T
rong buổi lễ đính hôn của một chàng trai trẻ tuổi nọ, bạn gái của anh ấy lại nắm tay một chàng trai khác và quay sang nói với anh rằng: “Xin lỗi anh, em nghĩ, chúng ta lấy nhau sẽ không hạnh phúc.” Một giây trước vẫn còn đang đắm say trong hạnh phúc, thì chỉ trong tích tắc, trái tim chàng trai trẻ đã tan nát. Trước ánh mắt kinh ngạc của người thân và bạn bè, anh chỉ muốn biến mất khỏi thế giới ngay lập tức. Sau đó ít lâu, anh quyết định rời bỏ thị trấn này - nơi anh phải sống trong sự tủi hổ, nhục nhã. Bước chân ra đi, chàng trai tự nhủ rằng, sau này nhất định sẽ trở về trong huy hoàng.
Quả đúng như vậy, 30 năm sau, chàng trai đáng thương năm nào đã trở thành một nhân vật vĩ đại làm rạng danh châu Âu với những tác phẩm như “Những lời bộc bạch”, “Émile”, “Khế ước xã hội”. Chàng trai ấy, không ai khác, chính là nhà văn, nhà triết học nổi tiếng Jean- Jacques Rousseau. Ngày thứ hai sau khi trở về quê nhà, có một người bạn cũ đã hỏi ông: “Cậu còn nhớ Ariel không?” Rousseau mỉm cười nói: “Nhớ chứ, suýt chút nữa thì cô ấy đã trở thành vợ tớ.” “Năm đó cô ấy đã làm cậu mất mặt, nhưng rồi cô ấy cũng không có kết cục tốt đẹp gì. Bao nhiêu năm nay, cô ấy sống trong nghèo đói, bần hàn, phải dựa vào người thân để sống cho qua ngày. Thượng đế đã trừng phạt sự phản bội mà cô ấy dành cho cậu.” Người bạn nói với Rousseau. Anh bạn kia vốn nghĩ rằng biết được người phản bội mình năm xưa có một kết cục bi thảm như vậy thì Rousseau sẽ vui lắm, nhưng Rousseau lại nói rằng: “Tớ rất buồn, cô ấy không đáng bị Thượng đế trừng phạt. Tớ có một ít tiền, nhờ cậu hãy đưa cho cô ấy, đừng nói là tớ đưa nhé, để tránh cô ấy nghĩ rằng tớ làm nhục cô ấy mà từ chối không nhận.”
“Cậu thật sự không hề oán hận gì Ariel sao? Năm xưa cô ấy đã làm cậu xấu hổ biết nhường nào.” Anh bạn kia nghi ngờ hỏi.
“Đó là chuyện của 30 năm trước rồi. Chừng ấy thời gian trôi qua, nếu như tớ luôn oán hận cô ấy, thì chẳng phải là tớ đã tự khiến mình phải sống 30 năm trong oán hận sao? Như vậy thì có lợi gì cho tớ? Cũng giống như nếu tớ vác theo một con chuột chết đến gặp cậu vậy, chẳng phải cả đường đi, người phải ngửi mùi chuột chết sẽ là tớ sao?”
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Không tính toán, không thù hằn, không trách cứ, điều ấy trước tiên khiến cho chính mình thanh thản. Như vậy, rộng lượng với người khác cũng chính là rộng lượng với bản thân mình. Sự vĩ đại của Jean- Jacques Rousseau không chỉ bởi tài năng, mà còn ở tư tưởng bao dung ấy của ông.