"Ta thường quan tâm đến những người cũng biết quan tâm đến ta."
- Publilius Syrus
Rõ ràng nhà thơ La Mã Publilius đã biết về Trí tuệ Xã hội! Nếu ai đó thể hiện sự quan tâm đến ta và thật sự mong muốn được hiểu ta hơn, ta cũng sẽ quan tâm đến họ và đánh giá tốt về họ.
Cách tốt nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất để thể hiện sự quan tâm đến người khác chính là lắng nghe những gì họ đang nói – thật sự lắng nghe, tập trung vào những lời họ nói thì khác với việc chỉ vờ đứng đó nhưng trong đầu lại lên kế hoạch cho những chuyện riêng tư!
Người có Trí tuệ Xã hội luôn cho rằng người nói đáng được quan tâm và đáng quý.
Câu chuyện cảnh báo về Trí tuệ Xã hội – phần 2
Trong lúc tôi vẫn còn trong giai đoạn "đao to búa lớn" của quá trình phát triển Trí tuệ Xã hội, tôi thường có xu hướng "thống trị các tần số phát thanh". Bởi lẽ tôi nghĩ rằng càng đưa ra nhiều quan điểm xuất chúng thì cuộc hội thoại sẽ càng tuyệt vời.
Đây là quan điểm hết sức phiến diện.
Thế là Mẹ Thiên nhiên đã can thiệp và dạy cho tôi một bài học quý báu.
Trước một sự kiện xã hội quan trọng nọ, tôi đã bị viêm họng. Tôi hoàn toàn chán chường khi không thể thốt ra một lời nào.
Ở buổi tiệc, tôi có cơ hội tiếp xúc với một người lúc nào cũng nồng nhiệt với mọi điều. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện hết sức sôi nổi. Nhưng vì giọng nói yếu ớt của mình, không lâu sau, tôi đành ngừng nói, chuyển sang gật đầu, ừ hử và thỉnh thoảng đặt câu hỏi. Nhờ vậy mà người bạn mới quen có cơ hội được trình bày lâu hơn năm phút.
Đến khi chào tạm biệt nhau, tôi cứ đinh ninh anh ta sẽ cho rằng tôi là một gã tẻ nhạt vì tôi chỉ góp lời rất ít vào cuộc hội thoại giữa hai người, trong khi anh ta đóng góp đến 95%.
Nhưng bất ngờ thay, anh ta lại cho rằng tôi chính là bậc thầy về nghệ thuật giao tiếp, biết cách thể hiện sự quan tâm, thích thú và khơi gợi lòng nhiệt tâm chia sẻ của người đối diện.
Vì sao lại thế?
Tôi dần nhận ra chúng tôi thực sự đã có một cuộc hội thoại tuyệt vời. Anh bạn ấy chiêu đãi tôi bằng những câu chuyện thú vị và những ý tưởng khơi dậy sự quan tâm, hào hứng khám phá. Chính cơ thể tôi, chứ
không phải giọng nói, đã "đáp lời" anh. Nó thể hiện rằng tôi cảm thấy thích thú, đang đi theo dòng mạch câu chuyện. Và nhờ sự hiện diện tích cực – kiệm lời, nghe nhiều – của tôi, anh ta có thể khám phá ra nhiều điều hơn về những suy nghĩ của mình, theo đó anh không chỉ giao tiếp với tôi mà còn giao tiếp với chính mình nữa.
Qua đó, tôi nhận thấy rằng khi lắng nghe, tôi đang trao cho mình cơ hội tuyệt vời để buông lỏng, thoải mái tận hưởng những câu chuyện và ý tưởng tuyệt vời; đồng thời tôi còn tạo điều kiện cho người khác được tự do thể hiện.
Rồi tôi hổ thẹn khi nghĩ đến điều mà Leonardo da Vinci từng nhận xét: hầu hết mọi người đều "nghe chứ không nghe thấy".
Lắng nghe – một nghệ thuật bị lãng quên
Chúng ta thường dành khoảng 50% đến 80% cuộc đời mình cho hoạt động giao tiếp và trong đó, khoảng một nửa thời gian giao tiếp là dành cho việc lắng nghe. Ở trường học, tỷ lệ này còn cao hơn. Còn trong kinh doanh, lắng nghe được xem là một trong ba kỹ năng quan trọng nhất cần có ở người quản lý.
Thú vị thay, dù có tầm quan trọng đến thế nhưng lắng nghe lại bị xem như là một kỹ năng thứ yếu trong nghệ thuật giao tiếp, trong khi đây lại là kỹ năng được học trước nhất và được sử dụng nhiều nhất. Những số liệu trong bảng sau sẽ phản ánh rõ điều này:
Được học Được sử dụng Được dạy
Nghe Trước nhất Nhiều nhất (45%) Ít nhất
Nói Thứ hai Nhiều (35%) Ít
Đọc Thứ ba Ít (16%) Nhiều
Viết Thứ tư Ít nhất (9%) Nhiều nhất
Trí tuệ Xã hội sẽ giúp bạn điều chỉnh lại sự mất cân đối này.
Bước kiểm tra 1
Bạn tự đánh giá khả năng lắng nghe của mình ở mức nào theo thang điểm từ 0 đến 100? Trong đó, 0 hàm nghĩa bạn là người lắng nghe tệ chưa từng thấy, còn 100 có nghĩa là bạn lắng nghe tốt hơn bất kỳ ai. Bạn nghĩ mình lắng nghe tốt đến đâu?
Bước kiểm tra 2
Theo thang điểm 0 – 100, bạn nghĩ những người sau đây sẽ đánh giá khả năng lắng nghe của bạn ở mức bao nhiêu?
1. Gia đình bạn (có thể lấy điểm của từng cá nhân hoặc
tính trung bình cộng)
2. Bạn thân nhất
3. Những người bạn khác
4. Cấp trên
5. Đồng nghiệp
6. Bất kỳ người nào thuộc quyền quản lý của bạn trong công việc
Hầu hết mọi người (thật ra là đến 85%) đều tự chấm hoặc thấp hơn. Chỉ có 5% số người tự đánh giá mình thuộc ngưỡng 80 – 90 hoặc cho rằng mình là người lắng nghe xuất sắc. Sau khi đọc xong chương này, hẳn bạn mà xem!
Ở phần người khác đánh giá khả năng lắng nghe của bạn, nếu bạn nghĩ bạn thân nhất của bạn sẽ cho đó cũng là điều bình thường! Trên thực tế, hầu hết mọi người đều tin là người bạn thân của họ sẽ cho họ điểm lắng nghe cao hơn điểm số mà họ tự đánh giá.
Mọi người đều cho rằng cấp trên sẽ cho họ điểm số cao thứ hai, và điểm số này vẫn cao hơn điểm số tự đánh giá. Nguyên nhân là do sức mạnh của thẩm đối với người nắm quyền chi phối toàn bộ hoặc một phần cuộc sống của họ. Thật thú vị là, (bạn nên suy ngẫm điều sau đây!) số điểm từ đồng nghiệp hay cấp dưới của bạn bằng đúng số điểm mà bạn tự đánh giá, tức khoảng 55 điểm.
Số điểm từ các thành viên trong gia đình dao động mạnh hơn, tùy thuộc vào cấu trúc gia đình và mối quan hệ. Đáng buồn thay, số điểm mà người bạn đời của họ sẽ dành cho họ lại giảm dần theo số năm chung sống. Có một bài học nằm ở đây...
Những thói quen xấu khi lắng nghe
Sau đây là 10 thói quen xấu cản trở khả năng lắng nghe hiệu quả và làm suy yếu Trí tuệ Xã hội của bạn:
1. Giả vờ chăm chú nghe
2. Làm việc khác trong khi đang lắng nghe
3. Cho rằng chủ đề lắng nghe không thú vị
4. Bị phân tâm bởi cách nói chuyện hoặc điệu bộ của người nói
5. Bị cuốn quá sâu vào câu chuyện đến nỗi bỏ sót nội dung chính trong bức thông điệp của người nói
6. Để cho những lời lẽ đầy cảm xúc khuấy động cơn giận và sự phản kháng bên trong bạn
7. Tập trung vào những yếu tố gây phân tâm thay vì chú ý đến thông điệp của người nói
8. Liên tục ghi chú – chỉ nghe và không có phản hồi
9. Lắng nghe chỉ để lấy dữ kiện
10. Tránh né những điều phức tạp, khó hiểu
Bạn thấy mình mắc phải những thói quen xấu nào? Hãy ghi lại những điểm yếu của bạn để tìm cách cải thiện khả năng lắng nghe.
Lắng nghe chủ động
Lắng nghe không phải là một việc làm thụ động, cũng không phải là phần "nhàm chán" hay "nhạt nhòa" của cuộc hội thoại. Bản thân tôi khám phá thấy rằng lắng nghe tốt là yếu tố tối quan trọng cho một cuộc hội thoại thành công, hiệu quả và thú vị.
"Sức mạnh tinh tế của ngôn ngữ không nằm ở lời nói."
- Robert Benchley
Không phải là "nuốt" lấy từng lời của người nói, chỉ cần tinh ý nhận ra ngôn ngữ cơ thể của họ, ta có thể cảm nhận được rất nhiều điều từ cuộc hội thoại – lắng nghe cả xúc cảm lẫn nội dung bức thông điệp của người nói.
Có một câu nói hài hước nhưng lại vô cùng phù hợp với nội dung này, đó là: "Tôi biết bạn luôn tin rằng bạn đã hiểu những gì bạn nghĩ là tôi nói, nhưng tôi không chắc liệu bạn có nhận ra những gì bạn nghe chưa hẳn là những gì tôi nói!".
Nhờ "lắng nghe" toàn bộ cơ thể của người nói, ta mới thực sự biết được điều họ muốn nói!
Rèn luyện Trí tuệ Xã hội
1. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Hãy áp dụng những điều bạn học được về ngôn ngữ cơ thể trong chương trước, lắng nghe từng lời và chú ý đến cả ngôn ngữ cơ thể của người nói. Phương pháp này sẽ giúp bạn tiếp nhận được nhiều nội dung hơn so với bản thân những từ ngữ ấy. Lắng nghe theo cách này sẽ giúp bạn trở thành người lắng nghe "trọn vẹn", thay vì chỉ lắng nghe "một phần".
Cũng hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bạn. Nếu bạn đang trong tư thế ủ rũ, thờ ơ (dù là vô tình hay chủ ý) khi lắng nghe người khác nói thì tự thân kiểu tư thế như vậy sẽ gửi bức thông điệp không lời đến người nói, khiến họ cảm thấy nản lòng, chẳng buồn chia sẻ thêm.
Nếu bạn luôn chú ý và ngôn ngữ cơ thể bạn thể hiện vẻ quan tâm, bạn đang chuyển tải đến người nói thông điệp rằng phần nói chuyện của họ thật sự thú vị, và nhờ đó giúp họ thêm tự tin để tiếp tục tỏa sáng.
Chính bạn là người góp phần tạo ra sự buồn tẻ hoặc hứng khởi cho bất cứ điều gì bạn nghe.
2. Rèn luyện khả năng tập trung cho não bộ
Bộ não của chúng ta có khả năng tập trung thật tuyệt vời.
Chẳng hạn như khi bạn dự tiệc trong một nhà hàng, ở trong quán bar hay phòng trà náo nhiệt, bộ não vẫn có khả năng "cách âm" hoàn toàn với những tiếng ồn có cường độ hơn 50 decibel nếu vào lúc ấy bạn đang tập trung vào một ai đó. Khả năng này tương tự như việc người mẹ có thể nghe thấy tiếng con mình khóc giữa đám đông ồn ào.
Bí quyết ở đây chính là tập trung vào những gì bạn muốn nghe và bỏ ngoài tai những gì bạn không thích. Nếu nghĩ nhiều đến những yếu tố khiến bạn phân tâm, chúng sẽ càng được phóng đại lên và làm bạn phân tâm hơn nữa! Khi hết sức tập trung vào người nói và nội dung họ đang nói, bạn sẽ "khuyếch đại" được những âm thanh cần nghe và "tắt" hẳn những âm thanh nhiễu khác.
Một trong những cách dễ dàng để phát triển năng lực "mới" này chính là trò chơi Lắng nghe từ cuộc sống. Mỗi khi đi tản bộ ngoài trời, hãy "bắt sóng" những "trạm phát thanh" quanh bạn. Lắng nghe các "kênh" như tiếng chim hót, tiếng người, tiếng xe cộ, tiếng mưa, tiếng gió…
Nếu bạn thường xuyên luyện tập cách tách riêng những âm thanh mà bạn muốn nghe, bạn sẽ trở thành bậc thầy trong việc tách lọc những âm thanh không mong muốn. Bạn sẽ thêm trân trọng thế giới âm thanh sống động này, đồng thời cũng nâng cao khả năng lắng nghe và Trí tuệ Xã hội của bản thân.
3. Tỷ lệ 2:1
Hãy nhớ rằng bạn có hai tai và một cái miệng – chứ không phải ngược lại!
Lần tới, khi ở vào tình huống thích hợp, hãy cố gắng dành thời gian lắng nghe nhiều gấp đôi thời gian nói. Trí tuệ Xã hội của bạn sẽ được củng cố mạnh mẽ nếu bạn làm được như vậy – người ta thường bảo người càng thông thái thì càng ít nói, và sẽ lắng nghe nhiều hơn.
4. Giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt chính là yếu tố cơ bản để thể hiện sự quan tâm, ấy vậy mà mọi người thường quên mất điều này. Như vậy không có nghĩa là bạn phải liên tục nhìn chằm chằm vào mắt người đối diện trong suốt quá trình giao tiếp (có nhiều người cảm thấy sợ khi bị nhìn chằm chằm, nhưng cũng trong nhiều trường hợp cái nhìn này lại được chấp nhận!).
Thường xuyên trao cái nhìn ấm áp là cách ngầm bảo rằng bạn vẫn quan tâm đến cuộc hội thoại, cũng như vẫn chú ý đến người nói.
5. Ghi chép bằng Bản đồ Tư duy
Nhiều người thường ghi chép bằng cách viết hoặc vẽ nguệch ngoạc trong khi nghe thảo luận, nghe diễn thuyết, hoặc khi nghe điện thoại. Trong những tình huống như thế này, những nét chữ nguệch ngoạc không phải là tác nhân gây xao lãng mà trái lại còn giúp nâng cao sức tập trung hơn nữa.
Bản đồ Tư duy là một dạng viết, vẽ nguệch ngoạc có sắp xếp. Khi kết hợp với năng lực tuyệt vời của bộ não, kỹ thuật ghi chép này sẽ giúp bạn nhớ mọi thứ dễ dàng hơn nhiều so với các phương pháp ghi chép thông thường.
Rất dễ để thực hiện một Bản đồ Tư duy(*). Bạn sẽ tìm thấy nhiều ví dụ tuyệt vời trong sách này, có cả màu sắc minh họa nữa. Những gì bạn cần làm là lấy một tờ giấy (càng to càng tốt), rồi vẽ ở giữa tờ giấy một hình ảnh tượng trưng cho chủ đề chính mà bạn chọn để triển khai ý tưởng.
(*) Quý độc giả có thể tham khảo thêm cách thực hiện Bản đồ Tư duy từ quyển Sức mạnh của Trí tuệ Sáng tạo (The Power of Creative Intelligence) của tác giả Tony Buzan, do First News xuất bản.
Thử hình dung bạn đang lắng nghe chủ đề về "Nghệ thuật lắng nghe". Chủ đề chính này được thể hiện qua hình ảnh một cái tai (xem hình minh họa ở cuối chương). Từ hình ảnh trung tâm, bạn sẽ vẽ tỏa ra những nét trông giống như cành cây, và viết lên đó những yếu tố quan trọng trong nghệ thuật lắng nghe, chẳng hạn như: ngôn ngữ cơ thể, lắng nghe chủ động... Từ mỗi nhánh lớn, bạn tiếp tục vẽ tỏa ra những nhánh nhỏ khác để phát triển thêm ý tưởng mới.
Điều tuyệt vời ở Bản đồ Tư duy chính là từ ngữ và hình ảnh đều được sử dụng để tăng khả năng liên tưởng của trí não. Không những vậy, khi bố cục, hình ảnh càng độc đáo, sinh động và nhiều màu sắc, Bản đồ Tư duy càng phát huy tác dụng tốt. Bộ não của chúng ta vốn có khả năng phối hợp sử dụng từ ngữ, màu sắc, hình dạng và hình ảnh. Với kỹ thuật Bản đồ Tư duy, chúng ta đang tạo điều kiện cho bộ não phát huy tối đa chức năng, thay vì cản trở nó hoạt động.
Khi đã vẽ ra những hình ảnh, vạch ra những ý tưởng có tính "dắt dây" nhau, ta càng có khả năng thấu hiểu chủ đề đang được trình bày. Đừng lo lắng khi tấm Bản đồ của bạn trông có vẻ rối rắm! Có thể xem đây như là bản nháp, bạn sẽ sắp xếp lại những ghi chú của mình sau khi cuộc nói chuyện hay bài thuyết trình kết thúc.
6. Lắng nghe với đầu óc cởi mở
Những từ ngữ khơi dậy cảm xúc tiêu cực rất dễ khiến ta phân tâm. Nhưng suy cho cùng thì chúng cũng chỉ là từ ngữ, hãy cố gắng xem xét chúng với cái nhìn khách quan.
Lắng nghe tích cực, bạn có thể hiểu cách nghĩ của người khác. Qua đó bạn sẽ dễ tương giao và thấu hiểu họ hơn chứ không vướng vào những bất đồng cảm xúc.
7. Khai thác triệt để công năng của bộ não – tốc độ tư duy chớp nhoáng
Tốc độ tư duy của bộ não nhanh hơn tốc độ nói từ 4 đến 10 lần. Nghĩa là trong khi lắng nghe, bạn vẫn còn rất nhiều thời gian rỗi để tận dụng công năng của não bộ. Suy nghĩ cẩn trọng, chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của người khác, nắm bắt ý nghĩa hàm chứa trong câu nói; rồi sắp xếp, tóm tắt, phân tích và ghi chép lại nội dung nghe được bằng Bản đồ Tư duy.
Cách này sẽ giúp bạn trở thành người lắng nghe chủ động và biết quan tâm đến mọi người – mẫu người mà ai cũng thích kết bạn.
8. Đánh giá nội dung, chứ không đánh giá cách truyền tải
Nếu bạn không phải là giám khảo trong cuộc tranh tài hùng biện thì hãy tập trung vào nội dung được nghe, như những người có Trí tuệ Xã hội thường làm, thay vì săm soi chỉ trích, đánh giá tiêu cực những thiếu sót trong phương pháp hay phong cách truyền đạt của người nói.
Thái độ tiêu cực của bạn sẽ được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể, làm người nói cảm thấy bị xúc phạm và ảnh hưởng đến những người xung quanh. Rõ ràng đây không phải là cách thu phục lòng người và xây dựng những mối quan hệ mới. Luôn nhớ rằng chỉ chú trọng vào nội dung mà thôi.
9. Nhận ra ý tưởng chính trong lúc lắng nghe
Trong lúc lắng nghe, nhiều người chỉ nghe từng "cái cây" nên đến phút cuối vẫn chưa thể thấy cả "rừng cây". Bộ não sẽ hoạt động tốt hơn khi nó nắm bắt cả "tấm bản đồ lãnh thổ". Vì vậy ta nên chú ý lắng nghe để nhận ra ý tưởng chủ đạo – xem đó là nhánh chính cho Bản đồ Tư duy trình bày tổng thể những gì người khác đang nói.
Theo cách này, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và không hề căng thẳng khi tập trung lắng nghe. Không chỉ có thế, bạn còn biết lắp từng "mảnh" dữ kiện vào đúng vị trí của nó. Nhờ đó bạn dễ dàng thấu hiểu nội dung cuộc hội thoại hơn.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Xã hội
• Kỹ năng lắng nghe của tôi đang được cải thiện.
• Tôi đang lắng nghe với đầu óc cởi mở.
• Càng ngày tôi càng thấy thích thú lắng nghe tất cả các chủ đề.