“Con người thường thích chu du đến những miền đất lạ để được chiêm ngưỡng những ngọn núi cao, lặng ngắm những dải sông dài, thán phục trước sự bao la của đại dương cùng với muôn trùng con sóng, thỏa mắt quan sát các vì sao, nhưng họ lại hờ hững với ‘kỳ quan’ bên trong chính mình.”
- St. Augustine
Nguyên tắc đầu tiên của Trí tuệ Tâm linh là nhận ra bạn là một tạo vật kỳ diệu và tuyệt vời! Mỗi người chúng ta đều đẹp ngời ngời và quý giá hơn bất kỳ loại kim cương, ngọc quý nào.
Đây là một sự thật không thể chối cãi. Có đầy đủ bằng chứng thực tế chứng minh rằng bạn là một tạo vật tuyệt vời. Hãy xem xét cách tổ chức, sắp xếp diệu kỳ trong hệ thống cơ thể của bạn:
Mỗi người chúng ta độc đáo và khác biệt với những người khác trên Trái đất này, ví như không có bông tuyết nào giống với bông tuyết nào.
Hơn nữa, các nguyên tử cấu tạo nên cơ thể chúng ta cũng đến từ các ngôi sao. Cho nên có thể nói chúng ta đều là… người ngoài hành tinh!
Bên cạnh những phẩm chất tuyệt vời như dũng cảm, bền bỉ, anh hùng và đức hy sinh, thật không may là chúng ta cũng quá tham lam, trụy lạc, ích kỷ và tàn ác – đây chính là sự kỳ diệu của con người!
“Hãy khiêm tốn vì bạn được sinh ra từ đất.
Hãy cao thượng vì bạn được sinh ra từ các vì sao.”
- Ngạn ngữ Serbia
Bức tranh toàn cảnh
Nhiều đứa trẻ khi mới bắt đầu khám phá thế giới rộng lớn xung quanh đã viết một bức thư. Địa chỉ có thể là:
Bạn của tôi, Jane Fitzgerald,
Số 16, phố Paradise,
London,
Anh Quốc,
Châu Âu,
Hành tinh Xanh,
Ngân hà,
Vũ trụ.
Những đứa trẻ này bắt đầu cảm nhận (theo Trí tuệ Tâm linh) rằng Vũ trụ là nhà và chúng đang sống trong một cộng đồng ngày càng mở rộng.
Vũ trụ bao la mang đến cho ta cảm giác vừa hứng thú, kinh ngạc pha lẫn kính sợ, và cũng là nơi nảy sinh nhiều câu hỏi về ý nghĩa tồn tại của con người, vị trí và tầm quan trọng của ta ở trong đó.
“Thỉnh thoảng,
hãy nhìn vào một cái gì đó
không được làm bằng tay.
Một ngọn núi, một ngôi sao,
một dòng suối uốn lượn quanh co.
Rồi sự khôn ngoan và kiên nhẫn
sẽ đến với bạn.
Và trên tất cả, là sự chắc chắn rằng
bạn không cô đơn trong thế giới này.”
- Sidney Lovett
… bởi vì Vũ trụ vô cùng rộng lớn:
(*) Từ năm 2006, sao Diêm Vương không còn được xem là hành tinh thứ 9 thuộc hệ Mặt trời.
Chỉ một hạt cát trên hành tinh nhỏ bé này cũng chứa đến hàng triệu nguyên tử thì hãy tưởng tượng xem có bao nhiêu nguyên tử trong khắp cả Vũ trụ!
Những người giàu Trí tuệ Tâm linh thường xuyên nhận thức về vẻ đẹp của mọi dạng sống và sự kỳ vĩ của Vũ trụ. Nhận thức này đã được củng cố đáng kể nhờ sự ra đời của kính thiên văn và các tàu thăm dò không gian. Bình minh của nhận thức tâm linh sẽ hé rạng qua câu chuyện sau của phi hành gia Edgar Mitchell.
Tôi đã gặp ông vào năm 1973, một vài năm sau khi ông hoàn thành sứ mệnh Apollo 14 bay xung quanh mặt trăng. Trải nghiệm này hoàn toàn thay đổi cuộc đời ông. Ông cũng đã thành lập một viện nghiên cứu về con người và môi trường.
Câu chuyện của một phi hành gia
Tại NASA, việc huấn luyện bay du hành mặt trăng được thực hiện vô cùng kỹ lưỡng. Các phi hành gia sinh hoạt và làm việc trong môi trường được mô phỏng giống như ở bên ngoài không gian. Do được huấn luyện quá kỹ nên Mitchell hầu như không còn cảm thấy sợ hãi hay háo hức khi tàu con thoi cất cánh, mọi chuyện đã trở nên quá… quen thuộc và bình thường!
Cảm giác quen thuộc này kéo dài cho đến khi lên đến mặt trăng. Mọi việc diễn ra trơn tru, đúng tiến độ và, theo như phi hành đoàn nhận thấy, nó gần chính xác như đã được lập trình sẵn. Thế rồi họ cũng đến nơi và bắt đầu chuẩn bị cho hành trình khám phá phần tối của mặt trăng .
Giống như mọi hoạt động khác, do đã được diễn tập trước nên chuyến khảo sát này chỉ mất một giờ đồng hồ hoặc nhiều hơn một chút. Song, một trải nghiệm hết sức ý nghĩa và đọng lại nhiều điều đáng suy ngẫm khi đi vào phần tối của mặt trăng đó là lần đầu tiên trong cuộc hành trình, họ không nhìn thấy Trái đất, không còn một dấu vết nào – ngay cả đến sóng phát thanh hay sóng truyền hình. Các phi hành gia hoàn toàn mất liên lạc với Trái đất!
Mitchell cho biết, năm phút đầu tiên ở trong phần tối của mặt trăng vẫn còn khá ổn, nhưng sau đó những thành quả của việc huấn luyện mô phỏng bắt đầu mất tác dụng. Cảm giác lo ngại, sợ hãi và trí tưởng tượng của ông từ từ trỗi dậy. Ông nghĩ nhiều hơn về Trái đất – nơi đó có vợ, các con, nhà của ông, hàng xóm của ông, bạn bè, những chốn thân quen và sự thay đổi màu sắc của các mùa trong năm.
Khi trí tưởng tượng lớn dần thì thời gian cũng bắt đầu kéo dài ra, cảm giác tựa như lúc bạn đang chờ đợi người yêu tới muộn. Nhưng Mitchell không chỉ nhớ đến một người, ông nhớ đến tất cả mọi người và mọi điều mà ông hằng yêu quý. Dường như có những tác động kỳ lạ do sự sai lệch về thời gian ở phần tối của mặt trăng. Ông tự hỏi liệu ông và những người khác có bị mắc kẹt trong bóng tối vĩnh cửu này không. Mitchell cho biết lúc đó ông cảm thấy một phút dài ra như một ngày, thời gian ở đây là vĩnh hằng.
Sau khoảng thời gian kéo dài tưởng chừng như vô tận ấy, theo quỹ đạo bay, rồi họ cũng tiến đến phía bên kia của mặt trăng.
Đây rồi, Trái đất lại hiện ra ngay trước mắt!
Nhưng Trái đất không giống như những gì Mitchell đã tưởng tượng. Ông từng nghĩ đó là một hành tinh khổng lồ, nơi có mái ấm thân yêu và gia đình mình. Nhưng những gì ông nhìn thấy bây giờ là một hành tinh xanh nhỏ xíu bồng bềnh giữa không gian đen kịt trải rộng bất tận. Bao quanh Trái đất là một lớp màn trắng mong manh – bầu khí quyển. Mitchell cảm thấy như ông thật sự có thể vươn tay ra đẩy nhẹ Trái đất, giống như một viên ngọc bé xíu, trôi vào quên lãng.
Khoảnh khắc ấy, cùng với nhận thức thoáng hiện về sự mong manh của ngôi nhà Trái đất đứng chơ vơ giữa ngôi nhà lớn Vũ trụ , đã tạo ra một bước chuyển lớn cho Edgar Mitchell. Khi trở về Trái đất, ông thấy thương cảm và quan tâm hơn đến mọi sinh linh, và quyết định cống hiến phần đời còn lại của mình để giúp bảo vệ hành tinh tuyệt đẹp, hiếm có và mong manh này.
Yêu và tôn trọng thiên nhiên là một nét đặc trưng của Trí tuệ Tâm linh. Các bộ tộc bản địa như người da đỏ châu Mỹ, thổ dân châu Úc… là những đối tượng rất đáng ngưỡng mộ về Trí tuệ Tâm linh. Họ quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn môi trường; tôn trọng và yêu thương muôn loài; tôn sùng và kính sợ Tạo hóa. Điều này bắt nguồn từ quan niệm cho rằng có mối dây “huyết thống” bền chặt giữa con người và Mẹ Trái đất, cho nên chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ Bà.
Nguồn cảm hứng từ thiên nhiên
Các nhạc sĩ và nhà thơ thường xem thiên nhiên như là nguồn cảm hứng sáng tác của mình. Để rồi từ đó ra đời biết bao tuyệt phẩm thơ ca, âm nhạc như chuyển tải cả tiếng lòng của thiên nhiên diệu kỳ.
Như Byron đã từng viết trong tác phẩm Childe Harold’s Pilgrimage:
“Niềm vui đang lấp lóa đâu đây giữa khu rừng chưa mòn lối,
Tiếng cười khúc khích bên bãi biển cô đơn.
Giữa vùng đất cấm vẫn tồn tại một xã hội,
Trước đại dương sâu thẳm, tiếng hát tiếp tục cất vang từ những con sóng thét gào…”
Tương tự như bao thi nhân mặc khách dễ rung cảm trước thiên nhiên, nhà huyền học William Blake cũng đã viết:
“Khi ngươi thấy một con đại bàng, ngươi đang nhìn thấy một phần của thiên tài.
Hãy ngẩng đầu ngươi lên!”
Và khi bàn về cách thức lý tưởng để tiếp cận với Vũ trụ, Blake đã để lại những dòng bất hủ sau:
“Nhìn ngắm cả Thế giới trong một hạt cát
Và Thiên đường trong bông hoa dại
Giữ lấy sự Vô hạn trong lòng bàn tay bạn
Và sự Bất diệt trong vòng một giờ.”
Beethoven, Mozart và nhiều nhạc sĩ khác đã lấy thiên nhiên làm nguồn cảm hứng sáng tác. Họ đưa tiếng hót của chim, âm thanh của gió, nước, tiếng kêu của loài vật và những âm thanh từ ruộng đồng vào tác phẩm âm nhạc của mình. Cả bốn phần trong bản giao hưởng số 6 – Đồng quê (Pastorale) của Beethoven đều được viết khi ông đang tản bộ ở miền quê!
Mẹ Thiên nhiên có cách tưởng thưởng cho những ai biết khám phá và thưởng thức vẻ đẹp của Bà, bằng cách giúp họ thấu hiểu vạn vật, rồi từ đó phát triển Trí tuệ Tâm linh. Một trong số đó là Ngài (Sir) David Attenborough, phát thanh viên người Anh, người từng đoạt giải cho loạt chương trình về thế giới tự nhiên. Mến phục trước vẻ đẹp và sự kỳ vĩ của thiên nhiên, ông đã làm ngạc nhiên và truyền cảm hứng cho hàng triệu người xem trên khắp hành tinh. Có lẽ rất ít người mê mẩn đến say lòng trước các kỳ quan thiên nhiên giống như Ngài David.
Hãy suy ngẫm về những điều sau đây rồi bạn sẽ hiểu tại sao ông và những người khác (chẳng hạn như Jane Goodall và Dian Fossey, những người bảo vệ cho loài khỉ, vượn) lại yêu thế giới tự nhiên đến thế.
Tôn kính sự sống và các sinh vật là một phần quan trọng của Trí tuệ Tâm linh!
Hồi sinh & trải nghiệm về sự cận tử
Những người mạnh về Trí tuệ Tâm linh đều xác nhận rằng chính trải nghiệm “chết đi sống lại” đã đánh thức họ khỏi sự u mê tâm linh. Có một trải nghiệm đã hoàn toàn khiến tôi trân quý cuộc sống này hơn so với trước kia.
Teri và “cuộc đời… thứ hai”
Teri, người bạn tốt của tôi, là một tay đua xe đạp cự phách, một nhà leo núi và thám hiểm hang động. “Cuộc đời thứ nhất” của anh kết thúc khi anh tuột tay trong lúc leo xuống bề mặt gồ ghề của một hang động. Khoảnh khắc có ý thức cuối cùng của anh là khi anh rơi xuống từ độ cao hơn 50 mét, đầu đập mạnh vào một mỏm đá trên đường rơi xuống. Mọi thứ tưởng chừng đã chấm dứt khi anh nằm bất động trên vũng máu với đầu gối vỡ nát, đôi chân, bàn chân, bàn tay, xương sườn đều gãy, phổi bị thủng, và hộp sọ bị nứt.
Nhưng một “trang đời” mới của Teri lại bắt đầu – ở trong bệnh viện, khi anh tỉnh lại và nhận ra rằng anh đã được “hồi sinh”. Kể từ sau lần “trở lại” ấy, anh nhìn mọi thứ xung quanh với cái nhìn tích cực, lạc quan, đáng nhớ và có ý nghĩa. 30 năm sau, Teri thuật lại rằng “cuộc đời thứ hai” đã hoàn toàn thay đổi thái độ sống của anh. Anh xem mỗi ngày là một món quà và vui vẻ tận hưởng từng khoảnh khắc tuyệt vời của nó. Anh giàu lòng trắc ẩn và biết quan tâm đến người khác hơn. Anh làm mọi người xung quanh luôn cảm thấy thoải mái với tấm lòng hào phóng và tính hài hước của mình.
Đúc rút từ những trải nghiệm có được sau biến cố lớn của đời người, anh giải thích ngắn gọn rằng: “ Khi bạn có cơ hội được sống lần thứ hai, bạn sẽ nhìn mọi thứ khác đi và thêm trân trọng những gì bạn có ”.
Tony Buzan và “Quả bóng nổi”
Chuyện xảy ra vào một lần đi nghỉ mát tại vùng biển Ca-ri-bê. Sáng sớm hôm ấy, tôi thong dong vẫy vùng trong một vịnh nước trong xanh như ngọc và lặng yên không một gợn sóng. Chẳng để ý mình đang bơi tới đâu, tôi cứ ngửa mình bơi một quãng dài thoải mái. Đến khi dừng lại để bơi quay về, tôi nhìn thấy có thứ gì đó trông giống như quả bóng đang nổi trên mặt nước. Không một chút suy nghĩ (cũng là cái tật khó bỏ), tôi bơi về phía nó. Rồi tôi nhận thấy rằng màu nước bên dưới dường như không còn trong xanh nữa. Đột nhiên não của tôi nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm và gào lên với tôi:
“Này chiến binh!”
Sợ hãi, tôi vươn người ra sau – nhưng đã quá muộn! Những chiếc vòi màu đỏ tía cứ quấn quanh hông và chân tôi, hất tung tôi lên khỏi mặt nước trong sự đau đớn. Tôi cảm thấy thân thể mình như bị trói trong cuộn dây thép gai, rồi tiếp đó là một luồng điện đau tê người xẹt qua.
Tôi chợt nhớ (và hiểu) đến những câu chuyện từng nghe được về những người đã chết trong tình huống tương tự. 10 hay 15 phút sau đó, tôi giống như một nhân vật trong phim hoạt hình Walt Disney với đôi chân vẫy đạp tựa hồ chiếc chân vịt tàu thủy, nỗ lực hết sức để bơi trở lại bờ. Với mỗi cố gắng, tôi tự hỏi liệu chất độc sẽ sớm kết liễu đời tôi chứ, hay từ từ khiến cho các cơ trên người tôi bất động và làm tôi chết đuối.
Nhưng…
… bạn đang đọc cuốn sách này có nghĩa là tôi đã sống sót. Tôi chỉ nằm viện trong một thời gian ngắn và khi xuất viện tôi vẫn còn bị sốc với bài học mà Mẹ thiên nhiên đã dạy, rằng tôi phải cẩn trọng và cảnh giác hơn nữa trước những mối hiểm nguy.
Tuy nhiên, bài học quan trọng nhất đó là khi phải đối diện với viễn cảnh quỹ thời gian tồn tại sẽ sớm kết thúc, hãy hết sức trân trọng và vui vẻ tận hưởng “món quà” quý giá của cuộc sống – là mỗi một khoảnh khắc khi vẫn còn hiện hữu trên cõi đời.
Bạn có thể làm nên sự khác biệt?
“Thượng đế ngủ trong đá,
mơ màng trong cỏ cây,
trở mình trong động vật,
và thức giấc trong nhân loại.”
- Sufi
Tin tưởng rằng bản thân mình có thể tạo ra sự khác biệt, đó chính là dấu hiệu của Trí tuệ Tâm linh.
Theo thuyết Hỗn độn (Chaos Theory) , một con bướm đập cánh ở rừng nhiệt đới Amazon (Brazil) có thể làm nhiễu loạn không khí, cuối cùng đủ để gây ra trận cuồng phong ở đảo Java (Indonesia). Mọi điều bạn nói hoặc làm đều tác động đến môi trường và những người xung quanh, rồi “họ” lại ảnh hưởng đến những đối tượng khác nữa. Cứ như vậy, sức lan tỏa là vô cùng, vô tận.
Bạn và tâm hồn của bạn là bất tử ! Nếu vậy thì bạn sẽ để cho sự bất tử này ảnh hưởng đến nhân loại và hành tinh theo hướng tích cực, hay cứ phó thác cho sự may rủi quyết định, hoặc là chỉ tập trung xử lý mặt bất lợi của sự bất tử? Những người giàu Trí tuệ Tâm linh chắc chắn sẽ chọn ngay phương án đầu tiên.
Đến đây, hẳn là bạn cũng dần nhận ra vẻ đẹp và sự cao quý của bản thân, sự bao la và vẻ đẹp của Vũ trụ, bản chất tuyệt vời của Thiên nhiên. Vì vậy bạn đã sẵn sàng thực hiện những bài tập rèn luyện sau để đánh thức sự thông thái nội tâm, hay Trí tuệ Tâm linh của mình.
Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh
Hãy quan tâm tìm hiểu những khả năng phi thường của cơ thể và trí não bạn nhiều hơn nữa. Tìm đọc những thông tin khoa học thường thức – từ não bộ cho đến gen di truyền. Thường xuyên vận dụng những kiến thức này để nâng cao nhận thức về bản thân và phát triển lòng tự tin.
Từ những hiểu biết về bản thân, hãy vận dụng kiến thức này để nhận ra vẻ đẹp và sự cao quý của mọi người xung quanh – bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, những người bạn gặp trên phố, và thậm chí là kẻ thù.
Một khi bạn nhận thấy tất cả mọi người đều độc đáo như mình, bạn sẽ nhìn mọi người qua một lăng kính hoàn toàn mới: sâu bên trong mỗi người đều tỏa lấp lánh ánh sáng thánh thiện . Hãy kiểm tra xem bạn có thể làm gì để bày tỏ lòng cảm kích đối với họ, giúp đỡ và học hỏi từ họ nhiều hơn nữa.
Ngẫm nhìn lại quãng thời gian qua, cùng với những sự kiện quan trọng, những biến cố, thương tổn, nỗi đau và thất bại, hãy nhận thức rằng những điều ấy đang giúp cho tinh thần bạn thêm mạnh mẽ.
Hãy làm tất cả những gì có thể để nuôi dưỡng nguồn sức mạnh đang ngày một gia tăng trong bạn – chẳng hạn như nhìn vào mặt tích cực, tươi sáng và góp nhặt thật nhiều bài học cho “túi khôn” của mình.
Dành thời gian thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên bằng tất cả các giác quan. Nếu có thể, hãy thường xuyên tản bộ trên con đường quê hoặc trong công viên để “uống” lấy bầu không khí trong lành, những mùi hương, âm thanh và cả sự bình yên.
Bạn đã có bao nhiêu suy nghĩ từ khi sinh ra cho đến nay? Bao nhiêu người có suy nghĩ giống với bạn, tại cùng một thời điểm và địa điểm?
Bạn là người vô cùng độc đáo, không thể lẫn vào đâu giữa những người đã từng sống, đang sống và sẽ sống. Bạn chỉ có một trong Vũ trụ rộng lớn này, cũng giống như 7 tỷ con người khác. Chúng ta cùng sống trong một cộng đồng nhưng vẫn giữ được những nét riêng của mình!
Thật thú vị khi nhìn ngắm các vì sao vào ban đêm. Toàn bộ Vũ trụ bạn nhìn thấy đang được tái tạo trong đầu bạn! Bạn có nhận thấy khả năng phi thường của mình không? Bạn, chỉ như một cái chấm nhỏ xíu trong Vũ trụ, lại có thể nắm bắt và tái tạo cả Vũ trụ ở trong đầu.
Hãy tự hỏi mình những câu đại loại như:
Hãy để trí tưởng tượng của bạn được bay bổng tự do, hoặc hỏi bạn bè của bạn để xem bạn sẽ nhận được câu trả lời giàu tưởng tượng và sáng tạo đến mức nào. Tìm đọc các loại sách khoa học để khám phá thêm về Vũ trụ và những cư dân sống trong đó.
Mỗi khi bạn cảm thấy khó chịu và than vãn về thời tiết – do bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông, những người xung quanh hoặc bởi chính suy nghĩ của mình – thì hãy nghĩ về những lựa chọn khác!
Như vậy, ngôi nhà Trái đất quả thật là Thiên đường – cực kỳ cân bằng! Bất kỳ thay đổi nào dù chỉ nhỏ hơn 1 phần trăm trong “công thức” tạo ra Trái đất cũng có thể làm cho điều kiện sống trở nên vô cùng khắc nghiệt, không thể sinh sống.
Vì thế, hãy vui vẻ tận hưởng mọi dạng thời tiết – từ nắng nóng, băng giá, gió giật, mưa rào, sương mù cho đến tuyết lạnh. Chính những thay đổi này giúp cho hệ sinh thái Trái đất tồn tại, phát triển và hỗ trợ bạn.
Mỗi khi thấy mình đang phải vật lộn để “dập tắt” hết rắc rối này đến cơn khủng hoảng khác, hãy dừng lại một lúc. Khoảnh khắc nghỉ ngơi sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn cảnh và ngẫm lại ý nghĩa của cuộc sống. Rồi bạn sẽ tĩnh tâm hơn, “dịu mát” trở lại để có thể dập tắt các “đám cháy nhỏ” kia.
Một lần nữa, vào những lúc vội vã và căng thẳng, hãy ngẫm nhìn những “hành động tâm linh” tốt đẹp đang diễn ra “ngoài kia”: rất nhiều người đang phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu; cha mẹ cố gắng làm tròn trách nhiệm nuôi dạy những “mầm non tương lai”; các tổ chức từ thiện miệt mài lan truyền “lửa yêu thương” ấm áp; các nhạc công đang cất lên những âm thanh vui đời; các họa sĩ đang điểm tô cho cuộc sống thêm tươi đẹp; các văn nhân say sưa sáng tác ngợi ca cuộc đời; và người người đang hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Hãy nhớ rằng bạn là một phần của “bức tranh toàn cảnh”, là thành viên của nhóm bảo vệ hành tinh . Do đó bạn phải quyết tâm theo đuổi những mục tiêu và lý tưởng sống của mình.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Tâm linh
Bản đồ Tư duy Trí tuệ Tâm linh
Để hỗ trợ cho phần Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh , trong bài tập thú vị sau, bạn sẽ hình dung mình là một phi hành gia lạc lõng giữa không gian hoặc bị mắc kẹt ở một trong những hành tinh khác thuộc hệ Mặt trời (cũng giống như Edgar Mitchell). Hãy lấy một tờ giấy lớn, ghi ra tất cả những món quà mà Trái đất dành tặng cho bạn và những điều bạn mơ ước được có lại.
Bên cạnh cách liệt kê như thông thường, bạn có thể vẽ Bản đồ Tư duy để thể hiện ra suy nghĩ của mình. Bản đồ Tư duy trông rất vui mắt, dễ thực hiện. Đây là một trong những phương pháp tuyệt vời giúp sắp xếp và ghi nhớ.
Bước đầu tiên là vẽ một hình ảnh thể hiện ý tưởng chủ đạo của bạn (trong trường hợp này là hành tinh Trái đất) vào giữa tờ giấy. Từ hình ảnh trung tâm, tỏa ra nhiều đường cong đầy màu sắc giống như nhánh cây (nhánh cấp 1). Trên mỗi nhánh, viết một từ/cụm từ ngắn thể hiện suy nghĩ của bạn khi bị mắc kẹt trong không gian, đang mơ xa về Trái đất. Từ/cụm từ ấy gợi lên trong tâm trí bạn những suy nghĩ gì? Rồi từ một nhánh chính, tiếp tục tỏa ra các nhánh nhỏ hơn (nhánh cấp 2), thể hiện ý nghĩ thoáng hiện của bạn. Thực hiện tương tự như vậy cho các cấp nhánh tiếp theo!
Hãy biến Bản đồ Tư duy thành một bức tranh đầy màu sắc và giàu ngôn ngữ hình ảnh – bộ não tư duy bằng màu sắc và hình ảnh, chứ không phải bằng câu chữ dài dòng. Bạn có thể tham khảo các ví dụ trong cuốn sách này để thấy Bản đồ Tư duy đẹp và sinh động như thế nào.