“Không một nghệ sĩ, nhà khoa học hay tác giả xuất chúng nào, những người ít nhiều có khuynh hướng tự lý giải bản thân (self-analysis), mà không từng chú ý đến tầm quan trọng không gì sánh được của tiềm thức.” Gustave Geley, nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp đồng thời là tác giả cuốn Từ Tiềm thức đến Ý thức (From the Unconscious to the Conscious) đã viết như thế. Ông chỉ ra rằng cho đến thế kỷ 19, ngành tâm lý học tiềm thức vẫn hoàn toàn không được chú ý và bị xem là nguồn gốc của những chứng bệnh hay tai nạn khác thường. Geley còn nói thêm rằng những thành tích tốt nhất của con người đều đạt được nhờ sự phối hợp chặt chẽ và hài hòa giữa ý thức và tiềm thức.
Tiềm thức giữ vai trò rất quan trọng trong sức mạnh của niềm tin. Nó mang đến cho bạn một sự hiểu biết nhanh và thấu đáo hơn về lĩnh vực này. Bạn sẽ có một bức tranh rõ ràng và chi tiết về tiềm thức là gì, nó “ngự trị” ở đâu và hoạt động như thế nào – trên cả hai phương diện tự thân nó và trong sự phối hợp của nó với ý thức. Bạn có thể nhận ra nhiều nội dung trong chương này sẽ được lặp lại trong cuốn sách, nhưng hãy nhớ rằng sự lặp đi lặp lại là một phần quan trọng trong bí quyết làm chủ sức mạnh của niềm tin. Nó cũng quan trọng không kém trong việc giới thiệu với các bạn những tri thức mới về khoa học này. Ngoài ra, càng hiểu nhanh về nó, bạn càng đi nhanh hơn trên con đường đạt tới những gì bạn khao khát.
Để giúp bạn nhận rõ bức tranh tiềm thức này, thỉnh thoảng tôi phải sử dụng một số thuật ngữ khoa học, bởi suy cho cùng toàn bộ tri thức loài người về tiềm thức đều xuất phát từ các nghiên cứu và thực nghiệm khoa học của các nhà tâm lý học vĩ đại nhất thế giới. Nếu bạn có gặp chút khó khăn trở ngại trong việc tìm hiểu lĩnh vực này thì việc đọc đi đọc lại sẽ làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Điều đó cũng giúp bạn có một nền tảng vững chắc để tìm hiểu xa hơn về khoa học này.
Như tôi từng nói với bạn trong Chương 1, chính quyển The Law of Psychic Phenomena (Quy luật về các hiện tượng tâm linh) của Thomson Jay Hudson đã thôi thúc tôi suy nghĩ và tìm hiểu sâu về tiềm thức và những sức mạnh lạ thường của nó đối với việc giúp đỡ từng cá nhân chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Những cuốn sách khác như The Subconscious Speaks (Khi tiềm thức lên tiếng) của Erna Ferrell Grabe và Paul C. Ferrell , The Source of Power (Cội nguồn sức mạnh) của Theodore Clinton Foote, The Unconsicous (Tiềm thức) của Morton Prince, M.D., và Common Sense and Its Cultivation (Lương tri và sự bồi đắp) của Hanbury Hankin – cũng đã giúp tôi gia tăng một lượng lớn kiến thức về chủ đề này. Tôi muốn mang đến cho bạn một bức tranh sống động, rõ ràng về ý thức và tiềm thức cũng như những hướng dẫn xác đáng về việc làm thế nào bạn có thể kiểm soát chúng và hướng nguồn năng lượng dồi dào của chúng vào việc hoàn thành các mục tiêu và ước mơ của bạn.
“Luôn có một khả năng đặc biệt đang ‘ngủ đông’ trong mỗi con người, bất kể khả năng đó đã được phát huy hay chưa, và nó sẽ giúp anh ta thành công nếu ước muốn thành công (desire for success) tồn tại trong ý thức của anh ta”. Các tác giả của The Subconscious Speaks đã viết như vậy. “Khả năng đặc biệt” này đã được phát hiện và thừa nhận qua những sức mạnh lạ thường của nó, song chỉ một thế kỷ rưỡi gần đây các nhà tâm lý học mới đặt cho nó tên gọi là Tiềm thức sau hàng loạt các cuộc điều tra nghiên cứu và thực nghiệm đặc biệt. Triết gia Emerson chắc chắn hiểu rõ bản tính hai mặt của tâm trí con người, chẳng thế mà ông đã viết trên tờ Journals rằng: “Tôi phát hiện ra một trạng thái tinh thần không có khả năng nhớ hay hình dung ra một trạng thái tinh thần khác. Tôi đã viết liên tục trong 12 tháng mà không nhớ mình đã viết gì hay sửa gì trong bản thảo quyển Days’ (Ngày tháng) của tôi và cho đến bây giờ tôi không bao giờ có thể viết lại được một cuốn như thế, theo cách đó. Sau này, nhờ một số bằng chứng và những bản thảo mà tôi đã gởi cho bạn bè, tôi mới biết được rằng Days’ là của tôi.
Ngày nay, các từ ý thức và tiềm thức đã được biết đến một cách rộng rãi. Người ta thừa nhận rằng con người có hai “tâm trí”, mỗi “tâm trí” được phú cho những thuộc tính và sức mạnh riêng biệt với khả năng thực hiện những hành động độc lập. Không khó khăn gì để hiểu rằng ý thức hoạt động trong não bộ chúng ta, vì bất cứ khi nào bạn tập trung suy nghĩ, bạn sẽ thấy nó tồn tại trong đầu bạn. Đôi khi ý nghĩ trở nên rất mãnh liệt và kéo dài đến mức làm bạn váng cả đầu, hoa cả mắt và trống ngực đập thình thịch liên hồi. Rồi bạn cũng có thể lần về cội nguồn của ý nghĩ để biết được những điều bạn chưa từng nghe thấy hay đọc trước đó. Đó có thể là một ý tưởng kinh doanh mới hay một sự tiếp diễn của một ý nghĩ nào đó mà bạn từng trăn trở trong một thời gian dài mà chưa có lời giải đáp – nói một cách ngắn gọn, bạn có thể kết nối nó với những cái vốn đã có mối liên hệ với ý thức của bạn. Thỉnh thoảng, ý nghĩ của bạn được gắn vào việc giải quyết một vấn đề khó khăn và bạn trở nên mệt mỏi, thất vọng vì không tìm ra giải pháp đến nỗi bạn chấp nhận “bó tay”, bạn đành phó mặc “muốn ra sao thì ra” hay đơn giản là bạn “xóa nó khỏi bộ nhớ” của bạn. Đây là hành động thường thấy về đêm khi bạn không ngủ được vì ý nghĩ đó cứ giày vò vào tâm trí bạn. Nhưng ngay khi bạn buông bỏ nó, nó bắt đầu lắng đi như thể chìm xuống một nơi nào đó trong sâu thẳm con người bạn. Sau đó sự căng thẳng của ý thức sẽ giảm xuống khi bạn chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau khi thức dậy, ý thức của bạn lại bắt đầu suy nghĩ về vấn đề nọ, và bất ngờ một bức tranh tinh thần hiện ra trong tâm trí bạn cùng với một giải pháp hoàn hảo với tất cả các hướng cần thiết để bạn có thể lựa chọn hành động thích hợp.
Khi bạn phóng thích nó từ ý thức của mình thì ý nghĩ đi đâu? Có phải thông qua một sức mạnh nào đó bên trong con người bạn mà vấn đề được giải quyết? Nhiều tác giả, nhà hùng biện, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế, nhà phát minh và nhiều người khác làm việc trong lĩnh vực sáng tạo từ lâu đã biết sử dụng sức mạnh tiềm thức của họ, một cách có ý thức hay vô thức. Merton S. Yewdale, một biên tập viên nổi tiếng, làm tôi chú ý đến một phát ngôn của tiểu thuyết gia người Mỹ Louis Bromfield:
Một trong những khám phá hữu ích nhất tôi từng phát hiện ra có điểm chung với vài tác giả khác đó là bên trong tâm trí con người, có một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là “tiềm thức”, thứ này thường xuyên hoạt động ngay cả khi bạn đang ngủ hay đang thư giãn hoặc vướng bận đầu óc vào một việc khác chẳng có quan hệ gì đến việc viết lách. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể huấn luyện phần này của tâm trí để nó có thể thực hiện những công việc được hoạch định trước. Tôi thường tìm thấy một cốt truyện, một nhân vật làm tôi bối rối trong một thời gian dài vào những lúc sáng sớm. Quả thật là giải pháp xuất hiện trong khi tôi đang ngủ. Nhận định cho rằng “tiềm thức” đại diện cho bản năng được kế thừa và được tích lũy qua kinh nghiệm là hoàn toàn không hề sai lầm chút nào! Tôi luôn luôn tin ở các quyết định của nó đối với bất cứ nhận định nào xuất hiện qua một tiến trình tư duy lô-gic lâu dài của ý thức.
Không còn nghi ngờ gì rằng bạn có một bức tranh tinh thần của hai “tâm trí” của bạn: bức tranh ý thức tồn tại trong đầu bạn, bên trên lằn ranh của ý thức, và bức tranh tiềm thức bên trong cơ thể bạn, bên dưới lằn ranh ý thức – thông qua một phương tiện nằm giữa chúng.
Giờ đây, bạn đã biết rằng ý thức là nguồn tạo ra ý nghĩ. Nó cho chúng ta những cảm nhận về muôn vàn sắc thái trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta: sự hiểu biết về chính chúng ta trong hiện tại, ngay đây và tại giây phút này; sự thừa nhận và tri thức về môi trường quanh ta; sức mạnh làm chủ các năng lực tinh thần của chúng ta để nhớ lại những sự kiện quá khứ, để diễn tả những cảm xúc của chúng ta và ý nghĩa của những sự kiện đó. Hay chính xác là, nó giúp chúng ta có một sự hiểu biết lý trí về những vật thể và con người quanh ta, về những thành công và thất bại của chúng ta, về giá trị theo thời gian của một luận cứ hay về cái đẹp của một công trình nghệ thuật.
Những sức mạnh cơ bản nhất của ý thức là lẽ phải, lô-gic, hình thái, nhận định, tính toán, lương tâm và những tri giác thông thường khác. Nhờ ý thức mà ta nhận biết được thế giới vật chất quanh ta. Phương tiện quan sát, ghi nhận của ý thức là năm giác quan của chúng ta. Ý thức con người là nguồn tạo ra của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta, đồng thời là nguồn định hướng cho chúng ta trong cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới vật chất này. Chức năng cao nhất của nó là khả năng lý luận bằng mọi phương pháp: cả quy nạp lẫn suy diễn, cả phân tích lẫn tổng hợp. Chẳng hạn, giả sử bạn đảm trách việc đi tìm một học thuyết mới, thế là bạn sử dụng lý trí và phương pháp quy nạp. Có nghĩa là, đầu tiên bạn thu thập các dữ kiện và yếu tố xuất hiện trong tầm nhận thức của bạn. Sau đó, bạn so sánh chúng với những dữ kiện và yếu tố khác để ghi nhận những điểm tương đồng và khác biệt. Rồi bạn chọn ra những cái giống nhau về phẩm chất, giá trị sử dụng, tính năng… để suy ra một quy luật chung rằng những cái có cùng một phẩm chất, tính năng sẽ hoạt động theo một cách giống nhau.
Đây là một phương pháp khoa học để đạt được tri thức và chính nó tạo ra nền tảng cho nền giáo dục hiện đại của chúng ta ngày nay. Tất cả chúng ta đều sử dụng nó bằng hình thức này hay hình thức khác để giải quyết các vấn đề của chúng ta, bất kể về mặt cá nhân, xã hội, kinh doanh, nghề nghiệp hay kinh tế… Rất nhiều lần giải pháp cho các vấn đề của chúng ta là kết quả của việc sử dụng lý trí theo cách này. Nhưng thỉnh thoảng, khi không tìm ra giải pháp, chúng ta trở nên kiệt sức sau những cố gắng liên tục. Thế rồi chúng ta bắt đầu đánh mất sự tự tin của mình. Chúng ta thường tự thua với ý nghĩ chúng ta đã thất bại và không gì có thể thay đổi được nữa. Đây chính là lúc tiềm thức trỗi dậy – nó giúp chúng ta làm mới lại niềm tin vào bản thân ta, nó hỗ trợ chúng ta vượt qua khó khăn trở ngại và đưa chúng ta trở lại con đường đi tới chiến thắng và thành công.
Cũng như lý trí là nguồn tạo ra ý nghĩ, tiềm thức là nguồn tạo ra sức mạnh. Bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người, tiềm thức luôn chú ý và ghi nhận những khao khát mãnh liệt nhất của mỗi chúng ta và nó luôn thúc đẩy đưa những ước muốn đó lên tầng ý thức. Nó là kho chứa những cảm xúc tự phát về con người và thiên nhiên, là hầm chứa những dữ liệu, sự kiện và kinh nghiệm được lý trí truyền xuống để lưu trữ cho an toàn hầu phục vụ các nhu cầu sử dụng trong tương lai. Vì thế tiềm thức không chỉ là một nhà kho vô tận về những thứ luôn sẵn sàng để ý thức tùy nghi sử dụng, mà nó còn là một nhà máy điện khổng lồ có thể nạp năng lượng cho từng cá nhân sở hữu nó bất cứ lúc nào để giúp họ lấy lại sức mạnh, lòng can đảm và niềm tin ở chính mình. Sức mạnh tiềm thức của bản thân bạn cũng giống hệt như thế.
Tiềm thức vượt khỏi không gian và thời gian. Nó là một trạm thu phát năng lượng vô cùng mạnh mẽ được kết nối ở cấp vũ trụ. Nó có thể giao tiếp qua hình thức vật chất, tinh thần và tâm linh, và – theo nhiều nhà nghiên cứu – cả với thế giới siêu hình. Nói tóm lại, tiềm thức là hiện thân của cảm xúc và sự khôn ngoan của quá khứ, là sự thức tỉnh trước tri thức của hiện tại và là ý nghĩ cùng tầm nhìn của tương lai. Triết gia Emerson dù sử dụng từ “bản năng”, cũng đã “tặng” cho tiềm thức nhiều thuộc tính siêu việt khi ông tư duy về nó: “Toàn bộ sự khôn ngoan chân thực của ý nghĩ và hành động đều xuất hiện thuận theo bản năng này, và bạn hãy kiên nhẫn với những khoảng lặng của nó. Sử dụng bản năng này một cách thực tế trong mọi mặt cuộc sống sẽ cấu thành sự khôn ngoan chân thực, và chúng ta phải tập cho được thói quen áp dụng điều đó trong mọi trường hợp theo sự hướng dẫn của nó, vốn chỉ xuất hiện khi nó được sử dụng”.
Sức mạnh của tiềm thức tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: trực giác, cảm xúc, linh tính, cảm hứng, phép ám thị, khả năng suy luận, trí tưởng tượng, óc tổ chức, và dĩ nhiên là cả ký ức và nguồn năng lượng động. Nó nhận biết môi trường xung quanh nhờ các giác quan độc lập. Nó nhận thức bằng trực giác. Nó hoạt động thành công nhất và thể hiện chức năng cao nhất của nó khi tri giác khách quan ở vào thế tĩnh lặng. Tuy nhiên, tiềm thức có thể hoạt động trong cả lúc chúng ta thức và khi chúng ta ngủ. Như một thực thể khác biệt, nó sở hữu những nguồn sức mạnh và chức năng độc lập trong một hình thái tinh thần độc nhất vô nhị của riêng nó. Nó duy trì sự tồn tại của chính nó trong sự liên kết chặt chẽ với thể xác và cuộc sống của từng cá nhân con người, dù rằng nó hoạt động độc lập với thể xác.
Như vậy, bạn đã thấy tiềm thức có một chức năng cơ bản. Thứ nhất , bằng sự hiểu biết mang tính trực giác về những nhu cầu thuộc về thể xác, nó duy trì và bảo toàn (mà không cần sự trợ giúp của lý trí) sự lành mạnh mà thực ra là sự sống về mặt thể xác của chúng ta. Thứ hai , trong thời đại của sự đáp ứng hay thỏa mãn nhanh mọi nhu cầu của con người, nó biến thành những hành động tức thì (một lần nữa phải nói rằng nó không cần đến sự trợ giúp của lý trí) và đưa ra những mệnh lệnh tối quan trọng vận hành với một sự chắc chắn, tốc độ, chính xác và sự hiểu biết đến mức không thể tin được. Thứ ba , nó hoạt động trong thế giới tinh thần. Sức mạnh tinh thần của tiềm thức được biểu hiện qua các hiện tượng như khả năng ngoại cảm, thấu thị hay những hành động phi thường trong trạng thái xuất thần. Nhưng, nó cũng có thể được huy động để giúp ý thức giải quyết những vấn đề khó khăn hoặc giúp chúng ta hoàn thành những ước muốn của mình. Trong quyển sách này, chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào việc sử dụng tiềm thức để mang lại lợi ích cho bạn.
Tuy nhiên, để đánh thức và biến các nguồn lực và sức mạnh của tiềm thức thành hành động, trước hết bạn phải nhận ra chính xác những gì bạn có và trong khả năng kiểm soát của bạn, vì tiềm thức chỉ biểu hiện ra ngoài những gì thuộc về khả năng có thực của từng cá nhân. Kế đến, để chuyển hóa nhu cầu của bạn đến tiềm thức, nó phải nằm trong số những hình ảnh đã được thực hiện trước đó. Sau nữa, bạn cần cảm thấy và nghĩ rằng mình sẽ thành công, và thực tế là bạn phải thấy rằng bạn đã thành công, ít nhất là trong việc hoàn thành một nhiệm vụ hay đạt được một vị trí nào đó trong nghề nghiệp mà bạn hằng mơ ước. Cuối cùng, bạn phải kiên nhẫn chờ đợi tiềm thức đồng hóa tất cả các yếu tố có liên quan đến vấn đề/mục tiêu của bạn và vạch ra cho bạn con đường đi đến thành công. Nhất định bạn phải kiên nhẫn và có niềm tin tuyệt đối vào sự dẫn dắt của tiềm thức, vì như triết gia người Pháp Theodore Simon Jouffroy nói, “Tiềm thức không làm việc cho những ai không tin vào sức mạnh của nó”.
Theo đúng trình tự trên, bằng dòng chảy của ý nghĩ và các bước biến tiềm thức thành ý thức, giải pháp cho vấn đề của bạn sẽ được vén mở và chuỗi các hành động đúng đắn sẽ được chỉ ra. Bạn phải đón nhận thông điệp từ tiềm thức một cách tự do không bó buộc và sau khi hiểu được nó, bạn phải hành động ngay lập tức, vâng, ngay tức khắc và không nghi ngờ. Bạn không được chần chừ, không cần dè dặt hay cân nhắc gì thêm nữa. Chỉ với một sự đáp ứng tức thì gần như vô thức, bạn mới có thể huy động sức mạnh của tiềm thức ở những lần sau, khi bạn cần tới “quyền năng” đáng kinh ngạc của nó.
Tuy nhiên, cũng có thể vấn đề của bạn không được giải quyết theo cách này. Thay vì nhận được giải pháp dưới hình thức một “bản vẽ chi tiết” trong đó hướng dẫn các bước cụ thể giúp bạn đi đến đích, đôi khi bạn lại cảm thấy có một lực bí ẩn nào đó thôi thúc bạn làm những điều gì đó không hề có ý nghĩa hay một mối liên kết đặc biệt nào với vấn đề của bạn. Mặc dù vậy, bạn vẫn phải tiếp tục tin vào sức mạnh và sự khôn ngoan của tiềm thức. Hãy cứ ngoan ngoãn thực hiện những điều tưởng như không có liên quan ấy, bởi một ngày nào đó, bạn sẽ thấy mình đang ở đúng vị trí mà bạn từng ao ước, làm đúng công việc mà bạn từng hình dung cho chính mình. Lúc đó, nhìn lại quá khứ, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả những gì mà bạn từng được thúc giục thực hiện bởi tiềm thức bỗng kết nối thành một chuỗi sự kiện liên hoàn theo một lô-gic dường như đã được định sẵn, mà sự kiện cuối cùng chính là điểm đến, là mục tiêu mà bạn vừa đạt được. Đó phải chăng là phần thưởng dành cho những khát khao và hy vọng chân thành nhất của bạn? Là kỳ tích đáng tự hào nhất của cá nhân bạn?