Bạn có biết?
Qua cuốn sách này, tôi sẽ giúp bạn nhận ra sức mạnh và tiềm năng tuyệt vời của tinh thần và cơ thể bạn.
Khi còn bé, tôi thường hay bối rối trước nhiều câu hỏi; tôi cứ loay hoay mãi mà chưa thể tìm ra câu trả lời và nản lòng với lời nhận xét của các giáo viên rằng tôi thiếu thông minh, kém tập trung và thiếu sinh lực.
Những câu hỏi mà khi đó tôi đã không tìm ra lời giải đáp là:
Các giáo viên đã nhận xét về tôi như sau:
Nghe quen thuộc nhỉ?
Nhưng rồi những câu hỏi này cũng dần được sáng tỏ qua thời gian và tựu trung thành ba vấn đề cơ bản như sau:
1. Ai đánh giá ai thông minh?
2. Ai có thẩm quyền định nghĩa thế nào là thông minh?
3. Chỉ số IQ (Intelligence Quotient, chỉ số Thông minh) có thể được thay đổi để đánh giá tốt hơn, xác thực hơn không?
Nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này đã trở thành công việc của cả đời tôi và khiến tôi bỏ ra thêm 30 năm nữa để khám phá về bộ não, về quy trình hoạt động của trí thông minh, và tìm ra công cụ Bản đồ Tư duy (Mind Map) để cải thiện trí tuệ của con người.
Cuốn sách này thực sự như là bộ công cụ cho những người có câu hỏi tương tự như tôi hoặc từng nhận được những nhận xét tương tự trong học bạ!
Nào, bây giờ hãy tận hưởng hành trình khám phá trở lại trí thông minh tự nhiên của mình, bạn nhé!
Lời thách đố về trí thông minh
Vào thập niên 1950, Alan Turing, nhà phát minh ra máy tính, đã thách thức ngành công nghiệp máy tính tạo ra một bộ máy có khả năng thông minh như con người.
Một thử nghiệm nọ đã được tiến hành như sau: ba người đầy hiểu biết ngồi đối mặt với một bức màn chắn. Phía sau tấm màn là ba “bộ óc”: hai con người và một máy tính. Cả ba cặp này tham gia vào cuộc trò chuyện về bất cứ chủ đề nào do ba người đầu tiên lựa chọn. Giải thưởng sẽ được trao nếu máy tính có thể thuyết phục lần lượt ba người đầy hiểu biết ngồi trước tấm màn rằng nó là một trong hai con người ngồi đằng sau tấm màn! Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có máy tính nào chạm được đến giải thưởng đó.
Thách thức của Turing đã bỏ qua ít nhất 90% điểm mấu chốt của vấn đề!
Thách thức này dựa trên giả định cũ cho rằng trí thông minh của con người chủ yếu dựa vào sức mạnh ngôn từ . Nhưng cho đến bây giờ chúng ta đều biết đó chỉ là một trong nhiều dạng thông minh, và để xác định một máy tính thông minh ngang bằng với bộ não con người thì cùng một lúc, nó phải biểu lộ được tất cả các kỹ năng của 10 loại hình trí thông minh khác nhau.
Có vẻ như giải thưởng đó còn phải mất một thời gian dài nữa mới tìm được chủ nhân.
Lược sử nghiên cứu về trí thông minh
Lịch sử phát triển hệ thống kiến thức về trí thông minh thật là thú vị. Mặc dù các nhà tư tưởng hàng đầu đã mất nhiều thời gian tìm ra manh mối để chứng minh “ Điều gì làm cho chúng ta thông minh xuất chúng? ” nhưng khái niệm IQ chỉ được đưa ra vào khoảng 100 năm trở lại đây. Những thử nghiệm đầu tiên để đánh giá trí thông minh bằng các “phương tiện khoa học” chỉ mới bắt đầu vào đầu thế kỷ XX.
Một số thí nghiệm ban đầu khá lập dị, như: đo lường thời gian phản ứng của đầu gối để xác định nếu phản ứng của bạn nhanh hơn có nghĩa bạn là người thông minh hơn; đánh giá mối tương quan giữa chiều cao và trí thông minh; và đếm những chỗ gò lên trên đầu để xem người đó có thông minh hay không.
Tuy nhiên sau đó Alfred Binet, nhà tâm lý học người Pháp, đã đưa ra một phương pháp khoa học thực sự và khách quan hơn để đánh giá trí thông minh. Đó là xây dựng các bài kiểm tra về ngôn ngữ và số học, với mốc điểm trung bình là 100.
Các bài kiểm tra IQ của Binet đã được chấp nhận mà không có nghi vấn nào trong vòng hơn 60 năm. Mãi cho đến thập niên 70, quan niệm về trí thông minh mới bắt đầu thay đổi.
Giáo sư Howard Gardner, Giáo sư Robert Ornstein, tôi và những cộng sự khác đã khám phá ra rằng có nhiều loại hình trí thông minh khác nhau; và mỗi một trí thông minh khi được phát triển đúng cách sẽ tương tác hài hòa với những trí thông minh còn lại.
Người thông minh không phải là người chỉ “oang oang” về khả năng ngôn ngữ và các lý luận lô-gic - toán học, mà họ còn có thể phản ứng “thông minh” trước tất cả các cơ hội và thử thách mà môi trường bên ngoài mang lại. Người thông minh là người biết dùng “cái đầu” tương tác với mọi khía cạnh của cuộc sống, như: chơi thể thao, giao tiếp, thể hiện tình cảm…
Một nhân vật điển hình với trí thông minh tột bật
Leonardo da Vinci được xem là một hình mẫu tuyệt vời về trí thông minh toàn diện ; nói cách khác, ông là người có khả năng vận dụng và thể hiện tất cả các loại hình trí thông minh của mình rõ nét nhất. Leonardo tài năng đến mức ông được xem là một trong những thiên tài vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông gần như hoàn toàn tự học, và là một điển hình cho thấy con người có thể đạt được điều mình muốn bằng quyết tâm phát triển và hoàn thiện trí thông minh sẵn có.
Trái với nhiều giả định, Leonardo không xuất thân từ một gia đình giàu có và cũng không được học hành gì nhiều. Khi còn nhỏ, ông được một họa sĩ nhận vào học việc, nơi ông đã học được các kỹ năng vẽ tranh và tô màu.
Leonardo cho rằng điều biến ông trở thành… cái gọi là thiên tài đó là ông hiểu cách vận hành của não bộ và biết vận dụng khả năng của trí não. Leonardo rất tự hào về việc tự mày mò học hỏi của mình, và từng tuyên bố rằng ông chính là một “đệ tử của kinh nghiệm”.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các loại hình trí thông minh và xem cách Leonardo nuôi dưỡng chúng như thế nào.
Leonardo có sức sáng tạo đáng kinh ngạc. Ông tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc bất hủ và vô số những ý tưởng độc đáo khác. Ngoài tài năng hội họa, Leonardo còn là một nhạc công xuất chúng. Nếu bạn đưa cho ông một nhạc cụ bằng dây bất kỳ, thậm chí là loại nhạc cụ mà ông chưa từng biết đến, ông có thể nhanh chóng “làm quen” với nó và chơi những bản nhạc theo cách hết sức độc đáo.
Leonardo là người rất tự tin. Ông yêu thương, quan tâm và chăm sóc bản thân như là người yêu, người bạn thân thiết nhất của mình. Ông cũng rất khéo trong giao tiếp xã hội. Ông là vị khách được đón chào nhiều nhất ở tất cả các buổi tiệc, các hội nhóm ở Florence nhờ vào biệt tài chọc cười, có thể làm mọi người mê mẩn “bay” theo câu chuyện kể và ngẩn ngơ trước khả năng sáng tác, chơi nhạc một cách ngẫu hứng của ông.
Tình yêu thiên nhiên của Leonardo cũng được mọi người biết đến. Ông xem thiên nhiên như là sự hiển lộ của Đấng Tạo hóa và đối xử tốt với động vật một cách khác thường. Có giai thoại kể rằng lần nọ khi đi ngang chợ, nhìn thấy một cái lồng đang nhốt chim (chúng thường được mua về để hót hoặc để làm thịt), ông liền mua rồi sau đó thả chúng ra ngay. Ông ngắm nhìn đường bay của chúng một cách say mê khi chúng lao vút vào không gian tự do vừa tìm thấy.
Leonardo hoàn toàn không chấp nhận ý kiến cho rằng “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” và ngược lại. Ông nổi tiếng là người mạnh nhất thành Florence, với thân hình dẻo dai, tràn trề sức sống và trông cực kỳ hấp dẫn. Sử gia Vasari mô tả rằng trông Leonardo rất đĩnh đạc, những chuyển động của ông rất uy nghi, còn tướng mạo thì đẹp đến nỗi mọi người đều phải đứng lại thành hàng dài trên phố chỉ để nhìn ông bước ngang qua, trên đường đi đến buổi diễn thuyết của ông.
Đặc biệt là Leonardo đã phát triển trí thông minh giác quan (rất quan trọng đối với người nghệ sĩ) và vận dụng nó để khích lệ những người xung quanh nâng cao khả năng cảm thụ. Ông đã hoàn thiện năng lực quan sát của mình đến mức độ phi thường. Có tài liệu ghi lại rằng ông là người đầu tiên nhìn thấy các mặt trăng của sao Mộc bằng mắt thường của mình. Và trong sổ chép tay về đường bay của chim, ông đã ghi nhận những chi tiết mà thời đó không ai chấp nhận và mãi cho đến 350 năm sau, ngành nhiếp ảnh ra đời mới chứng minh được rằng ông đã đúng!
Đối với Leonardo, các con số là một phần tự nhiên trong trật tự hài hòa của Vũ trụ. Ông dùng con số như là một loại công cụ tư duy cơ bản để đo lường và tính toán trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình – nghệ thuật, thiết kế, kỹ thuật và sáng chế. Với trí tuệ phong phú nhiều ý tưởng, Leonardo đã nghĩ ra những thiết kế mới cho các cống dẫn nước, cửa và đập ngăn nước cho sông, tàu ngầm, máy bay và hàng trăm ý tưởng về cơ khí mà trước đây chưa ai nghĩ tới.
Do đã nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực nên vốn từ vựng của Leonardo lớn gấp nhiều lần so với người bình thường. Nhờ vào trí tưởng tượng phong phú, ông có thể kết hợp cả hai yếu tố đó (ngôn ngữ và trí tưởng tượng) để cho ra đời những tuyệt phẩm âm nhạc và hội họa. Nhiều đoản văn của ông chẳng khác nào những bức chân dung, dù chúng không phải được vẽ bằng sơn dầu mà là bằng ngôn từ.
Leonardo sẽ là hình mẫu lý tưởng cho bạn khi đọc cuốn sách này. Hãy nhớ rằng cũng giống như bao người ông từng là một cậu bé, thích thú khám phá và làm chủ trí thông minh của mình.