“Nụ cười ấm áp là ngôn ngữ chung của sự tử tế.”
- William Arthur Ward
Tháng Một năm 2013, tôi quyết tâm thử việc gì đó khác biệt so với danh sách mục tiêu năm mới thông thường. Trong năm đó, tôi cam kết làm một việc tử tế mỗi tuần. Tôi muốn gắn bó hơn với cộng đồng mình đang sống đồng thời mang lại niềm vui nho nhỏ cho những người xung quanh. Lúc đó tôi không hề biết người được giúp ích nhiều nhất lại chính là bản thân tôi.
Năm đó tôi hai mươi lăm tuổi, vừa kết thúc học kỳ cuối bậc cao học và đang phải đối mặt với tương lai mù mịt phía trước. Tôi cảm thấy cô độc khi phải sống xa gia đình và bạn bè thân thiết. Tôi vừa đính hôn với người đàn ông mình yêu, nhưng tính tình anh ngày càng trở nên kiểm soát và nóng nảy. Giờ nhìn lại, tôi nghĩ rằng thử thách “một năm làm điều tử tế” là cách khỏa lấp khoảng trống mênh mông trong lòng tôi. Nó từng bước củng cố giá trị cốt lõi của tâm hồn tôi cho đến khi tôi tích lũy đủ sức mạnh để giải quyết vấn đề cuộc sống và đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết.
Tuần đầu tiên, tôi dọn dẹp tủ quần áo và mang một túi quần áo lớn tặng cho một nhà tạm lánh dành cho phụ nữ. Tuần tiếp theo, tôi quyên góp thực phẩm đóng hộp cho bếp ăn từ thiện. Tôi rải những đồng xu may mắn trên sân chơi, viết những lời nhắn cảm ơn, nướng bánh quy đem tặng hàng xóm và để lại vài đồng xu trên chiếc máy giặt ở tiệm giặt ủi. Tôi tặng hoa chúc mừng cô bạn đồng nghiệp vừa bảo vệ thành công luận văn và nối lại liên lạc với những người bạn mà tôi đã lâu không trò chuyện.
Lúc đó tôi không nhận ra mình đang từ từ dệt nên một mạng lưới cộng đồng gần gũi. Tháng Ba năm đó, khi mọi thứ trong cuộc sống tôi sụp đổ - hôn ước của tôi bị hủy, tôi phải dọn khỏi căn hộ đang sống và tuần đó cũng là thời điểm đến hạn nộp bản thảo cuối cùng của luận văn - chính cộng đồng này đã giúp đỡ tôi, hỗ trợ tôi tìm nơi ở, đảm bảo tôi an toàn, gửi email động viên tôi và mời tôi đến nhà ăn tối.
Cuộc sống luôn chứa đựng nhiều thay đổi - thay đổi là điều tốt nhưng không phải lúc nào cũng dễ chấp nhận. Tôi nhận được học bổng ngành viết sáng tạo của Đại học bang San José nên sau khi tốt nghiệp, tôi chuyển đến Vịnh San Francisco để chuyên tâm viết tiểu thuyết. Tôi cũng bắt đầu dạy các lớp viết lách cho trẻ em vào buổi chiều. Tôi tham gia cộng đồng ở nhà thờ và kết bạn mới. Trải qua tất cả những điều mới mẻ và không chắc chắn trong cuộc sống, thói quen làm việc tốt mỗi tuần chính là chỗ dựa an ủi của tôi.
Thử thách “một năm làm điều tử tế” mở ra cho tôi nhiều điều hay ho. Tôi hiểu ra chúng ta không cần phải có nhiều tiền hay thời gian thì mới tạo được tác động tích cực đến thế giới xung quanh. Tất cả những gì ta cần là trái tim rộng mở và một chút sáng tạo. Aesop từng nói rất đúng, “Không có hành động tử tế nào là lãng phí, dù cho hành động đó nhỏ bé đến mức nào”. Ngay cả những hành động cảm thông và niềm vui nho nhỏ, đơn giản như một nụ cười, cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
Nếu tôi đang buồn bã hay cáu kỉnh, cách nhanh nhất để chuyển biến tâm trạng của ngày hôm đó là đối xử tử tế với người khác. Dũng cảm và dấn thân luôn mang về những giá trị xứng đáng. Thật đáng sợ khi phải bắt chuyện với người lạ và bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nhưng sau đó, tôi luôn được thưởng một nụ cười trên môi và kết nối biết ơn trong tim mình.
Trên hết, tôi học được thế nào là đức tin. Hết lần này đến lần khác, tôi ngạc nhiên trước những sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị và cả những hành động tử tế mà người khác làm cho tôi. Dù cho đó là tách cà phê từ một người mới quen, cái ôm từ một học sinh tôi dạy hay tấm thiệp bất ngờ từ một người bạn cũ, những hành động tử tế luôn giúp tôi lên dây cót tinh thần. Chúng tôi thật sự kết nối với nhau.
Thử thách “một năm làm điều tử tế” của tôi chính thức kết thúc vào đầu năm 2014, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sẽ ngừng làm việc tốt hay không còn giúp đỡ người khác. Năm ngoái, tôi kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai mươi bảy của mình với hai mươi bảy việc làm tử tế. Đó là sinh nhật ý nghĩa nhất từ trước đến giờ của tôi.