“Đừng bao giờ để những người chọn con đường dễ dàng nhất đẩy bạn chệch hướng khỏi hành trình gian nan mà bạn đã chọn”
- David Goggins, tác giả best-seller, Can’t Hurt Me (tạm dịch: Không thể tổn thương tôi)
T
ôi từng là người hay do dự. Trước khi đưa ra một quyết định nào đó, tôi luôn suy xét tất cả mọi thứ. Tôi sẽ cân nhắc giữa rủi ro với phần thưởng, và cũng xem xét những mất mát có thể có nếu những lựa chọn dần trở nên tồi tệ đi.Trong đầu tôi lúc nào cũng đặt nặng chuyện thiệt hơn. Nhưng, điều gì mới thực sự ngăn cản tôi hành động, không cho tôi thay đổi cuộc sống của mình? Đó là nỗi sợ mất mát. Tôi sợ, nếu thất bại hay đưa ra lựa chọn sai lầm, tôi sẽ đánh mất những điều quý giá ở hiện tại.
Nỗi sợ mất mát là lời bao biện chúng ta sử dụng để bào chữa khi bản thân bị mắc kẹt, hay khi không muốn thử bất kì thứ gì mới.
Nhưng rồi, mọi việc sẽ luôn quay lại điểm xuất phát, với câu hỏi vốn đã hàm chứa sẵn sự thật rằng, chúng ta đã đánh mất quyền kiểm soát cuộc đời mình: “Nếu tôi thất bại thì sao?”
Vâng, điều đó có thể xảy ra. Bạn có thể sẽ gục ngã vài lần. Một ngày nào đó, khi dòng chảy thời gian đã đến điểm kết, đến lúc đó bạn vẫn định nằm trên giường bệnh, rồi tự hỏi bản thân câu hỏi muôn thuở “Nếu tôi thất bại thì sao” ư?
Không lựa chọn, bạn sẽ mãi chôn chân ở vị trí ban đầu. Bạn trì hoãn, bạn đang tự kìm hãm cuộc đời mình. Chúng ta chỉ có thể tạo ra những điều kì diệu, những đổi thay nếu chịu hành động.
Có phải bạn đang đợi ai đó khác quyết định thay mình? Có thể sẽ có người làm thế, nhưng hiếm khi điều đó tốt cho bạn. Nếu bạn không tự quyết định được, một ai đó khác sẽ luôn luôn sẵn sàng thay bạn nắm lấy cơ hội đó, và một lần nữa, bạn đánh mất quyền làm chủ đời mình. Đáng buồn thay, chính tay chúng ta đã tự tước đi quyền của mình.
Nỗi sợ hãi tương lai, sợ những kết quả bất định chính là thứ đã ngăn cản chúng ta quyết định. Chúng ta sợ hãi đánh mất thứ gì đó. Nhưng trớ trêu thay, trong nhiều trường hợp, chúng ta lại sợ đánh mất cả những điều bản thân không có.
Ví dụ: Bạn tôi ghét công việc hiện tại của mình, nhưng anh ấy cũng sợ phải tham gia phỏng vấn ở một công ty khác. Khi tôi hỏi tại sao, anh ấy nói, “Nhỡ họ từ chối tớ thì sao? Hoặc họ nói rằng kĩ năng của tớ không đạt yêu cầu? Nếu tớ nhận công việc đó, nhưng không làm tốt, rồi sau đó phải bỏ việc thì sao? Tớ sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa nếu tiếp tục thất bại đâu. Nhỡ đâu tớ bị giữ lại ở phòng nhân sự…?”
Cậu bạn tôi cứ mãi mắc kẹt trong trò chơi “nếu… thì…” Cậu ấy đắm chìm vào nó đến mức còn không nhận thức được nó chính là thứ ngáng chân mình trong mọi quyết định. Khi chúng ta tập trung vào những kết quả tiêu cực, thứ rất có thể là mối hiểm nguy trong tương lai, nỗi sợ hãi sẽ bắt đầu dâng trào. Điều gì sẽ xảy ra nếu như mọi chuyện không thuận lợi? Nếu họ không thích mình? Nếu như mình phải bắt đầu lại từ đầu?
Ở đời, không có thứ nào gọi là quyết định hoàn hảo. Nếu bạn nghĩ rằng mình nên trì hoãn thêm cho đúng lúc đúng thời, tôi phải thông báo trước rằng, bạn sẽ đợi đến cuối đời thôi.
Rồi sẽ có một ai đó thế chỗ bạn, nắm lấy cơ hội bạn đã bỏ lỡ. Họ sẽ nhận lấy những thứ họ xứng đáng nhận được.
Nhưng điều quan trọng ở đây không phải là chuyện ai hơn thua ai. Bạn sẽ không thể nào xua tan nỗi sợ hãi trong mình, nếu CHỈ chấp nhận những kết quả tốt, tích cực. Khi nào bạn tự quyết định được, đấy mới chính là vinh quang của bạn.
Đó là sự thật. Không nói đến việc bạn làm có thuận lợi hay không, chỉ riêng việc bạn bắt đầu hành động dù biết rằng điều mình làm có thể sẽ thất bại, đấy cũng là chiến thắng đầu tiên rồi. Đừng chỉ làm và hi vọng nó sẽ đem lại cho bạn cái lợi nào đó, mà hãy làm, chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến. Bởi cái chúng ta hướng đến cao đẹp hơn nhiều, đấy là lòng dũng cảm, sự mạnh mẽ, là sự trưởng thành. Hãy nhớ điều này, bởi đây sẽ là kim chỉ nam cho hành trình sắp tới của bạn. Kết quả, lợi ích chỉ là cái nhất thời.
HÃY QUÊN ĐI NHỮNG PHẦN RÂU RIA
Đã đưa ra lựa chọn, vậy bạn có thể bỏ qua phần râu ria. Chúng ta không mấy ai có thể dự đoán trước kết quả, bất kể chúng có hợp lí hay hoàn hảo đến đâu. Tôi đã từng đưa ra những lựa chọn, mà ở thời điểm đó chúng như là những quả trứng vàng, tôi quả quyết không thể nào thua được. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn thất bại và mất hàng ngàn đô-la.
Vậy nếu giờ tôi đã nghi ngờ mình sẽ mất tiền, thì liệu tôi có còn quyết định giống như lần trước nữa không? Có lẽ không, nhưng nếu không tin tưởng vào những gì mình làm, bạn sẽ không thể nào hoàn thành được chúng. Bạn cần có kỉ luật, làm đúng tiến trình và giữ đúng hướng đi. Không phải tất cả mọi thứ đều kết thúc tốt đẹp, nhưng nếu bạn cứ trì hoãn và không làm gì cả, bạn sẽ không bao giờ biết được bản thân có thể tiến được bao xa.
Ngay tại thời điểm bạn đưa ra quyết định, bạn đã thành công. Hãy quên đi kết quả về sau và chỉ tập trung vào từng khoảnh khắc, vào từng dòng năng lượng và sự chọn lựa của bản thân.
Nó giống như thế này: Sự sợ hãi sẽ luôn xuất hiện khi chúng ta buộc phải chọn lựa, và càng là quyết định quan trọng thì ta càng bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi. Nhưng đấy là điều bạn phải vượt qua.
TỪ BỎ LỰA CHỌN
Tôi muốn bạn hãy suy nghĩ thật kĩ đến ba câu hỏi sau đây:
1. Bắt đầu từ hôm nay, bạn sẽ làm gì nếu bạn chẳng sợ chút nào khi phải đưa ra quyết định, khi phải hành động và nhận một kết quả trong tương lai?
2. Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rằng bạn hoàn toàn không thể nào thất bại?
3. Bạn sẽ làm gì nếu bạn hoàn toàn tự tin vào năng lực, kĩ năng của bản thân và không sợ hãi chút nào?
Để nghĩ thôi cũng chẳng dễ dàng chút nào. Bởi vì phần lớn thời gian là chúng ta dành cho suy nghĩ, phân tích và cân nhắc trong tiềm thức giữa cái tốt, cái xấu. Chúng ta đắn đo trước mỗi hành động bằng những suy nghĩ “Nếu như…”
Thay vì tìm hiểu về các khả năng có thể xảy ra (tức là ta có thể sẽ nhận được những gì) thì tâm trí chúng ta lại chỉ chăm chăm sợ hãi thất bại. Tôi sẽ mất gì? Và tệ hơn nữa, liệu tôi còn có thể gắng gượng dậy sau khi mất cái này không?
Chúng ta vốn đã bị đánh bại bởi nỗi sợ hãi tại ngay khoảnh khắc chúng ta cố gắng chống lại nó. Nó giống như một rạp xiếc điên cuồng trong tâm trí chúng ta. Bạn muốn làm điều này, nhưng “nếu như… thì sao”.
- Nếu như tôi mất tiền thì sao?
- Nếu như làm xong tình hình còn tồi tệ hơn hiện tại thì sao?
- Nếu như tôi vẫn không thấy hạnh phúc thì sao?
Kết quả là bạn mãi chẳng thể nào đưa ra nổi quyết định cuối cùng, bạn cứ mãi đứng núi này trông núi nọ. Bạn bỏ ngỏ lựa chọn đó, chờ đến khi nó thất bại, rồi sau đó tìm cho mình một kế hoạch thoát thân.
Thay vì cam kết đi theo lộ trình của bản thân, bạn lại thương lượng với nỗi sợ của mình. Bạn chỉ tập trung một phần vào mục tiêu, trong khi đấy vẫn phân tâm bởi nỗi sợ hãi về những nguy hiểm bên ngoài, nếu có gì xảy ra, bạn sẽ bỏ chạy ngay.
Bước đầu tiên bạn cần làm là nhận ra bạn đang sợ hãi mọi thứ. Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng thế giới này là một nơi đáng sợ. Thông điệp này xuất hiện trên bản tin hàng ngày, nó lảng vảng ở cả bên trong lẫn bên ngoài ngôi nhà chúng ta: Hãy sợ hãi các luật lệ và chúng ta sẽ là những người phục vụ.
Nếu chúng ta không thể nhận ra rằng bản thân đang tự chuốc lấy những điều dối trá mà nỗi sợ mang lại, thì cuộc đời ta sẽ bị ràng buộc mãi với hoàn cảnh xung quanh. Chúng ta dần trở thành những cỗ máy với những suy nghĩ được lập trình sẵn và luôn mù quáng tin vào một hệ thống đang khiến chúng ta mắc kẹt.
Bạn là người làm chủ cuộc đời bạn. Nỗi sợ không phải là chủ nhân của bạn, mà là một người phục vụ giúp bạn hướng tới những lựa chọn cao hơn nữa. Hãy luôn nhớ “ta chẳng có gì để mất”, có như thế bạn mới có thể “lập trình” cho tâm trí một hướng đi mới.
Chắc chắn rồi, tâm trí đang run rẩy sợ hãi của bạn sẽ kháng cự lại bạn. Điều đó cũng không phải chuyện gì là mới mẻ. Tâm trí sợ hãi thích một mạng lưới các quy tắc, quy định kiểm soát cảm xúc nghiêm ngặt. Bạn có thể thay đổi điều đó trong suy nghĩ của bản thân.
Giờ đây:
- Hãy tự quyết định nhiều nhất có thể, hãy thôi suy nghĩ về kết quả;
- Chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống, trừ khi bạn tự mình đưa ra lựa chọn và quyết định dứt khoát;
- Hãy từ bỏ những ý niệm rằng bạn sẽ thắng hay thua.
Quyết định là gánh vác trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân.
Có thể bạn đang làm mười việc, và chín việc bạn là đã thất bại – nhưng chẳng nhẽ một quyết định thành công còn lại không là gì với bạn?