“Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình; hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa vào cái gì khác!
Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa vào cái gì khác!”
- Đức Phật
Giá trị là những quy tắc ứng xử, là những nguyên tắc mà ta dựa vào đó để cân nhắc chọn cách sống và đưa ra quyết định. Khi còn nhỏ, những giá trị đầu tiên của chúng ta do cha mẹ truyền dạy, rồi tiếp tục được bổ sung từ bạn bè đồng trang lứa, thầy cô và xã hội. Từ tập hợp những giá trị đó, dù vô tình hay hữu thức, ta chọn ra những nguyên tắc sẽ dẫn dắt hành vi và ảnh hưởng đến cuộc sống của ta.
Giá trị là những điều hay lẽ phải và là chuẩn mực cho hành vi ứng xử, chẳng hạn như: thành thật, trung thực, công bằng, kính trọng… Những chuẩn mực hành vi ấy vô cùng quan trọng, quyết định sự tồn vong của bản thân và của toàn xã hội. Vì nếu không, tình trạng hỗn loạn và vô tổ chức sẽ xảy ra, nền văn minh nhân loại sẽ bị xóa sạch.
Sau khi đọc xong chương 2, bạn sẽ có cơ hội nhìn lại những giá trị tối quan trọng đã được xã hội và các bậc thầy tâm linh vĩ đại chọn lọc trong suốt hàng ngàn năm qua. Từ đó, bạn có thể chọn ra những nguyên tắc phù hợp nhất để định hướng cuộc sống và xây dựng nền tảng giá trị vững vàng cho hành vi ứng xử và những quyết định của mình.
“Thách thức đối với con người là việc kiến tạo.
Bạn sẽ kiến tạo hết lòng hết sức,
hay bằng sự cẩu thả?”
- Gary Zukav
Tin vui từ não trước(*)!
(*) Vùng não trước nằm ngay phía trên mắt, là một trong những khu vực phát triển nhất của não bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng xã hội cũng như khả năng phán đoán những gì người khác đang suy nghĩ.
Sức mạnh của ý nghĩ
Nghiên cứu đã cho thấy ý nghĩ không chỉ đơn thuần là những thứ tưởng tượng, không thực, chỉ tồn tại ở “miền đất ước”. Ý nghĩ là những tín hiệu hóa sinh - điện từ rất thực, chuyển tải thông điệp qua mạng lưới các tế bào não.
Đi quen rồi sẽ thành đường! Tín hiệu hóa sinh - điện từ (ý nghĩ) được truyền đi theo một lộ trình nhất định nào đó càng nhiều lần thì nó càng dễ dàng được tiếp nhận, và xác suất để ý nghĩ ấy mang lại kết quả như mong muốn sẽ càng cao.
Suy nghĩ tiêu cực mang đến sự tiêu cực gấp bội, trong khi suy nghĩ tích cực giúp tăng cường sức khỏe, mở ra nhiều triển vọng thành công, khơi gợi trí sáng tạo, v.v. Nguyên tắc này cũng hoàn toàn chính xác đối với các giá trị tinh thần. Nếu những giá trị này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn, bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng về cuộc sống. Còn khi những giá trị của bạn là tích cực, bạn và mọi người sẽ tận hưởng một cuộc sống thỏa nguyện.
“Suy nghĩ biểu hiện thành lời nói;
lời nói biểu hiện thành hành động;
hành động phát triển thành thói quen;
và thói quen tôi rèn nên tính cách.
Vì vậy hãy quan tâm hết mực tới suy nghĩ.
Để cho suy nghĩ bắt nguồn từ tình yêu thương,
sinh ra trong sự quan tâm tới tất cả chúng sinh.”
- Đức Phật
Đến đây, bạn đã nhận biết được sức mạnh của suy nghĩ, nghĩa là bạn có thể giành lại quyền làm chủ cuộc đời. Mọi sự may - rủi chẳng phải từ đâu “giáng” xuống, tất cả đều do ta tạo ra, và vì vậy ta cần chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Sức mạnh liên hợp
Nghiên cứu cũng xác định rằng bộ não của chúng ta có tính liên hợp rất cao, nghĩa là ý nghĩ này sẽ tự động kết nối với những ý nghĩ khác có liên quan, tỏa lan rộng khắp như một mạng lưới.
Vì vậy nếu bạn nuôi dưỡng đầu óc mình bằng những giá trị tốt đẹp, những giá trị này sẽ có khuynh hướng nhân lên, thể hiện qua hành động và tác động đến những người xung quanh. Bởi vì bộ não của họ cũng có tính liên hợp rất cao, nên các giá trị tốt đẹp sẽ được nhân lên bội phần. Giống như Thiên thần Bao dung của tôi, bạn sẽ trở thành đại sứ cho những giá trị tích cực và Trí tuệ Tâm linh.
“Những ai ủng hộ cho những điều tốt đẹp
sẽ được thụ hưởng những điều tốt đẹp;
còn những ai cổ xúy cho những điều xấu xa
sẽ nếm trải những điều xấu xa đó.”
- Tiên tri Muhammad
Chính trực và Trung thực – Trạng thái tự nhiên của não bộ
Con người sinh ra vốn đã trung thực và luôn yêu chuộng sự thật. Bộ não chúng ta thực chất là một “cỗ máy” tìm kiếm sự thật.
Tại sao?
Vì chúng ta cần phải biết sự thật để tồn tại.
Ví dụ như, nếu bạn không biết được chuyện gì sẽ xảy ra khi chiếc xe tải lao nhanh với vận tốc 60 km/giờ về phía bạn thì đây có thể là sự nhận biết cuối cùng của bạn trong cuộc đời này!
Chúng ta cần phải biết mọi nguyên nhân và kết quả, những chuyện đang diễn ra xung quanh.
Chúng ta cần biết Sự thật.
Đây là lý do vì sao hầu như tất cả những nhà khoa học và danh họa vĩ đại như Newton, Einstein, da Vinci, Picasso… đều phát biểu rằng họ đang tìm kiếm sự thật .
Đây cũng là lý do vì sao trẻ nhỏ cứ khăng khăng phải tuyệt đối tôn trọng Sự thật và Trung thực. Chúng bị tổn thương khi bố mẹ chúng không giữ đúng lời hứa. Lời cáo buộc của bọn trẻ – “ như vậy là không công bằng, ba mẹ đã nói rằng… ” – không chỉ đơn thuần là biểu hiện của sự tức giận mà quan trọng hơn, đó là biểu hiện của nỗi sợ.
Chúng đang lo sợ điều gì?
Sợ vì không thể tin tưởng điều người kia thốt ra là Sự thật. Sợ những điều khủng khiếp, lạ thường bất ngờ phát sinh từ các luồng thông tin đối lập. Nói cách khác, đây là nỗi sợ về sự tồn vong. Khi nhận được thông tin không chính xác và nếu hành động dựa trên những thông tin này, đứa trẻ nhận thấy cơ hội sống sót của mình ngày càng bị thu hẹp.
Từ thời nguyên thủy, tổ tiên chúng ta đã phải đặt hết Niềm tin vào nhau: nếu một người nói rằng có một hang động rất tốt để cư ngụ thì những người khác buộc phải tin rằng người ấy không nói dối và thực sự cái hang này hiện thời không phải là nơi trú ngụ của một con gấu to lớn, hung dữ.
Tìm kiếm Sự thật là khuynh hướng tự nhiên và biết được Sự thật là đặc quyền của con người. Trong quá trình tìm kiếm, bạn đang giúp bản thân và người khác cùng tồn tại. Ngược lại, khi bạn không trung thực, bạn đang làm giảm đi cơ hội sống của mọi người và của chính mình, hành động sai lầm dựa trên những thông tin sai lệch. Điều này có thể gây tổn hại cho những đối tượng mà bạn hết mực quan tâm.
Vậy, hành động thiếu trung thực để đạt được lợi ích trước mắt hay là hành động trung thực vì lợi ích lâu dài dù hiện tại sẽ có những bất lợi? Câu hỏi thuộc phạm trù triết học này vẫn còn là đề tài gây tranh cãi từ ngàn đời nay.
Bạn, cùng với những thiên tài của mọi thời đại, và Vũ trụ này đều cho rằng theo đuổi Sự thật là lựa chọn tốt nhất!
Trong phần Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh sau đây, hãy xem xét và chọn ra cho mình những giá trị yêu thích để làm kim chỉ nam cho phần đời còn lại của bạn.
Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh
Sống trong thời đại mà những tiêu chuẩn đạo đức thay đổi vô cùng nhanh chóng, ngày càng có nhiều áp lực đòi hỏi con người phải sớm điều chỉnh để thích nghi và sự bùng phát mạnh mẽ của thói ích kỷ như hiện nay, việc có một bộ quy tắc ứng xử hoặc nền tảng giá trị vững chắc cho riêng mình có thể làm cho cuộc sống của bạn thoải mái hơn. Với tập hợp các giá trị sống dẫn đường và một ranh giới hành xử rõ ràng, thì việc giải quyết những vấn đề phát sinh sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Chân thật
Linh hoạt
Can đảm
Giản dị
Trắc ẩn
Hợp tác
Tự do
Bình an
Yêu thương
Thấu hiểu
Nhân đạo
Trách nhiệm
Bao dung
Ngay thẳng
Tin tưởng
Tôn trọng
Đoàn kết
Biết ơn
Hài hước
Khiêm tốn
Kiên nhẫn
Công bằng
Bình đẳng
Hòa thuận
Ngoài những giá trị phổ quát kể trên, bạn cũng có thể liệt kê thêm một vài giá trị tốt đẹp khác nữa.
Từ danh sách này, hãy chọn ra 7 giá trị quan trọng hàng đầu mà bạn có thể dùng làm kim chỉ nam cho cách hành xử của mình.
(Tôi khuyên bạn nên chọn Chân thật vì đây chính là nền tảng sinh ra những giá trị khác.)
Khi đã chọn được 7 giá trị hàng đầu, hãy lập một Bản đồ Tư duy về các giá trị. Trước hết, vẽ một hình ảnh thể hiện quy tắc ứng xử của bạn, rồi từ đây tỏa ra 7 nhánh chính đại diện cho 7 giá trị sống vừa nêu. Viết tên của giá trị lên mỗi nhánh, vẽ hình minh họa hoặc ký hiệu làm nổi bật giá trị mà bạn cho là quan trọng nhất.
Đối với từng giá trị trong 7 giá trị hàng đầu, hãy suy nghĩ xem bạn có thể biến nó thành hành động bằng cách nào. Liệt kê một vài hoạt động cụ thể để chắc chắn rằng bạn thực sự đang sống với những giá trị của mình.
Ví dụ, nếu như bạn chọn Nhân đạo là một trong 7 giá trị hàng đầu, hãy hào phóng đóng góp thời gian, công sức và của cải của mình cho hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, suy nghĩ tốt về người khác – đặc biệt là những người phá rối hoặc làm tổn thương bạn – chính là việc thiện lành ý nghĩa nhất.
Còn nếu Ngay thẳng là một trong những giá trị quan trọng đối với bạn thì hãy đảm bảo nói đi đôi với làm . Ví dụ như khi một đồng nghiệp tâm sự với bạn chuyện bí mật, đừng rêu rao chuyện đó với mọi người trong công ty; hoặc khi bạn tự nhận mình là người Trung thực, hãy giao nộp lại chiếc ví bạn nhặt trên đường cho công an khu vực chứ đừng giữ lấy số tiền và cho rằng “ Ai nhặt được thì người đó hưởng! ”.
Sống đúng với những giá trị đích thực này, bạn sẽ tránh được những căng thẳng tinh thần, sự cắn rứt lương tâm và có thể sử dụng Trí tuệ Tâm linh cho những điều tốt đẹp nhất.
Thông qua việc bàn luận về các giá trị của bạn với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, bạn sẽ thấu hiểu bản thân hơn, điều chỉnh lại những định kiến của mình và hiểu họ hơn.
Bàn luận về những giá trị của bản thân sẽ giúp khẳng định chắc chắn rằng những giá trị ấy thực sự quan trọng đối với bạn.
“Phần lớn những khổ đau của nhân loại khởi sinh từ nhận định sai lầm rằng họ đã xác định được giá trị của tất cả mọi thứ.”
- Benjamin Franklin
Hãy biết tin tưởng vào bản thân. Bất kỳ ai cũng có thể đề cập đến các giá trị, nhưng để những giá trị này “sống” thực sự, bạn phải thấm nhuần và làm cho chúng trở thành một phần không tách rời khỏi bạn. Khi những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tốt đẹp phát triển hài hòa, chúng sẽ bảo vệ bạn chống lại mọi sự tấn công và mang đến cho bạn quyền năng vô hạn.
“Nghĩ tốt, làm tốt và nói sự thật.”
- Zoroaster
Bất kể hành động của bạn là gì, chúng luôn mang lại một số kết quả nhất định.
Trong cuộc sống hối hả hiện nay, dường như chúng ta chỉ chú ý đến những nguyên nhân và kết quả tức thời.
Nhưng hãy nghĩ lại đi! Bao nhiêu lần bạn nhận được kết quả cho những việc tốt bạn đã làm từ nhiều năm trước đó? Giống như Thiên thần Bao dung của tôi đã không hề biết được rằng hành động nhân hậu và yêu thương của bà giờ được tựu trung lại trong quyển sách Sức mạnh của Trí tuệ Tâm linh này đây.
Ngẫm nhìn lại cuộc đời mình và xem bạn có đang cảm thấy khó chịu bởi vì bạn do dự không dám nói ra sự thật, hoặc có hành động nào khiến bạn thấy thật hổ thẹn. Nếu thực sự có những tình huống nêu trên, hãy thành thật tỏ bày và cố gắng sửa chữa lỗi lầm.
Chọn ra 7 “thần tượng” đã từng tồn tại hoặc đang sinh thời, những hình mẫu lý tưởng trong việc theo đuổi Sự thật và sống đức độ. Mỗi khi lâm vào tình huống nan giải có liên quan đến đạo đức, hãy tự “hỏi” từng người rằng họ sẽ làm gì trong hoàn cảnh này. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên và hài lòng với kết quả nhận được. Bạn cũng sẽ cảm thấy được an ủi và mạnh mẽ hơn nhờ có những “người bạn” cực kỳ mạnh mẽ ấy.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Tâm linh