Thượng đế ban ân huệ khắp thế giới giống như đứa trẻ 5 tuổi làm dây bơ lạc ra xung quanh một cách dày đặc, tùy tiện và hào hứng; nếu cứ lẩn lút trong túp lều xập xệ để cố giữ mình sạch sẽ thì ta sẽ không nếm trải được mùi vị gì.
- Donna Schaper
Không khí hôm nay khô lạnh hơn mọi ngày. Cái nóng của mùa hè dường như đã di chuyển xuống phía Nam.
Tôi đến Village Green vào một ngày chợ phiên thứ bảy. Rất nhiều người xay lúa, trò chuyện, tản bộ, buôn bán; ai cũng tràn đầy năng lượng, tán tụng nhau và vui vẻ vì được có mặt vào sáng hôm ấy.
Giống như tôi, nhiều người đến đây chơi vì chẳng có công việc gì đặc biệt; hoặc nếu có một danh sách những việc phải hoàn thành thì chúng tôi cũng vứt nó ở nhà.
Một ban nhạc đang tấu nhạc, đó là nhóm nhạc địa phương gồm tay trống, ghi-ta và saxophone. Họ đang chơi bản Secret Agent Man. Tôi không bịa đặt đâu, nhưng ngay nơi này chúng tôi cảm thấy giống như đang sống trong nhiều thập kỷ trước.
Tôi ngồi xuống một chiếc bàn và để mặc tâm trí đi lang thang.
Tôi nhớ lại bài báo vừa đọc vào sớm nay đăng tin về sự tàn phá của cơn bão Katrina và nỗi sợ hãi đang lan tỏa. Cảnh sát trưởng đã thông báo trước công chúng: "Du khách đang bị cướp và bị cưỡng hiếp. Ở Superdome, các băng nhóm đang giết người và cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em". Nhưng hóa ra những lời tuyên bố này lại không đúng. Thực ra đó chỉ là những nhận thức bị đầu độc, bị nghiêm trọng hóa bởi nỗi sợ hãi. Chính nỗi sợ đã làm thay đổi hành vi của con người. "Nỗi sợ hãi làm thay đổi kế hoạch triển khai ứng cứu, làm việc di tản bị chậm trễ, khiến cảnh sát bỏ việc, và các trực thăng không bay nữa".
Nỗi sợ hãi đã gây ra nhiều vấn đề như vậy. Nó đã thay đổi thế giới loài người.
Sợ hãi không phải là cảm giác lạ lẫm gì với một cậu bé được nuôi lớn trong nhà thờ như tôi. Tôi từng quỳ trước rất nhiều bệ thờ, nguyện sẽ phụng vụ, dâng hiến bản thân cho một cuộc sống tịnh khiết. Những ý nguyện này không có gì là sai, song trong trường hợp của tôi, chúng không xuất phát từ nguyện vọng cao quý mà khởi phát từ nỗi sợ Đấng Toàn năng sẽ trừng phạt mình.
Tôi tin rằng có những lúc chúng ta phản ứng với Đấng Toàn năng không khác gì cách chúng ta phản ứng với người cha nát rượu của mình. Chúng ta sống trong căng thẳng, khao khát một nụ cười và ước gì những đòn roi đều biến mất. Đây là sự khác biệt giữa sống trong sợ hãi và sống trong tình thương yêu. Sống trong nỗi sợ hãi, tôi không thể hòa nhịp với thực tế cuộc sống. Tôi trở nên nghi ngại và xa lánh. Nỗi sợ hãi đã định đoạt cuộc sống của tôi.
Khi sống trong sợ hãi…
… tôi không còn khả năng tự chủ hành động, mà chỉ biết phản ứng.
… tôi không mạnh dạn chấp nhận rủi ro; tôi thường hay lưỡng lự.
… tôi không thật sự yêu thương; tôi chỉ đang cố kiểm soát.
… tôi không dám chịu trách nhiệm; tôi đổ tội cho người khác.
Tệ hơn nữa, khi sống trong sợ hãi, chúng ta tạo ra quanh mình những kẻ thù không có thật. Trong cuộc nội chiến (1861 - 1865) ở Mỹ, một bác sĩ ở miền Nam cho rằng các nô lệ đang phải chịu hai dạng bệnh tâm thần. Ông gọi tên chúng là Drapetomania (muốn trốn thoát khỏi tình trạng giam cầm) và Dysaethesia aethiopica (chây lười). Vậy đâu là triệu chứng của những bệnh tâm thần này?
Rõ ràng các nô lệ cảm thấy như bị thôi thúc đến mức không thể cưỡng lại là phải trốn thoát, bất tuân lệnh chủ và không chịu làm việc.
Cũng như nếu có điều gì đó đi ngược lại chính kiến của ta, nó khiến ta hoảng sợ, thế rồi ta vội gán cho nó "cái nhãn" xấu xí và phủ nhận nó. Vì không hiểu nên ta mới lo sợ. Và vì sợ nên ta xem nó là bệnh.
Một lần nọ, tôi đã đọc được ở đâu đó rằng tình yêu thương đồng hành cùng con người ngay lúc mới sinh ra, còn sợ hãi chỉ là thói quen do tập nhiễm trong quá trình trưởng thành.
Vậy thì làm sao để sống mà không sợ hãi?
Trong câu chuyện trích từ sách Phúc âm của Thánh Luke, một người phụ nữ đã làm được điều này. Cô ta đã phá hỏng bữa tiệc mà mình không được mời. Nhìn cách ăn mặc là có thể đoán cô không phải người ngoan đạo. Cô mang theo một lọ nước hoa, quỳ trước Chúa Jesus mà khóc, lấy nước mắt rửa chân cho Ngài rồi lau khô bằng tóc của mình, sau đó hôn chân Ngài nhiều lần và lấy dầu thơm đổ lên. Tại Israel thời bấy giờ, việc phụ nữ xõa tóc là một hành động ngông cuồng và liều lĩnh. Người đó sẽ được xem là kẻ phóng đãng. Một vị chủ trì ngồi cùng bàn Chúa Jesus rất tức giận: "Jesus, nếu Ngài thực sự là ngôn sứ, hẳn Ngài đã biết người đàn bà này xuất thân như thế nào. Ả ta là một con điếm, một kẻ thân cô thế cô với xuất thân thấp hèn".
Nỗi sợ hãi đã điều khiển con người như vậy. Nó gắn nhãn. Nó phủ nhận.
Nhưng Jesus đáp lại: "Ngài không hiểu rồi. Một nhà tiên tri có thể nhìn thấy những điều vượt thoát khỏi vẻ bề ngoài, nhìn thấy triển vọng mà người khác sẽ trở thành. Người phụ nữ này sẽ được đời sau nhớ đến vì hành động tử tế của mình".
Đức Jesus đã củng cố mạnh mẽ nhân dạng thật sự của cô ấy bằng tình thương yêu của Ngài.
Nhóm nhạc vẫn đang trình diễn bài hát tôi đã nghe nhưng không thể nhớ tên. Hai đứa trẻ đang hào hứng nhảy múa theo nhạc (thực ra là chỉ nhảy lên nhảy xuống). Một người ông đang bắt chước theo những bước nhảy của cô cháu gái, khuôn mặt họ ánh lên vẻ hân hoan. Niềm vui lan tỏa khắp nơi. Với những đứa trẻ này, mối quan hệ xung quanh được xây dựng dựa trên sự tin tưởng chứ không phải là sợ hãi. Và tôi có thể thấy rõ: cô bé nhảy múa bởi vì cô không hề sợ hãi.
Lời truyền cảm
Đừng bao giờ sợ hãi.
- Matthew (10:26)
Thực hành tạm nghỉ
Tôi cho rằng nỗi sợ hãi chỉ là thứ chúng ta nuôi dưỡng mà nên. Tuần này, hãy dành ra chút thời gian để tự hỏi:
- Những lo lắng, hay sợ hãi nào đang chiếm lấy nhiều thời gian của tôi?
- Tôi gia tăng thêm mối lo lắng, hay sợ hãi nào bằng cách chú ý quá nhiều đến chúng?