Đây là điểm cốt lõi của đời sống tinh thần… Nếu ta có thể tìm thấy mục đích sống – nếu ta có thể khám phá một ý nghĩa nào đó để đặt làm trọng tâm cho cuộc đời mình – thì ngay cả những đau khổ tột cùng nhất cũng có thể chịu đựng được.
– Viktor Frankl
Trong đêm tối lạnh giá của vùng sa mạc, Chad Hymas kiểm tra lại chiếc xe ba bánh của mình để đảm bảo nó đã sẵn sàng cho thử thách. Trong mười một ngày đêm sắp tới, chiếc xe sẽ đồng hành với anh trong nỗ lực lập nên một kỷ lục thế giới cho quãng đường di chuyển bằng xe đạp của một người bị liệt tứ chi.
Nhờ ánh sáng từ đèn trước của phương tiện hỗ trợ, anh ngước mắt nhìn tôi, lúc này đang ngồi trên chiếc xe đạp của mình, với một ánh mắt pha lẫn nét căng thẳng và háo hức. Có thể hiểu được là anh lo lắng về quãng đường dài khó khăn phía trước, song cũng đã sẵn sàng lên đường. Tôi ở đó, song hành cùng anh và cũng để hỗ trợ anh về mặt tinh thần trong đoạn đường đầu tiên của cuộc hành trình.
Biết rằng trời rất lạnh và Chad không được phép mạo hiểm để bị cảm lạnh, tôi mang theo đủ quần áo ấm để phủ kín cho anh suốt từ đầu đến chân. Tôi kiên quyết là anh ấy phải được che chắn đầy đủ. Anh được "bó" chặt trông như một xác ướp và bắt đầu cuộc hành trình trong trang phục đạp xe mùa đông: ủng bảo hộ, tất làm ấm tay chân, áo gió, găng tay, mũ bảo hộ mùa đông và kính soi đường.
Tôi mỉm cười hình dung sự ngạc nhiên của những người đi đường khi họ nhìn thấy hai người trông như đã trưởng thành trên một con đường vắng vẻ, đang chạy đuổi theo chiếc bóng của chính mình vào lúc nửa đêm với các thiết bị phản quang trên lưng; đặc biệt khi một trong hai người này đang theo đuổi giấc mơ của một người trưởng thành nhưng lại mặc trang phục giống như một đứa trẻ được ủ ấm vào mùa đông, đang lái một chiếc xe ba bánh giữa tiết trời tháng Bảy.
Chad đã chọn tháng Bảy để theo đuổi mục tiêu của mình, thời điểm mà nhiều người cho là không thể. Anh sẽ băng qua sa mạc vào ban ngày, làm mát cơ thể bằng khăn lạnh khi nóng, và tiếp tục vào ban đêm với những lớp áo ấm khi nhiệt độ xuống thấp. Mục tiêu của anh là di chuyển cả ngày lẫn đêm, chỉ dừng lại khi cần, nghỉ ngơi và ngủ, cho đến khi tới được Las Vegas – cách đó khoảng 825 km.
Hai năm về trước, anh mất đi khả năng sử dụng hai chân và gần hết cơ thể trong một tai nạn tích tắc khi đang cắt cỏ khô trong trang trại của gia đình. Phút trước anh còn đang nâng đống cỏ khô bằng đầu máy kéo, phút sau thì đống cỏ khô khổng lồ đó bật ngược ra khỏi đầu chĩa và bắn vào cổ anh, đẩy anh vào bánh lái của đầu máy kéo. Mọi người tức tốc đưa anh vào bệnh viện. Các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm đã cứu sống anh nhưng không cứu được sự cử động của cơ thể anh. Dây thần kinh cột sống bị phá hủy nghiêm trọng khiến cả hai chân anh bị liệt. Ngoại trừ chút cử động giới hạn ở hai cẳng tay, anh hầu như bất động từ cổ trở xuống.
Cuộc sống và kế hoạch của Chad vĩnh viễn thay đổi từ đó. Nhưng dù cơ thể bị tê liệt, khả năng mơ ước của anh vẫn còn đó.
Sau thời gian nằm viện cùng một chuỗi những giày vò cay đắng Sao lại là tôi?, Chad đã thức tỉnh và nhận ra thực tế rằng anh vẫn sẽ tiếp tục sống. Shondell, vợ anh, và hai con trai vẫn mãi yêu thương và cần đến anh như trước. Vai trò của anh không hề suy giảm trong mắt họ. Nếu không thể giúp đỡ công việc gia đình về mặt thể chất, anh quyết định mình cần phải tìm kiếm một nhiệm vụ mới và thay đổi ước mơ cho phù hợp với cơ thể đã hoàn toàn thay đổi của mình.
Chính tại bước ngoặt này mà chúng tôi gặp nhau. Thông qua bạn bè, anh ấy biết rằng tôi có chút kinh nghiệm về việc nói trước đám đông và sắp xếp một cuộc gặp mặt tại nhà tôi. Chad nói rằng anh nghĩ là mình có một câu chuyện, và bởi anh có thể nói tốt (anh đã đùa như thế), anh đang cân nhắc việc diễn thuyết như một cách để hỗ trợ gia đình.
Và ý tưởng về môn chạy đường dài bằng xe đạp tay bắt đầu nảy sinh từ đó.
Nếu muốn bày tỏ một thông điệp có khả năng động viên và khơi nguồn cảm hứng để người khác theo đuổi giấc mơ của họ bất chấp những khó khăn trong cuộc sống, anh phải làm được một điều gì đó thật hữu hình, một kiểu bằng chứng thực tế thuyết phục mọi người rằng anh đã làm được những gì cần làm để vượt qua nghịch cảnh.
Chad cho rằng thử thách đó càng kịch tính, sâu sắc và đáng nhớ thì kết quả sẽ càng có giá trị. Anh tự tin đi được 825 km trên chiếc xe đạp ba bánh trong khả năng giới hạn của hai bàn tay và cẳng tay, từ thành phố Salt Lake đến Las Vegas, trong cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè.
Anh có khát khao, có động lực và sự ủng hộ. Giờ đây, khi dấn thân vào đêm tối giá lạnh, anh sẽ khám phá ra liệu mình có được những thứ thật sự cần có hay không. Lúc này, anh sẽ biết được liệu mình có đam mê hay không.
Trả giá
Chad không phát hiện ra niềm đam mê của mình ngay từ lúc bắt đầu. Chúng ta hiếm khi làm được điều đó. Khi ta bắt đầu một cuộc chinh phục, dù khó khăn hay nản chí đến mức nào, liệu có điều gì dễ dàng hơn so với thời điểm bắt đầu?
Khi Chad khởi hành ở vạch xuất phát vào buổi sáng nắng đẹp của tháng Bảy, mọi thứ đều diễn ra thật thuận lợi. Đoàn cảnh sát hộ tống giúp anh băng qua các điểm giao thông. Hàng chục bạn bè và người thân đứng xếp hàng hai bên đường hô hào động viên anh. Hai con trai của anh, Christian và Kyler, đạp xe bên cạnh với nụ cười rạng rỡ. Những người hoàn toàn xa lạ đều cổ vũ khi anh đi qua, chúc anh mọi điều tốt lành. Các phương tiện truyền thông cũng có mặt ở đó, với hệ thống máy quay phim đang hoạt động. Anh là ngôi sao của ngày hôm đó. Anh sẽ xuất hiện trên tất cả các bản tin truyền hình vào buổi tối.
Chẳng bao lâu, khi ánh đèn của máy quay và đội cảnh sát hộ tống đã lùi xa, khi không còn ai đứng đó để cổ vũ và động viên, khi con đường bắt đầu leo dốc, khi hai cánh tay anh đau nhức, khi anh cảm thấy mệt và đói, mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên khó khăn.
Tôi đi theo Chad trong ba ngày. Mối quan hệ của chúng tôi đã chuyển thành tình bạn, và tôi cố gắng bằng hết khả năng để Chad có thể đạt được mục tiêu táo bạo mà anh đã đặt ra cho chính mình.
Cái giá mà anh phải trả cho giấc mơ của mình bắt đầu trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt vào ngày anh đối mặt với một quãng đường leo dốc dài gần 13 km. Không khí vô cùng nóng bức, ngột ngạt bốc lên từng đợt từ mặt đường rải nhựa ở nhiệt độ gần 380C. Cơ thể của Chad chỉ cách mặt đường nóng đến bỏng người đó khoảng 10 cm. Với mỗi vòng quay bánh xe của anh, tôi đều cảm nhận được nhiệm vụ khó khăn mà anh phải đương đầu phía trước. Chad không ngừng nỗ lực với nụ cười đau khổ. Gió quật vào mặt anh, với mỗi vòng cua thì con đường càng trở nên vắng vẻ, và những dặm đường mà anh đã vượt qua một cách dễ dàng vào ngày đầu tiên giờ như đang kéo dài đến vô tận.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi một đàn dế quyết định sử dụng chính con đường mà chúng tôi đang đi. Chỉ trong vài giây, hàng ngàn sinh vật nhỏ bé đã bao phủ khắp mặt đường. Từ trên xe đạp, tôi có thể nhìn thấy chúng nhảy múa dưới chân mình. Nhưng đối với Chad, trong tư thế ôm sát mặt đường, anh còn rơi vào tình huống tồi tệ hơn nhiều vì chúng nhung nhúc khắp đôi chân đang duỗi thẳng của anh và xuất hiện khắp chỗ ngồi và quần áo. Hình ảnh và âm thanh rờn rợn của đám sâu bọ này càng trở nên đáng sợ hơn vì bánh xe của chúng tôi không thể nào không cán qua đám côn trùng đang chắn đường này. Mùi khó chịu của những con vật chết rơi xuống khiến bụng dạ chúng tôi nôn nao, kèm theo đó là cảnh tượng những con dế còn sống đang moi xác những con đã chết.
Giữa tình cảnh khủng khiếp này, tôi nhớ lại những điều ước ban đầu của Chad về cuộc chạy đường dài bằng xe đạp: đầy ấn tượng… kịch tính… đáng nhớ. Đã đủ. Tôi thầm nghĩ. Nhiệm vụ đã hoàn thành.
Chỉ khi sắp đến lúc quay trở lại và rời khỏi tình trạng điên rồ này, bỗng có hai chiếc ô tô trờ tới. Như thể đã hẹn trước, hai cánh cửa đều mở toang, và từ trong đó xuất hiện hai người đàn ông trên hai chiếc xe đạp tay: một người bị cụt hai chân, còn người kia thì bị liệt hai chân với đôi tay và hai vai trông rất vạm vỡ. Họ đã xem tin tức trên tivi vào đêm hôm trước và hiểu được cảm giác như thế nào khi ở vào hoàn cảnh của Chad, và họ nghĩ rằng Chad có thể cần sự giúp đỡ và hỗ trợ. Bằng sức lực của hai cánh tay khỏe mạnh, họ chạy lên chạy xuống con đường, trông như những chiến binh đang đi tuần nhằm thu thập thông tin quan trọng về kẻ thù cũng như địa hình ở phía trước. Khi đến lúc phải từ biệt Chad, tôi trở nên do dự. Tôi có thể cảm nhận được rằng anh ấy bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Đêm hôm đó, khi nghỉ tại một nhà nghỉ cách xa nơi xuất phát và càng cách xa đích đến, Chad gọi điện cho tôi và nói lên những gì anh ấy đang nghĩ khi đưa ra ý tưởng điên rồ này. Điều này đúng là quá sức, anh ấy nói với tôi. Mức độ khó khăn đó đang khiến anh nản chí. Anh không chắc rằng mình có thể tiếp tục được nữa hay không.
Cách phản ứng của tôi cũng giống như bất kỳ một người bạn nào. Tôi động viên Chad đừng bỏ cuộc, đừng từ bỏ. Tôi bảo với anh rằng tôi biết anh đã làm được những gì cần làm. Suy cho cùng, chẳng phải anh là người đã coi thường khó khăn, kiên trì nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng để học cách tự ăn, tự đánh răng, tự mặc quần áo, tự ngồi dậy? Tôi nhắc anh nhớ rằng anh thật sự đã vất vả tập luyện hơn một năm rưỡi để thực hiện cuộc chạy đường dài đáng nhớ này.
Sau đó tôi tắt máy với cảm giác bất lực mà tất cả chúng ta đều trải qua khi nhận ra rằng những người mà ta quan tâm sắp phải tự xoay xở một mình với hoàn cảnh khó khăn. Giống như cách chúng ta muốn làm điều đó cho họ, mọi thứ giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bản thân họ, vào việc liệu họ có sẵn sàng chịu đựng để đạt được những gì mình mong muốn nhất.
Về sau, nhờ Bậc thầy ngôn từ Arthur, tôi đã biết được rằng quá trình này được tổng kết bằng một từ đơn giản: Passion - Niềm đam mê.
NHỮNG BUỔI CHIỀU CÙNG VỚI ARTHUR
Đó là buổi chiều thứ Năm, và tôi thấy mình háo hức chờ đợi những bài giảng của Arthur. Cứ đúng 2 giờ chiều thứ Năm, một nhóm bạn của Arthur ở khu Summerfield Manor lại tụ tập trong phòng khách ngay bên cạnh lối vào bằng khung tập đi và xe lăn, và bằng sức mạnh của ngôn từ, Arthur – vẫn mãi là một giáo sư – đưa họ đi khắp thế giới bằng một cuộc hành trình ngôn ngữ. Khi nhóm "thính giả thường xuyên" này xuất hiện, Giáo sư Watkins trao cho mỗi người những bài giảng được chuẩn bị chu đáo, được in bằng phông chữ rất nhỏ mà tôi cho rằng những vị cao niên có vấn đề về thị lực sẽ khó có thể đọc được.
Arthur trình bày trước một nhóm gồm sáu người bạn thân như thể đang nói trước một lớp học hai trăm người, với cách phát âm rõ ràng, chính xác theo phong cách của một giáo sư, mỗi từ đều được thể hiện bằng chất giọng sôi nổi và bầu nhiệt huyết có sức lan tỏa. Nhiều phút trôi qua kể từ lúc Arthur đi vào câu chuyện, một người phụ nữ ăn mặc lịch sự bắt đầu ngủ gật, gây ra một hiệu ứng dây chuyền với những người khác như lắc cổ, đập cánh tay, và bài giảng rơi vãi khắp nơi. Một cụ bà khoảng 80 đang say ngủ bỗng giật mình thức giấc với nụ cười ngượng nghịu và với tay sửa lại xấp tài liệu đã bị xộc xệch của mình.
Arthur chẳng mấy để tâm đến điều đó, ông chú tâm vào việc truyền đạt công việc của cả đời mình với tất cả những người đang lắng nghe ông nói. Bài giảng hôm đó có tựa "Phát triển vốn từ vựng của bạn từ 800 từ thành 600.000 từ". Khi bài giảng càng về cuối, Arthur đã chuyển từ việc học các ngôn từ sang việc học hỏi từ các ngôn từ. "Bằng cách biết được ý nghĩa thực sự của ngôn từ", ông nói, "chúng ta sẽ tạo điều kiện để chúng tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của mình".
Sau buổi học đó, hai chúng tôi trở về phòng ông để thực hiện công việc mà ông gọi là "nghiên cứu từ vựng". Từ mà tôi yêu cầu thảo luận hôm đó là "passion" (niềm đam mê).
Bậc thầy ngôn từ mỉm cười và bắt đầu:
- Từ "niềm đam mê" này xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 12. Được hình thành bởi các học giả đạo Cơ Đốc, nó có nghĩa là suffer (chịu đựng). Trong ý nghĩa thuần khiết nhất, từ này mô tả sự sẵn sàng chịu đựng của Chúa Jesus.
Sau khi giảng cho tôi về ý nghĩa từ vựng của từ này, Arthur nói thêm:
- Niềm đam mê không đơn thuần có nghĩa là chịu đựng; nó phải là sự chịu đựng đầy trong sáng và tự nguyện.
Ông nói tiếp:
- Tôi đã từng tham dự nhiều buổi đại nhạc hội và nhạc kịch tại châu Âu nhằm tưởng nhớ sự thống khổ của Chúa Jesus. Chúng được gọi là những vở kịch về Niềm đam mê.
Arthur nói rằng cả "niềm đam mê" (passion) lẫn "con đường" (path) đều có nguồn gốc giống nhau; từ "con đường" là một hậu tố - thứ có nghĩa là chịu đựng…
- Hãy nghĩ về điều đó, Kevin. - Arthur nói. - Chúng ta có các bác sĩ được gọi là các nhà nghiên cứu bệnh học (pathologists). Họ nghiên cứu về các chứng bệnh và sự đau ốm mà con người chịu đựng.
Sau đó, ông tiết lộ về mối liên kết giữa sự chịu đựng, hay niềm đam mê, với sự hy sinh:
- Từ "sự hy sinh" (sacrifice) xuất phát từ tiếng La-tinh "sacra", có nghĩa là sacred (thiêng liêng, thần thánh), và từ "fice" có nghĩa là thể hiện. Hy sinh có nghĩa là thể hiện sự thần thánh, sự thiêng liêng. Theo nghĩa cốt lõi nhất, niềm đam mê là sự chịu đựng thiêng liêng.
Những điều mà Arthur tiết lộ đã thấm sâu vào tâm hồn tôi. Sự chịu đựng không nhất thiết phải là một điều tồi tệ. Nó có thể và nên là điều tốt đẹp. Nó cao quý. Nó thiêng liêng. Nó là thứ làm nên cuộc sống.
Một mặt, nó là việc chịu đựng và trở thành nạn nhân; mặt khác, nó là sự sẵn sàng chịu đựng vì một mục đích nào đó và trở thành người chiến thắng.
Mặc dù định nghĩa phổ biến về sự đam mê là tình yêu sâu sắc hay tình yêu lãng mạn, nhưng ý nghĩa thật sự của nó là sẵn sàng chấp nhận chịu đựng vì những gì mà bạn yêu thương. Khi khám phá ra những điều mà mình sẵn sàng trả giá để có được, chúng ta sẽ nhận biết được sứ mệnh và mục đích của cuộc sống.
Sẵn sàng chịu đựng
Niềm đam mê là thứ đã đưa Viktor Frankl đến chốn địa ngục trong vụ tàn sát dã man của Đức Quốc xã. Là một nhà phẫu thuật, một nhà tâm lý trị liệu và nhà văn đáng kính, ông có thể nhìn thấy được điều gì đang diễn ra. Sự thật không thể chối cãi là quân Đức Quốc xã sẽ chiếm thành Vienna yêu dấu của ông. Ông có thể rời khỏi nơi đó, nhưng ông đã chọn cách ở lại bởi tình yêu sâu thẳm dành cho bố mẹ, những người không thể nhận được thị thực xuất cảnh.
Elly Frankl, vợ thứ hai của Viktor, đã chia sẻ câu chuyện này khi chúng tôi gặp nhau ở vùng ngoại ô thành Vienna, trong một nhà hàng từng là chỗ ở của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven. Chính ngôi nhà này là nơi Beethoven đã soạn ra kiệt tác lớn nhất của mình, Bản giao hưởng số 9, khi đã hoàn toàn mất đi thính giác. Những lời nói cuối cùng của Beethoven sẽ trường tồn theo thời gian: "Tôi sẽ thưởng thức trên thiên đường". Chính ông cũng đã học được cách hoàn thiện khả năng chịu đựng của mình một cách đầy tinh tế.
Elly kể cho chúng tôi nghe về việc Viktor trở về nhà từ lãnh sự quán Mỹ với tấm thị thực trong tay để rồi phát hiện thấy một khối đá cẩm thạch lớn đang đặt trên bàn. Bố ông nhặt được khối đá ấy từ đống đổ nát của một giáo đường Do Thái bị quân phát xít phá hủy. Bà nhớ lại, đó là một phiến đá được dùng làm mặt bàn có khắc dòng chữ: "Hãy thể hiện sự yêu thương, kính trọng đối với cha mẹ bạn, và rồi bạn sẽ được nhớ mãi".
Viktor đặt tấm thị thực xuất cảnh vào ngăn kéo và không bao giờ dùng đến nó. Ông chọn cách ở lại và chịu đựng cùng với bố mẹ. Viktor luôn tìm cách ở bên cạnh cha mình trong các trại tập trung, chăm lo việc điều trị để giúp giảm bớt sự đau đớn và chịu đựng của cha cho đến tận ngày cha qua đời trong vòng tay mình.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Viktor giữ lại hai tác phẩm nghệ thuật đoạt giải trong phòng viết của mình ở Vienna. Tác phẩm đầu tiên là bảng gỗ khắc hình một người đàn ông với bàn tay duỗi rộng ra có tên gọi Người chịu đựng. Tác phẩm thứ hai là một bức tranh có hình mười cỗ quan tài ở Auschwitz. Chính từ một trong những cỗ quan tài này ông đã tìm thấy hài cốt của cha mình. Đó là minh chứng sống động nhắc nhở ông về lý do vì sao ông đã đến những nơi cần đến và đã làm những việc cần làm.
Niềm đam mê sẽ khiến bạn trở nên rộng lớn. Sự thiêng liêng sẽ khiến bạn vươn xa. Sự sẵn sàng chịu đựng của Viktor đã giúp ông tìm được món quà của mình. Nó dẫn dắt ông đến những điều mà ông muốn làm – giúp đỡ người khác tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.
Viktor đã khẳng định: "Là con người, động lực cốt lõi của chúng ta là tìm kiếm ý nghĩa… Cách thức con người chấp nhận số phận của mình, và tất cả những đau khổ và những chịu đựng đi kèm, cách thức người đó đón nhận thử thách của bản thân, sẽ đem lại cho anh ta vô số cơ hội – thậm chí dưới những hoàn cảnh cam go nhất – để làm tăng thêm ý nghĩa trong cuộc sống của mình".
Chúng ta thường tìm thấy ý nghĩa đó thông qua sự chịu đựng. Ralph Waldo Emerson đã nói: "Mỗi bức tường đều có một cánh cửa". Với ý nghĩa thuần khiết nhất của nó, niềm đam mê – sự sẵn sàng chịu đựng vì những điều mình yêu thích – thường là cánh cửa đưa chúng ta đến với con đường của mình.
Khám phá lòng trắc ẩn
Khi còn làm việc tại Franklin, tôi thích đi đến văn phòng bằng xe đạp, một giờ mỗi ngày. Không khí trong lành cùng với sự vận động cơ thể giúp đầu óc minh mẫn để tôi sẵn sàng sáng tạo và cống hiến hết mình ngay khi bước vào cửa văn phòng. Nhưng việc đạp xe đó cũng khiến cơ thể tôi mệt mỏi, và để cải thiện tình hình, tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ xoa bóp của Den Brinkley, nhà vật lý trị liệu. Den nổi tiếng là một chuyên gia xoa bóp thượng hạng. Anh không chỉ giỏi xoa dịu các khớp chân của tôi mà còn biết cách trò chuyện để tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tôi.
Một ngày kia, khi đang đạp xe, tôi tông phải một người. Nói đúng hơn thì người đó lao vào tôi. Tôi lái với tốc độ khoảng 32 km/giờ thì cậu thanh niên say rượu – sáu lon bia kèm với chất ma túy tổng hợp methamphetamine - lái xe với tốc độ hơn 96 km/giờ tông thẳng vào tôi từ phía sau. Cậu ta len lỏi vào dòng xe nhằm vượt qua một chiếc xe tải và cố tránh một vụ va chạm trong gang tấc bằng cách bẻ tay lái sang phải khiến cậu ta đâm sầm vào tôi. Đó là một tình huống có thể gây chết người: cậu ta vừa say thuốc, say rượu và không nhìn thấy tôi. Tôi bị hất tung lên kính chắn gió của chiếc xe và bay lên cao trong một khoảng thời gian tưởng như vô tận cho đến khi tầm mắt tôi cao bằng đường dây điện. Khi rơi xuống vỉa hè từ độ cao khoảng 16 mét sau đó, mọi thứ bắt đầu diễn ra rất nhanh. Giống như một con gà làm bằng cao su, tôi bay phần phật cho đến khi dừng lại ở vị trí cách điểm xảy ra tai nạn gần 20 mét. Tôi nhìn về phía chiếc xe đã tông mình và thấy nó dừng lại với tiếng rít rợn người. Tôi nhìn vào cặp mắt vô hồn của cậu thanh niên ngồi sau tay lái. Cậu ta quay mặt đi, nổ máy và bỏ mặc tôi sống chết ở đó.
Chẳng bao lâu sau, xe cấp cứu đến và tức tốc đưa tôi vào bệnh viện. Người tôi ê ẩm khắp nơi. Tôi bị hội chứng whiplash(11), các vết trầy xước do quá trình chà xát trên đường và bị thương nặng ở đầu. Tôi cảm thấy buồn nôn đến mức không thể ngồi dậy được. Thật kỳ diệu là tôi vẫn còn sống. Những người bạn thân đã đưa vợ tôi – lúc này đang trong trạng thái vô cùng bàng hoàng – đến bên cạnh giường bệnh, sau đó là con gái lớn của tôi và tiếp đến là Den Brinkley, chuyên gia vật lý trị liệu.
(11) Whiplash: Hội chứng các mô mềm ở cổ bị chấn thương do những va chạm bất thường.
Den là người khỏe mạnh nhất mà tôi từng biết, kiểu người có khả năng thực hiện hàng chục lần nâng tạ bằng một cánh tay. Vào những ngày cuối tuần, anh mổ thịt lợn rừng và cừu; anh đúng là một chiến binh thật sự. Trên thực tế, Den đã từng tham chiến ở Việt Nam trong đội hình tuần tra ở tuyến đầu. Den là người có khả năng đưa tôi ra khỏi bệnh viện đó. Anh hiểu những đau đớn của tôi. Anh biết điều gì đang diễn ra bên trong cơ thể tôi cũng như sự đau đớn về thể xác và tinh thần trong đầu tôi.
Ở mức độ cá nhân, anh ấy biết được tình huống nguy cấp mà tôi gặp phải cũng như tầm quan trọng của việc phục hồi sức khỏe. Den nói: "Kevin, anh có biết là đã có lần tôi từ bỏ và định kết liễu cuộc đời mình?".
Den nói điều đó xảy ra sau khi anh từ Việt Nam trở về. Anh bị thương nghiêm trọng ở lưng trong khi làm việc ở công trường xây dựng, và trong khi đang tìm kiếm một công việc khác, vợ anh nói rằng cô ấy không cần anh, rằng chẳng ai cần đến anh, và sau khi vét sạch số tiền còn lại trong tài khoản ngân hàng, cô ta lấy chiếc xe tốt nhất và ra đi, bỏ lại Den cùng với cậu con trai nhỏ của họ.
Một buổi chiều nọ, quá quẫn trí, anh đi vòng ra phía sau ngôi nhà với một khẩu súng đã lên đạn và đặt nòng súng vào miệng mình.
Den kể cho tôi nghe tất cả những điều này khi đang xoa bóp cơ thể tôi, với nỗ lực đưa tôi trở lại cuộc sống bình thường.
Thế rồi, ngay khi sắp bóp cò, anh nghe thấy một tiếng gọi từ xa, một tiếng gọi đưa anh trở về với hiện tại – tiếng gọi giúp anh có được mục đích sống: "Bố? Bố ở đâu, bố ơi?". Cậu con trai của anh cất tiếng gọi. "Con cần bố. Con không thể tìm thấy bố, bố đâu rồi? Bố ơi? Bố đâu rồi?".
"Tôi bỏ súng xuống và khóc như một đứa trẻ bởi vì ngay lúc đó và tại đó, tôi đã tìm thấy được mục đích sống của mình", Den nói. "Con trai tôi đã cứu tôi trong đêm đó". Và chính Den cũng đã cứu vớt cuộc đời con trai mình. Trách nhiệm và mối quan hệ cha con đã được Viktor Frankl lý giải một cách rất rõ ràng: "Người nào ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với một người luôn chờ đợi mình, hoặc đối với một công việc còn dang dở, sẽ không bao giờ tự kết liễu cuộc đời mình. Anh ta biết được yếu tố ‘vì sao’ đằng sau sự tồn tại của mình, và sẽ có khả năng chịu đựng hầu hết mọi sự gian khổ".
Den Brinkley biết rằng tôi cần món quà của anh ấy. Sau thời gian ân cần chăm sóc và trị liệu để tôi có thể xuất viện, anh ấy tiếp tục đến nhà tôi mỗi tối trong nhiều tuần tiếp theo. Anh thường đến sau một ngày làm việc từ 8 đến 9 tiếng xoa bóp cho các bệnh nhân và rồi tiếp tục trải qua một giờ khác xoa bóp cho cơ thể hư hao của tôi. Den đã thể hiện lòng trắc ẩn thật sự đối với tôi.
Tôi đã học được rằng lòng trắc ẩn (compas- sion) là sự kết hợp của "com" (nghĩa là cùng với) và "passion" (tức chịu đựng). "Lòng trắc ẩn" có nghĩa là chịu đựng cùng với người khác. Tôi sẽ luôn biết ơn về cách mà Den đã sẵn sàng chịu đựng cùng với tôi và vì tôi.
Chịu đựng vì những điều có ý nghĩa nhất
Ít từ nào có khả năng chứa đựng sức mạnh và chiều sâu như từ "passion" (niềm đam mê). Ngoài việc mô tả được những gì chúng ta cần làm ở mức độ cá nhân để tìm thấy ý nghĩa và mục đích, nó còn thể hiện rõ những hành động anh hùng, không vị kỷ được một người thực hiện mỗi ngày cho người khác. Danh sách này có thể rất dài: các huấn luyện viên, giáo viên, nhà văn, gia sư, nhà trị liệu, nhà tâm lý, y tá, cố vấn, bác sĩ – những người làm phong phú và làm giàu cuộc sống của người khác bằng niềm đam mê và lòng trắc ẩn.
Và liệu còn có biểu tượng về sự đam mê nào hoàn hảo hơn so với một người mẹ hết lòng vì con?
Bạn có bao giờ bắt gặp ánh mắt của một người mẹ tạm thời mất dấu đứa con của mình tại một bãi đỗ xe đông đúc? Bạn sẽ không muốn làm cản trở thứ cảm xúc mạnh mẽ đó. Người mẹ luôn sẵn sàng chịu đựng vì đứa trẻ hay bào thai trong bụng mình. Họ chịu đựng chín tháng ròng rã chỉ để chờ ngày sinh nở, và sự chịu đựng đó sẽ còn kéo dài suốt cả cuộc đời.
Tôi đã chứng kiến sự hy sinh mà mẹ đã dành cho Rick, anh trai tôi và tôi. Tôi đã chứng kiến vợ tôi, Sherry, đã chịu đựng để sinh cho tôi sáu đứa con xinh đẹp. Và mới đây, tôi đã kinh hãi chứng kiến Summer, con gái lớn nhất của tôi quyết định sinh đứa con thứ ba. Đây không phải là một quyết định dễ dàng vì khi mang thai đứa bé, con gái tôi thường xuyên bị nghén, luôn mắc chứng đau nửa đầu, chóng mặt, hoa mắt và phải nằm cố định trên giường hầu như suốt thời gian đó. Một lần nọ, tôi hỏi Summer: "Sao con lại tự đưa mình vào hoàn cảnh này?". Nó nhìn về phía hai con gái nhỏ xinh xắn. Chẳng cần nói, chỉ cần cái nhìn đó thôi. Đó là lý do vì sao nó sẵn sàng chấp nhận chịu đựng chín tháng ròng rã thêm một lần nữa.
Tất cả những sự cống hiến hoặc hy sinh đáng giá đều có thể đạt được bằng cảm xúc mãnh liệt, nếu bạn sẵn sàng chấp nhận trả giá.
Mọi thứ đều có thể nếu bạn sẵn sàng trả giá
Một trong những tác giả yêu thích nhất của tôi và cũng là một trong những tác giả vĩ đại nhất trong lịch sử của loại sách tự hoàn thiện từng là một người nghiện rượu cùng cực, suýt kết liễu đời mình bằng súng ngắn. Ông nghĩ rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu ông biến mất. May mắn thay, đối với hàng triệu triệu người mà ông đã nâng đỡ bằng lời nói của mình, ông đã chuyển từ một tay giữ súng thuê ở hiệu cầm đồ đến công việc sắp xếp sách ở một thư viện công cộng. Sự thay đổi bất ngờ đó đã đưa ông đến với một cuốn sách có chứa đựng thông điệp làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Đây là những từ ngữ trong cuốn sách đó: "Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn chừng nào nó không đi ngược lại với đạo trời hay đạo làm người, chừng nào bạn sẵn sàng chấp nhận trả giá". Đó chính là lúc ông biết rằng mình còn một công việc dang dở cần hoàn thành.
Từ khi còn bé, ông đã mơ mình được trở thành nhà văn – một người có những đóng góp lớn. Bước chuyển đổi ngẫu nhiên đó là nguồn động viên để ông theo đuổi giấc mơ của mình, và khi làm điều này, ông đã biến mình từ một kẻ bán hàng thất nghiệp thất chí tên Augustine thành một tác giả tài ba Og Mandino của cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, The Greatest Salesman in the World (tạm dịch: Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới).
Ông chỉ tóm gọn tất cả trong một câu: "Làm sao bạn có thể bất hạnh hay buồn chán khi biết rằng có một người nào đó trên thế giới này đang cần đến món quà của bạn, dù chỉ một người thôi?".
Chịu đựng đến cùng
Khi lăn bánh xe đạp đến được đỉnh Apex Junction vào lúc 4 giờ sáng, Chad có thể nhìn thấy bên dưới ánh sáng lấp lánh của Las Vegas, đích đến cuối cùng của cuộc hành trình. Về sau anh nói với tôi rằng, cũng như không ai có thể hiểu hết được niềm vui của anh lúc ấy, không ai có thể hiểu được sự mệt mỏi và tuyệt vọng mà anh đã phải đối mặt suốt nhiều giờ và nhiều ngày trước khi leo lên ngọn đồi cuối cùng. Chad kể rằng có nhiều lúc anh mệt mỏi đến mức không khóc nổi. Nó đã vắt kiệt tất cả mọi thứ bên trong con người anh. Chad đã học được ý nghĩa thật sự trong câu nói của Viktor Frankl: "Thứ phát ra ánh sáng chính là thứ phải chịu đựng sự bỏng rát".
Chad đã chịu đựng sự đau đớn khi đống cỏ khô khổng lồ rơi xuống người anh. Anh đã chịu đựng nỗi lo sợ cùng cực trong một giờ phẫu thuật để rồi sau đó phát hiện ra rằng mình không còn đi lại được nữa. Anh đã chịu đựng suy nghĩ khủng khiếp rằng có thể mình sẽ không còn chăm lo cho gia đình được nữa, đã đối diện với nỗi sợ hãi rằng mình thậm chí có thể đánh mất họ. Sau đó, Chad bắt đầu tập luyện những phần còn lại của cơ thể trong suốt mười tám tháng ròng rã.
Và lúc này, để đạt được kế hoạch do mình đề ra, anh đã chịu đựng những dặm đường dài chậm chạp mà hầu như chưa ai từng nhìn thấy hay trải qua. Giai đoạn giữa của mọi cuộc hành trình luôn là thời điểm khó khăn nhất, cũng giống như khi bạn đang bước vào giai đoạn đạt tới khát vọng và giấc mơ cao nhất của mình.
Đó là lúc niềm đam mê thật sự bắt đầu xuất hiện.
Trên tấm bia mộ của chúng ta sẽ khắc ghi hai ngày: ngày sinh và ngày mất. Thế nhưng, những điều ghi dấu cuộc đời chúng ta lại diễn ra ở giữa. Điều gì sẽ xảy ra ở giữa? Điều gì sẽ xảy ra giữa những khoảnh khắc đau buồn? Giữa những khoảnh khắc phởn phơ thoải mái?
Với Chad, trong suốt những dặm đường ở giữa này, khi nhiệt độ trên đường lên đến hơn 480C và nắm tay trở nên yếu ớt đến mức bàn tay cần phải được dính chặt vào bàn đạp và chỉ đạt tốc độ trung bình không quá hai dặm mỗi giờ, anh đã chuyển từ cách đếm số giờ sang đếm mốc đánh dấu dặm đường. Khi mọi thứ trở nên thật sự khó khăn, bố của Chad đã bảo: "Con trai, thay vì đếm các cột mốc đánh dấu dặm đường, sao con không đếm những dải màu vàng ở giữa đường? Chúng sẽ di chuyển nhanh hơn. Hãy làm thử xem". Chad tê buốt người đến mức không buồn phản đối, nhưng đó là cách để anh lại học một điều mà mình đã biết: bằng cách chia một mục đích thành nhiều mục tiêu nhỏ hơn, từ mỗi ngày xuống mỗi dặm, rồi mỗi giờ, và thậm chí mỗi vạch vàng, anh dễ đạt tới đích đến cuối cùng của mình hơn.
Giống như giai đoạn đầu của cuộc hành trình, mọi thứ bắt đầu dễ dàng hơn khi Chad tiến về cuối. Đoàn xe cảnh sát hộ tống đã quay trở lại. Gia đình, bạn bè và những người đã cổ vũ ở điểm xuất phát tại Salt Lake City đều bay đến Las Vegas để chào đón anh tại điểm đích. Các phương tiện truyền thông cũng xuất hiện, hệ thống ánh sáng, máy quay phim đều đã vào vị trí. Những người qua đường đều dừng xe lại và vỗ tay tán thưởng. Hệ thống đèn giao thông ở Las Vegas tạm ngừng hoạt động khi đoàn tuần tra Nevada Highway hộ tống Chad đến vạch đích ở phía trước khách sạn Mirage. Khi Chad chạy xe qua vạch đích, mọi người đổ ra từ các sòng bạc và vỗ tay tán thưởng người đàn ông trên chiếc xe đạp tay đã đi được hơn 825 km. Không còn bất kỳ con dế nào. Dù gần như kiệt sức nhưng ngay cả lúc đó, Chad cũng không đánh mất mục tiêu của mình. Khi nghe nói về thành tích này của Chad, một tổ chức ở Louisiana đã gọi điện mời anh phát biểu ba ngày. Chad không cần thời gian để lấy lại sức, anh lập tức bắt đầu chuẩn bị bài phát biểu, lên máy bay; và sau những khoản thu nhập khiêm tốn trong những lần nói chuyện trước đó, lần này Chad đã được trả công rất hậu hĩnh.
Từ đó, Chad đã trở thành một diễn giả vô cùng thu hút. Khách hàng của anh bao gồm một số công ty và tổ chức lớn trên thế giới. Ở tuổi 32, Chad trở thành một trong những người trẻ nhất được công nhận là chuyên gia diễn thuyết, một trong số ít người được Hiệp hội Diễn giả Quốc gia cấp bằng chứng nhận. Tờ Wall Street Journal đã gọi Chad là "một trong mười người có khả năng truyền cảm hứng nhất thế giới". Mức thu nhập hàng năm của anh hiện nay là bảy con số. Nhưng thành quả lớn nhất với Chad là trở thành một người chồng hết lòng vì vợ và là một người cha đáng tự hào đối với các con Christian, Kyler, và Gracee, một bé gái vừa mới được vợ chồng anh nhận nuôi.
Thay vì để cho các yếu tố bên ngoài quyết định nhiệt huyết và định hướng cuộc đời mình, Chad đã chọn cách giành lấy quyền kiểm soát số phận của chính mình. Anh đã biến bi kịch thành niềm vui chiến thắng.
Với đôi mắt ngấn lệ, mẹ Chad bước đến vạch đích nơi tôi và con gái tinh thần của tôi, Starr, đang đứng. Bà đã nói lên điều mà tất cả chúng tôi đều đang nghĩ đến: "Tôi rất tự hào về Chad. Chad vừa làm được một điều tưởng chừng như không thể".
VÀI DÒNG SUY NGẪM VỀPASSION - NIỀM ĐAM MÊ
Rất nhiều người đang bắt đầu khởi nghiệp ở khắp nơi trên thế giới. Ai lại không muốn bắt đầu những điều mới mẻ và thú vị chứ? Bắt đầu là phần dễ dàng nhất. Kết thúc mới là phần khó khăn. Chính phần kết thúc mới xác định rõ ai là người thật sự có niềm đam mê.
Cuộc tìm kiếm ý nghĩa nào mà tôi đã bỏ dở vì không sẵn sàng chấp nhận chịu đựng và hy sinh cho những gì mình khao khát nhất?
Mục tiêu dang dở nào đã khiến tôi cảm thấy dở dang và không toại nguyện?
Mỗi người đều có nhiệm vụ, mơ ước và mục tiêu cụ thể riêng mà một khi được hoàn thành trọn vẹn, chúng sẽ giúp thay đổi đáng kể cuộc sống của họ. Không gì có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh cá nhân bằng những nhiệm vụ còn dang dở.
Những người có niềm đam mê sẽ bắt tay vào thực hiện; còn những người không có niềm đam mê sẽ chỉ làm thử. Khi nói "Tôi sẽ cố gắng" nghĩa là tôi đã viện cớ cho mình. Nếu bắt đầu thực hiện nhưng không thể hoàn thành, tôi luôn có thể biện minh: "Đúng là tôi đã cố gắng". Nhưng nếu nói "Tôi sẽ làm", tức là tôi đã cam kết hoàn thành việc đó bằng bất cứ giá nào.
"Sứ mệnh" có nghĩa là được gửi đến. Tôi sẽ quyết tâm làm những gì đã trở thành sứ mệnh và được gửi đến cho tôi.
Không có gì mãn nguyện hơn việc đón nhận một ước mơ, một mục tiêu, một khát vọng và dù khó khăn đến thế nào cũng hoàn thành nó.
Khi đó, tôi có thể tạm dừng chân trên con đường của mình và nói, như cách người đã xác định được niềm đam mê hoàn hảo: "Thế là trọn vẹn!".