Đã bao nhiêu lần bạn nghe nói rằng: “Hãy tin rằng bạn có thể, bạn chắc chắn sẽ làm được”? Cho dù công việc đó là gì thì một khi có niềm tin, bạn sẽ làm được, và làm được một cách hoàn hảo. Thường thì niềm tin cho con người sức mạnh làm được những điều người khác cho là không thể. Hành động tin tưởng là lực khởi nguồn, là sức mạnh phát sinh dẫn tới sự hoàn thành mọi mục tiêu hay kỳ vọng.
“Nào, các cậu, chúng ta có thể đánh bại họ mà!” Chúng ta thường nghe câu này trong các trận bóng, trong nhà hay ngoài sân cỏ, hay trong một cuộc họp chiến lược trong thế giới của các công ty. Câu nói tức thì thể hiện niềm tin ấy có tác dụng truyền cảm hứng, tạo thách thức và lên tinh thần cho các cầu thủ chuyển bại thành thắng. Thành công khi đó là điều có thể bởi những người có niềm tin vững chắc đều biết rằng họ có thể làm được .
Bạn có thể bị đắm tàu và vùi dập trong dòng nước lạnh gần một bờ biển đầy những mỏm đá nhọn hoắt. Trong giây phút ấy, bạn sợ hãi nghĩ rằng chẳng có một cơ hội sống sót nào dành cho bạn. Nhưng bất ngờ một cảm giác xuất hiện rằng bạn sẽ được cứu sống – hoặc bạn có thể tự cứu mình. Ngay giây phút bạn có cảm giác đó, niềm tin lập tức hình thành trong bạn. Và, cùng với niềm tin đó là một sức mạnh trỗi dậy để trợ giúp bạn.
Emerson nói rằng bằng cách nói những câu tạo niềm tin hay truyền cảm hứng trong những thời khắc khó khăn, chúng ta sẽ có những hành động tức thời và đúng đắn một cách vô thức. Có rất nhiều câu chuyện về những kỳ tích chuyển bại thành thắng nhờ sức mạnh của tiềm thức, rằng làm thế nào mà những người vốn yếu đuối có thể đạt được những kỳ tích vượt xa khả năng bình thường của họ. Các diễn giả, diễn viên hài và các tác giả khi nói trước đám đông thường ngạc nhiên về sức mạnh của tiềm thức vốn giúp họ có những dòng ý tưởng không ngừng tuôn trào làm say mê các khán thính giả của họ.
Sau khi nghiên cứu nhiều giáo phái khác nhau và các bài thuyết giảng cũng như các nguyên lý của tiềm thức, tôi nhận thấy rằng chúng có cùng một phương cách hoạt động như nhau (modus operandi). Có nghĩa là, chúng hoạt động dựa trên sự lặp đi lặp lại những lời niệm, câu chú, những từ ngữ hay những công thức nào đó. William Seabrook tuyên bố rằng những thầy lang vườn, các thầy pháp hay nhiều tín đồ của các giáo phái khác nhau chỉ đơn thuần sử dụng những vật thần kỳ quái để cầu khẩn sự giúp đỡ của các linh hồn qua các trò ma thuật. Những lời kinh kệ hay cầu nguyện hàng ngày của các tôn giáo như Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay các giáo phái khác cũng dựa trên nguyên tắc lặp đi lặp lại này mà tạo ra sức mạnh tinh thần cho các tín đồ. Nếu nghiên cứu sâu hơn, bạn sẽ nhận ra nguyên tắc này từng hoạt động từ thời cổ xưa, khi tiếng trống định âm hay tiếng cồng chiêng của các bộ tộc nguyên thủy tạo ra những chuyển động âm đều đều vang vọng trong tự nhiên để họ tự kích thích, làm phấn khích và xúc động tâm trí đến mức họ coi thường cái chết mà đi trên lửa hay xiên người bằng những mũi tên nung đỏ. Vũ điệu chiến tranh của người Da đỏ Mỹ, sự chuyển động của cơ thể theo một nhịp điệu lặp đi lặp lại, hay nghi lễ cầu mưa của nhiều bộ tộc khác cũng hoạt động theo nguyên tắc này.
Trong quyển Penthouse of the Gods (Ngôi nhà của các vị thần) xuất bản năm 1939, Theos Bernard kể lại chi tiết một vài sự kiện trong đó có sự lặp đi lặp lại những câu tụng hay lời cầu nguyện thần bí. Khi viết quyển sách này, ông quả quyết rằng mình là người phương Tây đầu tiên đặt chân lên thủ phủ Lhasa của Tây Tạng huyền bí nằm trên dãy Himalaya hùng vĩ, nơi có những thiền viện chứa hàng ngàn vị lạt-ma - những đệ tử của Phật. Đọc quyển sách này, bạn sẽ bị ấn tượng rằng khi các vị lạt-ma và thầy tu không ăn uống hay đáp ứng các nhu cầu thể xác của mình, họ liên tục tụng niệm trong nhịp cầu kinh huyền bí qua chuỗi tràng hạt. Bernard nói rằng trong một ngôi đền nọ, các tu sĩ bắt đầu tụng kinh từ mờ sáng đến tối và chính xác là họ lặp đi lặp lại câu tụng của họ 108.000 lần. Ông cũng kể lại về việc các vị lạt-ma đã giúp ông tụng niệm như thế nào để gia tăng sức mạnh bên trong con người ông.
Trong mọi tôn giáo, mọi tín ngưỡng hay dòng tu, luôn có một nghi thức hiển nhiên, có tính bắt buộc rằng sự lặp đi lặp lại một vài từ ngữ nào đó (thần bí hoặc không) đóng vai trò rất quan trọng. Điều này đưa chúng ta tới định luật về sự ám thị (the law of suggestion), rằng các luật khi hoạt động trong phạm vi của chính nó có khả năng tạo ra những kết quả mang tính hiện tượng. Có nghĩa là, sức mạnh của phép ám thị - hoặc tự kỷ ám thị (autosuggestion) hay ngoại kỷ ám thị (heterosuggestion) – sẽ khởi động cơ chế bên trong làm cho tiềm thức bắt đầu công việc sáng tạo của nó – và đó chính là nơi các khẩu quyết và sự lặp đi lặp lại phát huy vai trò của chúng. Một người thợ xây hay nhà thầu xây dựng nhìn một bộ bản vẽ và các thông số kỹ thuật để xây dựng một cây cầu hay một tòa nhà, và bị thúc giục bởi mong muốn thắng được hợp đồng công trình đó, đã tự tuyên bố với chính mình rằng: “Mình có thể làm được công trình này, mình có thể làm được.” Anh ta có thể thầm lặp đi lặp lại hàng ngàn lần mà không cần ý thức về điều đó. Dù vậy, việc ám thị vẫn tìm được nơi để bám rễ và anh ta ký được hợp đồng đó, và công trình cuối cùng được dựng lên. Ngược lại, nếu anh ta nói rằng anh ta không thể làm điều đó thì anh ta sẽ không bao giờ chạm tay được vào hợp đồng nọ.
Joseph Stalin đã sử dụng phép ám thị để xây dựng nước Nga thành một quốc gia hùng mạnh. Vào tháng 11 năm 1946, Viện Thôi miên học hiện đại (Institute of Modern Hypnotism) thừa nhận rằng Stalin đã sử dụng sức mạnh to lớn của phép ám thị để làm người Nga tin tưởng vào sức mạnh chiến thắng Phát-xít Đức của họ, và viện này đã xếp Stalin vào nhóm mười người có “ánh mắt thôi miên mạnh nhất thế giới” và gọi ông là “nhà thôi miên hàng loạt”.
Nhưng cũng có khi phép ám thị bị sử dụng sai lệch. Lịch sử cho thấy một bộ phận dân tộc Đức, Ý, Nhật đã từng dùng phép ám thị để tạo ra những binh lính và phi công cảm tử đến mức cuồng tín. Điều đáng mừng là sức mạnh từ phép ám thị của họ không đủ lớn để thắng được sức mạnh chính nghĩa của phần còn lại của thế giới.
Một lần nữa chúng ta lại nhìn thấy mãnh lực của việc lặp đi lặp lại ý nghĩ. Sức mạnh đáng kinh ngạc này vượt khỏi mọi khả năng suy lý và tác động trực tiếp lên cảm xúc và cảm giác để cuối cùng thấm sâu vào trong tiềm thức của chúng ta. Đây cũng chính là nguyên lý cơ bản của tất cả các mẩu quảng cáo thành công – việc lặp đi lặp lại một câu từ nào đó đầu tiên sẽ làm bạn tin vào một sản phẩm, dịch vụ nào đó trước khi bạn quyết định mua nó. Những năm gần đây chúng ta trở nên quen thuộc với các loại thực phẩm có chứa vitamin, khoáng chất và rất nhiều loại thực phẩm “tự nhiên”, “hữu cơ” khác mà hàng triệu người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua chúng. Thế mới thấy ám thị có uy lực mạnh mẽ như thế nào.
Suốt nhiều thế kỷ cà chua bị xem là loại trái cây độc không ai dám ăn cho tới khi có người quyết định thử và vẫn sống khỏe sau đó. Ngày nay, hàng triệu người “nghiền” cà chua mà không hề biết rằng nó từng bị cho là không thích hợp với con người. Cũng vậy, suốt mấy thế kỷ liền rau bi-na (spinach) gần như bị vứt vào sọt rác sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố rằng nó không hề chứa một giá trị dinh dưỡng nào. Thế là hàng triệu người tin vào điều đó và đã từ chối thưởng thức hay thể hiện sự quý trọng đối với món rau ưa thích của Popeye (11) .
Ắt bạn từng nghe câu chuyện về những người không biết rằng có những thứ không thể thực hiện được, nhưng chính vì họ không hề có ý nghĩ rằng điều đó là không thể nên họ cứ làm một cách tự nhiên, và họ đã thành công. Các nhà tâm lý học nói rằng khi còn nhỏ, chúng ta chỉ có hai nỗi sợ: sợ tiếng ồn và sợ té. Còn tất cả những nỗi sợ khác thâm nhập vào tâm trí ta khi ta lớn lên qua những gì mắt thấy, tai nghe. Tôi thích nghĩ về con người như một cây sồi sừng sững, vững chãi giữa những trận cuồng phong, nhưng thực tế thì đa phần chúng ta hay bị dao động dù bởi một cơn gió nhẹ.
Sự thực là những ai từng chứng kiến một trận bóng chày hay bóng đá đều nhìn thấy sức mạnh của ám thị. Knute Rockne, vị huấn luyện viên nổi tiếng của đội Notre Dame, biết rất rõ giá trị của phép ám thị và thường xuyên sử dụng nó cho từng cầu thủ của mình. Vào một chiều thứ Bảy nọ, Notre Dame có một trận thi đấu tồi tệ và thua gần như tan tác trước đối thủ vào gần cuối hiệp thứ nhất. Sau đó, trong phòng thay đồ, Rockne chầm chậm bước vào, ánh mắt ông quét một lượt khắp khuôn mặt của các cầu thủ rồi nói: “Ồ, tôi xin lỗi, tôi nhầm. Tôi tưởng đây là tổng hành dinh của đội Notre Dame”. Cánh cửa sau lưng ông đóng lại khi Rockne quay lưng bước ra.
Bị làm cho tẽn tò và điên tiết, cả đội đã vùng lên trong hiệp hai và giành chiến thắng chung cuộc.
Năm 1935, Đại học Gonzaga đã hạ gục đội bóng hùng mạnh của Bang Washington với tỉ số 13-6 trong một trong những trận đấu có kết quả bất ngờ nhất ở Bờ Tây. Gonzaga là một đội bóng không chuyên trong khi đội bóng của Bang Washington được xem là bất khả chiến bại vì bề dày thành tích của họ. Các báo thời bấy giờ đưa tin rằng trợ lý huấn luyện viên trưởng Sam Dagley đã nói rằng đội Gonzaga đã chơi một trận đầy cảm hứng. Ông khám phá ra rằng trong suốt nửa giờ trước trận đấu, huấn luyện viên trưởng Mike Pecarovich đã cho các cầu thủ của mình nghe đi nghe lại chiếc đĩa ghi âm một trong những bài nói chuyện lên tinh thần có sức kích động mạnh nhất của Rockne.
Trong cuộc Đại Suy thoái 1929 – 1933, và có lẽ trong nhiều cuộc suy thoái khác nữa trong tương lai, chúng ta đã và sẽ tiếp tục nhìn thấy tác động mạnh mẽ của phép ám thị. Hết ngày này qua ngày khác chúng ta nghe những câu đại loại như: “Thời buổi này khó khăn quá!”, “Tình hình kinh doanh thật là bi đát!”, “Hàng loạt nhà băng phá sản mỗi ngày!” hoặc “Không có tín hiệu nhỏ nào cho sự thịnh vượng” và liên tục những câu chuyện tiêu cực về bức tranh kinh tế ảm đạm truyền từ tai người này đến tai người khác cho đến khi tất cả hợp thành một giai điệu chung của cả quốc gia. Điều này làm cho hàng triệu người tin rằng sẽ chẳng có một ngày mai tươi sáng nào nữa. Và thế là tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Nhà máy đóng cửa, nhà băng phá sản và nạn thất nghiệp tăng lên, tất cả bởi vì chúng ta khăng khăng (một cách tiêu cực) rằng đó là thời buổi khó khăn.
Vì thế, sẽ chẳng có cuộc suy thoái hay khủng hoảng nào xảy ra nữa nếu mọi người đều nhận ra rằng thật ra chính ý nghĩ sợ hãi của chúng ta mới tạo ra hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta nghĩ mình đang ở thời buổi khó khăn và thế là khó khăn tràn đến bao vây chúng ta.
Tiến sĩ Walter Dill Scott, một nhà tâm lý học nổi tiếng và từng là một hiệu trưởng lâu năm của Đại học Northwestern, nói rằng: “Thành công hay thất bại trong kinh doanh thường được quyết định bởi thái độ hơn là những khiếm khuyết về mặt tinh thần”.
Còn nhớ vào đêm 20/10/1938, khi Orson Welles và các nghệ sĩ ca kịch Nhà hát Mercury của ông đưa vở kịch chuyển thể từ tác phẩm Chiến tranh giữa các vì sao (The War of the Worlds) lên sóng phát thanh, dân chúng đã bỏ nhà tháo chạy ra đường, các đồn cảnh sát bị vây kín, tổng đài điện thoại bờ Đông gián đoạn, đường phố New Jersey đầy chướng ngại vật. Quả thật, trong suốt mấy giờ liền sau buổi phát sóng, hàng triệu người đã vô cùng hốt hoảng vì thực sự nghĩ rằng người Sao Hỏa đang tấn công địa cầu. Vâng, chính niềm tin đã tạo ra những sự kiện kỳ lạ như thế.
Con người mãi mãi vẫn là con người dẫu cho thế giới này có kết thúc. Tất cả chúng ta đều có cùng cảm xúc, chịu cùng sự tác động và rung động như nhau. Một tập đoàn khổng lồ, một làng, một xã, một thành phố, một quốc gia là gì nếu không phải là một tập hợp những cá nhân riêng lẻ kiểm soát và điều hành nó bằng ý nghĩ và niềm tin của họ? Khi một người nghĩ như thế và nhiều người cũng nghĩ như thế, thế là họ trở nên đồng hội đồng thuyền với nhau. Làng mạc hay quốc gia tồn tại và vận hành theo nguyên tắc đó. Con người là sản phẩm từ ý nghĩ của chính họ. Vua Solomon từng nói rằng: “Con người nghĩ thế nào trong lòng họ thì họ sẽ trở thành người như thế ấy”.
Các cuộc tập hợp học sinh sinh viên trong trường trung học hay đại học trước các cuộc thi điền kinh quan trọng cũng dựa trên nguyên tắc ám thị. Những bài nói, bài hát và những tiếng reo vang truyền cảm hứng hay lên tinh thần các vận động viên chính là phương tiện khơi dậy quyết tâm chiến thắng. Rất nhiều nhà quản lý bán hàng đã và đang sử dụng phương pháp này trong các buổi họp sáng để lên tinh thần các nhân viên kinh doanh của họ. Chẳng hạn, họ sẽ lặp đi lặp lại thật lớn rằng: “Hôm nay chúng ta sẽ lập kỷ lục bán hàng cao nhất từ trước đến nay!”. Về phía quân đội thì hầu như binh lính nước nào trên thế giới này cũng thuộc nằm lòng kỹ thuật lên tinh thần, tạo sự tự tin hay duy trì kỷ luật như một bản năng nhờ phép ám thị này.
Điều rất quan trọng là bạn phải luôn nhớ rằng tiềm thức sẽ chuyển thành hành động ngay lập tức dưới sự thúc đẩy của mệnh lệnh hay những lời nói ám thị mà nó nhận được từ ý thức (hay những tác nhân bên ngoài được chuyển vào qua ý thức). Nó càng nhanh chóng đạt kết quả hơn nữa khi ý thức gắn liền thông điệp của nó với một bức tranh tinh thần về mục tiêu mong muốn. Dù bức tranh đó mờ nhạt, sơ sài hay chưa hoàn chỉnh, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để tiềm thức hành động.
Nhiều nhà thôi miên hay ảo thuật phát huy sức mạnh của ám thị trên sân khấu bằng các vật dụng trang trí kỳ quái, mờ ảo làm “mụ mẫm” đầu óc người xem để dẫn dắt họ vào trạng thái vô thức để họ dễ dàng tin vào các trò “phù phép” của họ. Tuy nhiên, những người có sức hút cá nhân mạnh mẽ và các nhà hùng biện có sức truyền cảm lớn lại không cần vật dụng trang trí hay hỗ trợ nào xung quanh họ. Bởi họ là bậc thầy của giọng nói, cử chỉ, chuyển động cơ thể, ma thuật ánh mắt của họ, vốn thu hút hoàn toàn sự chú ý của bạn đến mức khiến bạn mở mắt trừng trừng nhìn họ như đang nuốt từng lời họ nói mà bạn không hề hay biết.
Hãy xem những miếng bùa may mắn hay bùa hộ mạng hoặc cỏ bốn lá, móng ngựa cũ, chân thỏ và vô số vật thể tương tự khác, chúng vô hại và chẳng có quyền lực nào đối với con người. Nhưng một khi chúng ta “thổi hồn” vào chúng và tin ở chúng, chúng bắt đầu có quyền năng đối với chúng ta.
Minh họa xuất sắc cho điều này là hai câu chuyện về Alexander Đại đế của Nga và Hoàng đế Napoleon của Pháp. Vào thời Alexander, có một nhà tiên tri nói rằng ai mở được nút thắt Gordian người đó sẽ thống lãnh được cả châu Á. Alexander đã vung gươm chém đứt nút thắt vì không tìm thấy đầu dây để mở, nhưng đó chính là cách mở nút thắt Gordian mà các vị thần đã ngầm định, thế là Alexander trở thành Đại đế của gần khắp châu Á. Còn Napoleon thì khi còn nhỏ đã được trao cho một viên ngọc bích hình ngôi sao, với lời tiên tri rằng nó sẽ giúp cậu gặp nhiều may mắn và sẽ trở thành Hoàng đế một ngày nào đó. Còn điều gì ngoài niềm tin tối thượng của Alexander và Napoleon (vào những gì họ được tiên tri) đã biến họ thành những con người vĩ đại của lịch sử?
Một tấm gương nứt hoặc vỡ sẽ không mang lại cho bạn sự xui rủi trừ phi bạn nghĩ thế. Nhưng nếu bạn tin rằng đó là điềm xấu thì trước sau gì bạn cũng gặp những điều không may, thậm chí là bất hạnh. Lý do là vì tiềm thức luôn biến tất cả những gì bạn tin thành sự thật, bất kể tốt hay xấu.
Trong quyển The Secret Life of Plants (Đời sống bí ẩn của các loài cây) , hai tác giả Bird và Tompkins khẳng định rằng một số người sở hữu nguồn sức mạnh tinh thần đáng ngạc nhiên. Nếu nguồn năng lượng này được “chiếu” vào các loại hạt, rau, củ, quả hay các loại cây khác, chúng sẽ lớn rất nhanh hoặc tươi tốt một cách khác thường.
Vài năm trước, chúng tôi gặp một người làm vườn lớn tuổi và ông ấy khăng khăng bảo chúng tôi phải nhổ lên rồi trồng lại một số loại cây kiểng và cây bụi nhỏ trong vườn nhà chúng tôi. Thoạt tiên tôi không thấy một lý do nào để làm việc đó vì nhổ lên trồng xuống cùng một cái cây chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng rồi ông ấy đã thuyết phục được chúng tôi. Tôi quan sát và nhận ra rằng trong khi trồng lại những cái cây vừa mới nhổ lên, ông ấy đọc thầm những câu “thần chú” gì đó. Vì quá tò mò nên sau đó ít lâu tôi hỏi ông ấy rằng ông ấy đã đọc những gì trong khi trồng lại những cái cây cho chúng tôi. Ông ấy đưa mắt nhìn tôi, vẻ nghi hoặc trong giây lát, rồi nói: “Có thể anh không biết thật, tôi đã nói chuyện với chúng. Tôi bảo chúng phải sống và lớn lên thật tươi tốt. Đó là điều tôi học được từ thầy tôi hồi trẻ, khi tôi sống ở Thụy Sĩ. Bất cứ thứ gì có sự sống đều cần những lời khích lệ, và tôi đã làm điều đó với những cái cây của anh”. Có những người dường như đồng cảm với các loài cây cỏ và cây cỏ cũng cảm nhận được điều đó. Đa số các nhà làm vườn chuyên nghiệp chỉ gieo trồng hạt giống vào một vài ngày nhất định nào đó trong một tuần trăng. Quả là mê tín phải không? Nhưng đó là một sự thần bí có thật. Các nhà nghiên cứu của Đại học Yale đã kết luận rằng các trường năng lượng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của cây cối. Chắc chắn đó là một kết luận mang tính khoa học.
Từ Thụy Sĩ đến British Columbia của Canada là một khoảng cách khá xa, nhưng ở đây có một bộ lạc Da đỏ có cùng cách nói chuyện với những vật tưởng chừng vô tri vô giác như những cái cây trong vườn nhà chúng tôi. Những người da đỏ này luôn “nói chuyện” với lưỡi câu và dây câu của họ trước khi họ thả mồi xuống nước. Họ nói rằng nếu không làm thế, sẽ chẳng có con cá nào cắn câu cả. Người dân ở các đảo phía nam thường bày cỗ cúng các vật dụng và tàu thuyền của họ để cầu xin sự phù hộ giúp họ đánh trúng những mẻ cá lớn và giong buồm ra khơi cũng như trở về bình an.
Tôi có một người hàng xóm sống rất tằn tiện, nhưng là người khôn ngoan và mực thước. Ông ấy chỉ đi cắt tóc vào một tuần trăng nào đó trong tháng mà thôi. Tôi không nhớ đó là lúc trăng non hay trăng già, nhưng ông ấy bảo rằng nếu cắt tóc vào lúc đó, tóc ông sẽ lâu mọc lại hơn so với cắt vào những lúc khác. Tôi hỏi ông ấy biết điều đó từ đâu, ông ấy không trả lời mà nhìn tôi như thể tôi từ trên trời mới rơi xuống vậy. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời của ông ấy.
Những điều tôi vừa nói có thể gây ra những phản đối kịch liệt từ những người theo chủ nghĩa duy vật. Nhưng bạn hãy nhớ lại mà xem, vào cuối những năm 1940, Hiệp hội Tên lửa Hoa Kỳ đã trình lên Chính phủ Mỹ một đề án phóng phi thuyền lên mặt trăng. Đề nghị này lúc đó nghe thật khôi hài, nhưng thực tế là người Mỹ đã hạ cánh lên mặt trăng chỉ trong 20 năm sau đó.
Không còn nghi ngờ gì nữa, trí tưởng tượng của con người, khả năng hình dung và tập trung vào những gì mình ao ước là những yếu tố chính giúp phát triển các hấp lực của tiềm thức. Bạn hẳn thường nghe câu này: “Giữ tư thế đó nhé!”. Tất nhiên câu này có nghĩa là bạn hãy giữ lại bức tranh tinh thần hay khung cảnh đó trong đầu bạn. Một lần nữa bạn thấy ám thị - những câu nói được lặp đi lặp lại – thực hiện vai trò của nó như thế nào.
Ví dụ, bạn muốn mua một căn nhà mới. Trí tưởng tượng của bạn bắt đầu làm việc. Đầu tiên, bạn chỉ có một ý nghĩ mơ hồ về căn nhà mà bạn thích. Sau đó, bạn bàn bạc với các thành viên khác trong gia đình – hoặc tư vấn với các nhà thầu xây dựng hay xem một số kiểu mẫu và bản vẽ khác nhau về những căn nhà mới. Thế là bức tranh về ngôi nhà mơ ước của bạn dần sáng tỏ hơn, cho tới khi bạn “nhìn thấy rõ” ngôi nhà của bạn đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Sau đó, tiềm thức sẽ thực hiện vai trò của nó. Nó sẽ giúp bạn hiện thực hóa ước mơ của mình, có thể bằng nhiều cách khác nhau. Hoặc tự tay bạn xây nó, hoặc ai đó xây hộ bạn, hoặc bạn mua một ngôi nhà hoàn chỉnh. Khi đó, việc làm thế nào mà bạn có nó không còn là điều quan trọng nữa.
Tiến trình hoạt động của tiềm thức cũng diễn ra tương tự như khi bạn đang phân vân lựa chọn giữa việc nhận một công việc tốt hơn hay thực hiện một chuyến nghỉ mát thật thú vị. Bạn cần phải làm rõ điều này trong tâm trí mình, rằng chính bạn sẽ nắm lấy công việc đó hay bạn sẽ đi nghỉ mát. Một vài nỗi sợ hãi mơ hồ bỗng trở thành có thật qua sự tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, đa phần chúng không phải thế - chỉ cần chúng ta nắm được bức tranh tinh thần đó một cách tạm thời, hay chí ít cũng đủ lâu để đặt nó hoàn toàn vào khung ảnh của tiềm thức. Kinh thánh từng dạy rằng: “Nơi nào không có tầm nhìn, nơi đó chỉ có sự tàn lụi”. Đó là một chân lý nền tảng, xét trên phương diện cá nhân hay cộng đồng đều đúng. Bởi vì, nếu không có bức tranh tinh thần về những việc cần hoàn thành thì chúng ta hầu như không thể làm được điều gì cả. Bạn muốn có một công việc tốt hơn ư? Chắc chắn bạn sẽ có nó, miễn là bạn làm cho tiềm thức của mình hiểu rằng công việc đã nằm trong tay bạn.
Khi viết điều này, tôi nghĩ tới rất nhiều trải nghiệm mà những người từng sử dụng phương pháp này đã chia sẻ với tôi trong nhiều năm qua. Tôi muốn kể lại cho các bạn nghe những câu chuyện của họ, vì qua đó bạn có thể tìm ra những nguyên lý hay bí quyết giúp bạn sử dụng phương pháp này thậm chí còn hiệu quả hơn cả những gì tôi gợi ý nơi đây.
Một người bạn chợt có ý nghĩ đóng một con thuyền. Anh ấy không có kiến thức gì về việc đóng thuyền nhưng tin rằng với một vài chỉ dẫn đơn giản, anh có thể làm được một chiếc. Thế là anh bắt tay vào việc. Trong quá trình đóng thuyền, anh nhận ra rằng anh cần một cái khoan điện, nhưng anh không muốn chi 75 hay 80 đô-la để mua một máy khoan mới vì anh chỉ sử dụng nó trong một vài tháng. Cho nên, anh tìm thuê một cái máy khoan, nhưng anh chỉ có thể thuê nó vào ban đêm và mỗi sáng sớm phải trả lại nên việc đó quả là bất tiện.
Anh ấy kể với tôi: “Một tối nọ tự nhiên tôi nghĩ rằng ở đâu đó đang có một cái máy khoan dành cho tôi theo đúng mong đợi của tôi. Càng nghĩ về điều đó, tôi càng tin rằng nó khả thi. Nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn không có chuyện gì xảy ra. Rồi một ngày, một người bạn đã mấy năm không gặp đến thăm tôi. Cậu ấy cũng rất thích thuyền bè và sau khi nghe rằng tôi đang định đóng một chiếc thuyền, cậu ấy bảo tôi cho cậu ấy tham quan “xưởng chế tạo” của tôi. Khi nhìn thấy tôi hì hục vật lộn với cái máy khoan nặng nề có mũi 12 mi-li-mét, cậu ấy hỏi tôi mua nó ở đâu. Tôi bảo tôi đi thuê, cậu ấy cười nói: ‘Tôi sẽ cho cậu mượn một cái nhỏ hơn để cậu dễ sử dụng hơn’. Không cần phải nói, tôi sướng rơn cả người và sau đó tôi đã sử dụng cái máy khoan người bạn cho mượn cho đến khi tôi làm xong con thuyền.
Một trải nghiệm khác cũng xảy đến với tôi khi tôi cần xẻ những tấm ván. Tôi nhận ra cái cưa lộng nhỏ bé của tôi không thể cắt những miếng gỗ dày gần 10 xăng-ti-mét một cách dễ dàng. Tôi ước gì mình có một cái cưa máy – và thực tế là ý nghĩ đó đã dẫn bước tôi đến một xưởng mộc cách chỗ tôi ở một vài khu nhà. Ở đó, tôi đã thuê một cái cưa máy với giá 50 xu một giờ. Tuy nhiên, việc chạy tới chạy lui thuê rồi trả cưa làm mất quá nhiều thời gian nên tôi luôn tự nhủ mình phải nghĩ ra cách khác để có thể chủ động trong việc sử dụng cái cưa. Kết quả là một người bạn khác đến chơi nhà và đã đề nghị cho tôi mượn cái cưa máy mà cậu ấy mới mua trước đó không lâu. Cậu ấy còn tử tế để tôi giữ cái cưa suốt mấy tháng cho tới khi tôi hoàn thành chiếc thuyền”.
Một người khác kể rằng một thời gian ngắn sau vụ Trân Châu Cảng, anh ấy tìm một thùng nhựa to vừa phải để đựng vài thứ lặt vặt trong ga-ra của mình. Do mọi thứ đều dành để phục vụ chiến tranh nên một cái thùng như thế cũng rất khó tìm. Anh vào các cửa hàng đồ cũ, các lò bánh mì và ga-ra xe hơi nhưng vẫn không tìm thấy. Anh định từ bỏ ý nghĩ đó thì một sáng nọ anh nhìn thấy vài người thợ đang sơn tòa nhà ở phía đối diện nhà anh. Họ sử dụng loại sơn quét tường được đựng trong những chiếc thùng nhựa đúng như loại thùng mà anh đang tìm kiếm. Thế là anh đến hỏi liệu họ làm gì với mấy cái thùng sau khi đã sử dụng hết sơn. Họ bảo chẳng làm gì cả ngoài việc quẳng chúng ra đường để xe rác lấy đi. Không bỏ lỡ cơ hội, anh đã hỏi xin họ. Vài ngày sau, cái thùng đã nằm trong ga-ra của anh - những người thợ sơn không những đã sử dụng hết sơn mà còn chà rửa sạch sẽ cái thùng trước khi mang đến tặng anh.
Có lần tôi mang xe đi sửa, nhiều anh thợ cố gắng tìm chỗ hỏng nhưng không xác định được vị trí. Cuối cùng, người chủ ga-ra phải ra tay. Ông ấy hỏi tôi vài câu rồi bảo rằng: “Tôi tin là tôi sẽ tìm ra nó cho ông xem!”.
Một cách tự nhiên, tôi nói: “Niềm tin là điều rất kỳ diệu, phải không ông?”.
“Chắc chắn là thế! Ý nghĩ là sức mạnh lớn nhất trên thế gian này, nhưng ông mà nói câu đó với ai thì đến đá cũng cười ông đấy!” – Ông ấy nói, vẻ chua cay.
“Không, tôi thực sự quan tâm mà!” – Tôi đáp. “Hãy kể cho tôi nghe những lần khác mà ông đã thể hiện sức mạnh của ý nghĩ đi nào”.
“Ông ngồi đây cả ngày cũng nghe không hết những chuyện kỳ lạ mà tôi kể - có thể nói chúng xảy ra theo suốt cuộc đời tôi.”
“Vậy, lần đầu tiên ông để ý đến sự tồn tại của nó là khi nào?” – Tôi hỏi.
“Ồ, vào khoảng 12 năm về trước, khi tôi bị ngã và chấn thương cột sống. Tôi phải nằm bó bột trong một thời gian dài và các bác sĩ bảo rằng tôi sẽ không bao giờ hồi phục được, rằng tôi sẽ tàn phế trong cả quãng đời còn lại. Khi nằm trong bệnh viện lo lắng về tương lai của mình, tôi thường nghĩ về những lời mẹ tôi dạy lúc tôi còn nhỏ: ‘Sống là phải có niềm tin, ai cũng cần phải thế con ạ!’. Thế rồi một bức tranh tinh thần dần dần hiện rõ trong tâm trí tôi. Sau đó tôi nghiệm ra rằng nếu tôi giữ trong đầu mình một hình ảnh khỏe mạnh như mong ước và có niềm tin rằng tôi sẽ lại khỏe mạnh thì tôi có thể hồi phục. Nói ngắn gọn về câu chuyện dài này, bây giờ anh có thấy tôi đang lăn lê bò toài dưới gầm xe của anh không? Anh có thấy tôi tàn phế gì không nào?”
“Rất tuyệt vời. Xin ông vui lòng kể thêm những điều kỳ diệu khác nữa cho tôi nghe.” – Tôi thúc giục.
“Vâng, tôi thường sử dụng sức mạnh ấy để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Thực tế là, địa điểm này là một kết quả từ đó đấy. Vài tuần trước, ga-ra của tôi bị cháy rụi và tôi phải đi tìm một địa điểm khác. Ở thành phố này, một địa điểm như anh đang đứng ở đây là rất khó. Tôi lo lắng suốt mấy ngày liền. Phen này nếu không tìm ra địa điểm mới chắc tôi phải đi làm công cho người khác mà kiếm sống. Sau nhiều đêm thao thức, tôi quyết định tiếp tục tự mình làm kinh doanh. Đó là một bước ngoặt lớn trong đời tôi. Ngay trước khi đi ngủ tối hôm đó, tôi nói với chính mình rằng: ‘Này anh bạn, chắc chắn là anh sẽ tìm được địa điểm mới trong vài ngày tới. Sức mạnh của niềm tin này chưa bao giờ làm anh thất vọng mà!’. Rồi tôi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ ngon với niềm tin rằng mình sẽ tìm ra một địa điểm tốt. Sáng hôm sau, tôi đến chỗ người thợ sơn nơi tôi gởi chiếc xe của mình sau vụ hỏa hoạn. Tôi nói với ông ấy rằng tôi đang tìm thuê một chỗ mới. Ông ấy bảo: ‘Cậu này buồn cười nhỉ! Đi đâu cho xa, tôi sang lại chỗ của tôi cho cậu nếu cậu thích! Tôi vừa mua một tòa nhà ngay bên cạnh đây đấy!’. Thế là bây giờ tôi đang ở đây, một địa điểm hết sức thuận tiện và khách hàng đến ga-ra của tôi mỗi ngày một đông hơn.”
Tôi biết nhiều bạn đọc cho rằng đó chỉ là những sự trùng hợp, nhưng hồ sơ lưu trữ của tôi đầy những câu chuyện “trùng hợp” như thế. Đối với một số người, họ cho rằng dù bạn có tin hay không tin thì mọi việc vẫn diễn ra đúng như thế. Riêng những ai tin vào sức mạnh của tiềm thức thì, tin vào kết quả của những ý nghĩ được nung nấu, theo đuổi và tin vào việc xây dựng bức tranh tinh thần thì mọi ao ước và hy vọng của họ đều diễn ra theo đúng các kết quả mà bạn mong đợi. Dù bạn thuộc về “trường phái” nào thì tôi cũng muốn nhắc lại một câu nói của Paracelsus rằng: “Ai không có sức mạnh tri giác thì không có khả năng nhận ra những thứ vô hình vô ảnh”.
Tiềm thức hoạt động như một kết quả của những khuôn hình được chiếu lên màn ảnh của nó, nhưng nếu máy chiếu của bạn hay hình ảnh gốc có vấn đề thì những khuôn hình sẽ mờ nhạt, đảo lộn hoặc trống rỗng hoàn toàn. Những nỗi nghi ngờ, sợ hãi, những ý nghĩ tiêu cực, đối nghịch… tất cả chúng là những nhân tố làm cho hình ảnh mà bạn muốn chiếu lên màn ảnh của tiềm thức bị mờ đi.
Những người có óc tưởng tượng cao như họa sĩ, nhà văn, nhà phát minh… thường sở hữu khả năng hình dung ra những bức tranh tinh thần hầu như ngay lập tức theo ý nghĩ của họ. Đối với những người làm nghề khác thì nếu chịu khó luyện tập, chẳng mấy chốc họ sẽ dễ dàng “nhìn ra” trong tâm trí mình bức tranh tinh thần về những điều, những vật hay những tình huống mà họ kỳ vọng sẽ thành sự thật.
Tôi từng quen một trong những tay câu cá giỏi nhất trên đời, người luôn sử dụng phương pháp này trong mọi việc mình làm. Anh ta có thể ung dung ngồi thuyền câu hết con cá hồi này đến con cá hồi khác trong khi những người đồng hành của anh ta, dù dùng cùng loại mồi, cần cân, dây câu và cả lưỡi câu, lại không câu được con cá nào. Một lần nọ tôi hỏi anh ta lý do vì sao. Anh ta cười đáp: “Tôi đọc thần chú mỗi khi thả câu. Tôi tưởng tượng ra cảnh chúng đang bơi thành từng đàn dưới đó và thả mồi xuống bảo chúng ăn. Nói cách khác là, tôi “nhìn thấy” cảnh chúng nó cắn câu và tin tưởng vào điều đó. Tất cả chỉ có thế!”.
Khi tôi kể câu chuyện này cho một thợ câu khác, anh ta bật cười nói: “Thật khôi hài! Mọi tay câu giỏi đều hiểu rõ tập tính của từng loại cá, hiểu rõ đặc điểm của từng điểm câu, từng dòng suối, con nước và biết dùng loại mồi nào thích hợp nhất. Và nếu họ không bắt được con nào thì đó là vì ở đó không có cá!”. Tuy nhiên, anh ta không thể lý giải tại sao hai người cùng sử dụng một kỹ thuật câu giống hệt nhau tại một điểm nhưng một người trúng lớn, còn người kia lại không câu được một con cá nào.
Ben Hur Lampman, một nhà tự nhiên học nổi tiếng, phó tổng biên tập của tờ The Oregonian đồng thời là tác giả của nhiều bài báo và sách về kỹ thuật câu cá và những đề tài có liên quan đã phát biểu thế này sau khi nghe tôi kể câu chuyện trên:
Người nói rằng việc đọc “thần chú” hay sử dụng sức mạnh của niềm tin là khôi hài mới chính là người khôi hài. Tôi không có lý do nào khác để giải thích tại sao bạn của anh lại luôn luôn may mắn mỗi khi đi câu ngoài việc nói rằng đó là một điều mang tính tâm lý và niềm tin. Bất kỳ ai từng nghiên cứu tập tính, thói quen của các loài cá và luôn bắt được nhiều cá hơn người khác sớm muộn đều nhận ra rằng còn có một yếu tố khác quan trọng hơn việc chỉ đơn thuần móc mồi quăng câu đến một chỗ mà họ nghĩ rằng có cá. Đó chính là mối liên hệ giữa tinh thần người đi câu trên bờ và lũ cá dưới nước – thật khó giải thích nhưng chính xác là vậy. Từng nghiên cứu về cá và các đặc điểm cũng như tập tính của chúng trong một thời gian dài, tôi phải thừa nhận rằng để câu thành công chắc chắn bạn cần có sự hỗ trợ của một yếu tố khác, gọi là tài “sát cá” hay giác quan thứ sáu hay là gì khác tùy theo cách nói của bạn. Tôi tin rằng cái “may mắn” của người đi câu tài giỏi nói trên chính là kết quả của niềm tin thông qua tiềm thức của anh ta.
Chắc chắn rằng nếu luật hấp dẫn này có tác dụng đối với những người đi câu thì nó cũng có tác dụng trong các lĩnh vực khác.
Những tay golf lừng danh thế giới như John Montagu hay Gene Sarazen có thể đánh quả bóng của họ đến bất cứ vị trí nào họ muốn và thường thì chỉ cần một gậy là họ đạt được nước đi mong muốn của mình. Lý do là họ luôn có một bức tranh tinh thần trong đầu mình về vị trí của quả bóng với lỗ golf trước khi họ thực hiện cú đánh. Trong một bài phỏng vấn trên báo, Montagu nói rằng: “Tôi chơi bằng tất cả sự tập trung của đầu óc, tinh thần và niềm tin của mình. Tất nhiên bạn cần phải có những kỹ thuật hoàn chỉnh nhất về tư thế đánh, cách chọn gậy, cầm gậy và vụt bóng trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng tôi luôn có một bức tranh tinh thần rõ ràng trong đầu mình trước mỗi cú đánh. Bức tranh đó định hướng và truyền tín hiệu cho các cơ bắp của tôi đưa ra những phản ứng căng, duỗi thích hợp để có một cú đánh chính xác nhất. Nếu không có bức tranh tinh thần thì những cú đánh của tôi chỉ là cầu may. Có nghĩa là bạn phải luôn tập trung tinh thần cao nhất, chịu áp lực cao nhất trong suốt thời gian thi đấu, và, bạn phải có niềm tin chiến thắng”.
Trong môn billard cũng thế, tôi tin rằng các tay cơ điêu luyện có khả năng dùng ý nghĩ để kiểm soát các đường cơ của họ, dù họ hoàn toàn không ý thức về điều này.
Nhà tự nhiên học Roy Chapman Andrews kể lại câu chuyện về một anh bạn đến từ San Antonio, Texas, người có biệt tài bắn súng bách phát bách trúng. Anh ta từng dùng một khẩu súng trường cỡ nòng 22 mi-li-mét bắn 14.500 phát vào các miếng gỗ nhỏ được tung lên không trung mà không nhỡ một phát nào! Andrews nói rằng anh ta có thể tính toán chính xác tuyệt đối thời gian tung vật và thời điểm anh ta bóp cò súng. Tất cả là nhờ bức tranh tinh thần định trước trong đầu của tay súng thiện xạ nọ.
Nhiều độc giả của cuốn sách này có thể không phải là người biết chơi golf hay billard, nhưng các bạn có thể thực hiện một thí nghiệm nhỏ để nhận ra khả năng tiềm ẩn của mình.
Thí nghiệm như sau: đầu tiên bạn nhặt một vài viên đá nho nhỏ và chọn một điểm hay một thân cây cách bạn khoảng 10 – 15 mét. Xong bạn ném thẳng vào một điểm cố định thuộc một (vòng tròn do bạn tưởng tượng ra) trên thân cây, vòng tròn này nên có đường kính khoảng 15 – 20 xăng-ti-mét. Bạn thấy thế nào, đa phần “đạn” không trúng đích phải không? Bạn tạm ngừng lại trong giây lát và hình dung cho tới khi nào bạn có một bức tranh thật rõ ràng về điểm nơi bạn muốn viên đá của bạn chạm vào. Bây giờ, bạn ném lại xem sao. Kết quả chính xác hơn nhiều phải không nào? Nếu thường xuyên luyện tập, bạn có thể ném trúng mọi mục tiêu ngay từ cú ném đầu tiên.
Các bà nội trợ có thể sử dụng phép ám thị trong công việc nấu nướng của mình hay không? Có bao giờ bạn nghĩ rằng tại sao có người nấu ăn ngon, có người lại nấu tệ đến mức khó hiểu dù công thức, nguyên liệu và gia vị họ sử dụng đều như nhau? Lý do người nấu không ngon là vì trong quá khứ cô đã từng thất bại với món đó cho nên giờ đây cô sợ sẽ tiếp tục thất bại. Vì lẽ đó mà cô không thể có một bức tranh tinh thần hoàn chỉnh về món ăn mà cô sẽ nấu ra. Còn người thứ hai thì khác, cô ấy tự tin rằng mình sẽ nấu được một món ăn ngon nhờ bức tranh rõ ràng về kết quả đã được hình thành trong tâm trí cô. Nếu bạn dồn hết tâm trí và tinh thần của mình vào chiếc bánh mà bạn đang nướng, nhất định bạn sẽ có một chiếc bánh vàng rượm, hấp dẫn làm hài lòng mọi thực khách của bạn!
CHÚ THÍCH
(11) Popeye hay còn gọi là Popeye Thủy thủ (Popeye the Sailor) là một nhân vật anh hùng hư cấu lừng danh trong các cột truyện tranh trên báo, phim hoạt hình và các chương trình truyền hình nhiều tập. Popeye được tạo ra bởi tác giả Elzie Crisler Segar, và xuất hiện lần đầu tiên trong loạt truyện tranh trên báo với nhan đề Nhà hát Thimble (Thimble Theatre) vào ngày 17/01/1929.