Không lâu sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, vùng East End cũ của Sunderland xuất hiện một trong những khu ổ chuột tệ nhất châu Âu - một mê cung gồm toàn những ngôi nhà nhấp nhô xiêu vẹo. Đó là một nơi tối tăm và kinh khủng - nơi mà những gia đình đông người đều sống trong một căn phòng nhỏ.
Chính những dãy nhà ẩm ướt đầy chuột bọ thuộc sở hữu của những người địa chủ không bao giờ chi dù chỉ một đồng để sửa chữa ấy, là ngôi nhà đầu tiên của tôi. Tôi được sinh ra ở đó, năm 1952, và ngôi nhà trên đường Moorgate của chúng tôi nằm ở nút giao của những con hẻm rải sỏi và những con đường chằng chịt vắt ngang khu ổ chuột.
Ngôi nhà nằm trong một dãy nhà san sát nhau. Chúng tôi ở tầng trên, một gia đình khác ở tầng trệt. Gia đình tôi có bố, mẹ, các anh trai tôi: Michael - 4 tuổi, George - 2 tuổi, và tôi. Ngoài ra thường có một hoặc hai chú của tôi ghé qua, nhất là chú Willie mỗi khi chú bị vợ đánh.
Bố tôi sinh ra trong một gia đình đông người, ông có 3 anh em trai và 6 chị em gái. Ông thường xuyên kể cho chúng tôi nghe về những lần chạy trốn khỏi những trận đòn bạo lực của ông nội - người thích trừng phạt con cái bằng chiếc thắt lưng da của mình. Chúng tôi chưa bao giờ gặp ông nội - ông hẳn đã chết trước khi tôi được sinh ra; chúng tôi chỉ được nghe về những hình phạt kinh khủng ông đã dành cho các con trai mình - và có thể cả con gái nữa - nếu họ làm ông khó chịu.
Chúng tôi có một chiếc giường đơn dành cho mẹ tôi - Eileen - và một chiếc giường đôi dành cho tất cả đám đàn ông, người lớn nằm đầu giường, trẻ con nằm cuối giường. Tôi được ngủ với mẹ cho đến khi lên hai. Khi đó em trai Brian của tôi ra đời, và tôi chuyển sang chiếc giường đôi, gia nhập hội những người đàn ông còn lại trong gia đình.
Thứ đồ nội thất duy nhất mà chúng tôi có là một chiếc bàn hình vuông với hai chiếc ghế gỗ. Chiếc bàn được đặt trước một lò than. Những ngày có đủ than, chúng tôi sẽ sưởi ấm căn phòng và nấu ăn. Ngoài ra, chúng tôi còn có vài cái thùng thiếc và một cái bồn tắm cũng bằng thiếc. Tường và sàn nhà đều chỉ là lớp bê tông trần, thêm vài sợi dây vắt ngang phòng để phơi quần áo. Vào giờ cơm, chúng tôi sẽ đứng quanh bàn đợi mẹ tôi lục tung tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn - và thường thì chẳng có nhiều.
Hẳn mọi thứ đã thật khó khăn với mẹ tôi. Bà chắc chắn đã không ít lần nhịn đói, nhưng chúng tôi còn quá trẻ con để có thể biết lo lắng. Chúng tôi sẽ chỉ ngấu nghiến bất cứ thứ gì ăn được và rồi lại chạy đi chơi. Những đường phố bẩn thỉu đó là nhà, và miễn là chúng tôi có bố, có mẹ và có ai đó để chơi cùng, thì chẳng còn gì phải bận tâm. Dù có khó khăn, chúng tôi vẫn là một gia đình gắn bó, và chúng tôi đều cảm thấy được yêu thương. Cuối ngày, mẹ sẽ ôm từng đứa chúng tôi khi bà bảo chúng tôi lên giường đi ngủ, cha sẽ vuốt tóc hoặc vỗ lưng chúng tôi và nói “ngủ ngon nhé con trai”, rồi chúng tôi sẽ mau chóng chìm vào giấc ngủ.
Chúng tôi luôn đen như than vì chơi trên những hố bom rải rác trong khu ổ chuột. Những đứa lớn tuổi hơn trèo vào giữa đống đổ nát, bòn mót trong những căn phòng đã bị chôn vùi và đào sâu bên dưới những lò sưởi cũ nát. Có vài bức tường vẫn còn nguyên giấy dán đầy hình hoa, và đôi khi có những bức tường còn cao tới hai tầng nhà, nằm trơ lại đó trong khi cả ngôi nhà đã đỏ sập. Những chỗ đó luôn hấp dẫn với chúng tôi vì chúng tôi chẳng có mẩu giấy dán tường nào ở nhà mình.
Tắm rửa sạch sẽ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng đối với chúng tôi ngày ấy, bởi vì không có nhà tắm cũng không có vòi nước. Các nhà đều dùng những nhà giặt công cộng - cứ bốn hay năm dãy nhà mới có một nhà giặt như thế - điều đó cũng có nghĩa là chúng sẽ được dùng chung bởi 10 gia đình. Mỗi buồng giặt được xây như một cái chuồng nhỏ với cánh cửa bằng gỗ lúc nào cũng hỏng. Bên trong mỗi buồng có một vòi nước lạnh được cố định vào một bên tường và một chiếc bồn cầu ở bên còn lại, ngăn cách nhau bởi một tấm ga giường cũ kĩ người ta treo lên cho lịch sự. Một sấp báo treo trên tường dùng làm giấy vệ sinh. Giữa buồng là một hàng ấm và xô để giặt quần áo, cũng có lúc là để tắm rửa cho mấy đứa trẻ mà các bà mẹ phải khó khăn lắm mới túm được. Bên cạnh đám xô là một cái máy cán để vắt đồ.
Vào những ngày giặt, mẹ tôi cũng như tất cả những người phụ nữ khác trong khu phải đi xuống cầu thang, tới nhà giặt, lấy một xô nước xách lên lầu để cho vào lò than đun nóng lên. Sau đó, bà sẽ xách xô nước trở xuống cầu thang một lần nữa để đổ vào các ấm để giặt. Cứ đi đi lại lại như vậy, giặt rồi xả nước. Thỉnh thoảng mẹ tôi sẽ đổ một vài xô nước vào bồn tắm thiếc đặt bên cạnh lò sưởi để bà có thể tắm khi không có ai ở nhà. Sau đó bà sẽ phải xách từng xô nước bẩn xuống lầu để đổ đi.
Khu ổ chuột của chúng tôi giống như một hòn đảo cách biệt bẩn thỉu đặt cuối thị trấn. Chỉ cách đó vài trăm mét về phía Bắc là ba nhà máy đóng tàu được xây dựng bên bờ sông, và vài nhà máy nữa được xây bên bờ bên kia. Khi đó Sunderland là thị trấn đóng tàu lớn nhất thế giới với những nhà máy đóng tàu ở khắp nơi. Phía Đông là cửa ụ chính, các kho và bể chứa nhiên liệu. Phía Nam - nơi có khu của chúng tôi - là những cung đường sắt lớn dẫn tới những trạm cung cấp than - nơi suốt 24 giờ trong ngày than được đổ từ các toa tàu hơi nước xuống cầu trượt để đưa vào các tàu chở than trên biển. Những con tàu này sẽ khởi hành tới London và các cảng khác. Xuôi về phía Tây là một khu dân cư cũ kĩ gồm những tòa căn hộ bốn tầng cao với những đường cầu thang ngoài trời chạy xung quanh, nơi này chật ních các gia đình của những người làm ở bến tàu, ngư dân và thợ mỏ.
Bụi bẩn từ các nhà máy bay tới chỗ chúng tôi và bao phủ lên tất cả mọi thứ. Nhiều ngôi nhà ổ chuột bị vỡ kính cửa sổ, chỉ lấy bìa các tông hoặc báo dán lên, do vậy bụi bẩn bay thẳng vào và bám thành lớp dày trên những món đồ đạc ít ỏi có trong nhà. Bụi bám lên da, lên tóc, lên quần áo, và khi trời gió, bụi bám cả lên những tấm ga vừa giặt phơi cạnh con hẻm.
Ngoài bụi bẩn còn có tiếng ồn. Chúng tôi sống cùng những tiếng ầm ĩ không bao giờ dứt từ những nhà máy đóng tàu. Ngày cũng như đêm, đều vang lên tiếng tát tát liên tục của những người thợ tán đinh khi họ cố định những tấm thép với nhau, tiếng kim loại đập vào nhau và tiếng la hét của những người thợ. Rồi có cả tiếng lách cách của bánh xe lăn trên sỏi cuội khi những chiếc xe đẩy được dùng để vận chuyển tất cả mọi thứ. Và theo thường lệ, khi một chiếc tàu mới được hạ thuỷ, sẽ có tiếng hò hét của đám đông và hàng loạt tiếng còi tàu rền rĩ cất lên chào mừng. Khi đó con tàu mới sẽ trượt xuống mặt nước, rẽ nước sang hai bên, được phụ họa thêm bởi tiếng ầm ĩ của những sợi xích khổng lồ được dùng như phanh lái.
Lũ trẻ con chúng tôi đã quá quen với những tiếng ồn đó đến nỗi gần như không nhận ra thế là ồn nữa. Hơn nữa, vốn dĩ những con phố chúng tôi ở tự nó cũng đã đủ ồn ào. Những đứa trẻ chơi đu trên những sợi dây thừng cũ kĩ buộc vào đầu những cột đèn, bọn con gái hát những bài hát khi chơi ném bóng hoặc nhảy dây, cái trò căng dây rồi nhảy chung - tới mười đứa cùng nhảy một lúc. Những đứa trẻ nhỏ hơn ngồi trong những chiếc xe đẩy lớn và khóc lóc, trong khi bọn con trai ầm ĩ giả tiếng bắn súng hoặc chơi Cao bồi và Người da đỏ, rượt đuổi nhau trên đống đổ nát của những hố bom rải rác trong khu ổ chuột.
Những người phụ nữ đứng ở cửa nhà, quàng những chiếc khăn trùm đầu màu sắc hoặc mang lô cuốn tóc trên đầu và đeo những chiếc tạp dề hoa đốm. Họ nói chuyện, trong tiếng nền là âm thanh phát ra từ chiếc đài Rediffusion - một trong số ít những đồ dùng xa xỉ mà hầu hết các gia đình đều có - tiếng nhạc ầm ĩ của các ban nhạc tên tuổi và những bản nhạc jazz rất thịnh hành thời đó.
Thi thoảng sẽ có tiếng lộp cộp của vó ngựa gõ xuống nền sỏi cuội. Đó là khi những người thu mua đồ cũ - những người buôn đồng nát thu lượm bất cứ thứ gì còn dùng hay bán được - đến và rao to "Quần áo ráchhhh, quần áo len!!!".
Rồi còn có một bà bán cá đã già nua, bà Bulmer. Bà mang cá lấy từ bến cá gần đó đến, đựng trong một cái giỏ có lót vải và rao to "Cá tươiii!" bằng cái giọng cao the thé. Hiếm khi có chiếc xe hơi nào đỗ ở khu phố của chúng tôi, nhưng cũng có những lúc chúng tôi nghe thấy tiếng còi hiệu của xe cứu hỏa, xe cứu thương hoặc xe cảnh sát vang lên, và khi ấy tất cả lũ trẻ con sẽ ùa ra để xem đó là xe gì.
Ngay cả vào ban đêm, tiếng ồn từ những nhà máy xung quanh vẫn không ngớt. Tiếng còi báo hiệu giờ giao ca của các ca làm việc nối nhau suốt ngày đêm. Chúng tôi nằm trên giường lắng nghe tiếng túc-túc của những con tàu kéo kéo những tàu chở hàng lớn từ ngoài biển ra vào cửa sông, tiếng còi xe lửa phía bên kia bức tường cao của nhà máy than đang hướng về phía bến tàu. Và trên những đường phố tối đen như mực chỉ có những ngọn đèn đường lờ mờ, có âm thanh của những người say xỉn hát nghêu ngao trên đường trở về nhà. Thường thì những trận cãi cọ sẽ xảy ra, những người phụ nữ la lối bắt người đàn ông đừng như vậy nữa, cùng theo đó là tiếng chai lọ hoặc tiếng hai người vật lộn trên nền gạch, tiếng thủy tinh vỡ, và tất cả những con chó trong khu sủa điên loạn.
Cách nhà chúng tôi không xa là Welcome Arms, quán rượu nằm sát biển nhất của Sunderland. Phía sau quán là những bậc thang dốc dẫn xuống con đường có tường bao quanh chạy quanh bến cảng. Đây là khe hở duy nhất trong sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của bến cảng, là lỗ hổng duy nhất trong bức tường trải dài hàng dặm. Tôi không nghĩ chính quyền lại không biết về sự tồn tại của nơi này, nhưng có lẽ họ cảm thấy nên nhắm mắt cho qua, hoặc là tiền đã được trao vào tay những người bảo vệ an ninh vẫn thường xuyên tuần tra quanh khu này.
Khe hở đó là con đường thuận lợi cho hàng hóa nhập lậu - những thứ vẫn được đưa vào dưới lớp vỏ của những chiếc tàu chở hàng nước ngoài và kho ngoại quan, nơi tất cả mọi thứ thường biến mất, bất chấp đôi mắt sắc lẹm của hải quan.
Đi theo hướng khác vào trong bến cảng, là "những cô nàng chăm chỉ" tìm kiếm những công việc làm đêm đứng dọc bến. Nếu may mắn họ có thể được lén đưa lên thăm thú tàu, ở đó đồ uống sẽ được rót tràn và ngôn ngữ duy nhất là hình thái của yêu đương và tiền.
Vào sáng sớm, lũ trẻ con chúng tôi sẽ đếm số người lảo đảo bước ra từ sau quán rượu đã đóng cửa. Những người khách đã dành cả đêm nằm trong bóng tối để tránh đám mông cớm (đó là tên gọi họ dành cho cảnh sát) ghé qua vẫn chưa tỉnh hẳn. Những cô gái tóc tai bù xù, son phấn trang điểm nhoè khắp mặt mũi, chân trần, xách giày trên tay, vẫn còn quay cuồng sau một đêm quá độ. Chúng tôi đã nghĩ họ hẳn rất mệt khi phải leo lên những bậc thang dốc chênh vênh. Như là đêm qua họ đã làm một cuộc hành quân xuống bến cảng vậy.
Thời đó tất cả đàn ông ngày nào cũng đều mặc áo vét và quần dài, đội mũ nồi và quấn khăn choàng quanh cổ. Đó như kiểu là đồng phục, và cha tôi cũng không khác. Mỗi sáng sớm, ông đội mũ và choàng khăn, rồi tới cổng nhà máy để hi vọng có việc làm trong ngày. Nói cách khác là có thể nhận được phiếu từ quản đốc nếu ngày hôm đó nhà máy cần thêm người phụ giúp. Sau một ca làm, nếu người quản đốc nói ông làm tốt lắm, thì ông có thể nhận phiếu để tới quầy thanh toán và lấy tiền mặt. Một phiếu sẽ đổi được đủ tiền cho một bữa ăn của cả nhà hoặc mua một chút ga, nếu nhà đó có bình ga, và còn lại một ít tiền để dành.
Chiếc phiếu đó giá trị đến nỗi thỉnh thoảng những vụ ẩu đả sẽ xảy ra giữa những người đang đợi việc ở cổng nhà máy. Đôi khi một quản đốc vô đạo sẽ ném ra vài chiếc thẻ để xem trận chiến sẽ diễn ra để tranh giành chúng. Cha tôi hình như cũng từng đánh nhau vài lần, và thường thắng, giành được một chiếc thẻ và con mắt thâm tím.
Nếu không có việc, ông sẽ ra bãi biển cùng những người tuyệt vọng khác để nhặt những mảnh đồng thau trôi dạt lên bờ từ các xưởng đóng tàu. Nếu may mắn, nhặt nhạnh cả ngày có thể kiếm được vài lạng kim loại. Đó là một công việc nguy hiểm, vì việc đó là bất hợp pháp và cảnh sát sẽ đuổi bắt những người lấy tài sản của bến cảng.
Vào cuối ngày, mọi người sẽ vội vã mang bất cứ thứ gì nhặt được đến bãi phế liệu để cân và nhận tiền ngay tại chỗ. Công việc cả ngày trời chỉ để kiếm vài đồng si-linh, nhưng cũng đủ mua bánh mì và sữa hoặc cá và khoai tây, là những đồ ăn rẻ nhất có khi đó.
Tôi không biết tại sao cha tôi lại không có một công việc ổn định, bởi vì khi ấy dường như có rất nhiều việc ở những nhà máy xung quanh đó, cho dù là cho những người lao động không có tay nghề. Lương không cao, nhưng sẽ ổn định. Nhưng cha tôi cùng với một đám đàn ông khác trong khu lại ưa tìm kiếm cơ hội theo ngày hơn.
Rất nhiều đàn ông trong khu chúng tôi đều thích uống rượu, và rất nhiều bà vợ đều phàn nàn rằng chút tiền họ có đã bị lãng phí vào quán rượu. Cha tôi không phải người như vậy, vì ông thích đua ngựa và cá cược hơn. Ước mơ làm giàu của ông thường xuyên đưa ông tới chỗ người đánh cược thuê, vì thế bữa tối của chúng tôi thường xuyên là một đống khoai tây chiên và mấy miếng cá đầu thừa đuôi thẹo, nằm trên tờ báo cũ, đặt giữa bàn.
Mẹ không bao giờ nói ra bà cảm thấy thế nào khi đám chúng tôi ăn hết phần của mình chỉ trong vài giây, nhưng bà hẳn đã rất buồn. Tôi đã bị còi xương do thiếu dinh dưỡng, điều đó khiến xương chân tôi quá mềm và bị cong lại vì sức nặng của cơ thể. Bọn trẻ ngoài phố luôn trêu rằng tôi bị sinh ra trên lưng ngựa, hoặc gọi tôi là “chân vòng kiềng” - thuật ngữ dùng cho những đứa trẻ còi xương - có rất nhiều đứa như vậy - dù các anh tôi không ai bị thế cả.
Chế độ phân phối được bắt đầu từ thời chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Những thứ như đường, kẹo và trà chỉ được phân phát trở lại vào khoảng giữa năm 1952-1953, còn thịt phải đợi đến tận năm 1954 mới có thể mua tự do. Cũng không ảnh hưởng gì lắm tới chúng tôi, vì chúng tôi chẳng bao giờ có tiền cho những thứ xa xỉ đó. Chúng tôi sống chủ yếu bằng bánh mì và khoai tây. Rau củ và hoa quả tươi gần như chưa bao giờ được nghe nói đến.
Một ngày khi tôi mới lên ba hay bốn gì đó, tôi được cử tới cửa hàng để mua một ổ bánh mì. Thường là các anh tôi sẽ đi, nhưng vì lý do nào đó hôm ấy họ không ở nhà, nên tôi lang thang trên những con đường rải sỏi, hướng tới cửa hàng ở góc phố. Đúng lúc đó một cái gì đó trông giống như một xe tải kem xuất hiện ở cuối đường và hướng đến chỗ tôi. Chiếc đèn lớn của nó nhìn như những con mắt và tôi đã nghĩ chúng đang nhìn tôi. Chiếc xe lại gần và gần hơn nữa và tôi hơi sợ, vì thế tôi đi hẳn lên mé đường để tránh nó. Nó vẫn như thể nhắm đến chỗ tôi, nên tôi chạy qua đường, nhưng tôi vẫn nghĩ nó vẫn ở phía sau mình.
Tôi chạy dọc con đường, đến cửa hàng và chạy vào trong. Có ba hay bốn phụ nữ mặc áo khoác dài và trùm khăn kín đầu đang đợi ở quầy thanh toán. Vẫn còn hoảng sợ sau khi đối mặt với chiếc xe nên tôi rất hốt hoảng. Tôi sợ nó lại đến và muốn nhanh về nhà, nên tôi đến quầy thu ngân ở cuối nơi không có ai đang đợi. Hóa ra đó là quầy bán kẹo. Tôi rời cửa hàng đó với một thanh sô cô la, một trong những loại của hãng Fry với gương mặt những đứa trẻ in trên vỏ.
Hừm, chiếc xe đã không đuổi được tôi, nhưng mẹ tôi thì không được vui cho lắm và tôi không bao giờ được cử đi mua đồ nữa. Về phần sự sợ hãi của tôi khi đối mặt với chiếc xe, có thể là bệnh suy dinh dưỡng đã khiến tôi bị ảo giác.
Thật khó nói tại sao cha mẹ tôi lại sống trong sự nghèo đói thảm khốc như vậy. Mẹ tôi chắc chắn đã có xuất thân rất khác. Nghe nói cha mẹ bà, tức ông bà ngoại của tôi rất giàu có và sở hữu biết bao tài sản quanh thành phố cũng như vài vườn táo ở Kent. Họ có hai người con, mẹ tôi và em gái bà, dì Margaret, người đã kết hôn với một thuyền trưởng. Khi mẹ tôi yêu cha tôi - người sống ở khu tồi tàn của thị trấn, ông bà ngoại đã rất giận. Cha tôi khi ấy là một chàng trai trẻ hỗn xược và tự mãn đến từ một gia đình đông người mang nhiều tai tiếng. Ông bà ngoại đã đe dọa sẽ từ mẹ tôi nếu mẹ lấy cha, và họ đã làm đúng như vậy. Theo như tôi biết, sau đó mẹ không bao giờ nghe tin tức gì từ ông bà ngoại nữa. Chuyện đó hẳn đã rất khó khăn với mẹ, nhưng bà đã yêu cha chúng tôi rất nhiều và hi sinh vì chúng tôi, và nếu như mẹ có gì hối tiếc, hẳn bà sẽ chôn giấu trong lòng.
Sau khi sinh Brian, mẹ tôi bị bệnh. Mẹ phải nằm trên giường suốt, và rất mệt. Hàng ngày sau khi chơi chán bên ngoài, chúng tôi thường về nhà, nhảy lên giường bà, bà sẽ cười và cù chúng tôi. Chúng tôi không rõ bệnh tình của mẹ, chỉ nghĩ rằng một ngày nào đó bà sẽ khỏe lên và ngồi dậy. Nhưng bà đã không khoẻ lên được. Bà bị ung thư cổ tử cung. Bà chỉ mới 28 tuổi, nhưng bệnh đã không được phát hiện cho đến khi nó trở nên trầm trọng, và thời ấy hầu như không có cách chữa trị. Do vậy bà đã phải âm thầm chịu đựng, biết rằng mình sẽ không thể hồi phục, và chắc chắn hẳn đã không khỏi lo lắng về chúng tôi.
Đám con trai chúng tôi khi ấy thiếu hiểu biết về những chuyện đang xảy ra, lúc nào cũng vui vẻ như chim. Chúng tôi ưa khám phá, nghịch ngợm và tràn đầy năng lượng. Ngày qua ngày tôi chạy quanh trong bộ đồ quần sooc và áo vét bẩn thỉu, bụng ỏng, chân trần và cong, nhưng luôn cười toe toét.
Một tối sau khi rong chơi bên ngoài cả ngày, chúng tôi về nhà và nhận thấy có gì đó khang khác. Cha không cho chúng tôi nhảy trên giường mẹ. Vài người hàng xóm đã tới khiến căn nhà trở nên ồn ào. Mẹ khóc và nói điều gì đó với chúng tôi nhưng tôi không còn nhớ. Khi đó tôi mới bốn tuổi và không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Mẹ bỏ chúng tôi đi ngay sau đó, và tất cả đều im lặng. Như thể thời gian đã bị đóng băng và kí ức của tôi cũng đông cứng. Tôi không hề nhớ có một đám tang hay có cảnh gia đình mình quây quần để nói lời tạm biệt. Có thể khi đó tôi còn quá nhỏ để được tham dự. Nhưng không ai trong nhà nhắc lại chuyện đó. Cha tôi, và cả các anh trai, họ hẳn sẽ nhớ chuyện đó rõ ràng, hay cả các cô bác đã đến và đi, không một ai nói đến chuyện đó nữa. Tưởng chừng như một đám mây đen đã đến và che giấu mọi thứ. Cha đã gắng gượng nhất có thể. Chúng tôi vẫn chơi đùa trên phố trong khi ông tìm việc mỗi ngày, và hàng xóm trông chừng chúng tôi. Nhưng vài tuần sau đó, mọi thứ đã thay đổi.
Đó là một ngày trời ẩm ướt khiến những viên sỏi cuội cũng mang một màu xanh xám. Đường phố ồn ào tiếng đám trẻ con đang nô đùa: bọn con gái hát những bài nhảy dây và đám con trai chúng tôi chơi đá bóng với một quả bóng tennis cũ. Cha đang ở cổng nhà máy tìm việc và em trai của cha, chú Willie - người đã chuyển tới sống cùng chúng tôi, đang ở ngoài bãi biển lượm đồng nát. Brian nhỏ bé khi ấy mới được hai tuổi, đang ở nhà hàng xóm.
Đột nhiên một chiếc xe hơi cũ màu đen có những chiếc đèn pha lớn rẽ vào con đường trong khu phố. Không ai ở đây có xe hơi hoặc hầu hết cũng chẳng quen biết ai có xe hơi, vì thế chuyện này xuất hiện như một khung cảnh vĩ đại hiếm thấy và bọn trẻ chúng tôi đều ngừng chơi để nhìn chằm chằm. Một chiếc xe như thế thường không là chấp hành viên thì cũng là cảnh sát.
Chiếc xe lăn bánh chậm rãi dọc con đường và chúng tôi chạy tới do thám. Một quý bà trung niên mặc bộ đồ vải tuýt và đi đôi giày màu nâu đậm bước xuống và bắt đầu nói chuyện với đám trẻ con, hỏi tên chúng. Bà đặc biệt hứng thú với các anh tôi và tôi và hỏi liệu chúng tôi có muốn ngồi lên xe đi một vòng. Chúng tôi không thể tin được mình lại may mắn đến thế và nhảy tưng tưng la hét “Vâng!”. Với chúng tôi, đó như là lần đầu đi vào vũ trụ. Những đứa trẻ khác la hét đòi đi, nhưng bà ta nói chỉ có thể đưa 3 đứa đi. Nên Michael, Geogre và tôi trèo lên ghế sau, gào hét phấn khích.
Chiếc xe khởi hành đi dọc con phố với tốc độ rất chậm. Chúng tôi vẫy tay và hò hét với những người bạn chạy theo, những đứa đang chết vì ghen tị. Sau đó chiếc xe tăng tốc và bỏ xa bọn chúng. Chúng tôi rời khỏi những con đường rải sỏi ngang dọc và bước vào một thế giới khác. Chúng tôi kinh ngạc nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ khi đi qua những ngôi nhà, những khu vườn lớn, những chiếc xe buýt, xe hơi, những cửa hàng và những người ăn mặc rất đẹp dắt theo những đứa trẻ sạch sẽ.
Chiếc xe tiếp tục đi lên một ngọn đồi với những hàng cây trải dài hai bên và những ngôi nhà rất lớn, cho đến khi đến một ngã ba gần đỉnh đồi. Bên kia đường là ngôi nhà lớn nhất, với hai ngọn tháp trên mái. Ngôi nhà được bao quanh bởi rất nhiều cây và một bức tường cao với lối vào là cổng gỗ. Chúng tôi đến cổng và người phụ nữ bấm còi. Một ông già xuất hiện mở cổng, và khi chúng tôi đi vào trong, những cánh cửa gỗ đóng lại phía sau.
Lúc đó ba chúng tôi bắt đầu lo lắng. Nơi này là cái gì? Đáng ra khi kết thúc chuyến đi bà ta phải đưa chúng tôi về nhà mới phải. Ba đứa tôi ngồi thành một hàng ở ghế sau, nhìn chằm chằm người phụ nữ. Bà quay lại và nhìn chúng tôi.
“Đi thôi, các cậu bé”. Bà nói. “Xuống xe nào. Chuyến đi đã kết thúc.”