Kỳ nghỉ của chúng tôi như thể bảy ngày hạnh phúc bất tận, khi mà tất cả những quy tắc thông thường đã bị đặt sang một bên.
Vào ngày đầu tiên đến đó tôi đã có một bất ngờ lớn - hai anh tôi cũng ở đó. Trẻ con ở tất cả các trại trẻ trong vùng đều được đưa đi cắm trại, vì thế nhưng đứa trẻ có anh chị cũng ở các trại trẻ khác đều được đoàn tụ. Tôi rất vui vì gặp lại Michael và George. Nhưng có lẽ, mà chắc chắn, vì chúng tôi đã quen với việc bị chia cách nên cuộc gặp gỡ không quá hào hứng: tôi chỉ nhớ chúng tôi đã cùng chơi trên bãi biển, và thật tốt khi được ở cùng họ như vậy.
Phần lớn thời gian tôi ở cùng với Irene. Chúng tôi tay trong tay, lang thang dọc theo những con đường nhỏ của Staithes và xem những người ngư dân già mang nhím biển ra bán cho du khách. Tôi bị cuốn hút bởi cái vỏ cứng đầy gai nhọn của nhím biển - nó có màu giống như màu của những con sao biển. Chúng tôi sẽ đi bộ xuống một con hẻm rất hẹp phía sau khu nhà của các thủy thủ để tới chỗ một người đàn ông già ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ trong khu vườn bé xíu sau nhà ông ta. Xung quanh ông là những vỏ sò, những đoạn dây thừng, những chậu tôm hùm và lưới. Ông làm những mô hình thuyền buồm nhỏ bằng gỗ và vải, và đặt chúng trong những cái chai. Những mô hình thuyền đặt quanh vườn nhà ông ta, đặt trên những bậu cửa sổ, chờ được cho vào chai để đưa ra biển.
Ông ấy không nói cho chúng tôi biết thủ thuật cho một con tàu đầy đủ cột buồm, với những cánh buồm đã giương cao, vào bên trong một cái chai nhỏ tí. Những năm sau đó tôi đã biết cách làm thế nào, nhưng khi đó tôi mới chỉ bảy tuổi và khi đứng nhìn những công trình của người đàn ông ấy, tôi đã nghĩ nó là một kiểu phép thuật.
Irene và tôi sẽ ngồi xem cả những con lạch dần ngập nước khi thủy triều dâng. Khi nước đã lên đủ độ sâu, những ngư dân sẽ nhổ neo đi đánh bắt. Đôi khi họ để chúng tôi giữ lưới hoặc giữ những chậu thả tôm hùm khi chúng được sửa bởi một ông thủy thủ có bộ râu trắng. Và trong lúc đó ông sẽ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về biển, những truyền thuyết về những kho báu chìm sâu dưới đáy đại dương.
Trong suốt nhiều năm đó, tôi đã luôn có một giấc mơ kì lạ - những bóng đen không nhìn rõ mặt đuổi tôi chạy xuống một con hầm tối tăm. Nếu giấc mơ kéo dài, thì đến cuối, trên bức tường trong đường hầm sẽ mở ra một cánh cửa bí mật và tôi có thể lách sang phía bên kia. Bên đó bầu trời xanh trong vắt, những đám mây trắng nhuộm nắng vàng ươm, và những bãi cỏ xanh mướt mát chưa từng thấy. Cánh cửa sẽ đóng lại phía sau tôi và những bóng đen đeo đuổi tôi sẽ biến mất. Ở nơi thần tiên đó, tôi chỉ có một niềm vui sướng trong trẻo - ấm áp và an toàn khỏi thế giới bên ngoài. Và đó cũng là cảm giác tôi có vào kì nghỉ đó với Irene.
Ở Whitby, chúng tôi lượn lờ trong những khu vui chơi, hay đi bộ qua chiếc cầu quay và qua con đường hẹp rải sỏi để đến “bãi biển của chúng tôi” ở phía nam bến cảng. Nơi đó rất yên tĩnh và rất ít người, nên chúng tôi sẽ chơi trên cát và nhặt những vỏ sò trên bờ biển, thoải mái vì thoát khỏi con mắt trông chừng của các dì.
Một buổi chiều Irene bảo sẽ đi cùng các cô gái tới quán café Lều tuyết nhỏ ở Staithes để nghe những bài hát mới được phát qua máy hát, vì thế tôi đã nhanh chóng lên kế hoạch dạo chơi với các anh tôi. Muốn quậy phá trên bến cảng một chút, ba chúng tôi đã nhằm thẳng tới một bờ đất rất dốc dẫn tới bến cảng. Trên đường đi chúng tôi gặp vài đứa con trai khác. Một trong số chúng hét lên rằng nó đã nhìn thấy một đứa con gái ở trên vách đá phía Bắc, cao hơn chỗ chúng tôi đứng khoảng 100 feet. Một đứa khác nói đó là Irene và cô ấy chuẩn bị nhảy xuống. Tôi không thể tin được. Tôi ngẩng nhìn lên vách đã và tôi có thể thấy cô gái đó đã đến gần mép bờ vách. Nhưng cô ấy đứng quá xa nên chúng tôi không thể nhìn rõ đó là ai.
Michael bắt đầu chạy, theo sau là Geogre và đến tôi, hướng về cây cầu nhỏ bắc qua con lạch dẫn đường tới vách đá. Tim tôi đập thình thịch suốt đoạn đường. Đoạn đường khá xa nên mất một lúc chúng tôi mới tới được đó. Chúng tôi phải chạy qua những cánh đồng, thậm chí đã bị một người nông dân đuổi theo vì chúng tôi đã chạy qua luống rau của ông ta. Nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ chỉ là Irene. “Không thể nào”, tôi liên tục thầm nghĩ. “Không thể nào.”
Cuối cùng, hụt hơi, chúng tôi cũng đã lên tới đỉnh vách đá và chạy đến chỗ cô gái kia đang đứng. Và cảm ơn Chúa đó không phải là Irene. Đó là một cô bé đến từ một trại trẻ khác, cỡ 9 tuổi. Chúng tôi biết em trai cô bé, nó ở Rennie Road vùng chúng tôi. Họ hẳn đã có một thời gian khó khăn trước khi bị đưa vào trại trẻ, nhưng chúng tôi không thể tưởng tượng nổi tổn thương khủng khiếp cỡ nào đã khiến cô bé ấy muốn rời khỏi thế giới này.
Michael tiến lên trước. Khi nhìn thấy anh ấy, cô bé lao mình về phía vách đá. Nhưng Michael đã nhào lên và như một cú chuồi bóng bầu dục, anh ấy giữ lấy chân cô bé. Họ đều trượt đến chỗ vách đá, xuống một đoạn dốc ngắn chỉ cách vách đá dựng đứng có 3 feet. Geogre nhào đè lên họ và giữ lấy chân Michael, khiến họ không bị trượt đi, và tôi nhảy đến giữ lấy chân Geogre. Chúng tôi giữ lấy nhau như thế khi cô gái bắt đầu giật đá và la hét bảo chúng tôi để cô ấy đi. Chúng tôi không đời nào làm thế, nhưng chúng tôi không đủ lực kéo cô bé lên khỏi chỗ dốc để thoát khỏi chỗ nguy hiểm. Khi bị treo chênh vênh như thế, tôi đã cố không nhìn xuống vì sợ hãi những tảng đá lởm chởm và biển phía dưới.
Một phút sau, một bác nông dân già hổn hển tiến đến và nhìn thấy những gì đang diễn ra, ông đã trượt xuống và nắm lấy một cánh tay đang vùng vẫy của cô bé. Sau đó một cảnh sát đến, có lẽ những người trên đồng đã báo cảnh sát vì nghĩ chúng tôi là những kẻ phá hoại. Ông tháo mũ, trượt xuống, giữ lấy cánh tay kia của cô và tất cả chúng tôi kéo cô bé lên. Cô bé đã bình tĩnh trở lại và viên cảnh sát đưa cô bé băng qua cánh đồng trở về, còn bọn con trai chúng tôi thở phào, vỗ lưng nhau vì đã làm rất tốt.
Buồn là, chúng tôi biết chắc chắn cô bé đó sẽ lại tìm cách làm thế. Nghe nói cô ấy đã tự tử nhiều lần ở trại trẻ, và có vẻ như dù còn rất nhỏ cô cũng đã quyết định rời bỏ thế giới này. Khi chúng tôi trở lại bến cảng, chúng tôi gặp em trai cô, chắc mới chỉ tầm năm hoặc sáu tuổi. Chúng tôi nói với cậu bé chuyện xảy ra. Cậu òa khóc và chạy mất, và từ đó cho đến hết kì nghỉ chúng tôi không gặp lại chị em họ lần nào nữa.
Ngày hôm đó tôi rất tự hào về các anh tôi và trong mắt tôi họ là những anh hùng. Họ không ngần ngại giúp đỡ dù chính họ cũng gặp nguy hiểm.
Chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời và buồn bã khi nghĩ đến chuyện phải trở về. Irene và tôi đã đi chơi ở bãi biển lần cuối, chỉ trở lại lều khi bắt đầu cuộc chiến cù của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ gì cả, chỉ là hai đứa trẻ đuổi nhau và chơi vui vẻ. Nhưng khi dì Nan bắt gặp chúng tôi, chuyện đó đột nhiên trở thành chuyện lớn.
Chúng tôi đã quên mất những quy tắc, và bây giờ chúng tôi phải trả giá. Chúng tôi bị đưa về lều của từng đứa, và một lúc sau dì Nan nói thẳng với tôi một cách rất gay gắt rằng tôi bị cấm đến gần bất cứ bạn gái nào, đặc biệt là Irene. Sau đó như thường lệ, tôi nhận được một cái bạt tai.
Chỉ còn một ngày nữa là phải về Rennie Road, và tôi không thể đến gần để nói chuyện với Irene trong thời gian ít ỏi còn lại này.
Tôi chơi trên bãi biển với một vài đứa con trai, nhưng tôi không biết rằng lúc đó có nhiều đứa đã bị các dì tra hỏi về mối quan hệ giữa tôi và Irene.
Ở nhà Huấn luyện viên dẫn đoàn, tất cả trẻ con đều hát bài “Show me the way to go home”, nhưng tôi không cả muốn tham gia cất lời. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, buồn và có chút sợ hãi. Liệu có phải tôi sẽ không được chơi với Irene nữa? Các dì sẽ chia tách chúng tôi ra? Tôi cầu nguyện cho tất cả những chuyện này sẽ sớm bị lãng quên và tôi và Irene lại có thể trốn vào rừng, với những chuyến phiêu lưu mới.
Về đến nhà chúng tôi bận bịu dỡ đồ và chuẩn bị quay lại trường. Dưới con mắt canh chừng của các dì, tôi và Irene chỉ có thể thỉnh thoảng trao nhau những cái nhìn cảm thông.
Buổi sáng thứ hai đã tới, và tất cả chúng tôi đều đã sẵn sàng trở lại trường học. Tôi càng háo hức hơn vì chắc chắn tôi sẽ gặp Irene trên đường đi học. Một khi ra khỏi tầm mắt các dì, chúng tôi sẽ lại có thể gặp nhau và đi cùng nhau. Nhưng ngay trước giờ đi học, dì Nan gọi tôi ra một chỗ và bảo tôi đến đợi trong phòng chơi. “Ở đó cho đến khi ta gọi.” Bà ra lệnh cho tôi như vậy.
Tôi ngồi trong phòng chơi, nhìn ra ngoài cửa sổ, tự hỏi chuyện gì xảy ra. Những đứa trẻ khác đã bắt đầu rời nhà đến trường. Có phải các dì vẫn còn tức giận chuyện tôi chơi với Irene? Có phải tôi sắp bị đánh? Nhưng tại sao không cho tôi đến trường? Tôi nhìn thấy Irene vẫy tay với tôi khi cô rẽ lên đường chính. Tôi ước sao mình có thể đi cùng cô, nói chuyện và lúc lắc cái cặp sách thay vì ngồi mãi ở đây một mình. Tôi chưa bao giờ phải ngồi trong một căn phòng và bắt chờ đợi như thế này. Tôi đợi và đợi, nhưng không ai xuất hiện. Tôi áp sát tai vào cánh cửa. Tôi có thể nghe thấy tiếng người quét dọn đang làm việc của bà và các dì đang tán gẫu với nhau, nhưng tôi không thể nghe được những gì họ nói.
Cuối cùng rất lâu sau, có lẽ là một hay hai tiếng gì đó, tôi thấy một chiếc xe ô tô màu đen cũ kĩ đậu bên ngoài cửa trước. Đột nhiên, tôi bị sốc vì bàng hoàng nhận ra những chuyện sắp đến. Tất cả chúng tôi đều biết chuyện gì xảy ra khi một chiếc xe màu đen xuất hiện. Ai đó sắp bị đưa đi. Và lần này là tôi.
Tôi sợ hãi và tuyệt vọng. Họ không thể - chắc chắn không thể - đưa tôi xa Irene. Họ đánh tôi hay cấm túc tôi hay bắt tôi làm thêm việc nhà một năm cũng không sao, miễn là họ đừng chuyển tôi đi.
Một người phụ nữ có mái tóc xám tiêu, ăn vận gọn gàng trong bộ đồ vải tuýt bước xuống xe và bước tới cửa trước. Bà ta vào nhà và tôi nghe thấy bà ta nói chuyện với các dì. Tôi ngồi đó, chết sững, chờ đợi, tha thiết cầu mong chuyện đó không phải là sự thật.
Tôi nhảy giật mình khi cánh cửa đột nhiên mở ra. Dì Nan bước vào và nói “Đi thôi”. Bà dẫn tôi ra khỏi nhà, mở cửa sau của chiếc xe ô tô và gật đầu bảo tôi bước lên. Tôi muốn gào khóc, la hét và van xin bà để tôi ở lại, nhưng nhìn gương mặt lạnh lùng của bà tôi biết mình chẳng còn hy vọng gì. Sững sờ, tôi leo vào trong xe, trong lúc đó dì Nan vào trong và trở ra với một vài túi đồ. Sau đó dì cho chúng vào cốp xe và rồi chẳng nói một lời, thậm chí không cả nhìn tôi, dì quay gót bước vào nhà, chỉ dừng lại một thoáng để nói gì đó với người phụ nữ kia trước khi đóng cánh cửa nhà lại sau lưng.
Người phụ nữ lên xe và lái xe đi. Chiếc xe rẽ ở khúc quanh, tôi không còn nhìn thấy ngôi nhà nữa, cũng không còn thấy cả thế giới của tôi nữa. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là Irene. Cô ấy sẽ không biết tôi đi đâu. Sao tôi có thể nói với cô ấy tôi ở đâu được đây? Người phụ nữ đó nói chuyện rất thoải mái. Bà ta bảo tôi gọi bà là Matron và hỏi tôi có biết mình đang đi đâu không. Tôi bảo bà tôi không biết và bà nói, “Cháu sẽ đến sống với ta.” Mặc dù tôi đã biết mình đang bị chuyển đi, những lời bà ta nói vẫn khiến tôi choáng váng. Tôi không muốn đi cùng đến sống với bà ấy, tôi đã sống ở Rennie Road rồi.
Lòng tôi quặn thắt và tôi cảm thấy hoảng sợ. Tôi muốn đập lên cửa xe, van nài bà ta đưa tôi trở lại. Nhưng tôi đã học được cách che giấu cảm xúc của mình trước những người lớn quản lý, vì nó sẽ chỉ dẫn đến nhiều hình phạt hơn. Tôi sẽ không cho họ thấy tôi bị tổn thương đến mức nào. Vì thế tôi vẫn ngồi im lặng, chỉ nhìn đăm đăm ra ngoài cửa kính, không nghe thấy bất cứ thứ gì người phụ nữ kia trò chuyện hỏi han.
Đột nhiên tôi bừng tỉnh. Tôi phải nhớ đường mình đã đi, để có thể biết đường trở về gặp Irene. Chúng tôi băng qua một con sông, hướng lên phía bắc và đi qua trung tâm thị trấn. Nhưng sau đó có quá nhiều đường nhánh chằng chịt và dù tôi đã rất cố gắng, tôi không thể nhớ được đường đi nữa. Tôi không biết những mình đã đi qua những đâu, chỉ biết đó là một đoạn đường dài. Tôi có thể cảm thấy vết thương đau đớn dâng trên trong lòng mình nhưng tôi cố kìm nén lại, quyết tâm không thể hiện ra cho ai thấy. Tôi cảm thấy như thể mình ngã vào một cái hố đen. Thế giới an toàn và bí mật của tôi với Irene đã trôi xa theo từng dặm đường tôi đi và tôi bắt đầu cảm thấy mọi thứ vỡ vụn. Khi đến đến nơi ở mới, tôi đã không còn là đứa trẻ ở Rennie Road ngày xưa nữa. Tôi đã biến thành một con người khác, một tôi tối tăm hơn, một tôi mà trong lòng chất chứa đầy cay đắng và căm giận những người lớn đã khiến tôi bị tổn thương hết lần này đến lần khác, và tôi quyết tâm sẽ bằng cách nào đó khiến họ phải chịu đựng những tổn thương đó.
Cuối cùng chúng tôi đã dừng lại bên ngoài một căn nhà lớn có những bậc cầu thang dẫn lên cửa trước. Người phụ nữ dẫn tôi vào. “Đây là Eslanade”, bà ta nói với tôi như vậy. “Từ nay trở đi cháu sẽ ở đây. Chúng ta có vài cậu bé khác - cháu sẽ gặp chúng khi chúng đi học về”. Bà có vẻ thân thiện, nhưng tôi chẳng quan tâm. Tôi không muốn ở nơi này, nó đã quá xa Irene của tôi, xa mọi thứ thân thuộc ở Rennie Road. Tại sao tôi lại bị chuyển đi? Có phải vì trận cù với Irene không? Tôi tha thiết cầu mong mình có thể quay ngược thời gian để đừng làm điều đó.
Dì Matron dẫn tôi đi quanh nhà. Đó là một ngôi nhà bốn tầng liền dãy từ thời Victoria khá lớn - kiểu nhà ngày nay thường được dùng làm phòng phẫu thuật của bác sĩ hoặc chuyển thành những toà nhà chung cư.
Tầng một là phòng cho những cậu con trai mới đến, và đây cũng là nơi tôi sẽ ngủ cùng hai đứa khác. Tầng trên cùng là phòng của những anh lớn, tầng hai là phòng của những đứa nhỏ hơn một chút. Vì thế càng lớn bạn sẽ càng chuyển lên những tầng cao hơn. Tầng trệt là văn phòng và một căn phòng lớn có bàn bi-a cỡ lớn đặt giữa - nhưng tôi phát hiện ra nó không bao giờ được sử dụng. Và dưới tầng hầm là một căn bếp lớn và phòng ăn, có khoảng năm sáu cái bàn tròn và cánh cửa để đi vào bếp.
Người ta bảo tôi cất đồ và đến đợi ở vườn sau. Hôm đó là một ngày trời ấm áp, và tôi đến ngồi dưới một gốc cây và nghĩ xem giờ này Irene đang làm gì ở trường, ước gì cô ấy có thể ở đây với tôi.
Vào giờ trà, tôi được giới thiệu với những cậu bé khác. Có khoảng 12 đứa, đứa nhỏ nhất cũng cỡ tuổi tôi, anh lớn nhất thì 15 tuổi. Họ rất thân thiện, nhưng tôi không muốn kết bạn mới. Tôi yên lặng, khép mình và ăn xong bữa mà chẳng mấy để ý xung quanh. Tôi vẫn còn sốc vì phải chuyển đến nơi xa lạ này.
Tối đó tôi nằm trên chiếc giường mới, nghĩ đến Irene. Tôi sẽ tìm cô. Tôi phải tìm cô. Cô ấy không biết tôi đã đi đâu và cô sẽ lo lắng. Tôi cần nói với cô rằng tôi không muốn đi, không muốn chạy trốn nhưng chính là họ đã bắt tôi rời xa cô.
Chính khoảng khắc đó sự đau đớn ập đến với tôi. Như thể có gì đó trong lòng tôi đã vụn vỡ, và có một cơn đau ở rất rất sâu bên trong tôi, một vết thương sâu hoắm đến nỗi tôi không biết phải làm thế nào để kìm nén. Tôi úp mặt vào gối nức nở một lúc lâu, nhưng cơn đau vẫn không đỡ. Tôi đã tìm được một người đặc biệt trên thế giới, một người bạn khác tất cả mọi người, và họ chia cách tôi khỏi cô ấy. Chẳng bao giờ tôi tìm lại được cảm giác ấy nữa.
Lúc đó tôi không biết rằng nỗi đau vì mất mát không thể diễn tả bằng lời ấy đã thành một khoảng trống trong tôi - khoảng trống phải mất cả đời để có thể lấp đầy. Một vết thương trên da thịt có thể lành lặn theo thời gian - nhưng đây là một vết thương ở tâm hồn tôi - vết thương làm tôi đau đớn kinh khủng rất rất nhiều năm sau đó.
Cuối cùng tôi cũng thiếp đi trong lo lắng, kéo theo đầy những giấc mơ đáng sợ. Buổi sáng hôm sau tôi thức dậy và trong một thoáng trước khi mở mắt, tôi đã quên mất tôi đang ở đâu, tôi cứ tưởng rằng mình sẽ dậy và nhìn thấy Irene khi ăn sáng, rồi sau đó sẽ cùng cô đến trường như thường lệ.
Hoá ra sự thật rằng chiếc giường này là mới, ở một căn phòng, trong một ngôi nhà mới, khiến lòng tôi thắt lại. Như một người máy, tôi dậy, mặc quần áo và bị đưa tới trường mới ở trung tâm thị trấn cùng những cậu bé khác. Lại một ngôi trường mới, với thầy cô, bạn bè mới, và một cuộc sống mới phải làm quen. Tôi không ngại đến trường cũ, vì ở đó có Irene, nhưng tôi ghét ngôi trường này.
Suốt cả ngày tôi chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ, lơ đãng, hầu như không nghe những gì cô giáo nói. Vào giờ ra chơi tôi lang thang quanh sân bóng, một mình. Tôi không bận tâm đến chuyện kết bạn hay phải cư xử cho tốt. Tôi chẳng bận tâm đến bất cứ chuyện gì ngoại trừ việc phải trở về với Irene.
Những ngày sau đó tôi dần dần quen với cuộc sống mới và những người mới xuất hiện trong đời tôi. Dì Matron là một người phụ nữ ấm áp và tất cả bọn trẻ đều yêu mến dì. Hầu hết bọn chúng đều nghĩ đến dì như là một người bạn lúc nào cũng có thể nói chuyện cùng, và dì thực sự yêu mến chúng. Chồng dì, bác Kennedy, cũng làm việc ở Esplanade. Hai người họ là những người chăm sóc cấp cao trong hệ thống trại trẻ - họ giám sát các trại trẻ khác và trại trẻ của chính họ, nhưng họ rất khác với những người quản lý khác. Bác Kennedy là một người chấp hành kỷ luật rất nghiêm khắc - ông chính là người đặt ra những quy định dựa trên những câu tục ngữ Victoria cổ như là “Những cậu bé nên được trông chừng bằng mắt chứ không phải chỉ nghe ngóng”, “Chỉ nói khi được hỏi” và “Không dùng đòn roi sẽ làm hỏng đứa trẻ”.
Ông không bao giờ tiết kiệm đòn roi. Bất kì vi phạm nào cũng sẽ bị đánh đòn. Vũ khí của ông rất đa dạng, có thể là bằng tay hoặc bằng dép, hoặc không thì bằng gậy, tuỳ tâm trạng của ông và tuỳ mức độ của tội lỗi. Giống như hầu hết bọn trẻ, tôi cũng không thích ông ta.
Dì Matron và bác Kennedy cùng nhau vận hành một hệ thống kì lạ. Bác Kennedy sẽ đánh bạn vì những lỗi nhỏ nhất và sau đó bắt bạn về phòng, rồi dì Matron sẽ mang đồ ăn đến và an ủi bạn. Tôi mau chóng được trải nghiệm rất nhiều cả hai thái cực đó.
Có gì đó trong tôi đã gãy đôi khi họ đưa tôi xa khỏi Irene, và từ đó nó ảnh hưởng tới tất cả mọi thứ tôi làm. Tôi ngừng quan tâm tới những chuyện xảy đến với mình và tôi trở thành người gây rối và nhất quyết không có tinh thần hợp tác. Tôi đã từng học rất tốt ở trường nhưng giờ đây tôi bắt đầu sa sút, và ở nhà tôi không ăn phần ăn của mình, cũng không làm việc nhà hay làm những gì tôi được giao.
Chuyển đến Esplanade được vài tuần tôi quyết định không thể đợi thêm được nữa. Đêm đó tôi nằm yên lặng trên giường, hy vọng mọi người đã ngủ. Cuối cùng tôi lặng lẽ dậy mặc quần áo và trèo ra ngoài bằng lối cửa sổ phòng tắm. Tôi không biết mình sẽ làm cách nào, nhưng bằng cách nào đó tôi sẽ tìm đường về với Irene.