Đó là một ngày trời lạnh và xám xịt. Tôi ngồi trong phòng sinh hoạt chung, trên bậu cửa sổ, nhìn ra ngoài. Con đường vắng tanh và những cánh đồng ở phía xa.
Tôi bảy tuổi, mẹ tôi đã chết, và tôi không biết bố và các anh trai tôi ở đâu, hay liệu tôi có thể gặp lại họ hay không. Tôi đã bị mắc kẹt ở nơi này, nơi tôi phải tuân theo vô số những luật lệ và chẳng có ai ở đây tỏ ra thân thiện.
Chính lúc đó, một chiếc xe hơi lớn màu đen rẽ vào khúc quanh và dừng lại trước cửa ngôi nhà. Một người đàn ông bước ra, và sau đó là một cô bé. Cô bé nhỏ hơn tôi, mái tóc màu đỏ cắt ngắn kiểu bát úp thông thường, mặc một chiếc áo không tay màu xám đám con gái vẫn mặc, đi đôi giày cao cổ nhỏ màu đen.
Tôi nhìn theo khi cô bé đi theo người đàn ông bước đến cửa trước. Chợt có gì đó vụt lên trong lòng tôi. Tôi biết cô bé! Tôi không rõ ở đâu hay như thế nào. Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau, nhưng tôi biết cô bé. Như thể mọi thứ bừng sáng và tôi cảm tưởng như mình có thể chạy hàng dặm cùng cô mà không bao giờ mỏi mệt.
Chợt tôi hiểu rằng mình sẽ không còn cô đơn nữa. Tôi nhảy xuống khỏi bậu cửa sổ và chạy tới mở cửa. Tôi đứng ở hành lang nhìn dì Doris dẫn cô bé lên cầu thang cất đồ. Tôi biết mấy phút nữa thôi cô bé sẽ xuống đây cho bữa xế. Tôi rất háo hức được gặp cô bé nên tôi quanh quẩn dưới chân cầu thang. Khi cô bé bước đến chúng tôi mỉm cười với nhau lần nữa và hỏi tên nhau. Cô ấy bảo với tôi tên cô là Irene. Tôi dẫn cô đi vòng quanh một lượt cho đến khi dì Doris nhắc đã đến giờ ăn. Trong phòng ăn có một cái bàn gỗ dài để 13 đứa trẻ chúng tôi ngồi quanh lúc ăn. Con trai ngồi một bên và con gái ngồi một bên. Thỉnh thoảng bên con gái có nhiều hơn hoặc ngược lại, tùy thuộc xem lúc đó có ai rời đi và ai mới đến. Nhưng ngay cả khi một bên quá chật và một bên quá rộng thì con trai và con gái cũng không được phép ngồi cạnh nhau. Thời đó con trai và con gái không được phép ngồi cùng hay chơi cùng nhau, trừ khi chơi chung trong cả một nhóm đông người. Nhưng chuyện chơi nhóm đông như thế cũng bị hạn chế và những đứa trẻ quá thân thiện - dù còn quá nhỏ - cũng sẽ bị phạt. Vì thế Irene ngồi ở bên kia bàn, và tôi ngồi bên này, mỉm cười ngượng nghịu với cô bất cứ khi nào dì Doris quay đi.
Sau bữa ăn chúng tôi đều phải làm việc. Tôi bận bịu với việc cọ giày, những đứa khác thì lau bàn, lau nhà hoặc giặt giũ, là ủi hoặc vá quần áo. Tối hôm đó tôi và Irene không có cơ hội nói chuyện, nhưng tôi lại mỉm cười với cô khi chúng tôi lên giường đi ngủ, và cô cười lại với tôi. Và đêm đó tôi nằm trên giường, sung sướng nghĩ rằng mình đã có một người bạn, một người bạn thực sự. Tôi vẫn có cảm giác rõ ràng là tôi đã biết cô.
Những ngày sau đó tôi lúc nào cũng tìm cơ hội trò chuyện với Irene. Tên bọn trẻ gọi cô bé là Rusty, bởi vì mái tóc màu đỏ của cô, và cái tên đó thật tuyệt - nó hợp với cô biết bao! Mặc dù những quy định rất nghiêm ngặt, chúng tôi vẫn tìm cách lén chơi cùng nhau. Chúng tôi phải rất cẩn thận nên chỉ nói chuyện khi các dì không ở đó.
Chúng tôi đã ngồi phía sau tấm rèm trong phòng chơi. Bệ cửa sổ đủ rộng để ngồi lên, vì thế chẳng ai phát hiện ra chúng tôi, đó là một nơi trú ẩn hoàn hảo. Và ở trong không gian ấm cúng đó chúng tôi nói chuyện với nhau bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi có rất nhiều điểm chung - Irene là một trong số bốn chị em gái, tôi là một cậu bé trong gia đình có 4 anh em trai, và cả hai chúng tôi đều bị đưa đến trại trẻ vì chúng tôi đã mất mẹ khi còn quá nhỏ. Tôi chưa bao giờ kể chuyện mẹ tôi mất cho bất kì ai, nhưng bằng cách nào đó tôi đã có thể kể cho Irene nghe chuyện đó, thậm chí kể với cô ấy tôi cảm thấy thế nào. Tôi nói với cô ấy tôi nhớ cha và các anh tôi nhường nào. Và cô ấy nói cô ấy cũng nhớ cha và các chị của cô. Thật tốt khi biết rằng có ai đó hiểu được cảm giác mất mẹ rồi mất cả gia đình và bị đưa đi đến những nơi xa lạ.
Cũng ấm áp như chỗ trú ẩn bên bệ cửa sổ là những lúc chúng tôi ở bên ngoài, đó là những khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Đồi Bunny nằm ngay cuối đường, chỉ cách đó một vài thước. Tất cả chúng tôi được phép lên đồi chơi vào cuối tuần, và những lúc đó tôi và Irene thường lén tách ra khỏi những đứa khác và có những chuyến phiêu lưu cùng nhau. Chúng tôi đã từng ngồi bên kia đồi, nơi có thể nhìn xa hàng dặm, nhìn xuống lâu đài Hylton hơn 400 năm tuổi bên dưới. Phía sau nó là một cánh rừng trải dài đến bờ sông và đến chỗ đài tưởng niệm Penshaw ở phía xa. Đó là một công trình lớn tốn kém và phí phạm, xây dựa trên lối kiến trúc của những ngôi đền Hy Lạp cổ đại đứng đó đầy tự hào và oai vệ trên một ngọn đồi cách đó vài dặm.
Chúng tôi ngồi trên sườn đồi, nhìn những chiếc máy bay tiến đến từ sân bay ở phía xa. Đó là một chốt RAF trong chiến tranh và bây giờ được dùng để huấn luyện nhảy dù. Thỉnh thoảng những chiếc máy bay bay đến khá gần chỗ chúng tôi ngồi, và chúng tôi đã nhìn những chiếc dù màu trắng cuộn phần phật trong gió và những thân hình nhỏ tí treo lơ lửng bên dưới chúng. Chúng tôi thường vẫy tay điên cuồng, nghĩ rằng họ có thể nhìn thấy mình.
Khi có cơ hội, chúng tôi sẽ đi xuống đồi và băng qua đường. Việc này bị cấm nghiêm ngặt, nhưng tính khao khát phiêu lưu của chúng tôi đã thắng. Chúng tôi trèo qua bức tường đá và nhằm hướng tòa lâu đài tiến đến cho đến khi chúng tôi tới chỗ rừng cây vốn vẫn nhìn thấy từ phía xa. Thật tuyệt vời khi đi bộ dưới những tán cây. Chúng tôi đã quen với gạch và những bức tường, vì thế cảm giác trên đường ngập lá thật ngoài sức tưởng tượng. Đó là những cây hoa chuông với mùi thơm thật ngọt ngào, những đóa hoa xanh mỏng manh như trải thảm trên nền đất vào mùa xuân và Irene hái hàng bó, mặc dù cô không thể mang chúng về nếu không muốn chúng tôi bị tống khứ khỏi nhà.
Đây trở thành nơi đặc biệt của chúng tôi. Sự bình yên tĩnh lặng và những màu sắc kì diệu của hoa chuông bỗng thật như một phép màu, và chúng tôi giả vờ coi nó như nhà của chúng tôi. Chúng tôi đi tới chỗ con sông phía bên kia bìa rừng, cứ đi dọc bờ sông cho đến khi tìm thấy một nhà thờ nhỏ đã được xây dựng từ rất lâu, bây giờ đã bị bỏ hoang và đầy cỏ mọc. Một nơi bé nhỏ, cỡ chỉ bằng một căn phòng, nhưng cánh cửa cũ kĩ luôn luôn mở rộng và chúng tôi đã từng ở đó trú mưa, trốn chạy khỏi thế giới bên ngoài. Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế cũ, chuyện trò trong tiếng thì thầm bởi vì đây là một nhà thờ, giọng nói lặng lẽ của chúng tôi cũng vang vọng lên khắp những bức tường đá.
Chúng tôi thích nhìn những luồng ánh sáng màu sắc xuyên qua những ô cửa sổ kính màu, và nhìn ánh sáng chiếu lên cánh cửa có đôi lúc bị tắt mất khi có những đám mây bay ngang qua che mất ánh sáng mặt trời. Đôi khi ở nơi huyền bí này chúng tôi quên bẵng mất thời gian, và khi nhận ra đã muộn chúng tôi phải chạy hết tốc lực về nhà, thở hổn hển suốt đoạn đường leo lên sườn đồi.
Chắc chắn chúng tôi không bao giờ về nhà cùng nhau, nên một trong hai đứa sẽ đợi, hoặc về cùng với những đứa trẻ khác. Nếu về muộn chúng tôi sẽ bị phạt. Tôi sẽ bị bạt tai, bị giao thêm việc rồi sau đó sẽ phải đi ngủ, lúc nào cũng như vậy. Hoặc ít nhất thì tôi cảm thấy mọi thứ sẽ mãi kéo dài như vậy. Còn Irene thì lớn tuổi hơn nên hình phạt sẽ nặng hơn - cô ấy sẽ phải làm việc gấp ba lần và đi ngủ sớm trong suốt một tuần. Nên chúng tôi phải chạy như bay để tránh gặp rắc rối.
Tôi vốn luôn là một đứa trẻ ưa mạo hiểm. Một ngày khi đang ở bên ngoài chơi cùng Irene và những đứa trẻ khác tôi đã tự khơi mào để chứng minh với Irene rằng tôi là người dũng cảm nhất. Ở sườn đồi chỗ chúng tôi chơi có một cái hầm trú bom cũ được xây ẩn vào trong đồi. Chúng tôi không biết cánh cửa vào hầm ở chỗ nào, chỉ có một khe bê tông hẹp có thể những người ở bên trong dùng để nhìn ra bên ngoài.
Vì cái khe đó rất hẹp nên hầu hết bọn trẻ không thể chui vào bên trong. Nhưng 2 trong 3 đứa nhỏ hơn, trong đó có tôi, có thể chui lọt. Chúng tôi sẽ chui qua khe hở vào bên trong hang, chỉ để từ khe hở đó nhìn ra bên ngoài. Bên trong hang tối đen, vì thế không ai dám đi sâu vào nữa, mặc dù có lối vào đường hầm ở phía sau.
Ngày hôm đó tôi đã lấy hết can đảm để khám phá đường hầm đó. Tôi bước chầm chậm, dựa vào tường để cảm nhận đường đi vì bên trong quá tối đến nỗi không thể nhìn thấy gì. Tất cả những câu chuyện tôi từng được nghe kể, về những hố đen trên mặt đất mà khi rơi xuống sẽ không thể lên được và về những con quái vật đợi chờ trong bóng tối, ào đến trong tâm trí tôi, nhưng tôi cố gạt đi, nghĩ đến Irene đang ở bên ngoài đợi tôi cùng những người khác. Đường hầm đi sâu vào trong khoảng 50 feet. Đường đi hơi uốn cong một chút và khi đi qua khúc quanh tôi không còn nhìn thấy ánh sáng le lói từ khe hở ở lối vào nữa. Tôi càng sợ hơn, nhưng ngay khi đứng trong bóng tối tôi lại càng quyết tâm tìm xem cái gì ở cuối đường hầm. Nó giống như một bài kiểm tra, và tôi sẽ không bỏ cuộc.
Cuối cùng, rất lâu sau khi lần mò đường dựa vào bức tường thô ráp, tôi nhìn thấy một khe nứt đủ cho ánh sáng lọt vào và tiến đến. Ở đó có một đoạn dốc đi lên một cái lỗ. Hơi khó để lên được đến chỗ cái lỗ đó, nhưng nó to hơn hẳn khe nứt tôi đã lách vào. Tôi vô cùng phấn khích - điều này có nghĩa là tất cả bọn trẻ sẽ đều có thể vào được hang bằng đường này. Tôi vạch ra một đám dày cây tầm ma, bảo sao chúng tôi không nhìn thấy lối vào: nó đã hoàn toàn bị dải cây này che mất. Chân tay tôi đau nhói. Nhưng khi tôi chạy lại chỗ bọn trẻ tôi đã trở thành anh hùng - ít nhất trong ngày hôm đó. Chúng rất sung sướng khi tất cả đều đã có thể chui vào trong hang, và khi chúng nhốn nháo hết cả lên Irene mỉm cười và nói thầm với tôi “Giỏi quá”. Sau đó tất cả chúng tôi chơi trong hang, và những cậu bé lớn hơn lại dùng nơi này khi họ muốn lén hút thuốc.
Bài học vĩ đại tôi học được ngày hôm đó đã dẫn dắt tôi qua nhiều thử thách sau này. Lần tìm đường đi trong căn hầm đó dạy tôi rằng khi bạn ở nơi tối tăm nhất, sẽ luôn có ánh sáng ở ngã rẽ tiếp theo. Tất cả những gì bạn cần là sự kiên trì và một chút lòng tin sẽ chạm đến đích, và bạn chỉ cần vượt qua nỗi sợ hãi trong phút chốc để tiến tới vinh quang.
Trước khi gặp Irene tôi bị coi là một đứa trẻ phiền hà nghịch ngợm. Tôi không bao giờ tập trung nổi dù chỉ một lúc. Bất cứ khi nào tôi định tập trung, trí tưởng tượng của tôi lại đưa tôi đến những thế giới khác, đặc biệt là khi tôi ở trường. Tôi luôn gặp rắc rối, chủ yếu là vì tôi thường quên mất thời gian và bị cuốn vào trò chơi nào đó. Có quá nhiều luật lệ nên làm sao có thể không phạm quy được. Và mỗi lần như thế tôi lại bị phạt, hết lần này đến lần khác. Nhưng từ khi có Irene, tôi bắt đầu người lớn hơn. Biết rằng mình có một người bạn thực sự đã giúp tôi hài lòng hơn với mọi thứ. Tôi bắt đầu tiến bộ ở trường và cư xử tốt hơn, và trở thành - gần như là - một cậu bé mẫu mực. Tôi cảm thấy mình chững chạc hơn và có thể tập trung vào những gì tôi làm. Tôi cũng học được cách che giấu phần ngỗ ngược ở tôi để tránh bị chú ý, vì nếu như vậy tôi sẽ khó ở cùng với Irene hơn.
Dù tôi và Irene cố hết sức để che giấu sự khăng khít giữa chúng tôi, tất cả bọn trẻ đều biết, và có vài anh lớn hơn đã ghen tị. Vì cô ấy 9 tuổi và tôi chỉ mới 7 tuổi, họ nghĩ cô ấy nên chú ý tới họ chứ không phải tôi, vì thế nên họ bắt đầu trêu chọc cô. Có một lần năm đứa bọn chúng đã bắt đầu gây sự với cô, đẩy cô và chửi bới. Tôi đã lao vào họ trong cơn giận dữ. Nhưng một mình tôi sao địch lại nổi họ, nên cuối cùng tôi đã bị chảy máu mũi, nhưng tôi cũng đã khiến hai thằng trong số chúng bị thương nặng đến nỗi chúng không bao giờ dám trêu Irene nữa.
Phần lớn thời gian bọn con trai trong nhà tụ tập chơi với nhau. Chúng tôi gặp một vài đứa con trai quanh vùng vào cuối tuần và cùng tụ tập trên đồi Bunny. Chúng tôi tự gọi mình là Người Redhouse vì nhà chúng tôi ở khu cư xá Redhouse. Dưới chân đồi, không xa lâu đài Hylton là mấy, có một khu cư xá nữa đang được xây dựng. Toàn bộ nơi đó như một công trường xây dựng, thật tuyệt với chúng tôi. Chúng tôi chơi giữa những đống gạch và gỗ. Những đứa trẻ khu này được gọi là Người Lâu đài và là kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi. Cả hai nhóm đều tin rằng ngọn đồi thuộc về mình, và mỗi bên đều quyết tâm trừng phạt những kẻ xâm lấn đến từ băng nhóm của đối thủ.
Hai nhóm thường xuyên gặp gỡ và đánh nhau. Phần lớn thời gian là ném đá, còn lại là vật nhau, đá và đấm - gây nên hậu quả là những đôi mắt tím đen cho cả hai bên. Thường thì chúng tôi thắng vì chúng tôi đông hơn - khoảng 20 thằng tất cả. Thỉnh thoảng bọn con gái cũng tham gia cùng. Irene khá giống một cô nàng tomboy, cô ấy có thể đánh trúng mang tai một đứa con trai làm nó bò lê bò càng chỉ trong nháy mắt, và cô có thể đá như một con la. Bọn con trai đều tránh đụng phải đôi giày đen bé nhỏ của cô, chúng vừa nhanh vừa cứng.
Một lần bọn trẻ Rennnie Road chúng tôi đang chơi trên đồi thì tôi đi lang thang và đụng phải nhóm đối thủ gồm toàn những đứa Người Lâu đài ở dưới chân đồi. Tôi đã nghĩ mấy đứa đó cùng hội với mình. Khi tôi nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn và tôi đã bị bắt giữ. Tôi bị bọn chúng xét xử như là gián điệp và bị ra lệnh phải thú nhận tội. Đầy can đảm, tôi từ chối nên đã bị kết tội và kết án treo cổ.
Tôi cũng chẳng nghĩ gì cho đến khi tôi nhìn thấy một cái cây ở đó và bọn chúng có một cái hộp và một sợi dây thừng. Lúc đó tôi bắt đầu hơi lo lắng, vì bọn chúng bắt tôi đứng lên cái thùng với một cái thòng lọng quanh cổ tôi, đầu dây còn lại buộc vào cái cây phía trên tôi. Nhưng tôi vẫn không nghĩ chúng thực sự sẽ làm gì mình, cho đến khi cái hộp bị đá ra chỗ khác. Cú sốc thật quá lớn. Đột nhiên tôi bị treo lủng lẳng và sợi dây thừng thắt chặt quanh cổ tôi. Tôi không thể nói gì cũng không thể la hét; tôi bị ngạt thở và cố gắng nắm lấy sợi dây thừng. Nhưng tôi càng cố gắng xoay sở bao nhiêu thì sợi dây càng thắt chặt thêm bấy nhiêu.
Khi bọn Nhà Lâu đài nhận ra những gì chúng đã làm, chúng đã hoảng loạn và thay vì giúp tôi chúng lại chạy biến. Tất cả đều biến mất. Hoảng sợ, tôi cứ nhìn theo khi cả đám bọn chúng chạy xuống dưới chân đồi. Thở hổn hển, tôi biết mình đã thực sự gặp rắc rối. Nếu sợi dây thắt chặt hơn nữa, tôi sẽ bất tỉnh, và thế là xong.
Tôi không muốn chết! Tôi phải tìm cách thoát ra.
Cố gắng để không hoảng sợ, tôi xoay sở nắm lấy sợi dây phía trên đầu và rướn lên để tay kia của tôi có thể nắm được cành cây nơi sợi dây đang được buộc vào. Tôi là một đứa trẻ dẻo dai mạnh mẽ và may mắn là tôi không quá nặng, vì thế tôi có thể đẩy người mình leo lên trên cành cây, và sau đó nới lỏng sợi dây quanh cổ, tháo nó ra và nhảy xuống đất.
Tôi nằm đó thở hổn hển trong vài phút. Không khí chưa bao giờ ngọt ngào đến thế. Tôi ôm tay quanh cổ. Tôi có thể cảm nhận được lớp da trầy trụa của mình và tôi nhăn mặt. Tôi đã bị dây thừng cứa vào cổ đến bỏng rát, và cổ họng tôi bị thương - cả bên trong lẫn bên ngoài.
Tôi từ từ đứng lên và bắt đầu đi bộ về Rennie Road. Tôi biết mình đã bị muộn, nhưng ít nhất tôi cũng có thể kể với mọi người chuyện gì đã xảy ra. Khi tôi rẽ vào khúc quanh tôi nhìn thấy dì Nan đang đứng ở bậc thềm trước cửa. Khi bà nhìn thấy tôi, bà đã túm lấy tôi và áp tải tôi vào nhà.
“Mày không biết mày đã làm gì đâu, cậu bé, nhưng mày gặp chuyện lớn rồi đấy”, bà quát tháo. “Mày về quá trễ và tất cả chúng ta đã phải ra ngoài tìm mày.”
“Cháu có thể giải thích,” tôi nói, và kể lại câu chuyện bị bắt bởi bọn Nhà Lâu đài.
“Vớ vẩn”, dì Nan khịt khịt mũi. “Tao không biết mày đã làm gì với chính mày, nhưng dựng lên chuyện những đứa trẻ khác bắt giữ mày làm con tin và treo mày lên thì thật là nực cười. Mày sẽ bị đòn và phạt ở trong nhà một tuần.”
Tôi cố gắng giải thích, nhưng dì Nan không quan tâm. “Nói thêm một câu nào nữa thì hình phạt sẽ nặng hơn đấy,” bà rít lên, kéo tai lôi xềnh xệch tôi lên văn phòng.
Bà đánh tôi rất đau, nhưng sự bất công mới khiến tôi đau đớn hơn. Đêm đó tôi nằm trên giường tức tưởi và giận dữ, căm ghét bà ta và ước rằng tôi có thể kể với Irene chuyện gì đã xảy ra. Tôi biết cô ấy sẽ tin tôi.
Tuần sau đó tôi phải ở trong nhà cả tuần khi mà những đứa khác được ra ngoài chơi. Chuyện đó thật khó khăn. Tôi ghét bị giam cầm và mong mỏi được chạy nhảy. Và tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc khi người ta không tin tôi. Sao tôi có thể tin tưởng những người lớn được cơ chứ, khi mà họ không chịu nghe sự thật?
Tuần đó tôi không có nhiều cơ hội nói chuyện với Irene, nhưng vào những giờ ăn cùng nhau và bất cứ khi nào chúng tôi đi qua nhau cô đều lén dành cho tôi những ánh mắt cảm thông, và tôi biết cô rất thương tôi.
Cuối tuần đó tôi rất sung sướng vì được ra ngoài, và ngay lập tức nhóm chúng tôi trả thù bọn Người lâu đâì. Chúng tôi bắt giữ 3 tên trong số chúng và giữ làm tù binh. Chúng bị kết tội làm gián điệp và bị đưa đến mỏ đá sa thạch ở bên kia đồi. Chỗ đó luôn luôn ngập nước, sâu bốn hoặc năm feet gì đó - sẽ chẳng là gì nếu bạn biết bơi, nhưng nhiều đứa trẻ ở đó vốn không biết bơi.
Những tù nhân bị đưa tới cạnh hố nước và bắt phải quỳ xuống, nhìn xuống mặt nước cách mặt đất khoảng 20 feet. Chúng được hỏi sẽ tự nguyện làm gián điệp cho chúng tôi hay muốn bị ném xuống nước để trả thù cho vụ treo cổ của tôi. Cả 3 đứa đều rất dũng cảm và từ chối làm gián điệp. Nhưng tôi không thể tin nổi một đứa trong nhóm tôi - nó có tên là Cổ Cao su - đã chạy ra phía sau ba tên gián điệp kia và nhanh như chớp, đẩy tất cả xuống hố. Và thế là chúng rơi xuống, mỗi đứa khi chạm đến mặt nước đều gây ra một tiếng “ùm” lớn và rồi chìm xuống. Nước rất lạnh và chúng lại trồi lên trên mặt nước, quẫy đạp và la hét. May thay tất cả bọn chúng đều xoay sở vào được đến bờ, và khi đã ở bên bờ bên kia, thoát khỏi chúng tôi, chúng hét lên những lời chửi rủa và thề hứa sẽ trả thù.
Cổ Cao su có tên thật là Ray. Nó là một đứa trẻ cỡ tám hay chín tuổi, gầy nhẳng và cao. Nó có biệt danh như thế vì mỗi khi bị ngã hoặc bị đánh trúng, nó thường bật dậy ngay lập tức và không bao giờ bị thương. Nó không phải là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, nhưng thỉnh thoảng nó có thể rất tinh ranh. Vì thế khi chúng tôi cần ai đó cho một nhiệm vụ bí mật, chúng tôi đều đề cử Cổ Cao su.
Nhiệm vụ lần này là một bài kiểm tra thực sự về độ nam tính, một bí mật không bao giờ được tiết lệ, một cuộc chiến khó nhằn: nó phải lấy kẹo cho tất cả chúng tôi, lúc đêm khuya.
Chúng tôi đều có một ít tiền tiêu vặt mỗi tuần, đủ để mua một cuốn truyện tranh hoặc một ít kẹo. Nhưng ngoài số đó ra chúng tôi không bao giờ có thêm gì khác, và chúng tôi nghe nói có một nhà máy đầy kẹo ở bên kia thị trấn.
Như một sự trừng phạt, một trong những đứa nhỏ hơn được chọn đi cùng Cổ Cao su. Chúng tôi gọi thằng đó là Sổ mũi vì nó luôn luôn như vậy. Nó sụt sịt rồi để nước mũi nhỏ tong tong và lau mũi vào ống tay áo. Và lúc nào nó cũng đeo một cặp kính cận viền dày màu đen luôn có một mẩu băng dính ở mặt trước viền kính. Nó được lệnh đi theo Cổ Cao su, giúp Cổ cao su nếu thằng này gặp rắc rối và chạy về thông báo với mọi người nếu Cổ Cao su bị bắt. Ai cũng biết Cổ Cao su sẽ làm bất cứ điều gì một khi nó đã được thách đố, nên lúc nào nó cũng cần có người cứu hộ.
Hai đứa nó đi ra ngoài, trèo qua cửa sổ phòng ngủ lúc nửa đêm, nhằm hướng nhà máy kẹo gần sân bóng Roker Park ở bên kia thị trấn. Chúng len lỏi xuống đường, tránh những ánh đèn đường và những viên cảnh sát đi tuần theo giờ. Ngày đó xe cộ trên đường rất thưa thớt, đặc biệt là vào ban đêm, ngoại trừ những chiếc xe thùng Black Maria của cảnh sát chuyên đi bắt những kẻ say xỉn. Nên nếu có ánh đèn le lói, hai đứa nó sẽ nhanh chóng trốn cho đến khi xe đi qua.
Sau một vài giờ săn lùng chúng cũng tìm thấy nhà máy. Chúng len lỏi quanh bức tường phía sau nhà máy và trèo theo một đường ống thoát nước lên trên mái nhà dốc. Mái nhà khi đó là những tấm tôn xi măng lượn sóng loại giòn, rất dễ bị vỡ. Cổ Cao su bắt đầu bước trên đó và nhanh chóng bị rơi xuyên qua mái nhà, với một tiếng vỡ lớn. Nó hạ cánh xuống sàn nhà máy cách mái khoảng 20 feet, và lại ngồi dậy mà không hề bị thương chút nào. Khi mắt nó đã quen với ánh sáng mờ mờ, nó bắt đầu nhìn quanh. Nó đã ở thiên đường, bao quanh bởi những giá nối tiếp giá đựng mọi loại kẹo và sô cô la trên đời! Và cứ hết hàng giá nọ đến hàng giá kia! Nó gần như không thể di chuyển nổi vì phấn khích.
May mắn thay trợ tá của nó đã được đưa cho một cái vỏ gối phòng khi xảy ra những điều không thể. Sổ mũi ném cái túi xuống và Cổ Cao su bắt đầu nhét đầy bánh kẹo vào đó trong lúc vùi mặt vào đống sô cô la trong không gian tranh tối tranh sáng của nhà máy. Cuối cùng nó cũng trèo đến góc tường và chui qua lỗ hổng trên mái nhà. Trợ tá của nó cũng đã được ăn ngay tại chỗ, và bởi vì Sổ mũi có chút linh hoạt hơn, nên nó đã che lại chỗ mái nhà bị vỡ để che đậy dấu vết của chúng.
Chúng trở về qua cửa sổ phòng ngủ vào khoảng 4 giờ sáng. Chúng tôi đã choáng váng và vui mừng như điên dại khi Ray ôm vào cái túi to phồng và khi câu chuyện được kể lại, hỗ trợ bởi người bạn đồng hành mồm miệng nhoe nhoét sô cô la của nó. Chúng chính thức nhận được những lời khen ngợi và xu nịnh của chúng tôi, sau đó chúng tôi bắt đầu thì thầm, to hết mức có thể, “Cái túi, cái túi!”
Cổ Cao su cởi cái túi ra, chúng tôi vây quanh nó, và kiễng chân ngó xuống. Cái túi đổ ra, hàng đống - kẹo cao su! Không có một cái kẹo nào khác, chỉ toàn những hộp kẹo cao su. Chúng tôi suýt chút nữa đã giết nó. Nhưng chúng tôi đã khám phá ra một nguồn cung cấp kẹo vĩnh viễn, và cứ mỗi tháng sau đó một vài đứa con trai dũng cảm lại được chọn để làm nhiệm vụ.
Tôi luôn chia phần kẹo của mình cho Irene, nhét chúng vào túi cho đến khi chúng tôi có thể lẻn đi đâu đó một, hai tiếng và nằm trong rừng, má phồng lên vì bánh kẹo khi chúng tôi ngắm những đám mây trôi trên đầu mình. Chúng tôi đã từng tưởng tượng mình sẽ đi đâu và ở nơi đó sẽ như thế nào. Chúng tôi sẽ nói về những cuộc chạy trốn và đến sống trong rừng hoa chuông, chỉ có hai chúng tôi, tự do và hạnh phúc.
Chúng tôi chia sẻ với nhau rất nhiều mơ ước. Tất cả những mơ ước đều bắt nguồn từ những cuốn sách thiếu nhi đều có câu chuyện về một ngôi nhà tranh lợp mái rạ bao quanh bởi những bông hoa tươi sáng - nơi đó luôn luôn ấm áp, có một phụ nữ to lớn vui vẻ nướng bánh mì và bánh ngọt cho rất nhiều những đứa trẻ hạnh phúc sống ở đó. Chúng tôi biết ở đó giường ngủ sẽ rất mềm mại với những cái gối lớn và những cái chăn nhiều hoa văn, và ánh mặt trời sẽ luôn chiếu qua những ô cửa sổ nhỏ.
Đôi khi, lúc đi bộ trở về Rennie Road, chúng tôi sẽ nhìn qua cửa sổ của những ngôi nhà trên đường để thấy những lò sưởi ấm áp, những chiếc thiệp mừng sinh nhật đặt trên bệ lò sưởi và những đứa trẻ chơi trong nhà. Chúng tôi thấy mẹ chúng ôm hôn chúng và bọn chúng đều cười, khi đó liền tự hỏi “Tại sao đó không phải là chúng tôi?” Tại sao chúng tôi không thể sống trong một ngôi nhà như vậy, với ai đó yêu thương chúng tôi?
Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn còn có nhau. Có một ngày, ngồi trên đồi xem nhảy dù, tôi đã nói với Irene rằng khi nào lớn lên tôi sẽ cưới cô. Cô suy nghĩ một lúc rồi nói cô cũng sẽ cưới tôi, và chúng tôi bắt tay để niêm phong hẹn ước. Sau đó chúng tôi lén trao nhau một nụ hôn, rất nhanh thôi. Một cái chạm nhẹ của đôi môi, một khoảnh khắc của niềm hạnh phúc thuần thiết vương vấn mãi trong tôi suốt nhiều năm về sau.