Hẳn là ai trong số chúng ta cũng đều từng trăn trở, bối rối khi chuẩn bị cho buổi đầu tiên hẹn hò với người đặc biệt nào đó: không biết nên mặc gì (có lịch sự quá không? quá bình thường? quá nổi bật?); nên đến đúng giờ hay trễ 10 phút; nên nói gì với người ấy, v.v.
Trong chương này, tôi sẽ gợi ý cho bạn một vài ý tưởng để tạo ra tác động tích cực, lâu dài với những người bạn gặp – giúp biến mối quan hệ xã giao đơn thuần trở thành mối quan hệ thân thiết, đem lại lợi ích cho tất cả những ai có liên quan.
Càng có nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi, Trí tuệ Xã hội của bạn càng phát triển. Vòng tròn mối quan hệ càng rộng, bạn càng được biết đến và được yêu mến hơn, có cuộc sống đáng tận hưởng hơn, và (tin hay không tùy bạn) bạn cũng sẽ khỏe mạnh hơn!
Tình huống nghiên cứu – Những trái tim cô đơn
Một nghiên cứu ở Thụy Điển đã xác định việc sống một mình và ít bạn bè có thể khiến bạn chết sớm. Nghiên cứu này cho rằng sự cô lập xã hội không tốt cho sức khỏe của chúng ta, và giải thích tại sao những người sống cô lập với xã hội dễ mắc bệnh tim và một số bệnh khác.
Bác sĩ Myriam Horsten và các đồng nghiệp tại Viện Karolinska, Stockholm đã tiến hành đo nhịp tim của 300 phụ nữ khỏe mạnh trong khoảng thời gian hơn 24 giờ. Những người phụ nữ này cũng được khảo sát về mạng lưới bạn bè, cùng với mức độ giận dữ và chán nản của họ.
Horsten và nhóm của cô thấy thú vị với mức độ thay đổi nhịp tim của con người trong một ngày bình thường. Người khỏe mạnh và biết đặt mục tiêu sống lâu dài, hạnh phúc sẽ có biên độ thay đổi nhịp tim rộng hơn. Còn những phụ nữ sống một mình, ít bạn bè và không có ai giúp đỡ trong những hoạt động dễ gây căng thẳng (như chuyển nhà) thì nhịp tim ít thay đổi. Nhịp tim của họ không đa dạng nên thường có khả năng chết sớm hơn, nhất là chết vì bệnh tim.
Rõ ràng là việc sống tích cực, hòa đồng sẽ làm cho tim có biên độ nhịp đập rộng hơn. Cười, thích thú, đam mê, giận dữ, thất vọng, thư giãn và một loạt cảm xúc có liên quan đến các hoạt động xã hội sẽ giúp rèn luyện cho trái tim thêm khỏe mạnh, điều mà những người sống thui thủi một mình sẽ không có được.
Horsten kết luận: "Càng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh, mức độ thay đổi nhịp tim sẽ càng cao". Như vậy, sống trong cô lập cũng là một nhân tố nguy hại đến sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Ấn tượng đầu tiên luôn rất quan trọng!
Não bộ của chúng ta có khả năng hồi tưởng những thông tin đã tiếp nhận từ lần đầu tiên (dù là từ rất lâu) tốt hơn so với những thông tin nhận được sau đó.
Theo nguyên lý Những điều đầu tiên sẽ xuất hiện trước, ta có khả năng nhớ lại buổi đầu gặp gỡ với người quan trọng nhất đời ta, nhớ lần đầu đến thăm một thành phố hay một đất nước xa lạ, và thậm chí có thể làm sống lại trong tâm trí chuỗi ngày hạnh phúc với mối tình đầu của mình!
Cũng theo nguyên lý này, khi đến tham dự một sự kiện xã hội, chính không gian, con người và bầu không khí ở nơi đó sẽ gợi nhắc ta về những ấn tượng ban đầu.
Người có Trí tuệ Xã hội là người dám đứng lên trình bày ý kiến của mình trước những người chưa bao giờ tiếp xúc, và luôn được nhớ đến bởi sự nồng nhiệt, thái độ tích cực và biết quan tâm đến những người khác.
Sau đây là những bí quyết giúp bạn để lại những ấn tượng đẹp trong lần đầu gặp gỡ:
• Đứng với tư thế đĩnh đạc, tự tin và hoạt bát; bắt tay với lực vừa đủ mạnh; nhìn vào mắt người đối diện khi chào, và đừng quên nở một nụ cười.
• Giao tiếp bằng ánh mắt với người đối diện – điều này thể hiện bạn có quan tâm tới họ, và tự động bạn sẽ nhận được thái độ thiện cảm, quan tâm từ họ.
• Hành động tự tin và tích cực – ngay cả khi hiện thời bạn không ở trong tâm trạng đó! Hành động (vờ!) thoải mái, tự tin của bạn sẽ khiến cho người đối diện cảm thấy thoải mái hơn, và theo đó sự tự tin của bạn cũng tăng lên.
• Ăn mặc ấn tượng – song vẫn phải đúng mực!
Việc ăn mặc tươm tất trong buổi phỏng vấn tuyển dụng tự thân nó đã nói lên tất cả, nhưng thỉnh thoảng bạn cần hỏi ý kiến mọi người xung quanh để cải thiện hơn nữa hình ảnh bản thân.
Ấn tượng lâu dài cũng quan trọng không kém!
Bên cạnh nguyên lý Những điều đầu tiên sẽ xuất hiện trước (nguyên lý 1), còn một nguyên lý khác nữa là Những điều sau cùng cũng rất đáng nhớ (nguyên lý 2). Khi tất cả mọi thứ đều như nhau, ta sẽ dễ dàng nhớ đến điều "sau cùng". Hãy kiểm tra lại ngân hàng ký ức của bạn để xem nguyên lý này có đúng trong những trường hợp sau đây không.
Bạn thường có khả năng nhớ:
• Người mới gặp lần gần đây nhất
• Lần cuối bạn nhìn thấy người mà bạn yêu thương nhất
• Sự kiện xã hội gần đây nhất bạn đã tham gia
Theo nguyên lý 2, bạn không chỉ nhớ đến con người hay sự kiện, mà ký ức gần đây nhất về nơi bạn vừa đến, những gì bạn đã mặc, thời tiết, ai đã đi cùng bạn, bạn đã nói gì và đã cảm nhận những gì, v.v. đều được lưu giữ lại. Nghĩa là khi được yêu cầu mô tả chi tiết sự kiện thứ 17 hay sự kiện thứ 35 đã diễn ra trước đó, bạn sẽ không có ý tưởng gì dù là mờ nhạt nhất!
Cũng theo nguyên lý 2, bạn sẽ khó mà quên được:
• Mối tình gần đây nhất
• Kỳ nghỉ gần đây nhất
• Bữa ăn gần đây nhất với một người bạn
• Lần gần đây nhất bạn đến thăm một thành phố hay một đất nước xa lạ
Đáng tiếc là rất nhiều người không nhận ra nguyên lý này, không sao xóa nhòa những ký ức không vui để rồi phải sống mãi với nỗi day dứt, buồn đau. Cuộc hẹn gần đây nhất với người thân yêu đã không diễn ra tốt đẹp, kết thúc bằng cuộc tranh cãi nảy lửa, hoặc mang thái độ tiêu cực về nhau; tệ hơn nữa là họ có thể chia tay nhau với những lời lẽ thô tục, thóa mạ, đầy công kích, v.v. và thế là họ mãi mãi không thể nhìn lại mặt nhau.
"Ghi điểm" trong mắt người khác
Dù muốn hay không, người mà ta từng tiếp xúc vẫn sẽ nhớ những khoảnh khắc gần nhất khi ta và họ ở bên nhau. Vì thế, hãy làm cho những khoảnh khắc đó trở thành những khoảnh khắc đáng nhớ đối với tất cả mọi người.
Thái độ lạc quan, nụ cười, sự hài hước, tính tình dễ chịu, lời cảm ơn chân thành, lời chúc tốt lành, v.v. của ta sẽ in sâu trong ký ức của người khác.
Thêm vào đó, ta cũng sẽ truyền thêm sức sống và gia tăng sức khỏe cho họ! Một cuộc gặp gỡ và chia tay để lại ấn tượng đẹp sẽ kích thích sản sinh những hoóc- môn có lợi, làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Những hành vi vô vị lợi và đầy chất Trí tuệ Xã hội không chỉ có lợi cho những người thân quen, mà cả chính ta cũng được lợi. Nếu ta có thể "ghi điểm" trong mắt mọi người thì ta cũng để lại ấn tượng tốt đó nơi bản thân!
Còn khi ta để lại những ấn tượng không mấy dễ chịu, ta vô tình khiến cho cơ thể họ tiết ra những chất độc hại, làm suy yếu hệ miễn dịch và những ký ức của họ về ta cũng mang màu ảm đạm. Tất nhiên điều tương tự cũng diễn ra đối với ta!
Do vậy, hãy chỉ tích lũy trong ngân hàng ký ức những kỷ niệm đẹp và tích cực.
Sự lựa chọn là ở chính bạn…
Nói "Không" một cách khéo léo
Dẫu đã biết Những điều sau cùng cũng rất đáng nhớ, nhưng làm thế nào để nói "Không" với người khác mà vẫn giữ lại ấn tượng tích cực sau cuộc gặp gỡ?
Bí quyết ở đây là từ chối lời đề nghị một cách nhã nhặn, khéo léo nhưng vẫn đầy quả quyết để người kia nhận ra rằng "Không" có nghĩa là "Không", chứ không phải là "Nếu bạn thuyết phục tôi thêm chút nữa thì tôi sẽ nhượng bộ để giữ hòa khí" – dù cho đó là lời đề nghị làm việc muộn vào ban đêm, hẹn hò v.v.
Hãy giải thích thêm tại sao bạn không thể nói "Có" (do bận bịu, do bạn đã có cuộc hẹn khác v.v.). Hoặc là đưa ra một lựa chọn thay thế (chẳng hạn như bạn không muốn tham gia cuộc chạy ở trường vào ngày mai, nhưng bạn có thể thực hiện vào tuần tới), vì thỏa hiệp là chìa khóa để đạt được thành công trong thương lượng! Tuy nhiên, nếu có thể, chỉ cần nói rằng bạn không muốn – đó là quyền của bạn!
Hãy vận dụng Trí tuệ Xã hội, cho họ biết bạn hiểu lời đề nghị của họ và xin lỗi vì không thể giúp được. Một lời từ chối khéo chứa trong đó thái độ cảm thông, quan tâm thường để lại ấn tượng tốt hơn là một lời chấp thuận miễn cưỡng.
Nghệ thuật đối thoại
Mục đích của đối thoại là kết nối với người khác để trao đổi ý tưởng, thông tin, và trên hết là làm họ cảm thấy họ đặc biệt. Nhờ vào Trí tuệ Xã hội, bây giờ bạn cũng biết nếu bạn khiến ai đó cảm thấy họ thật quan trọng, tự động họ sẽ trở nên thân thiện và sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Có nhiều hình thức đối thoại khác nhau – từ những cuộc chuyện trò tán gẫu với bạn bè, những cuộc trao đổi ngắn mang tính xã giao tại các buổi tiệc, cho đến những buổi nói chuyện về công việc với sếp. Nhiều người có thể làm chủ những cuộc đối thoại bàn về công việc mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, nhưng lại "khô khan", không "nặn" ra được lời nào để nói khi gặp người lạ. Và cũng có người vui vẻ trò chuyện trong nhóm nhỏ, nhưng lại bủn rủn tay chân khi nghĩ đến việc đứng nói trước đám đông.
Sau đây là một số bí quyết giúp cho cuộc đối thoại diễn ra tốt đẹp, hiệu quả và có lợi cho tất cả mọi người tham gia. Chúng ta sẽ cùng xem xét cách thể hiện bản thân với người mới quen, cách tạo dựng mối quan hệ, và cả cách vượt qua nỗi sợ nói điều sai!
Nói ít, hiệu quả cao
Nhiều người nhận thấy thật khó mà "kiệm lời" ở những buổi hội họp xã giao vì lo rằng sẽ chẳng có gì thú vị, rồi người đối diện sẽ nghĩ là họ ngốc nghếch và nhàm chán, thế là cuộc đàm thoại phải dừng lại trong bầu không khí im lặng đến khó xử.
Những gợi ý sau sẽ giúp bạn không bao giờ cảm thấy vướng mắc, "bí" lời trong một bữa tiệc!
Lập sẵn kế hoạch và chuẩn bị thông tin
Hãy tìm đọc những bài viết về nghệ thuật hoặc điểm tin thể thao, chúng sẽ cung cấp cho bạn nguồn chủ đề mới để nói, và đảm bảo rằng nếu cuộc đối thoại có chuyển sang chủ đề về giải thi đấu tennis diễn ra gần đây nhất, một cuộc triển lãm tranh, hay một bộ phim "bom tấn" đang trình chiếu thì bạn đều có thể tự tin góp chút lời.
Tương tự như vậy, nếu bạn biết người nào sẽ có mặt tại sự kiện sắp tới, hãy cố gắng hỏi thăm những mối quan tâm của họ để có thể tìm hiểu kỹ về họ trước!
"Lận lưng" một vài tài lẻ
Kể chuyện là một cách tuyệt vời để giữ cho cuộc đối thoại diễn ra liên tục. Những kỳ nghỉ và những chuyến du lịch là nguồn thông tin tuyệt vời cho cuộc đối thoại. Cách kể chuyện của bạn càng hài hước, hấp dẫn, khác thường thì càng tốt.
Tình huống nghiên cứu – Nhìn thấy mặt hài hước ở mọi điều
Giáo sư Donald Stuss thuộc Viện nghiên cứu Rotman, Toronto đã thực hiện kiểm tra một khu vực (với kích cỡ bằng quả bóng bi-da) ở thùy trán của não.
Ông và các đồng nghiệp nhận thấy phần não này có liên quan mật thiết đến việc hiểu những câu chuyện đùa, phát hiện ra những gian lận, và hiểu biết những hoạt động trí óc của người khác để rồi có thể đồng cảm. Phần não này cũng giúp ta nhận biết đó là lời chân thật, mỉa mai, châm biếm hay lừa bịp.
Phát hiện trên cho thấy não bộ có thể giúp ta tương giao với mọi người từ mức độ đơn giản đến phức tạp.
Duy trì cuộc đối thoại diễn ra liên tục
Cuộc đối thoại cũng giống như cuộc chạy đua tiếp sức giữa hai người: người thứ nhất bắt đầu cuộc đối thoại và kéo dài lâu đến mức có thể, rồi trao "quyền" cho người tiếp theo; người này dẫn dắt cuộc đối thoại đi xa đến mức có thể, trước khi trao lại "quyền" cho người thứ nhất.
Cả hai người cùng góp lời góp ý thì cuộc đối thoại mới có thể diễn ra trong một thời gian dài, bởi vì cả hai đều có đủ thời gian "nghỉ ngơi" sau mỗi lượt. Tuy nhiên, nếu một trong hai người chỉ nói một chút rồi chuyển sang người còn lại thì người ấy sẽ mau chóng mệt mỏi và cuối cùng là dừng cuộc.
Bí quyết giữ cho cuộc đối thoại diễn ra liên tục là hãy đưa ra những câu hỏi mở – để câu trả lời mang nhiều màu sắc và chi tiết.
Ví dụ, khi được hỏi bạn đã đi du lịch ở đâu trong năm nay, bạn có thể đáp gọn lỏn rằng bạn đã ở Malta hai tuần (chấm hết!), hoặc bạn trả lời là bạn đã ở Malta hai tuần, tuần đầu tiên bạn thuê hẳn một chiếc xe để đi tham quan quanh đảo, ngắm nhìn thành phố cổ và các căn cứ Thập tự chinh. Rồi bạn dành ra tuần thứ hai nghỉ ngơi thư giãn ở một làng chài nhỏ, ngắm mặt trời mọc mỗi sáng và tận hưởng bầu không khí nơi đây. Sau đó bạn có thể hỏi người đối thoại với mình xem họ đã từng đến Malta chưa.
Nếu người kia cũng có Trí tuệ Xã hội như bạn, họ có thể trả lời "Có", họ cũng từng đến Malta và đặc biệt thích bãi biển/bến cảng/thời tiết tốt/những công trình kiến trúc địa phương; hoặc "Không", chưa từng đến Malta nhưng đã đến Crete/Cyprus/Ý/Hy Lạp…
Bằng cách này, cuộc đối thoại sẽ được tung hứng giữa hai người chứ không phải là một màn "độc diễn".
Lắng nghe tích cực!
Một trong những nỗi khiếp sợ của nhiều người khi tham dự tiệc tùng và các buổi họp mặt đó là cảm giác buồn chán. Thật sai lầm khi nghĩ rằng cuộc sống của họ đâu có gì thú vị hay họ chẳng có ý tưởng hay ho nào để chia sẻ.
Đừng nên lo lắng. Hãy ôn lại những kỹ năng lắng nghe ở chương trước. Mỗi lần thì chỉ có một người nói. Bạn càng là người lắng nghe thông minh và đầy cảm thông bao nhiêu, người đối diện sẽ muốn nói chuyện với bạn nhiều bấy nhiêu.
Hãy nhớ tỷ lệ 2 tai: 1 miệng!
Những nguyên tắc cơ bản trong đối thoại
Người mạnh về Trí tuệ Xã hội luôn cảm thấy mình có thể chuyện trò một cách dễ dàng và thoải mái với mọi dạng người trong mọi tình huống.
Không quan trọng đó là một cuộc trò chuyện xã giao với người bán hàng, một cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan đến chiếc xe của bạn với thợ sửa xe, hay một cuộc họp bàn đánh giá công việc với sếp, những cuộc đối thoại mang tính Trí tuệ Xã hội đều có chung một số nguyên tắc như sau:
• Luôn tôn trọng nhau; không bao giờ lên giọng với người khác; đối xử với mọi người theo cùng cách mà mình mong muốn được đối xử.
• Nhận ra kết quả muốn đạt được từ cuộc đối thoại – chẳng hạn như, chia sẻ tin tức cho nhau; chữa đúng "bệnh" cho chiếc xe của bạn; trao đổi cởi mở về mục tiêu công việc và hiệu năng công việc của bạn v.v.
• Sử dụng ngôn ngữ thích hợp cho từng tình huống cụ thể. Chẳng hạn, cuộc chuyện trò với người bán hàng sẽ có ngữ điệu tự nhiên và thân thiện; người thợ sửa xe cần biết những thông tin chính xác về tình trạng hoạt động của chiếc xe; sếp của bạn sẽ đánh giá cao một cuộc đối thoại đi thẳng vào chuyên môn công việc, cung cấp đầy đủ thông tin thể hiện năng suất làm việc của bạn và mức độ hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra.
Thuyết trình
Trao đổi nhóm, hay thuyết trình cũng được xem là đối thoại với nhiều người cùng một lúc. Mặc dù thông thường mọi người không đóng góp ý kiến phản hồi trong lúc bạn đang trình bày, nhưng tất nhiên bạn sẽ nhận được những phản hồi từ họ thông qua ngôn ngữ cơ thể và phản ứng của họ về những điều bạn nói (cười, những tiếng rì rào đồng ý hay không đồng ý v.v.).
Bạn có còn nhớ nguyên lý Những điều đầu tiên sẽ xuất hiện trước và Những điều sau cùng cũng rất đáng nhớ? Não người thường nhớ những gì xảy ra tại thời điểm bắt đầu và kết thúc hơn là những gì xảy ra ở khoảng giữa. Vì vậy hãy đưa ra những điểm quan trọng nhất vào lúc bắt đầu và kết thúc bài nói chuyện của bạn. Tất nhiên nguyên lý này cũng có thể vận dụng cho mọi hình thức đối thoại!
Hãy làm nổi bật những điểm quan trọng nhất. Trong một vài trường hợp, bạn có thể kể những câu chuyện minh họa để nhấn mạnh thêm cho ý tưởng.
Lập dàn ý cho bài nói chuyện của bạn bằng công cụ Bản đồ Tư duy sẽ giúp bạn bớt căng thẳng, làm cho bài nói chuyện đậm tính Trí tuệ Xã hội, dễ nhớ, hóm hỉnh mà sâu sắc.
Thể hiện bản thân
Tự thể hiện mình cũng giống như tiếp thị chính bản thân – "sản phẩm" ở đây chính là bạn!
Bạn phải làm cho bản thân mình trở nên đáng chú ý để "người mua" (những người mà bạn đang cố gắng gây ấn tượng, hoặc tìm hiểu) quan tâm đến bạn. Phải đảm bảo rằng bạn khác biệt với những "sản phẩm" cạnh tranh khác – "dân" marketing gọi đó là Lợi điểm bán hàng độc nhất (USP, Unique Selling Point). Câu chuyện sau sẽ minh họa cho nguyên lý "độc chiêu" này – còn được biết đến như là Hiệu ứng von Restorff, sẽ được nghiên cứu chi tiết hơn trong chương kế tiếp.
Một nhân viên bán hàng thông minh (Xã hội!) của hãng máy tính IBM quyết định dùng Hiệu ứng von Restorff để giúp anh thành công trong sự nghiệp anh đã chọn. Vì IBM còn được biết đến với tên gọi Big Blue(*) nên anh ta quyết định xây dựng hình ảnh độc đáo cho mình bằng việc dùng màu xanh dương.
(*) IBM được biết đến với tên gọi "Big Blue" trong suốt nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, nhưng nguồn gốc của cái tên "màu sắc" này vẫn còn có nhiều bí ẩn. "Big" (nghĩa là to lớn) ý nói đến quy mô toàn cầu của công ty, nhưng vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau cho chữ "Blue" (xanh dương) – đây cũng là màu logo của IBM.
Anh sắm cho mình một tủ quần áo mới chỉ toàn áo sơ mi, com lê, cà vạt và áo khoác xanh dương. Anh tậu cả một chiếc xe hơi màu xanh dương với vải bọc ghế cũng xanh dương nốt. Chưa kể chiếc đồng hồ mặt xanh có dây đeo cùng tông màu, trông rất đồng bộ với chiếc cặp màu xanh. Anh in phần đầu thư (letterhead) của mình bằng màu xanh và dùng chiếc bút bi mực xanh, có vỏ cũng màu xanh dương.
Đặt chân đến đâu, anh đều trở thành nhân vật nổi bật. Anh dần được biết đến với tên gọi "Quý ông Xanh dương". Và nhờ sự đầu tư "đồng bộ" cho nhân dạng bản thân và tận tâm với công việc, anh nhanh chóng trở thành một trong những người bán hàng hàng đầu của IBM.
Nhờ nét độc đáo này mà mọi người đều muốn kết giao với anh, rồi họ trở thành bạn hàng của anh từ lúc nào cũng không biết. Anh đã làm cho bản thân mình nổi bật trong trí nhớ khách hàng, theo cùng cách anh ta trở nên nổi bật trong trí nhớ của bạn vào lúc này!
Trở lại với bản thân, bạn phải biết bạn đang "bán" cái gì, và tin vào "sản phẩm" – tức là bạn phải tin vào chính mình, tin vào khả năng của mình.
Tạo dựng mối quan hệ
Tạo dựng mối quan hệ thực sự là một phần của việc tự thể hiện bản thân. Đây là khuynh hướng hết sức tự nhiên của những người có Trí tuệ Xã hội.
Ta nên tiếp cận với mọi người theo cách như thể họ là những người quan trọng đối với cuộc đời mình, bởi vì ta thường có khuynh hướng đối xử tôn trọng và trân quý mối quan hệ tình cảm với những người thân quen.
Sợ sai!
Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là sợ nói hớ, nói sai thời điểm và bị người khác khước từ. Chẳng hạn, bạn gọi điện cho một người bạn để trò chuyện nhưng anh/cô ấy đột nhiên nói năng nghe cộc lốc, bảo rằng giờ không thể nói chuyện tiếp, rồi cúp máy cái rụp. Đương nhiên là bạn cảm thấy bối rối và tổn thương. Song, với Trí tuệ xã hội ngày càng phát triển, bây giờ bạn biết cách xử lý những tình huống như thế này.
Đừng vội suy diễn lung tung!
Hãy đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu rằng người bạn kia đang cuốn quýt lên vì: con anh/cô ta đang phát sốt, sếp vừa "quẳng" một đống việc lên bàn với thời hạn hoàn thành hoàn toàn vô lý, chuông cửa mới reo… Với những lý do ấy, chẳng có gì ngạc nhiên khi anh/cô ấy không muốn dừng lại công việc để tiếp chuyện bạn!
Theo cách tiếp cận mang tính Trí tuệ Xã hội, hãy chủ động hỏi trước xem liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để trò chuyện. Thế rồi bạn bè của bạn sẽ đánh giá cao sự chu đáo này, bạn sẽ nhận được câu trả lời đầy nhiệt thành. Và khi bạn gọi lại, sẽ có một cuộc đối thoại thân tình, thoải mái hơn!
Rèn luyện Trí tuệ Xã hội
1. Trở thành người xã giao giỏi
Có nhiều "công thức" chào hỏi dành cho từng đối tượng khác nhau (bạn bè, sếp, cộng sự, đối tác kinh doanh, người mới quen v.v.). Tuy nhiên, điều này trở nên ít cần thiết khi bạn nắm vững "công thức" cơ bản có thể áp dụng trong mọi tình huống gặp gỡ, bao gồm:
i. Mang thái độ tích cực và lạc quan
ii. Mỉm cười
iii. Bắt tay, hoặc trao cho nhau cái ôm ấm áp với ngôn ngữ cơ thể cởi mở
iv. Bắt đầu cuộc trò chuyện với những vấn đề họ quan tâm, chứ không phải là vấn đề của bạn
v. Thái độ: Tôi đã chinh phục được tình bạn!
2. Biến nụ cười thành nét riêng của bạn!
Nụ cười của bạn có sức mạnh chuyển hóa tuyệt vời. Điều này đặc biệt đúng trong mối quan hệ công việc, cũng như trong mối quan hệ thân tình. Luôn khắc cốt ghi tâm điều này, và biến nụ cười thành nét riêng không lẫn vào đâu của bạn.
3. Chân thành quan tâm đến mọi người
Không ai đáng quan tâm bằng người quan tâm đến bạn! Khi bạn có thái độ quan tâm chân thành, ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ trực tiếp nói lên điều đó. Còn nếu như bạn chỉ "bằng mặt nhưng không bằng lòng", chính cơ thể của bạn sẽ vạch trần bạn!
Bạn có thể xây dựng thái độ quan tâm chân thành bằng cách biến lối hành xử ấy trở thành một sở thích đặc biệt và giữ nhận thức rằng mỗi người là một cá thể vô cùng độc đáo.
4. Để lại ấn tượng tốt
Bạn nhận thấy mọi người hạnh phúc khi bạn bước vào hay bước ra khỏi phòng? Vận dụng nguyên lý Những điều sau cùng cũng rất đáng nhớ, hãy làm cho những gì bạn để lại sau khi rời đi trở thành ký ức tốt đẹp trong lòng mỗi người.
Cố gắng tránh chia tay trong vội vã hoặc nói với nhau những lời cay đắng, bởi chúng ta đâu biết khi nào sẽ được gặp lại họ.
5. Vạch rõ hướng đi cho đời mình
Hãy tìm cho mình một mục đích sống. Ghi chú lại – lý tưởng nhất là lập Bản đồ Tư duy – tất cả những mối quan tâm của bạn. Suy nghĩ xem bạn muốn hoàn thành điều gì cho bản thân trong vòng 5 hay 10 năm tới, thậm chí là suốt cả cuộc đời.
Mục tiêu và tầm nhìn tương lai có thể thay đổi theo thời gian, nhưng hiện tại hãy chọn lấy một mục tiêu, vẽ ra một tầm nhìn để có định hướng rõ ràng.
Mọi người thường mơ ước:
• Du lịch vòng quanh thế giới
• Trở thành một người mẹ/người cha/một thành viên mẫu mực trong gia đình
• Thành thạo một số kỹ năng hoặc môn học nào đó
• Gầy dựng thành công sự nghiệp
• Mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người
Việc đọc sách, tìm hiểu thông tin trên Internet, tham gia vào các câu lạc bộ/đội/nhóm và các hoạt động xã hội sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận ra mục tiêu của bản thân. Làm được như vậy, vòng tròn bạn bè và các mối liên hệ của bạn sẽ ngày càng mở rộng.
6. Thực hành kỹ năng đối thoại
Hãy chủ động bắt chuyện, trao đổi dăm ba câu với bất kỳ ai bạn gặp để rèn luyện kỹ năng giao tiếp và xây dựng lòng tự tin nếu bạn vẫn thiếu tự tin khi nói chuyện với những người không quen biết. Thử nghiệm những cuộc trò chuyện theo kiểu "đặt mình vào vị trí người khác" và để ý xem mọi người phản ứng tốt và có thiện cảm với bạn như thế nào.
7. Cười to với chính mình!
Khi bạn cười (cười to đấy!), cả thế giới sẽ cùng cười với bạn. Khi bạn cười với chính mình, thế giới thậm chí còn cười lớn hơn nữa.
Việc cười với chính mình thể hiện bạn có khả năng "bước tách ra khỏi bản thân" và nhìn mọi việc từ nhiều góc độ. Hành động đơn giản này còn cho thấy không phải lúc nào bạn cũng quá nghiêm trọng – một "hồi chuông báo tử" cho các mối quan hệ nếu bạn quá cứng nhắc như thế! Cười to với chính mình cũng giúp bạn dễ dàng mở miệng nở nụ cười…
8. Chuẩn bị cho cuộc đối thoại hoặc bài thuyết trình bằng công cụ Bản đồ Tư duy
Nếu bạn sắp sửa tham dự một cuộc đối thoại hay một buổi thuyết trình trang trọng, hãy lập Bản đồ Tư duy về những gì bạn muốn nói. Cách làm này sẽ giúp cho cuộc đối thoại của bạn có trình tự, hệ thống và hợp lý hơn (vô cùng quan trọng trong kinh doanh!). Đồng thời bạn cũng sẽ nhớ tất cả những điểm bạn muốn trình bày.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Xã hội
• Tôi đang áp dụng nguyên lý Những điều đầu tiên sẽ xuất hiện trước và Những điều sau cùng cũng rất đáng nhớ để cải thiện mối quan hệ của mình, cũng như của mọi người.
• Tôi không ngừng làm cho ngôn ngữ cơ thể của mình phản ánh đúng những lời tôi nói.
• Tôi đang áp dụng nguyên lý von Restorff trong giao tiếp, ghi nhớ và trong cuộc sống của tôi!
• Tôi thấy thích thú với những câu chuyện về cuộc sống của những con người độc đáo mà tôi từng gặp.
• Tầm nhìn cuộc sống của tôi ngày càng rõ ràng; nó hỗ trợ tôi phát triển Trí tuệ Xã hội.
• Tôi ngày càng dễ tính và khôi hài hơn.