Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, bạn cần dành thời gian suy nghĩ về chính ý nghĩ của mình và các biểu hiện của nó. Không ai biết ý nghĩ thực sự là gì ngoài việc nó là một dạng hành động tinh thần. Nhưng cũng giống như sự vô hình của dòng điện, chúng ta “nhìn thấy” nó qua các ứng dụng ở khắp mọi nơi. Cũng vậy, chúng ta nhìn thấy ý nghĩ trong hành động và những nét biểu cảm ở trẻ con, người già, các loài động vật và nhiều mức độ khác nhau ở các loài sinh vật sống khác. Càng suy ngẫm và nghiên cứu về ý nghĩ, các bạn sẽ càng nhận ra rằng đó là một lực vạn năng và những sức mạnh to lớn mà nó mang lại là vô giới hạn ra sao.
Nào, bạn hãy thử đưa mắt nhìn xung quanh mình khi đọc đến đây. Nếu bạn đang ở trong một căn phòng được trang bị nội thất đầy đủ, mắt bạn sẽ cho bạn biết rằng bạn đang nhìn thấy một số vật vô tri vô giác. Điều đó đúng về mặt nhận thức, nhưng những gì bạn nhìn thấy thực ra là những biểu hiện vật chất của ý nghĩ hay ý tưởng được hiện thực hóa thông qua các công trình sáng tạo của con người. Đầu tiên là một ý nghĩ, rồi ý nghĩ đó tạo ra giường tủ bàn ghế, kính cửa sổ hay những tấm khăn trải bàn hay vải trải giường của bạn.
Xe ô tô, nhà chọc trời, máy bay phản lực, máy may, những chiếc kim nhỏ xíu – chúng từ đâu mà ra? Từ cái lực lạ lùng này: ý nghĩ. Phân tích sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng những thành tựu nói trên của loài người – và thực ra là toàn bộ của cải vật chất của chúng ta – đều thành hình qua kết quả của suy nghĩ sáng tạo. Triết gia Ralph Waldo Emerson từng tuyên bố rằng nguồn gốc của mọi hành động là ý nghĩ. Khi bạn hiểu được điều đó, bạn mới bắt đầu hiểu ra rằng thế giới này được điều khiển bởi ý nghĩ, và tất cả những thứ ngoại thân ta đều có một “bản sao” nguyên mẫu từ bên trong ý nghĩ của ta. Cũng như Đức Phật từng nói hàng ngàn năm về trước, rằng: “Con người chính là những gì mà họ nghĩ”.
Cuộc sống của bạn chính là những gì bạn nghĩ và là kết quả các quá trình tư duy của bạn. Xương, thịt, máu huyết, những nhóm cơ của bạn được tạo thành bởi 70% là nước và một vài loại hóa chất chẳng mấy giá trị, nhưng tinh thần của bạn và những gì bạn nghĩ mới tạo ra con người thực của bạn. Bí quyết của thành công không nằm ở bên ngoài, mà nằm ngay trong ý nghĩ của con người.
Nói một cách văn vẻ thì, ý nghĩ có thể tạo ra những người khổng lồ từ những gã tí hon, nhưng buồn thay nó rất thường “sản xuất” ra những kẻ tí hon từ những gã khổng lồ! Lịch sử đầy dẫy những câu chuyện có thật cho thấy làm thế nào ý nghĩ đã biến những con người yếu đuối trở nên mạnh mẽ và mạnh mẽ trở thành khiếp nhược. Bạn đang nhìn thấy vô số bằng chứng xung quanh bạn đấy thôi!
Bạn sẽ không ăn, không mặc, không bật ti-vi, không lái xe, không đọc báo – thậm chí bạn cũng chẳng buồn nhấc cánh tay mình lên – mà không có một ý nghĩ (hay ý định) nào trong một tích tắc trước đó. Dù bạn có cho rằng đó là một cử động ít nhiều mang tính bản năng, hoặc do tác động bởi một vài phản xạ nào đó, thì đằng sau mỗi bước đi mà bạn thực hiện trong suốt cuộc đời bạn, bất kể về hướng nào, đều xuất phát từ cái lực mạnh mẽ đến mức dữ dội này: ý nghĩ.
Cách đi dáng đứng, lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc… của bạn đều phản ánh cách nghĩ của chính bạn. Một hình dạng bề ngoài nhếch nhác, lượm thượm là sự thể hiện ra bên ngoài của một suy nghĩ cẩu thả, hời hợt; trong khi một dáng đi quả quyết, đầu ngẩng cao là biểu hiện của một sức mạnh tiềm ẩn và một sự tự tin lớn vào bản thân. Bạn là sản phẩm của chính ý nghĩ của bạn. Bạn tin bạn là người như thế nào, bạn sẽ như thế ấy!
Ý nghĩ là nguồn gốc của mọi thành công, mọi phát minh và khám phá, mọi của cải vật chất và tất cả các thành tựu của nhân loại. Không có ý nghĩ sẽ không có thuốc men, không có những viện bảo tàng, công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ, không có những vở kịch và những tác phẩm vĩ đại, cũng không có cả những tiện nghi vật chất hiện đại cho chúng ta hôm nay – và thực tế là, cũng không có sự tiến bộ qua các chế độ xã hội từ thời sơ khai của con người.
Ý nghĩ của bạn – hay lực chi phối – quyết định tính cách, nghề nghiệp, và toàn bộ cuộc sống hàng ngày của bạn. Một nhà hiền triết nào đó nói rằng: “Ý nghĩ làm con người mạnh mẽ hơn hay hủy hoại anh ta.” Và khi bạn nhận ra rằng không một hành động hay phản ứng nào, bất kể tốt hay xấu, mà không bắt nguồn từ một ý nghĩ, thì khi đó bạn mới thấy rằng câu ngạn ngữ “gieo nhân nào, gặt quả nấy” hay câu nói của Shakespeare “Không có gì tốt hoặc xấu; tốt, xấu nằm ở ý nghĩ của con người mà thôi” mới khôn ngoan làm sao!
Sir Arthur Eddington, một nhà vật lý học nổi tiếng người Anh, nói một cách quả quyết rằng vũ trụ mà chúng ta đang sống chỉ là sự sáng tạo của tâm trí chúng ta. Còn Sir James Jeans, cũng là người nổi tiếng trong cùng lĩnh vực, thì cho rằng vũ trụ đơn thuần chỉ là sự sáng tạo kết tinh từ ý nghĩ của một trí tuệ vô biên nào đó kết hợp với ý nghĩ của tất cả chúng ta.
Gần đây, khoa học phát hiện ra mối liên hệ giữa hành vi của các phần tử nhỏ hơn nguyên tử với các nguyên lý khác nhau của phép siêu hình Phương Đông. Các nhà khoa học và các nhà tư tưởng vĩ đại nhất không những nêu lên những ý tưởng mới mẻ mà còn xác nhận tính đúng đắn của nguyên lý nền tảng của cuốn sách này.
Hầu như ngay từ thuở hồng hoang của nhân loại, tư tưởng con người đã bị đóng khung bởi những người có sự hiểu biết về sức mạnh kinh hoàng của ý nghĩ. Tất cả các lãnh tụ tôn giáo, các quân vương, chiến binh, chính khách vĩ đại đều nắm rõ bí quyết này và biết rằng con người hành động theo suy nghĩ của họ - và phản ứng theo ý nghĩ của người khác, đặc biệt khi ý nghĩ đó mạnh hơn và thuyết phục hơn ý nghĩ của họ. Ấy vậy mà những người có tư tưởng mạnh mẽ và năng động luôn thống trị người khác bằng cách ru ngủ họ - mà kết quả là khi thì họ lãnh đạo những người này đi tới bờ bến tự do, lúc thì đưa họ vào kiếp nô lệ. Không có giai đoạn nào trong lịch sử mà chúng ta có nhiều cơ hội để nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng suy nghĩ của chúng ta vào việc cải thiện cuộc sống của chính chúng ta hơn lúc này. Tất cả nhờ vào nguồn sức mạnh to lớn luôn tồn tại bên trong mỗi con người chúng ta: Ý nghĩ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta “nhìn thấy” bằng ý nghĩ của mình. Thật khôi hài khi có người nói về lực hấp dẫn của ý nghĩ, về việc làm thế nào để biến nó thành một dạng vật chất có thể nhìn thấy được, làm thế nào để nó tác động đến người khác và cả những vật vô tri vô giác từ những khoảng cách rất xa. Nhưng chẳng bao lâu sau đó tôi đã không còn có ý nghĩ chế nhạo như thế nữa, vì những ai có đủ trí tuệ để hiểu biết về sức mạnh của nó chẳng chóng thì chầy đều nhận ra rằng ý nghĩ có thể thay đổi ngay cả bề mặt của toàn bộ địa cầu này.
George Russell, nhà thơ và là nhà biên tập nổi tiếng người Ireland, có lần được trích dẫn một câu nói rằng chúng ta trở thành những gì chúng ta nghĩ; và ông đã chứng minh cho điều ông nói qua chính cuộc đời của mình bằng cách trở thành một nhà văn, nhà thuyết giảng, họa sĩ và một nhà thơ lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng những ý nghĩ trong đầu chúng ta thực ra không phải là của chúng ta, hay chí ít cũng không phải là những ý nghĩ nguyên thủy của chúng ta. Tâm trí chúng ta thường bị định sẵn bởi ý nghĩ của người khác, bởi những gì chúng ta nghe thấy trong khi giao tiếp, những gì chúng ta đọc được từ báo chí, sách vở và những gì chúng ta xem trên ti-vi, phim ảnh hoặc từ cả những nhận xét tình cờ từ những người ngoài cuộc. Rồi những ý nghĩ này tha hồ cày xới đầu óc chúng ta. Chỉ một vài ý nghĩ trong số đó là có ích vì chúng hòa hợp với những ý nghĩ sâu kín nhất của chúng ta và mở ra cho chúng ta những tầm nhìn rộng lớn hơn. Còn đa phần các ý nghĩ chỉ làm chúng ta thêm bối rối, làm giảm đi sự tự tin và làm chúng ta chệch hướng khỏi các mục tiêu cuộc đời mình. Quả thật, những “ý nghĩ ngoại tại” này là những tên chuyên đi gây rối tâm trí chúng ta. Trong phần sau tôi sẽ hướng dẫn bạn cách vứt bỏ chúng.
Chỉ một vài người chịu khó suy nghĩ về luật nhân quả và áp dụng nó vào sự vận động của tâm trí. Càng ít người hơn nữa hiểu được chân lý này: “Mọi thứ đều từ bên trong ta, không có gì bên ngoài ta cả” hoặc “Tinh thần chính là nguồn gốc của sức mạnh”. Một lý giải hết sức tuyệt vời về điều này từng xuất hiện trong một bài báo có tựa đề “El Dorado” đăng trên tờ Commercial and Financial Chronicle số ra ngày 10/12/1932:
El Dorado (6) là một vương quốc có nhiều vàng bạc châu báu hơn mọi vương quốc giàu có nhất trên thế gian này. Vàng nhiều đến mức tràn ra khỏi cửa của mọi nhà. Còn bạn thì sao? Sự thịnh vượng nằm ngay dưới chân bạn, may mắn trên tay bạn, tất cả mọi thứ đều nằm trong chính con người bạn; không gì nằm bên ngoài bạn cả, dù rằng lắm khi con người nhờ may mắn bất ngờ hay tính hám danh cầu lợi, mê quyền lực hay một mưu mô mà có được những gia tài lớn rồi cứ thế mà phất lên… Con người riêng lẻ hay mỗi cộng đồng đều được ban cho quyền có một cuộc sống dư dật, nếu họ muốn. Đó gần như là một sự thật quá đỗi hiển nhiên. Tôn giáo và triết học thừa nhận điều đó. Lịch sử và khoa học chứng minh rằng nó đúng như thế. “Rằng con người có quyền có cuộc sống của riêng họ, và họ có quyền làm cho nó trở nên giàu có và thịnh vượng.” Đó là một quy luật. Bạn tìm kiếm gì? Bạn sẵn sàng trả giá cho thứ bạn muốn? Bạn tìm kiếm thứ càng quý thì cái giả bạn phải trả càng cao. Vì tất cả những gì chúng ta muốn có, chúng ta phải đánh đổi bằng “vàng” của tinh thần chúng ta…
Thế tìm đâu ra thứ vàng Toàn Năng đó? Con người sẽ tìm thấy loại vàng này khi họ tìm ra chính mình. Khi tìm ra chính mình, họ sẽ tìm thấy tự do và mọi kho báu, thành tựu và tất nhiên là sự thịnh vượng. Nói quá chăng? Không hề! Hãy nhìn xem những chứng cứ rõ ràng qua những tấm gương thành công vĩ đại trong lịch sử Hoa Kỳ, và cả lịch sử của nhân loại tự cổ chí kim nếu chúng ta chịu mở mắt thật to. Không một kỳ tích nào, sự bất diệt nào, sự hùng mạnh nào từng được thực hiện mà không do những con người đã tìm ra được thứ “vàng” tinh thần của chính họ tạo nên. Loại vàng này điều khiển quyền lực, sức mạnh và tạo ra sự toàn thiện toàn mỹ. Những ai hiểu rõ chính mình sẽ biết ngay rằng mọi vật chất và ý thức đều có một bản sao hay một nền tảng tinh thần. Họ nhìn thấy nó qua tiền bạc và sự tín nhiệm. Quy luật cung – cầu đối với con người không là gì cả ngoài việc nó là một nguyên lý kinh tế, nhưng kỳ thực đó là bản sao vật chất của quy luật tinh thần. Những người đi tìm tự do có thể nhìn thấy quy luật này hoạt động trong sự hấp dẫn của vũ trụ, trong những lực hút hóa học, trong thế giới vĩ mô và cả thế giới vi mô.
Người ta ví nước Mỹ như một El Dorado, là nơi hầu hết những con người tự tìm thấy và khẳng định chính mình đã làm việc để dựng nên gia tài của họ và những điều kỳ diệu của ý nghĩ trong việc làm giàu cho bản thân họ và nhân loại nói chung. Đối với những con người biết hành động này, tất cả tiền bạc, các khoản tín dụng hay tư bản phẩm (7) họ đều có thể sử dụng… Mackay, O’Brien, Hearst, Fair, những thanh niên Mỹ thời 1849 đã tìm thấy “vàng” trong chính họ trước khi họ biến chúng thành những tài sản kếch xù ở California. Họ nói với nhau rằng: “Nếu tìm thấy mỏ vàng ở đó thì chúng ta sẽ cùng hưởng”. Vĩ đại làm sao kho báu tinh thần của James J. Hill, người đã xây dựng hệ thống đường xe lửa Bắc Mỹ xuyên qua những vùng đất hoang dã, rộng lớn thậm chí có nơi còn chưa có người sinh sống. Sự “điên rồ” của ông đã tạo nên một đế chế đường sắt hùng mạnh tồn tại hơn 150 năm qua. Bằng sức mạnh tinh thần, James đã biến những cánh rừng và đồng bằng rộng lớn thành các El Dorado mà ai cũng thèm muốn. Bằng sức mạnh tinh thần, ông đã huy động vô giới hạn tiền của từ hai thị trường chứng khoán Amsterdam và London để hình thành nên con đường sắt đưa hàng triệu người dân Mỹ đi khám phá các kho báu khổng lồ ở miền Tây Bắc lạnh giá của Hoa Kỳ.
Vài năm trước khi mất, Thomas A. Edison, nhà phát minh lỗi lạc người Mỹ, nói rằng: “Ý tưởng đến từ hư không. Nghe có vẻ hoang đường nhưng đó là sự thật! Ý tưởng đến từ bên ngoài vũ trụ”. Chắc chắn Edison biết rõ điều đó, vì chỉ có một vài người nhận được nó và có khả năng “phát ra” nhiều ý tưởng vĩ đại khác… Mỗi người chúng ta hãy tự đi tìm một El Dorado trong chính mình. Sức mạnh có ở khắp mọi nơi. Nguồn của cải không bao giờ cạn kiệt. Chúng ta nhận được cái chúng ta tự đo đếm trong đầu mình. Thực ra chúng ta không thiếu quyền lực, chúng ta chỉ thiếu niềm tin. Khi một người tìm ra chính mình, niềm tin sẽ tự động xuất hiện và tạo lập El Dorado cho họ.
Bằng trí tưởng tượng toàn diện và mạnh mẽ, bất cứ ý nghĩ nào cũng có thể được biến thành một dạng vật chất. Nhà vật lý học vĩ đại Paracelsus nói rằng: “Tinh thần con người lớn đến mức không ai có thể mô tả được nó. Nếu chúng ta làm chủ hoàn toàn tinh thần của mình thì không gì là không thể trên thế gian này. Bằng niềm tin, trí tưởng tượng của bạn sẽ được tiếp thêm sinh lực và hoàn thiện, vì mọi sự ngờ vực đều có thể làm hoen ố sự hoàn hảo của nó. Niềm tin tạo ra ý chí”. Bạn ạ, niềm tin chỉ có ở từng cá nhân, từng con người riêng biệt. Sự cứu rỗi cũng thế, dù bạn nhận được nó bằng cách nào đi nữa. Niềm tin đến từ việc con người tìm ra chính mình. Cuộc tìm kiếm đó mang đến cho ta một nhận thức rõ ràng về vị trí của mình trong cái vũ trụ vô cùng vô tận này. Những con người tự hiểu rõ chính mình luôn luôn sống trong những vương quốc El Dorado giàu có và hùng mạnh. Họ uống nước từ suối nguồn tươi trẻ và luôn luôn là người làm chủ ý nghĩ của mình và tất cả mọi thứ của cải vật chất mà họ muốn.
Những lời của Paracelsus được trích dẫn trên đây rất đáng để bạn đọc lại lần nữa, bởi một khi bạn nắm được ý nghĩa của chúng và khám phá ra cách vận dụng chúng vào những chuyện bạn làm, chắc chắn bạn sẽ thành công dễ dàng hơn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu chỉ làm việc chăm chỉ thôi thì chưa đủ mang tới thành công. Thế gian này đầy những người làm việc cần mẫn nhưng chỉ có một ít trong số họ trở nên vượt trội. Còn một yếu tố khác quan trọng hơn cả làm việc chăm chỉ: đó là tư duy sáng tạo và một niềm tin kiên định vào chính khả năng của bản thân, cái khả năng biến ý nghĩ thành hành động có ích. Những con người thành công trong lịch sử đều thành công từ cách nghĩ của họ. Đối với họ, đôi tay chỉ là những người phục vụ cho trí óc của họ mà thôi.
Một điểm quan trọng khác cần chú ý là; để thành công, điều thiết yếu là khao khát của bạn phải trở thành một nỗi ám ảnh tích cực, tất cả ý nghĩ và mục đích của bạn phải hòa làm một, toàn bộ sức lực của bạn phải được tập trung thành một khối và hoạt động không ngừng nghỉ. Có thể bạn muốn có những gia tài khổng lồ, sự nổi tiếng, địa vị xã hội hay sự uyên bác, tùy định nghĩa của mỗi người về sự thành đạt, nhưng dù đó là gì thì mỗi khao khát của bạn phải gắn với ít nhất một mục tiêu cụ thể, khao khát đó phải luôn cháy bỏng bên trong con người bạn, suốt cuộc đời bạn.
Bạn nói đó là một việc khó khăn? Không hẳn vậy. Bằng cách sử dụng sức mạnh của niềm tin, bạn có thể huy động mọi nội lực của bạn tham gia vào quá trình đó để chúng giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Nếu bạn là người đã lập gia đình, bạn hãy nhớ lại những kinh nghiệm đầy cảm xúc và thú vị khi bạn trong giai đoạn chinh phục “nửa kia” của mình. Chắc chắn đó không phải là một công việc căng thẳng đầu óc, mà ngược lại hay cố nhớ xem, bạn đã sử dụng những “phương pháp” gì nếu không phải là một phương pháp giống hệt như thế này, dù một cách hoàn toàn vô thức? Từ lúc bạn bắt đầu có ý nghĩ chinh phục nàng/chàng cho đến khi các bạn tiến hành hôn lễ với nhau, có phải ước muốn chinh phục hoàn toàn người bạn đời luôn luôn là ý nghĩ chiếm vị trí quan trọng nhất, cao nhất trong tâm trí bạn hay không? Ý nghĩ và niềm tin “chiến thắng” luôn hiện diện trong bạn từng phút, từng giây và có lẽ ngay cả trong các giấc mơ của bạn, đúng không nào?
Bây giờ bạn đã có một bức tranh rõ ràng hơn về vai trò quan trọng của ý nghĩ và khao khát trong cuộc sống của bạn, trong đó đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải quyết định chính xác đâu là điều bạn muốn. Việc bắt đầu với ý nghĩ chung chung rằng bạn muốn thành công – như mọi người thường làm – là rất mơ hồ. Bạn cần phải có một sự hình dung rõ ràng hơn, cụ thể hơn nhiều trong tâm trí bạn. Hãy tự hỏi rằng bạn muốn đi đến đâu? Mục tiêu của bạn chính xác là gì? Bạn có hình dung được điều bạn muốn thực chất là gì không? Nếu thành công đó được đo lường bằng lượng của cải mà bạn sẽ có, bạn có thể cụ thể hóa nó bằng những con số tương ứng không? Và, bạn định nghĩa thế nào về sự thành đạt một cách cụ thể nhất?
Bạn phải hỏi mình những câu hỏi này, vì các câu trả lời là những yếu tố then chốt quyết định cuộc đời bạn từ đây trở về sau. Lạ thay, chưa đến một phần trăm những người được hỏi có thể trả lời được những câu này! Đa phần ai cũng có một khao khát thành đạt nói chung, nhưng tất cả chỉ có thế, ngoài ra không có mục tiêu nào cụ thể hơn. Họ chỉ đơn giản sống theo ngày tháng và nghĩ rằng nếu hôm nay họ có việc làm thì ngày mai, ngày kia họ vẫn có việc làm đó – và như thế, tuổi già của họ đã được đảm bảo. Họ giống như những chiếc lá khô trôi nổi trên mặt nước, bị chao bên này, nghiêng bên kia theo những dòng chảy không thể đoán định, hoặc họ cũng có thể bị đánh văng lên bờ và chờ ngày mục nát để trở về với cát bụi.
Vì thế, nhất thiết bạn phải biết chính xác bạn muốn gì trong đời. Bạn phải biết mình đang đi về đâu và luôn giữ vững mục tiêu đó trong đầu bạn. Tất nhiên đó chỉ là bức tranh tổng thể, nó không tạo ra một sự khác biệt nào trong việc bạn có hay không có một công việc tốt hơn , một ngôi nhà mới, một điền trang trù phú hay đơn giản chỉ là một đôi giày mới. Bạn cần phải có một ý nghĩ cụ thể trước khi bạn nỗ lực để đạt được nó.
Hãy nhớ rằng, luôn có một sự khác biệt lớn giữa nhu cầu và ước muốn. Bạn cần có một chiếc xe để đi làm khác với việc bạn muốn có một chiếc xe để làm vui lòng gia đình bạn. Một chiếc xe phục vụ công việc kinh doanh là một nhu cầu mà bạn cần đáp ứng, một chiếc xe dành cho gia đình là một mục tiêu mà bạn đang lên kế hoạch để sắm nó trong thời gian sớm nhất có thể. Để tậu một chiếc xe như thế, bạn sẽ tìm đọc các catalogue và đến thăm các phòng trưng bày ô tô. Có lẽ đó là một mẫu xe mà bạn chưa từng nhìn thấy trước đó và bạn phải có trách nhiệm tìm hiểu và cân nhắc trong khả năng tài chính và sự hiểu biết của bạn cũng như các thông tin khác từ bên ngoài. Ước muốn có một thứ gì đó mới mẻ, khác biệt hơn có thể làm thay đổi cuộc đời bạn sẽ giúp bạn nỗ lực hơn nữa. Khi đó, sức mạnh của niềm tin sẽ đưa tất cả các nguồn lực bên trong bạn đi vào hoạt động và đó là cái mà tôi gọi là những giá trị tăng thêm (plus-values) trong cuộc đời bạn.
Vì thế nếu bạn từng hy vọng đạt được bất cứ điều gì hay có nhiều hơn nữa những thứ bạn đang có, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ bằng một khát khao. Đó chính là động lực tiềm ẩn trong mọi chúng ta. Nếu không có khát khao cháy bỏng này, không một thành tựu nào có thể đạt được. Tuy nhiên, như bạn sẽ thấy tiếp theo đây, cần có một vài điều khác nữa chứ không đơn giản chỉ là một khát khao.
Tôi rất quan tâm đến quan điểm của các nhà siêu hình học khi họ cho rằng ý nghĩ là vật chất. Đó có thể là một tri giác chung đúng đắn, nhưng chừng nào chúng ta chưa quan tâm đến tác động của ý nghĩ lên từng cá nhân con người, chúng sẽ không trở thành một dạng vật chất nếu chúng ta không thổi vào chúng hơi thở của sự sống bằng chính tư duy của chúng ta, hoặc thông qua những sản phẩm của trí tưởng tượng của chúng ta.
Thoạt tiên khi đọc đến đây có thể bạn thấy hơi lạ, nhưng mọi việc sẽ trở nên rõ ràng hơn qua một số ví dụ mà tôi sẽ đề cập sau đây. Chẳng hạn, bạn được bảo hãy mặc áo mưa khi ra ngoài lúc trời mưa. Chúng ta đều hiểu câu đó có nghĩa là: “Nếu anh không làm thế, anh có thể bị cảm lạnh đến chết đấy!”. Ý nghĩ đó không hề có một tác động cỏn con nào đối với tôi. Tôi chưa hề biết mặc áo mưa là gì từ khi còn nhỏ. Tôi từng để cả người từ đầu đến chân ướt như chuột lột hàng trăm lần, mỗi lần có đến vài giờ nhưng tôi đã bị cảm lạnh bao giờ đâu? Nhiều người rất sợ những cơn gió lùa, nhưng tôi cho rằng nếu họ có bị cảm lạnh vì gió lùa thì đó là do ý nghĩ sợ hãi của họ chứ không phải bởi chính những cơn gió ấy. Tôi thường xuyên ngồi trong những cơn gió lùa hàng giờ mỗi ngày, còn ban đêm thì tôi ngủ trong một căn phòng cửa sổ mở tứ bề, nhưng tôi có bị làm sao đâu! Tôi tập cho mình quen với mọi loại thời tiết nên tôi không hề hấn gì, kể cả một cơn cảm mạo thông thường, và bởi vì tôi không bao giờ để một ý nghĩ sợ sệt nào có đất sống trong đầu mình.
Tuy nhiên, tôi không khuyên các bạn đã quen mặc áo mưa khi ra ngoài trời mưa từ bỏ thói quen của các bạn; tôi cũng không khuyên các bạn dễ nhiễm cảm vì những cơn gió lùa cứ vô tư đưa mình vào đường đi của chúng – vì những thói quen đã ăn sâu trong cuộc sống thường nhật của chúng ta không phải dễ dàng thay đổi một sớm một chiều.
Từ hàng thế kỷ trước, các nhà tư tưởng vĩ đại đã nói rằng con người có thể định hình sự vật và kiểm soát sự vật thông qua ý nghĩ của mình. Càng nghiên cứu môn khoa học này, bạn sẽ càng nhận ra những sức mạnh đáng kinh ngạc nằm trong ý nghĩ của bạn.
Sir Arthur Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật thám từ lừng danh Sherlock Holmes, nhiều năm liền ông là thành viên của Hội Nghiên cứu Tâm thần học Anh quốc, từng nói rằng bên trong ý nghĩ là một sức mạnh có sức xây dựng và hủy hoại mạnh ngang nhau, giống như một “niềm tin có thể dời non lấp biển” vậy. Ông nói rằng dù kết quả mang tính quyết định, nhưng ông hoàn toàn không có ý niệm gì về cái sức mạnh từ trong suy nghĩ của con người rằng sức mạnh này có thể tách rời các phân tử của một vật thể rắn khi nó được hướng vào vật thể đó. Tôi biết những người theo chủ nghĩa duy vật sẽ chế giễu một tuyên bố như thế. Nhưng bạn nghĩ mà xem, sóng radio có thể xuyên qua các bức tường bê-tông, vách gỗ, mái tôn và những vật chất rắn khác như thế nào. Nếu suy nghĩ là sóng, hay bất cứ thứ gì khác, thì chúng có thể biến thành các dao động có tần số cao hơn hay không? Tại sao chúng không thể tác động lên các phân tử vật chất?
Nhiều tay cờ bạc chuyên nghiệp tin chắc rằng một tinh thần mạnh mẽ có liên quan mật thiết với sự may mắn trong các môn bài lá, xúc xắc và bài ru-lét, v.v. Tôi từng biết một người chỉ cần một vài nước đi là đã ẵm trọn những giải thưởng lớn nhất. Một lần khi tôi hỏi anh ta về điều đó, anh ta nói rằng: “Tôi không bao giờ lai vãng đến gần các bàn chơi bài nếu tôi không có tâm trạng tốt. Có nghĩa là tôi phải định hình chắc chắn trong đầu ý nghĩ rằng tôi sẽ thắng thì tôi mới tham gia. Tôi để ý rằng khi đầu óc tôi có bất kỳ sự dao động dù nhỏ nào, tôi đều bị thua. Tôi không nhớ có lần nào tôi không thắng khi tôi có những ý nghĩ mạnh mẽ rằng mình sẽ thắng”.
Ở Đại học Duke, Tiến sĩ J. B. Rhine và các cộng sự của ông từng chứng minh rằng những hành động trong trạng thái xuất thần (psychokinesis), tên gọi chỉ sức mạnh tinh thần có thể di chuyển các vật thể, không phải là một học thuyết ngớ ngẩn. Các con xúc xắc (vâng, chính là trò chơi thường thấy trong các hội chợ đồng quê) được tung ra bởi máy ném để loại trừ yếu tố tác động hay mánh khóe của con người. Các thí nghiệm loại này xuất hiện từ năm 1934 và đã có hàng triệu lần tung xúc xắc đã được thực hiện từ đó đến nay. Kết quả là gì, Tiến sĩ Rhine nói: “Không có lời giải thích nào thuyết phục hơn là các vật bị ảnh hưởng bởi sự rơi của các con xúc xắc mà không có bất kỳ sự tiếp xúc vật lý nào với chúng”. Bằng cách tập trung tinh thần vào sự xuất hiện của một con số nào đó mà các nhà thí nghiệm mong muốn, đồng thời giữ một khoảng cách xa cái máy tung xúc xắc để tránh các can thiệp có thể xảy ra bởi con người, họ thường xuyên có khả năng kiểm soát mặt xuất hiện của con xúc xắc. Trong các thí nghiệm khác, các kết quả đã phản bác lại phép tính xác suất ngẫu nhiên truyền thống với tỉ lệ 1/1.000.000 khả năng lặp lại một tổ hợp các mặt nào đó của hai hay nhiều con xúc xắc sau nhiều lần tung liên tiếp nhau.
Hãy suy ngẫm ít phút về điều này để thấy nó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn. Những thí nghiệm này có thể đem đến cho bạn một ý niệm nào đó về việc “Ý nghĩ tạo ra vạn vật”, “Ý nghĩ có quan hệ với hình thái vật chất của nó”, “Ý nghĩ tác động đến vật mà nó hướng vào”, và những tuyên bố tương tự như thế của các nhà siêu hình học từ hàng trăm năm qua. Sách Job (8) nói rằng: “Tôi lo sợ điều gì, điều đó sẽ xảy đến với tôi”. Những ý nghĩ sợ hãi của chúng ta cũng có sức mạnh tạo ra và thu hút rắc rối vào ta cũng như những ý nghĩ tích cực và xây dựng mang lại những kết quả tốt đẹp cho ta vậy. Vì thế, bất luận ý nghĩ của bạn có đặc điểm như thế nào, chúng cũng sẽ tạo ra kết quả, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Một khi điều này thấm sâu vào tiềm thức của bạn, bạn sẽ từ từ nhận ra cái sức mạnh đáng kinh ngạc bên trong con người bạn mà bạn hoàn toàn có quyền sử dụng.
Trong khi ý nghĩ tạo ra mọi vật và thực hiện việc kiểm soát chúng vượt ra khỏi mọi giới hạn mà con người từng biết đến, tôi vẫn muốn bám sát vào luận thuyết rằng ý nghĩ chỉ tạo ra những gì tương thích với cường độ, sự mãnh liệt, chất lượng cảm xúc, chiều sâu cảm giác hay độ dao động của chính nó. Nói cách khác, ý nghĩ có một sức mạnh sáng tạo và kiểm soát theo một tỉ lệ chính xác trong sự bất biến, sự mãnh liệt và năng lượng của nó – vốn có thể so sánh với độ dài bước sóng và năng lượng của một trạm phát sóng.
Dù có nhiều giải thích khác nhau nhưng ý nghĩ dứt khoát không phải là một dạng của năng lượng điện, nhưng là cái gì khác thì chưa được định nghĩa rõ hơn. Trong một loạt các thí nghiệm về ngoại cảm, các đối tượng được đặt vào các lồng Faraday, vốn “nhốt kín” mọi sự truyền điện có thể xảy ra. Tuy nhiên, kết quả thu được cho thấy đó không phải là sự ngẫu nhiên: bất kỳ dữ liệu nào được truyền đi từ người này, người kia cũng nhận được. Rõ ràng sự truyền ý nghĩ không phải là dòng điện. Cũng vậy, tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc thí nghiệm với dòng điện có tần số cao, là lĩnh vực mà nhà khoa học thiên tài về dòng điện Nikola Tesla đã đi tiên phong. Kết quả là, bất cứ khi nào tôi nghĩ đến ý nghĩ và sự “bức xạ” của nó, tôi thường liên hệ nó với dòng điện và các hiện tượng của dòng điện. Bằng cách này, mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn đối với tôi.
Tôi nhận ra rằng mình không hề đơn độc trong việc bám vào phép loại suy này. Ngày nay, hầu hết các bệnh viện đều được trang bị các máy đo điện não đồ EEG (Electro-Encephalograph), một loại thiết bị phát hiện và ghi lại sóng não của bệnh nhân. Các “sóng” này trên thực tế là những dao động điện của hai bán cầu não của chúng ta. Các bác sĩ không chỉ nhìn các dao động này để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của não bộ và hệ thần kinh, mà còn để phát hiện ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần của bệnh nhân qua giấc mơ hay trạng thái cảm xúc của họ, thậm chí còn phát hiện cả sự tồn tại của một số bệnh tật khác bên trong cơ thể họ.
Năm 1944, Bác sĩ Harold S. Burr và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Yale đã đi đến một kết luận sau 12 năm nghiên cứu rằng tất cả mọi sinh vật sống đều được bao phủ bởi một trường năng lượng (hay vầng hào quang, hay tinh hoa phát tiết ra ngoài) do chính nó phát ra, và rằng mọi sự sống trên đời này đều có mối liên hệ về mặt điện từ với toàn vũ trụ. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu về sự kỳ bí, các nhà huyền bí học và các nhà siêu hình học đều nói rằng mỗi con người đều có một trường năng lượng riêng, và có vô số các trường hợp trong đó các trường năng lượng này đã được ghi lại một cách rất rõ ràng.
Kế đến, vào những năm 1960, các nhà nghiên cứu của Liên Xô công bố khám phá về kỹ thuật chụp ảnh Kirlian, một kỹ thuật chụp lại “trường năng lượng” trên phim truyền thống. Các bức ảnh Kirlian về một chiếc lá cho thấy có một vầng hào quang sáng lấp lánh – tuy nhiên, hào quang này mờ dần khi chiếc lá héo khô đi. Còn ảnh chụp Kirlian về bàn tay con người cho thấy có những vệt sáng phát ra từ các ngón tay – điều này dường như xác nhận tuyên bố của các nhà siêu hình cổ đại rằng bàn tay con người có chứa một nguồn năng lượng có thể chữa lành bệnh. Những người chỉ trích cho rằng quy trình chụp ảnh Kirlian thực ra không gì khác hơn là một hiện tượng hồ quang điện sinh ra bởi sự tương tác giữa trường điện từ yếu mà trong đó bức ảnh được chụp. Tuy nhiên cùng lúc này, điều rõ ràng là sức mạnh của “hào quang” Kirlian có liên quan với trạng thái cảm xúc của đối tượng được chụp. Một nhóm các nhà tâm lý học – trong đó nổi bật nhất là Tiến sĩ Lee R. Steiner đến từ New York – nhận ra mối liên quan này là đáng tin cậy đến mức họ đã sử dụng kỹ thuật chụp Kirlian như một phương pháp khách quan để theo dõi tiến triển bệnh ở các bệnh nhân của họ.
Chúng ta có thể lý giải nghịch lý không thể chối cãi này nếu xem dòng điện, hiện tượng hồ quang và tác động của phương pháp Kirlian như một sản phẩm phụ của nguồn năng lượng chưa được định nghĩa do ý nghĩ sản sinh ra, cũng giống như những cơn sóng thủy triều là “bản dịch” có thể nhìn thấy của những cơn động đất từ đáy đại dương nằm cách đó hàng trăm ki-lô-mét.
Hermes Trismegistus và tất cả các nhà triết học trường phái Hermes đều dạy học trò về thuyết dao động. Pythagoras, nhà hình học và triết học vĩ đại sống vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, phát biểu rằng tất cả mọi vật đang tồn tại đều là dao động. Đây là điểm cốt lõi trong lý thuyết nền tảng của ngành khoa học điện tử ngày nay. Có nghĩa là, mọi vật chất đều chứa các electron (mang điện tích âm), neutron (không mang điện), và proton (mang điện tích dương) và những hạt cơ bản khác nhỏ hơn nguyên tử, với điện tích của mình chúng không ngừng tương tác với nhau.
Để dễ hiểu hơn, tôi xin dùng thuật ngữ “dao động” (9) : Khi dao động của các phân tử bên trong vật chất tăng tốc độ chuyển động, hình dạng vật chất thường thay đổi – chẳng hạn như nước đá tan chảy dưới sức nóng mặt trời và bốc hơi thành hơi nước. Nhưng những khác biệt cơ bản bên trong vật chất, và trong cái gọi là nguyên tố như chúng ta đã biết, lại sinh ra từ sự khác nhau về số lượng electron, neutron và proton. Bằng cách tăng, giảm các proton, các nhà khoa học hạt nhân có thể hoán đổi số nguyên tử của một nguyên tố với nhau - ấy thế mà các nhà giả kim thời cổ đại nói rằng những nguyên tố kém giá trị hơn, như sắt và chì, có thể được biến thành vàng và bạc. Các nhà giả kim này còn có khả năng chữa lành mọi bệnh tật bằng cách sử dụng các lực tương tự như thế.
Khi bạn hiểu rằng hệ thần kinh của chúng ta chỉ có thể được tiếp cận thông qua dao động – hay nói cách khác, năm giác quan của chúng ta sẽ ghi lại hình ảnh, âm thanh, cảm giác, mùi và vị nhờ các dao động thoát ra bên ngoài của từng loại vật chất – thì bạn sẽ hiểu sâu hơn về bản chất của dao động. Ví dụ, chúng ta nghe một tiếng nói lớn. Tiếng nói đó đến tai chúng ta nhờ dao động sóng trong không khí. Chúng ta nhìn thấy một chiếc lá xanh, nhưng đó đơn giản chỉ là một dạng sóng ánh sáng do mắt ta thu được và truyền lên não. Tuy nhiên, có những dao động có tần số cao hơn nằm ngoài khả năng “tiếp sóng” của các giác quan con người, và con người cũng chưa khám phá hết tất cả chúng. Chẳng hạn, có những tiếng rít chỉ có loài chó có thể nghe thấy.
Có lẽ chúng ta từng nghe nói về sức mạnh của phép chữa bệnh bằng “xoa bóp” và đa số chúng ta đều biết rằng khi dùng tay xoa nhẹ nhàng lên trán hay thái dương, chúng ta có thể làm giảm cơn nhức đầu một cách khá hiệu quả. Có thể đó là do một dạng năng lượng nào đó được phóng ra từ các đầu ngón tay của chúng ta? Kinh thánh cũng từng ghi lại nhiều trường hợp người bệnh được chữa lành nhờ Đức Giê-su chạm tay vào người họ. Phải chăng lời giải thích nằm trong khoa học về sự dao động? Và phải chăng trường điện từ quanh ta, mà Tiến sĩ Burr cho rằng đó là sản phẩm do mỗi chúng ta tạo ra và tồn tại ở mọi sinh vật sống, giúp ta phát ra những xung lực (các lực dao động có thể tác động lên các vật thể khác) để phóng ra ngoài từ các đầu ngón tay hay từ não bộ của chúng ta? Vào mùa đông, ở những vùng cao hơn so với mực nước biển, bạn có thể cảm nhận và thường nhìn thấy những tia lửa điện nho nhỏ phóng ra kêu tí tách khi bạn đi nhanh trên thảm hay khi xếp dọn chăn mền, hoặc khi chạm nhanh vào các vật thể bằng kim loại. Dạng tĩnh điện này được sinh ra từ sự ma sát, và điều này giúp chúng ta hiểu rằng làm thế nào một dạng năng lượng điện có thể được tạo ra thông qua hoạt động của cơ thể chúng ta.
Trong số những thí nghiệm mô tả hiện tượng này, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale, có một thí nghiệm cho thấy khi các đối tượng tham gia thí nghiệm nhúng ngón tay trỏ của họ vào những cốc nước muối được nối với máy đo điện thế cực nhạy thì có một dòng điện xuất hiện chạy từ tay trái (cực dương) sang tay phải (cực âm) của họ. Dòng điện này đo được 1,5 milivolt. Trong một thí nghiệm khác, người ta dùng hai ngón giữa, một ngón bị cứa một vết nhẹ ở đầu và nhúng vào một cốc nước. Lần này cực của bàn tay thay đổi, tay trái của họ mang cực âm và tay phải trở thành cực dương và dòng điện đo được lên tới 12 milivolt.
Khi chứng kiến hai thí nghiệm này, tôi nhớ tới một dụng cụ đo được Tiến sĩ Hyppolyte Baraduc, một nhà khoa học người Pháp, hoàn thiện nhiều năm trước đây. Nó được gọi là “dụng cụ đo sinh học”, gồm một cái chuông bằng thủy tinh bên trong treo một chiếc kim bằng đồng qua một sợi chỉ thật mảnh. Dưới chiếc kim, tất nhiên bên trong quả chuông, là một tấm bìa tròn có chia độ.
Hai dụng cụ như thế được đặt cạnh nhau và người thí nghiệm giữ các ngón tay của cả hai bàn tay họ cách quả chuông thủy tinh khoảng 1,5 xăng-ti-mét và tập trung tinh thần vào chiếc kim đang ở vị trí cân bằng tuyệt đối. Bằng cách thay đổi trạng thái tinh thần của mình, anh ta đã tạo ra những thay đổi tương ứng về chiều dao động của chiếc kim, khi nghiêng về bên này, khi bên kia theo sự thay đổi dòng suy nghĩ của anh ta.
Còn đây là một thí nghiệm đơn giản chứng minh cho những nguyên tắc tương tự. Đầu tiên bạn hãy lấy một tờ giấy vào khoảng 20 cm2 có trọng lượng vừa phải và gấp nó theo hai đường chéo. Bạn mở nó ra và nhìn thấy một hình kim tự tháp như được trải ra trên một mặt phẳng. Bây giờ bạn lấy một chiếc kim dài và đâm xuyên nó qua một nút bần rồi nhô ra phía bên kia khoảng 2,5 xăng-ti-mét, sau đó bạn đặt nút bần có cây kim vào trong một ly nước, mũi kim hướng lên trên. Xong bạn lấy tờ giấy và đặt điểm giao nhau của hai đường chéo ngay mũi kim. Khi đó, bốn đường gấp của kim tự tháp trông như chạy nghiêng xuống bốn phía.
Rồi bạn đặt toàn bộ hệ này trên một chiếc bàn bên trong một căn phòng kín gió, cách xa lò sưởi hay máy điều hòa nhiệt độ. Sau đó bạn đặt hai bàn tay của bạn lên trên và cách mảnh giấy độ hai xăng-ti-mét. Bây giờ bạn hãy ra lệnh cho tờ giấy quay tròn trên đầu chiếc kim.
Đầu tiên, tờ giấy trông có vẻ chao đảo, cũng có thể nó sẽ chuyển động chầm chậm theo một hướng: phải hoặc trái. Nhưng nếu bạn giữ đều hai tay và tập trung tinh thần về một hướng quay nhất định, khi đó tờ giấy sẽ quay ngày càng nhanh hơn trên đầu chiếc kim. Nếu bạn quyết định đổi hướng trong suy nghĩ, chuyển động đó sẽ dừng lại và tờ giấy sẽ quay theo hướng ngược lại, tức hướng mà bạn nghĩ. Dĩ nhiên bạn không được thổi vào mảnh giấy làm cho nó quay theo ý bạn.(*)
* Xin xem thêm ở phần Phụ lục về một hiện tượng tương tự ở Việt Nam (ND).
Đã có nhiều lý giải về nguyên nhân làm cho mảnh giấy quay vòng đã được đưa ra – như sức nóng hay sóng năng lượng từ bàn tay, phản ứng của cơ thể con người hay những yếu tố tương tự. Nếu mảnh giấy chỉ quay theo một hướng thì cách giải thích này có thể chấp nhận được. Nhưng khi người thực hiện tập trung thay đổi ý nghĩ của mình, mảnh giấy quay theo chiều ngược lại thì rõ ràng thí nghiệm này cũng dựa trên nguyên tắc của thí nghiệm sử dụng “dụng cụ đo sinh học” được trình bày ở trên.
Một thí nghiệm tương tự lại sử dụng một cái đĩa nhỏ bằng giấy bồi có đánh số từ 1 đến 12 như mặt đồng hồ. Chính giữa nó là một chiếc kim nhọn. Trên đầu kim là một miếng bìa nhỏ hình mũi tên. Cái đĩa giấy được đặt vào một ly nước sao cho phần dưới của chiếc kim nhúng vào nước. Người thực hiện đặt tay mình lên trên bộ ba lúc này gồm ly nước, cái đĩa giấy có chiếc kim xuyên qua, và mũi tên rồi ra lệnh cho mũi tên quay tròn. Sau đó đổi hướng hoặc “ra lệnh” cho mũi tên dừng lại tại một con số nào đó trên đĩa theo ý mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thu được những kết quả đáng hài lòng qua các thí nghiệm nói trên, bởi sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung ý nghĩ và những tác động mang tính phản xạ ở mỗi người đều rất khác nhau.
Nếu một dạng năng lượng điện phát ra từ đôi bàn tay hay các ngón tay con người hay các loại sóng, dù tĩnh hay động, hình thành từ ý nghĩ của chúng ta thì chúng ta đã có một lời giải thích khoa học về hiện tượng bàn xoay (table-tipping), tự viết (automatic writing) hay cầu cơ (planchette) hoặc những nghi thức huyền bí thời trung cổ. Tiến sĩ Phillips Thomas, một kỹ sư nghiên cứu của Hãng Westinghouse Electric năm 1937 đã phát biểu trước Hội nghị Utah của Viện Điện năng Hoa Kỳ rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả những gì chúng ta nói, nghĩ hay làm đều được thực hiện bằng một dạng bức xạ nào đó. Chúng tôi nghĩ rằng những bức xạ đó chính là điện. Trong tương lai gần, chúng ta có thể hoàn toàn hiểu được và diễn giải rõ ràng các loại bức xạ từ cơ thể và ý nghĩ của chúng ta thông qua các lực điện từ”.
Có lẽ có một vài bạn đọc còn chưa có một sự hiểu biết rõ ràng về bức xạ của ý nghĩ, cho nên tôi muốn đưa ra một giải thích ngắn gọn như thế này. Một hòn sỏi được ném xuống mặt hồ sẽ tạo ra loạt những gợn sóng đồng tâm và lan tỏa khắp mặt hồ cho tới khi chúng chạm bờ và biến mất. Hòn đá càng lớn thì gợn sóng càng cao và càng mạnh. Nếu có hai hòn đá kích cỡ khác nhau, khối lượng khác nhau được ném cùng lúc xuống hai điểm gần nhau, chúng cũng sẽ tạo ra sóng và giao thoa rồi hòa với nhau làm một. Tại điểm hai quầng sóng này gặp nhau, chúng sẽ tương tác mạnh hay “va” vào nhau để một bên vượt qua bên có quầng sóng yếu hơn (do hòn đá ném xuống nhỏ hơn) và vì thế sức mạnh của nó cũng bị triệt tiêu một phần trước khi vào tới bờ và chấm dứt ở đó.
Hãy nghĩ về điều này trong mối liên hệ với chính những xung lực tinh thần của bạn – chẳng hạn, ý nghĩ của người này có thể dừng lại hay bao trùm hoàn toàn ý nghĩ của người khác. Bạn sẽ dễ dàng hiểu được rằng ý nghĩ càng mạnh mẽ và càng tập trung thì tốc độ của nó càng lớn, dao động càng mạnh và càng lấn át các dao động yếu hơn nó, và tất nhiên nó có sức sáng tạo nhanh và hiệu quả hơn nhiều.
Chúng ta từng nghe rất nhiều về các giai đoạn của thiền định, nhận thức, tập trung ý nghĩ và sức mạnh của niềm tin – tất cả những điều này đều có liên quan đến cường độ hay mức năng lượng mà chúng ta phát ra. Sức mạnh sáng tạo chỉ xuất hiện khi một ý nghĩ được hình thành một cách rõ ràng, bởi khi đó trí tưởng tượng của bạn có thể hình dung ra sự hoàn thành khát vọng của bạn và một bức tranh về vật mà bạn muốn sở hữu – một căn nhà, một chiếc xe, một chiếc ti-vi – như thể bạn đã có nó trong tay bạn rồi.
Sau khi nghiên cứu cái gọi là những bài giảng về sự huyền bí, các ngành khoa học khác nhau về tinh thần và tâm linh cùng những bài giảng của nhà thờ, tôi tin rằng tất cả chúng hoạt động ở những cấp độ khác nhau, nhưng dựa trên một cơ sở duy nhất là niềm tin của những người đi theo, thông qua lời cầu nguyện của họ.
Tuy nhiên, tôi phải đi đến kết luận rằng có rất nhiều người chỉ cầu nguyện theo hình thức mà không hề mảy may tin rằng họ sẽ được đáp lại. Hệ quả là, họ không được trả lời. Tôi thường nhớ đến câu chuyện của một quý bà, người tự xưng mình tin vào lời cầu nguyện. Lần nọ bà ấy định đi mua sắm. Hôm trước, bà cầu nguyện cho trời nắng suốt ngày bà đi mua sắm. Nhưng, bà liếc mắt nhìn ra cửa sổ và thấy có một vài đám mây đen, thế là bà kêu lên: “Ồ không, nhưng con biết rằng trời sắp đổ mưa!”.
Vào cuối mùa thu năm 1944, Thomas Sugrue đăng một bài báo trên tờ Saturday Review of Literature tuyên bố rằng phong trào chữa bệnh bằng năng lượng tinh thần đang phát triển nhanh đến mức giờ đây nó đã lan tràn khắp nước Mỹ. Ông ấy dẫn ra nhiều trường hợp các bệnh nhân được chữa lành nhờ phép chữa bệnh này. Một phụ nữ 62 tuổi bị viêm khớp nặng đến nỗi các ngón tay của bà không thể vươn thẳng ra được, nhưng bà đã tham gia một lớp tập thở Yoga và đã hoàn toàn khỏi bệnh. Hơn thế nữa, sau khi bà khỏi bệnh, những ai gặp bà đều cho rằng bà chỉ ở vào tuổi 40. Surgue còn kể lại câu chuyện về một nhà truyền giáo già đã âm thầm thực hiện những cuộc thí nghiệm và nghiên cứu về các hiện tượng tâm linh trong suốt 12 năm trước đó và đã thu được những kết quả có sức thuyết phục cao.
Như thế, chúng ta chỉ có thể đi đến một kết luận: rằng tất cả các học thuyết, tín điều, nghi lễ thờ cúng đều hoạt động như một hệ quả tất yếu của những niềm tin vững chắc của mỗi chúng ta – và chính điều đó đưa chúng ta tới điều kỳ diệu của niềm tin.
Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học, đã đưa ra giả thuyết rằng có một lực rất mạnh tồn tại bên trong mỗi con người, là một phần không được chiếu sáng của lý trí – ngăn cách khỏi tiềm thức – nhưng làm việc không ngừng nghỉ để định hình đổ khuôn ý nghĩ, cảm giác và hành động của chúng ta. Nó không phải là một cơ quan nội tạng có thể nhìn thấy, sờ mó được như bộ não của chúng ta và khoa học cũng chưa xác định được vị trí của nó trong cơ thể con người. Tuy nhiên, thực tế là nó có tồn tại. Nó tồn tại ngay từ buổi bình minh của nhân loại. Tổ tiên chúng ta thường gọi nó là “linh hồn” (spirit). Paracelsus thì gọi nó là ý chí (will), những người khác gọi nó là “lý trí” (mind), tên đầy tớ của bộ não. Một vài người khác lại gọi nó là lương tâm hay lương thức (conscience), là thế lực sáng tạo ra “cái giọng nói nhỏ, tĩnh lặng bên trong” (the still, small voice within) mỗi con người chúng ta. Một số nhà siêu hình nói rằng nó nằm đâu đó bên trong đám rối dương (solar plexus), người khác lại bảo nó là siêu kỷ (super-ego), là sức mạnh bên trong (inner power), là ý thức (consciousness), siêu ý thức (super-consciousness), tiềm thức (subsconciousness) và rất nhiều tên gọi khác nữa. Rồi nhiều người khác vẫn nhất quyết rằng nó là một phần của Trí tuệ Vô biên (Supreme Intelligence) mà con người được gắn kết vào. Vì thế, Trí tuệ Phổ quát (Universal Mind), một cách gọi khác nữa, chính là thế lực bao trùm tất cả mọi sinh vật sống, tức toàn bộ cuộc sống của con người và mọi loại động, thực vật trên thế gian này.
Dù là tên gì đi nữa thì tôi vẫn thích gọi nó là tiềm thức (subconscious) hơn. Nó được xem là yếu tố cốt tử của cuộc đời một con người và các giới hạn về sức mạnh của nó chưa bao giờ được khám phá hết. Nó không bao giờ ngủ, nó xuất hiện đúng lúc để giúp chúng ta vượt qua khó khăn trở ngại, nó cảnh báo cho chúng ta những hiểm họa đang treo lơ lửng, nó thường giúp chúng ta làm được những điều không thể. Nó dẫn dắt chúng ta bằng nhiều cách khác nhau và khi được sử dụng đúng cách, nó giúp chúng ta tạo ra những “phép màu”.
Nói một cách khách quan, nó sẽ thi hành những gì nó được ra lệnh hay yêu cầu. Chủ quan mà nói, nó hành động chủ yếu dựa trên những “sáng kiến” của chính nó, dù thật ra có vô số lần hoạt động của nó là kết quả của những tác động từ bên ngoài.
Sir Arthur Eddington nói: “Tôi tin rằng tâm trí có sức tác động lên một nhóm nguyên tử và thậm chí có thể can thiệp vào sự xung đột trong chuyển động của các nguyên tử, và dù sự xuất hiện của vũ trụ này không được quyết định trước bởi các quy luật vật lý nhưng nó có thể bị thay đổi bởi ý chí vô điều kiện của con người”.
Quan niệm có thể được hiểu một cách trọn vẹn nhờ ánh sáng của lý thuyết về dao động hay điện tử.
Mọi sinh viên nghiên cứu vấn đề này đều biết rõ những gì có thể đạt được thông qua việc giao tiếp trực tiếp với tiềm thức – hàng ngàn người đã sử dụng nó để thu về những khối tài sản, quyền lực, danh tiếng cũng như để chữa lành những căn bệnh và hóa giải nhiều vấn đề rắc rối trên khắp thế giới này. Sức mạnh của nó cũng đang chờ bạn sử dụng. Điều duy nhất bạn cần làm là tin vào “quyền năng” của nó và sử dụng những bí quyết được chỉ ra trong quyển sách này – hoặc bạn cũng có thể sáng chế ra một bí quyết của riêng mình và bắt nó làm việc cho bạn.
Chuyên mục tin tức tổng hợp của biên tập viên Dana Sleeth rất nổi tiếng với các độc giả báo chí vào những năm 1920. Có lần ông nói với tôi rằng ông xem tiềm thức là một trong những trợ tá đắc lực nhất của mình. Nó không chỉ cung cấp cho ông một cách dồi dào các ý tưởng mà còn giúp ông tìm lại được những công cụ hành nghề bị thất lạc và cả những bài báo cũ. Khi đó Sleeth sống trên một ngọn đồi cách xa trung tâm thành phố, ông vừa làm biên tập viên vừa làm nông dân. Ông nghiên cứu khá sâu về chủ đề này và chúng tôi thường trao đổi ý kiến với nhau qua thư từ.
Tiềm thức là điều kỳ diệu [Sleeth viết], và trong đời mình tôi không hiểu tại sao có quá nhiều người không chịu tìm hiểu về nó để sử dụng nó. Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu nhưng phải hàng ngàn lần nó đã giúp tôi vượt qua vô số khó khăn, rắc rối.
Những ý tưởng minh họa cho các câu chuyện cứ tuôn ra ào ạt khi tôi làm việc. Còn đối với việc tìm kiếm những đồ vật thất lạc – nó tỏ ra đặc biệt xuất sắc. Bạn biết là không có thứ gì mất đi cả - chỉ là chúng ta để nó ở đâu đó sai chỗ. Nó sẽ nằm ngay chỗ bạn đã để nó hay đánh rơi nó lần cuối cùng. Tôi từng tìm ra những vô số thứ mà tôi để nhầm chỗ nhờ sự mách bảo của tiềm thức. Chẳng hạn, tôi tự hỏi mình: “Dao bỏ túi, mình đã để nó ở đâu nhỉ?”. Sau đó tôi nhắm mắt lại trong giây lát, hoặc nhìn vào khoảng không – và rồi câu trả lời xuất hiện. Đôi khi không phải ngay lập tức nhưng một khi đã đến, nó đến nhanh như một tia chớp!
Tôi rất khó khăn trong việc nhớ tên người, nhưng tôi nhận ra rằng nếu tôi có thể hình dung được người đó qua một chi tiết nào đó của họ như màu mắt, màu tóc hay cách phục trang của họ thì lúc đó tiềm thức mang đến cho tôi tên của họ một cách không mấy khó khăn.
Tôi không biết mình học điều này từ đâu, nhưng mỗi khi cố nhớ lại một điều gì đó, một câu chuyện hay một sự kiện nào đó thì tôi thả lỏng người thư giãn, ngẩng mặt lên và đưa tay phải lên trước cách trán độ năm, ba xăng-ti-mét. Đôi khi tôi nhắm mắt hoặc nhìn vô định vào khoảng không phía trước. Thế rồi chẳng mấy chốc mọi rắc rối đều có lời giải đáp. Tất cả các bí quyết nói trên đều có tác dụng tốt đối với tôi.
Bạn đừng bao giờ quên điều này: các phát minh, những kiệt tác âm nhạc, những bài thơ, tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế giới và tất cả những ý tưởng đột phá nhất đều bắt nguồn từ tiềm thức. Cứ cho nó một ý nghĩ hay “nguyên liệu”và gắn liền nó với một khát khao thành công từ tận gốc rễ tâm hồn bạn, nó sẽ biến mọi thứ bạn muốn thành sự thật.
Khi bạn bắt đầu vận hành tiềm thức của mình nhờ sự giúp đỡ của sức mạnh này, mọi viên gạch sẽ tự động xếp vào đúng vị trí của nó như thể có một bàn tay thần thánh nào đó chạm vào chúng vậy. Những kết quả tốt đẹp chắc chắn sẽ đến một cách đầy ngạc nhiên và các ý tưởng về thành tựu sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Những gì xuất hiện như tình cờ thực ra hoàn toàn không ngẫu nhiên chút nào mà chúng chỉ đơn giản là kết quả của những gì mà ý nghĩ của bạn đã từng thêu dệt nên.
Tôi tin chắc rằng không ai trong số hàng ngàn người thành đạt nhất thế giới này, những người đã gặt hái được những thành quả vĩ đại, lại không biết gì về tiềm thức và không có chút kiến thức gì về việc nó là nguồn sức mạnh giúp họ tạo ra thành tựu.
Sống trên ngọn đồi cách xa mọi người và những bon chen hàng ngày, tôi nhận ra rằng những ai sống gần gũi với thiên nhiên sẽ có điều kiện sử dụng tiềm thức tốt hơn những người khác. Tôi tin rằng một ngày nào đó, khoa học sẽ chứng minh được rằng sức mạnh to lớn của tiềm thức là một trong những lực dữ dội nhất định hình và chi phối cuộc sống của chúng ta.
Một luồng suy nghĩ tức thời, thoáng qua sẽ chết ngay từ khi nó manh nha xuất hiện, dù rằng sau đó nó có thể biểu lộ ra sức mạnh tích lũy của nó. Nhưng cái lực đưa cả hệ thống tiềm thức vĩ đại này vào hoạt động chính là một ý nghĩ được nuôi dưỡng – hay như tôi đã nói ở trên, là một bức tranh tinh thần đã được định trước. Có nhiều cách làm cho tiềm thức hoạt động: làm tăng tốc độ dao động của ý thức, dù rằng đôi khi tiềm thức của chúng ta hoạt động ngay lập tức khi một dữ kiện nào đó bất chợt xuất hiện qua một lời nói, một ánh mắt hay một hành động nào đó. Cũng vậy đối với những hiểm họa thảm khốc, những cơn nguy biến hay căng thẳng tột cùng, tiềm thức sẽ giúp ta có những hành động ngay lập tức.
Tiềm thức đến rất nhanh với những người thường có quyết định gần như tức thời và nó biến thành hành động khi bạn xóa hẳn lý trí của bạn về sự xung đột của các ý nghĩ khác nhau. “Đi vào miền tĩnh lặng” là một cách nói khác để diễn đạt nó. Don Juan bảo Carlos Castaneda (10) rằng tiếng nói huyên thuyên của lý trí là một rào cản lớn trong việc tiếp cận với một sự dẫn dắt ở cấp độ cao hơn.
Có lẽ phương pháp hữu hiệu nhất để đưa tiềm thức vào hoạt động là thông qua việc vẽ nên những bức tranh tinh thần hoàn chỉnh. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn để hoàn chỉnh hình ảnh về điều/ý tưởng mà bạn muốn nó phải tồn tại dưới dạng vật chất. Đây chính là quá trình hình dung hóa viễn cảnh.
Tuy nhiên, những biểu hiện liên tục và bền vững nhất lại đến từ kết quả của một niềm tin ăn sâu vào tận gốc rễ tâm hồn bạn. Nhờ niềm tin này, cùng với sức mạnh kỳ lạ của nó, mà vô số phép màu đã xảy ra và nhiều hiện tượng huyền diệu đã xuất hiện mà cho tới nay khoa học vẫn chưa có lời giải thích. Tôi đang nói đến một niềm tin không nghi ngại – một niềm tin hiện diện trong từng tế bào, từng thớ thịt của bạn – một khi bạn tin bằng tất cả con tim và tâm hồn mình.
Bạn gọi nó là một pha cảm xúc, một lực tâm linh, một loại dao động điện hay là gì khác cũng được, miễn là bạn hài lòng, nhưng đó là lực mang đến cho bạn những thành quả vượt trội. Nó đưa các định luật hấp dẫn vào hoạt động và cho phép những ý nghĩ được nuôi dưỡng gắn kết với hình thái vật chất của nó. Niềm tin làm thay đổi tốc độ tư duy và tần số ý nghĩ. Như một nam châm khổng lồ, nó thu hút các lực tiềm thức và đưa chúng vào hoạt động, làm thay đổi toàn bộ trường điện từ (hào quang) xung quanh bạn và cả những người, những vật đang ở cách xa bạn hàng ngàn dặm. Nó thường mang đến cho cuộc đời bạn những kết quả sửng sốt - những kết quả mà bạn có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới!
Có hàng ngàn ví dụ về niềm tin trong Kinh thánh. Niềm tin là yếu tố tiên khởi để một người trở thành thành viên của bất kỳ tôn giáo, hội đoàn hay tổ chức chính trị xã hội nào. Các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi đang tìm kiếm những người có niềm tin và sẵn sàng sống cho niềm tin của họ, bởi họ là những người có khả năng lan tỏa những làn sóng niềm tin đến người khác để tất cả cùng nhau tỏa sáng và làm nên những thành tích diệu kỳ. Niềm tin là một ngọn đuốc thần kỳ. Thực vậy, đó chính là nguyên tắc nền tảng của thành công, là một phép màu thực sự theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
CHÚ THÍCH
(6) El Dorado: Một xứ sở tưởng tượng có rất nhiều vàng bạc châu báu.
(7) Capital goods: Tư bản phẩm (tài sản dùng để tạo ra tài sản khác).
(8) Book of Job - Sách Job: Một trong những cuốn kinh Do Thái và là một trong những tác phẩm mang tính văn học sâu sắc nhất thuộc kinh thánh cựu ước của Thiên Chúa giáo.
(9) Vibration hoặc oscillation.
(10) Don Juan Matus là một nhân vật đối thoại trong tác phẩm The Teachings of Don Juan: A Yaqui Way of Knowledge (Những lời giáo huấn của Don Juan: Đường đến Tri thức theo cách của Người Da đỏ Yaqui) của Carlos Cesar Arana Castaneda (1925-1998). Castaneda viết tác phẩm này khi còn là sinh viên ngành nhân chủng học tại Đại học UCLA, Hoa Kỳ. Castaneda đã phát triển các nội dung trong tác phẩm thành luận văn tốt nghiệp cử nhân và tiến sĩ của ông sau này.