“Tôi không tranh cãi với anh, mà tôi đang nói chuyện với anh.”
- James Whistler (1834-1903), nghệ sĩ người Mỹ
Xung đột giữa các đồng nghiệp với nhau có thể bắt nguồn từ một vấn đề hết sức vặt vãnh. Một ý kiến bất đồng, một câu nói bâng quơ, một cử chỉ không thích hợp… tất cả đều có thể châm ngòi cho một xung đột căng thẳng nếu những người trong cuộc không biết làm chủ tình thế và phát ngôn của mình. Ngược lại, nếu khéo léo xử lý những bất đồng đó, bạn sẽ dễ dàng tìm được giải pháp hữu hiệu, luôn giữ được bình tĩnh, sáng suốt và có lẽ, giữ được cả công việc của mình.
Ba bước hóa giải xung đột
“Tranh cãi sẽ không tồn tại lâu nếu lỗi chỉ thuộc về một phía.”
- Duc de la Rochefoucauld (1613-1680), nhà văn Pháp
Hai nhà làm phim kỳ cựu của Hollywood là Samuel Goldwyn và Louis B. Mayer từng có rất nhiều bất đồng khi làm việc chung với nhau. Họ thường xuyên cãi nhau và thậm chí đánh nhau. Một lần trong phòng thay quần áo ở câu lạc bộ đồng quê Los Angeles, Mayer xô Goldwyn ngã vào thùng giặt đồ. Một người chứng kiến cảnh đó đã hỏi Mayer rằng tại sao ông lại ghét cộng sự của mình đến thế. Mayer nhìn người vừa hỏi với vẻ đầy ngạc nhiên: “Cái gì? Sao lại ghét nhau? Chúng tôi là bạn tri kỷ của nhau mà. Chúng tôi yêu quý nhau như anh em một nhà và sẵn lòng làm mọi thứ cho nhau. Thậm chí chúng tôi còn sẵn sàng chết vì nhau nữa đấy!”.
Trên thực tế, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi khi làm việc trong một tập thể. Cách giải quyết các mâu thuẫn đó như thế nào sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của bạn nơi công sở.
Sau đây là các bước có thể giúp bạn hạn chế bất đồng và không để tình trạng ấy ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp.
Bước thứ nhất: Cùng thảo luận vấn đề
Trong quá trình làm việc chung, dù có bực bội, khó chịu với đồng nghiệp thế nào chăng nữa, bạn cũng phải luôn giữ bình tĩnh và suy nghĩ chín chắn trước khi nói. Hãy duy trì cử chỉ giao tiếp bằng mắt và giữ một giọng nói vừa phải. Việc lớn tiếng tranh cãi lúc này có thể khiến bạn dễ chịu hơn, nhưng lại rất dễ dẫn đến xung đột gay gắt và khiến tình hình nghiêm trọng thêm.
Bạn có thể chủ động nói những câu như: “Giữa chúng ta đang thật sự có vấn đề nảy sinh. Chúng ta có thể gặp nhau vài phút trước bữa trưa hoặc sau giờ làm việc để giải quyết không? Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm rõ nó”. Hoặc: “Rõ ràng chúng ta đang có khúc mắc và quả thực tôi nghĩ cả hai chúng ta phải giải quyết nó. Tôi sẵn sàng nói chuyện nếu anh/chị cũng muốn thế!”.
Việc giải quyết xung đột sẽ dễ hơn nếu cả hai đều sẵn lòng:
• Lắng nghe mà không cắt ngang.
• Cân nhắc các quan điểm của người kia.
• Chấp nhận nhượng bộ và những yêu cầu hợp lý.
• Kiềm chế cảm xúc và tránh cáo buộc nhau.
Cả bạn và đồng nghiệp của bạn cần phải nhất trí với những nguyên tắc trên trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện.
Bước thứ hai: Xác định vấn đề
Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện là điều cần thiết để giải quyết mâu thuẫn. Hãy tự hỏi bản thân xem nguyên nhân nào ở bạn góp phần nảy sinh mâu thuẫn. Đôi khi chỉ một hành động thiếu suy nghĩ, một câu nói khôi hài bâng quơ hoặc một quyết định sai lệch thôi cũng đủ thổi bùng lên xung đột.
Tiếp theo, hãy khơi gợi đồng nghiệp của bạn nói ra quan điểm của họ về vấn đề đó. Trong khi họ nói, bạn chỉ nên lắng nghe, không được cắt ngang. Ví dụ, bạn hãy hỏi:
“Anh/chị thấy vấn đề chúng ta đang gặp phải thế nào?”
“Anh/chị có thể cho tôi biết tôi đã làm gì phiền lòng anh/chị không?”
Bạn nên đáp lại lời chỉ trích của đồng nghiệp như thế này: “Giờ thì tôi đã hiểu vấn đề đó gây rắc rối cho anh/chị như thế nào!”. Câu này cho thấy bạn thừa nhận quan điểm của đồng nghiệp và đây sẽ là một bước tiến lớn trong quá trình xoa dịu căng thẳng.
Khi đồng nghiệp nói xong, bạn có thể hỏi lại họ: “Anh/chị còn ý nào nữa không?”, hoặc “Anh/chị có thể cho tôi một ví dụ được không?”. Điều này sẽ khuyến khích đồng nghiệp của bạn nói về sự việc một cách chi tiết hơn và đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề.
Hãy luôn nhớ rằng có không ít đồng nghiệp e ngại không muốn nói ra cảm nghĩ thật sự cũng như những điều khiến họ bực mình, khó chịu. Vì vậy, sau những gì họ nói, bạn nên chia sẻ quan điểm riêng của bạn về vấn đề. Hãy thẳng thắn nhưng lịch thiệp. Bạn có thể nói những câu đại loại như:
“Đây là cách tôi nhìn nhận vấn đề…”
“Đây là quan điểm của tôi về trường hợp này.”
“Anh/chị có thể không đồng ý với tôi, nhưng theo tôi thì…”
Bước thứ ba: Tìm một giải pháp hữu hiệu
Cơ hội tốt nhất để bạn giải quyết xung đột với đồng nghiệp là tìm ra một giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận. Thường thì đa phần họ sẽ sẵn lòng chấp nhận hòa giải nếu bạn hỏi ý kiến của họ trước khi đưa ra ý kiến của mình. Ví dụ, bạn có thể nói:“Vậy theo anh/chị chúng ta nên giải quyết tình huống này như thế nào?”. Sau khi có câu trả lời, bạn không nên đáp lại ngay. Thay vì thế, hãy lắng nghe và thầm cân nhắc những gì người đó nói. Sau đó hãy nói những câu kiểu như:
“Rất thú vị! Tôi sẽ suy nghĩ về những điều anh/chị vừa nói.”
“Tôi nghĩ chúng ta có thể làm điều đó.”
Hãy hỏi thêm một vài câu để làm rõ vấn đề, đề nghị họ thử tham khảo ý kiến của bạn để đi đến một giải pháp khả thi. Nếu bạn có thể kết hợp ý kiến của cả hai để đưa ra một giải pháp chung, cơ hội đi đến một thỏa hiệp của bạn sẽ tăng lên. Ví dụ, hãy nói:
“Tôi có một ý kiến mà có lẽ cả hai chúng ta sẽ cùng hài lòng.”
“Tôi thấy ý kiến của mỗi chúng ta có những điểm có thể bổ trợ cho nhau.”
Đừng dùng áp lực để đạt được sự thỏa thuận hoặc cố áp đặt giải pháp của bạn. Thay vì thế, hãy hỏi:
“Theo anh/chị, cách này có giải quyết được vấn đề không?”
“Anh chị có bổ sung gì không?”
Hãy tiếp tục thảo luận cho đến khi cả hai có được tiếng nói chung. Nhắc lại thỏa thuận vừa đạt được và chắc chắn rằng đồng nghiệp của bạn sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.
“Được rồi, theo như tôi hiểu, chúng ta đã đồng ý với nhau là…, đúng không? Anh/chị chấp nhận giải pháp đó chứ?”
“Bây giờ thì chúng ta đã hoàn toàn hiểu nhau. Anh/chị có thể tóm lại những điều chúng ta vừa thỏa thuận không?”
Nói không đồng ý như thế nào?
Không phải lúc nào bạn và đồng nghiệp cũng thống nhất ý kiến trong việc giải quyết xung đột bởi cả hai phía đều có thể đưa ra cách giải quyết vấn đề sai, hoặc không thể xác định được nguyên nhân thực sự của xung đột. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu bạn:
• Lắng nghe để hiểu rõ chứ không phải để thuyết phục.
• Nhận ra đâu là nguyên nhân dẫn đến những diễn giải nhầm lẫn.
Để chứng tỏ rằng bạn sẵn sàng xem xét một quan điểm hoàn toàn khác với quan điểm của mình, bạn có thể nói:
“Ít nhất là, nếu chúng ta không thể đồng ý về…, có lẽ chúng ta nên thống nhất với nhau về những điểm còn tồn tại.”
Hoặc:
“Tôi thực sự tôn trọng ý kiến của anh/chị, nhưng theo tôi thì…”
Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể giải quyết được mọi xung đột, nhưng ba bước nêu trên có thể giúp bạn tháo ngòi nổ cho những bất đồng trước khi chúng leo thang thành sự căm giận. Bên cạnh đó, bạn hãy xác định những kẻ hay gây rối và áp dụng các biện pháp cụ thể để ngăn chặn xung đột trước khi chúng nảy sinh.
Làm thế nào để tránh xung đột với những đồng nghiệp khó chịu
Tổng thống Lyndon B. Johnson nổi tiếng với những lời nhận xét mang tính xem thường người khác, đặc biệt đối với những kẻ quan liêu bàn giấy. Một ngày nọ, khi đi ngang qua bàn làm việc bề bộn giấy tờ của một nhân viên trong Ban Thanh niên Quốc gia thuộc bang Texas, Johnson cố ý nói lớn để mọi người trong văn phòng đều nghe: “Tôi hy vọng đầu óc anh không lộn xộn như cái bàn giấy anh đang ngồi”. Sáng hôm sau, anh nhân viên bị bối rối đó dọn dẹp bàn làm việc của mình sạch sẽ không còn thứ gì trên bàn. Khi đi ngang qua, Johnson lại khích bác “Mong rằng đầu óc anh không trống rỗng như cái bàn giấy này”.
Thực tế cho thấy, hầu hết mọi người đều có thể gặp những đồng nghiệp khó chịu, thích châm chọc người khác. Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên xác định nhược điểm của họ để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của họ đối với tập thể.
Dưới đây là những kiểu đồng nghiệp khó chịu thường gặp nhất và cách thức xử lý trước các hành vi gây phiền toái của họ.
Kiểu đồng nghiệp hay gây khó khăn (Blockers)
Kiểu người này thường tìm cách ngăn cản bạn và phản đối bất cứ điều gì bạn muốn làm. Họ có công việc riêng, có cách làm việc riêng và mục tiêu riêng, song vì không có quyền “sai khiến” bạn, họ luôn tìm cách cản trở quá trình làm việc của bạn.
Cách ứng xử với kiểu đồng nghiệp này:
Hãy:
• Từ chối một cách dứt khoát và tuyệt đối không tranh luận với họ.
• Yêu cầu họ giữ lại những lời bình phẩm ấy để nói trong cuộc họp.
• Khuyến khích họ đóng góp thêm các ý kiến xây dựng cho ý tưởng trước đó.
Đừng:
• Để những các đồng nghiệp này đặt bạn vào thế phòng thủ.
• Để họ chi phối cuộc thảo luận của bạn.
• Cho phép họ ngăn chặn nỗ lực của bạn.
Nói gì trước một đồng nghiệp hay gây khó khăn?
• Nếu họ nói rằng: “Vô ích thôi! Cách đó sẽ không có tác dụng đâu!”.
Bạn có thể trả lời: “Tôi không đồng ý. Tôi cho rằng nó sẽ có tác dụng”.
• Nếu họ nói: “Đó là một ý kiến vớ vẩn nhất mà tôi từng nghe”.
Bạn có thể hỏi: “Vậy anh có ý kiến gì hay hơn không?”.
• Nếu họ nói: “Anh sẽ hối hận nếu làm như thế”.
Bạn có thể trả lời: “Tôi sẵn sàng chịu rủi ro đó”.
Kiểu đồng nghiệp có tính hơn thua, đố kỵ (Competitors)
Đối với những đồng nghiệp này, mọi dịp - từ một cuộc đối thoại đơn giản cho đến buổi họp nhân viên thường kỳ – đều có thể trở thành một “đấu trường” với kẻ thắng và người thua. Họ thích cãi vã, châm biếm, trêu chọc những người họ xem là đối thủ; họ tấn công vào uy tín của người khác. Mục tiêu sâu xa của họ là khống chế, chi phối và đứng trên tất cả mọi người.
Cách ứng xử với kiểu đồng nghiệp này:
Hãy:
• Chúc mừng họ khi họ thành công.
• Gợi ý rằng bạn sẽ hợp tác với họ để cùng đạt mục tiêu chung.
• Gợi ý thi đấu với họ trong những hoạt động thể thao ngoài công việc.
Đừng:
• Cho phép tồn tại những thách thức mang tính hơn thua đố kỵ tại nơi làm việc.
• Đối đầu trực diện hay tỏ ra chiếm ưu thế với những đồng nghiệp có tính hơn thua.
• Khoe với họ những thành tích mà bạn đạt được trong công việc.
Nói gì trước một đồng nghiệp có tính hơn thua, đố kỵ?
• Nếu họ nói: “Hãy cá xem ai sẽ là người đạt doanh số cao nhất trong tháng này”.
Bạn có thể nói: “Để làm gì? Chúng ta là một đội mà!”.
• Nếu họ nói: “Rõ ràng là tôi giỏi về …… hơn anh/chị”.
Bạn có thể nói: “Có thể, nhưng thế thì sao nào?”.
• Nếu họ nói: “Chắc hẳn sếp sẽ chọn tôi đảm trách dự án mới này. Tôi không nghĩ anh/chị đủ sức để thực hiện nó”.
Bạn có thể trả lời: “Tôi nghĩ chuyện này cứ để cho sếp của chúng ta quyết định”.
Kiểu đồng nghiệp phá hoại (Saboteurs)
Những đồng nghiệp ranh ma, xảo quyệt này thường ngấm ngầm tìm mọi cách để phá hoại dự án, kế hoạch, các cuộc họp và mục tiêu của bạn. Có thể họ không bao giờ công khai đối đầu với bạn, nhưng họ sẽ tìm cách ngấm ngầm phá hỏng mọi nỗ lực của bạn bằng bất cứ cơ hội nào họ có được. Họ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin sai, truyền những tin đồn thất thiệt hoặc cố hạ thấp thành tích của bạn. Mục tiêu của họ là ngăn không cho bạn đạt được mục tiêu đã định.
Cách ứng xử với kiểu đồng nghiệp này:
Hãy:
• Cẩn thận khi tiếp cận đồng nghiệp phá hoại, bởi họ là người đầy ác ý.
• Đề nghị họ làm rõ những lời phê bình kiểu úp mở.
• Chống lại những tin đồn thất thiệt của họ bằng cách nêu rõ lập trường của bạn.
Đừng:
• Công khai đối đầu với đồng nghiệp phá hoại.
• Trông mong sự hỗ trợ từ phía đồng nghiệp phá hoại, ngay cả khi họ nói rằng họ đứng về phía bạn.
• Để đồng nghiệp phá hoại có cơ hội cản trở bạn đạt được mục tiêu đã định.
Nói gì trước một đồng nghiệp phá hoại?
• Nếu họ nói: “Tôi nghe nói dự án của anh đang có vấn đề”.
Bạn có thể trả lời: “Không hề! Tôi sẽ cho anh/chị thấy những gì tôi đã đạt được”.
• Nếu họ nói: “À… Thật là một khái niệm tuyệt vời làm sao!”.
Bạn có thể hỏi: “Nghe có vẻ không nhiệt tình lắm. Anh/chị thấy ý kiến của tôi có gì chưa đúng à?”.
• Nếu họ nói: “Có người cho rằng ý kiến đó thật tệ”.
Bạn có thể trả lời: “Mọi người đều có quyền nêu ý kiến riêng. Thế quan điểm của anh/chị là gì?”.
Kiểu đồng nghiệp thủ đoạn (Manipulators)
Đây là kiểu đồng nghiệp gây rối một cách gián tiếp. Họ thường tìm cách lợi dụng lòng tốt của người khác, mượn tay người khác để đạt mục đích của mình. Họ tâng bốc, xu nịnh đồng nghiệp xung quanh để những người đó làm việc thay cho họ, rồi nhận lấy tiếng tốt về mình. Khi công việc không đạt kết quả như mong muốn, họ lại né tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho đồng nghiệp. Mục tiêu của họ là lợi dụng người khác để được việc cho mình.
Cách ứng xử với kiểu đồng nghiệp này:
Hãy:
• Đối đãi với họ lịch sự và chuyên nghiệp.
• Nếu phải hợp tác với họ, hãy phân định rõ ràng nhiệm vụ mà mỗi người đảm trách.
• Luôn thận trọng, nếu bạn sao lãng, họ sẽ đẩy ngay công việc cho bạn.
Đừng:
• Để họ lôi kéo bạn vào những mối quan hệ mà họ có thể trục lợi.
• Tranh cãi với họ.
• Đứng về phía họ khi họ đổ lỗi cho người khác những lỗi lầm của chính họ.
Nói gì trước một đồng nghiệp thủ đoạn?
• Nếu họ nói: “Anh/chị giỏi… quá! Còn tôi thì… thật kém cỏi. Hãy giúp tôi làm việc này nhé?”.
Bạn có thể trả lời: “Xin lỗi anh/chị. Rất tiếc, tôi cũng quá tải đến nơi rồi”.
• Nếu họ nói: “Anh/chị có nghĩ rằng Catherine không đủ khả năng theo dự án này không?”.
Bạn có thể trả lời: “Không! Thật ra, tôi nghĩ cô ấy đang làm tốt công việc, và tôi thích làm việc với cô ấy”.
• Nếu họ nói: “Sự xáo trộn ấy không phải lỗi của tôi – hãy nói với Harry ấy!”.
Bạn có thể nói: “Không ai trách anh/chị cả. Vấn đề là chúng ta hãy bắt tay vào giải quyết vụ này”.
Kiểu đồng nghiệp “bom nổ chậm” (Time Bombs)
Kiểu người này thường im lặng, đôi khi nhẹ dạ, không kiên định, nhưng khi đã phật ý, họ trở nên cực kỳ hung hăng và có thể “bùng nổ” bất cứ lúc nào. Sự nóng nảy của họ khiến bạn phải rút bớt yêu cầu của mình và luôn trong trạng thái phòng thủ khi đến gần. Bản thân những người này nhận ra rằng chỉ cần sau một vài cơn bùng phát như vậy, bạn sẽ không yêu cầu họ làm quá nhiều. Mục đích của họ là né tránh công việc và trách nhiệm bằng cách đe dọa sẽ đối đầu.
Cách ứng xử với kiểu đồng nghiệp này:
Hãy:
• Luôn thể hiện thiện chí khi làm việc với họ.
• Kiên nhẫn, lịch thiệp và khéo léo với họ.
• Tìm sự cân bằng giữa mềm mỏng và quyết đoán.
Đừng:
• Để họ hăm dọa bạn.
• Giúp đỡ họ quá mức cần thiết hoặc gây hấn với họ.
• Thất hứa với họ dù chỉ một lần hoặc đưa ra bất cứ một quyết định nào mà không tham khảo qua ý kiến của họ.
Nói gì trước một đồng nghiệp “bom nổ chậm"?
• Nếu họ nói: “Tôi mà nghe điều đó một lần nữa, chắc tôi sẽ phát điên lên mất”.
Bạn có thể hỏi lại: “Trông anh/chị có vẻ rất bối rối. Chuyện gì không ổn thế?”.
• Nếu họ nói: “Tôi đã quá chán cái mớ rác rưởi này!”.
Bạn có thể hỏi: “Anh/chị có cần giúp đỡ không?”.
• Nếu họ nói: “Tại sao anh/chị không thôi ngay đi?”.
Bạn có thể trả lời: “Xin lỗi. Tôi thực sự không có ý làm anh/chị khó chịu”.
Kiểu đồng nghiệp “buôn chuyện” (Butterflies)
Những đồng nghiệp này luôn than thở rằng họ phải làm quá nhiều việc, họ đang quá tải và mệt mỏi. Trên thực tế, hiếm khi nào bạn thấy họ có vẻ đang chăm chú làm việc. Thay vì thế, họ huyên thuyên không ngừng về những vấn đề nhà cửa, ăn uống, chuyện ông nọ, bà kia… Họ phung phí thời gian của bản thân và lãng phí thời gian của đồng nghiệp, khiến mọi người không thể tập trung được. Mục đích của họ là biết thật nhiều chuyện xung quanh, do đó một hệ quả tất yếu là họ chẳng thể làm tốt công việc.
Cách ứng xử với kiểu đồng nghiệp này:
Hãy:
• Thân thiện nhưng giới hạn thời gian “buôn chuyện” của họ.
• Nhắc nhở họ giảm bớt âm lượng mỗi khi họ nói chuyện.
• Ngăn không để họ lôi kéo bạn vào cuộc “ngồi lê đôi mách” về người khác.
Đừng:
• Để cuộc trò chuyện của họ với những đồng nghiệp khác làm bạn mất tập trung.
• Lên giọng hay nổi cáu khi yêu cầu họ nói chuyện nhỏ hơn.
• La trách họ về việc không lo làm việc mà chỉ lo buôn chuyện (hãy báo cáo việc này lên cấp trên của bạn).
Nói gì trước một đồng nghiệp “buôn chuyện”?
• Nếu họ nói: “Anh/chị nghe gì chưa? Tôi mới vừa nghe người ta kể về anh chàng quản lý sản xuất mới của chúng ta đó! Chao ôiiii!!!...”.
Bạn có thể trả lời: “À. Tôi cũng có nghe nói rằng anh ấy làm việc rất giỏi và phòng ban bên ấy đã thật sự khởi sắc”.
• Nếu họ nói: “Có nhớ Margie không? Anh/chị không tin nổi những gì mà tôi biết đâu”.
Bạn có thể trả lời: “Chắc chắn là thế rồi, nhưng xin lỗi, tôi đang rất bận. Tiện thể, tôi có chút việc muốn nhờ anh/chị giúp”.
• Nếu họ nói: “Tối qua tôi gặp một anh chàng rất đẹp trai ở câu lạc bộ. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện và…”.
Bạn có thể nói: “Thật xin lỗi khi phải ngắt lời anh/chị, nhưng tôi cần tập trung làm việc. Chúng ta hãy nói chuyện vào giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc nhé”.
Kiểu đồng nghiệp lười biếng, thụ động (Slackers)
Những cộng sự tiêu cực này không đề cao danh dự, cũng không mấy bận tâm về năng suất lao động của bản thân. Họ thường không thích công việc và chỉ làm qua loa mà không quan tâm đến kết quả. Họ không đưa ra ý kiến, không chủ động và chỉ làm việc vừa đủ giới hạn tối thiểu cho phép. Họ mang theo vô số những lời biện minh cho kết quả thấp kém của bản thân. Mục đích của họ là làm việc càng ít càng tốt.
Cách ứng xử với đồng nghiệp kiểu này:
Hãy:
• Giải thích để họ thấy kết quả làm việc kém của họ ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
• Hãy nói với họ rằng bạn với họ đang ở cùng một đội.
• Nói rằng công việc họ đang làm có ý nghĩa quan trọng.
Đừng:
• Bỏ qua những công việc chưa đạt yêu cầu của họ.
• Chấp nhận lời biện hộ của họ trước những kết quả thấp kém, không đạt yêu cầu.
• Để thành tích yếu kém của họ ảnh hưởng đến những nỗ lực của bạn và các thành viên trong nhóm.
Nói gì trước một đồng nghiệp lười biếng?
• Nếu họ nói: “Thôi đi, ai để tâm đến mấy thứ này chứ?”.
Bạn đáp: “Có chứ. Tôi quan tâm đấy”.
• Nếu họ nói: “Tôi đã làm hết sức mình rồi – với những thiết bị tệ hại này, tôi chỉ có thể làm được đến thế mà thôi!”.
Bạn hãy trả lời: “Có lẽ anh/chị nên đề nghị cấp trên mua cho anh/chị một máy mới hoặc ít ra là có thể thu xếp cho anh/chị dùng tạm một cái máy khác”.
• Nếu họ nói: “Tại sao tôi phải lo lắng?”.
Bạn hãy trả lời: “Nếu chúng ta làm việc cùng với nhau, anh/chị cần phải làm việc tốt hơn nữa!”.
Kiểu đồng nghiệp hay phàn nàn, ca cẩm (Complainers)
Đây là những đồng nghiệp tiêu cực luôn luôn ca cẩm và rên rỉ khi có gì đó trục trặc và tại sao các ý tưởng của họ không bao giờ có tác dụng. Họ sẵn sàng than vãn suốt ngày với bất cứ ai chịu lắng nghe họ. Thay vì trút bỏ gánh nặng của bản thân và bắt tay vào hoàn thành công việc được giao, họ lại lãng phí thời gian vào việc than thở, càu nhàu. Điều này ảnh hưởng không ít đến tinh thần làm việc của các đồng nghiệp xung quanh, khiến năng suất lao động của mọi người giảm sút theo.
Cách ứng xử với đồng nghiệp kiểu này:
Hãy:
• Dành cho họ một chút chú ý, bởi đó là điều họ thật sự mong muốn.
• Đề xuất một vài ý kiến đối với vấn đề của họ (nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu họ không nghe theo lời khuyên của bạn).
• Giới hạn lượng thời gian bạn dành cho họ.
Đừng:
• Tham gia ca thán cùng họ.
• Dây dưa vào cuộc tranh luận giữa họ và một đồng nghiệp khác.
• Bỏ ngoài tai những lời phàn nàn chính xác hoặc những vấn đề hợp lý mà họ đưa ra, nếu bạn có đủ thẩm quyền và đủ khả năng giải quyết.
Nói gì trước một đồng nghiệp hay ca thán?
• Khi họ nói: “Công việc này thật tẻ nhạt!”.
Bạn có thể trả lời: “Anh/chị có bao giờ nghĩ đến việc chuyển sang bộ phận khác không?”.
• Khi họ nói: “Lúc nào tôi cũng phải nhận phần việc tệ nhất!”.
Bạn có thể gợi ý: “Tôi biết điều đó là… Tôi đang tìm nhân viên mới có những kỹ năng như của anh/chị. Và tôi nghe nói, họ nhận được nhiều đãi ngộ tốt hơn. Có thể đây là lúc anh/chị cần cố gắng hơn”.
• Khi họ nói: “Ước gì tôi trúng số để không bao giờ phải quay lại nơi làm việc tồi tệ này!”.
Bạn có thể nói nửa đùa nửa thật: “Tôi nghĩ, thà anh/chị đi tìm một công việc khác mà anh/chị yêu thích còn dễ dàng hơn”.
Trên đây là một số cách nhận diện và ứng phó với kiểu đồng nghiệp xấu tính. Bạn hoàn toàn có thể làm việc với kiểu nhân viên này nếu biết ứng xử một cách khéo léo theo phương châm “Vỏ quýt dày, móng tay nhọn”.
7 thủ thuật tránh xung đột với các đồng nghiệp khó chịu
Để tránh xung đột với những đồng nghiệp khó chịu, bạn hãy thử áp dụng các mẹo nhỏ sau đây. Chỉ cần một vài hành động, một vài ngôn từ đơn giản bạn có thể tạo nên những tác động tích cực đến không ngờ đối với những đồng nghiệp vốn khó tính, ưa gắt gỏng.
Mẹo 1: Hãy thể hiện sự trân trọng đối với những nỗ lực của họ dựa trên quan điểm cá nhân của bạn.
Mẹo 2: Thỉnh thoảng, thực hiện một vài cử chỉ đẹp với họ để chứng tỏ bạn quan tâm đến họ.
Mẹo 3: Đề nghị công nhận và khen thưởng những đóng góp của họ.
Mẹo 4: Khen tặng họ khi có thể.
Mẹo 5: Chuyện trò với họ.
Mẹo 6: Đề nghị họ cho bạn ý kiến hoặc lời khuyên.
Mẹo 7: Giúp đỡ họ trong một vài tình huống khó khăn.
Làm việc với những đồng nghiệp khó chịu đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, khoan dung và cần cả một chút khéo léo. Tuy nhiên, dù có áp dụng những mẹo trên một cách tài tình như thế nào chăng nữa, vẫn có lúc bạn cần phải sử dụng một từ rất quan trọng với họ: “KHÔNG”.
10 cách lịch sự để nói “không” trong những tình huống khó xử
“Cô ấy biết nói mười tám thứ tiếng khác nhau. Nhưng cô ấy chẳng biết nói “không” bằng thứ tiếng nào cả.”
- Dorothy Parker (1893-1967), nhà văn, nhà thơ người Mỹ
Hai đồng nghiệp tranh luận với nhau về giá trị của việc ứng xử lịch sự với đồng nghiệp. Một trong hai người mỉa mai: “Lịch sự chẳng nghĩa lý gì, nó rỗng tuếch như không khí vậy”. Người kia đáp:“À, trong lốp xe chẳng có gì ngoài không khí, nhưng nó lại giúp cho cả chiếc xe vận hành êm ái đấy”.
Đã bao giờ bạn bù đầu với hàng đống lời nhờ vả, những đòi hỏi liên tục của đồng nghiệp mà không có được một chút thời gian thư giãn, nghỉ ngơi không? Sẽ có một lúc nào đó bạn cần biết từ chối một cách dứt khoát những đòi hỏi ấy. Sau đây là 10 kiểu đòi hỏi khác nhau và cách nói “KHÔNG” một cách rõ ràng, lịch sự và hiệu quả.
• Nếu có người yêu cầu bạn góp tiền mua quà tặng cho một ai đó và bạn không muốn tham gia, hãy nói: “Không, tôi sẽ tặng quà riêng”.
• Nếu một đồng nghiệp hỏi mượn tiền của bạn, hứa đến ngày lãnh lương sẽ trả, bạn có thể nói: “Thật lòng tôi cũng muốn giúp anh/chị, nhưng hiện tại ví tiền của tôi cũng trống rỗng rồi!”.
• Nếu một đồng nghiệp nhờ bạn ở lại làm thêm trong khi bạn thấy không cần thiết, hãy nói: “Xin lỗi. Tối nay tôi bận rồi. Anh/chị hỏi xem anh/chị [A/B/C nào đó] có thể giúp anh/chị được không”.
• Nếu một đồng nghiệp nhờ bạn nói dối cấp trên, dù đó là lời nói dối vô hại, bạn có thể từ chối rằng: “Đó là một ý kiến rất tệ. Câu trả lời của tôi là không!”.
• Nếu đồng nghiệp yêu cầu bạn làm chứng rằng họ đã tham dự một buổi họp bên ngoài văn phòng nào đó, trong khi thực tế là không. Bạn có thể nói: “Không được. Anh/chị muốn chúng ta cùng bị đuổi việc à? Đó là một lỗi lớn cho cả hai chúng ta. Câu trả lời của tôi là không!”.
• Nếu một thành viên nào đó trong phòng ban gợi ý bạn than phiền với cấp trên về một đồng nghiệp khác, bạn có thể nói: “Không, tôi chẳng có vấn đề gì với anh ấy/chị ấy cả, và tôi không muốn xen vào chuyện này. Anh/chị cần phải tự giải quyết vấn đề giữa hai người với nhau hoặc trình lên cấp trên phân xử”.
• Nếu một đồng nghiệp tạo áp lực, ép bạn tổ chức một buổi tiệc trong văn phòng, bạn có thể nói: “Xin lỗi, tôi không thể. Tôi thật sự rất bận”.
• Nếu một đồng nghiệp gợi ý muốn hẹn riêng bạn ở ngoài mà bạn không muốn nhận lời, hãy nói: “Tôi rất cảm kích trước lời mời của anh/chị, nhưng tôi đang rất bận”.
• Nếu một đồng nghiệp nài nỉ bạn chọn người bạn của họ thay vì một ứng viên khác có năng lực hơn, bạn có thể nói: “Không, như vậy là trái với quy định của công ty”.
• Nếu một đồng nghiệp yêu cầu bạn giúp họ làm một dự án nào đó, trong khi bạn đang rất bận, bạn có thể từ chối: “Xin lỗi, tôi cũng đang bù đầu với những dự án của mình nên không thể giúp anh/chị được. Có lẽ anh/chị nên báo cáo với cấp trên để được hỗ trợ thêm người”.
Từ chối một lời nhờ vả vô lý của đồng nghiệp có thể không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người, nhưng hãy thử ứng dụng các ví dụ trên, có thể bạn sẽ biết từ chối một cách thẳng thắn mà vẫn rất lịch sự. Hãy nhớ rằng bạn luôn có quyền nói “KHÔNG”.
“Cách nói cũng quan trọng không kém nội dung cần nói.”
- Tục ngữ
Hóa giải xung đột với những đồng nghiệp khó chịu quả là một thách thức lớn. Song, nếu bạn biết nhận ra những dấu hiệu đặc trưng của từng loại xung đột và xử lý tình huống khéo léo, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Hãy nhớ rằng, cách bạn thể hiện sự không đồng tình hoặc từ chối sẽ giúp bạn tránh được xung đột, đặc biệt là với những đồng nghiệp khó chịu.
Trên đây là cách giải quyết những vấn đề thường gặp trong một nhóm nhỏ. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ bước lên sân khấu và nói chuyện với một cử tọa lớn hơn.