Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn, tự do tuân theo hoặc không tuân theo những quy luật. Sự lựa chọn của bạn quyết định kết quả của bạn. Không ai có thể thoát khỏi kết quả của những lựa chọn đó
- Alfred A. Montepert -
Khi chúng ta cảm thấy những việc chuẩn bị làm có thể gây tổn thương về mặt tinh thần, hoặc sẽ có khả năng bị từ chối, thất bại, chúng ta chuyển sang kế hoạch trốn tránh để bảo vệ sự yếu đuối của mình. Đây là một cơ chế đối phó đã được điều chỉnh để phản ứng với bất kì mối đe dọa tức thời nào.
Điều gì sẽ bị coi là một mối đe dọa? Đối với bạn, đấy có thể là những lời từ chối, chỉ trích những thứ gây cho bạn tổn thương. Khi phải đối diện những kỉ niệm đau thương trong quá khứ, có lẽ bạn sẽ tìm cách thoát khỏi nó.
Ở một mức độ nhất định, mọi người đều có những vấn đề mà họ thường xuyên muốn né tránh. Chẳng hạn như nhiều người hay đặt hóa đơn thẻ tín dụng ở dưới cùng một tập giấy để không phải nhìn thấy nó. Hoặc mặc kệ nhà cửa đang bừa bộn, bạn chọn xem ti-vi thay vì đi dọn dẹp. Bạn tránh những điều làm bạn cảm thấy đau đớn, không thoải mái, hoặc chỉ đơn giản là vì bạn không muốn làm. Điều này dẫn đến thói quen trì hoãn. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn.
Còn những vấn đề chúng ta tránh né khác thì sao, chẳng hạn như nhìn chính mình trong gương thì sao? Giao tiếp bằng mắt với ai đó? Tránh tương tác với mọi người? Những hành động tránh né này đã quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cố gắng vùng vẫy thoát khỏi nỗi sợ hãi. Thậm chí là làm tê liệt cảm giác, nhận thức về giá trị, những thiếu sót, khiếm khuyết. Chúng ta trốn tránh và trốn tránh. Rồi cuối cùng chúng ta mất kiểm soát.
Khi làm như vậy, chúng ta luôn kết nối với các khuôn mẫu thất bại của bản thân. Về lâu dài, những khuôn mẫu này ăn sâu vào thói quen của chúng ta, cho đến khi ta không còn nhận ra được sự hủy hoại đang diễn ra. Thiếu sự hoàn thiện, các mối quan hệ tan vỡ và những ước mơ không bao giờ thành hiện thực.
Càng cố trốn tránh, chúng ta sẽ càng ít động lực phục hồi từ lối sống này hơn.
SỨC MẠNH CỦA SỰ NÉ TRÁNH
Trong nhiều năm, tôi trốn tránh cuộc sống hiện tại hết mức có thể. Tôi đã có một thời gian khó khăn khi đối mặt với thực tế. Tôi thậm chí còn không trả lời những cuộc điện thoại từ số lạ. Tôi luôn “bảo vệ” mình khỏi sự công kích, chỉ trích hoặc làm sao để tránh cảm giác mình thật kém cỏi trước những người xung quanh.
Nhưng việc tránh né của tôi đã tạo ra một loạt vấn đề mới. Tôi nghĩ rằng mình đang giúp đời mình, nhưng thực ra tôi chỉ đang cố gắng một cách yếu đuối, xây dựng một bức tường cố thủ trong bất lực. Và bằng hai bàn tay mình, tôi đã khóa mọi cơ hội hồi phục khỏi nỗi sợ hãi và cảm giác tự ti.
Bài học rút ra là: Tránh né vấn đề sẽ chỉ tạo ra những vấn đề lớn hơn.
Việc bỏ qua các vấn đề chính là một vấn đề. Khi chúng ta không thể tự trang bị những công cụ phù hợp để vượt qua trở ngại, chúng ta sẽ giống như người thợ mộc đi làm, nhưng phải ngồi không vì quên đồ nghề vậy. Trước tiên, hãy học cách sử dụng các công cụ bạn cần. Bạn có thể áp dụng các chiến thuật bạn muốn.
Không ai sinh ra đã toàn năng, ai cũng có những khiếm khuyết, tính xấu. Việc tự nói xấu bản thân là một hệ thống các hành vi chúng ta “học” từ cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên, môi trường sống. Cách chúng ta giải thích các thông điệp nhận được từ bên ngoài là yếu tố quyết định phong cách ứng phó mà chúng ta áp dụng.
Không có gì sai trái khi bạn dễ bị tổn thương. Điều này là cần thiết để các mối quan hệ của bạn phát triển và nâng cao mức độ tin cậy với những người khác. Nhưng nếu tính dễ bị tổn thương của bạn bị lợi dụng, bạn sẽ phản ứng lại, oán trách như thể bạn sẽ bị tổn thương vào lần tiếp theo sự việc xảy ra.
Khi thế giới khiến bạn cảm thấy mình không tốt, bạn sẽ tự động tìm cách thoát khỏi nó. Bạn đưa ra điều kiện, những lời biện hộ để ngừng tiến lên. Và khi chúng ta đã ngừng cố gắng vì sợ thất bại hoặc xấu hổ, giai đoạn tiếp theo sẽ là sự cô lập. Tốt rồi, mọi thứ đúng như chúng ta mong muốn, chúng ta đã có thể tránh né khỏi tình trạng bị tổn thương.
Có nhiều lí do khiến chúng ta muốn trốn tránh, nhưng chung quy vẫn là do chúng ta không muốn phải trải qua nỗi đau đó nhiều lần. Thông qua các chiến thuật khiến bản thân trở nên bận rộn, tạm quên đi vấn đề đó, chúng ta tưởng rằng mình không cần đối mặt với thực tế nữa.
Hiểu được cách thức hoạt động của các chiến lược trốn tránh là chìa khóa để ngăn chặn chúng. Khi bạn nhận ra các chiến thuật này, bạn có thể ngừng trốn tránh. Nếu bạn đã quyết tâm giữ vững lập trường, khi bạn đang nói “có” với một lối sống tốt hơn, bạn có thể chấm dứt chấm dứt vòng lặp tự hủy hoại bản thân. Dẫu có đi đâu, làm gì, bạn vẫn sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái, bởi bạn đã thấu rõ con người mình. Đứng trước một đám đông từng làm bạn tổn thương mà vẫn có đứng vững, bạn muốn chứ?
Ba chiến lược hàng đầu mà tôi từng thực hiện là từ chối, phàn nàn và kìm chế sự oán giận.
Chỉ cần từ chối, vậy là tôi đã tránh được tình huống đó. Thứ hai, tôi sẽ tranh luận và thậm chí lên án ý kiến của người khác để chứng minh rằng mình đúng. Khi phàn nàn về ai đó, tôi đang cố gắng đặt mình lên trên người đó. Tôi thậm chí còn nói, “Thật vui vì tôi không như vậy.” Nhưng bằng cách dán nhãn, lên án người khác về những sai lầm của họ, tôi đang tự biến mình thành kẻ hèn nhát.
Đây sẽ là một mô hình ăn sâu bắt rễ, rất khó sửa nếu bạn không nhận ra nó.
Sự oán giận là một vấn đề khác. Hãy kể cho tôi nghe xem, có con người cay nghiệt nào mà hạnh phúc không? Hạ thấp được người khác, bạn có nghĩ rằng bản thân sẽ tốt hơn? Hãy thẳng thắn thừa nhận, nếu bạn phàn nàn hoặc dán nhãn người khác, bạn có cảm thấy mình vượt trội hơn họ không? Có phải có khoảnh khắc vượt trội hơn đó đã giúp bạn che lấp sự tự ti trong mình? Có thể có, nhưng nó không kéo dài. Trước khi bạn kịp “tận hưởng” điều đó, bạn sẽ sớm lại cảm thấy mệt mỏi và chán nản thôi.
Lí do thì đơn giản lắm, chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm bản thân hài lòng bằng cách cố gắng dìm người khác xuống. Theo một lẽ tự nhiên, mục tiêu của con người, từ bao đời nay vốn đã không đổi, đó là tạo ra một hệ thống tích cực lành mạnh giúp loại bỏ sự phụ thuộc vào các hành vi tiêu cực và tự hủy hoại bản thân.
Hãy xem danh sách các chiến thuật trốn tránh và tránh né. Có phương pháp nào bạn hay dùng không? Đừng quên đánh dấu lại những cái bạn hay sử dụng. Ai cũng đều có một số chiến thuật tránh né, chỉ có điều là họ thể chưa nhận ra chúng.
Bạn chỉ cần lưu ý đến những cách bạn sử dụng. Trên thang điểm từ 1 đến 10 (với 10 là chiến lược thường xuyên được dùng nhất nhất), hãy đánh giá các chiến lược, cũng như tần suất bạn sử dụng nó. Ví dụ, tôi đánh giá việc tôi tránh tiếp xúc, nói chuyện với những người mới là khoảng 6, vì vậy nó là vừa phải. Còn phàn nàn là khoảng mức 8, có nghĩa là tôi phụ thuộc rất nhiều vào nó.
Ngay bây giờ, hãy xếp hạng các chiến lược trốn tránh từ 1 đến 10:
• Tự cô lập;
• Phản công (phòng thủ);
• Các hành vi gây nghiện và làm giảm nỗi đau;
• Đổ lỗi;
• Chỉ trích người khác;
• Từ chối;
• Mất niềm tin;
• Không chịu trách nhiệm;
• Tránh gặp gỡ những người mới;
• Nổi giận (nổi cơn thịnh nộ);
• Hủy hoại bản thân/người khác;
• Bị động
• Hành động cứng nhắc;
• Lo lắng thái quá;
• Dán nhãn;
• Phàn nàn;
• Kìm chế cảm xúc hoặc ý kiến;
• So sánh;
• Tích giữ oán giận;
• Suy nghĩ tiêu cực về ai đó;
• Bị ám ảnh về điều gì đó;
• Viện cớ, biện minh;
• Cảm thấy sợ hãi, nhưng không thực sự làm gì để giải quyết nỗi sợ.
CÁC KIỂU TRỐN TRÁNH
Trước hết, chúng ta phải nhận thức rõ rằng việc chúng ta sử dụng các chiến thuật né tránh là để bản thân không phải chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của mình. Nếu chúng ta nhìn lại bản thân mà không có bất kì phán xét hay chỉ trích, tôi tin chắc rằng, chúng ta ai cũng muốn thành công trong cuộc sống.
Có một số chiến thuật được chúng ta sử dụng để tránh những gì bản thân không muốn phải đối mặt. Bạn có thể trì hoãn, bỏ dở mọi việc vô thời hạn, hoặc phân tâm vào các nhiệm vụ khác để tránh đối diện với những việc bạn cần lưu tâm. Chạy trốn là một kiểu hủy hoại. Bạn có thể trốn chạy, nhưng bạn sẽ không bao giờ phát triển, khôn lớn được. Chúng ta chỉ có thể trở nên tốt hơn nếu chúng ta giữ vững lập trường của mình để đối mặt. Một khi chúng ta đã tìm cách để đối mặt với những con quỷ trong chính mình, từ đó ta mới khám phá ra cách sống mới ở phía bên kia nỗi đau.
Cách đây nhiều năm, khi lần đầu tiên tôi chú ý đến các kiểu trốn tránh của mình, tôi gần như có thể thấy chúng hằng ngày. Tôi thường tránh nhắc đến những chủ đề khó nói, như các vấn đề trong một mối quan hệ. Thái độ của tôi là phó mặc cho thời gian, “Nó sẽ tự khắc được giải quyết thôi.” Nhưng những gì thực sự đã xảy ra là, nó hoặc là do người khác xử lí, hoặc không hề được quan tâm đến.
Lảng tránh vấn đề là trốn tránh thực tế. Đấy cũng là một chiến thuật để tồn tại. Bởi vì chúng ta chưa bao giờ học cách giải quyết vấn đề đó khi còn nhỏ, vậy nên chúng ta đã “phát triển” các phương pháp xử lí của riêng mình. Nó có thể không lành mạnh, thậm chí là chẳng mấy hiệu quả, nhưng nó tạo ra cảm giác an toàn bên trong mỗi người. Chúng ta chỉ có thể thực sự sống khi đi con đường khó nhằn nhất.
XỬ LÍ NHỮNG THỨ GÂY XAO LÃNG
Không có gì lạ khi ngày nay, nhiều người bị mắc kẹt trong những tình huống mà họ không thể tự mình thoát ra. Chúng ta có rất nhiều thiết bị để giải trí đến mức xao lãng luôn vấn đề chính. Vì vậy, ở đây chúng ta sẽ không tập trung vào những thứ gây xao lãng trong cuộc sống của bạn nữa. Chúng chỉ là triệu chứng của vấn đề. Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề thực sự: Chính mình.
Như tôi đã giải thích trước đó, một cách để bạn tiếp tục bế tắc và cảm thấy mình vô dụng là đổ lỗi cho mọi thứ khác. Luôn là lỗi của người khác. Khoản đầu tư bạn thực hiện vừa thất bại. Mối quan hệ mà bạn từng xây đắp đã đổ vỡ. Cơ hội công việc bạn sắp có được đã được trao cho người khác.
Khi nói đến những thứ gây xao lãng để lấp đầy sự trống rỗng của bạn, thì vấn đề không phải bản thân những điều gây xao lãng đó. Cái quan trọng là những lựa chọn và các quyết định bạn đưa ra. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn định sử dụng sự phân tâm để trốn tránh vấn đề hay không.
Bạn phải ngừng trốn chạy nếu muốn trở nên tốt hơn. Tôi nhận thấy điều này sẽ khá khó khăn, bởi vì bạn có thể cảm thấy như mình đã chạy trốn gần hết cuộc đời.
Thông thường, các công cụ khiến chúng ta phân tâm khỏi những tổn thương là trò chơi, ti-vi, mạng xã hội, rượu, nội dung khiêu dâm hoặc mua sắm,... Danh sách này dài vô tận. Mọi người đều có ít nhất một giải pháp đủ tốt cho mình để trốn tránh khỏi vấn đề. Bạn phải nhận ra nó và đặt nó sang một bên. Một khi bạn xác định được điều khiến bạn xao lãng trong việc đối mặt với vấn đề, bạn mới có thể bắt tay vào giải quyết nó.
Nếu không nhận ra, chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng nó, tương tự như người nghiện không thể dừng sử dụng chất kích thích mỗi khi cuộc sống trở nên sai lầm khủng khiếp. Nó là một cơ chế trốn tránh và sức kéo của nó rất mạnh.
Bạn sử dụng công cụ nào để thoát khỏi thực tế? Rất có thể bạn sẽ có một hoặc một vài phương thức để trốn tránh. Nhưng hiện tại, bạn chỉ cần tập trung vào một phương thức mình hay dùng trước đã.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra điều này khi đang bị căng thẳng, hoặc khi bạn bị từ chối hoặc ai đó vừa chỉ trích bạn. Khi đó, sự phân tâm của bạn sẽ được sử dụng như một cách làm tê liệt cảm xúc và nhận thức của bản thân. Theo nhiều cách, sự phân tâm trở thành những cơn nghiện âm thầm mà bạn dựa vào, để làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, như vậy bạn không phải đối mặt với vấn đề nữa.
Một người phụ nữ tên Brenda đã nói như thế này:
Tôi thường hay từ chối lời mời đi chơi của bạn bè. Sự thật là tôi ghét phải gặp gỡ mọi người vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng họ yêu thích tôi. Tôi giả vờ thích thú trong khi thực sự thì không. Tôi phải thể hiện rằng tôi đang hạnh phúc và cùng lúc đó, trong tôi đang cảm thấy tổn thương không ngừng. Vì vậy, tôi thường nói dối và nói với mọi người rằng tôi đang bận. Sau đó, tôi sẽ ở nhà và xem ti-vi hoặc lướt mạng. Tôi làm những việc khiến tôi tách biệt và phân tâm khỏi những gì đang diễn ra ngoài kia. Tôi luôn nghĩ rằng một khi họ hiểu tôi, họ sẽ mất hứng thú và những thiếu sót của tôi sẽ lộ rõ. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để chứng minh mình có giá trị.
Trường hợp của Brenda cũng tương tự như nhiều người khác. Cô ấy sợ hãi áp lực trước cái nhìn và suy nghĩ nơi người khác, vì vậy cô ấy đã tạo ra một cuộc sống cô lập để bảo vệ cảm xúc, xoa dịu những tổn thương trong mình. Nhưng cuối cùng, cô chỉ có một mình.
Bạn đang làm gì để bị phân tâm và che mắt mình trước sự thật? Khi làm vậy, bạn có cảm giác được sự thất vọng cay đắng trong chính mình không?
BÓP MÉO SỰ THẬT
Lợi thế của việc né tránh là trong ngắn hạn, chúng ta không phải đối mặt với những tình huống khó chịu đã luôn khiến chúng ta sợ hãi. Chúng ta sẽ không cần biết sự thật về các vấn đề của mình là gì, và cũng chẳng phải thừa nhận rằng bản thân đã bị mắc kẹt ra sao nữa.
Sự né tránh là một cách để bóp méo sự thật và che giấu bí mật về cuộc sống mà chúng ta đang sống. Đấy là một lời nói dối nhưng là cứu cánh tuyệt vời trong chốc lát. Chúng ta có thể tiếp tục sống mà không cần phải chịu trách nhiệm, thừa nhận lỗi lầm hoặc nghiêm túc nhìn vào những sai sót của mình. Ảo tưởng này sẽ bao trùm, xoa dịu nỗi đau đang rỉ máu trong bạn.
Mặt tiêu cực của điều này mà chúng ta phải lưu ý chính là chúng ta không bao giờ có thể đi đến sự thay đổi. Chúng ta bị mắc kẹt vĩnh viễn trong mê cung của sự nghi ngờ, bất trắc, sợ hãi và tự mãn.
Mặc dù chúng ta biết rằng né tránh các vấn đề sẽ không thể khiến chúng biến mất, chẳng hạn như lờ đi một mối quan hệ đầy sự gian dối, hoặc tình trạng nghiện ngập. Nhưng bằng cách không thừa nhận nó, chúng ta đã đẩy bản thân đến bờ vực thẳm. Chúng ta chấp nhận rằng mình xứng đáng với mọi thất bại mà chẳng có hi vọng. Thực tế là chúng ta đang từ bỏ việc trở nên tốt hơn. Chúng ta đang trốn tránh khỏi thực tế đau đớn, với những cảm xúc đã trở thành vết thương lòng. Tiếp tục chìm trong bế tắc, chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi được. Chúng ta sẽ không tiến được về phía trước mà cũng không thể đạt được những gì chúng ta muốn.
Đây là lí do tại sao, từ thời điểm này trở đi, tôi khuyến khích bạn nhìn lại những điều mà bạn đang trốn tránh. Bạn có né tránh các cuộc gặp gỡ xã hội vì sợ bị từ chối? Bạn có tránh thách thức hay đương đầu với nỗi sợ hãi của mình không? Bạn không thích điều gì ở bản thân? Bạn có nhớ mình đã thiết lập mê cung cho bản thân vào thời điểm nào trong đời không? Bạn có bắt chước theo các chiến lược trốn tránh từ người khác không?
Rất có thể, một trong hai hoặc cả cha và mẹ của bạn đều là những “nghệ sĩ” trốn tránh . Có thể chính họ cũng không nhận ra điều đó. Điều này được truyền lại như một “mô hình giáo dục” về cách xử lí mọi thứ. Gia đình bạn có thể đã né tránh các vấn đề hoặc hoàn toàn không thảo luận về chúng. Từ đó, bạn cũng học cách im lặng và chấp nhận nó. Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng chúng ta có thể làm tốt hơn, và chúng ta có đủ can đảm, mạnh mẽ để thay đổi những gì chúng ta muốn thông qua những lựa chọn của bản thân.
Chúng ta có thể lựa chọn để kiến tạo những gì bản thân mong muốn, thay vì liên tục chạy trốn khỏi những hoàn cảnh khiến chúng ta cảm thấy bất lực. Bạn hoàn toàn có quyền kiểm soát các cơ chế thay đổi cuộc sống của bạn, chẳng hạn như thay các quyết định, sáng tạo trong suy nghĩ và trao đi niềm tin.
THOÁT KHỎI TƯ DUY TRỐN TRÁNH
Chiến lược 1: Thiết lập “điểm khởi động” khi bạn cảm thấy mình đang cố gắng trốn tránh
Cố gắng nhận thức các kiểu trốn tránh của bản thân là bước đầu tiên để chấm dứt nó. Tất cả chúng ta đều có những lí do nhất định để chuyển sang chế độ “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Đấy có thể là một tình huống hoặc một người nào đó. So sánh bản thân một cách gay gắt với một người khác, hay khi cơ hội thành công đã không còn, hoặc khi thất bại, khi bạn đánh mất những thứ bạn có, tất cả những thứ này đều có thể có thể khởi động chế độ “chiến đấu hoặc bỏ chạy”.
Khi ở gần một người có địa vị xã hội cao hơn, có nhiều tiền và thành công hơn, và cuộc sống của họ tốt hơn bạn nhiều, bạn sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái so sánh mình với họ. Đây là cách chúng ta đẩy sự tự tin lẫn lòng tự trọng của mình xuống, vì nghĩ rằng mình không đủ tốt.
Yếu tố khởi động xung quanh những dạng người này luôn giống nhau. Họ bắt đầu tự xâu xé mình, nguyền rủa cuộc sống mà họ có vì những gì họ có thể có. Càng so sánh, bạn càng hụt hẫng. Đây là một công thức dẫn đến chứng trầm cảm.
Đúng, bạn có thể không nắm trong tay nhiều thứ nhất, nhưng bạn có biết mình cần bao nhiêu cho đủ không? Đến được mức nào bạn mới hài lòng? Bạn có muốn vươn tay chạm đến nấc thang hạnh phúc nào không? Chúng ta có thể xác định và “tắt” các yếu tố khởi động chế độ bằng cách đặt câu hỏi về tính thực tế của những lí luận so sánh kia.
Chiến lược 2: Xác định các cách bạn dùng để trốn tránh
Có một số cách như né tránh, cô lập, tranh cãi và phủ nhận. Khi đã xác định được cách chúng ta trốn tránh vấn đề, chúng ta có thể trang bị cho mình đầy đủ hơn các giải pháp ngăn chặn khi nó xảy ra. Ví dụ, một người bạn của tôi, anh chàng này là Jonathan, anh ấy sử dụng những lời chỉ trích như một công cụ để tấn công mọi người, trước khi họ có thể nhắm vào anh ấy. Tại nơi làm việc của mình, anh ấy thường bị buộc tội là không tự chịu trách nhiệm mỗi khi để xảy ra sai sót.
Jonathan gặp khó khăn trong việc thừa nhận lỗi lầm của mình. Khi có lỗi, anh ấy hiếm khi chịu trách nhiệm và cố gắng đổ lỗi cho người khác. Điều này đã tạo ra một rào cản nghiêm trọng, chia rẽ anh với các đồng nghiệp. Anh ấy đổ lỗi và chỉ trích người khác để lấy lại lòng tự trọng của mình. Nếu Jonathan thừa nhận mình sai, vậy nghĩa là anh ấy đang thừa nhận mình thất bại. Và điều đó làm anh ấy thật sự rất xấu hổ.
Tất cả chúng ta đều có thói xấu cần bỏ. Trì hoãn để không phải làm những việc chúng ta không thích. Dán nhãn để che đậy các khiếm khuyết của bản thân. Cố tình bắt lỗi, cay nghiệt với người khác để che giấu cảm xúc thật. Khi đã kích hoạt các cơ chế đối phó với những thất bại, chúng ta chỉ đơn giản là tự tạo điều kiện cho mình phụ thuộc vào chúng nhiều hơn.
Bạn có thể đang ở thời điểm rất phụ thuộc vào chiến lược trốn tránh của mình. Chúng đúng là một loại thuốc giảm đau ngắn hạn, giúp bạn tạm thời quên đi, né tránh hoặc trở nên tê liệt. Nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể thay đổi. Chúng ta chỉ có thể thay đổi nếu chúng ta nhận thức rõ những thói quen trốn tránh không lành mạnh của bản thân. Trong suốt cuốn sách này, tôi sẽ dẫn bạn đi xem xét các chiến lược để xử lí từng điểm tổn thương trong bạn.
Chiến lược 3: Tập trung vào xử lí từng biện pháp trốn tránh tại từng thời điểm
Chúng ta không thể tốt lên trong một sớm một chiều. Và không phải ai cũng có thể làm được. Đặc biệt là khi lòng tự trọng luôn là một trở ngại không nhỏ, bởi vì chúng ta đã “đầu tư” nhiều năm để đánh bại chính mình.
Chúng ta đã liên tục thực hiện các khuôn mẫu tiêu cực, và sẽ mất rất nhiều thời gian để cân bằng giữa điểm chúng ta muốn đến và hiện tại. Nhưng bạn không thể làm mọi thứ cùng một lúc. Hãy kiên nhẫn và bình tĩnh. Với bất kì thói quen và khuôn mẫu nào, bạn đều cần duy trì nỗ lực và nhất quán để có thể thay đổi.
Chiến lược 4: Viết ra cảm xúc của bạn
Một trong những chiến lược hiệu quả hơn cả mà tôi đã phát hiện ra là, viết ra hoặc ghi lại những cảm nhận mà bản thân trải qua. Bạn có thể thực hiện việc này bằng một số cách. Viết nhật kí trải nghiệm là một cách và tôi thấy cách này rất hiệu quả. Bạn có thể dành ra 20 phút mỗi ngày cho việc này. Hãy tạo thói quen bằng cách thực hiện nó vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Tôi dành ra 20 phút vào buổi tối để viết nhật kí. Tôi đã ghi lại một số lưu ý về cách tôi tương tác với mọi người, xem có nỗi sợ hãi nào xuất hiện không. Và quan trọng nhất, tôi đặc biệt lưu ý liệu mình có làm bất cứ điều gì để thay đổi kiểu hành vi tự hủy hoại bản thân hay không.
Hãy nhớ rằng, một lí do cốt lõi khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi là vì chúng ta bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu của những hành vi hủy hoại bản thân. Các thói quen cũ sẽ duy trì kiểu hủy hoại đó. Một khi bạn phá vỡ khuôn mẫu đó và tiếp tục phá vỡ nó, bạn sẽ vượt qua được nỗi xấu hổ và cảm giác tội lỗi trong mình.
Chiến lược 5: Nói về cảm nhận của mình và ghi âm lại
Có một chiến lược khác là nói và thu vào máy ghi âm. Bạn có thể sử dụng tính năng ghi âm trên điện thoại, máy tính bảng hoặc phần mềm khác như Dragon Dictation.
Đây là một chiến lược tuyệt vời vì nó giống như trò chuyện với chính mình. Nếu điều này lúc đầu có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái, thì thực ra chỉ là bạn đang bắt đầu đột phá các giới hạn cũ của bản thân mà thôi.
Chiến lược 6: Đề nghị ai đó nói rõ về trách nhiệm của bạn
Ở chiến lược này, hãy nhờ người yêu hoặc bạn thân giúp đỡ. Khi bạn đã xác định được các cách thoát khỏi thói xấu của mình, hãy đề nghị họ quy trách nhiệm cho bạn. Chẳng hạn, nếu bạn có xu hướng tránh trò chuyện với mọi người, bạn có thể nhờ họ chỉ ra những thời điểm bạn “xa lánh” hoặc viện lí do để trốn tránh.
Bạn có thể làm điều tương tự cho người khác. Hãy cam kết chỉ ra cho nhau ít nhất một kiểu trốn tránh tiêu cực mỗi tuần. Sau đó, vào cuối tuần, đừng quên ngồi lại và cùng thảo luận.
Bạn đã sử dụng chiến thuật trốn tránh của mình như thế nào? Ví dụ, một trong những chiến lược trốn chạy của tôi là viện tất cả những lí do có thể (dù hợp lí, hay bất hợp lí) để tôi không phải làm việc mình không muốn. Tôi thậm chí còn “sáng tạo” sẵn một cái cớ cho mọi thứ. Nếu phải điền vào một biểu mẫu mình không thích, thì lúc đó tôi sẽ bảo là tôi không tìm thấy bút.
Nếu tôi muốn từ chối một cơ hội giúp cuộc sống mình tốt đẹp hơn, chẳng hạn như một công việc mới giúp tôi hạnh phúc hơn, thì tôi sẽ tạo ra một cái cớ để mình không thể sắp xếp cuộc phỏng vấn nữa.
Trốn tránh là cách bạn tự ghìm chân mình lại. Điều này không liên quan đến bất kì ai khác hoặc bất kì địa điểm, sự vật, sự việc nào cả, vấn đề nằm ở chính bạn mà thôi
KIỂM TRA VÀ ĐÁNH GIÁ HÀNG TUẦN
Vào mỗi cuối tuần, hãy xem xét lại tiến trình của bạn. Bạn có thấy tác nhân nào gây nên tình trạng hiện tại không? Tại sao bạn lại cố gắng trốn tránh? Điều đó làm bạn khó chịu chăng? Bạn sẽ định làm gì nếu lần sau vẫn tiếp tục như vậy?
Bạn nên xem lại danh sách chiến lược trốn tránh mà bạn đã liệt kê ra. Hãy đặc biệt chú ý đến các chiến lược được xếp hạng 6 trở lên. Rất có thể đây là những kiểu trốn tránh đang khiến bạn bị mắc kẹt.
Đến chương này, chúng ta đã đi qua những kiến thức cơ bản về các mẫu hình tự hủy hoại, về cách chúng ta duy trì chúng hoạt động và các chiến lược được dùng để trốn tránh. Sang phần tiếp theo, hãy cùng xem xét bốn tư duy tạo nên phần lớn các rào cản bên trong của chúng ta.