“Nếu bạn muốn mang đến hạnh phúc cho người khác, hãy thực hành lòng trắc ẩn. Nếu bạn muốn bản thân mình hạnh phúc, hãy thực hành lòng trắc ẩn.”
- Dalai Lama
Đêm ngày 14/4/1912, một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Con tàu tên Titanic vốn được mệnh danh là “không thể chìm” đã đâm sầm vào một tảng băng trôi khổng lồ. Kết quả của vụ va chạm là những con số và nỗi đau mà người ta không bao giờ muốn nhắc lại.
1.514 người đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu kinh hoàng năm ấy. Nỗi đau đã khép lại hơn một trăm năm và ngày nay, những gì người ta nghĩ tới khi nhắc đến từ “Titanic” có thể là thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại, mối tình lãng mạn của Jack và Rose hay bản tình ca bất hủ My heart will go on qua chất giọng cao vút của Celine Dion. Tuy nhiên, hầu như không ai nhận ra đằng sau bức màn đen tối của những nỗi đau và mất mát ấy là kiệt tác vĩ đại của tình yêu thương.
Charles Lightoller, thuyền phó II của tàu Titanic, khi ấy ba mươi tám tuổi, là người cuối cùng được kéo lên thuyền cứu hộ và cũng là người sống sót có chức vị cao nhất trên thuyền lúc đó. Trở về từ cõi chết và sau rất nhiều năm giấu kín và im lặng, cuối cùng ông quyết định viết mười bảy trang hồi ức kể lại chi tiết vụ tai nạn kinh hoàng mà ông chứng kiến. Từng câu từng chữ của ông chưa bao giờ sống động và dồn dập đến vậy. “Chỉ cần còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đêm đó”, ông viết.
“Phụ nữ và trẻ em lên trước!”
Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người rời thuyền cứu hộ, lặng lẽ bước ra phía sau châm điếu thuốc và hút. Charles không thấy bất kỳ người phụ nữ hay trẻ em nào có ý định bỏ lại những người đàn ông thân yêu của mình. Dường như tất cả mọi người đều rất bình tĩnh trước cái chết, dù họ là thương nhân nổi tiếng hay người hầu vô danh.
Khi chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên được đưa xuống nước, Charles hỏi một người phụ nữ họ Straw đang đứng trên boong tàu, “Bà có muốn tôi đưa bà lên thuyền cứu hộ không?”.
Người phụ nữ lắc đầu, “Không, tôi nghĩ mình nên ở lại trên tàu thì hơn”. Người chồng nghe vậy liền hỏi, “Tại sao em không muốn lên thuyền cứu hộ?”. Bà chỉ mỉm cười trả lời, “Vì em muốn ở cạnh anh mãi mãi”. Và Charles không bao giờ còn gặp lại đôi vợ chồng đó nữa.
Astor Đệ tứ (John Jacob Astor IV) là doanh nhân, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và là một trong những người giàu nhất thế giới thời bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai năm tháng lên thuyền cứu hộ, ông châm điếu xì gà rồi hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần về nơi xa, “Anh yêu hai mẹ con”.
Thuyền phó I ra mệnh lệnh cho Astor Đệ tứ lên thuyền, nhưng ông kiên quyết từ chối và nhường chỗ của mình cho một phụ nữ ở khoang hạng ba. Vài ngày sau, khi bình minh ló dạng trên Đại Tây Dương, đội cứu hộ tìm thấy thi thể của ông trong tình trạng chấn thương đầu nghiêm trọng do bị đập vào ống khói. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo mười con tàu Titanic, nhưng Astor Đệ tứ đã từ bỏ tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người vợ thân yêu, bảo vệ “phụ nữ và trẻ em” và bảo vệ nhân cách của mình.
Ben Guggenheim là tỷ phú và là nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Trong giờ phút nguy nan nhất, khi tất cả mọi người đều hoảng loạn và vội vã, ông thản nhiên thay bộ vest trang trọng nhất và tuyên bố, “Tôi phải chết trịnh trọng như một quý ông”. Trong lời nhắn gửi cho vợ, ông viết, “Trên con tàu này, không có bất kỳ phụ nữ nào vì bị anh cướp chỗ trên thuyền cứu hộ mà bị bỏ lại trên boong tàu. Nếu có chết, anh cũng sẽ chết như một người đàn ông đích thực”.
Một thủy thủ đề nghị với Straus – nhà sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ và cũng là người giàu thứ hai thế giới, “Tôi bảo đảm sẽ không ai phản đối việc một người đáng kính như Ngài bước lên thuyền cứu hộ đâu”. Straus đáp, “Tôi sẽ không bỏ đi khi những người đàn ông khác còn ở lại”. Khi ông cố gắng khuyên vợ mình lên thuyền cứu hộ, bà vẫn một mực từ chối, “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đó. Bây giờ em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào anh muốn”.
Sau đó, ông choàng tay vợ rồi thong thả bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống và đón chờ giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, tại khu Bronx thuộc thành phố New York, người ta dựng một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Straus. Trên đó khắc dòng chữ, “Tình yêu không thể bị nhấn chìm bởi đại dương”.
Một doanh nhân người Pháp tên Nahuatl đưa hai cậu con trai lên thuyền cứu hộ và nhờ một phụ nữ chăm sóc hai đứa trẻ. Riêng mình, ông từ chối lên thuyền. Sau khi hai đứa trẻ được cứu sống, báo chí khắp nơi trên thế giới rầm rộ đăng hình ảnh của hai đứa trẻ này cho đến khi người mẹ tìm lại được con mình.
Trong giờ phút nguy kịch, Lydepas ôm chặt người chồng mới cưới vì cô không muốn thoát chết một mình. Vì bất đắc dĩ, người chồng phải đấm cô ngất xỉu. Khi tỉnh lại thì cô đã thấy mình đang nằm trên chiếc thuyền cứu hộ trôi lênh đênh ngoài biển. Về sau, Lydepas cả đời không tái giá, sống độc thân để tưởng nhớ người chồng quá cố.
Trong buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne nước Thụy Sĩ, bà Smith bộc bạch, “Lúc đó hai con của tôi được bế lên thuyền cứu hộ nhưng thuyền đã quá tải nên không thể chở thêm tôi nữa. Khi ấy, một phụ nữ trên thuyền cứu hộ đã đứng dậy nhường chỗ cho tôi và nói, ‘Trẻ con không thể sống thiếu mẹ’”. Bà hối tiếc vì đã không hỏi tên người phụ nữ đó.
Những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn này còn có tỷ phú Acid, nhà báo nổi tiếng Stead, Thiếu tá Bart, kỹ sư Robble nổi tiếng, v.v. Họ đều nhường chỗ của mình trên thuyền cứu hộ cho những phụ nữ nông dân không một xu trên người.
Trong hơn năm mươi nhân viên cấp cao của tàu Titanic, ngoài thuyền phó II Charles Lightoller may mắn sống sót, thì toàn bộ những người còn lại đều hết mình cứu người cho đến những phút cuối cùng.
Khoảng hai giờ sáng, nhân viên điện báo số I John Philip nhận được mệnh lệnh bỏ tàu của thuyền trưởng, nhưng ông vẫn ngồi trong phòng thông báo và giữ tư thế phát tín hiệu SOS cho đến phút cuối cùng.
Khi đuôi tàu bắt đầu chìm xuống nước, Charles nghe thấy những lời yêu thương vang lên trong khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời. Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng và khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người. Giáo dục lối sống không đơn giản là lý thuyết, mà là khi đối diện với thực tế, những bài học đạo đức ăn sâu vào tâm thức trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.
Người đàn ông đích thực không chỉ biết nói lời hoa mỹ và tử tế trên bàn tiệc, mà ngay cả khi đối diện với thực tế rằng dù ngày mai tất cả đều trở thành vô nghĩa thì bài học về đạo đức và nhân cách hôm nay vẫn cần được thực hành một cách tuyệt đối.
Nhân sinh như cõi mộng, dù giàu sang hay nghèo khó thì khi đứng trước sinh tử, mỗi người đều chỉ là một sinh mệnh bé nhỏ. Quan trọng là vào thời khắc đó, người ta mới thật sự nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc đời không phải vật chất hay danh vọng mà chính là tình yêu thương.
Sức mạnh vô biên của lòng trắc ẩn đã biến những nạn nhân xấu số trong cơn ác mộng kinh hoàng năm ấy trở thành biểu tượng vĩ đại của tấm lòng thiện lương cao cả.