“Ta sẽ thấy mình thanh cao hơn khi biết kính phục những gì thật sự vượt trội, cao cả hơn mình.”
- Thomas Carlyle
Ritual (nghi lễ) có nguồn gốc từ ritus (tiếng La-tinh), nghĩa là tập quán hoặc cách thức làm một việc gì đó .
Các nghi lễ thường có chung một đặc điểm là: bị ràng buộc về mặt thời gian và không gian, giúp tạo ra một nơi chốn đặc biệt hoặc bầu không khí thiêng liêng. Nghi lễ thường diễn ra theo trình tự đã quy định, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghi lễ có thể được tiến hành một cách riêng tư, chẳng hạn như: tĩnh tâm chiêm nghiệm, thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên…
Có những nghi lễ chỉ được thực hiện một lần duy nhất, và cũng có những nghi lễ đã trở thành truyền thống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dù không để ý đến nhưng tất cả chúng ta đều sống cùng với các nghi lễ. Nếu bạn đã từng tham gia lễ cưới, nghỉ Quốc lễ, gửi thiệp mừng Giáng sinh/Lễ/Tết, nghĩa là bạn đã có những trải nghiệm ban đầu về nghi lễ.
Nghi lễ là hoạt động vượt lên khỏi khuôn khổ cá nhân, kết nối ta với quá khứ và những điều lớn hơn cả bản thân ta – có thể là thiên nhiên, sự kiện xã hội hoặc điều thiêng liêng nào đó.
Nghi lễ cũng kết nối ta với nội tâm mình và với mọi người.
Chương này sẽ cho bạn thấy những hiệu ứng vô cùng tích cực của nghi lễ đối với bộ não và cuộc sống của bạn. Bạn sẽ khám phá ra cách tăng cường Trí tuệ Tâm linh (và Trí thông minh toàn diện!) thông qua sức mạnh của nghi lễ.
Những nghi lễ phổ biến
Nghi thức khởi đầu
Đây là các nghi thức quen thuộc, đánh dấu những sự kiện trọng đại trong đời người (như: lễ tốt nghiệp, cưới hỏi, lễ đặt tên, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, khai trương, tân gia, khánh thành, động thổ…).
Những nghi lễ này giúp hướng sự chú ý của mọi người về phía ta và cho ta cảm giác được thuộc về cộng đồng rộng lớn. Một trong những nét văn hóa rất đẹp của cộng đồng người Amish(*) đó là cả làng sẽ cùng nhau dựng nhà cho đôi vợ chồng mới kết hôn.
(*) Người Amish là tên gọi một nhóm người từ Đức, Thụy Sỹ di cư sang Mỹ, Canada vào thế kỷ XVII vì các lý do tôn giáo. Theo tín ngưỡng tôn giáo của người Amish thì việc họ sống tách khỏi công nghệ, máy móc hiện đại là cần thiết để giữ gìn truyền thống gia đình và niềm tin với Đức Chúa. Cộng đồng này hiện nay sống chủ yếu tại các bang Ohio, Indiana, Pennsylvania và một số vùng tại Canada.
Ngày nghỉ
“Một số người đi nhà thờ vào ngày Sabbath (**) ,
(**) Sabbath có nghĩa là tạm dừng lại và nghỉ ngơi. Sabbath là nền tảng quan trọng trong đức tin của đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa. Trải qua sáu ngày trong không gian làm việc ngột ngạt, áp lực nên Sabbath là ngày cho phép ta điều chỉnh, hướng mình trở về với thực tại đầy những khoảnh khắc thiêng liêng.
còn tôi thì ở nhà
với tiếng hót chim Bobolink là ca đoàn
và vườn cam là đền thờ.”
- Emily Dickinson
Ngày Chủ nhật được xem là ngày nghỉ lễ, gác mọi công việc sang một bên và dành trọn một ngày để thư giãn, phục hồi sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Ngày nghỉ không nhất thiết phải là ngày Chủ nhật, đó có thể là bất kỳ ngày nào trong tuần.
Chủ nhật thường cũng là thời gian để gia đình, bạn bè quây quần bên nhau ăn uống, vui chơi và chia sẻ sự quan tâm.
Củng cố sức mạnh nội tâm
Nhịp sống hối hả, sự hỗn loạn ngày càng tăng và sự bùng nổ thông tin như hiện nay đã tách chúng ta ra khỏi những suy nghĩ và hoạt động hướng đến những giá trị tinh thần cao đẹp.
Thậm chí gia đình cũng thiếu hẳn bầu không khí ấm cúng, thiêng liêng, thay vào đó là tiếng lải nhải, trách móc giữa vợ chồng với nhau, hoặc tiếng con cái nằn nì bố mẹ hãy dành nhiều thời gian và quan tâm đến chúng nhiều hơn nữa. Bạn không thể ngồi yên thư giãn trước máy truyền hình vì những chuyện này cứ nhặng cả lên!
Làm thế nào để thoát khỏi “đám đông om sòm” kia?
Làm thế nào để có được bình an và phục hồi lại trạng thái tinh thần?
Ta có thể tìm thấy nơi an trú tinh thần ở đâu?
Thông qua các nghi lễ.
Nghi lễ là một “khoảng không” ấm áp, cho phép ta nghỉ ngơi và phục hồi.
Nghi lễ là “nơi an trú” an toàn, ổn định và chắc chắn giữa những bất ổn, nhiễu loạn xung quanh.
Trong “không gian” nghi lễ, ta hoàn toàn chú tâm vào suy nghĩ và hành động của mình, từ đó đi sâu vào nội tâm mình hơn.
Hơn nữa, trong nghi lễ vẫn còn ẩn chứa một phần tính tâm linh và bản chất của con người.
Nghi lễ thường đi cùng với các phương pháp thực hành “vượt thoát”, đưa con người vượt lên những đau đớn, khổ não đang siết lấy họ và gia tăng thêm nguồn năng lượng cho bản thân.
Khi cuộc sống ngày càng căng thẳng, mọi người tìm đến nghi lễ như là hình thức phòng vệ cuối cùng, ngăn các đợt “sóng thần” khó khăn, trở ngại ập đến càn quét tâm hồn họ.
Nghi lễ còn được xem là một trong những phương pháp tẩy trừ “ô nhiễm âm thanh” trong tâm trí ta.
Ngay cả những hoạt động đơn giản như đi dạo, làm vườn hoặc nghỉ ngơi cũng có thể giúp ta trấn tĩnh lại, thoát khỏi những bức bối, khó chịu và những nhu cầu “cấp bách (!)” để bắt đầu một hình thức tương giao thanh cao, hướng thượng hơn với chính mình, với người khác và với thiên nhiên.
Ngày càng có nhiều người chọn hướng nâng cao Trí tuệ Tâm linh. Họ dành hẳn một nơi trong nhà mình để làm “không gian” nuôi dưỡng tinh thần. Họ thường xuyên lui tới nơi này để cân bằng lại trạng thái.
Một người bạn của tôi đã biến phòng tắm của cô ấy thành “không gian” như thế. Thường thì mỗi ngày một lần, cô ấy ngâm mình trong nước ấm với tinh dầu thơm, giữa ánh nến lung linh, huyền ảo. Cô mô tả như sau:
“Ngay khi tôi vừa trượt vào trong làn nước, hàng triệu tiếng nói đang vang vang trong đầu tôi gần như nín lặng ngay lập tức, chỉ còn một tiếng nói vang lên – tiếng nói nội tâm. Tôi cảm thấy cơ hoành của tôi bắt đầu co giãn nhẹ nhàng. Tôi hít thở nhẹ, đều và sâu hơn. Toàn thân tôi được thả lỏng.
Tôi không chỉ được tắm gội trong làn nước ấm và thơm hương, mà còn được tiếp thêm sức mạnh nhờ vào những suy nghiệm về bản thân.
Đó là khoảng thời gian riêng tư. Đó là khoảng thời gian quý báu. Đó là khoảng thời gian của riêng tôi. Đó là khoảng thời gian riêng giữa tôi với chính tôi.”
Bài học từ các bậc thầy tâm linh
Các Yogi(***) Ấn Độ nằm trong số những bậc thầy tâm linh được tôn kính nhất thế giới. Cách đây rất lâu, trước khi nền văn minh hiện đại xuất hiện, các Yogi đã phát hiện ra sức mạnh vô song của nghi lễ. Họ tuân thủ các nghi thức này để rèn luyện tâm và thể, nhằm đạt đến sự giác ngộ tâm linh.
(***) Yogi: người thực hành Yoga.
Tương tự như vậy, các võ sinh châu Á (như kung-fu, karate, taekwando…) cũng rèn tâm và thể của họ theo “võ đạo” để hướng đến sự khai sáng.
Tế bào não yêu thích các nghi lễ
Trong suốt 20 năm qua, các nhà nghiên cứu đã có những phát hiện “siêu thường” về não bộ. Đúng như câu nói của người xưa “Trăm hay không bằng tay quen”, mỗi suy nghĩ ta tạo ra, mỗi hành động ta thực hiện sẽ tạo ra một “con đường” trong trí não! “Con đường” này, giống như luống cày trên đồng ruộng, sẽ bền chắc và rõ ràng hơn khi ta càng lặp lại ý nghĩ hoặc hoạt động đó.
Như vậy, các nghi thức khi được lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen .
Xác định được “Nghi lễ đúng” sẽ giúp bạn vượt qua trở ngại, đương đầu trước khó khăn với tinh thần nhẹ nhàng và có xác suất thành công cao hơn.
Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh
Vẽ Bản đồ Tư duy tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống cần được cải thiện tốt hơn thông qua nghi lễ. Hãy chắc chắn rằng nghi lễ sẽ không làm cho bạn trở nên cứng nhắc, khắt khe, mà bạn sẽ linh hoạt và thành công hơn nữa.
Hãy dành ra 1 – 2 phút để thực hiện nghi thức cảm ơn trước khi ăn. Thầm cảm ơn những người đã góp phần mang đến bữa ăn cho bạn – từ người trồng trọt, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, phân phối, bán, mua, chế biến cho đến hệ tiêu hóa của bạn.
Mỗi ngày là một khởi đầu mới.
Hãy bắt đầu một ngày của bạn với tiếng nhạc êm dịu, 5 phút thiền định để tạo trạng thái cho nhiệm vụ trước mắt, hoặc thực hiện vài động tác căng duỗi nhẹ nhàng để đánh thức cơ thể và tâm trí bạn.
Mỗi sáng thức dậy, hãy chiêm nghiệm lại những “món quà vô giá” bạn đang có như tình yêu thương, tình bạn, sự bình yên, sự thông thái, thiên nhiên, cuộc sống… và giữ lấy trải nghiệm đẹp ấy trong suốt ngày.
Những “lần đầu tiên” luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Não ghi nhớ những cuộc gặp gỡ ban đầu tốt hơn so với những cuộc gặp gỡ sau này.
Do đó, hãy đảm bảo lời chào của bạn sẽ “ghi điểm” cao – một hình ảnh vui vẻ – trong “ngân hàng ký ức” của họ.
Hãy làm cho bước “khởi đầu tích cực” này trở thành một nghi lễ thường xuyên trong hành vi Trí tuệ Tâm linh của bạn.
Bạn có nhớ lần gặp gỡ gần đây nhất với người bạn yêu thương?
Ấn tượng ở “lần sau cùng” cũng quan trọng không kém “lần đầu tiên”. Vì vậy, hãy đảm bảo sự ra đi của bạn luôn để lại ấn tượng đẹp, qua đó bạn sẽ được nhớ đến.
Tập thói quen luôn nói lời tạm biệt kèm với một nụ cười và nghĩ: “ Nếu như đây là lần gặp gỡ cuối cùng thì sao? ”. Hãy có cách hành xử làm phấn chấn tinh thần cho cả hai.
Ngủ cũng là một nghi lễ!
Tâm trí bạn vào cuối ngày, trước khi đi ngủ, thường ở trong trạng thái mở. Do đó, thật hay nếu bạn lấp đầy nó bằng những ý nghĩ và hình ảnh tốt đẹp, những điều có thể giúp bạn phát triển bản thân và Trí tuệ Tâm linh.
Ngoài ra, một nghi thức khác cũng rất hữu ích đó là hãy để cho những gì xảy ra trong ngày lướt qua “màn hình” tâm trí bạn. Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để rút ra bài học kinh nghiệm cho lần sau.
Nhìn lại một ngày đã qua, bạn có thể hình dung thêm về mục tiêu, kế hoạch cho ngày hôm sau; để rồi cảm giác hân hoan đón chờ trỗi dậy, lấn át hẳn cảm giác chán nản, mệt mỏi và sợ hãi về ngày sắp tới – đặc biệt là sau khi trải qua một ngày đầy thử thách.
Ngay cả vào những ngày “khó khăn” đó cũng có nhiều “quà tặng diệu kỳ” dành cho bạn. Vì vậy hãy đi vào giấc ngủ cùng với những phước lành, thay vì phải khổ sở đếm cừu để mong giấc ngủ đến.
Sự phục vụ tận tình, toàn tâm toàn ý cũng là một dạng nghi lễ. Dù là làm cho chính mình hoặc cho người khác thì cũng hãy làm tốt nhất có thể, kể cả những việc hết sức đơn giản như pha trà, dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn, dọn giường, lái xe, v.v. Nghệ thuật Trà đạo Nhật Bản là một ví dụ điển hình về sự phục vụ chu đáo.
Hãy làm mọi việc với sự chú tâm và cẩn trọng. Đặt hết tình yêu vào công việc, luôn nghĩ rằng bạn đang làm vì người nào đó cực kỳ đặc biệt. Rồi bạn sẽ cảm thấy hứng thú hơn, và người được phục vụ cũng hạnh phúc.
Thắp một ngọn nến hay một nén nhang khi bắt đầu thiền, hoặc dành ra vài phút tạ ơn trong yên lặng trước khi ăn, v.v. để giúp bạn tách bạch thời gian dành riêng cho nghi lễ với những hoạt động thường nhật. Đây là một cách tuyệt vời để gạn lọc lại suy nghĩ và tập trung tâm trí.
Bạn có thể tạo ra không gian thiêng liêng cho riêng mình vào mọi lúc, ở mọi nơi.
Tại nơi làm việc, bạn chỉ cần đặt một tấm bưu thiếp, bức ảnh nhỏ, câu danh ngôn hay vật dụng truyền cảm hứng nào đó. Nhìn vào những vật phẩm này để ổn định lại trạng thái mỗi khi bạn bị căng thẳng.
Hoặc bạn có thể tạo ra “không gian thiêng liêng di động” bằng cách giữ bên mình một hòn đá đặc biệt, bức ảnh hoặc biểu tượng như thánh giá, chiếc chìa khóa…
Bạn cũng có thể tạo ra một không gian thiêng liêng trong vườn nhà, nơi bạn ngồi tĩnh tâm, chiêm nghiệm.
Thực hành thiền hoặc thư giãn ngắn mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Tâm linh
Hãy kết hợp bài tập Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh ở trên với những lời khẳng định tích cực sau: