“Một biểu hiện của người có tầm ảnh hưởng là dám đi ngược lại những xu hướng đối lập và bằng cách đó, tạo nên sự thay đổi.”
- Madeline Albright, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Ấn bản được phát hành ngày 18 tháng Tư năm 2012 của tạp chí Time đã giới thiệu một trăm nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Trong bài báo có đoạn: “Trước khi mi-crô và ti-vi ra đời, các nhà lãnh đạo đứng trước đám đông và phải cố hết sức nói thật to để mọi người có thể nghe thấy. Ngày nay, họ chỉ cần đăng tải thông điệp của mình lên mạng xã hội và chỉ trong nháy mắt, hàng triệu người đã đọc được. Sức ảnh hưởng của cá nhân chưa bao giờ được tạo ra dễ dàng và cũng nhanh chóng bị lãng quên hơn thế”.
Rõ ràng, sự ảnh hưởng đã thay đổi về bản chất cùng với công nghệ. Nhưng về cốt lõi, khái niệm “sức ảnh hưởng” vẫn là “khả năng hay uy lực của một người để người đó trở thành người truyền động lực hoặc tác động đến hành động, hành vi và ý kiến của người khác”, theo định nghĩa của từ điển Webster.
Tôi tin rằng những người có sức ảnh hưởng tạo ra sự khác biệt bằng việc thách thức nhằm thay đổi thực trạng(1), khởi xướng những lối tư duy mới, tạo ra thay đổi hoặc truyền cảm hứng cho người khác phát triển.
(1) “Thách thức thực trạng” (tiếng Anh: challenge the status quo) có thể hiểu là chất vấn hoàn cảnh hiện tại, bằng cách đặt ra những câu hỏi nhằm tìm ra những cách thức thay đổi thực tại để làm cho nó tốt hơn. Người luôn thách thức thực trạng là người luôn mong muốn tìm ra giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề.
Người có sức ảnh hưởng nỗ lực hết mình trong mọi môi trường làm việc, từ sân khấu hoặc diễn đàn cho đến bệnh viện. Họ làm những công việc khác nhau, từ nhân viên hành chính, tác giả viết sách cho đến phụ huynh hay nhà hoạt động cộng đồng. Có khi họ là những người nắm giữ những vị trí quyền lực truyền thống: một nhà lãnh đạo chính trị với khát vọng lớn lao, một học giả cống hiến trọn đời cho những khái niệm hoặc tư tưởng mới, một nhà quản lý truyền động lực cho nhân viên, khuyến khích họ phát triển và khai thác mọi nguồn lực, hay người đứng đầu tổ chức giữ vai trò đốc thúc để các dự án đi đến thành công. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người có sức ảnh hưởng không nhất thiết phải giữ chức vị cao. Họ đơn giản là những người truyền động lực để tạo ra sự thay đổi, sự phát triển và thành tựu: họ có thể là một thành viên có nhiều sáng kiến tuyệt vời của một tổ chức, một quản lý cấp trung có năng lực dẫn dắt một dự án đi đến thành công, một nhân viên có khả năng thuyết phục lãnh đạo cấp cao thay đổi quyết định, và cũng có thể là một thực tập sinh yêu nghề và sáng tạo, giúp biến nhà hàng nơi mình học việc trở thành địa điểm ăn trưa yêu thích mới của các nhân viên văn phòng.
Trên thực tế, những người sử dụng tài năng bẩm sinh và những kỹ năng học hỏi được để gây ảnh hưởng đến người khác chính là những người đưa thế giới của chúng ta đi lên ở những tầm mức lớn, nhỏ khác nhau. Trong số họ có cả những người hướng ngoại và người hướng nội - những người tạo ra sự khác biệt thông qua một quá trình mà tôi gọi là Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng.
Người tạo ảnh hưởng thầm lặng là những ai?
Khi Tim Cook đảm nhiệm vị trí CEO (Tổng Giám đốc Điều hành) của Apple từ cuối năm 2011 sau khi Steve Jobs bị bệnh và qua đời, ông có nhiều trọng trách phải gánh vác. Phong thái cẩn trọng và kín đáo của ông rất khác với người tiền nhiệm; còn trước kia, trong vai trò COO (Giám đốc Vận hành), tính cách điềm tĩnh và tự chủ của Tim Cook cũng giúp cân bằng lại cá tính có phần khoa trương của Jobs. Khi còn là Giám đốc Vận hành, Cook từng thực hiện một số thay đổi lớn trong hoạt động của Apple và những thay đổi đó đã góp phần tạo ra những thành quả khổng lồ cho công ty.
Sau khi người đồng nghiệp đáng kính qua đời, Cook đi theo đường hướng lãnh đạo của riêng mình và nhận được nhiều lời ngợi khen từ cộng đồng công nghệ. Một phóng viên của tạp chí Fortune đã mô tả một cuộc họp với các nhà đầu tư mà ở đó, Cook đã thể hiện thương hiệu “người có tầm ảnh hưởng mang phong thái trầm tĩnh” của riêng mình. “Điều gây ấn tượng nhất đối với các nhà đầu tư của Apple ngày hôm đó là khi CEO Tim Cook bước vào phòng họp trong khi Giám đốc Tài chính (CFO) Oppenheimer của Apple đã phát biểu được khoảng hai mươi phút, ông lặng lẽ ngồi xuống một chiếc ghế ở cuối phòng và đã làm một điều mà mọi người cho là khác thường với cương vị một CEO: đó là ngồi bên dưới và chăm chú lắng nghe. Ông không một lần kiểm tra e-mail và cũng không ngắt lời người đang phát biểu.
Sau khi vị CFO kết thúc bài phát biểu, Tim Cook, người lúc đó đã ở vị trí Tổng Giám đốc Điều hành của Apple được năm tháng, mới đứng dậy để đưa ra nhận xét. Ông đường hoàng bước lên trước khán phòng và ngay lập tức trở thành trung tâm của sự chú ý với phong thái không kiểu cách, đi thẳng vào vấn đề rất đặc trưng của mình. Một trong các nhà đầu tư cho biết: ‘Ông ấy hoàn toàn làm chủ tình huống, biết mình là ai và biết mình muốn đạt được điều gì. Ông thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi, không vòng vo hay tránh né bất kỳ vấn đề nào’”.
Bạn có nghĩ Tim Cook là một người hướng nội không? Tôi thì có đấy. Ông chọn ngồi ở cuối phòng và cho rằng không nhất thiết phải trở thành trung tâm của sự chú ý. Phong cách của ông là tập trung vào chiều sâu và không cầu kỳ. Dù có bản tính vô cùng trầm lặng, nhưng rõ ràng ông vẫn là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bằng cách chọn tạo ra sự khác biệt bằng phong thái trầm tĩnh nhưng hiệu quả của mình, Cook giúp khởi xướng những lối tư duy mới và đưa Apple không ngừng đi lên. Ông đã dẫn dắt một công ty rất thành công và đầy sáng tạo như Apple vượt qua giai đoạn vừa mất đi người sáng lập đầy tính biểu tượng của mình và mở ra một tương lai mới dựa trên nền tảng đổi mới không ngừng. Vì những lý do đó, tôi xem ông là Người Ảnh hưởng Hướng nội - người mang lại sự thay đổi và duy trì đà phát triển cho tổ chức với phong cách hướng nội điển hình.
Giống như những Người Ảnh hưởng Hướng nội khác, đặc điểm cốt yếu trong phong cách cá nhân của Cook là tính khiêm nhường. Jody Wirtz, Giám đốc Điều hành của một ngân hàng thương mại và là một trong những Người Ảnh hưởng Hướng nội được nhắc đến trong quyển sách này, cũng thể hiện tính khiêm nhường tương tự khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của tôi “Ông có tự nhận thấy mình là người có tầm ảnh hưởng không?”. Câu trả lời của Wirtz là: “Có lẽ cô nên hỏi những người xung quanh tôi. Nhưng nếu quả thật tôi là một người có sức ảnh hưởng thì đó là nhờ thông qua việc tư duy, tôi đã tìm thấy những chân lý đúng đắn và có khả năng trình bày hoặc chứng minh những điều đó theo cách có thể thuyết phục được người khác và mang lại lợi ích cho họ”.
Mặc dù có bản tính khiêm nhường, nhưng Cook và Wirtz cùng nhiều người hướng nội khác vẫn được mọi người công nhận vì phong cách tạo ảnh hưởng hiệu quả của họ. Eleanor Roosevelt, Charles Darwin, Mahatma Gandhi, Abraham Lincoln và Rosa Parks cũng là những người hướng nội có tầm ảnh hưởng lớn lao. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến Warren Buffett, Condoleezza Rice, Steven Spielberg, J. K. Rowling và Mark Zuckerberg. Mặc dù có nhiều quyển sách viết về những kỹ thuật và phương pháp tạo ảnh hưởng, nhưng phần lớn đều có xu hướng tán dương những cách thức tạo ảnh hưởng mang tính hướng ngoại, vốn là những trở ngại đáng kể đối với người hướng nội. Các chiến lược tạo ảnh hưởng này chủ yếu hướng đến việc chinh phục lòng người bằng cách đặt mình ở vị trí trung tâm, nói lời hay ý đẹp để quảng bá cho điều gì đó, trình bày những lập luận sắc bén và dùng lời nói để thuyết phục người khác làm theo ý mình. Tạo ảnh hưởng theo cách thức của người hướng nội không phải là dùng lời nói suông, vẽ ra một viễn cảnh hấp dẫn để dành lấy sự ủng hộ từ người khác. Cách người hướng nội tạo ảnh hưởng thường tinh tế, không dễ nhận thấy và khác với những phương thức dùng ngôn từ để gây chú ý.
Đúng như mọi người thường nghĩ, chúng ta có thể tìm thấy phần lớn những Người Ảnh hưởng Hướng nội trong các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật và khoa học, nhưng cũng có nhiều Người Ảnh hưởng Hướng nội làm việc trong các ngành marketing, quản lý dự án, giảng dạy, y tế, pháp lý, quản lý nhân sự và quản trị doanh nghiệp nhỏ. Người Ảnh hưởng Hướng nội cũng làm trong lĩnh vực bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong các tổ chức phi lợi nhuận đòi hỏi khả năng cạnh tranh để dành được tài trợ và thời lượng phát sóng, bạn cũng có thể tìm thấy những Người Ảnh hưởng Hướng nội. Điểm chung của họ là cách tiếp cận vấn đề hiệu quả dựa trên cách thức hành xử tự nhiên của người hướng nội. Và tôi gọi cách tiếp cận đó là Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng.
Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng: Kết hợp sáu thế mạnh của người hướng nội
Qua nhiều năm quan sát và các cuộc phỏng vấn với nhiều Người Ảnh hưởng Hướng nội, tôi đã đúc kết được sáu thế mạnh mà người hướng nội cần phát huy để trở thành người có tầm ảnh hưởng:
1. Dành thời gian để tĩnh lắng
2. Chuẩn bị
3. Lắng nghe thấu đáo
4. Trao đổi có trọng tâm
5. Viết lách
6. Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng
Hình 2.1 - Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng
Bản thân mỗi thế mạnh đã là một đòn bẩy để tạo ảnh hưởng; khi các thế mạnh được kết hợp với nhau, sức ảnh hưởng cộng hưởng sẽ tăng gấp bội. Người hướng nội thường kết hợp các thế mạnh vào Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng như trong Hình 2.1. Dù theo trình tự nào, quá trình này cũng bắt đầu bằng thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng. Người Ảnh hưởng Hướng nội bắt đầu công cuộc tạo ảnh hưởng ở nơi mà họ có thể suy ngẫm và nạp lại năng lượng tốt nhất: đó là thời gian tĩnh lắng. Sự tĩnh lắng cung cấp năng lượng, giúp tăng khả năng tự nhận thức và khơi nguồn sáng tạo. Người hướng nội thường xuyên quay trở về trạng thái tĩnh lắng để tái tạo năng lượng và suy tư.
Thế mạnh tiếp theo là Chuẩn bị. Sự chuẩn bị chu đáo giúp Người Ảnh hưởng Hướng nội sẵn sàng cho mọi loại tình huống bằng cách trau dồi hiểu biết và chuẩn bị để ứng phó với bất kỳ chướng ngại nào có thể xảy ra. Khi có chiến lược và luôn chuẩn bị sẵn các câu hỏi, họ sẽ ngày càng thoải mái và tự tin hơn trong những nỗ lực tạo ảnh hưởng đến người khác của mình.
Sự kết hợp giữa hai thế mạnh Dành thời gian để tĩnh lắng và Chuẩn bị tạo nên cốt lõi vững chắc cho các thế mạnh khác. Với sự tự tin có được nhờ khai thác hai thế mạnh then chốt này, Người Ảnh hưởng Hướng nội phát triển vượt ra khỏi những suy nghĩ giới hạn của mình và hòa nhập vào những hoạt động tương tác với người khác.
Trên cơ sở đó, họ sẽ tiếp tục vận dụng một hay nhiều hơn trong bốn thế mạnh còn lại để gây tác động đến tình huống. Họ có thể khai thác một thế mạnh bẩm sinh của mình là Lắng nghe thấu đáo để xây dựng mối quan hệ và sự thấu hiểu lẫn nhau với người khác. Họ cũng có thể chọn cách tương tác song phương, giữa hai người với nhau, hay trong một nhóm nhỏ. Bằng cách này, họ khai thác thế mạnh Trao đổi có trọng tâm, là những cuộc đối thoại có mục đích rõ ràng, giúp họ giải quyết vấn đề và giải tỏa những bất đồng với người khác. Trong tình huống phù hợp, người hướng nội cũng chọn khai thác một thế mạnh tự nhiên khác của họ là Viết lách. Với thế mạnh này, họ trình bày những luận điểm mạch lạc và xác thực của mình để trở nên nổi trội hơn những người khác. Cuối cùng, Người Ảnh hưởng Hướng nội cân nhắc về khả năng và mức độ mà các nền tảng mạng xã hội có thể mang lại lợi ích cho sự nghiệp của họ. Họ tận dụng thế mạnh Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng để tiếp cận hoặc mở rộng phạm vi tạo ảnh hưởng của mình.
Với bản tính kiên nhẫn và bền bỉ, Người Ảnh hưởng Hướng nội không cảm thấy nhất thiết phải chọn con đường ngắn nhất để đến đích. Dù kết hợp các thế mạnh một cách có trình tự, Người Ảnh hưởng Hướng nội vẫn thường lặp lại xoay vòng các thế mạnh. Họ quay lại Dành thời gian để tĩnh lắng và Chuẩn bị khi cần nạp thêm năng lượng hay nuôi dưỡng lòng tự tin, quay lại Lắng nghe thấu đáo khi cần nắm thêm thông tin để điều chỉnh kế hoạch hay bổ sung ý tưởng, hoặc vận dụng đan xen Trao đổi có trọng tâm - tương tác bằng lời - và Viết lách.
Hãy nhớ rằng để trở thành Người Ảnh hưởng Hướng nội, bạn không nhất thiết phải sở hữu cả sáu thế mạnh. Mỗi Người Ảnh hưởng Hướng nội khai thác bằng cách kết hợp các thế mạnh của mình theo những cách thức khác nhau tùy theo tính cách, nhu cầu và hoàn cảnh. Nói cách khác, Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng không phải là một công thức đòi hỏi chúng ta phải sử dụng tất cả các thế mạnh một cách đồng đều trong từng tình huống.
Chương 3 có một bài kiểm tra giúp bạn đánh giá Chỉ số ảnh hưởng thầm lặng (Quiet Influence Quotient - QIQ) của mình. Đây là thước đo mức độ hiệu quả của bạn khi vận dụng sáu thế mạnh của người hướng nội trong việc tạo ra ảnh hưởng. Và trong các chương tiếp theo, bạn sẽ khám phá từng thế mạnh trong sáu thế mạnh đó. Bạn sẽ được chia sẻ nhiều câu chuyện, nhận được những lời khuyên thiết thực, và thậm chí hiểu được khi nào thì việc lạm dụng một thế mạnh sẽ gây trở ngại cho bạn.
Nếu biết phát huy các ưu thế bẩm sinh của người hướng nội, bạn sẽ làm nên điều khác biệt bằng mong muốn thay đổi thực trạng, bằng việc khởi xướng lối tư duy mới, tác động để tạo ra sự thay đổi và truyền cảm hứng giúp người khác tiến bộ theo những cách thức giúp phát huy được các tố chất bẩm sinh và khơi dậy niềm đam mê trong bạn. Niềm đam mê không nhất thiết phải được thể hiện bằng những lời nói hùng hổ hay ngôn ngữ hình thể đầy tính biểu cảm. Niềm đam mê cũng có thể được biểu hiện bằng ngọn lửa rực cháy bên trong mỗi người. Với Người Ảnh hưởng Hướng nội, ngọn lửa bên trong làm bừng lên lòng can đảm, óc sáng tạo, tính bền bỉ và sự thôi thúc giúp tạo nên sức ảnh hưởng ở họ. Khi đọc những câu chuyện và câu trích dẫn trong quyển sách này, bạn hãy lưu ý và sẽ thấy những biểu hiện khác nhau của niềm đam mê khơi dậy sự khao khát làm nên điều khác biệt ở Người Ảnh hưởng Hướng nội. Chẳng hạn trong Chương 6, bạn sẽ gặp Elisha Holtzclaw, một y tá chuyên chăm sóc các trẻ em bị ung thư. Lòng nhiệt huyết ở trong cô - một phẩm chất điển hình mà ta thường thấy ở những Người Ảnh hưởng Hướng nội - được bộc lộ rất rõ ràng trong lời cô chia sẻ: “Tôi yêu công việc của mình và tình yêu ấy luôn sẵn có trong tim tôi. Bởi vì bản tính của tôi phù hợp với công việc ấy. Đó là sứ mệnh của tôi”.
Tôi chúc bạn có thể hiểu thấu và sống bằng cả trái tim, tận dụng tốt nhất những thế mạnh bẩm sinh của mình và làm nên điều khác biệt theo một cách không ồn ào nhưng mạnh mẽ và độc đáo của riêng bạn.