Hồi tôi còn làm việc tại ngân hàng đầu tư, Bob, một nhân viên kinh doanh trẻ đến văn phòng tôi xin lời khuyên.
“Xin ông chỉ giúp tôi làm thế nào để vượt qua nỗi sợ mỗi khi gặp ông Smith. Tôi biết tôi có thể bán được dịch vụ của chúng ta cho ông ấy nhưng điều đó chỉ xảy ra khi nào tôi có thể gặp và nói chuyện riêng với ông ấy mà thôi. Hiện tại, ông ấy làm tôi và các nhân viên kinh doanh khác sợ chết khiếp mỗi khi chúng tôi dợm đến gần ông ấy!”
Ông Smith là một triệu phú danh tiếng với một cơ ngơi đáng được mọi người thèm muốn. Ông có dáng người đường bệ, râu hùm, hàm én, mày ngài trông rất oai vệ. Bởi phong thái và ngoại hình của ông mà nhiều người thường e dè khi gặp ông. Tuy nhiên, tôi biết ông ấy thích những người dám bước tới nói chuyện thẳng thắn với ông ấy.
Một thoáng bối rối nhưng rồi ngay sau đó tôi đã có câu trả lời. Bob đã lập một bức tranh trong tâm trí anh ta về con người này theo cách nhìn của anh ta. Tôi nói với Bob: “Cậu biết rằng ông ấy không ăn tươi nuốt sống cậu mà! Giả sử cậu gặp ông ấy ngoài bãi biển trong bộ đồ bơi, cậu có e sợ ông ấy không, dù ông ấy vẫn thế với râu hùm, hàm én, mày ngài?”.
“Chắc chắn là không!” Bob đáp.
“Tốt, vậy là cậu biết tưởng tượng đấy! Cậu chỉ cần xây dựng hình ảnh về ông ấy trong đầu cậu như một người dễ thương, vô hại và thế là mọi sự “nguy hiểm ẩn tàng” của ông ấy không còn nữa trong… tâm trí cậu. Cậu nghĩ có đúng không?”
Bob bước ra khỏi phòng mà lòng mừng rỡ. Vài ngày sau Bob báo cho tôi biết rằng cậu ta đã bán thành công cho ông Smith một lượng chứng khoán trị giá 20.000 đô-la. Về phần Smith, ông ấy không biết làm thế nào mà chàng trai nọ đã vào gặp được ông và lại còn bán cho ông đến từng ấy chứng khoán.
Sau đó ít tuần, Bob quay lại gặp tôi khoe rằng cậu ấy đã sử dụng phương pháp tương tự và có được một vụ chào bán thành công với một người còn khó tính và gia trưởng hơn cả ông Smith trên đây.
“Ông già ấy làm tôi phải lên bờ xuống ruộng trong một thời gian dài. Tôi biết ông ấy có khả năng tài chính lớn, nhưng lần nào đi ngang qua cửa hiệu của ông ấy tôi cũng thấy ông ấy đang mắng mỏ nhân viên, đến nỗi tôi không dám bước vào huống chi đến đứng ngay trước mặt ông ấy mà chào bán chứng khoán! Nhưng vài ngày trước đây, tôi nhớ đến bí quyết mà ông đã chỉ cho tôi. Thế là tôi vẽ ra một bức tranh trong đầu mình và tự nhủ rằng: ‘Ồ, ông ấy chỉ như một ông già Noel dễ thương, vui tính, ai mà sợ một chàng trai ‘có tuổi’ như thế chứ!’. Thế là bí quyết ấy đã có tác dụng. Ông ấy hết sức tử tế với tôi – sự tử tế thường thấy của kẻ bề trên dành cho một anh bạn trẻ dám tiếp cận một người có địa vị cao. Vụ này tôi bán được 5.000 đô-la chứng khoán và ông ấy bảo tôi tuần sau lại tới để cùng ông ấy duyệt qua toàn bộ danh mục đầu tư. Có nghĩa là tôi sẽ còn bán cho ông ấy nhiều hơn nữa.”
Nhiều người giữ các chức vụ hay địa vị cao thường cho rằng mình quan trọng và điều đó làm cho những người xung quanh họ có phần e dè. Những văn phòng được trang trí tinh xảo, sang trọng và những cô thư ký, trợ lý vây quanh họ tạo ra một ấn tượng mạnh với một số người. Nhưng bạn chỉ cần nhớ rằng họ cũng là những con người bình thường như chúng ta, họ cũng có cùng những nỗi lo sợ, cũng yếu đuối dễ vỡ và lỗi lầm như hàng triệu người khác. Thậm chí ở nhà họ chỉ là những chú cừu non dễ bảo. Khi bạn định hình họ như chính con người thật của họ, hơn là ngoại hình hay phong cách mà họ cố tình tạo ra, thì nỗi sợ trong lòng bạn sẽ tự biến mất. Những con người cao thượng, trung thực về mặt bản chất sẽ không bao giờ từ chối cuộc gọi của bạn hay bất kỳ một người nào khác. Nếu bạn là người bán hàng, bí quyết trên sẽ giúp bạn biết cách loại bỏ những lo lắng không đáng có về một con người nào đó, đặc biệt là những người luôn tỏ ra kẻ cả, bề trên, khó chịu khi bạn bày tỏ ý định gặp họ. Thực ra, những người tỏ ra cứng rắn lại là những người thường hay mềm yếu. Nếu bạn thắng được nỗi sợ tinh thần của mình thì bạn có thể “hạ gục” họ một cách dễ dàng. Hãy hít thở thật sâu vài lần trước khi tiến đến trước mặt họ và tự nhủ rằng họ chỉ là một người dễ thuyết phục, rồi bạn sẽ thấy họ đúng như vậy”.
Thời kỳ khủng hoảng kinh tế những năm 1930, có một nhóm các nhà quản lý và trợ lý các cửa hàng rau quả, thịt cá của một chuỗi cửa hiệu lớn nảy ra sáng kiến đến gặp tôi đề nghị giúp họ cải thiện doanh số. Sau khoảng sáu tuần tham gia khóa học của tôi, họ quyết định áp dụng lý thuyết vào thực tế. Họ đồng ý với nhau rằng họ sẽ dành một ngày trong tuần để bán một vài mặt hàng theo bí quyết mà tôi đã dạy họ. Sau một cuộc tranh luận khá sôi nổi, cuối cùng họ chọn các món hàng “làm thí nghiệm” gồm phó-mát, thịt quay cuộn, cá hồi và bí đỏ. Một ngày trước ngày bán hàng theo bí quyết này, các nhà quản lý lại huấn luyện nhân viên của họ cách thức lập bức tranh tinh thần về từng khách hàng khi họ bước chân vào cửa hiệu. Dĩ nhiên là những mặt hàng này đều có cách trưng bày bắt mắt và mỗi nhân viên bán hàng được yêu cầu nghĩ ra một món hàng đặc biệt để “gắn” nó vào nhu cầu của một khách hàng cụ thể.
Kết quả thật là kinh ngạc. Cửa hàng bán phó-mát “thí nghiệm” đã bán ra một lượng phó-mát lớn hơn tổng số phó-mát được bán ra trong sáu tháng trước đó! Cửa hàng bán thịt quay cuộn đã bán sạch hàng trước 12 giờ trưa. Cửa hàng bán cá hồi đạt doanh số bán bằng tất cả các cửa hàng khác trong hệ thống cộng lại. Còn cửa hàng bán bí đỏ thì phải hai lần gọi cho nhà cung cấp mới có đủ bí phục vụ người mua.
Mười lăm năm sau, với chỉ một ngoại lệ duy nhất (do người này đã tử thương trong chiến tranh), tất cả những người đã từng dự khóa huấn luyện của tôi hoặc trở thành một ông chủ cửa hàng của riêng mình, hoặc có một vị trí quản lý cao hơn nhiều.
Một nữ chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại một bệnh viện lớn nói với tôi rằng: “Tác dụng của sức mạnh này, hay bạn gọi sao cũng được, làm tôi ngạc nhiên đến mức khiếp sợ. Nó xảy ra rất thường xuyên. Mỗi sáng trên đường đi làm tôi phải lái xe đi xuyên qua một khu trung tâm thương mại sầm uất, và tôi luôn gặp đèn xanh nên không phải dừng lại một ngã tư nào cả. Tôi không nhớ có lần nào tôi gặp đèn đỏ hay không, nhưng giờ đây tôi xem việc mình được đi liền một mạch là một “đặc quyền” của riêng tôi trên lộ trình đó.
Một phụ nữ kể cho tôi nghe về lần lái xe một mình xuyên nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây để theo chồng nhận nhiệm vụ mới ở một thành phố biển vùng duyên hải phía tây Hoa Kỳ. Cô nói: “Tôi sợ chết khiếp vì tôi chưa một lần trong đời lái xe đi một quãng đường xa như vậy. Một ngày nọ, tôi nhớ tới bà tôi. Bà là một trong những người tiên phong đầu tiên đi khai phá vùng Tây Bắc nước Mỹ và bà làm rất nhiều việc chỉ một mình. Ngay lập tức nỗi sợ của tôi biến mất. Tuy nhiên, người thợ bảo trì xe nói rằng tôi cần mang theo lốp dự phòng mới vì những chiếc lốp cũ có thể nổ dọc đường bất cứ lúc nào. Nếu không vội lên đường ngay thì có lẽ tôi đã nghe lời anh ta. Nhưng một ý nghĩ trong tôi nói rằng bốn chiếc lốp hiện tại sẽ không có vấn đề gì cho tới khi tôi đến được bờ Tây – và sự thật đúng như thế. Hiện chúng đã hao mòn đi nhiều tuyệt nhiên không hề có một vụ nổ lốp nào trong suốt cuộc hành trình của tôi”.
Jimmy Gribbo, ông bầu nổi tiếng một thời chuyên huấn luyện các võ sĩ quyền Anh và giúp họ đoạt giải. Bí quyết nằm ở chỗ ông ấy dạy họ cách hình dung ra hình ảnh chính mình là người chiến thắng – và thực tế là họ luôn chiến thắng đối thủ.
Dẫu nhiều người trong số các bạn vẫn còn ngờ vực về sức mạnh của niềm tin, hay phép ám thị này, nhưng tôi tin rằng nhiều bạn đã từng trải nghiệm những chuyện tương tự như những câu chuyện tôi vừa kể, hoặc còn kỳ lạ hơn nữa, dù các bạn có chú ý đến điều đó hay không.
G.N.M. Tyrrell, tác giả và là nhà thực nghiệm nổi tiếng người Anh, nói rằng khi chú tâm vào hoạt động của tiềm thức là chúng ta đã tạo ra một ý định, rằng chúng ta sẽ làm một việc nào đó theo mong muốn. Chúng ta có thể khởi đầu một chuỗi sự kiện nào đó một cách vô thức để biến ý định đó thành hiện thực. Tiến sĩ Shailer Matthews, người từng giảng dạy trong một thời gian dài tại Đại học Chicago, nói rằng: “Sự thật là chúng ta tác động đến các sự kiện bởi những ước muốn mãnh liệt nhất của chúng ta, và luôn có một dấu ấn về mặt tâm lý trên chính chúng ta. Dấu ấn này thể hiện sự tác động của những mong muốn của mỗi người chúng ta”.
Sau đây là hai dẫn chứng minh họa:
Một phụ nữ nọ có một cửa hàng đồ cổ và được mọi người kính trọng vì vốn hiểu biết của bà về các loại cổ vật. Nhiều phụ nữ khác kinh doanh cùng ngành thường đến hỏi ý kiến bà. Tuy nhiên, bà thuộc tuýp người không thích các hoạt động xã hội và cảm thấy rất phiền phức với một người phụ nữ khác. Người này liên tục mời bà đi ăn trưa và uống trà đàm đạo với dụng ý để mọi người thấy rằng mình giao thiệp với một người nổi tiếng. Sau đó, bà ta còn mời người chủ cửa hàng đồ cổ nọ tham dự một buổi thuyết trình do một hội phụ nữ tổ chức. Do cả nể và do người phụ nữ nọ khăng khăng nài nỉ nên người chủ cửa hàng đồ cổ đã đồng ý tham dự cuộc thuyết trình cùng với bà ta.
“Bà ấy đã đưa tôi vào tròng,” – người chủ cửa hàng đồ cổ kể với tôi, – “ngay lúc nhận lời là tôi biết mình phạm một sai lầm đáng tiếc. Tôi và bà ấy không hề có điểm chung nào cả. Thực tế là bà ấy làm tôi ngán đến tận cổ! Tôi rất ghét các trò trưởng giả học làm sang và đây đúng là một trò như thế. Suốt đêm hôm đó tôi đã trằn trọc không ngủ được để tìm lý do tại sao tôi lại ngu ngốc nhận lời và cũng để tìm ra một cái cớ để từ chối tham dự mà không làm phật ý bà ấy. Bởi bà ấy là một trong những khách hàng khá thường xuyên của tôi và do tình cờ mà tôi biết được rằng bà ấy sẵn sàng gieo tiếng xấu cho tôi nếu tôi không giữ lời hứa với bà ấy.
Tôi nghĩ tới nghĩ lui hết cớ này đến lý do khác mà không có cái nào tỏ ra hợp lý cả, trong khi ngày ấy mỗi lúc một đến gần. Cuối cùng khi tôi định gọi điện cho bà ấy để nói rằng do có một cuộc hẹn đột xuất nên tôi không thể tham dự buổi thuyết trình thì bà ấy bước vào cửa hàng của tôi.
Bà ấy xin lỗi rối rít trước khi thông báo với tôi rằng cuộc họp đã bị hủy bỏ. Không biết lúc đó tôi có thở phào một tiếng rõ dài và khoan khoái hay không, nhưng tôi hoàn toàn tin rằng ý nghĩ của tôi đã góp phần dẫn đến kết quả này. Tôi biết một số người sẽ nói rằng đó chỉ là sự trùng hợp – họ muốn gọi là gì cũng được – nhưng chuyện này đối với tôi còn hơn cả sự kỳ diệu, nó không hề trùng hợp chút nào!”
Chuyện thứ hai liên quan đến nhà quản lý của một công ty sản xuất thuốc chống sốt mùa hè (hay fever remedy). Anh này vừa mới chuyển đến thành phố và thuê một căn hộ gần nơi anh sẽ làm việc. Một trong những việc đầu tiên anh làm là đến công ty điện thoại yêu cầu lắp cho anh một đường dây tại nhà. Tuy nhiên, đó là thời kỳ sau chiến tranh nên công ty điện thoại có cả một danh sách dài các khách hàng đang chờ phục vụ, và họ chỉ ưu tiên gắn điện thoại cho các bác sĩ, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và những người làm việc trong các ngành công ích mà công việc của họ mang tính khẩn cấp.
Trong hai tháng liền anh tìm đủ mọi cách, nhờ hết thảy mọi người quen và không quen giúp anh nhưng vẫn không có kết quả. Sau đó qua một người bạn của chúng tôi, anh biết rằng tôi có quen vị giám đốc của công ty điện thoại và thế là anh đến tìm tôi. Tôi nhanh chóng làm tiêu tan viễn cảnh của anh rằng tôi có thể thuyết phục ông giám đốc công ty điện thoại lắp một máy điện thoại cho anh trước hàng ngàn khách hàng khác, nhưng tôi cũng bảo rằng anh không nên phiền lòng nếu ông ấy không thể dùng quyền hành của mình để dành cho anh một sự ưu tiên.
Rồi tôi hỏi anh đã nói chuyện với những người nào. Anh đưa cho tôi một danh sách gồm nhiều người ở những vị trí cao thấp khác nhau trong công ty điện thoại. Anh giải thích rằng anh là người duy nhất làm cầu nối với công ty để giải quyết những công việc ngoài giờ nên anh cần phải có một máy điện thoại.
“Thế anh có gọi điện thoại đường dài không? Và hàng tháng công ty trả bao nhiêu tiền điện thoại cho anh?” – Tôi hỏi.
Anh đưa cho tôi một con số cao ngất ngưởng.
“Vậy anh hãy cầm các hóa đơn điện thoại những tháng gần nhất đến gặp người đầu tiên mà anh đã gặp, anh hãy nhìn thẳng vào mắt người đó và nói rằng anh cần lắp ngay một máy điện thoại không một chút chậm trễ.” - Tôi nói với anh. “Nhưng anh đừng gặp bất cứ ai nếu chưa tự thuyết phục được mình rằng anh có thể thuyết phục được họ. Bằng không, nhiệm vụ của anh trở nên khó khăn hơn bội phần đấy! Anh phải quyết đoán rằng anh sẽ có một máy điện thoại ngay trong căn hộ của anh, anh phải tin tưởng ở điều đó”.
“Tôi sẽ thử xem sao.” - Anh nói nhưng liền sau đó chữa lại: “Không, tôi sẽ làm điều đó. Tôi phải có điện thoại!”.
Vài ngày sau, anh đến gặp tôi.
“Cách đó có kết quả rồi! Để tôi kể anh nghe, không ngờ một ý nghĩ tích cực lại có thể tạo ra bao nhiêu điều kỳ lạ. Tôi đến nói chuyện với người tôi đã gặp lần đầu tiên và anh ta khá ngạc nhiên vì tôi quay lại. Lần này tôi giải thích cặn kẽ với anh ta vì sao tôi lại cần một máy điện thoại đến thế và tôi đưa cho anh ta xem các hóa đơn tiền điện thoại như anh bảo tôi. Chỉ ít phút sau đó tôi đã thuyết phục được anh ta. Khi anh ta định gọi điện cho sếp của mình để trình yêu cầu của tôi thì chính ông ấy gọi điện cho anh ta về một số vấn đề khác. Sau đó, anh ta đã nói cho ông ấy biết hoàn cảnh của tôi và sếp của anh ta bảo tôi đến gặp người chịu trách nhiệm về danh sách ưu tiên.
Tôi chưa bao giờ biết người này và trước đó tôi cũng không biết gì về việc công ty điện thoại có một danh sách ưu tiên. Tôi đến và kể cho người này về lý do tôi cần một máy điện thoại và về công việc kinh doanh của công ty tôi, về cả các loại thuốc chống dị ứng mà công ty tôi đang sản xuất. Tôi gần như té khỏi ghế khi ông ấy nói rằng mình thường bị sốt mùa hè và đã thử rất nhiều loại thuốc nhưng không có kết quả. Từ lúc ấy trở đi, mọi việc diễn ra hết sức trơn tru và tôi được lắp điện thoại. Đúng là khiếp thật! Làm thế nào mà vị sếp nọ lại bảo tôi đến gặp ngay người có thể giải quyết lắp điện thoại cho tôi, và người này lại thường mắc phải chứng sốt dị ứng mùa hè, là cái cớ để tôi có thể giúp ông ấy, để rồi sau đó chuyện lắp điện thoại của tôi được diễn ra suôn sẻ? Từ giờ trở đi tôi không dám đùa giỡn với sức mạnh kỳ lạ này nữa.”
Tất nhiên ý nghĩ quyết định dáng đi, nét mặt, cách ăn nói… vì chúng ta là kết quả của những gì chúng ta nghĩ. Nhiều phụ nữ đã cải thiện được hình ảnh bề ngoài của họ bằng cách không ngừng nuôi dưỡng cảm giác mình là người đẹp. Họ luôn nghĩ về cái đẹp, ăn mặc đẹp và phục sức đẹp, kể cả việc trau chuốt ánh nhìn, dáng đi, cách đứng. Qua phim ảnh, bạn hẳn từng thấy những cô gái nhan sắc bình thường trở thành những minh tinh tuyệt sắc nhờ phục trang đẹp và một kiểu tóc thời thượng nào đó. Bạn cũng có thể làm được như vậy, miễn là bạn có một bức tranh tinh thần rõ ràng về hình ảnh “con người mới” của bạn.
Hầu như ai cũng sợ đi nha sĩ cả. Kỳ thực việc nhổ hay chữa răng không đau hay khó chịu đến mức làm cho chúng ta hốt hoảng đến thế. Một lần nữa ý nghĩ lại cho thấy chúng ta tạo ra cảm giác đau đớn “có sẵn” cho chính mình. Trên tờ American Weekly số ra ngày 7/7/1940 có một bài báo nói về một nha sĩ ở Pittsburgh với sáng kiến xây dựng một phòng đồ chơi bên cạnh phòng khám răng của mình. Ý tưởng là hướng sự chú ý của bọn trẻ vào các món đồ chơi hấp dẫn để chúng không để ý đến chuyện nhổ hay chữa răng của chúng nữa. Sau đó trên ghế khám răng, bọn trẻ được khuyến khích nói về những trò chơi mà chúng yêu thích nhất hay bất cứ chuyện gì khác mà không phải là chuyện về mấy cái răng sâu của chúng. Thậm chí vị nha sĩ nọ còn gắn một công tắc điện vào dây máy khoan và đặt vào tay bọn trẻ để chúng có thể tắt nó ngay khi cảm thấy đau. Sáng kiến này tỏ ra công hiệu tuyệt vời.
Hớt tóc cho trẻ con thường là chuyện đau đầu của các bác phó cạo, nếu các bác ấy không biết “đánh lạc hướng” suy nghĩ của bọn trẻ. Rất đơn giản, chỉ cần trao cho bọn trẻ một cuốn truyện tranh, một món đồ chơi và khơi gợi trí tưởng tượng của chúng là bạn có thể thậm chí cạo trọc cả đầu chúng mà chúng không hề rên la một tiếng nào cả.
Sự tưởng tượng hay việc xây dựng một bức tranh tinh thần có thể tạo ra một kết quả khó chịu. Hàng triệu người từng trải qua chiến tranh xác nhận rằng sợ hãi thực ra là một yếu tố tưởng tượng. Bạn bất ngờ nhận được một bức điện tín, trước khi mở nó ra, bạn sợ rằng mình phải nhận một tin xấu – và ngay lúc đó bạn cảm thấy một cơn đau nhói quặn thắt cả bụng. Có thể đó là một tin tốt lành, nhưng một khi bạn lo sợ thì chỉ có tin tốt mới có thể làm bạn thoát khỏi cơn đau hay sự căng thẳng đó mà thôi.
Người ta thường kể câu chuyện về một du khách nhận được căn phòng còn lại duy nhất của một khách sạn nọ, do tất cả các phòng khác đều đã có khách. Số là căn phòng này thường dùng để làm nhà kho, mỗi khi khách đông thì nó lại được tận dụng làm phòng ở. Trong đêm, vị khách nọ cảm thấy ngột ngạt vì thiếu khí. Thế là ông ấy lò mò đi về phía cửa sổ định mở nó ra, nhưng không tài nào mở được. Bực mình, ông lấy giày đập vỡ kính rồi trở lại giường đánh một giấc ngon lành cho tới sáng. Khi thức dậy, ông thấy kính cửa sổ vẫn còn nguyên, còn cửa tủ áo bên cạnh thì vỡ toang!
Vào thời thực phẩm bán theo chế độ tem phiếu, hàng ngàn người đến nhà bạn bè và được đãi món bơ thực vật (margarine) mà cứ ngỡ là mình được ăn những thứ bơ (butter) hảo hạng. Thời Cấm rượu ở Mỹ (12) , người ta rót rượu giả vào những chai rượu thật đã dùng hết nhưng nhiều người không nhận ra được sự khác biệt khi uống. Đôi khi trong các nhà hàng, người ta thay cá chép biển (snapper) bằng cá chép nước ngọt (lowly carp) mà nhiều thực khách sành điệu vẫn cứ khen ngon!
Khoa học đã chứng minh bằng hàng ngàn cách khác nhau về tác động của những hoạt động của sự tưởng tượng. Người ta dán những con tem bưu điện lên người một bệnh nhân nhưng anh ta vẫn tin rằng đó là những miếng cao dán thứ thiệt. Bằng cách rung chuông trước khi cho chó ăn, nhà bác học nổi tiếng người Nga Pavlov đã tạo ra phản xạ có điều kiện khi làm chú chó liên hệ tiếng chuông với thức ăn của nó, làm nó tiết dịch vị ngay khi nghe tiếng chuông “báo giờ ăn” hàng ngày. Nếu bạn ngồi trong một nhà hàng và nhìn thấy một đĩa thức ăn hấp dẫn được phục vụ cho một vị thực khách nào đó, ngay lập tức tuyến nước bọt của bạn sẽ hoạt động và bạn lại cảm thấy đói dù vừa mới ăn xong.
Người lột vỏ hay thái củ hành thường bị chảy nước mắt, nhưng nhiều người đứng cách họ xa vài ba mét cũng chảy nước mắt theo. Lại có người nói rằng uống sô-đa sau bữa ăn giúp họ tiêu hóa tốt hơn, nhưng các bác sĩ thì nói rằng tác dụng đó nếu có là do trí tưởng tượng của họ. Một cảm xúc hay một cú sốc bất ngờ có thể làm da bạn lạnh toát hoặc đổ mồ hôi, hoặc phát lãnh cả người. Khi trí tưởng tượng của bạn làm việc, một vài lời khuyên của bác sĩ của bạn có thể gây ra những tác dụng thật kinh hoàng.
Tôi từng vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nhiều lần nhưng không lần nào bị say sóng, ngay cả trong những cơn bão tố hay biển động dữ dội – ngoại trừ một lần. Lần đó tôi đang giúp một hành khách đang say sóng rũ rượi và thế là tôi cũng bị say sóng theo, dù rằng ngay từ những chuyến hải hành đầu tiên tôi đã học được rằng bạn hãy tránh nhìn những người đang bị say sóng, vì lực ám thị sẽ làm bạn say sóng không kém họ.
Nếu bạn mút một quả chanh trước mặt một người đang thổi kèn thì anh ta không tài nào thổi được nữa. Lý do là trí tưởng tượng của anh ta về sự chua của trái chanh làm tuyến nước bọt của anh ta hoạt động mạnh, thanh quản của anh ta dúm dó và kết quả là trong chiếc kèn của anh ta… đầy nước!
Trong những buổi thuyết trình của mình, tôi thường chứng minh sức mạnh của ám thị bằng cách cầm hai chiếc bình xịt nhỏ chứa hai loại dung dịch có màu khác nhau. Tôi nói với các khán thính giả rằng một bình chứa chất tử đinh hương và một bình chứa tinh dầu hoa hồng. Đây là thí nghiệm kiểm chứng khả năng nhận diện mùi hương của khán thính giả. Sau đó, tôi quay lưng về phía họ và xịt một trong hai bình nọ vào không khí. Thế rồi tôi lần lượt mời từng người nhận xét. Một số người nói đó là hương hoa hồng, một số khác cho là tử đinh hương. Tất nhiên là cả hai nhóm này đều bị trí tưởng tượng của họ làm cho họ thất vọng, bởi cả hai bình xịt không chứa chất tạo hương nào cả, mà chỉ là nước lã pha màu.
Trong một bài viết ngắn có tựa đề Bàn về thuốc lá (Concerning Tobacco) , đại văn hào Mark Twain viết rằng có một người nói rằng anh ta có thể phân biệt xì-gà ngon và xì-gà dở, riêng ông thì không. Ông mua xì-gà theo hiệu, nhưng trí tưởng tượng của ông thưởng thức nó theo hương vị. Twain kể có lần trong một bữa ăn tối ông mượn của một người bạn giàu có hơn một tá xì-gà thượng hạng có buộc băng vàng óng ánh. Sau đó ông tháo những cái băng chứng nhận chất lượng ra khỏi các điếu xì-gà và đặt chúng vào hộp xì-gà thường dùng của ông rồi đưa lại mời người bạn nọ vào cuối bữa ăn. Tin rằng đó là những điếu xì-gà rẻ tiền mà Twain vẫn hút hàng ngày, người bạn của ông đã vứt điếu thuốc sau khi bập đúng một vài hơi. Chắc chắn là có sự khác biệt lớn về chất lượng giữa hai loại xì-gà này, nhưng trí tưởng tượng của ông bạn của Mark Twain đã thắng cả sự thật.
Các họa sĩ, kiến trúc sư, nhà phát minh, nhà khoa học đều sử dụng tối đa khả năng tưởng tượng của họ. Tuy nhiên, để trở thành người mà bạn mong muốn, bạn phải biết sử dụng trí tưởng tượng của mình. Bạn phải xây dựng một bức tranh tinh thần rõ ràng về “con người mới” của bạn. Và nếu bạn liên tục nuôi dưỡng hình ảnh ấy, chắc chắn bạn sẽ trở thành con người đó một ngày không xa. Đó chính là sự hoàn thành những ao ước của bạn.
Ở đây bạn cần phân biệt sự khác nhau giữa một giấc mơ hoa và một bức tranh tinh thần có thực – hay việc sử dụng đúng cách khả năng tưởng tượng của bạn. Có lẽ bạn mơ thấy một vị thần đèn mang đến cho bạn 100.000 đô-la hay xây cho bạn một dinh thự nguy nga chỉ trong một đêm, nhưng bạn đừng bao giờ hy vọng gặp được vị thần ấy. Cần nhớ rằng mơ mộng viển vông không đem lại sức mạnh giúp bạn biến những khả năng tiềm ẩn của mình thành tài năng phát lộ để tạo ra nhiều triệu đô-la hay nhiều tòa lâu đài lộng lẫy.
Khi bạn sử dụng trí tưởng tượng đúng cách, bạn sẽ nhìn thấy chính bạn đang thực hiện một điều gì đó, rồi bạn cứ thế mà làm. Việc thực hiện công việc mà bạn đã hình dung trong đầu sẽ biến những cái không tồn tại thành ra tồn tại. Để liên tưởng đến điều này, bạn hãy nghĩ đến giá trị sử dụng của một chiếc kính lúp. Có nghĩa là, khi bạn lấy tiêu cự đúng, nó sẽ hội tụ ánh sáng mặt trời thành một điểm sáng cực mạnh có thể đốt thủng hoặc làm cháy cả một tờ giấy. Bạn phải giữ nó ở một khoảng cách cố định cho tới khi ngọn lửa bốc lên. Bức tranh tinh thần hay những hình ảnh mà bạn xây dựng trong đầu cũng hoạt động hệt như thế.
Tiến sĩ Emile Coué, một bác sĩ người Pháp có rất nhiều công trình nghiên cứu về sức mạnh của ám thị, nói rằng trí tưởng tượng tạo ra một lực mạnh hơn nhiều so với lực phát sinh từ ý chí. Khi hai lực này đối nghịch nhau, lực của trí tưởng tượng luôn luôn thắng. Chẳng hạn, bạn là một người nghiện thuốc lá thâm căn cố đế và một ngày đẹp trời nào đó, bạn quyết định từ bỏ thói quen có hại cho sức khỏe này. Bạn nghiến răng trịnh trọng tuyên bố rằng từ nay bạn sẽ dùng ý chí để thoát khỏi thói quen này mãi mãi. Nhưng một bữa nọ, bạn nhớ lại mùi thuốc lá thơm tho từ đúng nhãn hiệu thuốc lá mà bạn thường hút trước kia, và cả cảm giác êm dịu, sảng khoái mà nó mang lại mỗi khi bạn rít một hơi dài – trí tưởng tượng của bạn bắt đầu hoạt động và thế là “nghị quyết” không hút thuốc của bạn tan thành mây khói.
Charles Fourier, nhà triết học người Pháp thế kỷ 19, nói rằng thế giới tương lai sẽ lớn mạnh từ bộ não của con người và nó có hình dáng rất rõ ràng, được kiểm soát tốt và được định hướng bởi những khát khao và đam mê của con người. Lời tiên đoán của ông đang trở thành sự thật, tuy chúng ta chỉ mới bước đầu định hình và kiểm soát thế giới này bằng trí tuệ của chúng ta.
Tất cả những điều này đưa ta tới vấn đề về khát vọng và những gì con người thực sự muốn có trong đời. Chỉ một vài người có những khát vọng lớn lao, còn phần đông chúng ta bằng lòng với những cái mình có. Chúng ta chấp nhận vị trí của mình trong cuộc đời này như một định mệnh, một số phận đã được sắp đặt và hiếm khi chúng ta có những nỗ lực về mặt tinh thần hay thể chất để thay đổi vị trí của chúng ta. Chúng ta không bao giờ nâng cao tầm nhìn của mình hay nhận ra rằng việc bắn một con chim đang bay trên trời cách chúng ta ba mươi mét cũng dễ như khi nó đang đứng yên trên mặt đất ở cùng khoảng cách như thế. Rất nhiều người chỉ mơ tưởng viển vông và những ước muốn phi thực tế đó không mang lại kết quả nào cả, đơn giản là vì yếu tố sức mạnh niềm tin không hề có ở họ.
Cho nên, khi bạn gặp một người nào đó biết rõ họ đang làm gì và sẽ đi đến đâu – số người này cũng khá nhiều – bạn sẽ thấy khát khao của họ tạo ra một nguồn năng lượng rất dồi dào bao quanh họ. Cuộc sống dường như rất dễ dàng đối với họ, và có thể nói không ngoa rằng vì họ biết huy động toàn bộ sức mạnh của tiềm thức nên nó giúp họ lôi kéo, kết hợp và chuyển mọi khát khao của họ đến ý thức để biến thành hiện thực.
Tuy nhiên, một người bình thường rất khó tập trung đầu óc trong một khoảng thời gian ngắn, chứ đừng nói đến việc duy trì bức tranh tinh thần trong một thời gian dài. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rất nhiều ý tưởng và những hình ảnh tưởng tượng trở nên phai mờ và biến mất khỏi tâm trí chúng ta với một tốc độ đáng kinh ngạc. Chúng ta liên tục bị tác động bởi những gì chúng ta đọc, nghe, thấy và kết quả là chức năng kết nối của lực sáng tạo của tiềm thức sẽ tập hợp mọi mảnh vỡ này lại với nhau thành một đống hỗ lốn, thay vì tạo ra một bức tranh rõ ràng, sống động về khao khát của bạn.
Điều đó đưa chúng ta đến một hệ thống các cơ chế qua đó con người có thể tập trung vào ý nghĩ của mình để chúng thấm đẫm vào các tầng sâu nhất của tiềm thức.
Tôi đã từng đến thăm hoặc làm việc tại văn phòng riêng của rất nhiều nhà công nghiệp, doanh nhân, chủ nhà băng lớn của Hoa Kỳ. Và rất lâu trước khi tôi hiểu được khoa học về niềm tin này, tôi luôn bị ấn tượng mạnh bởi những bức tranh, hình ảnh, những câu khẩu hiệu hay những bức tượng nhỏ được đặt trang trọng tại những vị trí riêng biệt trong những công ty lớn. Trong văn phòng của một tập đoàn nọ là những bức chân dung của các nhà lãnh đạo khai sáng của ngành. Tại một văn phòng khác, tôi thấy ảnh của các nhà tài chính vĩ đại nhất trong lịch sử. Một số khác thì trưng bày tượng bán thân của Napoleon hay vài bức tượng Phật. Còn các câu khẩu hiệu như “Chúng ta biến những cái không thể thành có thể, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào!”, “Nếu có người làm được việc đó, chúng ta cũng làm được!”, “Hãy làm ngay!”, “Hãy tự thân vận động, đừng chờ cho đến lúc bị đắm!” thì hầu như công ty nào cũng có. Chắc chắn là nhiều người trong số các bạn đã từng nhìn thấy hay nghe nói đến những vật bài trí như thế. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi rằng mục đích của việc đó là gì không?
Chỉ có một câu trả lời duy nhất: chúng là một sự nhắc nhở thường trực – rằng chủ nhân của căn phòng đó có thể thành công như những con người đang “hiện diện” hàng ngày trước mặt họ. Mỗi khi nhìn vào mắt Napoleon, họ cảm nhận được mối liên kết về mặt tâm linh có tác dụng tăng cường năng lượng và ý chí cho họ. Còn những câu khẩu hiệu tạo ra nguồn cảm hứng và sự tự tin để họ hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn nhất. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo thường sử dụng phương pháp này để kích thích khả năng tưởng tượng của họ - hình ảnh để tạo ra nguồn cảm hứng hay một chuỗi những lực ám thị đi vào tiềm thức. Tôi thấy phòng làm việc của nhiều vị bác sĩ (kể cả những người chế nhạo sức mạnh của ám thị) thường được treo chân dung của các ông tổ ngành y hay các vị danh y mà họ tôn kính. Tôi tự hỏi không biết họ có nhận ra sức mạnh đằng sau những bức chân dung đó hay không.
Khi bạn nhận ra rằng tiềm thức hoạt động một cách chính xác để làm hiện ra ngoài bất cứ điều gì mà ám thị để lại dấu ấn sâu đậm nhất đối với nó, khi đó bạn sẽ hiểu sự cần thiết phải tập trung và tại sao bạn phải liên tục lặp đi lặp lại một câu nói tự kỷ ám thị duy nhất nào đó.
Như nhiều bậc vĩ nhân khác, Thomas A. Edison hiển nhiên hiểu rõ giá trị của phép tự kỷ ám thị và đã sử dụng nó rất thành công. Như một trong những nghi thức tưởng nhớ 100 năm ngày sinh của nhà phát minh vĩ đại này, phòng làm việc của ông, đã được niêm phong từ ngày ông qua đời, được mở cửa cho công chúng tham quan vào ngày 8/2/1947. Đáng chú ý trong số những bài báo ông dán đầy phòng là một mẩu giấy nhỏ nằm trên bàn làm việc của ông với lời ghi chú: “Khi nào thất vọng, hãy nghĩ đến Jonah. Ông ấy đã vượt qua mọi thử thách trong đời”. Edison hẳn phải nghĩ rất kỹ về lời ghi chú này và có lẽ đã thực hành nó khá thường xuyên, nếu không ông đã chẳng để nó ngay trên bàn làm việc của mình.
Tôi thường ví chuyện này (tức khao khát và ám thị) với việc ươm trồng rau cải hay hoa quả. Một khi đất trồng đã được chuẩn bị và những hạt giống bé xíu được gieo xuống thì chỉ trong một thời gian ngắn chúng sẽ mọc rễ và nhú lên những mầm non. Chúng quyết định phá vỡ mọi rào cản để trồi lên mặt đất hòng đón lấy ánh sáng mặt trời và không khí. Nếu chúng không thể đội đất chui lên hay đẩy những chướng ngại bên trên, chúng sẽ tự tuyệt chủng hay chỉ sống chui rúc dưới mặt đất. Nhưng chúng đã lớn lên, đơm hoa kết trái để mang lại nguồn dinh dưỡng và hương thơm cho đời. Chúng ta gieo hạt, nhưng hiếm khi chúng ta để ý xem những hạt giống của chúng ta phát triển như thế nào, mãi cho đến khi chúng trở thành những thứ có ích cho chúng ta thì chúng ta mới quan tâm. Hãy chăm bón nó, hòa nhập cùng nó, cho nó ánh nắng mặt trời và nước và bạn sẽ nhìn thấy nó lớn nhanh, thành hình và ra hoa kết trái. Hãy nhớ rằng nó chỉ cho kết quả khi được chăm sóc cẩn thận, bất kể đó là loại cây thuần chủng hay lai tạo.
Vì thế, ám thị chính là cái bạn truyền vào tiềm thức của mình và kết quả bạn có được là tinh chất hay hỗn tạp tùy thuộc vào hạt giống mà bạn gieo và sự chăm sóc mà bạn dành cho nó. Nói cách khác, hãy gieo trồng những ý nghĩ đúng – của những “hạt giống thuần chủng” – và thường xuyên nuôi dưỡng nó bằng một ý chí mạnh mẽ luôn kiên định hướng đến kết quả mà bạn mong muốn. Khi đó, nó sẽ phát triển thành một lực vô cùng lớn có khả năng xuyên phá và vượt qua mọi rào cản hay trở ngại. Bộ rễ của nó sẽ lan ra khắp mặt đất để tìm nguồn nước và dinh dưỡng, còn cành lá của nó sẽ xòe rộng ra để đón thêm nhiều ánh mặt trời.
Chính khao khát của con người tạo ra sự tiến bộ cho xã hội. Không có nó, có lẽ chúng ta vẫn còn sống trong thời kỳ đồ đá. Tất cả những gì chúng ta có trong cuộc sống hiện đại này đều là kết quả từ những ước muốn của con người. Thực ra, khao khát chính là lực thúc đẩy của cuộc sống này. Bạn có thể nhìn thấy nó ở khắp nơi – trong vương quốc loài vật, trong đời sống các loài cây cỏ, và trong mọi hành động hay hoạt động của con người. Cơn đói tạo ra sự thèm ăn, nghèo khó tạo khao khát trở nên giàu có, lạnh tạo nhu cầu được ấm áp, bất tiện tạo ước muốn được thoải mái dễ chịu hơn.
Khát vọng là nguồn tạo động lực cho mọi hoạt động của con người. Không có nó, chúng ta không thể đi được xa. Khao khát càng thôi thúc, càng mãnh liệt thì kết quả càng sớm đạt được. Nó tạo ra sự khác biệt giữa kẻ thất bại và người thành đạt. Vì thế, hãy luôn bắt đầu bằng một khát vọng. Bạn hãy luôn nhớ rằng bằng sự kỳ diệu của niềm tin, bạn có thể đạt được những gì bạn đã vẽ ra trong bức tranh tinh thần của bạn. Cơ chế này nằm ở đó để giúp bạn tập trung chiếu bức tranh khát vọng lên màn hình tiềm thức của bạn, cũng như giúp bạn loại bỏ tất cả những ý nghĩ dao động, tiêu cực hay những nỗi sợ hãi và hoài nghi có thể làm hỏng cả tiềm thức của bạn.
Vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cơ chế này xem sao!
Trước hết bạn hãy tìm ba hoặc bốn chiếc thẻ thư mục (cỡ một tấm danh thiếp), xong bạn vào văn phòng, nhà hay phòng riêng của bạn hoặc bất kỳ nơi nào khác mà bạn có thể có một không gian yên tĩnh. Sau đó bạn hãy ngồi xuống và tự hỏi rằng đâu là điều bạn khao khát nhất trong những điều bạn khao khát trên đời này. Khi câu trả lời xuất hiện và bạn tin chắc rằng đó là khát khao lớn nhất của mình, bạn hãy lấy từng chiếc thẻ và viết trên đó vài chữ mô tả nó. Chỉ cần một vài từ ngắn gọn thôi, chẳng hạn như: “một công việc”, “một công việc tốt hơn”, “nhiều tiền hơn” hoặc “một ngôi nhà của riêng mình”.
Sau đó bạn chép các chữ trên tấm thẻ gốc vào một thẻ thứ hai rồi trong cặp thẻ đó bạn đặt một tấm trên bàn làm việc hay cạnh giường của bạn, thẻ còn lại bạn cho vào ví mang theo người. Hoặc với một đôi thẻ khác, một chiếc bạn đặt trên bàn trang điểm và chiếc còn lại bạn để trên bàn ăn… Nếu bạn còn nhớ thói quen bài trí các chân dung, tượng hay tượng bán thân, khẩu hiệu của các nhà lãnh đạo công ty thì bạn sẽ biết được rằng khi sử dụng những tấm thẻ này là bạn đang sử dụng những lực tương tự, nhưng có trọng tâm hơn. Toàn bộ ý nghĩa của việc này, như bạn có thể đoán ra, là giúp bạn nhìn thấy bức tranh tinh thần mọi lúc, mọi nơi. Mỗi tối trước khi đi ngủ và mỗi sáng khi thức dậy, hãy tập trung ý nghĩ của bạn bằng lực này. Bạn càng thường xuyên nhìn thấy khao khát (hay bức tranh tinh thần) của bạn bao nhiêu thì bạn càng sớm biến thành hiện thực bấy nhiêu.
Thoạt tiên, có thể bạn không biết kết quả sẽ như thế nào. Tuy nhiên, bạn không cần phải bận tâm về điều đó mà hãy “giao” nó cho tiềm thức của bạn. Tiềm thức có cách riêng của nó để tạo lập quan hệ và mở ra những cánh cửa và những con đường có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những nguồn không ngờ nhất. Những ý nghĩ có ích cho việc hoàn thành các mục tiêu của bạn sẽ xuất hiện vào những lúc bất ngờ nhất. Bạn có thể kinh ngạc với ý nghĩ gọi điện cho một người nào đó đã rất lâu không gặp, hay viết thư cho một người nào đó mà bạn chưa từng gặp trong đời. Bạn cũng có thể có ý định đọc báo hay nghe radio. Dù đó là ý nghĩ gì đi nữa, bạn cứ theo đuổi nó.
Nhiều người thành đạt thường nảy ra rất nhiều sáng kiến ít phút ngay trước khi họ rơi vào giấc ngủ sâu hàng đêm. Khi đó, họ sẽ bật dậy và viết ngay ra giấy những ý tưởng ấy để họ không quên chúng khi thức dậy vào sáng hôm sau. Tôi đã hiểu rõ kỹ thuật này từ nhiều năm về trước. Tôi biết một vị giám đốc nọ mỗi sáng sau khi ngồi vào bàn làm việc là bắt đầu lôi ra những mẩu giấy nhỏ trong túi mình và đọc. Đó có thể là vài lời nhận xét về một sản phẩm nào đó trên báo chí hay truyền hình, cũng có thể là phác thảo sơ bộ về một chiến dịch bán hàng hay những vụ mua sắm mới hoặc một kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp… Tất cả chúng đều góp phần vào thành công của mọi hoạt động của ông ấy. Hãy chuẩn bị sẵn một cây bút chì và một tệp giấy nhỏ nơi đầu giường ngủ của bạn để một khi các ý tưởng xuất hiện, bạn có thể nhanh chóng ghi lại để không quên chúng khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Tôi còn nhớ lần mình sử dụng phương pháp này để cứu công ty nơi tôi làm phó chủ tịch ra khỏi rắc rối. Trong cuộc họp lần đó, tôi yêu cầu mỗi người chuẩn bị một cây bút chì và giấy. Ban đầu hầu hết họ nghĩ rằng tôi muốn họ ghi chú điều gì đó. Nhưng sau đó họ thực sự ngạc nhiên khi tôi bảo họ hãy viết ra điều mà họ muốn có nhất trên đời. Tôi giải thích rằng nếu họ làm được điều đó, tôi sẽ chỉ cho họ cách đạt được nó.
Hai, ba người trẻ tuổi lớn tiếng cười to, nhưng những người lớn tuổi hơn nhận ra rằng tôi đang nói bằng tất cả sự thành thật. Hướng về những người trẻ tuổi, tôi nói: “Nếu các cậu muốn giữ được công việc của mình, các cậu nên làm theo những gì tôi đề nghị. Bởi nếu điều này không có tác dụng thì tất cả chúng ta đều sẽ bị vứt ra đường”. Thế là họ làm theo. Tôi bảo họ đừng cho ai biết họ đã viết gì.
Sau cuộc họp, một trong những anh bạn trẻ đến gặp tôi và xin lỗi vì đã cười nhạo tôi.
“Không có gì đâu, Bob.” - Tôi bảo cậu ấy.
“Nhưng quả thật lúc đầu tôi thấy trò đó thật là lố bịch. Thử hỏi làm sao tôi có thể có được chiếc xe hơi mới bằng việc chỉ viết ý nghĩ đó ra giấy? Nhưng sau khi nghe ông giải thích về phép tự kỷ ám thị này, tôi nghĩ là nó có tác dụng.” – Cậu ấy nói.
Vài năm sau, anh bạn trẻ tìm đến nhà tôi và bảo rằng anh ta muốn cho tôi xem một thứ. Đỗ ngay bên đường trước nhà tôi là một chiếc xe hơi đắt tiền mới toanh của cậu ta.
Những năm tiếp theo, tôi gặp lại những người từng tham dự cuộc họp với tôi năm ấy và hỏi họ đã đạt được điều mình muốn hay chưa. Không có một ngoại lệ nào, mỗi người trong số họ đều đã có thứ họ muốn. Một người muốn có vợ là người nước ngoài và anh ta đã có một người vợ như thế, và hai cậu con trai kháu khỉnh. Một người khác ghi xuống một con số thể hiện giá trị khối tài sản mà anh ta muốn có, và anh đã tạo lập được khối tài sản mơ ước đó. Một người khác muốn có một nhà nghỉ bên bờ biển, rồi người khác nữa muốn có một ngôi nhà khang trang hơn, v.v. Tất cả đều được thỏa mãn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn đừng nói với ai về những gì bạn viết trên những mẩu giấy như thế và cũng không nên tiết lộ với người khác về niềm khao khát của bạn. Nếu làm thế bạn sẽ gặp thảm họa đấy! Chỉ khi nào bạn hiểu rõ hơn về khoa học này, bạn mới có thể hiểu được sự dao động của ý nghĩ – vì một cách ý thức hoặc vô thức, lòng đố kỵ hay một nguyên nhân nào đó sẽ xuất hiện và vô hiệu hóa ước mơ của bạn.
Để dẫn chứng, tôi có một người bạn bác sĩ từng nộp đơn xin vào lực lượng Hải quân Hoa Kỳ trong những ngày đầu Chiến tranh Thế giới thứ 2. Anh ấy đóng cửa phòng mạch và bảo với mọi người rằng mình sẽ gia nhập Hải quân. Và thế là anh ấy trở thành người được mọi người quan tâm, mời tham dự tiệc tùng và được tặng vô số quà. Sau này anh ta nói với tôi: “Tôi được bài học nhớ đời rằng không nên nói cho ai biết về khát khao của mình. Phải đến hai năm sau tôi mới nhận được giấy triệu tập, và trong thời gian đó tôi phải mở lại phòng mạch của mình. Thật là bối rối khi đã nhận bao nhiêu là quà tặng chia tay như thế, để rồi tôi phải ngồi nhà để làm nguội cơn bốc đồng của mình trong suốt hai năm ròng”.
Sự thật là khi nói ra điều bạn sắp làm, bạn sẽ làm suy yếu các nguồn lực của bạn. Bạn sẽ đánh mất mối liên kết gần gũi với tiềm thức của bạn, và trừ phi bạn làm theo những gì được gợi ý trong quyển sách này, bạn sẽ phải luôn bắt đầu lại từ đầu các kế hoạch nhằm đạt được thành tựu mà bạn đặt ra”.
“Đừng nói với bất cứ ai về khát khao của bạn!” luôn là một lời khuyên đúng đắn.
Các độc giả của tôi sẽ nhớ rằng trước đây tôi từng nói về tục thờ thần tượng, các nhịp điệu cầu kinh, những câu thần chú và khẩu quyết. Bằng cách khắc sâu chúng vào tâm trí, bạn sẽ làm cho các lực tự kỷ hoạt động và kích thích tiềm thức của bạn.
Những câu nói lặp đi lặp lại này, dù được nói thầm hay nói to, đều là những phương cách để thuyết phục tiềm thức của bạn, vì tự kỷ ám thị dưới bất kỳ hình thức nào cũng là cách duy nhất để tạo thành khuôn khổ của chính nó. Tiềm thức thực ra rất dễ tiếp thu những cái được lặp đi lặp lại, bất kể đúng sai, để hiện thực hóa nó trong đời thật. Cho nên, từ ngữ bạn chuyển vào tiềm thức càng đơn giản dễ hiểu càng tốt. Chẳng hạn, nếu bạn đang buồn khổ thất vọng, bạn có thể lặp đi lặp lại vài chục lần mỗi ngày rằng: “Tôi hạnh phúc”, “Tôi khỏe mạnh”, “Tôi thân thiện”… Các khẩu quyết kiểu này giúp bạn chuyển hướng trạng thái tinh thần của mình thành tốt đẹp hơn. Nhưng nếu tác động đó là vĩnh cữu, bạn phải thường xuyên lặp đi lặp lại các khẩu quyết tương tự như thế cho đến khi bạn thu được kết quả mong muốn.
Bằng sự lặp đi lặp lại, những người có mục tiêu xác định, khát vọng hay lý tưởng rõ ràng có thể khắc sâu chúng vào trong tiềm thức của họ - và nhờ lực do tiềm thức sinh ra và duy trì, họ sẽ nhận ra đường đi của mình trong thời gian ngắn nhất và ít hao tốn sức lực nhất. Hãy theo đuổi ý nghĩ của bạn, đến một lúc nào đó, bạn sẽ đạt đến khả năng tự nhận thức, bởi khi đó toàn bộ trí lực và sức lực của bạn đều hướng đến việc hoàn thành mơ ước của bạn.
Điều đó cũng như bạn đóng đinh vào một tấm ván vậy. Nhát búa đầu tiên giúp bạn gá cây đinh vào đúng vị trí, nhưng phải nhiều nhát tiếp theo bạn mới có thể đóng cây đinh ấy ngập hoàn toàn vào tấm ván. Bạn đừng quên rằng tiềm thức chấp nhận và thực hiện bất cứ “mệnh lệnh” nào, dù tốt hay xấu, mà nó liên tục bị buộc phải làm.
Một ví dụ hoàn hảo khác là câu chuyện cổ về Milo và con bê. Mỗi ngày Milo đều nhấc bổng chú bê con của mình lên không trung, cho tới một ngày nọ Milo nhận ra rằng mình đang “bế” trên tay một chú bò mộng đã trưởng thành!
Bạn có thể liên tưởng điều này với những thứ được gọi là vật chất. Bạn biết đấy, hai vật bất kỳ không thể ở cùng một không gian tại cùng một thời điểm. Tâm trí của chúng ta có thể được ví như không gian ấy: bạn không thể có nhiều ý nghĩ xấu xa hay ngờ vực khi trong tâm trí bạn đầy những ý nghĩ tích cực, mạnh mẽ và sáng tạo. Hãy xem tâm trí bạn như một căn phòng có một cửa ra vào, và bạn là người giữ chiếc chìa khóa duy nhất. Cho nên, chính bạn là người có toàn quyền quyết định những gì được phép đi qua cánh cửa đó. Có nghĩa là, bạn muốn đưa vào tâm trí mình những ý nghĩ tích cực hay tiêu cực là tùy ở bạn, nhưng hãy nhớ rằng tiềm thức của bạn sẽ đáp ứng trước mọi xung động của những ý nghĩ có sức “thống trị” hơn trong bạn.
Cũng vậy, nếu ví tâm trí bạn như một bồn nước đầy được nút kín thì bạn không thể bỏ thêm gì vào nó được nếu không tháo bớt nước ra. Khi bạn cho phép những ý nghĩ tiêu cực xâm nhập vào tâm trí mình, lẽ đương nhiên là một vài ý nghĩ tích cực sẽ bị “tống” ra ngoài để nhường chỗ cho những ý nghĩ tiêu cực đó. Hệ quả là trạng thái tinh thần của bạn sẽ bị yếu đi. Vì thế, chỉ khi nào bạn không chấp nhận những xung động bất lợi thì tiềm thức của bạn mới không bị cản trở bởi những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy hay phải trải qua. Nói cách khác, bạn cần thường xuyên nuôi dưỡng tiềm thức của mình bằng những ý nghĩ tích cực để những xung động mạnh mẽ do nó tạo ra sẽ đẩy lùi mọi ý nghĩ tiêu cực luôn chực chờ xâm nhập vào bạn từ bên ngoài.
Hàng ngàn năm nay, các triết gia đều dạy rằng nếu muốn hạnh phúc, chúng ta phải luôn làm việc và đừng để tâm trí mình rảnh rỗi. Triết gia Freud nói rằng hạnh phúc của con người thực ra đến từ hai nguồn: khả năng làm việc và tình yêu. Ý nghĩa trong tuyên bố của Freud là khi chúng ta tập trung vào một công việc hay người mà chúng ta yêu quý thì tâm trí chúng ta không phát tán ra những bức xạ có hại nữa. Đó là lý do các bác sĩ thường khuyên các doanh nhân hay các giám đốc cứ thoải mái vui chơi thư giãn với những trò họ yêu thích để tránh các ý nghĩ ưu tư hay tiêu cực. Còn đối với đại đa số người khác thì đi du lịch, khám phá những phong cảnh mới, tham gia một tổ chức xã hội mới để thay đổi những thứ quen thuộc đến mức nhàm chán, để thoát khỏi những xung động phiền nhiễu từ những ý nghĩ tiêu cực.
Tôi biết có một đôi vợ chồng bị mất đứa con trai duy nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 trong trận Normandy tại Pháp. Hàng tháng trời sau đó họ giữ nguyên mọi thứ trong phòng con trai mình như hồi cậu ấy còn sống. Cứ vào Chủ nhật là họ ngồi xem lại những kỷ vật và nhớ về cậu. Như thế làm sao họ không trở thành những ông già bà lão cô độc và cay đắng cơ chứ? Tôi hiểu mất người thân là một tổn thất lớn như thế nào, nhưng tôi cũng biết rằng chúng ta cần phải đóng lại sau lưng cánh cửa dẫn về quá khứ và đóng nó vĩnh viễn. Chúng ta sống với hiện tại, chứ không phải quá khứ.
Giờ thì bạn đã biết rằng các sự vật, hiện tượng, môi trường bên ngoài và các loại vật chất đi vào cuộc sống của chúng ta qua ý nghĩ. Đây là lúc bạn quyết định có nên biến những khát khao mà bạn hằng ấp ủ trong lòng thành sự thật hay không.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây là sự thật: chúng ta thường đạt được những gì chúng ta tiên đoán. Nếu bạn thấy trước được rằng bạn sẽ tăng doanh số bán hàng của mình và bạn tin vào điều đó, doanh số của bạn sẽ tăng như thể có một người vô hình đang ra tay giúp đỡ bạn. Sự tiên đoán như thế sẽ chi phối mọi việc chúng ta làm.
Dale Carnegie từng kể cho chúng ta về thành tựu vĩ đại của Howard Thurston, nhà ảo thuật. Theo đó, cứ mỗi lần sắp bước ra sân khấu thì Thurston lặp đi lặp lại với chính mình rằng ông yêu khán thính giả của mình biết bao và ông sẽ dành cho họ những màn biểu diễn hấp dẫn nhất bằng tất cả khả năng của ông. Lòng tin đó đã đưa ông lên hàng triệu phú của nước Mỹ.
Một người đàn ông khác, 78 tuổi nhưng nhìn như ở độ tuổi 60, cũng đã tạo ra một gia tài lớn cho chính mình nhờ phương pháp này. Ông thường xuyên “ra lệnh” cho tiềm thức của mình phải làm việc:
“Tôi nói chuyện với tiềm thức của mình như đang trò chuyện với một người mà tôi có thể ra lệnh và không bao giờ lo rằng mệnh lệnh của tôi không được thực hiện. Nếu bụng tôi có vấn đề, tôi bảo nó phải làm việc “đàng hoàng” như mọi ngày và thế là mọi chuyện lại ổn thỏa. Nếu tôi muốn thức dậy vào đúng 5 giờ sáng thì trước khi đi ngủ tối hôm trước, tôi bảo tiềm thức của mình đánh thức tôi vào đúng giờ đó mà chẳng phải dùng đến đồng hồ báo thức. Tôi chưa bao giờ bị ‘tổ trát’ cả!
Trước đây tôi từng nghe có một học thuyết nói rằng tiềm thức chi phối tuổi tác của chúng ta – điều tôi muốn nói ở đây là suốt nhiều thế kỷ qua, tiềm thức con người nói chung được “dạy” rằng con người sẽ già đi khi họ bước vào tuổi 60. Vì hầu hết mọi người đều chấp nhận ý nghĩ này nên tiềm thức không thể làm khác đi được và nó buộc phải tin như thế. Tuy nhiên, về phần mình, tôi không chấp nhận suy nghĩ đó, và như bạn thấy đấy, tôi trông như chỉ mới hơn 50 tuổi thôi, và tôi hy vọng tôi sẽ duy trì được sự trẻ trung của mình thêm nhiều năm nữa.”
Tất cả những điều này chỉ ra rằng chúng ta không nên gieo vào tiềm thức của mình ý nghĩ rằng chúng ta đang trở nên già nua và hoen gỉ theo năm tháng. Và, bằng cách dạy cho tiềm thức biết cách từ chối những ý nghĩ tiêu cực, bạn sẽ có nhiều cơ hội kéo dài cuộc đời của mình xa hơn cái gọi là tuổi thọ đã định hay “số trời”.
Sự lặp đi lặp lại là nhịp điệu nền tảng cho mọi sự tiến triển, hay có thể nói, đó chính là nhịp điệu của vũ trụ này. Nó là tiếng phì phò của một đầu máy kéo những toa tàu đi xuyên qua các lục địa, là những vụ nổ liên tiếp tạo ra năng lượng bên trong buồng đốt động cơ, là những nhát búa nối tiếp nhau bổ xuống để đóng cây đinh vào đúng vị trí cuối cùng, là tiếng nổ liên thanh từ một khẩu súng máy hạ gục tất cả những gì đang ở phía trước nó. Những nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết đoán đập tan mọi trở lực và san bằng mọi chướng ngại. Phép tự kỷ ám thị mang lại niềm tin cho chính bạn và cả những người xung quanh, vì sự lặp đi lặp lại những ý nghĩ có ý thức sẽ khắc sâu nó vào tiềm thức của bạn và tiềm thức của họ.
Các bà mẹ thường dạy con cái của họ trong khi chúng đang ngủ bằng những lời nói, lời ru yêu thương và chứa đựng những kỳ vọng, chẳng hạn như sau này chúng sẽ trở thành những người thông minh, khỏe mạnh, có những đức tính tốt và trở thành những công dân tốt. Bởi vì trong giấc ngủ, tiềm thức của chúng vẫn hoạt động và nhận “mệnh lệnh” từ những lời nói được lặp đi lặp lại của mẹ chúng.
Trong cuộc hủy diệt Carthage, thành phố biển lớn nhất thời cổ đại, chúng ta có thể thấy sức mạnh kinh hoàng của phép ám thị. Cato, một nghị viên La Mã, tin rằng Rome và Carthage không thể tồn tại song song với nhau và luôn kết thúc phần phát biểu của mình bằng câu: “Carthage phải bị hủy diệt!”. Cato cứ lặp đi lặp lại như thế cho tới khi tất cả người La Mã đều nói “Carthage phải bị hủy diệt!” ngay cả trong giấc ngủ của họ - và lịch sử cho thấy Carthage đã bị hủy diệt dưới tay người La Mã.
Nhiều người lúng túng và xấu hổ vì để mình bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ hay tư tưởng tiêu cực của người khác. Đây cũng là một trong những điểm yếu của nhiều nhân viên bán hàng, khi họ tiếp nhận quá mức những lý do từ chối mua hàng của các khách hàng tiềm năng. Một ý tưởng hay tư tưởng tiêu cực nếu được lặp đi lặp lại đủ lâu có thể làm ngả lòng một con người từng có ý chí mạnh mẽ nhất. Nếu bạn không liên tục phát ra những tư tưởng tích cực hoặc chí ít đóng cửa tiềm thức của mình trước những ý nghĩ tiêu cực thì chẳng chóng thì chầy bạn sẽ bị nhấn chìm. Rất nhiều người ra sức chống chọi trước những trở lực bằng những cố gắng phi thường mà không biết rằng chính sự phản ứng của tâm trí họ trước tác động của ám thị mới là nguyên nhân gây ra muôn vàn rắc rối cho bản thân họ.
Dù muốn dù không, mọi hành động của chúng ta đều là kết quả của phép ám thị - trong nhiều trường hợp chúng ta sống như thể đang bị thôi miên. Chúng ta đi theo một con đường mòn duy nhất trong cuộc sống của mình bởi ông cha ta cũng đi con đường đó hàng trăm năm qua. Nhà cửa, trường học, chợ búa, xe cộ… bao nhiêu năm qua vẫn cùng một cách tồn tại ấy. Chúng ta cùng mặc những kiểu quần áo như nhau, có những thói quen tập quán tương tự nhau… tất cả là vì chúng ta được dạy rằng đó là những điều cần phải làm theo. Khi một ai đó trong chúng ta làm khác đi hay nghĩ ra những điều mới mẻ hơn, họ bị cho rằng là người lập dị. Nhìn kỹ hơn vào vấn đề này, bạn sẽ thấy con người dường như đang bị thôi miên tập thể!
Tôi quan sát và nhận thấy rằng những ai chủ tâm thực hành phương pháp này (và cả những người sử dụng nó một cách vô thức) đều là những con người tràn đầy năng lượng và có một cuộc sống hết sức năng động. Họ không chỉ là những người có tầm nhìn rộng lớn và có trí tưởng tượng mạnh mẽ, mà còn là những người có thể “dời non lấp biển” bằng những hành động cụ thể. Chính điều này đưa tôi đến một chân lý quan trọng, rằng: “Niềm tin không hành động là niềm tin chết”.
Hiển nhiên là không ai trên thế giới này có thể làm nên những kỳ tích chỉ bằng cách tập trung tinh thần mà không cần bước ra khỏi nhà, không cần tiếp xúc với ai, không cần một hành động thể chất nào cả. Về cơ bản, cái thế giới vật chất hữu hình này được kiểm soát bởi những con người hành động – hay chính xác hơn là bởi những con người năng động, những người có khả năng truyền năng lượng và niềm tin cho người khác.
Franklin D. Roosevelt thường xuyên sử dụng sức mạnh từ tiềm thức của ông và tôi chắc chắn rằng ông có những hiểu biết rất sâu sắc về phép tự kỷ ám thị. Franklin không bao giờ nhìn lại mà luôn hướng về phía trước – “ngày hôm qua” đối với ông là một cuốn sách đã khép lại. Vào ngày 17/4/1945, năm ngày sau khi Franklin qua đời, Kerke L. Simpson – Tùy viên Báo chí và là một người bạn thân của ông – đã kể lại câu chuyện về một buổi tiệc mừng Roosevelt chiến thắng căn bệnh bại liệt:
Roosevelt quyết định đi bộ trở lại mà không cần dùng nạng. Những người thân cận ông bàn nhau đưa cho ông một cây gậy làm tin để mong ông sớm bình phục hơn. Suốt buổi chiều sau khi nhận được cây gậy, Roosevelt ngồi trầm ngâm suy nghĩ một mình trong phòng với cây gậy hết đặt trên vai bên này lại sang vai bên kia. Có lẽ Roosevelt đã vươn dậy và vỗ vào cây gậy của mình mà nói rằng: “Anh sẽ đi đứng trở lại được thôi, Roosevelt ạ. Anh sẽ làm được!”.
Roosevelt đã tin vào sức mạnh của niềm tin. Một bài báo trên Tạp chí Time ngày 4/3/1946 đã trích đăng một lá thư ông viết cho một vị bác sĩ vào năm 1924 để xin lời khuyên về cách điều trị bệnh bại liệt. Trong thư Roosevelt viết rằng ông nghĩ những bài tập nhẹ cùng với xoa bóp và tắm nắng là rất cần thiết, “nhưng”, ông nhấn mạnh, “điều quan trọng nhất là niềm tin của người bệnh rằng mình chắc chắn sẽ khỏi bệnh”. Bạn thấy đấy, đó có lẽ là một ví dụ tuyệt vời nhất về sức mạnh của niềm tin.
CHÚ THÍCH
(12) Với Đạo luật sửa đổi bổ sung thứ 18 (The Eighteenth Amendment), Nước Mỹ cấm nấu, buôn bán, vận chuyển tất cả các loại rượu từ năm 1920 – 1933.