M
arie Curie, người Ba Lan, là nhà khoa học nữ nổi tiếng nhất thế giới. Bà từng hai lần đoạt giải thưởng Nobel, và được tôn vinh là “Người mẹ của nguyên tố Radium”. Với thành tựu to lớn, bà được người đời tôn kính. Dù vậy, bà vẫn luôn nhớ đến cô Oban - cô giáo dạy tiếng Pháp thời niên thiếu, vì Marie Curie hiểu sâu sắc rằng, nếu khi đó không có sự dạy dỗ nghiêm khắc và cẩn thận của cô, thì bản thân không thể đạt tới thành công như bây giờ.
Ngày hôm đó, cô giáo Oban nhận được một bức thư, người gửi là “Marie Curie”. Cô giáo Oban gần như không dám nhận thư, bà còn cho rằng người đưa thư đã gửi nhầm! Bởi vì lúc này Marie Curie đã là một nhà khoa học vĩ đại được tán tụng trên toàn thế giới, sao có thể viết thư cho một cô giáo quê mùa, vô danh tiểu tốt vừa già vừa nghèo được chứ? Cô giáo Oban liên tục xua tay, nói với người đưa thư: “Thưa ông, ông nhầm rồi, chắc chắn là nhầm rồi, tôi làm sao có thể nhận được thư từ vị danh nhân này cơ chứ!” Cho đến khi người đưa thư khẳng định tên và địa chỉ người nhận không hề sai, bà mới dùng đôi tay run run của mình mở phong bì thư. Cô giáo Oban cảm thấy chuyện này thật sự khó tin. Bà chậm rãi đeo cặp kính lão lên, mở bức thư ra, cẩn thận đọc từng câu từng chữ. Đọc xong, nước mắt bà trào ra vì xúc động, hóa ra người viết thư là cô bé Marie 20 năm về trước luôn đứng đầu lớp trong tất cả các môn học! Trong thư, Marie Curie bày tỏ lòng kính trọng đối với cô giáo Oban, và chân thành mời cô tới Paris chơi. Marie Curie còn chu đáo gửi lộ phí kèm với thư. Cầm lá thư trên tay, cô giáo Oban ngẩn người ra trên ghế, nước mắt làm nhòa đi ánh nhìn của bà, hình ảnh cô học trò Marie chăm chỉ dễ thương hiện lại trong trí nhớ. Cô giáo Oban lẩm bẩm một mình: “Không ngờ mình lại được dạy một nhà khoa học vĩ đại như vậy.”
Không lâu sau, cô trò bao năm xa cách cuối cùng cũng gặp lại nhau. Marie Curie nồng nhiệt đón tiếp cô giáo Oban tại nhà mình. Bà đích thân xuống bếp làm thức ăn, chúc rượu cô giáo. Sau bữa cơm, bà lại ngồi cạnh cô tâm sự rất thân tình. Bà làm cho cô giáo quên hết sự gò bó mất tự nhiên trong lòng, quên mất trước mặt bà là một nhà khoa học vĩ đại, đã đạt được giải thưởng Nobel cao quí.
Tháng 5 năm 1932, Viện nghiên cứu Radium Warsaw được thành lập. Marie Curie với vai trò nhà tài trợ vui mừng nhận lời mời về tham dự buổi lễ khai mạc tại Warsaw. Hôm đó, xung quanh bà toàn những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, có quốc vương, có hoàng hậu, có rất nhiều nhà lãnh đạo của các nước, có các nhà khoa học danh tiếng trên các lĩnh vực, và có cả bạn bè, người thân của bà.
Khi lễ khai mạc sắp bắt đầu, Marie Curie đột nhiên rời khỏi ghế ngồi danh dự, tay ôm bó hoa tươi đi qua đoàn người, đến trước một người phụ nữ cao tuổi ngồi trên xe lăn. Marie Curie thơm vào má người phụ nữ đó một cách tình cảm, rồi nhẹ nhàng đẩy chiếc xe lăn tới trước vị trí ghế ngồi danh dự. Marie Curie giới thiệu với mọi người, đây là cô giáo Oban dạy mình thời niên thiếu. Tất cả mọi người đều hướng ánh mắt ngưỡng mộ, kính phục tới phía hai cô trò, cùng đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Trên khuôn mặt bà cụ tám mươi tuổi ngập tràn những giọt nước mắt xúc động và hạnh phúc, bởi vì bà không bao giờ ngờ tới, học sinh của bà sau khi trở thành danh nhân thế giới, lại vẫn nhiệt tình và kính trọng bà như vậy.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Câu chuyện về Marie Curie đã đem đến cho chúng ta một bài học vô cùng quý giá về lòng biết ơn. Một danh nhân thế giới vẫn nhớ đến cô giáo từng dạy mình thời niên thiếu, còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã có hành động gì để báo đáp thầy cô của mình, những người đã không quản ngại vất vả dạy dỗ chúng ta nên người hay chưa?