Trước khi đến Rennie Road và gặp Alan, tôi đã trải qua một cuộc sống chỉ tuân theo mệnh lệnh của những người lớn quanh tôi. Như thể tôi đeo một miếng che mắt, ngậm miệng lại và kìm nén tất cả những cảm xúc đau đớn trong lòng. Tôi làm những gì tôi được bảo làm, và học cách không trông chờ những điều tốt đẹp sẽ đến bởi vì cuộc đời tôi đã có quá nhiều mất mát. Nhưng khi cánh cửa Rennie Road mở ra và Alan ở đó đợi tôi để nói lời chào, mọi thứ đã thay đổi.
Tôi chưa từng được chào đón một cách thân thiện như thế. Ngày hôm đó tôi bước lên cầu thang với dì Doris, cầu mong cậu bé đáng yêu đó sẽ ở đó khi tôi trở xuống. Và cậu ấy ở đó thật. Giây phút ấy tôi biết mình đã có một người bạn thật sự.
Chính Alan đã dẫn tôi đi vòng quanh giới thiệu và khiến tôi cảm thấy mình được chào đón ở đây. Sau đó chúng tôi chơi cùng nhau hoặc ngồi nói chuyện với nhau bất cứ khi nào chúng tôi có thể. Và có gì đó trong lòng tôi - vốn trống rỗng - đã được lấp đầy. Tôi biết mình có thể dựa vào Alan, và tin tưởng cậu ấy. Cậu ấy sẽ ở đó vì tôi, dù bất kể chuyện gì xảy ra.
Mặc dù Rennie Road giống một ngôi nhà thật sự hơn, tôi cũng sớm phát hiện ra những quy tắc ở đây nghiêm ngặt chẳng khác gì Ashbrooke Towers. Ở đây có một phòng khách lớn và một phòng chơi, hai phòng ngăn cách nhau bởi một bức vách gỗ có thể gấp lại được. Tôi đã bị ấn tượng bởi chiếc TV đặt trong phòng khách, vì trước đó tôi chưa từng nhìn thấy TV. Có một phòng ăn và một phòng bếp, bên ngoài là một khoảng sân sau lát gạch để bọn trẻ chơi và phơi đồ.
Trên lầu là phòng ngủ. Hai dì mỗi người đều có riêng một phòng ngủ - những căn phòng đó lúc nào cũng được khóa. Có một phòng ngủ lớn cho sáu đứa trẻ và hai phòng ngủ nhỏ hơn cho bảy đứa còn lại. Tôi được xếp vào phòng nhỏ nhất, ở chung với hai người nữa, một chị lớn hơn và một đứa nhỏ hơn tôi. Tôi cố gắng kết bạn với hai người họ, nhưng họ nói chuyện với nhau và lờ tôi đi nên cuối cùng tôi đã phải bỏ cuộc. Sau đó tôi phát hiện ra chẳng ai ở mãi trong một phòng. Việc phân chia phòng phụ thuộc vào việc lúc đó trong nhà có bao nhiêu con trai và con gái, và bạn có thể bị chuyển từ phòng này sang phòng khác khi có một đứa trẻ chuyển đến hoặc chuyển đi. Điều này thực sự đáng lo ngại, vì bạn sẽ không bao giờ có không gian riêng của mình quá lâu.
Mặc dù 2 người bạn cùng phòng có vẻ không muốn chơi với tôi, có một vài người khác có vẻ thân thiện hơn. Họ đặt biệt danh cho tôi là Rusty, cũng chẳng sao vì hầu như ai cũng có biệt danh nào đó. Có một vài đứa có vẻ gặp khó khăn. Có một cặp chị gái và em trai nhỏ đến trước tôi không lâu, tầm năm hay sáu tuổi gì đó và cả hai đều rất gầy với hai hốc mắt khô nhợt xanh xao mỗi khi họ khóc nhiều. Họ nhìn như thể bị suy dinh dưỡng và lúc nào cũng có vẻ sợ hãi và co rúm vào nhau. Tôi thường tự hỏi không biết điều gì đã làm tổn thương họ đến thế, tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt nhỏ bé hốc hác của họ. Và mặc dù họ có vẻ như cần nương tựa vào nhau rất nhiều thì ngôi nhà này vẫn có những luật lệ cần được tuân thủ, nên họ không được phép ngủ chung trong một phòng.
Rennie Road có 3 nhân viên: Dì Doris, dì Nan và bác Margaret là người dọn dẹp. Dì Doris có thân hình khá đầy đặn và ưa nhìn, với mái tóc ngắn uốn màu nâu xám. Bà là một người rất khắt khe trong việc phải tuân thủ những quy tắc, nhưng bà có một trái tim nhân hậu, và nếu bà bắt gặp chúng tôi cư xử không đúng hay không tuân thủ quy tắc bà sẽ không phạt chúng tôi quá nặng, trừ khi đó là lỗi rất nghiêm trọng. Bà không bao giờ thể hiện bà yêu thương chúng tôi quá nhiều, dù có nhiều lần tôi cảm thấy bà muốn thể hiện điều đó. Có thể bà sợ bị liên lụy, bởi vì tôi đã sớm hiểu được rằng những đứa trẻ có thể - và đã bị - biến mất chỉ qua một đêm, bị Hội đồng đưa đến những ngôi nhà khác.
Dì Nan thì gầy, tóc dì màu nâu, cắt ngắn và cũng uốn. Lạnh lùng và xa cách, bà luôn nhanh chóng quát tháo và trừng phạt cả những lỗi nhỏ nhất. Nếu bà bắt gặp bạn mắc lỗi, chắc chắn không phải hỏi bạn sẽ bị phạt. Cứ đến phiên trực của bà là bọn trẻ chúng tôi đều im lặng hẳn.
Người làm nhiệm vụ quét dọn – bác Margaret cũng có thân hình gầy gò với mái tóc đen dài. Các dì thường nấu ăn và bác Margaret sẽ giúp bày biện và lau dọn, nhưng việc chính của bà là giám sát việc giặt giũ và rửa bát của chúng tôi. Cũng không phải là bà không tốt bụng, nhưng bà không mấy khi nói gì và rõ ràng là đối với bà, ở cùng chúng tôi chỉ là một công việc. Bà sống với người mẹ đã già, và giống như hai dì, bà không kết hôn và cũng không có con.
Mỗi đứa chúng tôi đều được giao những công việc nhà. Việc của tôi là rửa và lau khô bát đĩa, ba lần một ngày - sau bữa sáng, bữa xế và bữa tối vào những ngày đi học và bốn lần một ngày vào những ngày cuối tuần - khi mà chúng tôi ăn thêm bữa trưa ở nhà. Tôi rửa số bát ăn cho hai hoặc ba người lớn và mười ba đứa trẻ, đó là một công việc buồn tẻ mất của tôi một tiếng đồng hồ sau mỗi bữa. Tôi ghét sự lặp đi lặp lại vô tận này, tôi muốn được giao việc gì đó khác. Nhưng tôi không được phép - các dì bảo đó là việc của tôi và tôi phải làm.
Mỗi tối, tôi còn phải lau phòng thay đồ và sàn nhà chỗ gần cửa sau. Khi mọi việc xong xuôi thì cũng chẳng còn mấy chốc là đến giờ đi ngủ. Và ngoài việc nhà, chúng tôi còn phải tự giặt tay tất và đồ lót của chính mình. Có hai phòng tắm, một cho con trai và một cho con gái. Mỗi sáng và mỗi tối chúng tôi đều phải xếp hàng bên ngoài, đợi đến lượt mình rửa ráy. Vào buổi sáng thì không quá tệ: rửa mặt nhanh chóng và đánh răng là xong. Nhưng buổi tối chúng tôi phải tắm rửa, giặt tất và cả quần áo nữa.
Người dì ở trong ca trực sẽ kiểm tra đồ của chúng tôi, và nếu một vết bẩn hay vết mực bị phát hiện vẫn còn trên quần áo hoặc tất, đứa trẻ đó sẽ phải đi giặt lại. Nếu đứa trẻ đó vẫn trượt bài kiểm tra “không tì vết”, nó sẽ bị phạt một tuần phải đi ngủ sớm. Điều đó khiến chúng tôi ai cũng ở lì trong phòng tắm chà đến mòn tất của mình, trong khi bên ngoài những đứa khác mất kiên nhẫn vì chờ đến lượt.
Tất cả chúng tôi thi thoảng đều trượt bài kiểm tra “không tì vết” - không dễ gì mà giặt sạch hoàn toàn tất của mình - đặc biệt với những đứa trẻ còn quá nhỏ. Đôi khi chúng òa khóc sau khi cố gắng giặt sạch đồ của mình mà vẫn thất bại. Chúng tôi luôn thương chúng và muốn giúp nhưng chúng tôi không dám. Bạn phải nhìn thấy đôi mắt đại bàng của dì Nan rà soát những đồ còn lỗi và bà ta sẽ quát tháo bắt đứa trẻ đó đi giặt lại. Những ngày đầu chuyện đó đôi lần xảy đến với tôi và tôi vô cùng ghét nó. Sau đó tôi đã học được cách giặt đồ thật cẩn thận, để không còn vết bẩn nào bị lôi ra nữa.
Tất cả trẻ con, không cần biết ở độ tuổi nào, đều phải lên giường muộn nhất là 8:30 mỗi tối, đều đặn bảy tối một tuần. Dĩ nhiên chuyện này vô cùng khó khăn với những đứa trẻ lớn hơn, tầm 13 hoặc 14 tuổi. Những đứa lớn này thường lên giường cùng lúc với những đứa trẻ năm hoặc sáu tuổi và rồi nằm thao thức hàng giờ. Nhưng quy tắc ở ngôi nhà này rất cứng nhắc, và không ai được phép thắc mắc.
Lần đầu tiên đến đây tôi không quá bận tâm vì giờ đi ngủ - ở Ashbrooke Towers chúng tôi còn phải lên giường từ sớm hơn, nên 8:30 với tôi cũng được. Lúc đó là tôi đã mệt, đặc biệt sau một buổi tối phải rửa bát và lau nhà.
Những ngày trong tuần luôn giống nhau: ban ngày đến trường, tối làm việc nhà và làm bài tập. Chẳng bao giờ có thời gian cho chúng tôi ra ngoài và chơi. Tôi sẽ nghe tiếng những đứa trẻ khác trên phố chơi trò chơi và đôi khi tôi nhìn chúng qua cửa sổ. Nhưng chúng tôi chỉ được phép ra ngoài vào cuối tuần. Đó là khi tôi lén tách khỏi những đứa trẻ khác để đi cùng Alan.
Trước đó tôi vốn luôn là một cô gái nhỏ thận trọng, luôn lo sợ sẽ gặp rắc rối, nhưng ở bên cạnh Alan tôi ngày càng trở nên mạnh bạo hơn. Tôi thích được đi lên đồi Bunny cùng cậu ấy, và trốn khỏi tất cả. Chúng tôi sẽ cù nhau hoặc ôm nhau thật chặt và lăn xuống đồi cho đến khi mỏi rã rời mới buông nhau ra, cười đùa và la hét.
Chúng tôi đều biết mình sẽ bị chuyển đi nếu vi phạm bất cứ nguyên tắc nào. Và chuyện một đứa con trai và một đứa con gái chơi với nhau chắc chắn là một trong những điều đó. Vì thế chúng tôi rất cẩn thận. Chúng tôi rời nhà riêng rẽ và sau đó gặp nhau ở góc phố và chỉ cùng đi bộ đoạn đường từ đó đến trường. Ở trường chúng tôi cũng không chơi cùng nhau, chúng tôi học ở hai lớp khác nhau, nhưng chúng tôi sẽ đi cùng nhau phần lớn đoạn đường về và chỉ tách ra khi tới khúc quanh ở góc phố. Những đứa trẻ khác nghĩ chúng tôi cũng như họ, nhưng chúng tôi vẫn tránh không để chúng nhìn thấy chúng tôi đi cùng nhau, vì có nhiều đường đến trường và bọn trẻ không rời nhà cùng một lúc.
Một ngày, khi chúng tôi đang ngồi trên đồi nhìn lên bầu trời xanh và những đám mây trắng mịn, Alan đã cầm tay tôi, nắm chặt và nhìn tôi bằng đôi mắt màu xanh trong veo của cậu ấy, nói rằng “Khi mình lớn lên mình sẽ cưới cậu. Cậu có cưới mình không?’. Tôi nói “Có, nhưng cậu phải đợi đến khi bọn mình lớn.” Chúng tôi bắt tay và sau đó, khi đã biết không có ai đang nhìn, Alan hôn tôi. Một nụ hôn thơ ngây, mềm mại và rất nhanh, để niêm phong hẹn ước. Mặt tôi đỏ bừng và đột nhiên tôi cảm thấy xấu hổ.
Kể từ khoảnh khắc ấy không hiểu sao tôi có cảm giác an toàn và bình yên. Biết rằng có ai đó quan tâm và để ý đến mình khiến tôi cảm thấy tự tin. Sau một loạt những biến cố xảy, tôi đã luôn sống trong sự bất an, nhưng ở bên Alan tôi bắt đầu tìm thấy sự tự tin mới.
Chúng tôi lén có những chuyến phiêu lưu cùng nhau. Chúng tôi sẽ chạy tới chỗ lâu đài Hylton và lang thang dưới những tán cây. Cảm giác đó rất thần kì và có chút đáng sợ, vì nghe nói lâu đài đã bị ma ám bởi Cauld Lad, một chàng trai trẻ sống trong lâu đài bị sát hại bởi chính ông chủ của mình - Baron Hylton, 350 năm về trước. Đi qua lâu đài, chúng tôi tới chỗ một chiếc cầu đá bắc qua suối, chính là con đường dẫn tới rừng hoa chuông. Bước vào khu rừng đó chúng tôi cảm thấy được tự do. Chúng tôi chạy vòng quanh và cười đùa, hái hoa hoặc nằm dài trên thảm lá, ngẩng nhìn những nhành cây. Tôi từng nghĩ tiếng lá cọ vào nhau xào xạc chính là tiếng thì thầm của những nàng tiên. Chúng tôi đã mơ ước về một cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ giữa rừng cây và những thảm hoa chuông, ấm áp và an toàn, tránh xa khỏi các dì và những công việc nhà.
Thích nhất là chỗ nhà thờ nhỏ cũ kĩ. Nó có mùi ẩm mốc và ướt át, nhưng đó là nơi bí mật của chúng tôi. Chúng tôi ngồi đó hàng giờ, nhìn những vệt ánh sáng đầy màu sắc xuyên qua những ô cửa kính màu.
Những năm sau này, khi nhìn lại khoảng thời gian đó, tôi đã nghĩ rằng, nếu có thể, tôi sẽ ngay lập tức làm đám cưới với Alan trong nhà thờ bỏ hoang đó, trong khu rừng kì diệu đó, chạy trốn khỏi tất cả mọi thứ.
Chúng tôi không bao giờ ở lại đó được lâu như mong muốn. Chúng tôi không có đồng hồ nên phải ước chừng thời gian để trở về. Càng ở lâu sẽ càng phải chạy về thật nhanh. Đôi khi những đứa khác hỏi chúng tôi đã đi đâu, nhưng chúng tôi luôn cẩn thận về vào những giờ khác nhau để tránh bị nghi ngờ và tôi sẽ nói tôi đi chơi ở bên kia đồi. Vào giờ ăn, Alan và tôi sẽ nhìn nhau, ánh mắt sáng ngời, biết rằng nơi đó vẫn là bí mật của chúng tôi.
Có vài đứa trẻ đã nghi ngờ, và thỉnh thoảng chúng sẽ tóm lấy tôi, cố gắng hỏi về tôi và Alan. Nhưng tôi không bao giờ nói ra bất cứ điều gì. Cả hai chúng tôi đều không nói với bất kì ai về những cuộc phiêu lưu của cả hai đứa, biết rằng nếu nói ra cả hai chúng tôi sẽ gặp rắc rối.
Một lần Alan ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác và rồi biến mất. Chằng ai nhận thấy cậu ấy đã mất tích cho đến tận bữa xế. Dì Doris đến hỏi tôi có biết cậu ấy đi đâu không và điều này khiến tôi lo lắng - dì hỏi như thế có nghĩa là dì ấy đã biết chúng tôi thân thiết với nhau. Tôi biết sắp tới chúng tôi sẽ cần cẩn thận hơn nữa, nhưng khoảng khắc đó tất cả những gì tôi có thể nghĩ chỉ là cậu ấy đã mất tích.
Tôi đến ngồi trên bậu cửa sổ trong phòng chơi, ẩn mình sau tấm rèm, nhìn ra ngoài đường, lo lắng không biết có chuyện gì đã xảy ra với Alan. Trời đã tối và các dì đang đứng bên ngoài cổng chờ cậu ấy. Họ còn bảo hai cậu bé lớn hơn đi lên đầu đường tìm xem Alan có ở đó không. Khi ai đó nói đến chuyện báo cho cảnh sát tôi bắt đầu hoảng sợ.
Lát sau có tiếng náo động trong phòng khách. Tôi chạy tới xem chuyện gì xảy ra. Alan đứng đó, nhìn như thể mới bị kéo qua hàng rào, cả người cậu xước xát và đầy bụi bẩn. Cả hai dì đều đang tra hỏi cậu ấy xem chuyện gì đã xảy ra. Cậu ấy nói cậu ấy bị bọn Người Lâu đài bắt giữ, nhưng các dì đều không tin và lôi cậu ấy lên lầu để đánh đòn. Tôi cảm thấy rất thương Alan đến nỗi tôi đã muốn chạy đến ôm cậu, nhưng tôi không thể. Alan bị cấm ra ngoài một tuần, vì thế tôi phải đợi cho đến khi chúng tôi có thể gặp nhau giây lát ở chỗ bậu cửa sổ sau tấm rèm mới có thể bảo cậu kể cho tôi toàn bộ những gì đã xảy ra.
Cuối cùng khi đã nghe toàn bộ câu chuyện, tôi nói với cậu ấy rằng cậu ấy thật dũng cảm biết bao khi có thể trốn thoát được như thế.
Sau đó một vài anh lớn tuyên chiến với nhóm Người Lâu đài. Tôi cũng tham gia với họ vì đó là cách duy nhất để tôi thể hiện cảm xúc của mình mà không bị nghi ngờ. Có vài lần tôi đã đánh nhau với những đứa Người lâu đài cùng bọn con trai nhóm tôi, và dĩ nhiên tôi cũng nhận về con mắt thâm tím đen. Kết quả là mọi người đều nghĩ tôi là tomboy chính hiệu và những đứa con gái khác không muốn chơi với tôi lắm nữa. Lúc đó tôi thấy cũng chẳng sao, vì tôi thích chơi với con trai, đặc biệt là khi Alan cũng ở trong hội đó. Nhưng sau rồi chuyện đó cũng làm tôi phiền muộn, vì tôi muốn chơi với bọn con gái nhưng họ lại từ chối chơi cùng tôi.
Thỉnh thoảng có những đứa trẻ đột nhiên biến mất, và chúng tôi đều biết chúng đã bị chuyển tới những nhà trẻ khác. Nhưng chuyện đó luôn xảy ra rất nhanh đến nỗi chẳng ai trong số chúng có cơ hội nói lời tạm biệt. Những đứa trẻ mới sẽ xuất hiện thay vào chỗ trống của đứa mới bị chuyển đi, và cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn với không một lời thông báo hay giải thích nào từ những người lớn. Nhưng dù chúng tôi không thể hiện cảm xúc gì ra ngoài mỗi lần đó, trong lòng chúng tôi đều có những sự xáo trộn sâu sắc. Một đứa trẻ chúng tôi đã sống cùng suốt nhiều tháng, chơi cùng mỗi ngày bỗng dưng một buổi chiều biến mất, không còn ở đó nữa. Đó là một mối đe dọa với tất cả chúng tôi, rằng bất cứ ai trong chúng tôi cũng có thể bị chuyển đi, và chỉ có chúa mới biết là đi đâu. Tất cả chúng tôi gần như đã hình thành một gia đình, gắn bó với nhau, và khi một đứa đột nhiên biến mất, đó sẽ là một cú sốc. Thường những ngày sau khi chuyện đó xảy ra bầu không khí giữa chúng tôi cũng yên ắng hẳn.
Có nhiều lần tôi đã thầm đau khổ vì mất đi những người bạn. Cùng với những đứa trẻ khác tôi sẽ nhìn chằm chằm vào chỗ trống trên bàn ăn nơi đứa đó vẫn thường ngồi, cầu mong nó sẽ xuất hiện trở lại dù biết sẽ không bao giờ chuyện đó xảy ra. Chúng tôi không được phép hỏi các dì xem bạn mình đã bị chuyển đi đâu - bất cứ câu hỏi nào kiểu như vậy sẽ được đáp trả bằng gương mặt không hài lòng đầy bực bội và một lời trách mắng. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cố làm quen với sự mất mát và hi vọng đứa kia sẽ được chuyển đến nơi nào đó tốt đẹp. Đôi khi tôi tưởng tượng ra cảnh chúng sẽ vào những ngôi nhà tốt, có những bậc cha mẹ thương yêu. Ý nghĩ đó xoa dịu tôi, dù tôi biết chắc chắn chúng không bao giờ được như vậy.
Tôi thích ứng với cuộc sống trong nhà trẻ bằng cách làm một cô gái ngoan. Tôi luôn luôn lo lắng giữ cho mọi chuyện thật trôi chảy, vì thế tôi cố gắng không vướng vào những rắc rối và rất ghét phải nhìn thấy ai đó gặp rắc rối. Tôi khao khát giữ được cuộc sống yên bình, khiến các dì vui vẻ, đến nỗi có lần tôi đã nhận cả tội tôi không làm. Đó là một buổi tối, sau khi tất cả chúng tôi đã lên giường đi ngủ, đèn đột nhiên bật sáng và tất cả mọi người bị gọi dậy. 13 đứa chúng tôi, vẫn nửa tỉnh nửa mơ, không biết có chuyện gì đang xảy ra, bị dì Doris giận dữ bắt xếp thành hàng.
“Có kẻ trộm trong nhà này”, dì ấy cao giọng hét lên. “Có người đã vào phòng ta và ăn trộm.” Bà lần lượt đi tới chỗ từng đứa để tra hỏi. Trong tay bà là một chiếc dép, và tất cả chúng tôi đều biết nó được dùng để làm gì.
Khi lần lượt từng đứa trẻ một đều phủ nhận, dì Doris bắt đầu la lối đến việc sẽ gọi cảnh sát. Tôi rất sợ, vì tôi biết cảnh sát sẽ bắt người và đưa đến Cottage Homes. Không ai trong chúng tôi khi ấy biết Cottage Homes đã bị đóng cửa, và trẻ con trên khắp thị trấn nhiều năm sau đó vẫn còn bị dọa sẽ bị tống vào đó. Tôi tưởng tượng tất cả đám chúng tôi, cả Alan, sẽ bị nhốt trong đó mãi mãi. Ý nghĩ đó khiến tôi không thể chịu nổi, tôi òa khóc và nhận tôi. “Là cháu,” tôi nức nở. Alan nhìn tôi trừng trừng, cậu ấy há hốc miệng vì kinh ngạc. Dì bước đến chỗ tôi và với một giọng thì thầm đầy đe dọa, bà nói. “Ồ, vậy cháu đã lấy cắp gì vậy, Irene?” Tôi nhìn bà chằm chằm, hoàn toàn không có ý niệm gì, và cuối cùng đành phải thì thầm “Cháu không biết”.
Dì Doris lại quay sang những đứa trẻ khác và nhìn trừng trừng vào lần lượt từng đứa một. Khi bà nhìn đến Sổ mũi, má nó ửng đỏ hết cả lên. Nó không thể giấu cảm giác tội lỗi của mình lâu hơn được nữa và nó đành thú nhận đã lấy trộm trang sức và tiền mặt. Nó đã vào phòng dì Doris khi người dọn phòng sơ suất không khóa cửa lại, và nó đã trốn dưới gầm giường đợi đến khi người dọn phòng đi khuất hẳn.
Nó giao nộp lại những gì nó đã lấy, nhưng những thứ đó vẫn không đủ để cứu nó. Ngay sau đó có tiếng đập dép rất mạnh và tiếng la khóc của nó vọng ra từ văn phòng của các dì. Tất cả chúng tôi đều thương xót cho nó.
Ngày hôm sau Sổ mũi xuất hiện ở bữa sáng với gương mặt ủ rũ. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy nó. Khi chúng tôi từ trường trở về, nó đã biến mất. Vào bữa xế tôi nhìn vào chỗ ngồi trống nơi nó vẫn ngồi. Sổ mũi là bạn của chúng tôi, là một phần của hội. Chắc chắn nó không đáng bị đưa đi như vậy. Chắc chắn mỗi người đều được phép mắc lỗi - dù là một lỗi rất xấu như là ăn trộm - mà không làm thế giới của họ bị đảo lộn. Nhưng thế giới ở trại trẻ vốn khắc nghiệt và cực đoan như vậy.
Tất cả chúng tôi đều nhớ Sổ mũi, nhưng chúng tôi không được phép hỏi chuyện gì đã xảy ra với nó, thậm chí cũng không được nhắc đến nó nữa. Chúng tôi không nói chuyện về nó nữa, kể cả trong nội bộ chúng tôi. Không hiểu sao việc nói chuyện về một người đã đi xa dường như khiến người ta càng đau buồn hơn. Hoặc có thể vì chúng tôi không dám, vì chúng tôi biết các dì sẽ làm gì nếu họ phát hiện ra chuyện đó.
Những xáo trộn vì sự biến mất của Sổ mũi phải mất một vài tuần mới dần lắng xuống. Nhưng mọi thứ biến chuyển tươi sáng hơn một chút khi kì nghỉ hè đến. Viễn cảnh sáu tuần tự do ra ngoài chơi mỗi ngày khiến tất cả chúng tôi đều hào hứng. Và vào kì nghỉ các dì cũng ít dò xét hơn - sau khi làm xong hết việc nhà chúng tôi được tự do chơi đến giờ ăn trưa và lại chơi tiếp từ sau bữa trưa cho đến bữa xế. Thật hạnh phúc, và tôi cùng Alan đã có hàng giờ chơi đùa trên đồi Bunny và trốn vào rừng hoa chuông một vài lần.
Khoảng gần cuối kì nghỉ hè, chúng tôi được thông báo sẽ được đến Whitby một tuần. Điều này thật quá sức tưởng tượng. Một kì nghỉ thực sự, đi bằng xe khách và sau đó nghỉ cạnh biển, nghe có vẻ thật quá tuyệt vời. Chúng tôi rất háo hức.
Ngày hôm đó chúng tôi nối đuôi nhau leo lên một chiếc xe khách, đi cùng với những đứa trẻ ở các trại trẻ khác trong thị trấn. Chúng tôi chuyện trò sôi nổi suốt dọc đường và hát những bài hát nổi tiếng thời đó, như là “The Corporation Stores” và “The Driver’s Got a Lovely Pair of Legs”.
Chúng tôi cắm trại ngay ở ngoại ô Staithes - một làng chài nhỏ ở phía Bắc của Whitby, trên bờ biển Yorkshire phía Bắc, cụ thể là ở trên đỉnh một con đồi rất dốc dẫn xuống dưới làng và bến cảng. Khu cắm trại có một dãy những lều trại bằng gỗ đã từng được quân đội sử dụng như kí túc xá: một nửa cho con gái, nửa còn lại cho con trai, và riêng một bên dành cho các dì.
Chúng tôi đã có những ngày nghỉ tuyệt vời. Hít căng mùi của biển và tận hưởng niềm hạnh phúc của sự tự do, chúng tôi sẽ leo lên những vách đá và chơi trên bãi biển hàng giờ đồng hồ. Tất cả các dì cũng có vẻ thoải mái hơn và giảm bớt những mệnh lệnh, do vậy ngoại trừ giờ ăn và giờ đi ngủ, thời gian còn lại chúng tôi hầu như được tự do.
Đám con gái chúng tôi sẽ tụ tập trong một quán café nhỏ có tên Lều tuyết, để uống những loại đồ uống có ga và nghe cái máy hát phát những bài hát mới nhất. Chúng tôi đều cảm thấy mình là những cô gái lớn, và việc đó thật hết sức thú vị vì ở Rennie Road chúng tôi không bao giờ có thể nghe nhạc. Nhưng tôi vẫn thích hơn cả những lúc được gặp Alan trên bãi biển. Vì chúng tôi được phép chơi mà không bị ai giám sát, chúng tôi có thể dành hàng giờ ở bên nhau. Chúng tôi sẽ lượn quanh những chiếc thuyền đánh cá hoặc đi bộ dọc bờ biển, tìm những con cua trốn trong lỗ khi thủy triều xuống.
Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ tìm thấy một hố nước đã được mặt trời sưởi ấm. Chúng tôi sẽ ngồi xuống, thò chân vào làn nước và ngắm những gia đình đưa nhau đi dã ngoại. Bọn trẻ con trong những gia đình đó có vẻ rất hạnh phúc và chúng luôn tươi cười. Chúng tôi nhìn chúng chạy xuống nước, khua khoắng chân tay, và khi chúng chạy vào bờ mẹ chúng đã luôn đợi ở đó để lau khô người cho chúng bằng những chiếc khăn tắm to và rồi đưa cho chúng những miếng sanwich đã được chuẩn bị sẵn. Những lúc đó tôi luôn cảm thấy buồn buồn. Tôi không thể ngăn mình ước ao được cuộn tròn trong những chiếc khăn tắm to đùng ấy.
Phần duy nhất của kì nghỉ mà tôi không thích là những cuộc chơi được tổ chức bởi các dì. Họ sẽ bảo 13 đứa chúng tôi xếp thành hàng và sau đó đi diễu hành, một dì đi đầu, một dì đi cuối hàng, để tất cả mọi người đều thấy chúng tôi đến từ trại trẻ. Chúng tôi phải đi theo hàng và mọi người đều sẽ nhìn chúng tôi. Thật nhục nhã và tôi chỉ muốn chui đầu xuống đất. Những lúc đó tôi sẽ nhìn thẳng về phía trước, hai má đỏ ửng, không dám nhìn bất cứ ai.
Có đôi lần chúng tôi được đưa đến Whitby và sau đó được cho phép đi lang thang ở bãi biển phía trước. Tôi thích mọi thứ ở Whitby - những bãi biển, những bến tàu, những con thuyền, những cửa hàng và những khu vui chơi. Tất cả chúng tôi sẽ mau mau chạy vào, bỏ tiền vào những trò đua xe, gắp kẹo. Nếu không tiêu tiền thì chỉ vài ngày chúng tôi sẽ đủ tiền mua cá và khoai tây chiên - đó là những món ngon nhất trên đời.
Nằm ngay trước biển là những con đường rải sỏi và những cửa hàng nhỏ, và trên đỉnh đồi, sau khi phải leo 199 bước chân là nhà thờ Đức mẹ, như thể luôn nhìn ra biển để tìm kiếm những người thủy thủ mất tích từ lâu.
Phía sau nhà thờ là một tu viện đã bị tàn phá. Alan và tôi đến đó, ngước nhìn lên những mái vòm to lớn vẫn còn ở đó một cách đầy kính sợ. Chúng tôi từng chạy vào nghĩa trang để tìm kiếm ngôi mộ của cướp biển đã được nghe kể. Chúng tôi đã tìm thấy nó, nhưng dòng chữ trên bia mộ đã bị mờ và rất khó nhìn, chỉ càng khiến câu chuyện đã được nghe thêm huyền bí lung linh.
Ở bến cảng chúng tôi nhìn ngắm những đoàn thuyền đánh cá trở về, theo sau họ là những chú mòng biển kêu ó. Các ngư dân sẽ mang những thùng lớn chứa hải sản đánh bắt được xuống khỏi tàu, xếp kéo về bến. Chúng tôi nhìn chằm chằm vào những thùng lớn đầy tôm cá, ngạc nhiên vì chưa từng nhìn thấy nhiều hải sản như thế. Alan lúc nào cũng rất tò mò. Cậu ấy sẽ hỏi chuyện những ngư dân và người ta sẽ chỉ cho cậu xem lưới đánh cá và những con thuyền và kể cho cậu nghe về cuộc sống trên biển. Đôi lần cậu ấy còn được họ cho ngồi lên thuyền, và gương mặt rạng ngời hạnh phúc, cậu ấy sẽ ngồi đó hỏi họ hàng tá những câu hỏi.
Dọc theo bến cảng còn có hàng loạt những chiếc tàu lớn xếp hàng chờ cho thuê. Người ta thường nhét người đầy chật trên tàu và khi tàu khởi hành tất cả bọn họ đều đi về phía cầu tàu, tất thảy đều cười vang thích thú.
Đi qua chiếc cầu quay, qua những con đường rải sỏi bé tí, chúng tôi tìm thấy đường dẫn tới một bãi biển nhỏ bên dưới khu nhà của những người dân chài. Ở đó chúng tôi cảm thấy thật an toàn, vì các dì và những đứa trẻ khác đều sẽ không nhìn thấy chúng tôi. Đó trở thành nơi đặc biệt của chúng tôi, nơi chúng tôi có thể biến mất hàng giờ. Chúng tôi dành thời gian chơi đùa trên cát hoặc đi dọc bờ biển để nhặt vỏ sò. Tôi đã từng nghĩ một ngày nào đó tôi và Alan sẽ quay lại bãi biển đó mà chẳng có người dì nào đi theo trông chừng, cũng không cần phải trốn bất cứ điều gì nữa.
Người ngư dân già ngồi bên bến cảng kể cho chúng tôi nghe những truyền thuyết về ma cà rồng mà Bram Stoker - tác giả của Dracula - đã viết trên bãi biển đó. Ông ấy cảnh báo chúng tôi rằng những đêm tối, khi mặt trăng tròn, ma cà rồng sẽ chui lên từ dưới nấm mồ của họ để tìm ai đó và uống máu của họ. Chúng tôi rất thích những câu chuyện và sẽ giả vờ la hét hoảng sợ và rồi cùng cười. Chỉ tận đến khi trời tối, nơi đó mới đột nhiên trở nên đáng sợ thật, và một hoặc hai lần tôi đã nằm trên giường và cố gắng không nghĩ đến cảnh những chiếc răng nanh sắc nhọn cắm phập vào cổ tôi.
Một ngày nọ, trên bãi biển ở Staithes, tất cả bọn trẻ chúng tôi được nhét lên một cái tàu đánh cá và được đưa ra biển tham quan nhanh. Tôi không rõ lắm về chuyện đi thuyền, nhưng tôi nghĩ hẳn nó rất an toàn vì tất cả chúng tôi đều túm tụm lại với nhau và chỉ có một người ngư dân lái tàu hướng dẫn. Nhưng khi chúng tôi bập bềnh tưởng như được khoảng một dặm trên quãng đường ra biển, có ai đó đột nhiên hét lên, “Có nước trong tàu!”
Nước nhanh chóng dội vào quanh chân chúng tôi, và tôi bắt đầu hoảng sợ. Hầu hết bọn tôi đều như vậy - rất ít đứa biết bơi và chúng tôi đều nghĩ mình sắp chìm. Tôi nhìn Alan - gương mặt cậu ấy đã trắng bệch nhưng vẫn bình tĩnh trong cơn hỗn loạn. Tôi ước gì mình có thể đứng cạnh cậu ấy, nhưng cậu ấy ngồi ở phía bên kia tàu.
Người lái tàu nhanh chóng lái con tàu vào bờ nhanh nhất có thể, điều đó không hề dễ chút nào với một con tàu đầy những đứa trẻ đang la hét. Tưởng chừng như phải mất cả một đời mới vào lại được đến bờ, và khi đó nước đã ngập qua mắt cá chân tôi. Bọn trẻ ngã nhào lên nhau khi ai cũng vội vã xuống khỏi tàu thật nhanh. Mọi người chạy dọc bãi biển vì đã nghe thấy những tiếng khóc, bế những đứa trẻ ướt nhẹp ra khỏi tàu. Hầu hết chúng tôi đều nước mắt ròng ròng, ướt đẫm và run rẩy. Sau ngày hôm đó tôi bỗng nhiên sợ nước sâu, và buồn thay điều đó có nghĩa là tôi không bao giờ học bơi được nữa. Nhưng không chỉ mình tôi - hầu hết chúng tôi đều tránh xa những con tàu từ hôm đó.
Chẳng mấy chốc đã đến ngày cuối cùng của kì nghỉ. Ngày hôm sau là chúng tôi phải trở lại Rennie Road, trở lại với trường học và những công việc nhà, vì vậy chúng tôi tha thiết muốn chơi cho hết những giờ phút cuối cùng. Có thể đó là lý do tại sao Alan và tôi quên mất rằng trước mặt các dì chúng tôi cần phải thể hiện như không liên quan gì đến nhau, chúng tôi đã quên mất chuyện đó quan trọng và cần thiết đến mức nào.
Hai chúng tôi đã nói chuyện ngay trên bãi biển và khi về tới cổng trại chúng tôi vẫn còn cười đùa và trêu chọc nhau. Trước đó chúng tôi vẫn luôn trở về riêng rẽ. Nhưng khi chúng tôi về đến chỗ lều trại đầu tiên, Alan bắt đầu cù tôi và tôi cù lại cậu ấy. Nó đã biến thành một cuộc chiến cù lẫn nhau và kết cục là chúng tôi cười lăn trên mặt đất, và tôi thì la hét.
Nếu như không bị bắt gặp, đó có lẽ chỉ là một trò đùa trẻ con. Nhưng chúng tôi đã đùa không đúng lúc, vì lúc đó dì Nan bước ra khỏi cánh cửa lều người lớn. Bà bắt gặp chúng tôi trên nền đất và quát tháo bắt chúng tôi đứng lên. Giây phút tôi nhìn vào gương mặt giận tím tái của bà, tôi biết chúng tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Khoảnh khắc đó tôi sẽ làm bất cứ điều gì để rút lại mấy phút vừa rồi. Nhưng đã quá muộn. Dì Nan tóm lấy tôi và tát mạnh vào mặt tôi, mắng tôi rằng một người con gái sẽ không nằm ra đất như thế với một đứa con trai. Sau đó bà lôi tôi vào trong lều.
Tôi đã bị sốc, dì ấy chưa từng tát tôi. Tôi ngồi trên giường mình, vùi mặt vào hai lòng bàn tay. Tôi nghe tiếng bà la mắng Alan bên ngoài và tôi rất lo cậu ấy sẽ bị đánh thậm tệ. “Chúng cháu chỉ đang chơi thôi mà”, tôi thì thầm.
Chắc chắn dì Nan sẽ không làm gì quá đáng với Alan. Chúng tôi đang trong kì nghỉ và đó chỉ là một trò đùa hơi quá một chút. Chắc chắn bà sẽ hiểu điều đó. Tôi cầu mong cậu ấy sẽ chỉ phải nhận vài cái bạt dép và thêm việc nhà khi chúng tôi trở về.
Nhưng đêm đó khi tôi đã nằm trên giường đi ngủ, mặt tôi vẫn còn đau nhức, dù trong viễn cảnh tồi tệ nhất, tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng những gì xảy ra đã chia lìa thế giới của chúng tôi.