Lesson 1. Khái niệm tài sản
Bây giờ chúng ta sẽ đến với một vài khái niệm quan trọng mà không phải ai cũng hiểu rõ ràng về nó. Bắt đầu từ cuốn sách "Rich dad poor dad", Robert Kiyosaki đưa ra khái niệm tài sản (asset) là những gì mang tiền vào túi bạn, còn tiêu sản (liability) là những gì lấy tiền trong túi bạn ra.
Định nghĩa như vậy dễ hiểu nhưng sơ sài, vì đã bỏ qua những loại tài sản vô hình, đồng thời dẫn đến một cuộc tranh luận không dứt cho câu hỏi "Ngôi nhà là tài sản hay tiêu sản". Bản thân tác giả “Cha giàu cha nghèo” cũng bị chỉ trích rất nhiều về vấn đề này.
Ở đây, tôi sẽ đưa ra một khái niệm chuẩn chỉnh, đầy đủ và được nhiều người công nhận hơn:
Tài sản (Assets) là những gì tạo ra lợi ích trong tương lai. Tài sản chia làm 2 loại là Tài sản đầu tư và Tài sản tiêu dùng
1. Tài sản đầu tư: tạo ra tiền trong tương lai (future cash inflow). Bao gồm:
- Dạng hữu hình: cổ phiếu, trái phiếu, BĐS, vàng, các loại tiền.
- Dạng vô hình: Năng lực (Capability), Mạng lưới (Network), Thương hiệu (Brand).
2. Tài sản tiêu dùng: tạo ra chi phí trong tương lai để duy trì. VD: BĐS để ở, phương tiện đi lại …
Nợ (Liabilities) là các khoản vay để tạo ra tài sản.
Chúng sẽ được thể hiện trên bảng cân đối như sau:
Chúng ta có thể tóm gọn phần này trong 2 ý:
Thứ nhất, kế hoạch tài chính cá nhân sẽ bao trùm mọi hoạt động hướng đến mục tiêu xây dựng tài sản đầu tư. Khi bạn phát triển năng lực/kỹ năng nghề nghiệp, thương hiệu cá nhân hay mạng lưới mối quan hệ, đó chính là đầu tư vào tài sản vô hình. Các loại tài sản đầu tư sẽ mang dòng tiền vào túi bạn (thu nhập).
Thứ hai, mọi quyết định tài chính đều nên dựa trên bảng cân đối cụ thể của mỗi người. Không có lời khuyên nào phù hợp cho tất cả. Từ việc chúng ta nên đầu tư loại tài sản nào, có nên mua nhà/xe thời điểm này hay không v.v.. Các bạn đều cần nhìn vào bảng cân đối cá nhân để cân nhắc, đánh giá. Bạn cần luôn bảo đảm Dòng tiền thuần và Tài sản thuần luôn là con số dương.
Lesson 2. Bảng cân đối tài chính cá nhân tối ưu
Một trong những công cụ được sử dụng nhiều và hiệu quả nhất bởi những cố vấn tài chính chuyên nghiệp nhằm xác định tình trạng tài chính một cá nhân hay một gia đình chính là “Bảng cân đối tài chính cá nhân”. Đây là phiên bản đơn giản hơn của báo cáo tài chính doanh nghiệp. Cả hai đều là những công cụ có thể cho thấy sức khỏe tài chính của đối tượng.
Bảng cân đối tài chính cá nhân là bản phác thảo tình hình tài chính của cá nhân tại một thời điểm nhất định, mô tả thông tin về tỷ lệ dòng tiền thuần, tỷ lệ tài sản ròng giúp mỗi người theo dõi và xác định “sự giàu có” của bản thân.
Dưới đây là một vài ví dụ mô phỏng tình trạng tài chính cá nhân:
Lesson 3. Kim tự tháp tài sản
Phần lớn mọi người không hề biết đến khái niệm tháp tài sản. Khi có một khoản tiền nhàn rỗi, họ đưa ngay vào Lớp rủi ro nhất như Cổ phiếu penny, Chứng khoán phái sinh, Forex, Crypto… Chúng ta thấy truyền thông đưa tin có quá nhiều người đặt cược tiền tiết kiệm, tiền lương hưu, vay nóng/vay lãi cao để đầu tư vào đỉnh chóp, ôm rủi ro cao với kỳ vọng kiếm lợi nhuận lớn. Họ phá sản, trắng tay. Vừa đáng thương. Vừa đáng trách.
Hầu hết những người nghiệp dư nhất lại lao vào các cơ hội rủi ro nhất, những kênh đầu tư tồi tệ nhất. Kẻ khôn đi lối khác. Bạn có thể khác họ. Bắt đầu bằng cách kiên nhẫn xây dựng cho mình một tháp tài sản bền vững.
Tháp tài sản là gì?
Được lấy ý tưởng từ các kim tự tháp có kết cấu mạnh mẽ và bền vững theo thời gian, các nhà kinh tế học sáng tạo ra mô hình này nhằm mục đích phân chia các loại tài sản, nguồn lực cá nhân, lên kế hoạch xây từng tầng một cách bền vững, hướng đến tự do tài chính.
Một mô hình tháp tài sản cơ bản có thể chia làm 4 tầng bao gồm:
- Tầng 1: Bảo vệ. Đây là tầng lớn nhất nằm dưới đáy, là nền tảng của toàn bộ tháp, bao gồm các chi phí cơ bản cho cuộc sống (ăn uống, thuốc men, chữa bệnh…) Để xây dựng tầng này, bạn cần có một tài khoản dự phòng đảm bảo cuộc sống khi có rủi ro (thất nghiệp, tai nạn, ốm đau…) xảy ra. Số tiền tích lũy thấp nhất là từ 3-6 tháng chi tiêu tối thiểu của cá nhân.
- Tầng 2: Lập kế hoạch. Đây là số tiền tiết kiệm phục vụ cho những mục tiêu cụ thể như mua nhà, mua xe, đầu tư học hành, quỹ hưu trí… mà không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
- Tầng 3: Mục tiêu ưu tiên. Tầng này sẽ giúp ích cho việc xây dựng các khoản đầu tư tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản…), tạo ra nguồn thu nhập thụ động.
- Tầng 4: Tài sản cho thế hệ sau. Cá nhân sẽ thiết lập quỹ tài sản để lại cho thế hệ sau hoặc làm từ thiện.
Nguyên tắc xây dựng
Bạn sẽ chỉ đưa vào đây những tài sản nắm giữ lâu dài. Chúng ta sẽ không tính các cổ phiếu hay các loại tài sản mà bạn liên tục giao dịch, trading ngắn hạn.
Một tháp tài sản được xem là bền vững khi bạn xây dần từ đế lên với phần bên dưới càng rộng càng tốt. Bắt đầu với Lớp tài sản vô hình, sau đó lên dần là Lớp bảo vệ, Lớp tạo thu nhập, Lớp tăng trưởng. Trên đỉnh tháp là Lớp rủi ro với phần trăm phân bổ ít nhất.
Chúng ta sẽ phân chia khối tài sản cụ thể như sau:
Lớp tài sản vô hình
Tài sản vô hình như kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, các mối quan hệ… là những thứ không nhìn thấy, không chạm vào được nhưng lại vô cùng quan trọng, nó là nền tảng để tạo ra các loại tài sản khác
Lớp tài sản này không tự nhiên hình thành mà phải trải qua rèn luyện, va vấp mới có thể tạo ra và phát triển.
Làm thế nào để tính toán giá trị Lớp tài sản vô hình? Chúng ta đều biết rằng năng lực, mạng lưới, thương hiệu của bạn chính là tài sản đầu tư. Có một cách ước lượng tương đối như sau:
- Thu nhập hàng tháng của bạn là bao nhiêu? Ví dụ: giả sử anh A có mức lương 10 triệu đồng/tháng.
- Nhân con số đó với 12 để tính ra thu nhập hàng năm. Trong trường hợp này là 120 triệu đồng.
- Lãi suất ngân hàng tại thời điểm này là 9%/năm. Bằng phép tính nhân chéo đơn giản, ta có con số 1,3 tỷ. Nếu đem số tiền 1,3 tỷ VNĐ đi gửi ngân hàng, sau 1 năm ta có số tiền 120 triệu.
Như vậy, xét trên góc độ giá thị trường, giá trị anh A tạm tương đương với số tài sản trị giá 1,3 tỷ.
Dĩ nhiên đây chỉ là con số ước lượng dựa trên thu nhập hàng năm của bạn. Nó trả về một kết quả mà nếu bạn không hài lòng về điều này, bạn sẽ có động lực để thay đổi định giá bản thân. Khi bạn mang lại nhiều giá trị hơn cho người khác, số tiền bạn kiếm được sẽ tăng theo cùng với giá trị Lớp tài sản vô hình.
Lớp tài sản bảo vệ
Tài sản bảo vệ là loại tài sản dự phòng trường hợp cá nhân xảy ra những rủi ro, biến cố trong cuộc sống như bệnh tật, thất nghiệp… Đây là tiền mặt, vàng, bất động sản hoặc loại tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền để bạn có thể sử dụng lúc khó khăn.
Lớp tài sản tạo thu nhập
Đây là lớp tài sản trực tiếp tạo ra thu nhập cho bạn: Tiền thu từ việc cho thuê nhà, tiền lãi từ khoản gửi tiết kiệm, tiền cổ tức doanh nghiệp trả đều đặn hàng năm cho cổ đông, tiền lãi từ hoạt động kinh doanh hiện tại…
Lớp tài sản tăng trưởng
Lớp tài sản này thường là các khoản đầu tư với mục đích tăng trưởng, kiếm lợi nhuận như: Đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, tiền cho vay… Các khoản đầu tư này thường đi kèm với các rủi ro tài chính tương ứng.
Lớp tài sản mạo hiểm
Lớp tài sản mạo hiểm là lớp trên cùng, được phân bổ vào các kênh đầu tư nhiều rủi ro như tiền mã hóa, chứng khoán phái sinh… Tuy rủi ro cao nhưng lợi nhuận kỳ vọng thu được từ kênh đầu tư này cũng rất lớn, có thể tăng tài sản lên gấp nhiều lần trong thời gian ngắn.
Bài tập cho bạn trong phần này: Tính toán mỗi lớp tài sản hiện tại chiếm bao nhiêu phần trăm trong cấu trúc tháp tài sản của bạn? Vẽ hình dáng tháp tài sản cá nhân.