Nghệ thuật sống hài hòa theo dòng chảy của thời gian đôi khi chỉ đơn giản là biết tạm dừng.
- Thomas Moore
Chúng ta đang sống trong một thế giới thúc giục ta ngưỡng mộ, theo đuổi, sùng bái những thứ nhanh hơn, mới hơn và to lớn hơn. Bởi chúng ta khao khát tốc độ và coi năng suất là mục tiêu nên chúng trở thành những chuẩn mực để đánh giá hiệu quả công việc ta làm.
- Hôm nay anh đã hoàn thành việc gì?
- Anh đùa à? - Chúng ta trả lời. - Tôi là người quan trọng. Nhìn xem, không có một khoảng trống nào trên lịch của tôi đây này.
Có những thời điểm tôi cảm thấy sự bận rộn cũng là một phần thưởng. Thỉnh thoảng tôi lại tự nhủ, một chút kiệt sức cũng quý giá như một cái vỗ nhẹ khích lệ vào lưng.
Nhưng đây mới là sự thật đáng băn khoăn: một cuộc đời dựa trên tốc độ và năng suất thường khiến ta phải trả giá đắt. Tôi biết cái cảm giác đánh đổi cả cuộc hôn nhân của mình bởi vì tôi quá bận rộn, vất vả với công việc phụng sự. Khi còn là một tu sĩ trẻ, tôi có một sự nghiệp thành công, nổi bật trong nhà thờ. Tôi đã đánh bóng hình ảnh về tầm quan trọng của mình và nhận được những cái ôm hôn từ công chúng. Thật không may, vì sự bận rộn này mà tôi đã nói không với những người quan trọng nhất với tôi. Tôi đã sống một cuộc đời bị phân mảnh và tất nhiên càng không phải là một cuộc sống theo đúng lời dạy thiêng liêng. Tôi không muốn sống như vậy nữa!
Sau đây là một số câu hỏi trắc nghiệm dành cho bạn, hãy dũng cảm và thành thật với chính mình, bạn nhé!
- Có bao giờ bạn cảm thấy quá sức, mà những việc phải làm cứ ngày một nhiều thêm?
- Có khi nào bạn cảm thấy cuống vội, chỉ ao ước có một phép màu nào đó hô biến cho thời gian trôi chậm lại?
- Có bao giờ bạn ao ước có thêm 1 ngày nữa trong tuần?
- Trong lúc đang trò chuyện, đã bao giờ bạn nhận ra là "Thật sự mình không hiện hữu ở đây"?
- Có lúc nào bạn cảm thấy mình bị vây ép giữa quá nhiều nghĩa vụ?
- Bạn có cảm thấy thoải mái khi làm việc đến kiệt sức?
- Có khi nào bạn bị lôi kéo vào quá nhiều hướng đi đến nỗi bạn không còn cảm thấy là chính mình?
- Có lúc nào bạn đồng ý với một cam kết mà bạn biết rõ rằng tốt nhất nên trả lời "Không"?
- Đã bao giờ bạn cố cầu nguyện hay thực hành giữ tĩnh lặng nội tâm, nhưng chỉ thấy đầu óc mình ngụp lặn trong những lo lắng của ngày hôm qua?
- Đã bao giờ bạn trả lời câu hỏi "Bạn khỏe không?" bằng một trong các cách diễn đạt sau: "Cuộc đời tôi… quá điên cuồng, quá bận rộn, rất phức tạp, bế tắc và không thể kiểm soát, giá như tôi có thời gian để trả lời câu hỏi của bạn"?
- Đã bao giờ bạn muốn dừng lại đủ lâu để nhận ra điều thiêng liêng, diệu kỳ ẩn chứa trong những đám mây, trên gương mặt một người lạ, trong sự hỗn loạn, trong cái lay chạm của bạn bè, hoặc trong những sự việc bình thường mỗi ngày?
Nếu bạn đã từng có những cảm giác, ước mong và trăn trở như vậy, Sức mạnh của điểm dừng sẽ là quyển sách thích hợp dành cho bạn -Làm ít hơn để gặt hái được nhiều hơn.
Chúng ta được sinh ra vì mục đích gì?
Bạn cần có một nơi trú ngụ trong tim, trong tâm trí hay trong ngôi nhà của bạn, nơi bạn có thể tìm đến mỗi ngày, nơi bạn không nợ ai và không ai nợ bạn - một không gian giúp cho những điều mới mẻ và tràn đầy hy vọng được thăng hoa.
- Joseph Campbell
Chúng ta được chào đón đến với cuộc sống này. Chúng ta được tạo ra để tận hưởng một cuộc sống thi vị.
Chúng ta được sinh ra chỉ để hiện hữu.
Nhưng một lúc nào đó, cuộc sống tước mất những khoảnh khắc thi vị ấy.
Tạm nghỉ, dựa theo nguyên tắc ngày Sabbath, sẽ giúp ta xua tan những khổ đau, phiền não. Sabbath có nghĩa là tạm dừng lại và nghỉ ngơi. Sabbath là nền tảng quan trọng trong đức tin của đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa.
Trên thực tế, việc thực hiện Sabbath, hay là tạm dừng để nghỉ ngơi, được tín đồ của mọi tôn giáo, thậm chí cả những người không theo tôn giáo, thực hiện.
Đó là bởi vì hầu hết các truyền thống tín ngưỡng đều nhận thức rằng con người không chỉ có một không gian (để) vận động mà còn có một không gian (để) hiện hữu. Trong không gian vận động, chúng ta làm việc, hướng đến tương lai, đạt được những thành tựu và tạo ra các giá trị vật chất. Còn trong không gian hiện hữu, chúng ta cầu nguyện, chiêm nghiệm nội tâm, tiếp xúc, nghỉ ngơi, khám phá, và nếu may mắn thì cả giấc ngủ cũng không vướng bận.
"Quyền năng của sự tạm nghỉ, tôi thích điều đó", một người đàn ông nói với tôi như vậy sau cuộc hội thảo. "Vậy tôi phải làm gì?".
Suy nghĩ máy móc của chúng ta trỗi dậy. Năm bước để dừng lại là gì? "Làm" Sabbath như thế nào? Cần kỹ thuật gì? Chúng ta nhận thấy cuộc sống thiếu cân bằng này cần được hỗ trợ điều chỉnh lại bằng các giải pháp mang tính công nghệ. Làm vậy chẳng khác nào cố gắng làm vơi nhẹ hoặc sửa lại tình thế của mình bằng việc sử dụng chính những công cụ, nguồn lực hoặc suy nghĩ đã đẩy ta vào tình thế đó.
Một lần nọ, tôi tìm thấy trong hiệu sách một cuốn có nhan đề Những câu chuyện một phút đọc trước khi đi ngủ. Nó dành cho các vị phụ huynh thường hay đầu tắt mặt tối, không có đủ thời gian dành cho đứa con thân yêu của mình!
Quyển sách này không chỉ đề cập những điều chúng ta cần làm, mà cả những điều chúng ta không nên làm. Liệu tôi có thể trở thành một người tốt hơn không phải bằng cách thêm vào mà là bớt đi?
Có 2 loại tạm dừng: Một loại mang tính thụ động, như: Tôi ngưng lại, tôi bỏ cuộc, tôi làm thinh…; còn loại kia mang tính chủ động, như: Tôi chú ý, tôi tỉnh táo, có ý thức trong lúc này, tôi có trách nhiệm với cuộc đời tôi đang sống...
Nhận thức của con người có sức mạnh vô cùng to lớn. Mỗi một lựa chọn ta đưa ra có thể tạo ra sự khác biệt trên thực tế. Việc lựa chọn tạm nghỉ sẽ mang đến cho ta…
Sức mạnh chú ý
Theo cách hiểu của người Do Thái, Sabbath là ngày tạm dừng, ngày nghỉ ngơi, là ngày chúng ta "ăn mừng" về thời gian chứ không phải về không gian. Trải qua sáu ngày trong không gian làm việc ngột ngạt, áp lực nên Sabbath là ngày cho phép ta điều chỉnh, hướng mình trở về với thực tại trải đầy những khoảnh khắc thiêng liêng.
Sức mạnh tập trung
Bức ảnh Gandhi ngồi cùng chiếc guồng quay sợi là hình ảnh thể hiện trọng tâm tư tưởng san bằng mọi
khác biệt xã hội của ông. Guồng quay sợi đã luôn nhắc nhở Gandhi về bản thân và những điều thiết thực trong cuộc sống. Khi quay bánh xe, ông kháng cự lại mọi thế lực xung quanh, những thế lực đang cố tình bóp méo những hiểu biết của ông về bản thân mình.
Sức mạnh để giữ bình tâm trong khoảnh khắc hiện tại
Khi ta cảm thấy căng thẳng vì bị giục giã, đó là lúc ta đưa ra quyết định phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Ta bị điều khiển, chi phối bởi nhu cầu phải vội vã để gây ấn tượng, song nó chỉ khiến ta rơi vào trạng thái điên cuồng, quẫn trí.
Còn khi ta nói: "Không, việc này có thể gác sang một bên để giải quyết sau", ta biết mình còn có những giá trị khác ngoài những thứ bề ngoài kia. Ta được phép hiện hữu, được phép nắm lấy hiện tại thiêng liêng này.
Sức mạnh lắng nghe
Một cậu bé có lần nói với mẹ: "Mẹ ơi, nghe con này, nhưng lần này mẹ hãy nghe bằng mắt nhé!". Bản chất của lắng nghe chính là hiện diện. Khi vội vã, ta không thể có cái nhìn toàn diện về sự vật, hiện tượng xung quanh. Lúc đó ta chỉ bó hẹp sự tập trung của mình vào những gì ta muốn nhìn và muốn nghe. Việc tạm dừng giúp ta dừng lại để nhìn, nghe, hoặc nhận ra sự vật đúng với bản chất vốn có chứ không phải theo cách ta mong nó là như vậy.
Sức mạnh để nhìn, nghe, nếm, chạm và ngửi - thưởng thức trọn vẹn cuộc sống
Với tôi, sự màu nhiệm của nhà thờ không thể hiện nhiều qua những linh ảnh, tiếng nói vang vọng từ không trung hay năng lực chữa lành đột nhiên đến với ta từ cõi xa xăm nào, mà là ở chính nhận thức thanh cao, đẹp đẽ của ta. Vì vậy những gì mắt ta nhìn thấy, tai ta nghe được trong mỗi khoảnh khắc đều luôn là về chính chúng ta.
- Willa Cather
Sức mạnh để nhận biết và trân quý nét độc đáo của bản thân
Mỗi người chúng ta là đứa con đặc biệt, độc đáo của Đấng Tạo hóa. Khi nhân dạng bản thân tôi bắt nguồn từ nhận thức đó, tôi không còn định nghĩa mình bằng những thứ mình đạt được, những thứ mình tiêu thụ, tôi tiến nhanh đến mức nào, tôi bận rộn ra sao, hay tôi kiếm được bao nhiêu. Tôi sống cuộc sống này chứ không phải cuộc sống nào khác. Tôi sống với thái độ chấp nhận, chứ không sống để được người khác chấp nhận. Đây chính là sự gợi nhắc thiêng liêng, rằng chúng ta sống theo kiểu từ nội tâm hướng ra bên ngoài, từ nơi mà Thomas Kelly gọi là "trung tâm thánh thiện"… nơi tràn đầy "sức mạnh, bình an, thanh thản, hòa hợp và tự tin".
Chúng ta cần cẩn thận để không tiêu pha cả những khoảnh khắc tạm dừng của mình, không xem trải nghiệm như một món hàng có thể trao đổi, mua bán, hoặc xem việc tạm dừng như là thứ cần được đong đo tính toán. Đừng giống như người đàn ông nọ nhắn nhủ với bác sĩ rằng: "Tôi muốn học cách nghỉ ngơi thư giãn, nhưng phải là sự nghỉ ngơi thoải mái hơn, nhanh hơn bất cứ sự nghỉ ngơi nào của người khác trước đây".
Vì vậy, hãy trải nghiệm khoảnh khắc tạm dừng mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Bạn sẽ tìm thấy hình ảnh mới mẻ về bản thân hoặc khám phá lại chính mình, con người bấy lâu nay bị lẩn khuất giữa những ồn ào, huyên náo và tất bật của cuộc sống. Bạn sẽ nhận thấy ở mình một con người chú tâm hơn, hiện hữu nhiều hơn và tràn trề năng lượng sống - một con người sống trọn vẹn, thật sự.
Sử dụng cuốn sách này như thế nào?
Tôi là người làm vườn, vì vậy tôi liên hệ nhiều tới chuyện làm vườn và thiên nhiên nói chung. Vì thế nội dung sách được sắp xếp theo trình tự các mùa, bắt đầu với Thu sớm và kết thúc với Hè muộn. Dù là mùa đông hay mùa xuân, phần sớm và muộn trong các mùa luôn khác nhau, để lại trong ta những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau về sự vật.
Những câu chuyện trong các chương này đều nhằm giúp bạn thực hành Tạm dừng - một tiến trình thuộc về nội tâm, không xảy ra cùng lúc mà thường đi qua các giai đoạn. Vì vậy trong mỗi một mùa, các câu chuyện được sắp xếp theo một dòng chảy, như một chu trình thông thường của nội tâm.
Nhận ra Nhu cầu, Khát vọng của bản thân
Tìm đến Nơi trú ẩn bình yên
Khám phá Điều bình dị thiêng liêng
Thỏa nguyện
Lựa chọn để Trở thành
Tận hưởng sự Tự do, Hoan hỉ
Xin lưu ý rằng các câu chuyện trong mỗi mùa không tuân theo quy trình này một cách cứng nhắc. Nhiều khi một câu chuyện có thể đề cập đến Điều bình dị thiêng liêng, nhưng cũng có lúc nhắc đến việc lựa chọn để Trở thành. Nếu bạn muốn trải nghiệm sự Tự do, hãy tìm đọc câu chuyện cuối cùng của mùa, trong mục Tự do/Hoan hỉ.
Tôi chia các câu chuyện theo mùa bởi vì rất nhiều người thích tuân theo trình tự các mùa trong năm. Và tôi cũng phân loại các câu chuyện theo kiểu tâm trạng hay các giai đoạn nội tâm. Hãy chọn và sử dụng chúng theo cách bạn thấy phù hợp. Cuốn sách này là của bạn, nó giúp bạn tạm nghỉ bất kể bạn đang ở mùa nào hay đang mang tâm trạng nào.
- Terry Hershey