Bầu nhiệt huyết trong mỗi chúng ta một lúc nào đó có thể bị tàn lụi, nhưng rồi nó sẽ bùng cháy khi cộng hưởng với một người khác.
– Albert Schweitzer
Art Berg chẳng có biểu hiện gì cho thấy anh là nguồn cảm hứng cho người khác khi lăn bánh xe vào phòng tập của đội Baltimore Ravens.
Đó là thời điểm cuối hè năm 2000, và các thành viên của đội bóng bầu dục tham dự giải quốc gia Mỹ đang trong thời gian tập luyện ngày hai buổi sáng và chiều để chuẩn bị cho mùa giải thường niên sắp tới. Art được Brian Billick, huấn luyện viên trưởng đội Ravens, mời đến nói chuyện với đội bóng trước giờ tập luyện sáng hôm đó. Chưa đến tám giờ khi anh vào vị trí của mình ở phía trước căn phòng, đối diện với một nhóm vận động viên cao lớn mang nhiều tâm trạng khác nhau, đang ngồi trên những chiếc ghế xếp với những miếng cao dán và túi đá chườm ở mắt cá và đầu gối. Ở họ toát lên vẻ thờ ơ, mệt mỏi. Khuôn mặt họ trông chẳng có chút thần sắc nào. Từ nhỏ, những vận động viên này đã được nghe nhiều buổi nói chuyện tương tự như thế với mục đích động viên họ nỗ lực hơn nữa. Liệu anh chàng ngồi xe lăn này có thể nói điều gì mà họ chưa từng nghe qua? Làm cách nào anh ta có thể truyền cảm hứng nhiều hơn so với mức họ đã nhận được?
Và rồi Art kể cho họ nghe câu chuyện đời mình: anh đang chuẩn bị kết hôn thì gặp phải tai nạn khiến anh bị liệt cả tay chân. Art kể về những năm tháng đầy thử thách, đau đớn và nản lòng mà anh đã trải qua chỉ để được xuất viện và kết hôn với người phụ nữ anh yêu. Anh kể về việc phải học lại những điều cơ bản nhất của con người như đánh răng, mang giày mà không dùng đến đôi tay và đôi chân. Anh phải chịu đựng những thời khắc buồn tủi, tuyệt vọng và đã tự mình hình thành nên đức tính kiên nhẫn mà bản thân anh không bao giờ hình dung mình sẽ có được.
Lúc đó anh mới hai mươi mốt tuổi, cùng tuổi với hầu hết các vận động viên khác. Chỉ mới phút trước, anh còn ngồi ở vị trí hành khách của chiếc xe đang tăng tốc băng qua sa mạc Nevada, phút sau, chiếc xe lật nhào nhiều vòng, mỗi một vòng quay như một lời khẳng định rằng cuộc sống khỏe mạnh, sung sức và tràn đầy nhiệt huyết của anh sẽ biến mất. Khi anh tỉnh dậy trong bệnh viện, tất cả cử động của anh chỉ còn gói gọn trong những cái chớp mắt. Anh tự bắt mình phải trườn người mỗi lần khoảng vài centimet. Phải mất nhiều tháng anh mới có thể tự ngồi vào xe lăn, và thêm nhiều tháng nữa để anh học cách di chuyển trên chiếc xe lăn.
Khi rơi vào hoàn cảnh đen tối nhất, anh kể rằng mình đã đọc được một bài thơ của nhà thơ người Anh William Ernest Henley. Chính bài thơ ấy đã chấm dứt tiếng nói bi thương luôn thường trực trong suy nghĩ của Art rằng anh đã mất tất cả. Với tựa đề "Invictus", bài thơ có một khổ thơ như sau:
Dù cổng thiên đường có khó đi đến mức nào,
Dù hình phạt có giăng đầy phía trước,
Tôi vẫn làm chủ số phận của mình,
Tôi vẫn là người nắm giữ linh hồn mình.
"Chính bạn sẽ quyết định những điều mình muốn đạt được", Art thách thức các cầu thủ khi nói chuyện với họ vào buổi sáng hôm đó. "Bạn và chỉ một mình bạn mà thôi". Khi tỉnh dậy trong trạng thái toàn thân bất động ở bệnh viện, với tất cả những lý do khiến anh không còn có thể làm được điều gì, mục tiêu của anh là trở thành nhà vô địch trong tất cả những việc anh còn có thể làm được. Anh có thể sống tự lập, có thể kết hôn với người mà mình yêu thương. Anh có thể có một gia đình, có thể tự mình lái xe và làm chủ cuộc sống của mình. Anh có thể viết ra những cuốn sách giúp khơi nguồn cảm hứng cho người khác. Anh có thể trở thành một trong những nhà diễn thuyết được mong đợi nhất và ở vào vị trí có thể nhắc nhở các vận động viên tài năng này rằng họ có thể làm được bất kỳ điều gì mình muốn. Anh có thể và anh đã làm được(12).
(12) Arthur Edwin Berg (Art Berg) sinh ngày 18/4/1962. Năm 21 tuổi, năm tuần trước ngày cưới, anh bị tai nạn ô tô nghiêm trọng làm gẫy cổ và liệt tứ chi. Một năm rưỡi sau, ngày 18/6/1985, anh vẫn kết hôn với người yêu của mình, Dallas How- ard – Hoa hậu Thiếu niên năm 1981 của bang Utah (và năm 1992, Dallas tiếp tục đoạt danh hiệu Hoa hậu Quý bà bang Utah – Mỹ). Vượt qua bất hạnh, Art là một vận động viên khuyết tật đẳng cấp quốc tế ở nhiều bộ môn thể thao, trong đó có môn bóng bầu dục trên xe lăn, đồng thời trở thành một tác giả viết sách và là diễn giả truyền cảm hứng cho rất nhiều công ty nổi tiếng như IBM, American Express, AT & T, Coca-Cola, Sony,… Năm 1993, Art lập kỷ lục thế giới là người liệt tứ chi đầu tiên vượt 325 dặm (khoảng 523 km) giữa Salt Lake City và St. George, Utah, trên xe lăn trong 7 ngày. Vợ chồng Art có 3 người con. Anh mất ngày 19/2/2002.
Invictus
Đội Ravens đã chơi ở mức trung bình trong mùa giải trước, và có rất nhiều lý do khác nhau – chấn thương, vấn đề cá nhân, tài năng vượt trội của đối phương – để kết luận rằng mùa giải này sẽ không có gì khác biệt so với trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ phải chấp nhận một kết quả mà người khác đã định sẵn cho họ. Điều đó không có nghĩa là họ không thể vượt qua được tất cả những lý do đó. Art định nghĩa "invictus", một từ La-tinh tượng trưng cho sự bất khuất, bất khả chiến bại và không chùn bước. Nếu mục tiêu của bạn là chiến thắng ở giải Super Bowl và giành ngôi quán quân, Art nhấn mạnh, bạn chính là người làm chủ số phận đó. Khi các vận động viên lần lượt rời khỏi phòng, Art không chắc là họ đã tiếp nhận thông điệp của anh như thế nào. Nhà quản lý đội bóng mời anh ở lại xem trận giao hữu trước khi bay về nhà. Khi đội Ravens đang thua với khoảng cách tỷ số rất lớn, quản lý của đội quay sang Art và nói: "Nếu bằng cách nào đó mà chúng tôi lấy lại phong độ, tôi sẽ đặt chữ ‘Invictus’ trên bảng tỷ số".
Nỗ lực hết sức, đội Ravens lội ngược dòng và giành chiến thắng; sau đó, với "Invictus" làm khẩu hiệu, đội đã bắt đầu mùa giải với năm trận thắng trong số sáu trận đấu đầu tiên. Nhưng rồi họ mất tập trung và để thua ba trận liên tiếp.
Đội Ravens đã chuyển đến cho Art Berg một tín hiệu đáng buồn. "Liệu anh có thể trở lại và nói chuyện với đội bóng một lần nữa không", huấn luyện viên trưởng Billick đề nghị.
Art cùng với chiếc xe lăn của mình lại bay đến Baltimore và được chào đón tại trung tâm huấn luyện bởi những thính giả nồng nhiệt hơn nhiều so với lần trước. Các cầu thủ tập trung trước mặt anh đều háo hức muốn được nghe những điều anh nói. Họ từng nghe thấy những lời động viên của anh trước đây, nhưng lần này, họ mới thật sự lắng nghe.
Art nhắc nhở họ về sức mạnh của invictus. Anh khẳng định lại những yếu tố cốt lõi để đạt được thành công. Đừng nghe những lời chỉ trích. Đừng chú ý đến những lý do vì sao bạn không thể đạt được mục tiêu của mình. Hãy tập trung vào những ưu điểm thay vì những khuyết điểm của bạn. Đó là lời kêu gọi của bạn. Hãy tỏ ra bất khuất, bất khả chiến bại và không chùn bước. Invictus. Đội Ravens đã giành chiến thắng trong mỗi trận đấu trong suốt phần còn lại của mùa giải, và trong những trận đấu mang tính quyết định, họ tiếp tục duy trì sức mạnh bất khuất của mình. Vượt qua vô vàn khó khăn, chỉ trích, và cả sự nghi ngờ với chính bản thân khi mùa giải bắt đầu, cuối cùng, đội Baltimore Ravens đã trở thành nhà vô địch.
Sau chiến thắng ở giải Super Bowl, Art được mời đến Baltimore một lần nữa, nhưng lần này không phải với vai trò nhà diễn thuyết. Đó là bữa tiệc ăn mừng của đội bóng và các cầu thủ muốn tặng anh một vật – một chiếc nhẫn Super Bowl. Người đàn ông không thể cử động được tay chân của mình nhưng đã tạo cảm hứng để họ trở thành nhà vô địch thế giới chính là thành viên sáng giá nhất của họ. Để chứng tỏ điều này, đội đã khắc trên mỗi mặt của những chiếc nhẫn Super Bowl một từ duy nhất: INVICTUS.
Nguồn cảm hứng thật sự
Tôi gặp Art ngay sau khi tai nạn xảy ra, và tôi đã chứng kiến quá trình anh tự biến mình thành nhà vô địch và đã tác động tích cực đến mọi việc và mọi người mà anh tiếp xúc.
Chính Art đã khơi nguồn cảm hứng cho Chad Hymas, người thanh niên mà chúng ta đã gặp ở Chương 4, để cậu ấy vượt qua hoàn cảnh của mình và đạt được những mục tiêu đã đề ra. Hai tháng trước khi xảy ra tai nạn khiến Chad liệt cả hai tay và hai chân, Art có bài phát biểu tại một hội trường ở Texas. Trong nhóm thính giả đó có Kelly Hymas, cha của Chad. Kelly cảm động bởi câu chuyện của Art đến mức ông đã vội mua một cuốn sách của Art trước khi đáp chuyến bay về nhà.
Khi Chad tỉnh dậy với toàn thân bất động trong bệnh viện, Kelly đã đặt cuốn The Impossible Just Takes A Littte Longer (Tạm dịch: Mất thêm chút thời gian để thực hiện nhiệm vụ bất khả thi) của Art cạnh giường Chad. Sau khi đọc cuốn sách này, Chad đã viết thư mời Art đến thăm. Nhiều ngày sau, thật bất ngờ, Art xuất hiện trước cửa khoa bại liệt của bệnh viện nơi Chad và nhiều người khác đang điều trị hồi phục chức năng.
Không nói một lời nào, Art trườn người ra khỏi xe lăn để leo lên một chiếc giường và bắt đầu "biểu diễn" cách tự thay quần áo của một người bị liệt tứ chi. Bằng cách sử dụng hai cánh tay, cằm và các cử động khác của cơ thể mà những người chứng kiến không thể nào hình dung được, Art đã cởi bộ quần áo của mình và mặc chúng trở lại ngay trước mặt mọi người với một tốc độ không thể tin được. Bạn cũng có thể làm được điều này! chính là thông điệp anh muốn gửi đến mọi người.
"Đó quả là một điều kỳ diệu", Chad nói. "Anh ấy xuất hiện một cách hoàn toàn bất ngờ và bắt đầu làm những việc mà tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng mình không thể nào làm được". Từ giây phút đó trở đi, Chad đã nhìn thế giới với một quan điểm tươi sáng hơn và theo cách hoàn toàn khác. Tương lai bỗng trở nên đầy hứa hẹn, những cơ hội một lần nữa lại trải rộng ra. Một người sống trong hoàn cảnh không khác gì so với Chad, cũng phải đối mặt với những khó khăn và tuyệt vọng, đã chỉ cho Chad nhìn thấy những chân trời mới mà anh không hề biết rằng chúng tồn tại trên đời này.
Không lâu sau khi gặp Chad, Art qua đời do những biến chứng trong quá trình điều trị để duy trì hoạt động của cơ thể bại liệt của anh. Để tỏ lòng tôn kính đối với Art, Chad đã nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình để sánh được với tấm gương của Art, đồng thời tìm cách khơi nguồn cảm hứng cho người khác như cách mà Art đã làm với mình. Khi đi được 825,5 km đường trên chiếc xe lăn của mình, Chad đã phá kỷ lục 523 km của Art. Anh đã mua lại chiếc xe tải nhỏ của Art để tự mình đi khắp nơi. Và anh đã làm việc không mệt mỏi để trở thành một nhà diễn thuyết có thể nuôi sống gia đình mình theo cách mà Art đã làm.
Cuối cùng, Chad Hymas đã được Hiệp hội Diễn giả Quốc gia cấp bằng diễn giả chuyên nghiệp, một danh hiệu chỉ được trao cho một số nhà diễn thuyết hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả Art Berg.
Dù diễn thuyết ở nơi đâu, Chad luôn tỏ lòng tôn kính đến người thầy của mình, và bất cứ khi nào được gọi là nhà diễn thuyết tạo động lực, Chad đều nhanh chóng sửa lại.
"Tôi là một diễn giả khơi nguồn cảm hứng", anh khẳng định. Và đúng là anh đã được hướng dẫn để trở thành một người như thế bởi một bậc thầy tài giỏi nhất.
NHỮNG BUỔI CHIỀU CÙNG VỚI ARTHUR
Arthur hít một hơi thật sâu, và cứ để như vậy. Tôi không hiểu được mục đích của ông nhưng cảm thấy nhẹ người khi ông thở ra và bắt đầu hít thở bình thường trở lại.
Ông đã dạy cho tôi ý nghĩa của từ "khơi nguồn cảm hứng" (inspire), có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là "inspirare". "Spirare" có nghĩa là thở, và "in" có nghĩa là vào trong. Và khơi nguồn cảm hứng có nghĩa là hít thật sâu vào bên trong.
Bậc thầy ngôn từ giải thích rằng khi chúng ta đưa hơi thở vào cuộc sống của người khác, chúng ta sẽ khơi nguồn cho niềm hy vọng, mục tiêu và mơ ước của họ. Chúng ta mang hơi thở vào cuộc sống của họ như cách Tạo hóa đã đưa hơi thở vào để tạo ra sự sống cho chúng ta.
Nhưng khi lấy đi không khí của người khác, nghĩa là chúng ta đang làm mất đi hy vọng, mục tiêu và mơ ước của họ.
Vì vậy, chúng ta có thể mang hơi thở vào cuộc sống hay lấy đi sự sống, tất cả đều do ta lựa chọn.
Tôi luôn kinh ngạc bởi khả năng của Arthur trong việc thổi hồn vào các ngôn từ, cũng như khả năng mà ngôn từ truyền sự sống đến cho ông. Những buổi chiều của chúng tôi hầu như bắt đầu với việc Arthur ngồi trên chiếc ghế yêu thích của ông, trong trạng thái hoàn hoàn bình yên, thư giãn. Khi tôi nhắc đến từ "khơi nguồn cảm hứng", Arthur bỗng trở nên năng động ngay tức thì, huơ huơ cả hai cánh tay đầy mạnh mẽ khi ông diễn giải định nghĩa của nó – đây chính là hình ảnh của nguồn năng lượng và nhiệt huyết.
Sau khi đã mô tả ý nghĩa của từ "khơi nguồn cảm hứng" bằng cách hít thở, Arthur bắt đầu nói tiếp về một từ có liên quan. Đó là từ "encourage" (khuyến khích). "Coeur" trong tiếng La-tinh có nghĩa là trái tim, ông giải thích bằng động tác chỉ vào trái tim mình. Khi bạn "khuyến khích" có nghĩa là bạn bổ sung điều gì đó vào trái tim của người khác. Và khi bạn "ngăn cản" có nghĩa là bạn lấy đi thứ gì đó ra khỏi trái tim của người khác.
Arthur nói tiếp, những người khơi nguồn cảm hứng và khuyến khích người khác có thể được xem như những người biết đánh giá (appreciators), biết làm tăng giá trị của người khác, còn những người ngăn cản và khiến người khác nản lòng có thể được xem như những kẻ thích gièm pha (depreciators), làm giảm giá trị của người khác.
Arthur lưu ý rằng giống như "appreciate" (đánh giá cao/đề cao), những từ bắt đầu bằng "ap" như "approve" (phê duyệt), "apply" (áp dụng) và "applaud" (tán thành) đều có nghĩa là tăng hoặc hướng lên trên. Còn những từ bắt đầu bằng "de" như "depreciate" (đánh giá thấp/ coi thường), "destroy" (phá hủy), "designate" (chỉ định) và "degrade" (giáng chức) thường có nghĩa là xuống hoặc mất đi. Những người biết đánh giá tài năng đặc biệt của mình cũng như của người khác sẽ tạo ra một chu kỳ hướng lên có khả năng nâng đỡ trong vòng xoay của nó. Những người hạ bệ hoặc gièm pha khả năng của người khác sẽ khiến chu kỳ đó đi xuống. Mỗi lần tiếp xúc với người khác, chúng ta đều có cơ hội hoặc nâng đỡ tinh thần họ hoặc "xé nát" trái tim họ. Từ ngữ chính là đơn vị tiền tệ trong giao tiếp hàng ngày của con người. Khả năng sử dụng ngôn từ hợp lý sẽ giúp chúng ta có được sức mạnh và sức ảnh hưởng to lớn.
Lớp áo khen ngợi
Nhà thơ Maya Angelou đã nói: "Tôi đã học được một điều rằng mọi người sẽ quên những gì bạn nói, mọi người sẽ quên những việc bạn làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên cách bạn khiến họ cảm nhận".
Trong cuốn sách bán chạy của mình The Power of Intention (tạm dịch: Sức mạnh của định hướng), Wayne Dyer đã viết về hiệu ứng của sự ân cần đối với cơ thể con người. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, hoạt động não bộ của những cá nhân thực hiện một hành động ân cần đối với người khác sẽ có lượng serotonin cao – đây là chất dẫn truyền thần kinh được sản sinh ra trong não giúp điều tiết chỉ số cảm xúc của mỗi người và thường có trong thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì các nhà khoa học đã tìm thấy, đối với những người nhận được hành động ân cần, lượng serotonin của họ cũng tương tự như ở những người trao sự ân cần đó. Thậm chí, nghiên cứu còn cho thấy rằng ngay cả những người quan sát hành động và cử chỉ ân cần đó cũng có lượng serotonin tương tự.
Môi trường khơi nguồn cảm hứng là nơi có sức lan tỏa. Không có gì hạnh phúc hơn khi được chuyển từ trạng thái lạnh lẽo sang ấm áp. Khi chúng ta khơi nguồn cảm hứng và khen ngợi người khác, cứ như thể chúng ta đang đưa họ ra khỏi nơi lạnh lẽo và quấn họ trong một "lớp áo khen ngợi" ấm áp.
Có một hình ảnh luôn khắc sâu trong tâm trí tôi. Một đêm nọ khi đang đạp xe qua Doheny State Park, một dải đất ven biển Thái Bình Dương với nhiều khu lều trại dã ngoại, tôi nhìn thấy một gia đình đang sum họp để mừng sinh nhật cho cậu con trai. Ngọn lửa trại thắp sáng khuôn mặt của khoảng chục thành viên đang đứng thành vòng tròn. Ở giữa là một chiếc bánh kem được thắp nhiều ngọn nến. Mắt tôi chợt hướng về tâm điểm của sự chú ý trong buổi tối hôm đó: chủ nhân của buổi tiệc sinh nhật. Khuôn mặt cậu rạng rỡ, sáng như những ngọn nến trên chiếc bánh và những viên than đang cháy trong đống lửa trại. Không còn nghi ngờ gì về vẻ mặt ấy. Đó là lời khẳng định về niềm vui thuần khiết, trọn vẹn. Dù đạp xe đi qua nhưng tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại, trong lòng cảm thấy ấm áp như thể đang được ngồi quanh đống lửa và được tham gia bữa tiệc mừng kia.
Từ "praise" (khen ngợi) có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ "preise" có nghĩa là giá hoặc giá trị. Khi khen ngợi người khác có nghĩa là chúng ta sẽ làm tăng giá trị của họ, cuộc sống của họ, những giấc mơ của họ. Chúng ta đánh giá cao nỗ lực và mục đích của họ. Các cơ sở giáo dục thường công nhận những cá nhân tốt nghiệp với thứ hạng cao. Danh hiệu "magna cum laude" (vô song) có nghĩa là sự biểu dương to lớn, và "summa cum laude" (xuất sắc) có nghĩa là sự biểu dương cao nhất. Những học viên tốt nghiệp với danh hiệu đó sẽ rời trường với cảm giác về giá trị to lớn của bản thân.
Khơi nguồn cảm hứng hay dập tắt hy vọng
Trong cuốn sách mang tính đột phá của mình The Hidden Messages in Water (tạm dịch: Lời nhắn nhủ của nước), nhà nghiên cứu Masaru Emoto cho thấy khi tiếp xúc với những suy nghĩ và lời nói tích cực, những tinh thể nước sẽ kết nên hình dạng tuyệt đẹp, ngược lại, nếu tiếp xúc với những suy nghĩ và lời lẽ tiêu cực, chúng sẽ tạo ra những hình dạng méo mó với hình thù kỳ dị. Nhờ sử dụng công nghệ chụp ảnh ở tốc độ cao, Emoto cho thấy được cách thay đổi diện mạo của nước theo bản chất của những từ ngữ và lời lẽ mà nó tiếp xúc.
Hơn nửa thế kỷ trước, Napoleon Hill đã giảng giải về nguyên tắc bất di bất dịch này: "Tất cả mọi suy nghĩ đều có xu hướng khoác lên mình một vẻ bề ngoài tương tự".
Khi còn bé, chúng ta được dạy rằng "chiếc gậy và hòn đá có thể đánh gãy xương của bạn nhưng lời nói thì không bao giờ có khả năng làm tổn thương bạn". Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Chiếc gậy và hòn đá có thể làm gãy xương bạn còn lời nói có thể làm vỡ nát trái tim bạn.
Lời nói có sức mạnh vô cùng to lớn, dù tốt hay xấu. Chúng có thể khơi nguồn cảm hứng trong bạn nhưng cũng có thể dập tắt mọi hy vọng của bạn. Mọi sự lựa chọn đều do ta quyết định. Chúng ta có thể:
Chọn cách hàn gắn hay làm tổn thương. Chọn cách chấp nhận hay từ chối.
Chọn cách khơi nguồn cảm hứng hoặc dập tắt hy vọng của người khác.
Chọn cách khen ngợi hoặc chỉ trích.
Chọn cách đánh giá cao hoặc xem thường.
Chọn cách khuyến khích hoặc khiến người khác nản lòng
Chọn cách chú trọng đến những điểm mạnh hoặc đến những điểm yếu.
Việc chọn lựa những từ ngữ và lời nói có khả năng nâng đỡ tinh thần của con người sẽ tạo ra một hệ tư tưởng mới. Thay vì chỉ mải chạy theo suy nghĩ "tôi có thể nhận được điều gì?", chúng ta hãy chuyển hướng sang suy nghĩ "tôi có thể cho đi điều gì?".
Trái tim kỳ diệu
Cơ thể chúng ta được gắn kết để tạo nên sự sống, và tất cả đều bắt đầu bằng trái tim. Nếu ta lấy toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể một đứa trẻ, bao gồm động mạnh, tĩnh mạch và mao mạch rồi nối chúng lại với nhau, ta sẽ có được độ dài khoảng hơn 96.560 km(13) – tức gấp hơn hai lần chu vi trái đất. Ấy vậy mà hệ thống này lại có khả năng bơm một tế bào máu đi khắp cơ thể chỉ trong vòng hai mươi giây.
(13) Con số này đối với hệ thống mạch máu ở cơ thể người lớn là xấp xỉ 160.934 km.
Chúng ta càng vận động thì trái tim càng khỏe mạnh. Trái tim của một vận động viên có thể lực tốt có thể lớn hơn kích thước của một trái tim bình thường đến 1,5 lần. Ngược lại, việc thiếu vận động sẽ khiến cơ tim teo tóp, suy yếu.
Trái tim không chỉ là một cái máy bơm kỳ diệu, mà nó chính là yếu tố quyết định trạng thái khỏe mạnh của thể chất và tinh thần. Trái tim là nơi trú ngụ của những cảm xúc sâu sắc nhất và những khát vọng cao quý nhất. Nó là trọng tâm của văn học từ thời trung cổ. Từ bao đời nay, các tiểu thuyết gia, nhà biên kịch, nhà thơ và nhạc sĩ đã tạo ra ngôn ngữ của riêng mình xoay quanh chủ đề trái tim. Các từ ngữ như "heartless" (vô lương tâm), "bighearted" (rộng lượng/hào hiệp), "coldhearted" (nhẫn tâm), "heart-felt" (thành tâm) và "with all your heart" (bằng cả tấm lòng) đều khơi gợi những hình ảnh mạnh mẽ.
Thời Ai Cập cổ đại, trái tim được xem như hạt giống của lòng nhân ái. Do Thái giáo xem trái tim như ngôi đền của linh hồn và sự thông thái. Còn đối với Cơ đốc giáo, trái tim là biểu tượng của tình yêu và lòng trắc ẩn.
Phép cộng cho trái tim
Gia đình chúng tôi thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của từ "khuyến khích" – tức là bổ sung điều gì đó vào trái tim của người khác – ngay sau khi Taylor, cháu gái đầu tiên của chúng tôi chào đời. Nhìn bề ngoài, Taylor là một bé gái khỏe mạnh. Nhưng ngay ngày hôm sau, các bác sĩ phát hiện rằng con bé có một khuyết tật bẩm sinh ở tim. Nhiều giờ kiểm tra sau đó, kết quả chẩn đoán cho biết thiên thần nhỏ này mắc một chứng bệnh gọi là Tứ chứng Fallot (TOF) – một nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng tím da và có thể dẫn đến tử vong. Nói theo ngôn ngữ thông thường, Taylor mắc bệnh to tim. Ngoài lồng tim quá cỡ ra còn có một cái lỗ giữa hai tâm thất dưới của tim, và một cái van đóng thay vì mở ra sau mỗi nhịp đập. Kết quả là, phổi của bé không có đủ lượng ôxy cần thiết.
Không ai trong gia đình chúng tôi sẵn sàng để đón nhận một tin dữ như thế. Bố mẹ Taylor đều là những vận động viên ưu tú. Summer, mẹ con bé và cũng là con gái lớn nhất của chúng tôi, là cầu thủ bóng đá thời đại học; còn Bryson, bố nó, là vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp. Tại Trung tâm Huấn luyện Thế vận hội ở Colorado Springs, các cuộc kiểm tra thể chất của Bryson đều ở hạng cao. Không ai có thể đoán được rằng đứa con đầu lòng của hai cơ thể khỏe mạnh đó lại có vấn đề về tim. Nhưng điều đó đã xảy ra.
Ca phẫu thuật được dự kiến sẽ diễn ra sau sáu tháng, khi con bé đủ cứng cáp để chịu đựng ca mổ. Vào ngày đã định, cả gia đình chúng tôi đều có mặt tại bệnh viện. Trong lòng chúng tôi lúc bấy giờ chỉ có một mong ước duy nhất: con bé được lành lặn. Chúng tôi mỉm cười và vẫy chào khi Taylor được bế vào phòng phẫu thuật trên tay một nữ y tá ăn mặc bộ quần áo có in hình bò sữa, một cách để làm giảm đi không khí nghiêm trọng lúc đó, giống như nụ cười trên khuôn mặt Taylor đã che giấu những đau đớn bên trong trái tim nhỏ bé của nó.
Các bác sĩ dự đoán ca phẫu thuật sẽ kéo dài từ hai đến ba giờ. Nhưng có một số biến chứng bất ngờ với máy trợ tim nhân tạo, khiến cơ thể Taylor sưng lên, và thời gian đó đã được nhân đôi. Sau nhiều giờ vô cùng lo lắng, một vị bác sĩ nhễ nhại mồ hôi với một trái tim tràn đầy cảm xúc đã chậm rãi bước ra phòng chờ. Trông ông ấy cứ như vừa đi ra từ máy ép nước. Ông giải thích về biến chứng nguy hiểm bất ngờ khiến ca phẫu thuật phải kéo dài và cuối cùng nhóm bác sĩ phẫu thuật đã đưa được một chiếc van vào trái tim của Taylor. Họ đã thu nhỏ kích cỡ chiếc van và khéo léo gắn nó cạnh trái tim con bé, sau đó khâu một miếng đắp để vá cái lỗ ở giữa hai tâm thất bên dưới tim. Vị bác sĩ đó nói rằng Taylor giờ có thể có đủ lượng ôxy cần thiết cho cơ thể. Những lời nói động viên này đã khiến Summer, với trái tim đau đớn, đầy lo lắng và yêu thương, cuối cùng có thể có được một tia hy vọng.
Khi Taylor được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt, tất cả chúng tôi đều không lường trước được những gì mình nhìn thấy. Đứa bé xinh đẹp đó lúc này trông như một quả bóng, khó có thể nhận ra được. Hình ảnh đó khiến chúng tôi sựng lại. Nhưng khi nhìn thấy Taylor, Summer liền chạy đến bên con, không rời nó nửa bước cho đến khi con bé khá hơn, và chúng tôi nhận ra được ý nghĩa quan trọng của những điều đã xảy ra. Nếu không nhờ thiết bị trợ tim, nếu không nhờ tay nghề và kiến thức của các bác sĩ phẫu thuật và các y tá, Taylor đã không thể sống sót.
Khi ngắm nhìn Taylor bé bỏng chạy nhảy, đạp xe và chơi đùa, chúng tôi vô cùng biết ơn với từng động tác đó. Và quan trọng hơn cả là chúng tôi cảm ơn vì nó đã hiện diện bên cạnh chúng tôi, làm phong phú thêm cho cuộc sống của chúng tôi. Thật ý nghĩa khi đưa hơi thở, sự sống vào trái tim của ai đó, vào cuộc sống của ai đó. Chúng tôi đã hiểu được điều này.
VÀI DÒNG SUY NGẪM VỀINSPIRE - KHƠI NGUỒN CẢM HỨNG
Khơi nguồn cảm hứng – hít vào! Khuyến khích – lấp đầy trái tim! Khiến cho mọi người cảm thấy tốt hơn!
Mẹ tôi đã khắc sâu trong tim tôi ý nghĩa quan trọng của sự khuyến khích và khơi nguồn cảm hứng cho những người xuất hiện trên con đường của mình. "Hãy để mọi người cảm thấy tốt hơn vì đã gặp được con", mẹ tôi đã dạy như thế.
Không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào, tôi phải đối xử với người khác một cách rộng lượng, hào hiệp; nếu không tôi sẽ đi ngược lại với truyền thống của gia đình.
Teilhard de Chardin, nhà triết học và giáo sĩ người Pháp đã nói: "Chúng ta không phải là con người với những trải nghiệm tinh thần. Chúng ta là những linh hồn với trải nghiệm con người".
Tôi có thể đưa sự sống vào tinh thần của người khác.
Tục ngữ có câu: "Một người bạn là người biết được bài hát trong tim bạn và có thể hát cho bạn nghe khi bạn đã quên lời bài hát đó".
Tôi có thể khuyến khích những người mình yêu quý để họ suy nghĩ và sống một cuộc sống có ý nghĩa. Tôi có thể thách thức họ theo đuổi giấc mơ lớn và nâng cao tài năng của bản thân.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dạy: "Chúng ta là những vị khách viếng thăm hành tinh này. Chúng ta chỉ lưu lại nơi đây nhiều nhất là khoảng 90 hoặc
100 năm. Trong suốt thời gian ấy, chúng ta phải cố gắng làm điều gì đó thật tốt, thật có ý nghĩa với cuộc sống của mình. Nếu góp phần tạo nên hạnh phúc của người khác, chúng ta sẽ tìm thấy mục tiêu và ý nghĩa thật sự của cuộc sống".
Từ lúc này trở đi, tôi sẽ phấn đấu để những người mà tôi gặp gỡ đều cảm thấy tốt hơn vì đã gặp được mình.