Điều chúng ta góp vào Vũ điệu Sabbath và điều mà Đấng Tạo hóa trả đáp lại cho ta không bao giờ là cuộc trao đổi công bằng. Trong khoảng thời gian Sabbath thinh lặng, chúng ta tỉ tê, gửi trao đến Người những đau khổ, một số trong đó khiến ta đau lòng khi gọi tên, một số khác ta thậm chí còn không thể xác định rõ. Trong khi đó Đấng Tạo hóa giúp ta nguôi ngoai, quên đi những muộn phiền để rồi chẳng còn tên gọi hay dấu vết khổ đau nào. Nếu biết buông bỏ, cõi lòng ta sẽ được thanh sạch, trống trải để chứa đựng những lời mách bảo của Chân lý Thiêng liêng.
- Robert Benson
Nhìn thấy tấm biển "Bán chó con", một cậu bé liền hỏi người chủ cửa hàng:
- Thưa ông, những chú chó này đáng giá bao nhiêu ạ?
- Năm mươi đô-la một con. Cậu bé dốc túi ra:
- Cháu chỉ có 2 đô 37 xu thôi. Vậy cháu có thể xem chúng được chứ?
Người chủ cửa hàng huýt sáo, một quý bà xuất hiện, theo sau là 5 bộ lông tròn như quả bóng có 4 chân. Một chú chó nhỏ bị què nên bị tụt lại đằng sau khá xa.
- Có chuyện gì với chú chó đó vậy? - Cậu bé hỏi.
- Khi sinh ra nó đã bị thiếu mất một cẳng sau. Bác sĩ bảo nó sẽ bị què suốt đời.
Cậu bé nhìn lên:
- Đó chính là con chó cháu muốn mua.
- Nếu cháu thực sự thích nó thì ta sẽ cho cháu.
- Cháu không muốn ông cho cháu. - Cậu bé nói vẻ khó chịu. - Nó xứng đáng từng xu một. Cháu sẽ trả ông 2 đô-la 37 xu bây giờ và góp 50 xu hàng tháng cho đến khi đủ số tiền mà nó xứng đáng được trả.
- Ôi chàng trai trẻ, con chó này sẽ không thể chạy nhảy hay chơi đùa được đâu!
Cậu bé xắn ống quần lên để lộ ra cái chân tật nguyền được hỗ trợ bằng một cái trụ kim loại lớn rồi nói:
- Ồ, chính cháu cũng không chạy tốt và chú chó này sẽ cần ai đó hiểu nó.
Trong tiểu thuyết Brendan của Frederick Buechner kể về một vị thánh của Ireland hồi thế kỷ thứ 6, một người hầu thuật lại cuộc trò chuyện giữa Brendan và Gildas, một thầy tu già tật nguyền và cay nghiệt.
- Ta què quặt như thế giới đen tối này. - Gildas thở than với giọng đầy chua xót.
- Nếu thực sự thế giới như thế thì có ai trong chúng ta không què quặt thưa thầy? - Brendan nói.
Gildas chỉ bị què một chân thôi, nhưng ông đã làm "què quặt" cả cuộc đời mình trong nỗi khổ đau, oán trách. Lời Brendan nói rất đúng. Nó khiến tất cả chúng ta không thể thốt được gì hơn. Tất cả đều "què quặt"...
- Hãy chìa tay ra với nhau mỗi khi ai đó trong chúng ta vấp ngã. - Brendan nói. - Có lẽ cuối cùng đó là việc duy nhất có ý nghĩa.
Tất cả chúng ta đều nhận thấy những phần "què quặt" trong bản thân mình. Chúng làm ta buồn, nhụt chí, tức giận, xấu hổ, thậm chí là cản trở ta. Ta biết rõ chúng. Một số do bản thân tạo ra nhưng đa số không phải vậy. Và ta cứ ao ước hoặc gắng cầu nguyện để chúng biến mất.
Nếu vậy, những lời cầu ước sẽ ngày càng nhiều thêm khi thế giới này xem sự thiếu hoàn hảo như là một bản cáo trạng. Chúng ta đã quen nhìn nhận giá trị bản thân theo cách như thế. Chúng như là ảo tưởng kiểm soát lấy ta. Giả như những cái (bề ngoài) gọi là khiếm khuyết ấy được chỉnh sửa, đổi mới, "nâng cấp", ta sẽ đối diện với chính mình như thế nào! "Bạn có thể thụ hưởng một cuộc sống mà bạn xứng đáng có được", một mẩu quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ hứa hẹn như vậy. Tôi không phản đối việc có hàm răng trắng hơn hay mông mẩy hơn nhưng không chắc nó có thể làm vơi nhẹ những lo lắng trong tôi.
Vấn đề là cho dù chúng ta có sửa chữa, cải thiện, đổi mới nhằm làm cho bản thân chỉnh tề hơn, đáng yêu hơn, dễ chấp nhận hơn, thì tôi vẫn thấy mình vẫn còn đang chần chừ đón nhận quà tặng (từ mọi người hay từ Tạo hóa) vào thời điểm đáng lẽ có quyền được nhận.
Một tình nguyện viên trẻ làm việc ở L’Arche -một tổ chức quốc tế do Jean Vanier sáng lập, nhằm tạo lập cộng đồng nơi những người bị khuyết tật phát triển (developmental disabilities) sống cùng nhà với những người bình thường để có thể chia sẻ, xác định những giá trị độc đáo, khả năng của nhau - nói với các thành viên: "Họ không bao giờ hỏi trình độ của các bạn, trường đại học nào các bạn đã học. Họ chỉ hỏi: ‘Bạn có yêu tôi không?’. Và cuối cùng thì chẳng phải đó là điều quan trọng hay sao?".
Quả thật như vậy! Chúng ta có khả năng được yêu thương, nhận biết giá trị của mình qua những điều khiến ta cảm thấy dễ bị tổn thương nhất. Bởi trong sự trần trụi, què quặt, đau khổ, tổn thương, ta chẳng còn uy lực, chỗ dựa nào, chẳng còn gì để mặc cả. Nhân dạng bản thân không phụ thuộc vào việc phải trở thành ai đó, gây ấn tượng với ai đó hay phải loại bỏ những phần khiếm khuyết. Ta có thể là chính mình, với cái chân tật nguyền và tất cả những thứ không lành lặn khác.
Tôi từng được dạy rằng "Hãy hoàn hảo như Đấng Tạo hóa hoàn hảo", lời dạy này như chiếc búa nện vào những nhược điểm của tôi. Đớn đau! Khổ sở! Giờ thì tôi biết sự trọn vẹn chưa phải là hoàn hảo. Trọn vẹn nghĩa là sống trong khoảnh khắc này, dù là vui hay buồn, đầy hay vơi, chạy nhảy hay lê lết.
Tôi đã nếm trải cảm giác kiệt sức, rụng rời khi đứng trước đám đông mà vẫn phải cố gắng làm ra vẻ tự tin, tươi tắn. Thật không dễ che giấu nỗi đau bên trong!
Cũng may là những điểm yếu, những phần không hoàn thiện vẫn có thể thay đổi. Song, sẽ không thể thay đổi được điều gì cho đến khi ta chấp nhận, hiểu và yêu lấy nó.
Ta chạm tới sự toàn vẹn ở nơi ta dễ bị tổn thương nhất. Nơi ta là con người. Nơi ta là con của Đấng Tạo hóa. Nơi ta nghe thấy Người gọi tên mình. Chính ở nơi dễ tổn thương này ta tìm thấy vẻ đẹp tinh tế là lòng trắc ẩn, nhân từ, độ lượng, hòa nhã, cởi mở, ân cần, thấu cảm, biết lắng nghe và hào hiệp. Vẻ đẹp của phẩm chất bảo vệ ta khỏi những lúc dễ đổ vỡ, "què quặt" và giúp chữa lành trái tim, cũng như tâm hồn ta.
Thực hành tạm nghỉ
Suy ngẫm lời sau:
"Đấng Tạo hóa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu vớt những tâm hồn thất vọng ê chề.
Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Đấng Cao vời giúp họ luôn thoát khỏi."
"Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Nhưng Người yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan."
- Thánh vịnh