“Điều tôi muốn làm nhất là trở nên có sức ảnh hưởng.”
- Philip Johnson, kiến trúc sư
L
à người hướng nội, bạn có muốn biết mình có khả năng ảnh hưởng như thế nào không? Hãy bắt đầu bằng bài kiểm tra dưới đây để xác định Chỉ số ảnh hưởng thầm lặng (QIQ) của bạn. Đây là công cụ giúp bạn nhận biết bạn đang vận dụng sáu thế mạnh của mình hiệu quả đến đâu trong việc tạo ra ảnh hưởng, và giúp bạn đánh giá sự tiến bộ của chính mình sau khi áp dụng các ý tưởng trong sách.
Dựa trên những hành động thể hiện các thế mạnh đặc trưng của Người Ảnh hưởng Hướng nội, bài kiểm tra chỉ số QIQ cũng sẽ cho bạn biết mình có sự tương đồng đến mức nào với Người Ảnh hưởng Hướng nội. Bạn sẽ tự đánh giá bản thân bằng cách chọn tần suất bạn làm những điều dưới đây theo thang điểm từ 1 (không bao giờ) đến 5 (hầu như luôn luôn). Lưu ý: cố gắng đừng nghiền ngẫm và phân tích quá kỹ câu hỏi. Câu trả lời nảy ra đầu tiên trong trí bạn thường là câu trả lời chân thật nhất. Ngoài ra, bạn hãy tránh làm một nhà phê bình quá khó tính hay quá dễ tính. Thay vào đó, hãy trả lời các câu hỏi một cách khách quan nhất có thể.
Cách tính điểm và giải thích kết quả
Hãy tính tổng số điểm tương ứng với các con số bạn đã khoanh tròn. Các phổ điểm dưới đây phản ánh chỉ số QIQ ước lượng của bạn.
Lưu ý: Đây không phải một bài kiểm tra chính xác theo kiểu khoa học hay “đã được chuẩn hóa”. Thay vào đó, bạn hãy xem đây là một công cụ tự đánh giá nhanh giúp bạn nhìn ra những thế mạnh nào được bạn thường xuyên sử dụng nhất, thế mạnh nào cần được phát huy nhiều hơn và tổng quan về các thế mạnh của bạn. Hãy xem bài kiểm tra là một chỉ dẫn và là điểm xuất phát của quá trình bạn thu thập hiểu biết từ quyển sách.
Tiếp theo, hãy dành thời gian so sánh tần suất bạn vận dụng từng thế mạnh để tạo ảnh hưởng. Hình 3.1 cho thấy những câu hỏi khảo sát (được ghi chú bằng số thứ tự câu hỏi) tương ứng với mỗi thế mạnh. Hãy điền số điểm của bạn tương ứng với câu trả lời cho từng câu hỏi khảo sát ở mỗi dòng dành cho mỗi thế mạnh trong bảng 3.1. Nếu muốn, bạn có thể tạo một biểu đồ cột để so sánh điểm số giữa sáu thế mạnh với nhau.
Hình 3.1
Hãy đọc bảng giải thích sau để biết ý nghĩa của điểm số từng dòng tương ứng với từng thế mạnh:
Cách sử dụng chỉ số QIQ khi đọc quyển sách này
Đừng để bị choáng ngợp bởi phần đánh giá chỉ số QIQ, và tất nhiên, cũng đừng lo lắng về điểm số của bạn. Đó là kết quả kiểm tra ban đầu giúp bạn tự đánh giá nhanh và bạn chỉ vừa bắt đầu đọc quyển sách này thôi! Hãy xem đây là một gợi ý giúp bạn nhìn nhận lại những khía cạnh nào của bản thân cần được bạn ưu tiên tập trung năng lượng để phát triển. Và hãy nhớ rằng bạn không cần phải xuất sắc ở cả sáu thế mạnh trong mọi tình huống. Trước khi đọc từ Chương 4 đến Chương 9, hãy nhìn vào điểm số của bạn ở từng thế mạnh trong phần đánh giá chỉ số QIQ. Nếu kết quả đánh giá ở một thế mạnh là Rất tốt hoặc Tốt, bạn nên đọc lại chương sách tương ứng với thế mạnh đó theo hướng mở rộng thêm những cách thức bạn đã sử dụng. Bạn cần đặc biệt chú ý đến các phần nói về việc lạm dụng từng thế mạnh để đảm bảo bạn sẽ không sử dụng thái quá một thế mạnh nào để thế mạnh đó không bị biến thành điểm yếu.
Nếu ở một thế mạnh cụ thể, bạn được đánh giá là Trung bình hay Cần cải thiện nhiều, hãy dành nhiều thời gian đọc chương sách đề cập đến thế mạnh đó, bao gồm cả những lời khuyên và bí quyết đi kèm. Bạn nên đặc biệt chú ý đến những thế mạnh cần được cải thiện và được đề cập trong phần mô tả công việc hiện tại của bạn, hoặc bạn tự mình nhận thấy đó là thế mạnh cần phát huy trong công việc. Ví dụ, nếu bạn là nhân viên kinh doanh, Lắng nghe thấu đáo và Trao đổi có trọng tâm có thể là hai thế mạnh cần được ưu tiên phát triển. Nếu đối tượng cần tương tác của bạn ở phạm vi một tập đoàn lớn hay toàn cầu, Viết lách và Sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng sẽ là những thế mạnh bạn cần chú trọng hơn.
Bất kể thế mạnh nào bạn cần ưu tiên phát triển, bạn cũng sẽ khám phá ra nhiều điều hữu ích trong quyển sách, đặc biệt từ Chương 4 đến Chương 9, nơi bạn sẽ thu thập được những hướng dẫn hành động cụ thể để bắt tay vào thực hiện ngay hôm nay. Những hướng dẫn hành động này sẽ giúp bạn phát huy những thế mạnh tương ứng. Bất kể bạn quyết định khai thác thế mạnh nào trước tiên, những lời khuyên bổ sung sau đây sẽ giúp bạn nâng cao chỉ số QIQ:
Tìm nơi để luyện tập. Sau khi bạn đã chọn ra được một thế mạnh tạo ảnh hưởng mà bạn cần ưu tiên phát triển, hãy tìm những cơ hội để vận dụng nó. Ví dụ, nếu cảm thấy khi nghe người khác nói, bạn thường bỏ lỡ những thông điệp sâu sắc mà họ muốn truyền đạt thông qua giọng nói và ngôn ngữ hình thể (câu hỏi số 8 trong bài kiểm tra), hãy cân nhắc và sắp xếp thời gian biểu để tập quan sát nhiều hơn. Nơi xếp hàng ở siêu thị, phòng tập thể hình hay quãng đường đi bộ đến nơi làm việc đều có thể trở thành những “phòng thí nghiệm” để bạn quan sát, thử nghiệm và học hỏi.
Khích lệ bản thân. Mỗi khi bạn thử nghiệm thành công một cách thức tạo ảnh hưởng mới, hãy cổ vũ chính mình bằng lời khen “Làm tốt lắm!”. Bước ra khỏi vùng an toàn luôn là việc không dễ dàng, nên bạn cần ghi nhận sự tiến bộ của bản thân ngay từ thành tích nho nhỏ đầu tiên, cho dù bạn còn lúng túng hoặc chưa thể hiện hoàn hảo như mong muốn. Hãy lấy cảm giác hoàn thành làm động lực.
Nhận ra cách thức tạo ảnh hưởng nào là hiệu quả. Hãy ghi nhận mỗi khi bạn thực hiện tốt một kỹ năng. Sự ghi nhận này sẽ là một bệ phóng cho bạn. Thường thì bạn vận dụng một cách dễ dàng và tự nhiên những thế mạnh mang lại cho bạn điểm cao trong bài kiểm tra ở trên. Hãy tiếp tục phát huy những thế mạnh đó trong việc tạo ảnh hưởng cũng như nhắc nhở bản thân về những tố chất bẩm sinh mà bạn may mắn có được, nhất là vào những khi bạn không cảm thấy hào hứng với việc tạo ảnh hưởng đến người khác.
Nhờ người khác đưa ra ý kiến phản hồi. Bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn để trở thành Người Ảnh hưởng Hướng nội thành công nếu bạn yêu cầu và nhận được những ý kiến phản hồi từ những người bạn làm việc cùng hoặc gặp gỡ thường xuyên. Tạo điều kiện để mọi người có thể giúp bạn hoàn thiện bằng cách cho họ biết bạn muốn hướng đến điều gì. Chẳng hạn, nếu bạn cần cải thiện khả năng viết lách, hãy nhờ một người bạn có chỉ số QIQ cao đưa ra những nhận xét trung thực về một e-mail hay một đề xuất của bạn, xem e-mail hay đề xuất đó có chỗ nào chưa rõ ràng không. Bạn chỉ có thể cải thiện một kỹ năng nào đó khi bạn biết thực trạng của nó như thế nào. Những ý kiến phản hồi từ người khác sẽ thúc đẩy sự tiến bộ và giúp xây dựng lòng tự tin.
Chú ý đến phản ứng của người khác. Hãy để ý đến cảm nhận của chính mình khi bạn vận dụng một thế mạnh tạo ảnh hưởng mới. Chẳng hạn, bạn có thể sẽ cảm thấy không thoải mái lúc mới bắt đầu luyện tập kỹ năng Trao đổi có trọng tâm nếu bạn thường sử dụng khả năng viết lách để tạo ảnh hưởng đến mọi người. Hãy ghi nhận những thành quả bạn đạt được bằng cách thức tạo ảnh hưởng mới này. Đồng thời, hãy quan sát phản ứng của mọi người. Ví dụ, khi bạn vừa đề xướng việc trò chuyện hay trao đổi, đồng nghiệp của bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên và thậm chí hơi cảnh giác. Mọi người, kể cả bạn, thường sẽ chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen với việc này.
Các bước cần làm tiếp theo
Những lời khuyên trong quyển sách này sẽ càng hiệu quả với bạn nếu bạn cần vận dụng nó cho một thử thách cụ thể mà bạn đang đối mặt trong quá trình tạo ảnh hưởng. Trước khi đi vào chi tiết, hãy dành một khoảng thời gian yên tĩnh để suy nghĩ về những câu hỏi sau đây và ghi lại câu trả lời của bạn. Trong những phần sau của quyển sách, tôi cũng sẽ thường xuyên đưa ra những câu hỏi này để nhắc bạn suy ngẫm và trả lời.
1. Trong công việc, có tình huống nào khiến bạn muốn mình có sức ảnh hưởng nhiều hơn không? Hãy kể lại tình huống đó ở đây.
2. Ai (hay những ai) là người đóng vai trò then chốt trong tình huống đó?
3. Hãy kể hai hay ba khó khăn chính bạn gặp phải trong tình huống đó.
4. Cho đến nay, bạn đã thử nghiệm những hành động hoặc cách ứng xử nào? Kết quả bạn nhận được là gì?
5. Kết quả mỹ mãn cho tình huống này là gì? Nếu bạn đạt được kết quả đó thì mọi thứ sẽ khác đi so với tình huống hiện tại như thế nào?
6. Hãy xem lại điểm số QIQ của mình. Bạn có thể sẽ thử vận dụng một hay hai thế mạnh nào cho thử thách tạo ảnh hưởng này không?
Bất kể thử thách trong công việc bạn đang phải đối mặt hôm nay khó khăn đến mức nào, cách thức tạo ảnh hưởng trầm lắng theo kiểu của người hướng nội sẽ giúp bạn tạo ra những hiệu ứng tốt trong công việc, mang đến cho bạn sự công nhận xứng đáng và góp phần đem lại giá trị lớn cho tổ chức của bạn. Những mối quan hệ của bạn sẽ gắn kết sâu sắc hơn. Bạn sẽ nhận ra công sức bạn dành cho việc trau dồi những thế mạnh vốn có của mình sẽ được đền đáp ngay ở hiện tại và trong tương lai.
Nhưng bạn cần thực hiện từng bước một. Hãy bắt đầu từ bước đầu tiên của Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng. Đó cũng là nơi bạn được tận hưởng những khoảnh khắc lắng sâu nhất trong ngày và là giây phút bạn nảy ra nhiều ý tưởng nhất trong tuần: thời gian tĩnh lắng của bạn.