Ngôi nhà đầu tiên của tôi là ở Deptford, một vùng đất khiêm tốn của Sunderland nằm giữa một nhà máy sản xuất kính rất lớn và những bến tàu, có những con đường nhỏ gọn gàng bao quanh những dãy nhà nối tiếp nhau. Trước khi tôi được sinh ra vào tháng 10 năm 1950, cha mẹ tôi đã có 3 con gái - chị Joan 13 tuổi, chị hai Greta 10 tuổi và chị Pat mới 3 tuổi. Cha tôi, Jimmy, lái cần cẩu cho một công ty làm cần cẩu di động ở tại địa phương. Đó là một công việc đòi hỏi nhiều kĩ năng và ông nhận được mức lương xứng đáng nên gia đình tôi không quá nghèo. Nhưng ngày đó rất nhiều ngôi nhà bị ném bom trong chiến tranh mà chẳng có mấy ngôi nhà được xây mới, dẫn đến số lượng nhà ở bị thiếu hụt nghiêm trọng, do vậy cả những gia đình khá giả như nhà chúng tôi cũng chỉ có thể thuê một tầng của một ngôi nhà.
Chúng tôi sống ở tầng một của một ngôi nhà nằm giữa trong một dãy nhà liền ba căn. Lối lên tầng đi vòng từ phía sau, bước lên những bậc thang gỗ. Gia đình sống ở tầng trệt dùng cửa trước và nhà họ và nhà chúng tôi dùng chung một nhà vệ sinh ở sân sau. Chúng tôi có một căn bếp lớn, một phòng khách và hai phòng ngủ, một phòng dành cho bố mẹ và một phòng dành cho tất cả chị em gái chúng tôi.
Cha và mẹ tôi - tên bà là Greta - đã gặp nhau khi mẹ tôi mới 15 tuổi. Khi đó cha tôi chỉ lớn hơn mẹ 3 tuổi và đang ở trong quân đội. Mẹ tôi có thai và một đám cưới vội vàng được tổ chức vào tháng 6 năm 1937, khi ấy mẹ mới 16 tuổi và cha thì 19. Đó có thể là một đám cưới do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng cha mẹ tôi thực sự yêu nhau. Họ cùng nhau ổn định và không bao giờ hối hận, đó là một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc.
Vài tháng sau lễ cưới, chị cả của tôi ra đời. Với cha mẹ tôi, việc trở thành bố mẹ khi còn quá trẻ như thế không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cha tôi đã đi làm và nhà tôi đã có thể thuê một căn nhà ở Deptford. Ba năm sau cha mẹ có thêm chị Greta, nhưng lúc đó chiến tranh nổ ra và cha phải nhập ngũ. Ông đi chiến đấu, và mẹ tôi, khi đó mới 19 tuổi, phải một mình nuôi một đứa trẻ lẫm chẫm và một đứa mới ra đời.
Khi cha trở về, tới lượt chị Pat được sinh ra, và 3 năm sau đó tôi ra đời. Tôi hầu như không nhớ được những chuyện ngày đó, nhưng tôi nghe các chị tôi kể lại rằng chúng tôi là một gia đình hạnh phúc và náo nhiệt như bao gia đình khác. Mẹ ở nhà trông nom đám chúng tôi, trong khi cha đi làm và luôn về nhà đúng vào giờ bữa xế.
Bi kịch xảy đến năm tôi 2 tuổi. Năm đó mẹ tôi 31 tuổi và bác sĩ chẩn đoán bà mắc bệnh lao - chứng bệnh phổi khủng khiếp phổ biến thời đó, và ai đã mắc phải thường không có cơ hội sống sót. Mẹ tôi bị đưa đến khu bệnh lao của bệnh viện Ryhope ở ngoại ô thị trấn, và bà đã ở đó suốt nhiều tháng. Hẳn thời gian đó đã rất khó khăn với bà, bị cách biệt với gia đình - như những bệnh nhân khác, và ngày càng ốm yếu hơn.
Cha đã phải cáng đáng cả gia đình. Chị Joan và chị Greta, khi ấy 15 và 12 tuổi, đã đủ lớn để ở nhà một mình. Đi học về họ tự làm bài tập, dọn dẹp nhà cửa và nấu bữa xế cho cha. Nhưng cha không thể trông nom tôi và chị Pat. Chị gái cha, bác Jenny - người chúng tôi hay gọi là bác Jen - và chồng bác, bác Charlie, nhận chăm sóc Pat nhưng họ không thể nuôi thêm cả tôi nữa. Cha đã rất khó khăn khi quyết định phải gửi tôi đi, nhưng có lẽ ông không còn sự lựa chọn nào khác. Và tôi nghĩ hẳn cha và mẹ tôi đều đã ôm ấp một niềm hi vọng nhỏ nhoi rằng mẹ tôi sẽ khỏe lại và gia đình tôi sẽ lại được đoàn tụ như trước.
Tôi bị đưa đến một trại trẻ tên là Burdon Hall, nằm ở ngoại ô Sunderland. Khi đó tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ được tôi đã đến đó bằng cách nào, nhưng sự hoảng loạn khi nhận ra gia đình mình đã biến mất và mình đang ở một nơi xa lạ, với những người lớn và những đứa trẻ không hề quen biết, vẫn hiển hiện rõ trong tâm trí tôi một thời gian dài. Đó là một quãng thời gian buồn bã và sợ hãi.
Thật không ngờ Burdon Hall hóa ra lại gần bệnh viện nơi mẹ tôi ở. Chỉ cách nhau vài cánh đồng. Mãi đến nhiều năm sau tôi mới nghe bác Jen kể lại rằng nhiều lần mẹ tôi đã gượng dậy từ gường bệnh và lê lết qua những cánh đồng phủ tuyết trắng chỉ để thấy tôi. Tôi không nhớ đã gặp mẹ, nhưng chuyện đó có ý nghĩa rất nhiều với tôi khi biết bà đã cố gắng như vậy chỉ để được ở gần tôi. Bác Jen nói rằng sau những lần mẹ tôi đến thăm, tôi thường ngồi hàng giờ trên bậu cửa sổ, nhìn chằm chằm về hướng mẹ tôi rời đi, và một trong những kí ức đầu tiên tôi có là những dấu chân in trên tuyết trắng.
Sau khoảng hơn một năm nằm viện thì mẹ tôi mất. Đó là tháng 3 năm 1954, 2 tuần trước sinh nhật tuổi 33 của bà. Tôi đã không được biết tin này. Nhưng một ngày cha đến đón tôi và nói ông sẽ đưa tôi về nhà. Khi đó tôi đã quá sung sướng vì được gặp cha và vì nghĩ rằng tôi sẽ được trở về nhà cũ của tôi, về với mẹ tôi. Nhưng ngôi nhà ông đưa tôi đến là một ngôi nhà khác. Trong thời gian tôi được gửi tới nhà trẻ, gia đình tôi đã chuyển đến một ngôi nhà mới tinh có 3 phòng ngủ ở một khu gọi là Pennywell. Một chương trình xây dựng lớn đang được tiến hành, và nhiều gia đình trên khắp thành phố được rời khỏi những ngôi nhà xuống cấp dột nát để chuyển đến những ngôi nhà mới nơi có những tiện nghi hiện đại như nhà vệ sinh khép kín trong nhà.
Chúng tôi là một trong số những gia đình may mắn đó, mặc dù với tôi, khi ấy mới 3 tuổi rưỡi, nhà mới chỉ là một cú sốc chứ chẳng thích thú gì. Mẹ tôi đã mất, chị Pat đã ở lại với bác Jen và bác Charlie. Thay vào đó, anh trai của bố tôi, bác Bob, chuyển tới ở cùng chúng tôi. Ông là một người đàn ông nhỏ bé có nụ cười rộng ngoác và chân cong do di chứng còi xương từ nhỏ.
Cha thực sự không thể nào vượt qua được chấn động từ cái chết của mẹ tôi. Ông đã quẫn trí và cũng không lấy ai nữa. Thay vào đó, ông bắt đầu uống rượu rất nhiều, chôn vùi nỗi buồn của mình dưới đáy những chai rượu. Do vậy bác Bob trở thành cha đại diện của chị em tôi, đảm nhận hầu hết các nghĩa vụ của phụ huynh và cố hết sức trông nom chúng tôi, trong khi cha bận vật lộn với nỗi buồn đau của ông.
Tôi không nhớ nhiều về căn nhà đó ngoài việc chui rúc giữa các chị trong phòng ngủ của chúng tôi. Tôi chỉ ở đó được vài tuần, vì rõ ràng là cha và bác nhận ra họ không thể để tôi ở nhà. Họ đều phải đi làm, chị Joan cũng vậy. Chị Greta còn đi học, và vì thế chẳng có ai trông tôi cả ngày được.
Cha muốn tất cả chúng tôi ở cùng nhau, nhưng khi đó ông đã quá đau buồn suốt cả ngày và không thể tìm ra cách giải quyết. Có lẽ nếu ông tỉnh táo hơn, ông đã có thể tìm ai đó trông tôi và đưa chị Pat về nhà. Nhưng chăm sóc trẻ con khi đó với ông là điều không thể, và dù bác Bob đã cố gắng hết sức, bác ấy cũng không thể chăm sóc cho một đứa trẻ lên ba, vì thế khi chị gái họ, bác Meg đề nghị được đón tôi về, cha tôi đã miễn cưỡng chấp nhận.
Lại một lần nữa đồ đạc của tôi được đóng gói và tôi bị chuyển đi. Tôi đã khóc khi nhận ra mình lại phải xa các chị. Tôi bám chặt lấy chị Joan và van xin chị cho tôi ở lại. Tôi không thể hiểu nổi - tại sao tôi lại phải rời đi một lần nữa? Chẳng ai giải thích cho tôi. Cha chỉ đơn giản cầm túi đồ của tôi lên, nắm tay tôi và tách chúng tôi ra, sau đó ông kéo tôi đi. Tôi đã khóc nức nở suốt dọc đường.
Bác Meg và con gái của bác, chị Kathleen, người vừa bước sang tuổi 16, sống cách đó khoảng một dặm rưỡi, trong một ngôi nhà nhỏ ở góc phố. Như rất nhiều căn nhà thời đó, cửa ra vào nằm ở phía sau nhà. Ngôi nhà khá lớn, với 3 phòng ngủ trên lầu và một căn phòng rất lớn ở tầng trệt được dùng làm phòng khách kiêm phòng ăn và bếp. Căn phòng này rất tối, được thắp sáng chỉ bởi một ngọn đèn leo lét giữa trần nhà. Những nguồn sáng khác là từ ô cửa sổ nhỏ nhìn ra sân sau và một lò sưởi.
Căn phòng có một bếp than gang lớn với một bệ lò sưởi chiếm trọn toàn bộ bức tường đối diện cửa trước. Thường thì sẽ luôn có lửa cháy, với một cái ấm đun nước cũ đặt lên trên. Tôi thường ngồi say mê ngắm nhìn hơi nước bốc lên từ vòi ấm khi nước sôi.
Căn nhà này khác hẳn với căn nhà tôi vừa rời khỏi. Nhưng bác Meg và chị Kathleen rất tốt với tôi nên khi tôi đã quen với sự xa lạ của một ngôi nhà khác, tôi cũng dần quen với họ.
Bác Meg là một người phụ nữ vui vẻ và chăm chỉ, luôn cười với tất cả mọi người và sẽ xắn tay vào làm bất cứ việc gì mà không nề hà. Bà có dáng người nhỏ bé đầy đặn, nhưng điều đặc biệt ở bà là mái tóc đen dài rất đẹp. Hình như đó là gen di truyền; tất cả những người phụ nữ trong gia đình họ đều có mái tóc đẹp như vậy, Kathleen cũng thế. Chị ấy giống mẹ, luôn vui vẻ và hài hước. Bác Meg có một người con trai và ba người con gái, trong số đó Kathleen là con út và là người duy nhất vẫn sống ở nhà. Tôi chưa bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra với chồng bác và bà cũng chưa từng nói đến chuyện đó.
Bác Meg nấu ăn ngon không tưởng và mùi bánh mì mới nướng luôn tràn ngập trong nhà. Tôi rất thích nhìn bà mở cửa lò nướng với khăn bao lót trên tay và lôi khay bánh ra. Bà sẽ đặt những chiếc bánh, khi đó đều đã chuyển sang màu vàng nâu và vỏ chín giòn, lên chiếc bàn gỗ lớn giữa phòng cho nguội bớt. Thỉnh thoảng bà sẽ cắt một lát bánh vẫn còn ấm, phủ lớp bơ ngon nhất lên và đưa nó cho tôi. Vị của nó đúng là thiên đường.
Nhưng ngon hơn nữa là thịt băm và bánh bao bà làm - một bữa ăn tuyệt vời cho một cô gái nhỏ đang đói, với những miếng thịt dày và bánh bao to đùng, tất cả đang nổ lóc bóc trong bếp. Bà sẽ mở cửa lò để xem những đầu bánh đã giòn chưa trong lúc tôi nhảy nhót sốt ruột đợi đến giờ ăn tối.
Cứ vài ngày một lần, bác Meg sẽ lôi chiếc xe đẩy lớn cũ kĩ trong nhà kho ở sân sau ra, bế tôi đặt lên trên và đẩy xe xuống sân than nằm bên cạnh tuyến đường sắt cũ gần đó. Bác ấy sẽ tìm người bán than ở đâu đó giữa những đống than, và ông ta sẽ dùng xẻng xúc than đổ vào một chiếc xô lớn đặt sẵn trên máy cân. Lúc đó bác Meg sẽ nhấc tôi xuống và đẩy chiếc xe tới gần để người bán than có thể xách xô than đổ vào xe, bụi than bay lên thành một đám mây nhỏ ám đen mặt tôi nếu tôi lỡ không may đứng sát quá. Khi bác ấy trả tiền xong chúng tôi sẽ đẩy xe đi, toát mồ hôi và thở hổn hển vì phải đẩy chiếc xe nặng ngược lên đồi để về nhà, rồi lại xúc than cho vào trong cái xô đặt bên cạnh lò sưởi.
Mỗi tuần một lần bồn tắm thiếc sẽ được mang ra và đặt trên tấm thảm trước lò sưởi trong phòng ngủ. Lửa được nhóm lên và chiếc ấm đun nước kim loại cũ kĩ được đổ đầy nước và mang từ tầng dưới lên để đun nóng và sau đó đổ vào bồn. Bác Meg và chị Kathleen sẽ chạy lên chạy xuống cầu thang, lấy hết ấm nước này đến ấm nước khác ở sân sau. Phải rất rất lâu nước mới đầy được bồn tắm. Chị Kathleen sẽ tắm trước, và tôi tắm sau.
Tôi ngủ chung với chị Kathlee trên chiếc giường đôi ấm cúng trong phòng chị ấy. Ban đêm, trên trần phòng sẽ hiện lên hình thù biến đổi của những chiếc bóng hắt lên bởi ánh sáng từ lò sưởi đang bập bùng và chúng tôi sẽ nằm sát cạnh nhau, ngắm nhìn chúng. Chị Kathleen sẽ kể cho tôi những câu chuyện về những nàng công chúa và những nàng tiên, những điều ước trở thành sự thực. Tôi thích những câu chuyện đó và tôi ước mình trở thành công chúa để những điều ước của tôi sẽ thành sự thực. Tôi nhớ mình đã mong ước điều gì - rằng được ở cùng với các chị tôi, với cha và mẹ tôi, tất cả chúng tôi sống hạnh phúc bên nhau.
Nhưng bên ngoài phòng ngủ của chúng tôi, những bóng ma đang rình rập. Từ cửa sổ phòng chúng tôi nhìn ra có thể thấy khu nhà Cottage Homes đáng sợ bên kia con phố chính. Bác Meg cảnh cáo tôi rằng nơi đó dành những đứa trẻ nghịch ngợm - chúng sẽ chẳng có gì để ăn và bị đánh đập nếu không làm theo những gì người ta sai bảo. Mọi bà mẹ ở đây đều cảnh cáo con họ rằng nếu chúng không ngoan ngoãn sẽ bị cho vào đó, vì thế tất cả bọn trẻ con đều sợ.
Cottage Homes được ngăn cách với đường bằng một hàng rào dây thép gai dài. Lối vào chính là một chiếc cổng lớn bằng kim loại. Tôi có thể nghe thấy tiếng cọt kẹt mỗi khi người ta mở cổng, và âm thanh đó luôn khiến tôi sợ hãi. Tôi đã từng ngồi trên bậu cửa sổ phòng ngủ nhìn ra hàng rào gai và những tòa nhà bên trong ấy, tự nhủ mình phải thật ngoan để không bị cho đến đó.
Một ngày nọ, khi tôi đã ở nhà bác Meg được vài tháng, có tiếng đập rầm rầm vào cửa trước. Tôi sợ hãi đến nỗi trốn đi. Sau đó, tôi nghe thấy giọng cha tôi nói chuyện với bác Meg. Bà trả lời ông, rồi đột nhiên giọng ông hét lớn đầy tức giận. Bác Meg cũng tức giận nói gì đó và lập tức cả hai người nạt nộ lẫn nhau. Tôi có thể nghe thấy ý cha muốn đưa tôi về nhà, và bác Meg thì bảo ông rằng ông không thể chăm sóc tôi và tốt hơn hết nên để tôi ở lại với bà. Cha cố gắng tiến đến và bà thì cố gắng ngăn cản ông. Hai người họ bắt đầu mắng chửi lẫn nhau, trong lúc đó tôi co rúm phía sau bàn vì sợ hãi trước những câu la hét giận giữ. Gạt bác Meg ra, cha cầm lấy cánh tay tôi và kéo tôi - khi đó đang khóc nấc vì sợ - ra khỏi nhà và trở về Pennywell.
Tôi không hiểu tại sao cha lại đưa tôi đi, và tại sao ông lại tức giận như vậy. Tôi đã không thể chào tạm biệt bác Meg và chị Kathleen, thậm chí còn không thể mang theo đồ đạc của tôi nữa.
Và một lần nữa tôi lại thấy mình trở về nhà. Có vẻ như cha đón tôi về vì chị Joan đã đồng ý bỏ việc để ở nhà trông tôi. Tôi rất vui vì được ở cùng chị và chúng tôi cùng đi chợ, dọn nhà và nấu nướng. Nhưng cha hầu như không để ý đến tôi - hoặc cũng có thể là chẳng để ý đến ai trong chúng tôi. Ông đã nghiện rượu nặng và phần lớn thời gian không ở nhà, thường ông ở chỗ làm và sau đó tới thẳng quán rượu. Bác Bob thường trách mắng ông vì sự thờ ơ của ông với con cái, cụ thể là với tôi, nhưng cũng chẳng ích gì.
Có một ngày bác Meg lại đến. Tôi đã nghe thấy bà bảo cha tôi để bà đón tôi về. Nhưng cha đã giận dữ. Lại thêm một trận cãi vã nữa và cha kẹp chặt cánh tay bác Meg ở cánh cửa trong khi bà la hét không ngừng. Âm thanh đó thật khủng khiếp và tôi bắt đầu khóc lóc van xin chị Joan bảo cha ngừng lại, nhưng chị ấy đã không làm gì cả. Cuối cùng cha tôi cũng để bác Meg đi. Bà rời đi, và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà. Tôi đã không gặp lại bà suốt nhiều năm sau đó. Tôi rất buồn, và dù tôi hạnh phúc khi được ở nhà cùng với các chị của mình, bác Meg thực sự đã đối xử rất tốt với tôi.
Ở một khía cạnh nào đó, việc cha không để bác Meg đưa tôi đi là một điều đáng tiếc bởi vì ở nhà bác Meg tôi đã cảm thấy an toàn và được yêu thương. Tôi nghĩ đằng sau cuộc cãi vã của họ chính là lòng tự trọng bướng bỉnh đã khiến cha làm thế. Đúng như vậy, khi chị Joan phải trở lại làm việc vài tuần sau đó, cha gửi tôi tới sống ở nhà một người anh trai khác của cha, bác Tom, và vợ bác là bác Jane. 4 tuổi, tôi lại đặt chân tới ngôi nhà thứ 5 của mình trong vòng 2 năm: một ngôi nhà chỉ có một tầng chia làm hai phòng ở khu Springwell của thị trấn. Bối rối và buồn rầu, tôi chấp nhận những thay đổi mà không phàn nàn. Tôi còn có thể làm gì khác? Mỗi khi tôi cảm thấy gần như đã gắn bó với nơi nào đó, tôi lại bị lôi đi và chuyển tới một nơi mới. Nhưng chẳng bao giờ tôi được thông báo trước rằng khi nào hay thậm chí cũng chẳng được giải thích tại sao tôi phải chuyển đi, và nếu tôi khóc hay thể hiện ra rằng tôi buồn thì cũng sẽ bị mặc kệ thôi. Vì thế tôi học cách giấu kín cảm xúc và im lặng.
Con trai của vợ chồng bác Tom, anh Ned, đã 19 tuổi, mới lấy vợ và chuyển ra ngoài sống, vì thế nhà chỉ còn hai người họ và tôi. Họ không còn đứa con nào khác ngoại trừ một chị con gái đã mất lúc mới sinh.
Căn hộ nhỏ và u buồn. Căn phòng chính được dùng như phòng khách kiêm bếp và phòng ăn. Chỉ có một cửa sổ nhìn ra vườn sau nên trong nhà lúc nào cũng tối. Có một cái bếp ga, một cái bồn rửa nơi tôi được đứng lên đó tắm mỗi tuần, một chiếc bàn có bốn ghế gỗ, hai cái ghế nệm - một cái cạnh lò than để bác Tom ngồi và một cái đặt cạnh đó cho bác Jane. Tôi phải ngồi ở một trong những chiếc ghế gỗ kia.
Căn phòng thứ hai là phòng ngủ. Họ dành cho tôi một cái trường kỷ có mùi ẩm mốc làm bằng lông ngựa đặt bên kia căn phòng, đối diện với giường của họ. Nó sần sùi và không thoải mái chút nào, lại bốc mùi nữa.
Không có sự ấm áp hay có những cái ôm từ hai bác. Cả hai người họ đều cứng nhắc và xa cách và không có biểu hiện nào của tình yêu thương. Họ muốn tôi chỉ làm những gì được bảo và đừng gây cho họ bất cứ rắc rối nào. Họ thường xuyên cáu giận với tôi và cho tôi thấy rõ mình là gánh nặng của họ.
Tôi không thích ở đó. Luôn lo lắng nghĩ đến chuyện phải làm hài lòng hai bác, tôi đã cố gắng hết sức làm tốt mọi chuyện và im lặng hết sức có thể để không làm họ khó chịu, nhưng cứ như thể mọi thứ tôi làm đều sai trái. Tôi đã từng nằm trên chiếc giường lông ngựa của tôi và mường tượng tới vòng tay ấm áp của bác Meg hoặc tưởng tượng ra cảnh mình được trở về nhà với các chị của tôi.
Không lâu sau đó bác Tom nói với tôi rằng cha tôi đã đi xa, tới London. Tôi không biết London là ở đâu hay tại sao cha lại tới đó. Đầu tiên là mẹ bỏ đi, và giờ là cha. Và tôi không thể hiểu tại sao cha lại không cho tôi ở nhà bác Meg, rồi lại bỏ đi để tôi phải sống với bác Tom và bác Jane trong cảnh thảm hại này. Chắc chắn cha lại thấy cuộc sống thật khó khăn khi không có mẹ, và có lẽ ông muốn bắt đầu lại. Nhưng ông đã để lại những đứa con mình bơ vơ. Chị Joan mới 17 tuổi và chị đã quyết định cưới một chàng trai trẻ, anh Alan Smith, và chị Greta đã chuyển đến sống với những người họ hàng khác. Chị Pat vẫn ở cùng bác Jen và bác Charlie. Nhưng tôi vẫn mắc kẹt ở đây, không có hy vọng được cứu thoát.
Giờ ăn mới thường là một thử thách. Trong khi đồ ăn ở nhà bác Meg khiến người ta chảy nước miếng thì đồ ăn ở nhà bác Jane hoàn toàn ngược lại. Tôi sợ nhất là thứ Hai, vì hôm đó sẽ có lòng bò kèm bánh mì và bơ trong bữa xế. Lòng bò - niêm mạc của dạ dày con bò - là thứ ghê tởm nhất tôi từng ăn. Nó trơn tuột và lạnh ngắt, và dù tôi vừa ăn vừa uống nước trà nóng thì cũng vẫn không thể rửa sạch được cảm giác ghê tởm đó. Tôi không phải một đứa trẻ hay chống đối, nhưng ăn lòng bò là việc vượt ra ngoài sức chịu đựng của tôi. Tôi thường phải ngồi ở bàn hàng giờ, chật vật để nuốt chúng, trong khi bác Tom và bác Jane cau mày và lẩm bẩm về việc tôi là một đứa vô ơn như thế nào. Trước khi có thể ăn xong thì tôi đã phát khóc và mệt mỏi, và họ sẽ tống tôi vào phòng ngủ trong sự ô nhục.
Bác Jane mới ở độ tuổi quãng cuối 30 nhưng giống như nhiều phụ nữ thời đó, bà nhìn già hơn tuổi rất nhiều. Bà có một thân hình béo lùn và mái tóc thẳng điểm bạc buộc gọn lại. Và lại cũng như nhiều phụ nữ quanh đó, lúc nào bà cũng đeo một cái tạp dề trước ngực. Bà còn bị nặng tai và lúc nào cũng phải đeo một cái máy trợ thính có những cục pin lớn đi kèm mà bà luôn để trong túi tạp dề, sẽ có dây tai nghe đeo ở hai bên tai bà. Bà có vấn đề lớn với việc điều khiển cái máy đó và hầu như không bao giờ điều chỉnh đúng cách dù bà lúi húi với nó suốt. Lúc nào cũng có tiếng ồn như tiếng huýt sáo phát ra từ tai nghe, và bà sẽ thường tắt nó đi. Nhưng ngay cả khi có máy trợ thính, bà cũng hầu như chẳng nghe được những gì người khác nói và thường trả lời chẳng liên quan, gây ra những chuyện nực cười. Vào buổi đêm khi bà đã đi ngủ, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng máy kêu rè rè, và bác Tom sẽ thức dậy và la lớn “Tắt ngay đi!”.
Bà còn mắc một căn bệnh khiến bà bị co giật, cảnh tượng khiến tôi thấy rất kinh khủng. Tự nhiên không báo trước bà sẽ bắt đầu co giật dữ dội. Bà sẽ ngã xuống sàn nhà và sùi bọt mép, và mắt bà sẽ đảo tròng lên trên và bà chỉ nhìn trừng trừng lên trần nhà. Những lúc đó tôi thường chạy trốn cho đến khi bà trở lại bình thường.
May mắn thay, phần lớn thời gian những cơn co giật đó xảy ra ở nhà, và bác Tom hay một người hàng xóm sẽ có mặt để giúp bà. Nhưng có một lần bác Jane đã lên cơn khi chúng tôi đang băng qua con đường chính đông đúc. Trước sự hoảng loạn của tôi, bà ngã xuống đất, co giật trước mặt tất cả các xe cộ. Tôi không biết phải làm gì. Toàn thân tê liệt, tôi đứng đó hoảng sợ, chỉ biết nhìn và cầu mong cho bà ngừng co giật rồi đứng lên lại.
Buồn thay, chẳng có ai tới giúp chúng tôi. Có thể họ nghĩ bà bị say, nhưng vì lý do gì đi nữa thì giao thông cũng đã bị ngừng trệ cho đến khi bà có thể di chuyển trở lại. Bác Jane tội nghiệp đã bị thương khi ngã xuống, và khi bà đứng lên, máu chảy ra từ mũi và từ tay bà. Chuyện này khiến tôi càng khiếp sợ hơn. Tôi bắt đầu khóc nức nở, không biết phải làm gì ngoài nhìn quanh để xem có ai có thể giúp đỡ. Nhưng cuối cùng bác Jane đã có thể bò vào đến bên vệ cỏ, trong khi tôi vẫn khóc lóc và cố gắng đỡ bà đứng dậy.
Chúng tôi chỉ còn cách nhà cỡ 100 mét, nhưng mất rất lâu sau đó chúng tôi mới về tới nhà. Một người hàng xóm nhìn thấy đã đưa bác Jane đến bệnh viện, người ta bảo bà bị dập mũi và gãy ngón tay. Bà về nhà với bàn tay được băng bó, và mặt bà bầm tím suốt vài tuần sau đó.
Việc này đã khiến tôi bị sốc và sợ hãi đến nỗi sau đó tôi cứ lo sẽ phải đi đâu đó với bác Jane vì sợ chuyện đó xảy ra lần nữa. Nhưng chuyện đó có vẻ như cũng không ngăn cản bà tiếp tục đi tới chỗ này chỗ kia như thường - hoặc có thể đơn giản là bà chẳng còn sự lựa chọn nào khác - nhưng mỗi khi chúng tôi ra ngoài tôi sẽ đi sau lưng bà, lo sợ bất cứ lúc nào bà cũng có thể lại đổ gục lần nữa.
Một vài tuần sau đó tôi tròn 5 tuổi và bắt đầu đến trường học của thị trấn. Như vậy tôi sẽ ít phải ra ngoài cùng bác Jane hơn, việc này khiến tôi thở phào, nhưng trường học lại mang tới một loạt những vấn đề hoàn toàn mới.
Ngày đầu tiên bác Jane đưa tôi đến trường còn những ngày sau đó tôi phải tự đi đến trường và về nhà. Tìm trường không khó lắm, đứng từ cửa nhà tôi cũng đã nhìn thấy nó, và dù phải đi qua vài con đường mới tới được trường thì tôi cũng nhanh chóng nhớ được đường đi. Nhưng không may thay tôi lại ghét trường học, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân tới đó. Chẳng có gì kinh khủng xảy ra - và bữa trưa miễn phí ngon hơn nhiều đồ ăn của bác Jane, nhưng sự hấp dẫn của một bữa ăn nóng mỗi ngày cũng không đủ để tôi thích trường học. Tôi thấy nơi đó thật đáng sợ và khiến tôi choáng ngợp, và vì hầu hết những thay đổi gần đây trong cuộc sống của tôi đều quá tệ, tôi tự mặc định trường học cũng chẳng vui vẻ gì.
Tôi bắt đầu bảo bác Jane là tôi thấy mệt. Bà để tôi nằm trên giường và mặc kệ tôi cả ngày, chuyện này thật buồn chán nhưng vẫn tốt hơn là đến trường. Khi bà đã chán nản với những cơn cớ của tôi và bắt tôi phải đến trường, tôi bắt đầu trốn trong các cửa hàng.
Bất cứ khi nào nhìn thấy cảnh sát tới tôi sẽ trốn thật kĩ, vì tôi lo sợ sẽ bị bắt và bị đưa tới khu nhà Cottage Homes. Nhưng không thể tránh khỏi, sau vài tuần cô giáo và bác Jane đã bắt quả tang được tôi và bắt tôi đi học. Sau đó cuối cùng tôi cũng đã quen được với trường học, được giúp đỡ bởi một trong số những giáo viên ở đó - người đã làm bạn với tôi. Cô giáo rất tốt bụng và chu đáo và luôn động viên tôi học tập, cô nói với tôi rằng chỉ có học tập mới là con đường để một đứa trẻ như tôi tránh được những gian khổ sau này. Lúc nào tôi cũng ăn mặc rất tồi tàn, và thỉnh thoảng cô lại mang đến cho tôi một túi quần áo cũ và cuối ngày đưa nó cho tôi mang về nhà.
Thiện cảm với trường học của tôi dần tăng lên nhưng cuộc sống ở nhà mới của tôi vẫn ảm đạm như vậy. Tôi là một đứa trẻ sống với hai người lớn đứng tuổi không thực sự mong có tôi trong nhà họ. Tôi cảm thấy mình không được yêu thương và là người thừa. Trong khu chẳng có đứa trẻ nào để chơi cùng và tôi không thể rủ bạn bè nào ở trường tới chơi ở căn nhà bé tí đó. Vì thế phần lớn thời gian tôi chơi một mình, cứ ước rằng cha sẽ đến và lại đón tôi, đưa tôi về nhà.
Vui nhất là những lúc tôi đến thăm các chị gái tôi. Chị Joan của tôi đã kết hôn và có một bé gái, và thỉnh thoảng chị sẽ đưa tôi về nhà chị chơi. Chị Greta cũng đã kết hôn với một chàng trai tên là Ken - anh ấy làm việc trên tàu, và hầu hết các ngày thứ Bảy bác Tom sẽ đưa tôi đi bộ ba bốn dặm gì đó để tới thăm chị.
Tôi thích những lần đó. Chị Greta và anh Ken sống với mẹ anh ấy, bác Skinner, người luôn mặc một chiếc áo len màu đỏ nâu đã bạc màu những lần tôi đến thăm. Ngôi nhà của họ là một căn nhà tranh có hai phòng ngủ rất dễ thương, có một phòng khách nhỏ phía trước hiếm khi được sử dụng, một khu phòng bếp gộp phòng ăn lớn ở phía sau. Lò sưởi lúc nào cũng đỏ lửa để đun nước, và ở đó luôn tạo cảm giác ấm cúng. Bác Skinner thích nướng bánh, vì thế ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập mùi bánh mì mới nướng. Khi tôi đến bà sẽ dọn bàn và để tôi ngồi xuống, đưa cho tôi một, hai lát bánh mì nóng bà mới nướng và loại bơ ngon nhất. Sau đó chị Greta sẽ đưa tôi tới cửa hàng bánh Maws trên đường Hylton và chúng tôi sẽ mua bánh và đậu Hà Lan cho bữa tối.
Bác Bob cũng tới thăm tôi, và bác thường đưa tôi ra ngoài chơi suốt cả buổi chiều, thường là lên tàu tới cảng Seaham để gặp chị Pat. Bác Bob là người vui vẻ và luôn tạo cảm giác ấm áp, chúng tôi đã có những khoảng thời gian ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu, thử đếm bò và cừu. Và khi chúng tôi tới nhà bác Jen, bà sẽ ôm tôi thật chặt và sẽ có bánh ăn cùng với trà. Những ngày đó thật đặc biệt.
Tôi rất hạnh phúc mỗi lần gặp bất cứ ai trong gia đình và lúc nào cũng mong họ đến thăm tôi thường xuyên hơn. Tôi nhớ cha, nên khi chị Joan nói ông mới trở về từ London tôi đã ngày từng ngày mong mỏi ông sẽ đến đón tôi. Nhưng cuối cùng, khi ông đến, thì đó chỉ là một lần đến thăm không hơn không kém. Ông có vẻ bình thản, ông cũng không ôm tôi. Ông dẫn tôi xuống phố và chúng tôi ngồi cả chiều trong một quán rượu, ông ngồi uống bia còn tôi ngồi bên cạnh, cầu mong ông đừng mang tôi trở lại nhà bác Jane nhưng lại không đủ dũng cảm nói ra.
Sau lần đó cha còn đến thăm tôi vài lần nữa. Nhưng những chuyến đến thăm của ông thưa thớt, và gần như chẳng còn hy vọng ông sẽ đưa tôi về nhà, vì vậy tôi đã cố gắng chấp nhận thực tế rằng tôi sẽ tiếp tục phải ở với bác Jane và bác Tom. Tôi cố hết sức để ngoan ngoãn vâng lời, phần lớn vì tôi lo sợ mình sẽ bị tống vào Cottage Homes, nơi bác Jane đã cảnh cáo tôi rằng tôi sẽ bị cho vào đó nếu phạm lỗi.
Tôi biết rằng, dù bây giờ tôi không vui vẻ gì, nhưng nếu phải vào đó sẽ còn tệ hơn nhiều. Tôi đã nghe hàng tá những câu chuyện xảy ra ở đó khiến tôi rùng mình. Người ta đồn rằng tất cả trẻ con ở đó bị đánh đập và bỏ đói, và gần đây ở đó mới xảy ra một vụ cháy khiến một y tá trong một ngôi nhà gần đó đã chết cháy. Một lần khác, người ta kể rằng một con bò đã thoát khỏi lò mổ và chạy tới sân chơi phía trước khu nhà đó, khiến một đứa trẻ phải trốn trên khung xích đu trong khi con bò sùi bọt mép và nhỏ nước dãi bên dưới. Khi tôi tưởng tượng ra cảnh mình bị dồn vào chân tường bởi một con bò điên cuồng, tôi cảm thấy may mắn vì tôi chỉ phải đối mặt với đôi môi mím chặt và những cái cau mày của bác Jane. Chắc chắn dù ở đây tôi không được yêu thương cũng không được chào đón thì cuộc sống của tôi vẫn tốt hơn là cuộc sống của những đứa trẻ mắc kẹt trong cái nơi kinh khủng ấy.