình", anh nói. "Giống như Viktor, tôi là người lạc quan. Tôi không thay đổi hay trì hoãn một điều gì trong cuộc sống của mình suốt những năm tháng đau thương đó. Vì sao ư? Bởi vì tôi thích con người hiện tại của mình và hạnh phúc với nó mỗi ngày. Mọi nỗi đau đớn hay sự chịu đựng đã giúp rèn giũa tôi thành một người có thể phát triển những gì tốt đẹp trên thế giới này. Bằng nhận thức của một nghệ sĩ, tôi sẽ tạo ra những tác phẩm điêu khắc có khả năng nâng đỡ tinh thần và truyền cảm hứng cho người khác".
Gary có thể phát triển dựa trên tầm nhìn mà mẹ anh đã dành cho anh, và giờ đây, các tác phẩm nghệ thuật của Gary được trưng bày tại một số địa danh nổi tiếng và các phòng triển lãm uy tín nhất thế giới.
Gary thể hiện được khí chất kiên cường trong cuộc sống. "Resilience" (sự kiên cường) có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là "resilire". "Re" có nghĩa là trở lại, còn "salire" là bật lên. Trở nên kiên cường có nghĩa là chúng ta đứng dậy sau khi gục ngã. Nếu tuyệt vọng và không thể gượng dậy sau những thất bại, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận ra tiềm năng thật sự của chính mình.
Làm chủ nghịch cảnh
Những điều tồi tệ có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất kỳ lúc nào. Ai cũng có thể gặp phải một hoàn cảnh khó khăn nào đó, một điều gì đó khủng khiếp tưởng như có thể hủy diệt cả sự sống. Khi đi trên con đường của mình và tìm cách hoàn thành mục tiêu, chúng ta hầu như không tránh khỏi việc phải đối mặt với sự thất vọng.
Trong tác phẩm tiên phong của mình về nghịch cảnh và sự kiên cường, Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities (tạm dịch: Chỉ số nghịch cảnh: Biến trở ngại thành cơ hội), Tiến sĩ Paul Stoltz cho rằng chúng ta có thể làm được một trong hai việc khi đối diện với nghịch cảnh trên con đường của mình. Chúng ta có thể xem như thể mình đang đứng trên một tấm thảm bỗng chốc bị ai đó giật ngã dưới chân và rơi xuống một cái hố sâu thăm thẳm không tài nào thoát ra được. Hoặc chúng ta vẫn nhìn thấy rõ được ý nghĩa, mục đích của cuộc đời và tận dụng nghịch cảnh đó để nâng mình lên một tầm cao mới.
Nếu có được một viễn cảnh đủ mạnh mẽ và trong sáng, nếu không chỉ nhìn thấy bằng mắt mà còn cảm nhận bằng trái tim và khối óc, chúng ta có thể và sẽ vượt qua bất kỳ hoàn cảnh nào.
Vươn tới một cuộc sống đỉnh cao
Giống như những điều quý giá khác, việc nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính của sapere vedere đòi hỏi phải có sự kiên định và cần mẫn.
Tiến sĩ Stephen R. Covey, một người thầy thông thái đáng tin cậy, vừa chia sẻ với tôi về phương châm của bản thân – điều giúp ông duy trì được tầm nhìn của mình.
Phương châm đó là: Sống một cuộc sống đỉnh cao.
Tôi hỏi ông ý nghĩa của câu nói này.
"Để sống một cuộc sống đỉnh cao là không ngừng hướng về phía trước. Nó có nghĩa là những công việc vĩ đại nhất và sự cống hiến lớn nhất của bạn luôn ở phía trước. Triết lý này nhấn mạnh ở sự cống hiến. Một thành tựu luôn có điểm khởi đầu và kết thúc, nhưng sự cống hiến sẽ tiếp diễn và kéo dài mãi mãi".
"Nếu tập trung vào sự cống hiến thay vì vào thành tựu," ông kết luận, "bạn sẽ đạt được nhiều hơn so với những giấc mơ hoang tưởng nhất của mình."
Điều thú vị là từ "crescendo" (đỉnh cao) lại xuất phát từ "crecere" – một từ có nguồn gốc từ tiếng Ý của thế kỷ 18, có nghĩa là tăng trưởng hoặc phát triển.
Hẳn Da Vinci phải cảm thấy tự hào về điều này.
VÀI DÒNG SUY NGẪM VỀ SAPERE VEDERE - BIẾT CÁCH NHÌN NHẬN
Đó là một ngày quang đãng ở Dana Point, và tôi có thể nhìn thấy rõ hòn đảo Cataline từ khoảng cách rất xa.
Tôi lại nhớ đến câu chuyện về một người phụ nữ đặc biệt có tên là Florence Chadwick. Vào ngày mùng 4 tháng 7 năm 1952, cô quyết định xuất phát với mục đích trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi từ hòn đảo Cataline đến bờ biển California. Mười lăm giờ sau, sương mù bắt đầu xuất hiện dày đặc, và cô bắt đầu trở nên do dự. Với sự động viên của người mẹ và huấn luyện viên đang di chuyển trên một chiếc thuyền bên cạnh, cô đã tiếp tục thêm gần nửa giờ trước khi đầu hàng trong sự mệt mỏi và kiệt sức. Ngay sau khi Florence dừng bước, sương mù cũng biến mất, hiện ra trước mắt là bờ biển California ở cách đó nửa dặm.
Nhiều giờ sau, cô than thở với một phóng viên: "Nếu có thể nhìn thấy được đất liền, tôi nghĩ rằng mình đã có thể đạt đến đích".
Hai tháng sau, Florence đã thử lại một lần nữa, lần này với một bức tranh rõ ràng về bờ biển đã khắc sâu trong tâm trí cô. Dù sương mù vẫn dày đặc như lần trước nhưng cô đã trở thành người phụ nữ đầu tiên vượt qua eo biển Catalina, nhanh hơn 2 giờ so với kỷ lục của nam giới.
Tôi sẽ không bắt đầu một cuộc hành trình nếu không thể nhìn thấy rõ được kết thúc của nó.
Sự thấu suốt sẽ tạo ra sức mạnh. Henry David Thoreau đã nói: "Hãy tự tin đi theo những giấc mơ của bạn".
Ta chỉ thành công khi đã có được một tầm nhìn rõ ràng về kết quả cuối cùng. Một khi đã nhìn thấy nó, tôi sẽ thay đổi và nỗ lực thực hiện, và sẽ đạt được nó vào thời điểm thích hợp.
Như Aristotle đã dạy: "Tâm hồn sẽ không bao giờ suy nghĩ nếu thiếu một hình ảnh cụ thể".