K
hổng Tử đi chu du khắp các nước, có một lần ông đến nước Tề. Vào ngày nọ, trong lúc Khổng Tử cùng đệ tử của mình là Tử Lộ đang dạo chơi trên đường thì nhìn thấy hai đứa bé cãi nhau rất to.
Tò mò, Khổng Tử bèn nói với Tử Lộ: “Chúng ta qua đó xem hai đứa bé đang cãi nhau chuyện gì.”
Tử Lộ nhìn chúng rồi bĩu môi nói: “Hai đứa con nít thì có thể nói được chuyện gì nghiêm túc chứ?”
Khổng Tử nghe vậy liền nghiêm mặt: “Chưa chắc, cách nhìn của trẻ con có lúc chẳng thua kém người lớn đâu.”
Tử Lộ ngượng ngùng bèn đi cùng thầy đến trước mặt hai đứa bé. Khổng Tử ôn tồn hỏi: “Hai bạn nhỏ, các con đang tranh luận chuyện gì vậy? Ta là Khổng Khâu, có lẽ ta có thể giúp được các con.”
Một trong hai đứa bé ngẩng đầu, chớp mắt rồi hỏi ông: “Người chính là Khổng Khâu của nước Lỗ đây sao?”
Khổng Tử nghe vậy liền gật đầu và mỉm cười. Hai đứa bé biết ông là Khổng Tử nên rất vui, liền kéo ông lại để nhờ ông bênh vực lẽ phải.
Một trong hai đứa bé nói: “Bọn con đang tranh luận về vấn đề mặt trời cách bọn con xa hay gần.”
Lúc này đứa còn lại liền cướp lời: “Đúng vậy, con nói buổi trưa mặt trời gần với chúng ta nhất, bởi vì buổi sáng tỉnh dậy sẽ cảm thấy lạnh lẽo, còn buổi trưa thì mặt trời chiếu thẳng xuống đất nên khi đó mặt trời gần với chúng ta nhất.”
Đứa thứ nhất vội cãi: “Không đúng, không đúng! Mặt trời buổi sáng gần chúng ta nhất! Bởi vì khi đó nhìn mặt trời vừa to vừa tròn, còn buổi trưa nhìn mặt trời rất nhỏ, có phải cậu cho rằng mặt trời nhỏ thì sẽ ở xa hơn mặt trời to không?”
Nghe hai đứa bé tranh luận, Khổng Tử thấy cả hai đều có lý. Ông nghĩ một lát rồi nói với vẻ áy náy: “Ồ, ngại quá, vấn đề này ta cũng không biết đáp án. Đợi ta hỏi người có học vấn hơn rồi sẽ trả lời câu hỏi của các con nhé.”
Nghe Khổng Tử nói vậy, một trong hai đứa trẻ liền cười rồi nói: “Thấy bảo Khổng Tử học rộng tài cao, hôm nay gặp rồi xem ra cũng chỉ đến vậy.”
Sau khi đi khỏi đó, Tử Lộ hỏi thầy với vẻ thắc mắc: “Thầy ơi, thầy nói bừa vài câu là có thể lừa lũ nhóc rồi, tại sao thầy phải nói là mình không biết chứ?”
Khổng Tử nghe vậy liền bật cười và đáp: “Tri tri vi tri tri, bất tri vi bất tri. Trong học tập, chúng ta biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, chỉ có như vậy mới có thể học được kiến thức thật sự.”
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Trong quá trình học tập, cần tích cực tư duy, động não. Chúng ta phải dám đặt câu hỏi và mạnh dạn đưa ra các ý kiến khác nhau. Đừng cho rằng trẻ em còn nhỏ nên không hiểu gì, hãy lắng nghe ý kiến của trẻ, có thể chúng ta sẽ thu về những điều mà chính chúng ta không ngờ tới.