Có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, có thể nhìn thấy và cảm nhận tâm trạng của người khác, đó là một món quà hiếm có.
– Mata Amritanandamayi
Khi Larry Hall nhấc quả bóng bowling nặng hơn 6 kg lên và đứng phía sau những hình tam giác nhọn trên sàn, anh thậm chí chưa từng nghe đến năm bước tiếp cận chứ đừng nói gì đến phương pháp chinh phục mục tiêu.
Chúng tôi đến Jack & Jill Lanes, một trung tâm bowling gần nhà vào một buổi sáng thứ Bảy bình thường. Larry là người quản lý khu Village Green Trailer Court thuộc quyền sở hữu của gia đình anh và cũng là nơi gia đình tôi đang sống. Anh còn tình nguyện dẫn dắt lớp trẻ trong cộng đồng chúng tôi. Chúng tôi làm bạn với nhau khi tôi mười bảy tuổi, lúc đó anh hỏi về sở thích của tôi và tôi đáp mình thích chơi bowling.
"Vậy thì chúng ta cùng chơi bowling nào", anh nói.
Rõ ràng là Larry không dành nhiều thời gian cho trò chơi này. Lẽ ra anh đã có thể trở thành một vận động viên hoàn hảo (anh là vận động viên quần vợt chuyên nghiệp và đã huấn luyện bộ môn này tại trường đại học địa phương), nhưng anh không phân biệt được phương pháp năm bước và phương pháp ba bước. Khi ấy, trong một lần thực hiện, anh đã để bóng rơi về phía sau.
Tôi lớn lên trong một môi trường bowling. Bố dượng tôi đã từng tham gia thi đấu hai mùa giải. Mẹ tôi, anh trai tôi cũng chơi bowling. Bowling là thú vui của cả gia đình tôi.
Lúc đầu tôi nghĩ rằng Larry thích thú với trò chơi này. Nhưng điều mà anh thật sự quan tâm là giúp tôi có được những lựa chọn phù hợp trong cuộc sống. Anh thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt những người trẻ tuổi một cách nghiêm túc; anh là bạn của nhiều thanh niên trong cộng đồng. Anh luôn dõi theo tôi quanh sân bóng, một thiếu niên cứ quanh quẩn ở đó mà không hề nghĩ về nơi mà cậu ta định đến. Anh nhìn thấy được tiềm năng ở tôi, và đã giúp tôi nhận ra được trọn vẹn tiềm năng đó.
Anh không đưa tôi đến câu lạc bộ địa phương. Anh đến nơi mà những người sống ở bờ tây thường tụ tập mỗi thứ Bảy. Anh đến chỗ thảm cỏ của tôi, cởi bỏ đôi giày tennis và mang giày bowling vào. Sau đó, chúng tôi nói về các khả năng và lựa chọn ở phía trước. Larry Hall đã trở thành người thầy quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi có thể nhận thấy được sự quan tâm chân thành của vị huấn luyện viên này. Anh nói, "Kevin, cậu có thể đi theo con đường này, hoặc cậu có thể đi theo con đường kia", và rồi chúng tôi nói về ý nghĩa của những lựa chọn đó cũng như con đường mà chúng có thể đưa tôi đến trong tương lai. Người đàn ông trẻ tuổi này – anh không lớn hơn tôi bao nhiêu – đã giúp tôi đưa ra những quyết định có ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời mình. Anh khuyến khích tôi tiếp tục việc học của mình. Anh cảnh báo tôi tránh xa ma túy và các chất gây nghiện khác. Anh luôn là người thầy vĩ đại và là tấm gương về tấm lòng không vị kỷ. Tôi tin rằng mối quan hệ của chúng tôi sẽ không thể tiến triển nếu anh không gặp tôi lần đầu tại nơi tôi đã sống và không buồn quan tâm đến con đường mà tôi lựa chọn. Sự chỉ bảo của anh đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
NHỮNG BUỔI CHIỀU CÙNG VỚI ARTHUR
Hôm nay, trong buổi học như thường lệ của chúng tôi, tôi nhận ra rằng Arthur rất thích những từ liên quan đến đất. Những từ liên quan đến đất thường được ông đề cập đến. Trong các buổi học trước, ông đã dạy tôi những từ như "pathfinder" (người tìm đường) để mô tả về một người áp tai xuống đất để xác định vị trí con mồi cho những người khác săn lùng, và từ "humility" (sự khiêm nhường), một từ có nguồn gốc từ "humus" (mùn đất), loại đất hữu cơ sẫm màu chứa nhiều dưỡng chất thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển.
Arthur giải thích thêm rằng từ "empathy" (sự thấu cảm) cũng là một từ có nguồn gốc từ đất. "Pathy" xuất phát từ chữ path (con đường), còn "em" là in (bên trong). Empathy có nghĩa là bước đi trên con đường của người khác. Nếu không đi trên con đường của người khác, nếu không đến được nơi người đó đã đến, bạn không thể nào hiểu được những gì anh ta đang trải nghiệm.
Ông cũng chỉ ra rằng "communication" (giao tiếp) – người "họ hàng" thân thiết của "empathy" – cũng là một từ có liên quan đến đất. "Communication" có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là "communicate", có nghĩa là cùng chia sẻ. Để cùng chia sẻ đòi hỏi phải cùng có một nền tảng chung.
Arthur hồi tưởng lại lần đến Ý cùng với một nhóm sinh viên ngay sau khi ông thành lập một chương trình du học tại trường đại học. Trên đường đi thăm miền quê nước Ý, xe của họ gặp sự cố, khiến chuyến đi bị chậm lại. Lúc này, xe đã đến gần khu làng Banubecco, một nơi mà Arthur biết rất rõ. Đó là nơi ông đã từng đóng quân suốt Thế chiến thứ hai khi giúp quân đồng minh giải mã các ký hiệu tiếng Đức. Khi xe đã được sửa xong, các sinh viên nhìn quanh để tìm Arthur nhưng không thấy ông đâu. Lo lắng rằng vị giáo sư đã bị lạc, họ bủa ra tìm kiếm khắp làng, và cuối cùng, họ tìm thấy được thầy "Arturo"(14) đang nói chuyện với một đám đông người Ý bằng thứ tiếng Ý rất trôi chảy. Ông đã sử dụng rất tốt khoảng thời gian chết đó. Với khả năng ngôn ngữ và sự am hiểu về con người cũng như về vùng đất này, quả thực là ông và những người dân nơi đây đã có cùng một nền tảng khi ông trở lại con đường của họ để trải nghiệm cuộc hội ngộ đáng nhớ này.
(14) Tên "Arthur" trong tiếng Ý là "Arturo".
Lợi ích và đặc điểm
Tôi đã trải qua một phần đời có ý nghĩa trong lĩnh vực bán hàng. Bản thân tôi từng là một nhân viên bán hàng. Tôi đã đào tạo và dẫn dắt một lực lượng bán hàng, đồng thời nghiên cứu các phương pháp của một số chuyên gia bán hàng nổi tiếng thế giới. Trong thời gian đó, tôi đã nhận ra rằng một trong những thuộc tính quan trọng của những người bán hàng tài giỏi là khả năng nhận ra nhu cầu của khách hàng.
Những người bán hàng bình thường sẽ chào bán các đặc điểm. Họ nói về đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ. Còn các chuyên gia bán hàng tài giỏi thì bán các lợi ích. Họ nói về những gì mà sản phẩm hoặc dịch vụ có thể làm được cho bạn. Đó chính là sự khác biệt giữa một nhân viên bán hàng bình thường, người giải thích rằng bộ khởi động sẽ có đặc điểm mở được cốp xe, và một chuyên gia bán hàng bậc thầy, người giải thích rằng khi bạn đang đi về phía chiếc xe của mình từ cửa hàng tạp hóa với nhiều hàng hóa lỉnh kỉnh trên tay, cốp xe sẽ mở ra và bạn không cần mất công đặt mọi thứ xuống đất để mở nó. Khách hàng không mua các đặc điểm, họ mua các lợi ích. Những người bán hàng nào hiểu được cách đi theo con đường của người khác sẽ trở thành những nhà truyền tin vĩ đại.
Ảo tưởng về sự giao tiếp
Chán nản vì độ ẩm đã khiến cho đường bị vón cục, một chủ nhà hàng tại vùng Caribê đã quyết định khắc phục tình hình bằng cách đặt mua những gói đường nhỏ mà khách hàng có thể tự mở ra khi muốn cho vào cà phê và trà.
Vào ngày nhận được loại đường mới, chủ nhà hàng đã hướng dẫn các nhân viên như sau: hãy lấy đường cũ ra khỏi chén, lau sạch chén và thay vào đó loại đường mới. Nói xong, anh ta bỏ đi. Sau đó, các nhân viên nhanh chóng mở từng gói đường nhỏ đổ vào những cái chén vừa được lau chùi sạch sẽ. Khi làm như vậy, họ nói với nhau: "Thế quái nào ông ấy lại muốn mình làm việc này?".
Ai là người chịu trách nhiệm cho việc truyền đạt thông tin kém hiệu quả đó? Người truyền tin hay người nhận tin?
Dĩ nhiên, câu trả lời là cả hai.
George Bernard Shaw đã diễn đạt điều này rất rõ ràng khi nói: "Vấn đề với việc truyền tin là ảo tưởng rằng thông tin đã được truyền đạt đầy đủ".
Khi thiết lập nền tảng chung bằng cách thật sự bước trên con đường của người khác, chúng ta sẽ làm tăng gấp bội khả năng gây ảnh hưởng để tạo ra sự thay đổi tích cực. Khi không có sự thấu hiểu, chúng ta sẽ hình thành nên ảo tưởng rằng quá trình truyền đạt thông tin đã diễn ra nhưng trên thực tế lại không phải vậy. Sự thấu cảm ở cả hai phía hẳn sẽ giúp tránh được tình trạng hiểu lầm – sự thấu cảm từ người chủ nhà hàng (họ đang nghe được điều gì?) và sự thấu cảm từ các nhân viên (ông ấy đang nói gì?).
Đừng bao giờ ra vẻ mình làm được mọi việc
Khi tất cả những thành phần quan trọng để tạo nên sự thấu cảm và nền tảng chung không được thiết lập một cách vững chắc, mọi thứ có thể trở nên sai lầm một cách nghiêm trọng.
Đối với tôi, đó là một kỷ niệm không thể nào quên vào năm cuối trung học khi được giao phụ trách tổ chức lễ hội mùa thu hàng năm.
Tôi đã từng đọc về việc một trường học ở New York tổ chức thi đẩy xe Volkswagen quanh sân bóng bầu dục và nghĩ rằng đó là một hoạt động khá thú vị cho giờ nghỉ giải lao giữa trận bóng lễ hội. Yêu cầu đặt ra là mỗi khối lớp – lớp 10, 11 và 12 – đều phải đẩy một chiếc Volkswagen Bug(15) từ đầu này đến đầu kia của khu đất. Chiếc Volkswagen đầu tiên cán đích sẽ giành chiến thắng. Tôi đã hình dung được tinh thần đồng đội, niềm vui, sự phấn khích mà một sự kiện khác thường như thế có thể tạo ra. Cùng với đại diện các khối lớp, tôi đã trình bày ý tưởng này với thầy Oyler, cố vấn khoa. Thầy Oyler không phải là người dễ thuyết phục. Ông từng là cầu thủ bóng bầu dục khi còn là sinh viên và luôn tìm cách giúp chúng tôi trở thành những người truyền đạt hiệu quả hơn, những người định hướng tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện để chúng tôi có không gian cho những ý tưởng của riêng mình.
(15) Còn gọi là Volkswagen Beetle, là mẫu xe được sản xuất từ năm 1938 đến 2003 của hãng Volkswagen (Đức).
Tôi còn nhớ ngày mình bước ra khỏi văn phòng của thầy Oyler sau khi đã thuyết phục được thầy về trò đẩy xe Volkswagen. Tôi cam đoan với thầy rằng công tác chuẩn bị sẽ hoàn hảo, rằng chúng tôi sẽ tạo ra lớp phủ mới cho đường đua để nó không bị phá hủy khi những chiếc xe Volkswagen chạy qua. Các biện pháp phòng ngừa khác sẽ luôn sẵn sàng và tất cả những kỳ vọng cao sẽ được đáp ứng. Mặc dù đó là điều chưa từng diễn ra tại trường chúng tôi nhưng tôi cam đoan rằng mọi người sẽ nhắc đến nó trong suốt một thời gian dài. Sự thật, nó quả là một sự kiện không thể nào quên được, nhưng tiếc thay lại theo nghĩa hoàn toàn ngược lại.
Tôi vẫn còn nhớ mình bước đến sân đua vào giờ giải lao của trận bóng bầu dục, cầm lấy micro và nói: "Giờ chúng ta sẽ bắt đầu cuộc đua xe Volkswagen của mình!" và cảnh hỗn loạn diễn ra ngay sau đó.
Mọi người chạy ra khỏi chỗ của mình và bắt đầu đẩy những chiếc xe Volkswagen. Tôi không có cơ hội giải thích về luật chơi hay thậm chí là chút thời gian để ra hiệu lệnh xuất phát. Nhóm học sinh lớp 10 thì không có người điều khiển xe. Trong vòng vài giây, họ đã lấn qua làn đường của nhóm học sinh lớp 11 và tông sầm vào chiếc Volkswagen của đối phương. Nhóm học sinh lớp 11 phản ứng bằng cách nhảy lên xe của nhóm học sinh lớp 10 và đập phá mui xe. Không có chiếc xe nào về đến đích trước khi thầy Oyler bước ra giữa sân bóng với micro trong tay và nói: "Đề nghị Kevin Hall đến văn phòng của tôi ngay".
Tôi bước về phía văn phòng của thầy Oyler trong tâm trạng vô cùng thất vọng, với nhóm học sinh đại diện khác theo sau, thật may họ không phải là tôi. Khi chúng tôi đẩy cửa văn phòng bước vào, thầy Oyler đã viết một dòng chữ trên bảng:
"Đừng bao giờ ra vẻ mình làm được mọi việc."
Thầy Oyler nhắc nhở tôi về cuộc đối thoại trước đó khi tôi cam đoan với thầy về một chương trình không có chút sai sót. Thầy nhắc lại tất cả những điều mà đúng ra tôi nên suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện. Thầy hỏi liệu tôi có cho rằng mình đã truyền đạt thông tin về luật chơi một cách rõ ràng trước khi tình trạng hỗn loạn đó xảy ra? Liệu tôi có nghĩ đến việc những học sinh lớp 10 chưa có bằng lái để có thể điều khiển chiếc Volkswagen đó? Liệu tôi có hình dung việc tất cả những chiếc xe có chạy thẳng đường hay không, rằng chúng có được bảo hiểm không? (Chỉ duy nhất một chiếc trong số đó được bảo hiểm).
Cơ hội lớn nhất để tôi chứng tỏ mình là người dẫn dắt và truyền đạt đã đến và đi một cách nhanh chóng. Tôi đã bỏ lỡ nó. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là một câu nói từ bộ phim Cool Hand Luke của Paul Newman: "Những gì chúng ta có được ở đây là thất bại trong việc truyền tải thông tin". Nhưng nó đáng nhớ. Tôi không thể nói cho bạn biết có bao nhiêu người đã đến gặp tôi suốt thời gian còn lại trong năm ấy và nói: "Wow, quả là ấn tượng đấy, Kevin. Bọn mình sẽ không bao giờ quên được đêm hôm đó".
Ý định của người truyền lệnh
Việc hiểu đúng hoặc sai một thông điệp trong giao tiếp phụ thuộc vào khả năng nắm bắt ý định của thông điệp đó bởi cả người nói lẫn người nghe. Khi nắm rõ được lý do vì sao, bạn sẽ biết được cách để thực hiện nó.
Trong trường hợp của nhà hàng Caribê với vấn đề về đường bị vón cục do độ ẩm cao, nếu chủ nhà hàng truyền đạt rõ với nhân viên rằng mục đích của họ là phải tạo ra một nhà hàng hạng nhất luôn hướng đến nhu cầu của khách hàng trước tiên, khi đó các nhân viên sẽ biết rằng mình không được xé bao bì đựng đường ra ngay cả khi thông điệp đó có mơ hồ hoặc khó hiểu. Trong cuốn Made to Stick, hai tác giả Dan và Chip Heath viết về một cụm từ được sử dụng trong quân đội, "ý định của người chỉ huy"(16). Nó nói về ý nghĩa và mục đích thật sự của một thông điệp được truyền tải từ người chỉ huy. Cách diễn đạt mệnh lệnh đó không quan trọng; điều đáng nói là phải hiểu được ý định của vị chỉ huy qua mệnh lệnh đó.
(16) Commander’s Intent.
Từ "comprehend" (hiểu) bắt nguồn từ "com" có nghĩa là cùng nhau, và "prehender" có nghĩa là nắm bắt. "Comprehend" là phải cùng nhau nắm bắt.
Khi người dẫn dắt dành thời gian để đảm bảo rằng cả hai bên đều hiểu vấn đề, mọi hiểu lầm sẽ được hóa giải.
Norman Brinker, nhà điều hành kinh doanh huyền thoại đã được nhắc đến ở Chương 6, nổi tiếng thành công trong lĩnh vực của mình, và khi bạn hỏi bất kỳ ai đã từng có cơ hội làm việc với Norman hay được ông cố vấn, tất cả đều cho rằng ông là một nhà truyền tin hiệu quả hiếm có.
Phong cách lãnh đạo của Norman bao gồm bốn nguyên tắc chính: (1) khi gặp gỡ các thành viên trong nhóm, ông luôn đến văn phòng của họ thay vì yêu cầu họ đến gặp ông; (2) ông đặt câu hỏi và họ đưa ra câu trả lời; (3) ông đảm bảo rằng họ là người nói chính; và (4) ông thường xuyên bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao khả năng của họ. (Tại buổi lễ truy điệu ông, Doug Brooks, Giám đốc điều hành của Brinker International, nhớ lại việc Norman đã gửi cho mình
53 lá thư cảm ơn và thư khen ngợi cũng như việc ông đã luôn trân trọng khả năng của mỗi người). Với kiểu giao tiếp đầy thấu cảm, ông không ngừng tạo ra những nhà điều hành có thể vươn lên những vị trí đầu ngành. Trên thực tế, hơn hai mươi cựu thành viên của nhóm này hiện đang điều hành các công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Hiểu thấu suốt
Trong cuốn sách đặt nền móng của mình, The Four Agreements (tạm dịch: Bốn thỏa thuận), Don Miguel Ruiz nói về tầm quan trọng của việc truyền đạt thông tin rõ ràng, cởi mở và hai chiều. Trong quá trình cân nhắc về Thỏa thuận thứ ba, Đừng bao giờ cho rằng mình đánh giá đúng mọi việc, ông đưa ra lời khuyên rằng: "Hãy lấy can đảm đặt câu hỏi và bày tỏ những điều bạn thật sự mong muốn. Hãy truyền đạt thông tin với người khác một cách rõ ràng để tránh hiểu lầm và rắc rối. Chỉ với thỏa thuận này, bạn hoàn toàn có thể thay đổi cuộc đời mình".
Stephen R. Covey đã nhiều lần nói với tôi rằng "không gì có giá trị và thuyết phục bằng việc cảm thấy được người khác hiểu mình. Vào thời điểm khi một người bắt đầu cảm nhận người khác đã hiểu mình, anh ta sẽ trở nên cởi mở hơn và sẵn sàng gây ảnh hưởng để tạo ra thay đổi. Sự thấu cảm có ý nghĩa đối với trái tim giống như không khí đối với cơ thể".
Tiếc thay, trong thời đại của chúng ta, việc được người khác hiểu quả là một sự xa xỉ.
Xét theo nghĩa từ vựng đơn thuần, "hiểu" có nghĩa là đứng giữa. Nó không có nghĩa là đứng dưới hay đứng trên mà là đứng cùng với.
Những người tìm đường chân chính sẽ dẫn dắt mọi người từ nền tảng chung. Họ ở trên cùng một con đường, tầm mắt ngang nhau, khuỷu tay bằng nhau, vai kề vai với những người đồng hành. Họ là những nhà lãnh đạo vừa hướng dẫn vừa thực hành.
Chúng ta luôn có thể trò chuyện
Đó là một trong những lời khuyên hay nhất mà tôi nhận được từ Patricia Murray, một đồng nghiệp nữ tại Franklin. Pat là cựu Hoa hậu Hawaii và là Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Mỹ, nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất về Patricia là mối quan hệ giữa vợ chồng cô với các con của họ. Lúc nào họ cũng trò chuyện, về mọi việc và về bất cứ điều gì. Rõ ràng, họ có tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau rất cao. Tôi hỏi Pat làm cách nào họ có thể phát triển được một mối quan hệ tuyệt vời như vậy. Pat nói rằng ngay từ đầu vợ chồng cô đã thiết lập hai quy tắc với các con của họ. Quy tắc đầu tiên: họ luôn là bạn bè dù trong bất cứ trường hợp nào. Quy tắc thứ hai: họ luôn có thể trò chuyện dù cho điều gì xảy ra đi nữa.
"Hai nguyên tắc này đã đưa chúng tôi vượt qua mọi thử thách", cô nói.
Sherry và tôi khi ấy cũng vừa mới kết hôn, và chúng tôi ghi nhớ lời khuyên này tận đáy lòng. Chúng tôi cùng lập ra những nguyên tắc đó với các con của mình. Tinh thần trao đổi cởi mở này – trong bất kỳ hoàn cảnh nào – đã khiến cho việc thiết lập mục tiêu trở thành một quy trình phát triển tự nhiên trong gia đình. Mỗi năm, chúng tôi sẽ ngồi xuống với các con và giúp chúng xác định mục tiêu cũng như mơ ước của bản thân. Đó không phải là mục tiêu của chúng tôi mà phải là mục tiêu của bọn trẻ. Con cái cần có những giấc mơ của riêng chúng. "Những cuộc phỏng vấn" này hình thành nên một mô hình giao tiếp giúp đem lại những kết quả tích cực cho phép chúng ta hướng dẫn và định hướng bọn trẻ đi theo đúng con đường mà chúng đã chọn.
Giá trị của lời nói
Chúng ta thường xem nhẹ lời nói. Nhưng khi trí nhớ của một người bắt đầu mất dần đi, giống như những người bị bệnh Alzheimer, mỗi từ ngữ sẽ trở nên vô cùng quý giá. Tôi có một người bạn và cũng là hàng xóm tên Jim Dyer. Renie, vợ và là người bạn tri kỷ của anh, được chẩn đoán mắc chứng Alzheimer. Hai năm sau khi mắc bệnh, khi khả năng nhớ và giao tiếp của Renie bắt đầu suy giảm, Jim biết rằng chẳng bao lâu nữa vợ anh sẽ không còn chia sẻ lời nói nào với anh hay bất cứ ai khác. Anh bắt đầu lắng nghe một cách chăm chú và ghi lại tất cả những gì Renie nói. Mỗi từ đều trở thành một báu vật. Trong vòng năm năm, anh đã tích lũy được hơn 8.000 từ và lưu giữ chúng trong một cuốn sổ nhật ký. Mỗi tuần trôi qua, số lượng từ giảm xuống và rồi Renie hiếm khi mở lời. Cứ như thể cô chỉ nói những gì quan trọng nhất.
Có lúc, cô nói bằng thứ ngôn ngữ mà Jim không tài nào hiểu được. Nhưng anh nhận thấy rằng việc chỉ cần nói ra điều gì đó và biết rằng có người đang lắng nghe sẽ khiến Renie cảm thấy mãn nguyện. Vào dịp lễ Tạ ơn, với gia đình và bạn bè xung quanh, Renie không nói từ nào suốt cả ngày. Cô từng rất thích chơi đàn piano, và con trai Steve đã đẩy xe của cô đến gần trong khi đứa cháu trai Robbie đang chơi đàn. Mọi người trong phòng đều nghe thấy
Renie nói to hai từ - hai từ quan trọng nhất mà cô có thể nói được vào ngày hôm đó – "Cảm ơn".
Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp hoặc xem thường sức mạnh của giao tiếp. Chúng ta đừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh của việc chọn đúng từ để nói vào đúng thời điểm. Từ ngữ kết nối con người với nhau. Chúng tạo ra những điều mình nghe và những điều mình nói. Từ ngữ là yếu tố cốt lõi làm nên con người chúng ta.
Sự thấu cảm và chịu đựng
Khi nói về sự thấu cảm, Og Mandino đã viết: "Bằng tình yêu, tôi sẽ phá vỡ bức tường hoài nghi và hận thù mà họ đã dựng lên để bao bọc quanh trái tim họ và thay vào đó, tôi sẽ xây những chiếc cầu để tình yêu của tôi có thể bước vào tâm hồn họ". Dave Blanchard, Giám đốc điều hành Og Mandino Group, nói tiếp: "Tính cách của chúng ta đã được tôi luyện trong nghịch cảnh. Chúng ta biết được nỗi đau là thế nào. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể chọn cách sử dụng chúng như nguồn tham khảo hữu ích để hiểu rõ hơn và kết nối với mọi người. Khi sử dụng những trải nghiệm của bản thân nhằm mục đích phục vụ người khác, cuối cùng chúng ta sẽ tìm thấy được mục đích trong nỗi đau của mình, niềm vui trong cuộc hành trình của mình và những thứ cần có để hàn gắn vết thương trong tâm hồn".
VÀI DÒNG SUY NGẪM VỀEMPATHY - SỰ THẤU CẢM
Để là người dẫn dắt và người tìm đường chân chính, tôi cần phải khám phá rằng cuộc sống được duy trì thông qua việc tích cực lắng nghe và khả năng quan sát nhạy bén.
Sự thấu cảm có nghĩa là đi trên con đường của người khác.
Việc lắng nghe có thể giúp tôi đạt được một mức độ tinh thông khác và khả năng dẫn dắt tài tình.
Ernest Hemingway đã nói: "Tôi đã học được nhiều điều nhờ biết lắng nghe một cách thận trọng. Hầu hết mọi người đều không bao giờ lắng nghe".
Những người lắng nghe bằng cảm nhận sâu sắc thường sở hữu những đặc điểm gì?
Họ làm gì khi truyền đạt thông tin?
Tôi đã giúp người khác tạo ra những khác biệt nào?
Làm cách nào tôi có thể lắng nghe bằng cảm nhận sâu sắc?
Trong mỗi thách thức, tôi có thể chọn cách bày tỏ sự thấu hiểu hoặc phê phán và chỉ trích. Lựa chọn thứ nhất sẽ tạo ra các mối quan hệ có ý nghĩa; lựa chọn thứ hai sẽ mang đến một cuộc sống chứa đầy thất vọng và những giả định trống rỗng.
Tôi chọn cách tận dụng khả năng vô hạn của mình để thấu hiểu và cảm nhận vì người khác, bởi con đường có mục đích không bao giờ chỉ dành riêng cho một người.