Chúng tôi bị đưa vào trong một ngôi nhà lớn và bước lên một đợt cầu thang rộng, rồi họ đi đâu đó, bảo chúng tôi đứng đợi. Sợ hãi và hoang mang, tôi đứng yên cho đến khi người phụ nữ đưa chúng tôi đến trở ra và dẫn tôi đi qua cánh cửa bước vào một căn phòng lớn.
Ngồi bên cạnh cửa sổ là ba người phụ nữ và một người đàn ông. Vẻ ngoài của cả bốn người họ đều khiến tôi không có cảm tình. Tất cả đều mang những bộ mặt nghiêm nghị và họ nhìn tôi như thể tôi là thứ gì đó bẩn thỉu. Họ gọi tôi đến đứng trước mặt họ và bảo tôi cởi hết quần áo ra. Tôi cởi quần soóc, rồi đến áo sơ mi, nhưng không đồng ý cởi áo lót và quần đùi. Tôi không thích những người đang nhìn chằm chằm tôi này, và tôi chỉ muốn về nhà.
Ngay lập tức tôi học được bài học đầu tiên về sự vâng lời khi một cái bạt tai làm tôi choáng váng, sau đó quần áo của tôi bị kéo ra. Họ để tôi đứng đó một lúc lâu để bình luận về cái chân cong của tôi, cái bụng ỏng của tôi, rồi sau đó là những chỗ kín trên người tôi, rồi nói “Cái gì thế kia?” và chỉ trỏ. Họ nói chuyện với nhau và không ngừng cười, trong khi tôi đứng đó, trần truồng và lạnh lẽo, cố gắng không khóc và tha thiết muốn được về nhà.
Sau khi xem tôi xong họ cho tôi ra ngoài rửa ráy và mặc quần áo mới. Họ đưa cho tôi một đôi giày màu đen để đi, nhưng vì tôi chưa từng đi giày bao giờ nên chúng khiến tôi cảm thấy thật nặng nề khó chịu. Tôi ghét chúng. Tôi được dẫn tới một căn phòng có rất nhiều giường và họ bảo tôi rằng đây là chỗ ngủ, rồi sau đó thả tôi ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác. Ở đó tôi cũng tìm thấy các anh tôi, hai người họ cũng đều đang hoang mang và sợ hãi như tôi. Chúng tôi biết cha sẽ về nhà và nhận ra chúng tôi đã đi mất, nhưng chúng tôi không thể trốn khỏi những bức tường cao ngoài kia, mà kể cả nếu có thể chúng tôi cũng không biết đường về.
Có hàng chục đứa trẻ ở đó, cả trai lẫn gái. Bọn chúng bảo với chúng tôi rằng đây là Ashbrooke Towers, một nhà trẻ. Thực tế sau này tôi đã biết được rằng Ashbrooke là một trung tâm đánh giá. Tất cả trẻ con được chính quyền xếp vào diện cần chăm sóc sẽ bị đưa đến đó trước khi gửi tới những trại trẻ dài hạn khác.
Các anh trai tôi và tôi đã bị bắt cóc một cách hợp pháp và bị đưa vào chế độ cần chăm sóc. Lúc đó chính quyền cho rằng một người đàn ông không thể chăm sóc trẻ con đúng cách. Đó là văn hóa, những người phụ nữ ở nhà trông trẻ và những người đàn ông đi kiếm ăn. Vì thế những đứa trẻ mất mẹ được liệt vào dạng cần chăm sóc. Và nếu như họ xác định được thêm những yếu tố nào đó khác hỗ trợ quan điểm đó của họ, thì những đứa trẻ đó sẽ bị bắt cóc ngay trên đường phố, giống như chúng tôi đã bị. Chắc chắn họ đã phân loại chúng tôi vào nhóm trẻ bị bỏ rơi, nhưng thực tế chúng tôi không thấy thế. Chúng tôi yêu nhà mình, cảm thấy an toàn trên những con đường chúng tôi đã quen thuộc, với những người hàng xóm luôn để mắt đến chúng tôi và cha sẽ về vào cuối ngày. Giờ đây, đột nhiên chúng tôi ở trong thế giới xa lạ này, không một lời giải thích, không một lời đảm bảo. Họ cư xử như thể chúng tôi là những con vật nhỏ bẩn thỉu - là đối tượng cần xử lý, họ không coi chúng tôi là những đứa trẻ có cảm xúc.
Cuối giờ chiều họ sẽ gọi chúng tôi vào ăn bữa xế. Chúng tôi ngồi thành hàng trong phòng ăn, ăn trong im lặng, trong lúc đó một người đàn ông có khuôn mặt u ám sẽ canh chừng chúng tôi, sẵn sàng phát hiện xem có đứa nào phạm lỗi. Mặc dù tôi đói, nhưng tôi phải cố gắng lắm mới ăn hết. Và đêm đó, chiếc giường mới thật lạ lẫm, lạnh lẽo và cô đơn. Tôi đã quen ôm ấp chui rúc trong chiếc giường đôi với các anh tôi và cha. Cha ở đâu rồi? Tôi muốn cha đến đón chúng tôi. Tôi vùi mặt vào gối và khóc, thật lặng lẽ để những người khác không nghe thấy. Tôi ghét ngôi nhà được khử trùng lạnh lẽo này, chẳng có ai cười hay nói những lời dịu dàng cả.
Những ngày sau đó chúng tôi được dạy về cách sống ở đây. Mỗi một phút cũng đầy những luật lệ, những mệnh lệnh thức dậy, ăn, chơi, tắm và đi ngủ. Bất cứ chúng tôi có làm gì, cũng có một nguyên tắc nào đó nói đến việc làm nó khi nào và như thế nào. Trước đó cuộc sống của tôi chỉ có một nguyên tắc duy nhất là về nhà vào giờ bữa xế khi mẹ gọi chúng tôi về. Vì thế chúng tôi bị sốc trong thế giới mới này, nơi phải tuân theo hàng tá những luật lệ và bất kỳ sự vi phạm nhỏ nào cũng dẫn đến hậu quả là một trận đòn.
Ashbrooke Towers được quản lý bởi những người chăm sóc, bọn trẻ con hay gọi là các dì và các bác. Ở mỗi trại trẻ thời đó, ai muốn làm nghề chăm sóc trẻ cũng được, mặc dù điều này rất nguy hiểm. Sự thăng tiến dựa vào thời gian làm việc chứ không phải năng lực. Bất cứ ai tìm việc cũng sẽ được nhận vào, và cũng chẳng có gì là lạ khi một người lau dọn có thể chuyển sang làm nghề chăm sóc trẻ.
Trong số những kiểu người chăm sóc này có một số thiên thần, tận tụy với trẻ con và luôn cố gắng cải thiện cả hệ thống. Nhưng những người như thế rất ít. Phần lớn những người họ chỉ coi đó như một công việc để làm, hầu như không có sự cảm thông với những đứa trẻ. Và còn có cả những ác quỷ. Họ chiếm số ít thôi nhưng luôn lảng vảng. Chúng tôi nhanh chóng nhận thức được họ là ai - bọn trẻ con truyền tai nhau rằng có những người chúng tôi cần tránh như tránh bệnh dịch. Nhưng đôi khi, nếu bạn là một đứa trẻ hơi khác thường thì chẳng có cách nào thoát khỏi con quái vật. Trừ khi một thiên thần đến ngay lập tức thì bạn mới được cứu.
Có một người chăm sóc đặc biệt tại Ashbrooke Towers - người là một trong những con quái vật như vậy. Ông Walter có một gương mặt lạnh lùng nghiêm nghị và như thể có một đôi mắt ở phía sau đầu. Ông ta không bao giờ cười, và chúng tôi đã được dặn phải tránh ông bất cứ khi nào có thể. Chỉ khổ những đứa trẻ tội nghiệp bị ông ta lôi vào phòng riêng. Những đứa đó sau đó sẽ bò về giường và khóc suốt đêm. Rất may tôi không phải là một trong số chúng; tôi ngỗ ngược và rắc rối nên ông ta không bao giờ dám thử bất cứ điều gì với tôi, mặc dù điều đó không ngăn ông ta đánh đập tôi. Chúng tôi bị đánh suốt ngày, bằng dép hoặc dây lưng. Rất ít người có thể tránh được cơn thịnh nộ của Walter; ông ta dường như thỏa mãn với việc chọn được nạn nhân của mình mỗi ngày.
Mỗi sáng chúng tôi phải xếp hàng trong phòng ký túc để kiểm tra. Nghĩa là giường của mỗi người phải được gấp cẩn thận, xung quanh giường phải gọn gàng, quần áo đã mặc đầy đủ và sạch sẽ, giày đã được đánh bóng và tóc tai cũng phải gọn gàng. Người chăm sóc sẽ đi đi lại lại trong phòng, tìm xem có thứ gì đặt sai vị trí. Với tôi, một đứa trẻ khi đó mới bốn tuổi và không quen với kiểu lề thói này, đó là một cực hình. Tôi luôn làm sai gì đó, tóc rối hoặc giường không đủ gọn, và mỗi lần như thế tôi đều bị đòn.
Tiếp theo là bữa sáng, và giống như tất cả những bữa ăn khác, đầu tiên phải cầu nguyện, và sau đó nếu không muốn bị đánh, chúng tôi phải ăn hết tất cả thức ăn có mặt trên đĩa của mình. Ăn xong những đứa lớn sẽ đi học, còn chúng tôi - những đứa nhỏ hơn bị đuổi ra ngoài chơi. Dù thời tiết có thế nào chúng tôi cũng phải ở bên ngoài và chúng tôi đã từng đứng chịn những cái mũi lạnh giá lên ô kính cửa sổ đầy hơi nóng của nhà bếp, ngửi mùi thức ăn và nhìn lửa cháy.
Tôi đã rất cố gắng để nhớ hết các quy tắc, nhưng có một điều tôi không thể chịu đựng được, là những đôi giày. Tôi luôn cố tháo chúng ra và thường giấu trong hố cát nhưng rồi sau đó kiểu gì họ cũng sẽ tìm thấy và tôi sẽ bị trừng phạt rồi lại phải đi lại giày vào chân.
Một ngày nọ, tôi ném đôi giày đáng ghét qua tường. Vài phút sau, khi đang chơi trong hố cát, tôi nghe thấy tiếng gọi, “Con trai, con trai, lại đây.” Tôi ngẩng lên và thấy cha, ở bên kia bức tường!
Hóa ra cha đã đi tìm chúng tôi kể từ ngày ông về nhà và được hàng xóm kể lại rằng chúng tôi đã bị đưa tới Trung tâm chăm sóc. Ông đã cắm rễ ở trung tâm Dịch vụ xã hội hàng tuần trời, cố gắng tìm xem chúng tôi bị đưa đến đâu, không có nhiều may mắn cho lắm. Rồi sau đó có người nói với ông rằng trẻ con thường được đưa đến Ashbrooke Towers. Ông liền tới đây để ngó qua một chút và khi đang đi bộ quanh tường thì ngạc nhiên thay, tình cờ đôi giày tôi ném bay qua tường. Ông biết rằng có trẻ con ở bên trong và đã trèo lên trên yên xe đạp để ngó vào trong và thấy chúng tôi.
Cả 3 chúng tôi chạy về phía bức tường, hét lớn “Cha, cha!”
“Nhanh nào, trèo qua đây,” ông nói - và chúng tôi đã làm thế, người nọ đỡ người kia leo lên để cha nắm lấy tay và kéo chúng tôi qua. Khi đã trèo qua tường chúng tôi ngồi trên chiếc xe đạp cũ kĩ của cha. Michael ngồi trên yên sau, George ngồi trên cổ xe và tôi - khi đó đã đi lại đôi giày tôi ném đi - đứng trên hai bên đai ốc nhô ra ở bánh trước. Cha đạp xe hộc tốc về nhà. Nhưng đó không phải ngôi nhà mà chúng tôi đã biết. Cha đã chuyển tới ở với em trai ông, chú Willie, người có một ngôi nhà trên đường Cannon Cotton. Đó là một ngôi nhà to hơn nhưng bên trong cũng khá giống với ngôi nhà cũ của chúng tôi.
Hóa ra em út của chúng tôi - Brian cũng đã bị đưa vào trung tâm chăm sóc và không ai biết nó ở đâu. Vì thế nhà chỉ còn 3 chúng tôi, và chú Willie được giao nhiệm vụ giấu chúng tôi cả ngày trong khi cha đi làm. Chú luyện cho chúng tôi trèo vào trong một tấm nệm đã cuộn thành ống và giữ yên lặng. Chúng tôi nghĩ đó là một trò chơi tuyệt vời. Chú Willie chỉ cao có 5.2 feet hoặc tầm tầm đó và là người đàn ông bé nhỏ mềm yếu nhất trên đời. Chúng tôi chăm sóc chú thì đúng hơn là chú chăm sóc chúng tôi. Chú ấy nhìn giống như một con khỉ, những động tác của chú thì y chang một con tinh tinh, thật sự là như vậy. Và tất cả bọn trẻ con trong khu phố đều nghĩ chú giống hệt nhân vật Tarzan trong phim (những đứa không có đủ 6 xu tiền vé đã phải xem lén) và đều yêu mến chú.
Một ngày, có tiếng đập cửa lớn. Chú Willie nhìn ra ngoài và thấy cảnh sát! Ngay lập tức chú bảo chúng tôi chui ngay vào trong tấm nệm và giữ im lặng. Chúng tôi nghe tiếng chú Willie mở cửa, sau đó có những tiếng la hét lớn và tiếng chú Willie phản kháng. Những bước chân nặng chịch chạy lên lầu, vào phòng và bắt đầu tìm kiếm xung quanh. Chính lúc đó chúng tôi bắt đầu cười: chắc chắn là chú Willie chơi trò chơi - chú ấy vẫn luôn như thế, cố gắng làm chúng tôi hoảng sợ.
Tiếng cười khúc khích của chúng tôi đã làm lộ nơi trú ẩn. Một viên cảnh sát rất cao nói “Xin chào các cậu bé” khi ông ta nghiêng người nhìn vào trong tấm nệm. Cùng lúc đó một cuộc ẩu đả đã xảy ra bên dưới chân cầu thang. Cha đã về và thấy cảnh sát ở nhà và thấy chú Willie đang vặn tay. Một nhân viên xã hội đi cùng với cảnh sát đã nói với cha là họ đến để đưa chúng tôi về Trung tâm chăm sóc. Cha đáp lại bằng cách đấm ngã anh ta và bắt đầu đánh lại những người cảnh sát đang cố gắng bắt giữ ông.
Cuối cùng cha đã bị chở đi trên chiếc Maria màu đen - chiếc xe cảnh sát cũ họ dùng thời đó - và được hộ tống bởi vài cảnh sát mặt mũi thâm tím. Chúng tôi cũng bị đưa lên một chiếc xe có những chiếc đèn pha lớn để trở lại Ashbrooke Towers, và chú Willie đứng trên ngưỡng cửa, đau khổ vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi.
Một lần nữa chúng tôi bị ném trở lại chế độ hà khắc của Ashbrooke với những luật lệ và những trận đòn vô tận. Điều may mắn duy nhất - dù lúc đó tôi chẳng lấy gì làm thích thú - là người ta đã cho tôi bộ nẹp chân để uốn chân cho thẳng, và cho tôi ăn thêm sữa bột đóng hộp của nhà nước để tôi bớt còi. Những chiếc nẹp sắt này rất nặng và tôi chỉ có thể tháo chúng ta vào ban đêm. Tôi không thích chúng, nhưng tôi cũng quen dần và không để chúng ngăn tôi chơi đùa. Thực ra chúng còn khá tiện, đặc biệt khi tôi chơi bóng. Bàn chân thép của tôi có thể hạ gục bất cứ kẻ nào ngáng đường mình!
Bọn con trai thường chơi một trò chơi chúng tôi gọi là “làm vua”. Chúng tôi sẽ xếp thành hàng dựa vào tường, một đứa sẽ cầm quả bóng tennis cũ ném về phía cả bọn thật mạnh để trúng vào một đứa nào đó. Người bị ném trúng sẽ lại cầm quả bóng làm tương tự và cứ như thế cho đến hết. Người còn lại cuối cùng sẽ là vua.
Tới một ngày bọn con gái cũng tham gia và một trong số họ đã thắng. Chuyện này khiến những cậu bé lớn hơn khó chịu, vì thế quả bóng đã được thay bằng một mẩu gạch. Kế này đã hiệu quả: bọn con gái không dám tham gia chơi nữa, và một vài cậu bé cũng bỏ cuộc. Họ đã nghĩ chúng tôi thật ngu ngốc, và tất nhiên họ đúng, nhưng chúng tôi đã không nghĩ thế. Từng người một lần lượt ra khỏi hàng, ai cũng bị thâm tím nhưng may thay không ai thực sự bị thương nặng, dù một đứa đã bị rách tai. Chỉ còn lại 3 người, trong đó có tôi. Và rồi tôi bị ném trúng. Viên gạch đập vào chân thép của tôi nên tôi không bị đau gì cả. Cuối cùng chỉ còn lại các anh tôi, và ngày hôm đó cả hai người đều là vua.
Một trong những bức tường bao quanh khu vườn có một cánh cổng nhỏ cao khoảng 6 feet với một cái mái cong, trong khi đó bức tường bên cạnh nó cao tầm 7 feet. Cánh cổng này hầu như không được sử dụng bao giờ, nhưng vì lý do nào đó có một ngày chúng tôi đã được phép đi qua cổng. Bên kia cánh cổng là một sân cỏ trải dài cho tới chân bức tường bao quanh bên ngoài ngôi nhà.
Bọn trẻ lại chơi “làm vua”, lần này đã dùng bóng, và tôi đứng cạnh bức tường xem họ chơi. Đội nhiên trong một khoảng khắc mọi thứ tối sầm lại. Khi tôi mở mắt ra tôi đã nằm trên cỏ với một cục u trên đầu và một tảng đá nằm bên cạnh tôi. Hẳn người ta đã ném qua tường và nó rơi trúng vào đầu tôi. Tôi đứng lên và đi men theo dọc bức tường, xoa đầu liên hồi. Những người khác vẫy vẫy tôi, họ đã nhìn thấy và ra hiệu cho tôi đến chỗ họ. Nhưng trước khi tôi đến được chỗ họ thì “bộp”, một hòn đá nữa lại rơi xuống đầu tôi và tôi ngã lăn ra đất. Bây giờ đầu tôi thật sự rất đau. Tôi ngó nhìn bọn trẻ, bọn chúng giờ cũng lăn ra đất vì cười. Hẳn cảnh tôi bị hòn đá đầu tiên rơi trúng đã buồn cười và khó tin, ai ngờ lại còn bị trúng tiếp lần thứ hai nữa.
Tôi đứng dậy, cảm thấy hơi chóng mặt, và bắt đầu đi về phía các bạn thì “bộp”, hòn đá thứ ba, to hơn, lại rơi trúng tôi và tôi ngã xuống, hoàn toàn bất tỉnh. Lần này những tiếng cười đã tắt và bọn trẻ chạy đến và hét lớn. Cánh cửa mở ra và người làm vườn chạy tới để xem chuyện gì phiền phức. Khi nhìn thấy tôi ông ta đã bị sốc. Ông ta đã dọn vườn và ném những viên đã qua tường để đỡ phải dùng xe đẩy. Vì cánh cổng đó chẳng mấy khi mở, ông đã nghĩ không có ai ở đó.
Khi tỉnh dậy tôi đã ở trong bệnh viện. Lúc trở về, đầu tôi được quấn băng kín mít, phải giữ như vậy hàng tuần. Bọn trẻ tôn tôi làm vua, nhưng đó chỉ là vì tôi đã cho chúng một trận cười đã đời.
Đến một ngày, khi tôi đã ở Ashbrooke Towers được vài tháng, cánh cổng lại mở ra và chiếc xe màu đen cũ với những chiếc đèn pha lớn tiến vào, và người phụ nữ trung niên mặc đồ vải tuýt lại bước xuống. Lúc đó tôi đang đứng ở hố cát và một cơn rùng mình ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi khi tôi nhìn thấy bà ta, bởi vì cảnh đó khiến tôi nhớ lại cảnh chúng tôi đã bị bắt cóc khỏi nhà đến đây - hai lần - như thế nào. Ngày hôm đó tôi lại bị đặt lên xe, không kịp nói lời tạm biệt với các anh tôi và các bạn tôi, cũng không biết mình sẽ bị đưa đi đâu. Sau một quãng thời gian có vẻ như rất lâu, chúng tôi tới một dãy những căn nhà lớn ở cuối một cánh đồng dài. Nơi đây, nơi mà tôi sắp vào, là một trại trẻ được biết đến như khu nhà Cottage Homes. Có một dãy khoảng 10 ngôi nhà lớn, mỗi ngôi nhà có khoảng 12 - 13 đứa trẻ sống trong đó. Trước mặt dãy nhà là một sân chơi rộng và ở góc sân có xích đu và cầu trượt cho trẻ con. Tôi chưa bao giờ nghe nói về nơi này. Nhưng không lâu sau đó tôi đã biết đây là nơi nổi tiếng khắp thị trấn, bởi vì những đứa trẻ không ngoan bị dọa sẽ bị tống vào đây. Thực ra bọn trẻ con ở đây không hề hư, chúng rất đáng thương. Phần lớn đều đã mất cha mẹ hoặc bị lạm dụng hoặc đánh đập.
Chế độ ở Cottage Homes cũng giống Ashbrooke, ngoại trừ việc bây giờ tôi chỉ có một mình. Tôi mới năm tuổi và tôi đã mất tất cả những người tôi yêu thương. Tôi mất cha mẹ, anh em và cả chú Willie. Rất rất lâu sau đó tôi mới được gặp lại họ.
Đám trẻ con chúng tôi được phép chơi ở sân vận động trước dãy nhà. Một bên sân là hàng rào dây thép gai ngăn cách khu nhà với đường Hylton - con đường chính dẫn vào thị trấn, và bên kia là một dãy những nhà lều kiểu phong cách quân đội - chính là bệnh viện của nhà trẻ. Một trong những nhà lều đó đã được sử dụng như phòng dành cho y tá.
Chúng tôi từng chui dưới những túp lều cũ kĩ ấy và tự coi đó như một nơi nhỏ bé để trốn khỏi thế giới một chốc trước khi bị gọi vào nhà. Nhưng sau chúng tôi đã không chơi ở đó nữa vì có lần một đứa đã thắp nến và vô tình làm đổ, gây ra một trận cháy nghiêm trọng làm cháy hết toàn bộ căn lều bên trên và có một y tá đang ngủ ở đó đã thiệt mạng.
Phía bên kia đường có một lò mổ, và sau khi tôi đến đó chưa được bao lâu, có một con bò bị sổng chuồng. Nó chạy loạn trên đường và sau đó chạy qua cổng vào trong sân vận động. Nó chạy đến chỗ bọn trẻ con chúng tôi, và khi đó nó đã nổi điên. Bọn trẻ chạy toán loạn vào trong nhà, nhưng tôi bị kẹt lại ở hàng xích đu gần hàng rào vì con bò đã chặn đường tôi trước khi tôi có thể chạy. Tôi trèo lên trên cột, có hơi trơn trượt một chút nhưng cuối cùng cũng leo được lên đến đỉnh cột và ngồi trên thanh chắn ngang trong khi con bò húc đầu vào cây cột bên dưới tôi.
Có một đám đông đứng bên đường quan sát tôi và con bò - khi ấy đương nhiên tôi vẫn an toàn. Hẳn cảnh tượng đó phải khôi hài lắm, một đứa trẻ mắc kẹt phía trên cùng của xích đu với một con bò to lớn tức giận quẩn quanh. Sau tầm một giờ đồng hồ tôi đã quá chán nản và thực sự muốn trèo xuống, nên tôi bắt đầu hát với con bò để đỡ chán. Ngạc nhiên thay, con bò bình tĩnh trở lại và cuối cùng bỏ đi. Vì thế tôi nhảy xuống và đi vào nhà.
Ngay khi vào đến nhà tôi đã bị một trận đòn vì tội ở bên ngoài khi có một con bò điên ngoài đó và tôi bị bắt lên lầu đi ngủ. Khi tôi nằm trong chăn, lưng đau nhức, tôi đã nghĩ con bò và mình cũng có điểm chung: phải ở nơi chúng tôi không hề muốn. Một lúc sau tôi nhìn ra cửa sổ thì thấy một nhóm cảnh sát đang tiến vào sân vận động. Một người mang theo khẩu súng trường, và ông ta bắn con bò. Sau đó một cái máy kéo được lái đến và kéo nó đi. Tôi cảm thấy rất buồn.
Sau đó vài ngày, khi đang đứng bên hàng rào nhìn mọi người đi lại ngoài đường, tôi nhìn thấy cha. Ông đang đi trên chiếc xe đạp cũ, và tôi chạy theo, la hét phấn khởi với ông. Ông dừng lại và tiến đến, nhưng ông có vẻ như miễn cưỡng và liên tục nhìn về phía sau. Ông chào tôi và cho tôi mấy chiếc kẹo, sau đó lẩm bẩm gì đó, nói rằng ông phải đi và rồi đạp xe đi.
Tôi nhìn theo ông mãi, tự hỏi vì sao cha không có vẻ vui mừng khi nhìn thấy tôi. Có phải cha không yêu tôi nữa? Ông không muốn tôi về nhà nữa? Chẳng ai trả lời cho tôi và tôi cảm thấy thật khổ sở. Tôi rầu rĩ suốt mấy tuần sau đó, tự hỏi liệu tôi có thể gặp lại cha không, và hi vọng ông sẽ trở lại nói chuyện với tôi qua hàng rào vì giờ ông đã biết tôi ở đây mà. Nhưng ông không bao giờ đến nữa.
Tới nhiều năm sau tôi mới được biết người ta đã đưa ông đến nhà tù Durham 6 tháng vì tội đón chúng tôi thoát khỏi Ashbrooke Towers và đánh nhân viên xã hội. Tôi chỉ được nghe kể chuyện đó một lần, và giống như những câu chuyện của nhiều người khác thời đó, nó có thể không phải là sự thật. Nhưng tôi tin ngay khi tôi được kể lại, vì nó giải thích tại sao ông lại sợ sệt khi nói chuyện với tôi, vì ông lo sợ sẽ lại gặp rắc rối. Ông đã bị trừng phạt khi cố gắng ở bên các con mình nên sau chuyện đó ông không dám đến gần chúng tôi nữa. Hàng năm trời sau đó tôi không gặp ông, trong suốt thời gian đó tôi không ngừng tự hỏi tại sao ông không có vẻ mừng vui khi gặp tôi ngày hôm đó và tại sao ông không cố gắng đưa tôi về nhà.
Chính trong thời gian sống ở Cottage Homes là lần đầu tiên tôi tới trường. Ngôi trường có tên là Diamond Hall. Tất cả trẻ em ở Cottage Homes đều học ở đó, cùng với những đứa trẻ trong thị trấn. Ngay từ đầu tôi đã hơi bốc đồng, có gì đó bên trong tôi khiến tôi ngỗ ngược và không chịu ngồi yên, vì thế tôi không được các thầy cô giáo yêu mến lắm.
Đám trẻ trong nhà cùng nhau đi bộ đến trường mà chẳng có người lớn nào trông chừng cả nên rất dễ bày trò nghịch ngợm, và tôi chẳng thể bỏ qua cơ hội đó. Những chiếc xe buýt cũ kĩ của thị trấn thường có biển số xe ở đằng sau, với một lỗ hổng bên trên đặt một chiếc đèn. Tôi từng bám chặt vào hốc đèn đó và đặt chân lên ba đờ sốc khi xe buýt bắt đầu rời bến và đi một chặng miễn phí tới trạm dừng tiếp theo. Khi đến nơi tôi sẽ buông lỏng tay bám và rồi thả tay ra và nhảy xuống.
Chuyện đó thật tuyệt, cho tới một lần xe buýt không dừng ở trạm tiếp theo mà vẫn đi thẳng lên đường chính. Những chiếc ô tô bíp còi và những người đi bộ la ó khi họ phát hiện ra một đứa trẻ đang bám ở đuôi xe. Tay bám của tôi đã mỏi và tôi biết tôi sẽ không giữ được lâu nữa, may mắn thay đúng lúc đó chiếc xe dừng lại. Tôi nhảy xuống và chạy biến, cảm giác như người ở nửa hành tinh đều đuổi theo tôi vậy. Và dĩ nhiên tôi không tránh khỏi một trận đòn đau khi về đến nhà.
Rất dễ để nhận biết những đứa trẻ của Trung tâm chăm sóc, vì quần áo chúng tôi luôn cũ kĩ và không bao giờ vừa vặn. Đó là bởi vì chẳng ai trong chúng tôi có quần áo của riêng mình: chúng tôi đều mặc chung. Người ta sẽ mang đến một túi lớn quần áo từ xưởng giặt là nào đó trong thị trấn, phân phát và bạn chộp lấy những gì bạn có thể. Chúng tôi mặc những chiếc quần soóc thùng thình dài qua đầu gối, những chiếc áo sơ mi gây ngứa ngáy và thêm cái áo cộc kẻ ngang, đi những chiếc tất dài màu xám, đương nhiên thường vá lỗ chỗ đoạn quanh mắt cá chân.
Tất cả chúng tôi cũng có cùng kiểu tóc. Với bọn con trai thì cắt ngắn đằng sau và hai bên. Tôi vẫn nhớ vành tai tôi luôn rất lạnh. Bọn con gái còn tệ hơn vì con gái thường để tâm nhiều hơn đến ngoại hình, và kiểu tóc như cái mũ nồi chụp lên khiến tất cả bọn chúng đều đau khổ.
Tôi đã ở Cottage Homes vài năm. Suốt thời gian đó tôi thường tự hỏi cha và các anh tôi đang ở đâu và liệu tôi có bao giờ gặp lại bác Willie già khôi hài nữa không. Chẳng có người lớn nào ở đó thể hiện bất cứ dấu hiệu nào của sự tốt bụng hay dịu dàng. Với họ tôi là một vấn đề cần giải quyết, một đứa trẻ cần được đưa vào khuôn phép.
Điều tuyệt vời duy nhất trong thời gian này là lúc tôi tháo nẹp chân ra sau nhiều tháng nẹp thì chân tôi đã thẳng lại. Tôi rất sung sướng vì tôi không muốn lớn lên với đôi chân cong và thế đi lại khôi hài như vài người đàn ông tôi từng gặp. Tôi đã quen với nẹp chân và thậm chí mấy ngày đầu khi bỏ chúng ra tôi còn thấy hơi gượng gạo, và tôi cứ nhìn chằm chằm vào chân mình, ngạc nhiên sao chúng có thể thẳng như vậy.
Sinh nhật và Giáng sinh chỉ làm tôi buồn và cô đơn hơn. Chỉ có một Giáng sinh là đặc biệt. Đó là buổi tối Giáng sinh mà tôi đứng từ cửa sổ phòng ngủ nhìn ra ngoài và thấy những ngọn đèn lắc lư đi từ sân vận động vào tới khu nhà dành cho y tá. Khi họ đến gần hơn tôi có thể thấy đó là một hàng dài các cô y tá mặc chiếc áo choàng màu xanh đậm của họ và mang theo lồng đèn có những cây nến được thắp sáng bên trong. Họ hát những bài hát chúc mừng và khi họ tới gần hơn tôi có thể nhìn thấy ánh đỏ phản chiếu từ lớp lót bên trong áo choàng của họ và những sợi dây thánh giá màu trắng phía trước ngực trên đồng phục của họ. Cảnh tượng thật huyền ảo. Tiếng hát của họ như tiếng hát của những thiên thần, và tôi đứng đó nhìn ngắm một cách say mê.
Một ngày không lâu trước sinh nhật bảy tuổi của tôi, tất cả bọn tôi được lệnh gói ghém đồ đạc của mình. Toàn bộ ngôi nhà sẽ chuyển đi, kể cả các nhân viên. Cottage Homes chuẩn bị đóng cửa và tất cả chúng tôi sẽ tới những trại trẻ khác. Những túi, những hộp được đặt lên một chiếc xe tải lớn và đưa đi, và một chiếc xe buýt đưa chúng tôi băng qua sông tới một khu nhà mới.
Cuối cùng chúng tôi đến trước một ngôi nhà hai mặt tiền mới xây, được bao quanh bởi những ngôi nhà vẫn chưa xây xong. Người ta bảo chúng tôi rằng đây là trại trẻ Rennie Road. Thơ thẩn vào trong, chúng tôi được một người phụ nữ gọi là dì Doris - một trong số những người chăm sóc mới của chúng tôi chỉ cho xem phòng của mình. Sau đó là cả chiều tháo đồ và xếp phòng. Con gái một phòng, con trai một phòng. Chúng tôi phải dọn giường và sắp xếp gọn gàng mọi thứ xong xuôi mới được ăn.
Rennie Road mới xây và rất sạch sẽ, nhưng điều đó chẳng làm tôi hứng thú. Đó cũng chỉ là một trại trẻ khác, chẳng tốt hơn nơi cũ là bao. Điều duy nhất tôi thích là nó ở gần một ngọn đồi và chúng tôi có thể lên đó chơi, chạy trên sườn đồi dốc để gió lùa vào tóc. Chuyện đó thật hay, còn những thứ còn lại cũng vẫn vậy. Chúng tôi đi học ở trường mới, và những buổi tối sau giờ học chúng tôi không được ra ngoài chơi mà phải làm việc nhà. Việc của tôi là đánh sạch giày - 12 đôi mỗi tối - xong rồi mới được đi ngủ. Tôi thường mất hơn một giờ đồng hồ để cọ sạch và đánh bóng tất cả số giày đó, và lúc xong việc cả người tôi đều lấm lem xi. Nhưng không sao. Tôi thích ngồi đó đánh giày hơn là phải giặt giũ hay quét dọn.
Mặc dù chúng tôi chỉ có 12 đứa, nhưng lại có chỗ cho 13 người, vì thế chúng tôi luôn tự hỏi không biết đứa mới sẽ là ai. Những đứa trẻ mới đến luôn bị tra hỏi kĩ càng - Đã từng ở đâu, biết chơi trò gì, đã từng bị làm phiền (bạn biết ý tôi là chuyện gì rồi đấy) bởi ông bác hay dì đó chưa? Nhưng thời gian trôi qua và đứa trẻ cuối cùng vẫn chưa đến, nên tôi đã nghĩ đứa trẻ đó sẽ chẳng bao giờ đến.