Q
uốc vương cần một viên quan truyền lệnh, chuyên phụ trách truyền đạt mệnh lệnh của nhà vua. Tin vừa được lan truyền, rất nhiều thanh niên đã ghi danh tham dự. Qua nhiều lần tuyển chọn, chỉ còn lại hai người là Văn và Hạ.
Quốc vương nói với hai người: “Ta rất hài lòng về hai người, nhưng ta chỉ cần một người, 12 giờ trưa ngày mai ta sẽ tổ chức lần kiểm tra cuối cùng.” - Quốc vương nói xong liền đưa cho mỗi người một phong thư, trong thư ghi rõ địa điểm và nội dung kiểm tra: “Ngày mai một người đi tới cửa Tây, một người đi tới của Đông, tìm một cụ già mặc áo màu đen, họ đọc thư xong sẽ nói với các ngươi tất cả. Các ngươi phải đảm bảo không được đọc trộm thư.”
“Quốc vương tôn kính, tôi hứa với ngài.” - Hai người đồng thanh đáp.
Ngày hôm sau, Văn đến cửa Đông rất sớm. Nơi đây ngựa xe như nước, vô cùng náo nhiệt. Anh đứng dựa vào một cây to, nhìn dòng người qua lại không chớp mắt. Một tiếng đồng hồ trôi đi, hai tiếng đồng hồ trôi đi, mắt khô, cổ mỏi, các cụ già qua lại trên phố rất đông, nhưng không có ai mặc áo màu đen cả. Văn rất muốn giành được chức vị này nên lòng anh ta như có lửa đốt: “Sắp đến trưa rồi! Cứ đà này, chắc chắn Hạ sẽ về trước mình mất thôi.” Đắn đo mãi, cuối cùng, anh ta đã mở phong thư ra xem. Trong thư chỉ có một câu nói: “Mau đi gặp quốc vương!” Văn tức tốc chạy về hoàng cung.
Hạ cũng dậy rất sớm, nhưng anh đợi mãi cũng không nhìn thấy cụ già mặc áo đen. 12 giờ sắp đến rồi! Hạ muốn mở phong thư ra xem nhưng nhớ đến lời hứa, anh tự nhủ: “Mình phải giữ lời.” Thế là anh tiếp tục tìm kiếm trong dòng người. Không lâu sau, anh thấy quốc vương cùng đội thị vệ đi tới, bên cạnh là Văn với vẻ mặt dương dương tự đắc.
Quốc vương bước đến trước mặt Hạ, tuyên bố một cách uy nghiêm: “Thời gian kiểm tra đã kết thúc, giờ ta tuyên bố quan truyền lệnh của ta là Hạ.”
Văn và Hạ đều vô cùng ngạc nhiên. Văn không phục mà nói: “Quốc vương, tại sao lại là Hạ ạ? Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà.” Quốc vương nói: “Đây là lần kiểm tra cuối cùng, ta đã lệnh cho các cụ già trong thành không được mặc áo đen, chính là để xem trong hai người ai là người giữ chữ tín. Ở điểm này, Hạ mới là người xứng đáng làm quan truyền lệnh.”
Văn hổ thẹn cúi đầu không dám hé răng nửa lời.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Chữ tín không chỉ là cái gốc làm người, mà còn là cái gốc để xây dựng quốc gia giàu mạnh. Không chỉ một người giữ chữ tín, quốc gia cũng phải giữ chữ tín. Muốn một quốc gia giữ chữ tín, thì nhân dân của quốc gia cũng phải giữ chữ tín, như vậy mới xây dựng được một môi trường lành mạnh.