Tôi ở với bác Jane và bác Tom được khoảng ba năm thì bác Tom bị một cơn đột quỵ khiến ông liệt nửa người và mù một bên mắt. Mới gần 40 nhưng ông không thể trở lại làm việc trong nhà máy đóng tàu được nữa. Ông rất thích công việc đó và việc bị mắc kẹt ở nhà khiến ông rất chán nản. Ông thường giận run người vì không thể làm được cả những việc đơn giản nhất cho bản thân mình như là mặc quần áo hay đi quanh nhà. Mọi việc ông đều phải dựa vào bác Jane và ông không thể đi ra ngoài. Ông từng là một người rất thích đi bộ, thường đi cả hàng vài dặm một ngày, vì thế việc không thể đi lại hẳn khiến ông có cảm giác như bị tra tấn.
Vì bệnh trầm cảm của bác Tom ngày càng nặng và bác Jane rất lo lắng, tôi thường quanh quẩn trong nhà, cố gắng hết sức để giúp đỡ hai người họ.
Sáu tháng sau cơn đột quỵ của bác Tom, khi tôi đang ở trường thì một người hàng xóm tới trường báo cho tôi rằng bác Tom đang chuyển biến xấu và bảo tôi về nhà ngay. Khi tôi về đến nhà, hàng xóm đã đến chật, tất cả đều liên tục lắc đầu và tự lẩm bẩm gì đó.
Tôi được đưa vào phòng ngủ, nơi bác Jane và một vài người tôi không biết đang ngồi quanh giường. Bác Tom đang ngồi dựa vào thành giường, đôi mắt lồi to và bọt sùi ra ở hai bên khoé miệng bác, không ngừng rên rỉ điên cuồng. Nhìn ông đáng sợ đến nỗi tôi muốn chạy ra khỏi căn phòng đó, nhưng khi ông nhìn thấy tôi, ông rướn người về phía trước và nắm lấy tay tôi trong bàn tay lành lặn của ông, kéo tôi lại gần. Đôi mắt lồi của ông nhìn tôi chằm chằm và miệng ông sùi bọt, níu lưỡi, ông cố gắng nói gì đó nhưng những âm thanh phát ra từ miệng ông chỉ là những tiếng rên rỉ thều thào. Tôi quá sợ hãi đến nỗi chết sững, tưởng như đã mọc rễ ở đó, há hốc miệng chằm chằm nhìn ông. Những tiếng thét hoảng sợ của tôi đông cứng, không thể phát ra được nữa.
Một lúc sau có ai đó trong căn phòng đã kéo tôi ra khỏi tay ông và đưa tôi đến một căn phòng khác. Tôi ngồi đó, vẫn hoảng sợ bởi hình cảnh cặp mắt lồi và cái miệng sùi bọt mép của bác Tom. Chắc chắn mọi người có ý tốt khi đưa tôi đến đó, nhưng với một đứa bé mới bảy tuổi, hình ảnh một người đàn ông ở trong trạng thái sắp chết như vậy thật là một trải nghiệm kinh khủng.
Bác Tom mất tối hôm đó. Sau khi ông đi, tôi vẫn không thể gạt được kí ức về lần gặp gỡ cuối cùng với ông ra khỏi tâm trí. Tôi đã bị ám ảnh bởi cảnh tượng ấy và lo sợ ông sẽ trở lại từ dưới nấm mồ để đem tôi theo. Mãi nhiều năm sau đó tôi mới biết ông đã cố tình uống aspirin quá liều để kết thúc cuộc sống bị giam cầm trong căn hộ nhỏ bé ảm đạm đó.
Sau đám tang, bác Jane quyết định đi xa. Bà đưa tôi cùng theo đến trang trại của chị gái bà - bác Kate ở một thời gian. Chúng tôi mất 2 tiếng xe buýt để đến nhà bác Kate, và tôi tự hỏi tại sao trước đó chúng tôi lại chưa đứng đến đây.
Sự đối lập giữa căn hộ chật chội u ám và không gian rộng mở của trang trại thật không thể tả hết. Ngay từ khi đặt chân đến đây, tôi đã yêu nơi này. Cảm giác như cả tấn nặng đã được nhấc khỏi vai tôi và tôi thậm chí có thể bay lên. Bác Kate đúng như những gì tôi tưởng tượng về một người vợ nông dân, to lớn và vui vẻ với cặp má đỏ như quả táo chín. Ấm áp và thân thiện, bà ôm tôi như ôm con mình và tôi cũng ước gì tôi thật sự là con bà.
Cả chồng và con gái của bác Kate cũng vui vẻ thân thiện như vậy, và đều có cặp má đỏ hồng. Họ lúc nào cũng đi ủng và tôi hiếm khi nhìn thấy họ - trừ sáng sớm và buổi tối - vì hầu hết thời gian họ làm việc ngoài nông trại. Họ còn có một con trai đang ở trong RAF (không quân), và cứ có chiếc máy bay nào từ doanh trại gần đó nơi anh ấy đóng quân bay qua, bác Kate sẽ lại nói “Con trai ta đó!”
Ngôi nhà của gia đình bác Kate là một tòa nhà một tầng chạy dài với một cái sân lớn. Bên trong nhà có một hành lang dài chạy dọc, một bên là những cửa sổ nhìn ra sân và bên kia là một hàng những cánh cửa dẫn vào những căn phòng khác nhau. Tôi nằm chung trên chiếc giường đôi ở trong phòng với bác Jane.
Những ngày đó thời tiết ấm áp và có nắng, tôi suốt ngày quẩn quanh để giúp cho gia súc ăn hoặc ngắm đàn gà trong sân và những con lợn chạy quanh chuồng. Tôi còn kết bạn với hai cô gái nhỏ, cha mẹ hai cô mở một quán rượu cách đó vài trăm thước. Họ có một cái nhà nhỏ bằng gạch cho trẻ con chơi ở sân sau và chúng tôi thường chơi ở đó suốt hàng giờ đồng hồ.
Vào những buổi tối chúng tôi ngồi quanh chiếc lò sưởi lớn trong phòng khách và tôi sẽ ngồi xem những tia lửa nhảy nhót trong lò và rồi những vụn lửa bay lên trên ống khói. Những giấc ngủ của tôi sẽ luôn rất sâu và ngon lành, vì tôi đã bị kiệt sức bởi đi chơi ngoài trời cả ngày.
Ngay cả bác Jane cũng có vẻ vui vẻ hơn. Bà và tôi đi bộ qua cánh đồng, và có lần nhận ra chúng tôi đang đi qua một con bò có vẻ rất có hứng thú với chúng tôi. Chúng tôi chạy vào cổng, cười lớn và nhìn chiếc váy đỏ của tôi bác Jane bảo “Vì cháu mặc màu đỏ đấy!” Đó là những ngày thật hạnh phúc và tinh thần của tôi hứng khởi hẳn. Tôi lang thang trên những cánh đồng, nhìn lên bầu trời tươi sáng trên đầu và ước rằng mọi thứ sẽ luôn như thế này, rằng bằng cách nào đó tôi có thể ở lại trang trại dễ thương này mãi mãi.
Buồn thay, sau một tuần tuyệt vời đó, bác Jane và tôi phải bắt xe buýt về lại thành phố. Mới tuần trước còn ở nông trại ấm áp là thế nên căn hộ cũ giờ đây lại càng tồi tệ. Cảm giác như nó là một cái hộp tối tăm bị khóa kín và tôi cứ hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp đẽ suốt một tuần trước đó, tuyệt vọng níu kéo những kỉ niệm gợi nhớ về những thứ tươi đẹp - nếu không có những kỉ niệm đó thì thế giới trong ngôi nhà này thật quá ảm đạm.
Giờ tôi đã ngủ chung trên chiếc giường đôi với bác Jane, thay vì ngủ trên chiếc tràng kỉ sần sùi tôi đã ngủ suốt 4 năm. Chiếc giường khiến tôi thoải mái hơn, nhưng dù lúc ở nông trại tôi chẳng ngại ngần ngủ chung với bác Jane thì giờ đây, ở ngôi nhà này, tôi không thấy dễ chịu khi nằm bên cạnh bà bởi vì tiếng rè rè phát ra từ máy trợ thính của bà. Tôi không dám đánh thức bác ấy - Tôi sợ điều đó sẽ khiến bà nhớ đến bác Tom.
Tôi bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng. Tôi không thể gạt hình ảnh cặp mắt lồi và cái miệng sùi bọt mép của bác Tom ra khỏi đầu. Vì những cơn ác mộng và tiếng máy trợ thính của bác Jane, tôi thường thao thức suốt đêm.
Một hôm, tầm đã quá nửa đêm, khi tôi đang cố ngủ thì đột nhiên tôi thấy có gì đó trông giống như bác Tom, đó là hình ảnh phản chiếu lên bức tường từ ánh sáng của đèn đường hắt vào. Ông đội chiếc mũ vải của ông và nghiêng người về phía trước, như thể đang nhìn qua cửa sổ. Tôi cảm thấy bàn tay lạnh lẽo của ông túm chặt lấy tay tôi lần nữa và tôi kéo trùm chăn qua đầu để trốn. Từ lúc đó đến sáng tôi không thể nào ngủ được, tôi cứ nằm đó, thao thức lo sợ ông sẽ đến bắt tôi.
Hình ảnh đó của bác Tom cứ ám ảnh tôi. Như thể đó là điềm báo, từ đêm đó tôi luôn lo sợ chuyện gì đó sẽ xảy ra. Rồi một buổi tối vài tuần sau đó, khi tôi đang ngồi trong phòng khách cùng bác Jane thì đột nhiên bà nhảy ra khỏi ghế và bắt đầu la mắng tôi.
Tôi quá đỗi kinh ngạc - bác Jane thường xuyên không bằng lòng, nhưng bà chưa bao giờ hét lên hay đánh tôi. Bây giờ đột nhiên bà đỏ mặt và cuồng loạn lên. Sợ hãi, tôi chạy trốn phía sau ghế. Và bác Jane sải bước tiến đến, nắm lấy tay tôi và kéo tôi ra. Bà bắt đầu tát tôi, hét lên “Tại mày mà ông ấy chết!” Cái tát rất đau, nhưng những gì bà nói còn tệ hơn. Lỗi của tôi? Sao đó lại là lỗi của tôi?
Cuối cùng bà cũng dừng lại và thả tôi ra. Tôi chạy đi trốn đằng sau ghế, nức nở và run rẩy. Vài phút sau bà bảo tôi lên giường đi ngủ.
Tôi vào phòng ngủ, thay váy và co quắp trong chăn, khóc vùi vào gối. Tại sao bác Jane lại đổ lỗi cho tôi về cái chết của bác Tom? Tôi tự hỏi không biết có đúng thế thật không. Có phải tôi đã làm gì khiến bác Tom chết? Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ xấu xa khủng khiếp vì đã khiến bác Tom phải chết và bác Jane tức giận như vậy.
Những ngày tiếp theo tôi yên lặng hơn bao giờ hết. Lo sợ rằng mình đã gây lên một cái gì đó đáng sợ mà không biết, tôi quẩn quanh trong nhà, đau khổ và sợ hãi. Bác Jane lúc nào cũng mang gương mặt cau có và hiếm khi nói chuyện với tôi - điều đó chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi của tôi.
Vài tuần sau đó, khi tôi đang rửa bát sau bữa xế, có tiếng gõ cửa. Chúng tôi hiếm khi có khách, vì thế tôi tự hỏi không biết đó là ai. Bác Jane bảo tôi ra mở cửa, và ngạc nhiên sung sướng làm sao đó là chị Joan của tôi. Chị ra hiệu cho tôi ra ngoài và kéo tôi lại gần để nói nhỏ với tôi rằng bác Jane không thể chăm sóc tôi nữa và tôi sẽ về sống cùng chị. Mặt tôi sáng bừng - có thật thế không? Có thật là tôi sẽ được về nhà với chị Joan không?
Chị Joan quay về phía bác Jane lúc đó đã đứng ở cửa. “Cháu lấy đồ của con bé được không?” chị hỏi.
“Không cần đâu”, bác Jane trả lời. “Ta lấy ra đây rồi”, và bà giơ ra một cái túi nhỏ chứa tất cả quần áo của tôi, cùng với một con búp bê da đen và một con búp bê bác Bob đã cho tôi. Tôi đã giật mình - tôi không để ý rằng hôm đó bà đã đóng gói đồ đạc của tôi. Bà nhanh chóng gật đầu với chúng tôi, quay đi và không nói thêm lời nào đóng sầm cánh cửa lại sau lưng bà.
Bối tối, tất cả những gì tôi có thể nghĩ ra để nói với chị Joan là “Còn cái xe hẩy của em”. Trừ quyển truyện và con búp bê, tài sản đáng giá nhất của tôi là một cái xe hẩy nhỏ mà bác Jane và bác Tom đã mua cho tôi. Họ đã đặt nó dựa vào thành giường tràng kỷ của tôi vào buổi sáng hôm Giáng sinh và tôi đã bước qua nó - họ đã phải dẫn tôi trở lại trong phòng để chỉ cho tôi. Tôi thích cái xe hẩy đó, tôi từng dùng nó đi tới đi lui trên vỉa hè bên ngoài căn hộ. Nhưng Joan nghĩ tốt nhất là không nên gõ cửa lần nữa nên tôi đành để nó ở lại.
Tôi rất buồn về chiếc xe hẩy, nhưng cũng rất vui vì được thoát khỏi nhà bác Jane. Tôi lon ton chạy trên đường bên cạnh chị Joan, liếc nhìn qua vai về phía sau vì lo bác Jane sẽ đổi ý định. Sau 4 năm trong căn nhà nhỏ buồn bã đó, thật khó có thể tin rằng tôi đang được rời đi. Và được sống cùng chị Joan! Tin tức tốt nhất. Tôi muốn hát và nhảy và la hét lên vì hạnh phúc. Nhưng tôi chắc chắn đó không phải điều đúng đắn. Chị Joan nhìn rất lo lắng, vì thế tôi không nói gì cả. Nhưng trong lòng tôi đang rất hạnh phúc. Không còn bác Jane giận dữ buồn bã trong cuộc sống của tôi nữa. Không còn tiếng máy trợ thính rè rè bên tai nữa. Không còn món lòng ghê tởm nữa.
Chị Joan và gia đình chị ấy đã chuyển đến một ngôi nhà mới, cách nhà bác Jane một chặng xe buýt và thêm một đoạn đi bộ. Nó nằm ở một vùng cư xá mới trong khu Redhouse - nơi tên tất cả các đường phố đều bắt đầu bằng chữ “R”. Căn hộ hai tầng của họ nằm trên đường Revenna, với 2 phòng lầu trên và 2 phòng lầu dưới. Đầu con đường đó là đồi Bunny, đứng trên đồi có thể nhìn qua phía cánh đồng. Hầu hết các con đường ở đó đều chật kín nhà, và những ngôi nhà mới vẫn đang tiếp tục được xây dựng.
Con đường bên cạnh nhà chị Joan là Rennie Road. Nhà cửa bên này đường đã xây xong, nhưng bên kia đường vẫn chỉ là những đống gạch gỗ ngổn ngang trên nền xi măng. Tất cả bọn trẻ quanh đây đều chơi giữa đám vật liệu này và dùng chúng làm nơi ẩn nấp.
Ở nhà mới tôi ở cùng phòng với con gái chị Joan, bé Elaine - bé đang chập chững biết đi. Chị Joan đang mang bầu một đứa nữa và tôi rất háo hức không biết mình sẽ có một cháu trai hay cháu gái. Tôi rất hạnh phúc vì được ở với chị mình, tôi đã nghĩ mình sẽ giúp đỡ chị và làm vợ chồng chị cảm thấy vui vẻ vì đã đón tôi về. Nhưng một buổi tối tôi nghe thấy tiếng anh Alan cãi nhau với chị Joan, và anh ấy bảo chị rằng họ không thể nuôi tôi ăn hay mua quần áo cho tôi mặc. Bụng tôi bất giác thắt chặt và tôi nằm đó, thao thức, cảm thấy vô cùng sợ hãi. Một lần nữa tôi lại cảm thấy mình như một con chim cu trong tổ. Tôi có phải rời đi không? Tôi sẽ đi đâu được đây? Tôi không thể nghĩ ra được còn người họ hàng nào có thể nuôi mình. Tại sao không ai muốn nuôi tôi vậy?
Trong suốt những tuần sau đó tôi cố gắng hết sức có thể để làm họ muốn nuôi tôi. Tôi giúp đỡ chị Joan và chăm sóc Elaine và cố gắng không gây phiền phức khi anh Alan ở nhà. Nhưng vài lần tôi nghe thấy anh ấy nói với chị Joan rằng họ không thể có tôi trong nhà. Chị Joan cãi nhau với anh, và tôi biết anh ấy sẽ thắng, anh ấy luôn thắng khi họ cãi nhau.
Tôi quá sợ hãi đến nỗi không thể nghĩ được bất cứ chuyện gì khác. Tôi sẽ phải thế nào đây? Liệu còn người bác nào đón tôi không?
Ngày đó cuối cùng cũng đã tới. Khi chị Joan gọi tôi đến và nói với tôi rằng họ không thể nuôi tôi nữa, đó gần như một sự giải thoát. Chí ít tôi đã biết nơi tôi sẽ đến. Chị Joan rất buồn, vì thế nên tôi cố gắng không khóc. Chị ấy bảo với tôi rằng họ cần chiếc giường của tôi cho đứa trẻ sắp sinh, nhưng tôi sẽ được đến sống trong một ngôi nhà lớn với nhiều bạn khác, ở đó tôi sẽ được chăm sóc tốt.
Chị ấy nói đến ngôi nhà lớn nào vậy? Tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là tôi không muốn đi. Tôi muốn òa khóc và van xin chị cho tôi ở lại, nhưng tôi đã không làm thế. Tôi ngồi đó, mặt trắng bệch, môi run rẩy, tự nói với bản thân mình hàng nghìn lần rằng đừng khóc. Tôi sẽ không xử sự như một đứa bé con, sẽ không khiến chị Joan buồn thêm.
Chị đóng gói đồ đạc của tôi, nhưng chị nói tôi không được mang búp bê của tôi đi nên chúng sẽ phải để lại. Tôi hôn chúng và bảo Elaine chăm sóc chúng giúp tôi, rồi tôi hôn tạm biệt con bé và, nuốt nước mắt vào trong, theo chị Joan ra bến xe buýt.
Khi chúng tôi ngồi trên xe, túi đồ của tôi để dưới chân, chị Joan cố gắng trấn an tôi rằng mọi thứ sẽ ổn cả thôi và chị nói chị sẽ đến thăm tôi bất cứ khi nào chị có thể. Tôi cố gắng mỉm cười, nhưng trong lòng tôi đã tuyệt vọng. Chẳng có ai yêu quý tôi, và giờ đây tôi bị đưa đến một nơi mà tôi không biết ai, và tôi không thể có những con búp bê quý giá của tôi nữa. Trước khi chúng tôi xuống xe, tôi đã run rẩy trong nỗ lực cố gắng thật dũng cảm.
Chúng tôi bước vào một con đường rộng lớn đầy lá rụng, toàn những ngôi nhà rất lớn mà tôi chắc chắn hẳn phải những người rất giàu có mới sống ở đó. Tôi tự hỏi mình đang đi đâu thế này. Chúng tôi bước đến trước ngôi nhà lớn nhất. Cái tên Ashbrooke Towers được viết lên biển tên trên tường bên cạnh những cánh cổng sắt lớn. Tôi nghĩ nó thật u ám và tối tăm. Chúng tôi bước đến cửa trước và tôi có thể thấy một sân cỏ với một hố cát bên trong.
Cánh cửa mở ra và một người đàn ông dẫn chúng tôi vào bên trong. Có gì đó ở ông ta khiến tôi rất sợ. Tôi cúi gằm và không dám nhìn ông ta. Không nói lời chào hỏi nào, ông ta bảo tôi bước lên lầu và đợi trên đó. Chị Joan hôn và ôm tôi, hứa sẽ tới thăm, sau đó quay người bước đi.
Tôi lê chân chầm chậm lên những bậc cầu thang. Lát sau người đàn ông đi theo tôi. Ông ta lạnh lùng nói với tôi rằng tên ông ta là Walter và từ nay về sau tôi sẽ phải làm chính xác những gì tôi được ra lệnh. Ông dẫn tôi vào một căn phòng tập thể có một hàng những chiếc giường, và phòng thay đồ nơi mọi thứ của tôi sẽ để đó, sau đó ông ta bảo tôi ra ngoài và chơi với những đứa trẻ khác cho đến giờ ăn tối.
Tôi lại bước từng bước lo lắng xuống dưới bậc thang và đi ra bên ngoài, có 10 đến 12 đứa trẻ khác đang chơi trên sân. Tôi lang thang xung quanh rồi sau đó đến ngồi dưới một gốc cây, nhìn lên bức tường cao bao quanh ngôi nhà. Đây là nơi những đứa trẻ bị bỏ rơi được đưa đến, tôi đã nghĩ như vậy. Những đứa trẻ giống tôi. Tôi không nói chuyện với ai, tôi cảm thấy quá buồn và sợ hãi. Tôi không muốn ở đó, tôi muốn về với chị Joan.
Tôi một mình đi quanh sân cho đến khi chúng tôi được gọi vào ăn bữa xế. Chúng tôi ngồi thành hàng dài quanh bàn ăn và cầu nguyện trước khi ăn. Tôi không thể nhận ra cái gì đang đặt trước mặt mình và tôi chỉ ăn nó bởi vì cô bé bên cạnh thì thầm với tôi rằng tôi sẽ bị đánh nếu không ăn.
Trước khi đi ngủ tôi được đưa cho đồng phục mới và người ta bảo tôi sáng mai sẽ đến trường mới với những đứa trẻ khác. Tôi bị sốc. Trường mới? Vậy là tôi sẽ không trở lại trường của tôi nữa? Sau khi đèn tắt tôi khóc thầm trong chăn. Ý nghĩ về việc sẽ phải đổi trường thật kinh khủng. Đã mất một thời gian dài tôi mới có thể quen với trường cũ, thế mà giờ đây tôi sẽ không được gặp thầy cô và các bạn của tôi nữa. Tôi sẽ phải đến một ngôi trường mới toàn những người xa lạ và chẳng biết gì về mọi thứ. Tôi quá sợ hãi đến nỗi tôi tự hỏi liệu mình có thể chạy trốn trong đêm. Nhưng tôi biết sẽ chẳng có cách nào trốn khỏi ngôi nhà này. Tôi đã là một tù nhân rồi.
Không có búp bê tôi không có gì để ôm ấp. Tôi nhớ chúng rất nhiều. Và tôi nhớ chị Joan. Thậm chí quay trở lại nhà bác Jane cũng vẫn tốt hơn ở đây. Nhưng bà không muốn nuôi tôi nữa. Chẳng ai muốn có tôi. Tôi đã bị từ chối bởi tất cả mọi người và giờ đây tôi chỉ có một mình ở cái nơi khủng khiếp này.
Cuối cùng tôi cũng thiếp đi vì kiệt sức, chỉ thức dậy một vài giờ sau đó trong trạng thái mệt mỏi với đôi mắt sưng húp và đau nhức vì khóc. Tôi mặc đồng phục mới, đi xuống ăn sáng và đi theo những đứa khác đến trường. Tôi không nói lời nào, tôi chỉ cảm thấy trống rỗng, buồn bã và bị bỏ rơi. Tôi chẳng tin có chuyện gì tốt đẹp có thể xảy đến với tôi nữa.
Tài sản duy nhất tôi được phép mang theo tới Ashbrooke Towers là cái túi xách da màu nâu bác Bob cho tôi. Tôi ôm chặt nó trên đường tới trường, đi đôi giày đen nặng, quá lạc lõng và cô đơn đến nỗi không thể nói chuyện với những đứa trẻ đi cùng.
Đến trường tôi được dẫn tới lớp của tôi. Cô giáo rất dễ chịu, nhưng tôi cảm thấy không hiểu nổi và không thể tập trung. Tôi tự lang thang quanh sân chơi vào giờ nghỉ giải lao, và khi vào học tôi chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ.
Những ngày đó thời gian trôi qua chậm chạp kinh khủng. Tôi tuân theo rất nhiều quy định ở Ashbrooke, và phần lớn tôi tránh vướng vào rắc rối, nhưng tôi chỉ là một cô bé nhỏ đau buồn, người đã gây nên đau khổ cho gia đình tôi. Tôi thực sự chẳng mấy quan tâm đến những chuyện xảy đến với mình nữa.
Tôi ở Ashbrooke được vài tháng và chưa khi nào quen nổi nó. Mùa hè mà vẫn cảm thấy lạnh, và chẳng có chỗ nào để sưởi ấm được. Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, chúng tôi cũng bị giam ở ngoài sân. Những hôm trời xấu chúng tôi co cụm chen chúc trong những khe cửa để trú, cố gắng tự làm ấm mình.
Phòng bếp lớn ở tầng hầm có một ô cửa sổ lớn hướng lên sân, và khi trong bếp nóng nực, người đầu bếp sẽ mở cửa sổ cho mát. Mùi thứ ăn sẽ theo đó bay ra sân và những con mắt của chúng tôi sẽ dán vào cửa sổ, nhìn đồ ăn được chuẩn bị đặt trên chiếc bàn gỗ lớn. Đầu bếp là một bà cô đáng yêu thường thương những đứa trẻ bị lạnh cứng ngoài sân. Bà thường để chúng tôi chen chúc quanh cửa sổ tìm hơi ấm, dù bà không dám mở cửa vì sợ bị sa thải. Khi trời lạnh hơn tôi sẽ đặt tay lên trên cửa sổ và bà sẽ cúi người qua bàn và nắm tay tôi để sưởi ấm chúng.
Chúng tôi tự làm ra những trò chơi riêng, treo một cái chăn lên cửa phòng thay đồ để làm bóng với ánh sáng chiếu ra từ phía sau. Hàng giờ liền chúng tôi ở đó diễn những câu chuyện hoặc làm những con rối bằng bóng ánh sáng.
Bộ quần áo duy nhất của chúng tôi là quần áo đồng phục. Cuối tuần một túi quần áo sẽ được mang đến kí túc xá và bày ra. Đó là quần áo mặc cuối tuần của chúng tôi và chúng tôi thường rất hớn hở vì được mặc đồ khác. Ngoại trừ điều đó thì hầu hết các lần chẳng ai tìm được bộ quần áo nào vừa vặn. Chúng tôi lục trong đống quần áo, thử mặc những thứ khác nhau và đổi cho nhau, nhưng cuối cùng vẫn là mặc những bộ quần áo quá rộng hoặc quá chật.
Chúng tôi còn phải đi những đôi giày cao cổ màu đen xấu xí mà tất cả chúng tôi đều ghét. Vì thế chúng tôi để dành một ít tiền nhận được mỗi tuần để mua giày đế mềm. Mỗi ngày khi ra khỏi cổng, chúng tôi sẽ tháo đôi giày đáng ghét ra và giấu chúng trong một cái túi ném trở vào qua bức tường cuối khu vườn, ở đó chúng sẽ lọt thỏm dưới những lùm cây. Chúng tôi sẽ đi giày đế mềm đến trường và rồi cuối ngày chúng tôi sẽ cử ra một đứa - những đứa con trai lần lượt thay phiên nhau - trèo qua tường và ném đống giày ra ngoài. Chúng tôi đổi giày và lại giấu những đôi giày đế mềm trong những bụi cây cho ngày hôm sau.
Người trong gia đình có thể đến thăm, và vì thế thỉnh thoảng chị Joan hoặc chị Greta lại đến và đưa tôi ra ngoài chơi một ngày. Chúng tôi sẽ lên xe buýt tới cảng Seaham để thăm chị Pat - người vẫn đang sống cùng với bác Jen và bác Charlie. Tôi đã từng chơi với những con búp bê của chị ấy và ước gì tôi có thể được ở lại đó với chị mà không phải trở lại Ashbrooke Towers.
Bác Bob cũng đến thăm tôi, và cha cũng đến nữa, dù là hiếm khi thôi. Họ vẫn sống chung trong ngôi nhà ở Pennywell và tôi muốn cha đưa tôi về sống cùng ở đó, nhưng tôi không nói. Tôi biết ông sẽ không đồng ý vì chẳng có ai chăm sóc tôi.
Một ngày, tầm 6 tháng sau khi tôi đến Ashbrooke và ngay sau sinh nhật thứ 9 của tôi, bác Walter bảo tôi đừng tới trường cùng mọi người mà hãy đợi ở hàng lang cửa trước. Tôi làm theo như vậy, tự hỏi không biết có chuyện gì. Tôi nhìn thấy một chiếc xe màu đen to tiến vào cổng và hướng đến cửa trước chỗ tôi đứng. Người lái xe xuống xe và bước đến. “Irene à?”, ông ta hỏi. Khi tôi trả lời vâng, ông ta bảo tôi lên xe. Một trong những người dì chăm sóc đưa cho tôi một túi nhỏ có toàn bộ đồ đạc của tôi trong đó, và chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra mình đang bị chuyển đi.
Đây thực sự là một cách làm việc thật nhẫn tâm, mọi thứ đã được chuẩn bị, không lời giải thích, không lời tạm biệt. Giống như nhiều đứa trẻ khác trước đó, tôi không được ai báo trước và không được phép tạm biệt các bạn tôi. Tôi rất muốn cảm ơn người đầu bếp vì tất cả sự tốt bụng và bàn tay ấm của bà. Nhưng tôi đã bị mang đi xa, và những đứa trẻ khác khi đi học về sẽ nhận ra tôi đã biến mất.
Đó là tháng 11 năm 1959, trời rất lạnh. Tôi ngồi ở ghế sau của chiếc xe, run rẩy, túi đồ đặt trên đầu gối. Chúng tôi đi qua cổng, đi xuống những con đường tôi chưa từng thấy trước đó. Tôi không dám hỏi mình đang được đưa đi đâu, và người đàn ông đó cũng không nói gì, ông ta chỉ nhìn đằng trước và tiếp tục lái xe. Chúng tôi đi qua cầu Alexander - cây cầu bắc qua sông và tôi nhìn thấy những con tàu cùng rất nhiều thuyền nhỏ đậu trên mặt nước, và dù ngồi trong xe tôi vẫn nghe thấy những âm thanh phát ra từ những nhà máy đóng tàu.
Chúng tôi đi tiếp tới một khu khác của thị trấn, hai bên đường là những ngôi nhà ngói đỏ, và đột nhiên tôi nhận ra chúng tôi đang đi qua khu nhà chị Joan. Chúng tôi dừng lại ở con đường bên cạnh đó, Rennie Road - con đường mà thời tôi còn ở cùng chị Joan nó gồm toàn những ngôi nhà xây dở. Đây thực sự là nơi tôi sẽ sống ư? Bây giờ con đường này đã được hoàn tất, và nơi trước kia chẳng có gì ngoài khung nền móng và bê tông và gạch vụn thì nay đã là những ngôi nhà mới.
Ngôi nhà chúng tôi dừng bên ngoài trông cũng giống những ngôi nhà khác, ngoại trừ việc nó có vẻ dài hơn và có một mái hiên nhỏ cùng những bậc thang dẫn lên cửa trước. Nó nhỏ hơn nhiều so với Ashbrooke Towers và nhìn giống như một ngôi nhà gia đình hơn là trại trẻ. Người lái xe bảo tôi xuống xe, và tôi xuống trước, đợi ông ta lấy hành lí của tôi xuống.
Cánh cửa trước nhà được mở ra một một người phụ nữ nhìn đầy đặn và thân thiện. Bà nói với tôi “Cháu hẳn là Irene”. Đứng bên cạnh bà là một cậu bé với đôi mắt màu xanh đậm và mái tóc vàng. Cậu mặc một cái quần sooc dài qua đầu gối và một cái áo ba lỗ, có cùng kiểu tóc cắt ngắn và cạo hai bên giống tất cả bọn con trai ở trung tâm chăm sóc. Cậu cười với tôi, và nhìn cậu tôi cảm thấy lòng mình ấm áp. Tôi chắc chắn tôi nhận ra cậu, nhưng tôi không thể nghĩ ra được đã nhìn thấy cậu ở đâu. Như thể tôi đã biết cậu, nhưng chắc chắn sao tôi có thể biết được chứ? Bằng cách nào đó tôi biết cậu bé đang mỉm cười này sẽ là bạn của tôi. Có lẽ ở đây sẽ không quá tệ. Tôi mỉm cười lại với cậu ấy và bước vào trong.