N
gày xưa, có một đứa trẻ hư, dù bố mẹ đã ra sức dạy dỗ nhưng cậu vẫn không hề thay đổi. Không còn cách nào khác, bố mẹ đành phải gửi cậu đến nhà một người bác làm nghề chăn cừu. Ông tuy ít học nhưng rất biết cách dạy dỗ trẻ nhỏ.
Ông nói với bố mẹ cậu rằng: “Hãy giao cháu cho tôi, một thời gian sau, đảm bảo nó sẽ thay đổi và trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời và hiếu thảo.” Khi cậu bé đến, người bác không mắng mỏ, cũng không hề dọa nạt hay đánh đập, ông chỉ đưa cho cậu một chiếc roi rồi nói cháu hằng ngày mang theo khi đi chăn cừu.
Một buổi trưa mùa hè, trời nắng như thiêu như đốt, chim chóc đều trốn dưới tán cây tránh nắng, người bác dẫn cháu đến dưới gốc cây to râm mát. Lúc này, mấy con quạ đang bay lượn giữa trời trưa nắng gắt.
Người bác liền hỏi cháu: “Mấy con quạ này không sợ nắng hay sao? Cháu có biết chúng bay qua bay lại như thế để làm gì không?” Cậu bé lắc đầu, không có câu trả lời. Người bác đưa tay chỉ tổ quạ trên cây rồi nói: “Trong tổ có quạ mẹ già không thể bay được, nó đang ngửa cổ há mồm, đợi quạ con mang thức ăn về. Nếu không có những chú quạ con hiếu thảo kia, có lẽ nó đã chết đói từ lâu rồi.”
Từ khi trứng nở, ngày nào quạ mẹ cũng đi sớm về muộn, vất vả kiếm mồi về nuôi đàn con. Khi đã già, nó không thể bay ra ngoài kiếm ăn được nữa, quạ con sẽ đi tìm thức ăn về phụng dưỡng, chăm sóc quạ mẹ cho đến khi quạ mẹ chết. Chúng không bao giờ cảm thấy phiền hà bởi điều đó, vì quạ mẹ đã dành cả đời để nuôi chúng trưởng thành. Như thế được gọi là “Quạ con báo hiếu!”
Người cháu nghe xong, trầm ngâm suy nghĩ rồi cúi đầu xấu hổ. Từ đó về sau, cậu dần dần thay đổi và đã biết cách hiếu thuận với cha mẹ mình.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Bất kì con quạ nào cũng đều như thế, nó làm vậy là để cảm ơn công ơn nuôi dưỡng mà quạ mẹ đã dành cho mình. Đến quạ còn làm được điều đó, huống hồ là con người! Cha mẹ là người có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta, vì lẽ đó, hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi còn có thể.