(17) Coach còn có nghĩa là cỗ xe ngựa, thùng xe, toa xe.
Khi giúp kéo thuyền của người khác sang đến bờ bên kia, thuyền của bạn cũng sẽ sang được nơi đó!
– Tục ngữ Hindu
Tại Hungary trước kia, dọc bờ sông Danube nằm giữa Budapest và Vienna, có một ngôi làng tên
Kocs chuyên sản xuất những cỗ xe ngựa tốt nhất thế giới. Những người thợ lành nghề đã nâng cấp phương tiện này bằng một bộ lò xo giảm xốc để tạo sự thoải mái cho các thành viên hoàng tộc khi đi qua đoạn đường sông gập ghềnh kết nối giữa hai thành phố lớn. Những cỗ xe ngựa này mang tên ngôi làng, nơi chúng được thiết kế một cách khéo léo và được biết đến với tên phổ biến: "coaches" – "những cỗ xe ngựa".
Được thiết kế ban đầu nhằm phục vụ cho tầng lớp quý tộc, những cỗ xe này có nhiệm vụ đưa rước các nhân vật quan trọng đến nơi mà họ mong muốn một cách dễ dàng và sang trọng. Kiểu dáng thiết kế chắc chắn, trang nhã của nó đã vượt qua mọi phương tiện đi lại trước đó, và những cỗ xe này sớm trở thành niềm đam mê của châu Âu thế kỷ XV.
Theo thời gian, nhiều loại phương tiện khác cũng sử dụng từ "coach" này. Hành khách đã đi đến những nơi xa xôi ở vùng biên giới phía tây nước Mỹ bằng xe ngựa chuyến và toa xe lửa. Tại châu Âu, "coach" đồng nghĩa với xe buýt hoặc một loại xe hơi sang trọng. Nhưng dù có phổ biến và thịnh hành như thế nào kể từ khi toa xe đầu tiên được ra đời tại Kocs, ý nghĩa của nó vẫn không thay đổi. Một "cỗ xe" vẫn là phương tiện đưa đón một nhân vật quan trọng từ nơi này đến nơi khác.
Những tên gọi khác của "coach"
Trong các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, coach (người hướng dẫn) được biết đến bằng nhiều tên gọi khác nhau.
Tại Nhật Bản, "sensei" là người đã đi sâu vào con đường. Trong võ thuật, đó là thứ bậc dành cho người tài giỏi.
Trong tiếng Phạn, "guru" là người có kiến thức và hiểu biết uyên bác. "Gu" có nghĩa là bóng tối, còn "ru" có nghĩa là ánh sáng – một guru sẽ đưa người khác từ bóng tối ra ánh sáng.
Ở Tây Tạng, "lama" là người có tinh thần và quyền lực để giảng dạy. Trong đạo Phật của người Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma là vị tôn sư có vị trí cao nhất.
Tại Ý, "maestro" là giảng viên bậc thầy về âm nhạc. Nó là chữ viết tắt của cụm từ "maestro di cappella" có nghĩa là nhạc trưởng.
Tại Pháp, "tutor" là thầy giáo tư. Từ này ra đời từ thế kỷ XIV và được dùng để chỉ người gác đêm.
Tại Anh, "guide" là người biết và chỉ đường. Từ này chỉ khả năng nhìn thấy và đưa ra một hướng đi tốt hơn.
Tại Hy Lạp, "mentor" là một nhà tư vấn thông thái và đáng tin cậy. Trong cuốn The Odyssey, chuyên gia cố vấn của Homer là một người có tính che chở và ủng hộ.
Tất cả những từ này đều mô tả vai trò giống nhau: người đã từng đi trước đó và chỉ lại cho người khác con đường này. Người hướng dẫn sẽ chỉ ra những ngã rẽ, những chỗ nguy hiểm và những cạm bẫy của con đường đang đi. Họ khai phá những con đường cùng ngõ cụt và những lối rẽ không cần thiết để hướng chúng ta đến nơi mong muốn một cách an toàn. Dù đang dẫn đường, đang giảng dạy hay đang định hướng, họ vẫn là một huấn luyện viên, và là người không thể thiếu trong quá trình tìm đường và tìm kiếm mục đích của chúng ta.
NHỮNG BUỔI CHIỀU CÙNG VỚI ARTHUR
Ánh mắt của Arthur sáng lên khi tôi bước vào căn phòng ấm áp của ông và nói về những cỗ xe ngựa từ làng Kocs. Ông vui vẻ xác nhận câu chuyện của tôi về nguồn gốc của từ "coach". Arthur nói với tôi rằng thực ra ông đã đi qua chính đoạn đường dọc con sông Danube giữa thành Vienna và Budapest, băng qua khu làng Kocs. Có thể thấy rõ là ông rất vui với kỷ niệm đó. Nhưng điều khiến ông vui hơn nữa là tôi đã tự mình làm bài tập về nhà.
Tôi có thể nhận thấy lòng nhiệt huyết đặc biệt ở Arthur khi thấy người khác thể hiện tình yêu đối với ngôn từ, những từ ngữ tiếp cận được ông. Tôi nhìn thấy nguồn năng lượng tràn đầy khi ông thực hiện những bài giảng của mình. Khuôn mặt của Arthur bừng sáng, và hai bàn tay to lớn cử động một cách đầy phấn khích khi ông bắt đầu đi sâu vào cuộc đối thoại. Tôi đã nhìn thấy nguồn năng lượng đó rất nhiều lần khi ở cùng ông trong căn phòng này, và như khi Arthur nói chuyện qua điện thoại với các con của ông bằng tiếng Ý hoặc tiếng Đức hay một ngôn ngữ nào khác mà tôi không thể nào hiểu được. Rõ ràng, ông vui sướng khi người khác tìm thấy niềm vui ở ngôn ngữ và ngôn từ.
Khi chúng tôi nói về ngôi làng Kocs, Arthur khiến tôi bị mê hoặc bởi câu chuyện xảy ra vào thập niên 1930 về việc ông đứng giữa đám đông trên quảng trường tại thành phố Vienna để lắng nghe một người đàn ông diễn thuyết. Người diễn thuyết đó chính là Adolf Hitler, thủ tướng Đức lúc bấy giờ. Trước khi Hitler gieo rắc nỗi thù hận khắp châu Âu và bắt đầu Thế chiến thứ hai, Arthur đã được trực tiếp cảm nhận sức mạnh to lớn trong giọng nói của ông ta. Arthur nhớ lại khả năng của Hitler trong việc truyền cảm hứng cho đám đông mà không cần đến bất kỳ phương tiện nào khác ngoài lời nói và cách thể hiện những lời nói đó. Ngôn từ, Arthur nhắc nhở tôi, có thể đem lại những điều tốt đẹp, những ý nghĩa tích cực, nhưng nó cũng có sức hủy diệt khủng khiếp.
Giá trị của sự hướng dẫn
Tốt nhất là lên danh sách những người hướng dẫn trong cuộc sống của chúng ta và ghi lại cách thức họ đã giúp ta duy trì mục đích và con đường của mình. Xuyên suốt cuốn sách này, tôi sẽ nhắc đến những người đã giúp tôi hoàn thành vai trò quan trọng này trong cuộc sống của mình. Những người thầy ấy xuất hiện dưới nhiều tên gọi và danh xưng khác nhau – thầy giáo, người hướng dẫn, gia sư, mẹ, bạn bè, giáo sư, v.v. Nhưng bằng cách này hay cách khác, tất cả đều đã đưa tôi đến những nơi mà nếu chỉ có một mình tôi sẽ không thể nào đến được.
Việc nhận ra giá trị của một người hướng dẫn có thể là bước đầu tiên để hoàn thiện hiệu quả hoạt động của bản thân. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thậm chí trong lĩnh vực thể thao, nơi các huấn luyện viên luôn hiện diện, tầm quan trọng của họ đôi khi vẫn bị đánh giá thấp và không được chú trọng đúng mức.
Trong bộ môn đua xe đạp – đây cũng là niềm đam mê của tôi – một cuộc cách mạng đã xảy ra khi Lance Armstrong bắt đầu dùng các huấn luyện viên theo cách chưa từng xảy ra trước đây. Sau khi phục hồi từ căn bệnh ung thư, Armstrong đã duy trì các chế độ dinh dưỡng nhằm đảm bảo hệ miễn dịch của mình luôn ở trạng thái tối ưu. Không dừng lại ở đó, anh tìm kiếm các chuyên gia để thay đổi kiểu thiết kế của chiếc xe đạp và các thiết bị cần thiết khác. Anh liên hệ với các nhà thiết kế để quyết định loại quần áo mà mình sẽ mặc trong một cuộc đua tính giờ nhằm giảm lực cản của gió. Đối với một môn thể thao đơn giản như đẩy bàn đạp trên một chiếc xe – một việc mà tất cả chúng ta đều thành thạo từ khi còn bé – anh đã nhờ đến các huấn luyện viên để tính toán sức mạnh được tạo ra từ mỗi cú đạp trên bàn đạp.
Lance còn đưa các huấn luyện viên vào các cuộc đua xe đạp. Theo truyền thống lâu đời, một khi cuộc đua bắt đầu, các cua rơ phải dựa vào chính mình, vào bản năng và sự khéo léo của mình. Nhưng ngoài việc nhờ các huấn luyện viên hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị, Lance còn giữ liên lạc thường xuyên với họ qua sóng truyền thanh để có thể được tư vấn suốt cuộc đua. Tiến thêm một bước nữa, khi cuộc đua kết thúc, Lance yêu cầu một chuyên gia ẩm thực chế biến những món ăn giúp anh phục hồi sức khỏe nhanh chóng và hiệu quả sau một ngày lao lực. Khi nói đến việc học hỏi những gì tốt đẹp nhất trên thế giới này, không có gì mà Lance Armstrong chưa từng chạm đến. "Đội quân Lance", người ta đã gọi như thế, và chưa ai chứng kiến điều này trong lịch sử của bộ môn đua xe đạp. Tôi đã tận mắt chứng kiến "Đội quân Lance" khi đến Pháp cùng với những người bạn có cùng sở thích đạp xe để theo dõi giải Tour de France(18). Khi chúng tôi đang ngồi ở quán cà phê ngoài trời tại Evian trên bãi biển Lake Geneva tuyệt đẹp, chờ đến giờ xuất phát của cuộc đua ngày hôm đó, trong số những người ngồi cùng chúng tôi có Chris Carmichael, huấn luyện viên của Lance.
(18) Giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, được xem là giải đua xe đạp nổi tiếng nhất và khó khăn nhất trên thế giới.
Chúng tôi hỏi Chris về việc làm thế nào Lance có thể tiếp nhận tài năng của bản thân và trở thành tay đua có ảnh hưởng nhất thế giới. Chris giải thích rằng hầu hết thành công của Lance đều nhờ ở sự sẵn sàng thay đổi tốc độ của bàn đạp. Hầu hết các tay đua đều thực hiện các nhịp đạp của mình với tốc độ khoảng 70 đến 80 vòng mỗi phút. Nhưng Lance thì không. Anh tăng nhịp đạp cho đến khi đạt mức trung bình từ 90 đến 100 vòng, ngay cả khi đang leo dốc. Carmichael đã đề xuất với Lance rằng anh nên tận dụng cơ bắp săn chắc của mình để đạt được nhịp đạp cao đến mức gần như chưa từng có trước đây. Bằng cách "lướt đi" với tốc độ cao hơn, anh có thể tận dụng được thể trạng độc đáo của mình.
"Chỉ cần theo dõi cách anh ấy ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn", Carmichael nói. Lúc này đang là đầu mùa giải Tour de France. Nhiều ngày sau đó, khi cuộc đua kết thúc ở Paris, đúng như huấn luyện viên của anh đã dự đoán, Lance Armstrong đang đạp xe xuống Champs-Elysées trong chiếc áo vàng đáng mơ ước của mình. Khi chứng kiến anh bước lên bục chiến thắng, tôi có thể hình dung được khuôn mặt vô cùng hài lòng của vị huấn luyện viên Carmichael đang đứng kế bên.
Lance Armstrong, một trong những tay đua thành công nhất trong lịch sử đua xe đạp, là ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc không chỉ có được sự hỗ trợ của các huấn luyện viên mà còn ở thái độ không ngừng học hỏi. Có được sự hỗ trợ của huấn luyện viên là một việc, biết lắng nghe lời khuyên của huấn luyện viên lại là việc khác.
Mọi lĩnh vực đều cần có người hướng dẫn
Không có người nào trong giới kinh doanh mà tôi từng biết có khả năng nhận ra được giá trị của các huấn luyện viên như Harvey Mackay, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất, diễn giả nổi tiếng thế giới và là sáng lập viên kiêm chủ tịch công ty Mackay Envelope. Harvey vừa nói với tôi rằng anh luôn có người hướng dẫn trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Anh có người hướng dẫn về diễn thuyết. Anh có người hướng dẫn viết lách, người hướng dẫn về kinh doanh, về tài chính, và về cuộc sống. Anh có cả huấn luyện viên quần vợt, chạy bộ, gôn và thậm chí cả bóng bàn. Cả thảy anh có hơn chục người thầy. Vì sao ư? Bởi vì anh nhận ra được rằng mình có thể đạt được nhiều thành tích hơn với sự hỗ trợ của các huấn luyện viên tài giỏi. Anh hiểu được giá trị của việc tìm thấy và được hướng dẫn bởi một người dày dạn kinh nghiệm về một lĩnh vực nào đó. Điều này đã giúp anh thành công trong kinh doanh, thành công với tư cách một vận động viên, và nó giúp anh trở thành một trong những nhà diễn thuyết và nhà văn được yêu chuộng nhất thế giới. Những người hướng dẫn đã làm phong phú thêm cho cuộc sống của anh.
Các huấn luyện viên nhìn thấy được tiềm năng
Điểm chung của các huấn luyện viên là tất cả đều là giáo viên. Để "dạy" có nghĩa là phải chứng tỏ. Các giáo viên không chỉ nói, họ còn minh họa, làm gương và chứng tỏ điều mình nói.
Marva Collins được xem là một trong những giáo viên vĩ đại nhất thế giới. Bà khởi nghiệp với trường dự bị Westside trong khu dân cư nghèo tại quê nhà ở Chicago. Bà mở cửa chào đón các học sinh mà hệ thống giáo dục chính quy đã từ chối. Những học sinh này bị xem là "chậm phát triển trí tuệ". Chúng là những đứa trẻ khiếm khuyết. Chúng gặp khó khăn về khả năng đọc và đánh vần, bị xem là những đứa trẻ không thể dạy được cho đến khi Marva tiếp nhận và chỉ cho chúng cách học tập hiệu quả hơn.
Vị giáo viên có tầm nhìn này không chấp nhận những kiểu rập khuôn của xã hội. Bà không chấp nhận những lề thói thông thường, không chấp nhận những lời biện minh, viện cớ. Bà tin rằng "luôn có một đứa trẻ thông minh tuyệt đỉnh trong mỗi học sinh". Marva nói với các học sinh của mình rằng chúng có quyền lựa chọn. Chúng có thể chọn cách không học hỏi, chọn sự ngu dốt, và kết thúc với một công việc bế tắc, không đủ để trang trải nhu cầu của bản thân. Hoặc chúng có thể chọn cách trở thành người có học vấn và mở ra những chân trời mới cho chính mình cũng như cho những người mà mình quan tâm.
Bà từ bỏ phương pháp học vẹt với quá nhiều bài tập, thay vào đó là sự tham gia tích cực và yêu cầu các học sinh phải rèn luyện tinh thần kỷ luật. Bà tin rằng một giáo viên có thể khiến cho việc học trở nên có sức lan truyền và tạo ra một môi trường cho các ý tưởng mới xuất hiện.
Marva có thể tiếp nhận những đứa trẻ bị xem là ngu dốt và giúp chúng trở nên thông thạo về ngôn ngữ. Chúng có thể đọc các tác phẩm của những nhân vật vĩ đại như Plato, Socrates, Homer. Những học sinh "bị vứt bỏ" này bắt đầu trích dẫn được những câu nói của Shakespeare. Cuối cùng, và với nhiều nỗ lực, những học sinh tốt nghiệp trường dự bị Westside đã được tiếp nhận tại trường Harvard, Princeton, Columbia, Oxford, Yale và Stanford.
Câu chuyện kỳ lạ của bà đã được đưa vào chương trình 60 Minutes. Cả hai Tổng thống Mỹ, George H. W. Bush và Bill Clinton đều mời Marva làm bộ trưởng giáo dục nhưng bà đã từ chối vì chỉ thích dạy từng học sinh một.
Vợ chồng tôi có vinh dự được trải qua ba ngày với Marva và chồng bà, Franklin, cũng là giáo viên, tại ngôi nhà xinh đẹp của họ ở Hilton Head, South Carolina.
Trong thư viện rộng lớn của mình, Marva đã nói về việc giảng dạy là chìa khóa để "khởi động" mọi thứ. "Trong suốt ba thập kỷ giảng dạy của mình, tôi chỉ gặp phải vài học sinh thiểu năng thật sự, nhưng tôi đã phát hiện ra rất nhiều nạn nhân của sự bất lực trong giảng dạy".
Bà tin rằng một giáo viên tốt sẽ biến một học sinh kém thành học sinh khá, một học sinh khá thành học sinh xuất sắc. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của bà: "Khi học sinh của chúng ta không học được, với tư cách là giáo viên, chúng ta cũng đã thất bại".
Bà nhấn mạnh đến việc nhận biết và nâng cao năng khiếu đặc biệt của mỗi học sinh. Phương châm của bà đối với các học sinh là: "Hãy tin tưởng vào chính mình. Hãy suy nghĩ vì chính mình. Hành động vì chính mình. Phát biểu vì chính mình. Hãy là chính mình".
Bà là hiện thân của câu nói: "Bạn không thể dạy những gì mình không biết, và bạn không thể chỉ cho người khác những nơi mà mình chưa hề đặt chân đến".
Chúng ta không cần phải dạy cho hàng ngàn, hàng trăm hay hàng chục. Nếu có thể chỉ dẫn được một người, nếu có thể đưa một người từ bóng tối bước ra ánh sáng, nếu có thể tạo ra sự khác biệt cho một người, chúng ta đã thành công trong vai trò giáo viên và huấn luyện viên. Sự thật hiển nhiên là khi thắp sáng con đường của người khác, bạn sẽ nhìn thấy con đường của mình rõ ràng hơn. Tôi nhận thấy điều này hoàn toàn đúng đắn từ trải nghiệm giảng dạy của bản thân. Mỗi tuần, tôi có cơ hội được hướng dẫn các nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh, bán hàng, thể thao, diễn thuyết và viết lách. Tôi thường nhận được ít nhiều từ họ cũng như những gì họ nhận được từ tôi.
Jim Newman, một bậc thầy thông thái, một cầu nối giúp tôi tham gia vào dự án Tượng đài Trách nhiệm của Viktor Frankl, thường nói với tôi thế này: "Kevin, nếu anh muốn có được hạnh phúc, nếu anh muốn hòa bình, nếu anh muốn có được sự hoàn thiện trong cuộc sống, hãy hân hoan với thành công của người khác". Quả là một tấm gương. Quả là một mục tiêu. Quả đúng là mục đích dành cho những ai muốn trở thành một giáo viên hay một huấn luyện viên. Có điều gì đáng giá hơn việc nhìn thấy người mà bạn quan tâm, người mà bạn đã hợp tác và hỗ trợ, đạt được những điều mà người đó chưa từng dám mơ ước?
Vươn tay ra với tất cả mọi người
Khi Colby, con trai cả của chúng tôi, còn là học sinh trung học, chúng tôi đã chuyển đến California. Là một cầu thủ bóng đá đầy khát vọng, Colby lo lắng rằng việc chuyển nhà sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp bóng đá đang phát triển của mình, đặc biệt kể từ khi trúng tuyển vào một trong những ngôi trường trung học lớn và uy tín nhất bang, nơi sản sinh ra những cầu thủ xuất chúng.
Ngay sau khi chất xong đồ đạc xuống xe tải, tôi đã lái xe đưa Colby đến sân tập, nơi đội bóng đang tập luyện. Chúng tôi bước ra khỏi xe và theo dõi trong khoảng một lúc, và tôi nhận thấy một cậu bé khiếm khuyết đang khởi động. Cậu bé này không thể đi lại bình thường, nói gì đến việc chạy nhảy. Khi đuổi bóng, cậu ta không thể chạy nhanh được. Sau đó, tôi mới được biết rằng cậu bé mắc chứng bại não.
Tôi hỏi một phụ huynh khác đang đứng gần đó liệu cậu bé khuyết tật kia có phải là một trong những người quản lý đội bóng. "Không", người này đáp. "Cậu ấy là cầu thủ. Huấn luyện viên Skaff muốn cậu ấy chơi trong đội".
Đó là tất cả những gì tôi cần nghe về huấn luyện viên Don Skaff. Khi đó, tôi hiểu rằng Colby đã tham gia vào một môi trường đáng tin cậy.
Suốt mùa giải, tôi đã dõi theo huấn luyện viên Skaff và cả cậu bé tên Sean đó trong từng cử động, từng bài tập và từng trận đấu. Cậu bé không phải là cậu thủ xuất sắc và cũng không chơi thường xuyên. Vị huấn luyện viên luôn làm tròn trách nhiệm của mình đối với trường học cũng như với các cầu thủ khác để tạo ra một đội bóng có sức cạnh tranh mạnh mẽ. (Họ đã giành chiến thắng mùa giải năm đó). Skaff cũng không quên trách nhiệm của mình là phải biết cảm thông và nghĩ đến người khác. Trong tập luyện và đôi khi trong các trận đấu, anh đã tìm thấy được thời điểm và vị trí thích hợp dành cho Sean, người lúc nào cũng tỏa sáng như David Beckham mỗi khi xuất hiện trên sân bóng.
Càng về cuối mùa giải, những hành động của vị huấn luyện viên này đã tạo ra ảnh hướng tích cực đến các cầu thủ dự bị trong đội. Thay vì căm ghét Sean, người có thể trạng yếu ớt và khiếm khuyết, những cầu thủ này còn thay huấn luyện viên đón nhận và động viên Sean. Tôi tin rằng chính điều đó khiến cho bọn trẻ ngày càng gắn bó hơn và có tinh thần đồng đội hơn.
Sau mùa giải, tôi đã hỏi huấn luyện viên Skaff về lý do anh đưa Sean vào đội bóng. Anh trả lời rằng điều đó có liên quan đến những gì Sean có thể đem lại cho đội cũng nhiều như những gì đội có thể đem đến cho Sean. Anh cảm nhận được sự khao khát của Sean, tinh thần và thái độ tích cực của cậu ấy khi đối mặt với thực tế bất kể những khiếm khuyết của bản thân. "Sean không bao giờ nói ‘em không thể làm điều đó’", vị huấn luyện viên kể. "Thật tuyệt khi chứng kiến thái độ nghiêm túc, sự tập luyện chăm chỉ của cậu ấy - chăm chỉ hơn bất kỳ người nào khác. Cậu ấy đã đem lại quá nhiều điều hữu ích cho đội bóng. Những cầu thủ khác tôn trọng Sean và từ đó nhận ra được sự may mắn của họ. Điều đó khiến họ chăm chỉ hơn và giúp gắn kết chúng tôi với nhau hơn".
Vị huấn luyện viên sâu sắc này đã có một kế hoạch và kế hoạch đó đã mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người.
Sức mạnh nằm ở khả năng biết công nhận giá trị
Tôi có cơ hội quen biết Meg Whitman khi chúng tôi cùng tham gia một chiến dịch của một ứng cử viên Tổng thống. Meg là một nhà vận động và nhà cải cách huyền thoại. Cô tiếp quản một cơ sở kinh doanh Internet nhỏ chỉ với vài nhân viên và biến nó thành một công ty trị giá 16 tỷ đô-la có tên gọi eBay với hàng ngàn nhân viên và hàng triệu khách hàng.
Meg xây dựng eBay dựa trên sức mạnh của một từ duy nhất. "Từ mà tôi yêu thích nhất trong tất cả các từ là ‘validation’ (công nhận giá trị)", cô nói.
"Validate" có nguồn gốc từ tiếng La-tinh là "valere", có nghĩa là mạnh mẽ. Xét về khía cạnh luật pháp, "valid" có nghĩa là được chấp nhận về mặt pháp lý. Khi bạn được phê chuẩn, có nghĩa là bạn được trao sức mạnh, quyền lực và quyền hành động.
Tại eBay, Meg đã tạo ra một hệ thống phản hồi kịp thời độc đáo – thứ đảm bảo rằng khách hàng và nhân viên đều làm chủ các giao dịch của mình, rằng họ nắm giữ quyền lực trong tay. Mọi giao dịch của người mua và người bán đều được xếp hạng ngay tức thì, tạo ra một điểm số tín nhiệm hoặc phản hồi tổng thể. Việc công nhận quá trình xây dựng niềm tin này đã trở thành xương sống của thị trường ảo bao phủ khắp thế giới.
Meg nói: "Khi bạn công nhận giá trị của mọi người, nó sẽ khiến họ có được quyền lực, nó cho phép họ làm được những điều đặc biệt. Đó chính là thứ khiến cho thế giới này vận hành".
Phương pháp giảng dạy hiệu quả nhấn mạnh đến những điểm mạnh và khả năng chứ không phải những điểm yếu và khiếm khuyết.
Một người dẫn dắt phải học cách tuân thủ
Về bản chất, việc huấn luyện là một hành động có tính tương hỗ. Nó luôn diễn ra theo hai chiều. Những huấn luyện viên nhạy bén luôn học hỏi được từ những người mà họ đang hướng dẫn.
Jon Luther, cựu Giám đốc điều hành và hiện là chủ tịch điều hành hội đồng quản trị của tập đoàn trị giá hàng tỷ đô-la Dunkin’ Brands, thích kể câu chuyện về công việc đầu tiên của anh với tư cách là quản lý trong lĩnh vực khách sạn, du lịch. Khi đó anh vừa tốt nghiệp đại học và đã tạo được ấn tượng với công ty mới của mình, Service Systems, đủ để họ giao cho anh phụ trách mảng thực phẩm tại trường Đại học Canisius ở Buffalo, New York.
"Khi đó tôi 24 tuổi", Jon nhớ lại. "Tôi bước vào trong trang phục áo sơmi hở cổ và cà vạt Princeton, và tôi hoàn toàn mất phương hướng. Tôi nhìn quanh và thấy người phụ nữ lớn tuổi tuyệt vời này, Sarah, đầu bếp chuyên trách. ‘Này cậu bé, cậu không biết điều gì đang diễn ra phải không?’ bà nói., ‘Lại đây, tôi sẽ chỉ cho cậu’.
Bà ấy trở thành ‘gia sư’ của tôi. Bà đã dạy tôi những điều căn bản. Bà chỉ cho tôi những thứ mà đúng ra tôi phải nắm rõ nhưng lại không biết gì. Bà đã cứu tôi. Tôi đã học được một điều rằng không có ai là người tầm thường và rằng mọi công việc đều có ý nghĩa của nó".
Nhiều năm trôi qua, Jon đã phát triển sự nghiệp và cuối cùng trở thành phó chủ tịch của Aramark Services, một công ty cung cấp thực phẩm lớn trong nước được viết tắt là ARA. Chức danh mới bổ nhiệm của anh được đăng trên tờ Buffalo kèm theo một bức ảnh nhỏ dưới tiêu đề "Từ cậu bé địa phương đến phó chủ tịch tập đoàn".
Không lâu sau, Jon đang ngồi trong văn phòng của mình tại Philadelphia thì điện thoại đổ chuông. Một cộng sự của ARA tên là Tom Lawless gọi đến từ Buffalo.
"Chào Jon", anh ta nói. "Aramark vừa tiếp xúc với trường Đại học Canisius, và tôi đã phỏng vấn những nhân viên ở đó về các hoạt động chuyển nhượng. Tôi có gặp một phụ nữ tên Sarah Henley. Khi chúng tôi ngồi xuống trò chuyện, bà ấy hỏi: ‘ARA, chẳng phải đó là công ty nơi Jon Luther làm việc sao?’. Tôi bảo đúng vậy, và bà rút trong ví tay ra một bài báo nhỏ có hình của anh và nói: ‘Tôi đã dạy cho cậu ấy mọi thứ’".
"Hãy nói giùm với bà ấy là đúng như vậy", Jon đáp.
"Để là người lãnh đạo, bạn phải học cách tuân thủ" là lời khuyên của Jon khi nói về vai trò lãnh đạo. "Và đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của một mối quan hệ. Tôi đã học được rằng bạn không thể nào quên những người đã giúp đỡ bạn trong suốt cuộc hành trình của mình".
VÀI DÒNG SUY NGẪM VỀCOACH - NGƯỜI HƯỚNG DẪN
Khi dạy cho ai đó một kỹ năng, có nghĩa là tôi đã học được nó đến hai lần.
Việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sẽ mang lại mức tưởng thưởng của riêng nó.
Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với người khác càng làm tăng gấp bội mức tưởng thưởng đó.
Người châu Á có câu nói: "Tạo điều kiện cho người khác cũng là tạo điều kiện cho chính mình".
Từ "chuyên gia" (expert) xuất phát từ tiếng La-tinh là "experiri", có nghĩa là "người giúp bạn thử nghiệm những điều mới mẻ".
Các chuyên gia giúp rút ngắn đường cong kinh nghiệm cho những người mà họ hướng dẫn.
Những huấn luyện viên chân chính luôn chú trọng đến hiệu quả của những người mà họ đào tạo.
Tôi cam kết tiếp cận và truyền đạt lại bất cứ kỹ năng và tài năng nào mà tôi tích lũy được cho người khác. Khi làm như vậy, tôi sẽ có được cảm giác cống hiến và hài lòng, thứ mà tôi không thể nào đạt được bằng bất kỳ hình thức nào khác.
Deepak Chopra mô tả như thế này: "Mọi người đều có một mục đích trong đời… một năng khiếu hay tài năng đặc biệt để trao cho người khác. Và khi kết hợp tài năng duy nhất này vì lợi ích của người khác, chúng ta sẽ trải nghiệm được sự thăng hoa về tinh thần – mục tiêu cuối cùng của tất cả các mục tiêu trong đời".
Tôi không thể đưa người khác tiếp cận đích đến mong đợi của họ nếu không tiến gần đích đến của chính mình.