Không là ai khác ngoài chính ta, trong một thế giới đang vận hành miệt mài cả ngày lẫn đêm để biến ta thành kẻ khác – nghĩa là hãy đấu tranh trong cuộc chiến cam go nhất mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt.
– E. E. Cummings
Dọc bờ biển California có một con đường mà tôi rất thích tản bộ. Nó trông giống như một dải đất ven bờ uốn quanh một đoạn cắt nhô ra từ bãi cát trong nhịp đập của Thái Bình Dương. Ánh nắng mặt trời ấm áp, những cơn gió thổi nhè nhẹ, mùi vị đặc trưng của biển cộng với vị mặn của muối, tất cả đem đến một cảm giác thật thú vị. Trên bãi cát, mọi người ngồi trên những chiếc ghế dài đọc sách hoặc tắm nắng, hoặc chạy bộ từ điểm này đến điểm kia và ngược lại, trong khi lũ trẻ xây những lâu đài cát, những người lướt sóng đang cố bắt được những con sóng lớn, và ở phía cuối chân trời, những con tàu đang rẽ sóng hướng đến vùng đất xa xôi. Ở một nơi chỉ giữ chân những người muốn lưu lại, tâm trạng con người sẽ trở nên bình yên và được thể hiện qua những lời chào hỏi đầy thân thiện. Khi mỉm cười và chào một ai đó trên đường, tôi có thể nhận được một cái mỉm cười và lời chào đáp lại.
Tôi thường tự hỏi mọi người sẽ phản ứng như thế nào nếu thay vì nói "Chào" hay "Xin chào" hoặc "Bạn có khỏe không?", tôi lại nói "Namasté".
Thực ra tôi chưa bao giờ làm điều này, chủ yếu là vì tự tôi có thể hình dung được vẻ mặt kinh ngạc của mọi người trong gia đình. Nhưng nếu có một từ nào đó của phương Đông nên được du nhập thì chỉ có từ thiêng liêng này. Nó có nghĩa là "Tôi xin chào sự kỳ diệu bên trong con người bạn; tôi xin chào những món quà mà Thượng đế đã ban cho bạn".
Điều quan trọng là một lời chào chứa đựng sự kính trọng như vậy phải được thể hiện một cách độc đáo và đầy tôn kính. Trước khi từ "Namasté" được nói ra, lòng bàn tay của người nói phải áp vào nhau, đầu cúi xuống, và hai bàn tay đó phải chạm vào trái tim. Những người sùng bái môn yoga, nơi Namasté được thể hiện thường xuyên, sẽ nhận ra ngay cử chỉ này.
Albert Einstein đã học được từ "Namasté" và ý nghĩa của nó sau khi xem một đoạn phim phóng sự có cảnh Mahatma Gandhi(6) chào mọi người trên đường bằng cách chắp hai tay vào nhau. Einstein đã viết thư hỏi Gandhi rằng ông ấy đã nói gì.
(6) Mahatma Gandhi (1869 –1948), tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, anh hùng dân tộc Ấn Độ, người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ.
Gandhi trả lời: "Namasté. Nó có nghĩa là tôi bày tỏ sự tôn kính đối với nơi chứa đựng cả vũ trụ bên trong con người bạn. Tôi bày tỏ sự tôn kính đối với nơi chứa đựng ánh sáng, tình yêu, chân lý, hòa bình và sự thông thái bên trong con người bạn".
Hãy hình dung mức độ tác động của từ ngữ đơn giản này đối với thế giới nếu mỗi ngày, bạn nhìn vào mắt những người đi ngang qua và nói:
Tôi xin chào sự kỳ diệu bên trong con người bạn. Tôi xin chào những điều mà bạn có thể làm tốt nhất. Tôi xin chào những món quà mà Thượng đế ban cho bạn. Tôi bày tỏ sự kính trọng đối với sự độc đáo riêng biệt bên trong con người bạn.
Mỗi người là một phép màu duy nhất
Biểu tượng của từ Namasté mang một thông điệp về hòa bình và sự hòa hợp, đồng thời chào đón khả năng kết nối và sự thánh thiện trong mọi sinh linh. Namasté chứa đựng một thông điệp rõ ràng rằng tôi không có trang bị vũ khí và sẽ không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho bạn – rất giống với kiểu bắt tay của người phương Tây vốn xuất phát từ thời chiến, một cách để thể hiện việc đối phương không đem theo vũ khí.
Nhưng Namasté còn chứa đựng nhiều ý nghĩa khác ngoài biểu tượng của hòa bình. Nó công nhận rằng không một ai, không một linh hồn đơn lẻ nào của loài người lại không nhận được những món quà mà Thượng đế đã dành riêng cho họ. Dù có giống nhau đến mức nào, từ chủng tộc, hệ tư tưởng, nơi sinh sống, đảng phái cho đến kiểu tóc – nếu chúng ta có tóc – thì mỗi người trong chúng ta thực sự là một cá thể riêng biệt. Có hơn sáu tỷ người trên hành tinh này nhưng không ai trong chúng ta có cùng dấu vân tay, vân chân, hay thậm chí là tiếng cười. Mỗi người là một cá thể độc đáo. Mỗi người là một phép màu duy nhất.
Trong một thế giới công nghiệp đòi hỏi sự rập khuôn, người ta sẽ dễ dàng bỏ qua thực tế rằng mỗi chúng ta là một thực thể duy nhất. Đã bao lần chúng ta nói với con cái, vợ hay chồng mình, với nhân viên của mình câu hỏi "Sao con/anh/chị/em không thể giống như…"? Đã bao lần các nhà quản lý kinh doanh, các nhân viên bán hàng, các nhà giáo, thanh thiếu niên, vận động viên và hàng trăm người khác nói rằng chỉ có một cách duy nhất để hành động hoặc thực hiện một nhiệm vụ nào đó?
Đã bao lần ta không nhận ra được mình độc đáo thế nào? Và đã bao lần ta kìm hãm sự phát triển cũng như khả năng thiên bẩm của bản thân, trong khi đó chính là những điều khiến cho vai trò của chúng ta trở nên có giá trị hơn?
Dám khát khao
Năm 19 tuổi, tôi được tặng một cuốn sách kinh điển có tựa I Dare You (Tôi thách bạn!). Đó là cuốn sách hướng dẫn kỹ năng tự hoàn thiện bản thân đầu tiên mà tôi đọc. Nó được xuất bản lần đầu vào năm 1931 trong hoàn cảnh khốn khó của cuộc Đại suy thoái. Tác giả là William Danforth, người sáng lập Công ty Ralston Purina và cũng là người đồng sáng lập tổ chức American Youth Foundation. Cuốn sách được tái bản lần thứ 26 vào thời điểm tôi đọc nó. Nó đã vượt qua cuộc Đại suy thoái và nhiều biến cố khác sau đó. Trong những trang viết của mình, Danforth thách thức bạn dám thể hiện bản ngã của chính mình, cũng như khuyến khích mỗi người trong chúng ta khát khao vươn cao hơn nữa một khi đã dám đón nhận chính mình.
Chương giữa của cuốn sách, "Tôi thách bạn hình thành cá tính", có nhắc đến một câu chuyện mà tôi không bao giờ quên được. Danforth kể lại như sau:
Theo truyền thuyết Ấn Độ, có một thời tất cả con người trên trái đất đều là thần thánh, nhưng con người quá tội lỗi và lạm dụng sự linh thiêng này đến mức Thần Brahma - đấng tối cao của muôn loài - quyết định mang điều kỳ diệu đó của con người đem giấu ở một nơi mà họ không thể tìm thấy và lạm dụng nó được nữa. "Chúng ta sẽ chôn sâu dưới đất", các vị thần nói. "Không", Brahma đáp, "con người sẽ khai phá sâu vào lòng đất và tìm thấy nó". "Thế thì chúng ta sẽ nhấn chìm nó dưới đáy đại dương", các vị thần đề xuất. "Không được", Brahma đáp, "con người sẽ học cách lặn và tìm ra được nó". "Chúng ta sẽ giấu nó trên ngọn núi cao nhất". "Không", Brahma đáp, "một ngày nào đó, con người sẽ leo lên mọi ngọn núi và sẽ lại tìm thấy nó". "Thế thì chúng ta biết giấu nó ở đâu để họ không thể tìm ra?", vài vị thần nói. "Ta sẽ nói cho các ngươi biết", Brahma đáp, "Hãy giấu nó trong chính con người họ. Họ sẽ không bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm ở đó". Và đó chính là nơi họ cất giấu điều kỳ diệu, thiêng liêng của con người. Kể từ đó, con người đã đi khắp nơi, đào bới vào lòng đất, lặn sâu xuống biển và leo lên những ngọn núi cao chót vót để tìm kiếm thứ đang được cất giấu trong chính con người mình bấy lâu nay.
Trong cuốn sách A Return to Love, tác giả ăn khách Marianne Williamson đã khẳng định rằng chính bản năng bên trong con người chúng ta đã nhận ra được những món quà mà Thượng đế ban tặng. "Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta không phải vì ta không xứng đáng. Điều đáng sợ nhất của chúng ta là ẩn sau những hình hài này, chúng ta thực sự mạnh mẽ".
Từ nơi sâu thẳm nhất, từ tận đáy lòng mình, trong những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất khi đã vượt qua nỗi sợ hãi, là lúc chúng ta có thể nắm bắt được sự vĩ đại đó bên trong con người mình.
NHỮNG BUỔI CHIỀU CÙNG VỚI ARTHUR
Arthur là hình ảnh đặc trưng của lòng nhiệt thành khi tôi bước vào căn phòng của ông trong những buổi chiều thứ Năm hàng tuần tại khu nhà hưu trí Summerfield Manor. Tôi đã quen với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ tràn đầy trong con người ông. Thính giác của ông vẫn tốt, ông di chuyển bằng khung tập đi, có nhiều thứ ông không thể ăn được nhưng tình yêu đối với ngôn từ vẫn tràn đầy như thuở nào.
Khi chúng tôi thảo luận về ý nghĩa của từ Namasté, Arthur bắt đầu dậm chân đầy phấn khích như một đứa trẻ: "Ồ, Kevin, tôi yêu các ngôn từ! Chỉ đơn giản là tôi yêu chúng!", ông kêu lên.
Ông yêu các ngôn từ nhiều như tình yêu ông dành cho Ruth, người vợ đã qua đời năm 2000. Ông thích nhớ về vợ. Những bức ảnh của bà, một phụ nữ xinh đẹp với mái tóc nâu vàng, được treo khắp phòng.
Ông kể với tôi về tuần trăng mật của họ vào năm 1941 và về những niềm vui mà họ đã chia sẻ cùng nhau khi dạo quanh các công viên quốc gia, mặc dù ông thú nhận rằng có một khoảnh khắc không dễ dàng gì khi cô dâu mới bắt gặp chồng mình trong tủ quần áo, nằm cuộn tròn cùng với cuốn từ điển tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ). - Ông đang học thuộc lòng bảng chữ cái tiếng Hebrew.
"Ông học thuộc lòng bảng chữ cái Hebrew vào tuần trăng mật?", tôi hỏi với vẻ hoài nghi giả tạo. Lúc này tôi đã hiểu được rằng khi nói ra điều gì thì Arthur không bao giờ cường điệu nó.
"Đúng vậy", ông đáp, vẫn còn chút ngượng ngùng về điều đã xảy ra cách đây 66 năm. Ông đã lừa dối vợ mình để dành thời gian cho một cuốn sách về ngôn từ. Ông yêu cả hai.
Ngôn từ là nguồn cảm hứng của Arthur. Ông vui sướng kể với tôi về lần đầu ông được nghe tiếng Đức. Ông gần như phát khóc khi lắng nghe âm thanh đầy chất thơ cùng sự đơn giản nhưng vô cùng quyến rũ của nó. Ông nói rằng ông không thể ăn, không thể ngủ cho đến khi bắt đầu học bằng được thứ ngôn ngữ xinh đẹp này.
Khi chúng tôi thảo luận về từ Namasté, Arthur nhận xét: "Nghe giống như nó có cùng nguồn gốc với từ ‘sự nhiệt thành’. Xuất phát từ tiếng Hy Lạp, ‘sự nhiệt thành’ (enthusiasim) có nghĩa là Thượng đế ở bên trong hay những món quà của Thượng đế ở bên trong".
Ông tiếp tục giải thích, sự nhiệt thành là nguồn năng lượng mang đến niềm vui và hạnh phúc. Nó ám chỉ ngọn lửa thiêng liêng đang thắp sáng bên trong mỗi chúng ta.
Khi Bậc thầy ngôn từ nói, tôi nhìn quanh căn phòng của ông và những món quà độc đáo mà ông sở hữu – một chồng bài giảng, một cuốn từ điển được đánh dấu, vô số sách về từ nguyên học và nguồn gốc của từ – và cách ông đã sử dụng chúng để duy trì một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Lúc này, như đã được "khơi mào", Arthur bắt đầu đưa ra một họ gồm những từ ngữ liên quan đến từ Namasté. Ông giới thiệu về từ "authentic" (đích thực) và giải thích rằng nó được cấu thành từ hai từ, là "autos", nghĩa là cái tôi, bản ngã, và "hentes", nghĩa là hiện tại (là).
"Authentic" (đích thực), ông mỉm cười, kết hợp với diễn đạt bằng hai tay, "có nghĩa hãy là chính bạn".
Namasté chào đón sự đích thực. Xã hội thường không làm được điều này.
Ông còn nói về từ "genius" (thiên bẩm), và giải thích rằng từ này có nguồn gốc từ chữ "genuines" (thần bản mệnh) của La Mã, có nghĩa là những đặc tính tự nhiên từ lúc mới sinh ra. Genius (thiên bẩm) không khác mấy so với từ "genuine" (đích thực).
Những người hành động theo bản chất tự nhiên sẽ phát triển được đặc điểm thiên bẩm của mình, sẽ tiến xa hơn với mỗi thử thách mới, không bao giờ thấy thỏa mãn với những thứ đạt được trong hiện tại.
Cuộc thảo luận chuyển hướng sang từ "character", mà theo lý giải của Arthur, từ này đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Ban đầu, "character" (đặc tính hay tính cách) có nghĩa là điều gì đó được in dấu, được khắc sâu trên gỗ, kim loại, trên đá, hay trong tâm hồn con người. "Character" chính là bản chất con người bạn, nó là tổng thể về bạn – sự tổng hợp của tất cả những gì đã từng xảy đến với bạn, là tất cả những trải nghiệm vui buồn trong đời bạn.
Vào thời của Shakespeare, "character" mang một nghĩa khác – hoàn toàn đối lập với nghĩa hiện tại. Khi ấy, "character" (nhân vật) là từ được dùng để mô tả vai diễn của một diễn viên nào đó. Các nhân vật thể hiện vai diễn của mình, đeo mặt nạ để giấu đi đặc điểm nhân dạng của bản thân. Thay vì tuyên bố bạn là ai, các nhân vật này sẽ giúp bạn làm điều ngược lại.
Thế giới có thể và sẽ che giấu đặc điểm nhân dạng của chúng ta nếu chúng ta không cẩn thận. Sự tuân thủ, phân loại, tập trung vào những thiếu sót thay vì những điều có ý nghĩa quan trọng sẽ che giấu và làm lu mờ những món quà mà Thượng đế đã ban tặng cho mỗi chúng ta, Namasté của chúng ta, và đưa chúng ta ra khỏi con đường và mục đích chân chính của mình. Thay vì "thể hiện chính mình", chúng ta sẽ trở thành một nhân vật theo mô tả của người khác. Chúng ta tìm cách làm mọi thứ với tất cả mọi người nhưng thật vô ích và chẳng làm hài lòng được bất kỳ ai.
Tôi hỏi Arthur: "Nếu phải chào đón những món quà bên trong chúng ta và người khác, làm cách nào chúng ta nhận ra chúng?".
Arthur dạy cho tôi từ "recognize" (nhận biết) và tôi cảm giác như được học về nó lần đầu.
"Re" có nghĩa là lặp lại còn "cognize" xuất phát từ chữ "cognizant" – có nghĩa là biết. Recognize có nghĩa là biết lần nữa.
Việc nhận ra những món quà tự nhiên của bạn cũng giống như gặp lại một người bạn cũ. Cảm giác giống như được trở về nhà. Và đúng là bạn đang trở về nhà; bạn đang trở về với cái tôi thật sự, đích thực của mình. Cảm giác đó thật sung sướng, tự nhiên và không thể che giấu.
Bạn sẽ biết được điều này vì nó sẽ ùa tới.
Bằng cách đào sâu vào những món quà tự nhiên của bản thân, tình yêu đối với ngôn từ, Arthur đã gắn kết một cách hoàn hảo thiên hướng công việc với thú vui cá nhân. Đấy cũng là điều thường xảy ra với những người trân quý Namasté của chính mình. Thú vui cũng là công việc, và công việc chính là thú vui.
Tài năng bị lãng phí là một tội ác
Tôi có vé xem giải thi đấu của đội Utah Jazz vào năm họ được lọt vào vòng chung kết tranh chức vô địch NBA(7) với đội Chicago Bulls. Vợ chồng tôi may mắn có mặt ở Houston để theo dõi trận vô địch Western Conference khi Utah Jazz giành được suất vé đầu tiên tham dự vòng chung kết NBA nhờ bàn thắng quyết định của John Stockton. Sáng hôm sau, chúng tôi bay về nhà, và khi vừa bước chân vào cửa và đang ôm hôn bọn trẻ, con gái của tôi đã đưa điện thoại và nói rằng có ai đó gọi đến từ Chicago.
(7) Giải đấu bóng rổ do Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ (National Basketball Association) tổ chức.
Giọng nói đầu dây bên kia cất lên, "Chào anh, tôi là Gene Siskel". Đúng là tôi chẳng biết Gene Siskel là ai. Tôi nói, "Xin lỗi, anh có thể nhắc lại tên của anh được không?" và bên kia hơi cao giọng hơn: "Anh biết đó, tôi là Gene Siskel của chương trình Siskel and Ebert and the Movies (Siskel, Ebert và những bộ phim)."
Cuối cùng, tôi mới biết được là mình đang trò chuyện với nhà phê bình phim của tờ Chicago Tribune – người phát minh ra biểu tượng "two thumbsup"(8).
(8)" Two Thumbsup": Cử chỉ giơ hai ngón tay cái lên, biểu thị sự hài lòng, khen ngợi.
Người này giải thích rằng anh gọi vì nghe nói tôi có vé xem trận của Utah Jazz với vị trí ngay sau hàng ghế của đội khách - vị trí mà đội bóng yêu thích của anh, đội Chicago Bulls sẽ ngồi trong mùa giải sắp tới. Anh ấy muốn đổi hai vé hàng ghế trước tại sân United Center ở Chicago để lấy bốn vé của tôi tại sân Delta Center ở Utah. Cả hai cùng cười khi tôi đùa rằng bốn thì không thể bằng hai được. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đạt đến thỏa thuận mà cả hai bên đều vui vẻ và bắt đầu một tình bạn kéo dài cho đến khi khối u não ác tính đã sớm cướp đi sự sống của Gene.
Khi chúng tôi bay đến Chicago để xem trận thi đấu ở đó, Gene cùng vợ anh, Marlene, đã đưa vợ chồng tôi đến Gibson’s - "nhà hàng bít-tết ngon nhất thành phố này". Khi nói về những thăng trầm của cuộc sống, Gene và tôi sớm phát hiện ra rằng chúng tôi có nhiều điểm tương đồng. Dù rằng sở thích bóng rổ của chúng tôi khác nhau như ngày và đêm, nhưng quan điểm của cả hai về cuộc sống lại giống nhau một cách đáng kinh ngạc.
Trong suốt buổi thảo luận, Gene đã nói một câu mà tôi chưa từng nghe thấy trước đây, và sẽ không bao giờ quên được:
- Kevin, tài năng bị lãng phí là một tội ác. Rồi anh nói tiếp:
- Tất cả chúng ta đều có những năng khiếu nhất định mà Thượng đế ban tặng. Tôi không nói việc tài năng không được phát triển là một tiềm năng chưa được khai thác, mà tôi nói đó là một tội ác.
Tôi bắt đầu nhận ra lý do vì sao anh lại cảm nhận mạnh mẽ về chủ đề này khi nghe anh kể về thời thơ ấu của mình. Anh giải thích rằng anh mất cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ và cùng với hai em, anh được cô chú của mình nuôi dạy như con đẻ. Người chú đặc biệt đó đã dạy anh rằng Thượng đế luôn có lý do khi ban tặng tài năng cho chúng ta, và nhiệm vụ của mỗi người là phải phát triển, mở rộng và làm những điều hữu ích với tài năng được ban tặng đó.
- Khi còn trẻ, tôi đã nhận ra rằng mình rất thích về âm thanh và hình ảnh, và đúng là tôi rất yêu các bộ phim. - Gene nói. - Đó là niềm đam mê của tôi, đó chính là những gì tôi thật sự gắn bó, và tôi luôn muốn chia sẻ tình yêu đó với người khác. Ai biết được là bạn có thể kiếm sống từ điều đó? Nhưng đấy chính là điều mà tôi đã và đang làm, nhưng tôi có cảm giác như mình chưa từng phải làm việc một ngày nào trong đời.
Gene đã mô tả từ Namasté ở mức cơ bản của nó: trước khi chào đón sự vĩ đại của người khác, chúng ta cần phải chào đón sự vĩ đại bên trong con người mình.
Nhận diện những món quà độc đáo của chúng ta
Khi tôi vừa bắt đầu đi vào lĩnh vực phát triển con người, hướng dẫn đội ngũ bán hàng tại Franklin, Denis Waitley - tác giả cuốn The Psychology of Winning - đã giới thiệu để tôi có hai ngày tại Tổ chức Nghiên cứu Johnson O’Connor, còn được gọi là Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Con người vào những ngày đầu thành lập. Ở đó, họ kiểm tra để xác định năng khiếu tự nhiên của tôi. Như Denis giải thích: "Anh sẽ trải qua một loạt bài kiểm tra, cả thể chất lẫn trí tuệ. Sau khi kết thúc, họ sẽ đánh giá xem anh có được những khả năng tự nhiên nào". Tôi nhận lời Denis và thực hiện các bài kiểm tra ngay bên cạnh một nữ tu sĩ. Vị nữ tu này hẳn là cũng muốn nỗ lực để trở thành người xuất sắc nhất.
Đây là một cuộc kiểm tra tổng thể về khả năng tự nhiên của mỗi người. Trong một số lĩnh vực, tôi không đạt được điểm cao. Ví dụ, có một phần gọi là "sự khéo léo" với những bài kiểm tra về sự khéo léo của đôi tay và các ngón tay. Mục này thì tôi dở tệ. Nếu tôi là bác sĩ phẫu thuật não của bạn, chắc chắn bạn sẽ chết. Vị nữ tu kia lại tỏ ra vượt trội ở khả năng này. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy rằng tôi không nên trở thành kỹ sư xây dựng.
Tuy nhiên, mục đích những bài kiểm tra này không phải để phơi bày điểm yếu của một người, mà là nhận diện những thế mạnh của người đó. Sau khi tôi tiêu tan hy vọng trở thành bác sĩ phẫu thuật não, kỹ sư cầu đường hay người thiết kế những tòa nhà vĩ đại, người kiểm tra nói với tôi: "Anh có biết anh ở đâu trong bảng xếp hạng không? Anh có biết mình giỏi ở lĩnh vực nào không? Anh có biết mình ở vị trí nào trong nhóm 5% dẫn đầu từ hàng trăm nghìn người mà chúng tôi đã kiểm tra suốt nhiều năm nay không?".
Câu nói đó khiến tôi chú ý.
- Anh có sở trường về ideophoria (khả năng đưa ra các ý tưởng). Đó là tài năng lớn nhất của anh.
Thú thật là tôi chưa từng nghe nói đến cụm từ "ideophoria". Bài kiểm tra để nhận biết khả năng này của tôi rất đơn giản. Họ đặt một từ đơn trước mặt tôi và trao cho tôi một tờ giấy. Sau đó, họ yêu cầu tôi viết ra những suy nghĩ của mình về từ đó trong thời gian quy định. Khi hết giờ, tôi đã lấp đầy hai mặt của tờ giấy mà vẫn cảm thấy như thể mình chưa viết xong. Chỉ cần một từ thôi đã khiến mọi thứ trong tôi cứ thế tuôn trào.
Các ý tưởng! Đó là khả năng của tôi. Tôi có thể giỏi về lĩnh vực đó!
Để là chính mình, để thật sự tỏa sáng, tôi cần phải sáng tạo, khám phá, viết và không ngừng tìm kiếm những điều nằm ngoài giới hạn. "Anh được sinh ra để sáng tạo và tiếp xúc với mọi người", chuyên gia phân tích ở Johnson O’Connor đã khuyên tôi, "nhưng không phải trong một môi trường nơi anh phải tuân theo kế hoạch và chiến lược của người khác. Anh cần phải tìm cách để được tự do khám phá những ý tưởng và những điều mới mẻ của riêng mình. Anh cần phải làm điều đó để đi theo con đường của mình cũng như bộc lộ được tài năng thiên bẩm của bản thân". Và nếu không làm điều đó, tôi sẽ phạm phải một điều mà Gene Siskel đã gọi là tội ác.
Những điều tôi học được từ tổ chức Johnson O’Connor thật sự không có gì đáng ngạc nhiên. Tận sâu thẳm trong lòng mình, tôi đã biết món quà Thương đế ban tặng cho tôi là gì và luôn cảm nhận được nó bằng trực giác của mình. Các chuyên gia kiểm tra chỉ giúp chứng minh những điều tôi đã cảm nhận được. Đôi khi, các ý tưởng xuất hiện ồ ạt và nhanh chóng đến mức tôi không dám ăn, không dám tắm hay thậm chí không dám đi vệ sinh trong nhiều giờ. Đó là lý do vì sao tôi luôn mang theo sổ nhật ký bên mình để có thể thường xuyên ghi lại các ý tưởng. Như những gì tôi đã học được từ cuốn Think & Grow Rich (9) của Napoleon Hill: "Thời điểm tốt nhất để nuôi dưỡng một ý tưởng là lúc chúng vừa xuất hiện. Mỗi phút trôi qua là một cơ hội tốt hơn để nó tồn tại". Khi ý tưởng đến, bạn có thể sử dụng chúng hoặc đánh mất chúng; bạn có thể ghi lại chúng vào sổ hoặc hoài phí để chúng trôi tuột đi.
(9) First News đã xuất bản với tựa Cách nghĩ để thành công.
Kể từ đó, tôi đã xác định được mục đích cho quyết tâm của mình, đó là phải kết nối các từ ngữ, ý tưởng và con người. Niềm đam mê của tôi là giúp đỡ người khác hướng đến con đường của họ và thực hiện được mục đích trong cuộc đời họ. Khi kết nối hai con người với nhau, tôi cảm giác như thể đang lấp đầy hai mặt của tờ giấy trắng. Tôi nhìn thấy vô số cách thức khác nhau để hai con người có thể đáp ứng nhu cầu và tạo nên thành công cho nhau.
Bạn biết chắc điều gì?
Gene Siskel có một dòng viết ở chữ ký "Bạn biết chắc điều gì?". Đó quả thực giống như một lời nhắc nhở: liệu chúng ta có tập trung vào những điều mình yêu thích, vào những thứ đến một cách tự nhiên, vào những điều mà mình làm tốt nhất chưa? Suy nghĩ đó – Bạn biết chắc điều gì? – có thể được tìm thấy ở trang cuối cùng trong mỗi số báo phát hành của tờ tạp chí O của Oprah Winfrey. Tin tưởng vào sự thấu hiểu của Gene, và bằng cách in nó vào cuối mỗi tờ tạp chí của mình, Oprah một lần nữa khẳng định được tầm quan trọng của câu hỏi đơn giản nhưng thật sâu sắc này.
Trong suy nghĩ của tôi, câu hỏi "Bạn biết chắc điều gì?" là điểm cốt lõi để Johnson O’Connor đánh giá các năng lực thiên bẩm của mọi người. Sự đánh giá đó là vô giá đối với tôi, là lời kêu gọi đánh thức bản thân hãy tập trung vào những điều mình làm tốt nhất. Việc nhận ra này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu không nhận ra được món quà mà Thượng đế ban tặng cho mình, chúng ta sẽ không thể sử dụng nó. Làm sao bạn có thể đánh giá đúng được một món quà nếu không mở nó ra xem?
Những người xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình, những người giỏi nhất trong số những người tài giỏi, những người có xu hướng tỏa sáng hơn, chỉ tập trung vào một thứ duy nhất: món quà độc đáo trời ban cho họ. Họ thường cho rằng mình chỉ làm những gì mà bản thân có thể thực hiện một cách không vụ lợi.
BMW là một khách hàng lớn của tôi, và họ đã yêu cầu tôi tạo ra một thứ ngôn ngữ giúp họ bán được hàng thay vì một thứ ngôn ngữ nổi loạn. Nhiệm vụ đó đã đưa tôi đến với Neda Shahrokhi, cố vấn khách hàng hàng đầu của BMW tại Bắc Mỹ. Neda bán mỗi năm khoảng 900 chiếc BMW, chính hiệu, mạnh mẽ và hoàn toàn mới. Đúng vậy, 900 chiếc. Có nghĩa là 3 chiếc mỗi ngày, hầu như mọi ngày trong năm. Và cô đã làm thế từ năm này qua năm khác bất chấp những cơn thịnh suy của nền kinh tế. Theo Neda, bí quyết để đạt được thành công phi thường này là: "Tôi không có bất kỳ kỹ thuật bán hàng độc đáo nào. Tôi không lôi kéo ai mua xe. Tôi không phải là người kết thúc giao dịch. Nhưng tôi là người giỏi tạo ra các mối quan hệ. Đối với tôi, việc bán một chiếc xe không phải là hành động kết thúc một giao dịch. Các giao dịch đó chỉ mang tính ngắn hạn. Tôi có khả năng tạo ra các mối quan hệ lâu dài. Việc bán một chiếc xe chỉ đơn thuần là cung cấp một dịch vụ cho bạn bè. Tôi sẽ làm những gì mình có thể làm được một cách không vụ lợi".
Đây là trường hợp thường xảy ra với những người biết tôn trọng Namasté của mình. Khi cảm thấy như thể sẽ làm điều gì đó một cách không vụ lợi, đó chính là lúc bạn biết rằng mình đang đi đúng đường. Đó là khi bạn biết rằng mình đang kết nối với những gì Thượng đế ban tặng cho bạn.
Alice Elliot, người được xem là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, vừa kể với tôi rằng cô từng tự làm danh thiếp cho mình khi còn bé. Cô nói: "Tôi luôn biết mình sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi từng ngồi trên giường và vẽ tên mình cùng với chức danh vào những mảnh giấy nhỏ: Alice Elliot, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành. Tôi thường đưa những tấm danh thiếp này cho tất cả bạn bè của mình".
Hiện Alice là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Elliot, một tập đoàn đáng kính chuyên săn lùng nguồn nhân lực điều hành. Công việc này đòi hỏi Alice phải trao danh thiếp của mình cho các Giám đốc điều hành cũng như các nhà quản trị trong toàn lĩnh vực hoạt động của mình.
Hãy nghe theo bản năng của mình
Người ta nói rằng thiên nhiên cũng làm việc, nhưng thực ra thì không phải như vậy. Tất cả mọi thứ quanh ta đã chứng minh điều đó. Mọi thứ về Mẹ Thiên Nhiên đều là biểu hiện của sự hài hòa và là dòng chảy tuôn trào một cách tự nhiên. Mẹ Thiên Nhiên không cưỡng ép sức mạnh của các yếu tố quanh mình mà là nuôi dưỡng chúng. Các dòng sông không chảy ngược lên cao. Cây cối không tìm cách sinh trưởng ở Bắc Cực. Động vật phát triển trong trạng thái tự nhiên của chúng.
Một ngày kia, tôi nhìn thấy một chú chim ưng có bộ lông đuôi màu đỏ tuyệt đẹp - một chiếc phi cơ hoàn hảo của thiên nhiên - đang bay bên ngoài cửa sổ, tung cánh vút lên trời trông như một cánh diều no gió. Chỉ cần một cái vỗ cánh ngẫu nhiên là nó có thể bay vút lên cao, đến một nơi tưởng chừng như vô tận. Một chuyển động nhẹ nhàng đến bất ngờ. Con chim ưng đó tự do, tự do để được là chính mình. Nó đang làm những gì nó muốn làm, làm những gì mà nó có thể làm tốt nhất.
Trong các buổi đào tạo, tôi thường hỏi những người tham dự rằng sức mạnh nào mà họ muốn có nhất. Hầu như tất cả đều nói là muốn bay. Đúng vậy, họ muốn được tự do.
Nếu bạn muốn thật sự có thể bay được, nếu bạn muốn tung cánh cao hơn so với những gì mà bạn cho rằng con người có thể làm được, hãy cứ là chính mình. Hãy tự do làm theo bản chất tự nhiên của mình.
"Nature" có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là "natura", có nghĩa là được sinh ra hoặc sinh ra. Nature (bản chất tự nhiên) là món quà mà Thượng đế ban tặng cho ta từ lúc ta mới được sinh ra; đó là đặc tính bẩm sinh của ta ("genius") – genius có nghĩa là "genie within us" (sự thiên bẩm bên trong chúng ta). Và sự thiên bẩm đó sẽ ban cho ta mọi mong muốn và ước mơ cao đẹp.
Hãy làm những gì mà bạn sinh ra để thực hiện
Sai lầm lớn nhất của con người là không kiếm sống bằng những việc mà họ thích làm. Chẳng phải niềm mong ước và khát vọng lớn nhất của cha mẹ là con cái họ sẽ khám phá ra tiềm năng ẩn bên trong con người chúng? Tôi không quá quan tâm đến điểm số mà các con tôi đạt được cũng như tên tuổi của ngôi trường chúng đang học, hay sự nghiệp và công việc kinh doanh mà chúng sẽ theo đuổi. Tôi không quan tâm đến việc chúng kiếm được bao nhiêu tiền, miễn sao chúng kiếm đủ để có thể tự lập. Điều tôi mong mỏi nhất về các con của mình, và tôi tin rằng đó cũng chính là niềm mong mỏi của các bậc phụ huynh khác, là để chúng khám phá, nhận biết được Namasté của bản thân và sống với điều đó mỗi ngày. Nếu chúng làm được điều này thì những phần còn lại của cuộc sống – điểm số, công việc, sự nghiệp, tiền tài – sẽ tự tìm đến.
Tôi còn nhớ con gái mình, Season, gọi điện về nhà từ ngôi trường mà nó đang theo học để trở thành giáo viên. Khi trả lời điện thoại, tôi có thể cảm nhận được sự bối rối trong giọng nói của con. Con bé nói: "Bố, khi kết thúc các buổi học, con có cảm giác chẳng đúng chút nào. Con luôn muốn trở thành giáo viên. Con và mẹ luôn nói rằng con sẽ là một giáo viên tuyệt vời. Bố cũng đã khuyến khích con trở thành giáo viên. Nhưng bố có biết con thật sự muốn làm gì không? Con muốn làm nhà thiết kế thời trang. Bố biết việc con luôn tự làm thắt lưng và ví của mình, và khi con mang chúng ra ngoài, mọi người đều hỏi con mua chúng ở đâu, con trả lời là con tự làm chúng, và cuối cùng con bán được những sản phẩm của mình? Đó là điều mà con muốn làm". Và tôi đã nói: "Season, thế sao con không làm điều mà mình muốn?". Tại thời điểm đó, con gái tôi có nhiều điều không được hài lòng. Nó không đi đúng con đường của mình. Nó cần phải bắt đầu làm những gì mà nó cảm thấy cuốn hút. Và từ đó, Season đã trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Nó sở hữu một dòng sản phẩm dành riêng cho trẻ em có tên gọi là Little Season. Nó có phong cách riêng. Nó không tìm cách để trở thành một Donna Karan hay một Nicole Miller(10) kế tiếp. Con gái tôi chính là Season Hall Everton mà nó mong muốn".
(10) Hai nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Mỹ. Donna Karan (sinh năm 1948) là chủ nhãn hiệu DKNY (Donna Karan New York). Nicole Miller (sinh năm 1952) là nhà thiết kế trang phục cho nhiều ngôi sao điện ảnh thế giới.
Trong cuốn The Power of Myth, Joseph Campbell đã viết: "Cách để tìm kiếm hạnh phúc là phải suy nghĩ về những khoảnh khắc mà bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, những thời điểm mà bạn thật sự hạnh phúc – không phải phấn khích, không phải thăng hoa, mà là hạnh phúc thật sự. Vậy điều khiến bạn cảm nhận được hạnh phúc đó là gì? Hãy gắn bó với nó bất kể người khác nói gì. Đây chính là điều mà tôi gọi là đi theo sự mách bảo của niềm hạnh phúc".
Con đường duy nhất dành cho bạn
Khi tận dụng tối đa tài năng của mình có nghĩa là bạn đang đi đúng hướng, đúng mục đích, đúng mục tiêu. Ngược lại với điều đó tức là bạn đang đi sai hướng, sai mục đích, sai mục tiêu.
Bạn đã bao giờ tự nói với mình: "Tôi căng thẳng… tôi cảm thấy quá tải… tôi sắp suy sụp rồi"? Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như thế trong những khoảnh khắc nhỏ nhoi của đời mình, song nếu đó là những cảm nhận thường xuyên từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ thì rõ ràng là bạn đã không đi đúng con đường của mình, và có nhiều khả năng bạn không làm được những điều mình muốn làm. Nguồn gốc ban đầu của ba từ này: "stressed" (khẩn trương hay căng thẳng), "overloaded" (quá tải hay quá sức chịu đựng) và "breakdown" (hư hỏng hay suy sụp) không nhằm mục đích mô tả con người. Chúng được dùng để mô tả về máy móc. Chúng xuất hiện lần đầu tiên vào Thời đại Công nghiệp. Khi dây chuyền lắp ráp của một nhà máy phải làm việc quá tải, cuối cùng nó sẽ bị hỏng hay "kiệt sức". Trong một bài viết hiếm hoi của mình, Hafiz, bậc thầy thi ca người Ba Tư từ thời trung cổ đã dạy: "Bởi vì không có công thức nào để có được con đường chân chính nên mỗi chúng ta phải chấp nhận rủi ro thực hiện các bước đi của riêng mình. Chỉ có những kẻ ngu dốt mới tìm cách bắt chước hành vi của người khác. Những người khôn ngoan sẽ không lãng phí thời gian làm việc đó, họ sẽ phát triển những khả năng của riêng mình, họ biết rằng không có chiếc lá nào giống nhau trong khu rừng với 100.000 loại cây cối. Không có hai cuộc hành trình giống nhau trên cùng một con đường".
Khi bạn thực hiện cuộc hành trình của mình, hãy nhớ rằng dấu chân mà bạn để lại trên đường cũng độc đáo và duy nhất như chính con đường mà bạn đang đi.
Lựa chọn từ ngữ thích hợp dành cho bạn
Điều đầu tiên tôi làm khi hướng dẫn một người với niềm khao khát vươn xa, trưởng thành và vươn cao hơn trong cuộc sống là yêu cầu người đó chọn một từ mô tả chính xác nhất về bản thân mình. Khi làm được điều này, giống như người đó đã lật một trang trong cuốn sách và đánh dấu vào một từ. Thay vì phải xem ba trăm từ khác trên trang sách, người này chỉ cần dồn sự chú ý và tập trung vào một từ duy nhất. Những gì anh ta tập trung vào sẽ bắt đầu trải rộng ra.
Bạn có thể tự làm điều này hoặc yêu cầu bạn bè, gia đình, những người nào hiểu bạn nhất, rằng họ sẽ dùng từ nào để mô tả về bạn. Từ đó có thể là "nghệ sĩ", "chuyên gia ngôn từ", "người đưa tin", "giám đốc", hoặc "giáo viên". Đó có thể là "người gìn giữ hòa bình", "người cầu toàn", hoặc "nhạc sĩ". Cũng có thể là "nhà tổ chức", "nhà quản lý", "người kết nối", hay "nhà lãnh đạo". Không có giới hạn nào khác ngoài việc đó phải là một danh từ mô tả, và quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào bạn.
Khi bạn đã chọn được một từ của mình, hãy viết nó lên tấm gương trong nhà tắm, gương chiếu hậu, trên bàn sách, trên máy vi tính, tủ lạnh, cạnh chìa khóa xe, bất kỳ nơi nào mà bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy nó mỗi ngày. Đó chính là sự chào đón của bạn đối với Namasté – một lời chào từ trái tim bạn đến những món quà đặc biệt bên trong con người bạn.
Bạn có thể hình dung được cuộc sống của mình kỳ diệu ra sao, thế giới phi thường thế nào nếu bạn chào đón mình mỗi ngày theo cách đáng kính và kỳ diệu như thế? Bạn sẽ thay đổi thế giới của mình. Hãy nhìn vào gương một lần nữa, nhìn vào từ ngữ của bạn, phản chiếu lên những món quà mà Thượng đế ban tặng cho bạn, và hãy ghi nhớ lời của Mahatma Gandhi: "Bạn phải thay đổi bản thân mình theo cách mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới".
Như thế, bạn sẽ thay đổi thế giới.
Namasté.
VÀI DÒNG SUY NGẪM VỀNAMASTÉ - NHỮNG MÓN QUÀ KỲ DIỆU
Tôi được sinh ra với những món quà và tài năng duy nhất. Tôi kính trọng Tạo hóa đã trao cho tôi những món quà này bằng cách mở chúng ra và cho chúng được tự do phát triển.
Tài năng và quà tặng không suy giảm hay mất đi khi được chia sẻ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở và phát triển giống như những con sóng lăn tăn khi ta thả một hòn sỏi xuống mặt nước tĩnh lặng.
Aleksandr Solzhenitsyn, nhà văn Nga đoạt giải Nobel năm 1970, đã nói rằng "Tài năng luôn nhận thức được sự phong phú của nó và không bao giờ phản đối việc chia sẻ".
Tận dụng những món quà tự nhiên của mình là bước đầu tiên và quan trọng nhất để sống một cuộc sống phong phú và tràn đầy.
"Phong phú" có nguồn gốc từ sự gợn sóng và mênh mông của biển cả. Mỗi con sóng sẽ được tiếp nối bởi những đợt sóng khác, như một sự kiểm chứng đối với thực tế rằng thiên nhiên cho đi tất cả nhưng không bao giờ đánh mất điều gì.
"Tràn đầy" cũng bắt nguồn từ nước. Muốn nước trào ra khỏi lọ thì phải đổ cho đầy lọ trước.
Việc khám phá ra sự giao thoa giữa những điều mà tôi cảm nhận trong lòng mình với những gì thế giới đòi hỏi sẽ giúp tôi khám phá ra được sứ mệnh và mục đích trong cuộc sống.
Tôi luôn duy trì đúng hướng đi và mục đích bằng cách ghi vào cuốn nhật ký của mình những khi niềm hân hoan sâu thẳm trong tim mách bảo, khi tôi đang trải nghiệm niềm vui và sự bình yên trong tâm hồn, khi tôi đang cảm thấy sự phong phú đang dâng đầy.
Việc cảm nhận được niềm hạnh phúc trong sáng này cho phép tôi tự do ban phát những món quà của mình và chào đón sự kỳ diệu bên trong nó.
Tôi cam đoan sẽ không làm những việc mà mình chỉ có khả năng làm tốt, mà phải bắt đầu làm những việc mà mình có thể thực hiện một cách tuyệt vời. Đó chính là bản chất cốt lõi của Namasté.