Nhiều người tự tâng bốc mình bằng cách cho rằng lỗi lầm của họ luôn hiện hữu trong tâm trí người khác, như thể họ nghĩ rằng cả thể giới luôn luôn xoay quanh phẩm hạnh và sự cuốn hút của cá nhân họ
- Elizabeth Gaskel -
Vòng xoáy trách cứ là một cái bẫy đầy sức mạnh. Thông thường, khi đối mặt với nỗi đau về cảm xúc, ta sẽ tìm cách trốn tránh. Thậm chí, chúng ta sẵn sàng trách cứ những người làm ta đau khổ: Người bố người mẹ hay chỉ trích chưa bao giờ ủng hộ bạn; người yêu đã bỏ rơi bạn; người đã bắt nạt và trêu chọc bạn; người chồng/vợ đã lừa dối bạn; người giáo viên đã nói với bạn rằng, “Em học kém quá. Tại sao em không nghỉ học lớp này đi nhỉ?” (Điều này có thật. Nó đã xảy ra với tôi.)
Tất cả những điều này đã cấu thành nên tâm lí nạn nhân trong mỗi người. Cuộc sống rất đỗi khắc nghiệt và không phải lúc nào cũng công bằng. Không phải ai cũng tử tế. Có lẽ đúng là bố mẹ bạn nên yêu bạn nhiều hơn. Có lẽ giáo viên đã từng phớt lờ bạn, vì họ cho rằng bạn là đứa trẻ sẽ không theo học nổi. Bạn dần bị xa lánh và cảm thấy mình là đứa lạc loài.
Hay ngược lại, bạn là một người thành đạt. Bạn có đầy rẫy những áp lực từ gia đình và những cuộc chạy đua điểm số trên trường lớp, trong hoạt động thể thao hay một điều gì khác. Bạn liên tục sống trong nỗi sợ thất bại. Bạn được dạy rằng chiến thắng là tất cả. Và vì thế bạn chưa bao giờ có cơ hội là chính mình, tận hưởng chính con người thật của mình hay khám phá tiềm năng đích thực.
Khi một điều gì đó kích phát cảm xúc tiêu cực gắn liền với nỗi đau trong quá khứ, chúng ta lập tức chuyển sang chế độ sống còn. Chúng ta tránh né, công kích hoặc phòng thủ. Phần lớn điều ta muốn làm lúc đó là tránh né, và để thực hiện điều đó, ta đổ lỗi lên người khác.
Chúng ta nói những điều như này:
“Tại cô ta mà tôi thế này.”
“Tôi đâu có muốn mọi thứ biến thành thế này.”
“Nếu tôi xứng đáng, tôi đã không bị đối xử như thế này. Rốt cuộc tôi vẫn là kẻ vô dụng.”
Nỗi đau của chúng ta gắn liền với những lời độc thoại nội tâm mạnh mẽ mà ta đã chấp chứa trong suốt một thời gian rất dài. Nỗi đau ấy quá đỗi tự nhiên đến mức khi bị khơi gợi những nỗi đau kia, ta sẵn sàng trốn tránh để không phải đối mặt, không phải “giải quyết” nó.
Trách cứ một người, một hoàn cảnh hay một điều gì đó, cho rằng bất hạnh của bạn từ đấy mà ra, hành động này giống như khơi màn một cuộc chiến im lặng với tất cả những thứ làm tổn hại bạn: bố mẹ đã đối xử không tốt với bạn, những người đã bỏ rơi bạn, hay ông chủ đã sa thải bạn. Đây không phải là một thế giới hoàn mĩ, nhưng bạn có thể tạo ra một phiên bản tốt hơn cho chính mình. Bạn có thể lấy lại sức mạnh đích thực ở sâu thẳm trong mình bằng cách dừng trách cứ.
Khi chúng ta quyết định rằng bản thân sẽ chịu trách nhiệm về mọi thứ xảy ra trong đời mình, đó sẽ là bước đầu tiên để bạn vươn tới sự vững mạnh. Điều quan trọng không phải là những chuyện đã xảy đến với bạn. Mà là bạn sẽ tiếp nhận các tình huống đó như thế nào.
Nói cách khác, là bạn có nhận toàn bộ trách nhiệm cho các sự việc trong đời mình hay không. Bạn có chấp nhận và quả quyết rằng, tất cả những gì xảy đến với bạn là kết quả trực tiếp của hành động bạn làm? Tất cả hoàn toàn không liên quan gì đến quá khứ.
Khi bạn níu kéo nỗi đau trong quá khứ và trách cứ người khác vì những việc đã xảy ra, bạn sẽ là người duy nhất chịu đau khổ. Bạn từ bỏ một cuộc sống mà đáng nhẽ nó đã trở nên tuyệt diệu. Thay vào đó, nó trở thành lối mòn dẫn đến những tổn thương sâu thẳm hơn. Nếu an nhiên, tự tại và thanh thản là điều bạn hướng tới, vậy thì hãy tiến về phía trước và nắm lấy tự do của bạn.
Trách cứ chỉ khiến bạn bị bế tắc. Còn bao dung sẽ giúp bạn tiến lên và trở nên mạnh mẽ, kiên cường, tự lập hơn
Thay vì trở nên yếu đuối, bế tắc và bạc nhược, bạn sẽ có thể tự do lựa chọn và tự tin. Nhưng buông bỏ những lời trách cứ không đồng nghĩa với việc bỏ qua. Thật ra mà nói, có những chuyện nếu gặp phải, sẽ thật khó để bạn làm ngơ. Buông bỏ những lời trách cứ không có nghĩa để người khác tùy ý, hay chấp nhận mọi sai lầm của họ mà bỏ qua điều đúng đắn.
BẠN CÓ QUYỀN LỰA CHỌN
Denis Waitley, một diễn giả truyền cảm hứng và cũng là một tác giả nổi tiếng, từng nói: “Có hai lựa chọn chính trong đời: chấp nhận cam chịu hoàn cảnh sống, hay chấp nhận mọi khó khăn để thay đổi nó.”
Giành lại sức mạnh đích thực là nắm lấy đời mình và nó hoàn toàn không liên quan đến cuộc đời của những người xung quanh. Cũng tương tự như tha thứ, nếu bạn quyết định điều tốt nhất để vượt qua là tha thứ, vậy hãy nhớ rằng trọng tâm không phải là làm người khác thoải mái, mà là vì chính bạn. Nếu tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn là cách duy nhất để bạn chữa lành và chấm dứt những khuôn mẫu hành vi tiêu cực, vậy việc tha thứ rất quan trọng.
Bạn cần phải suy nghĩ rộng ra và thúc đẩy bản thân vượt qua những cảm xúc tiêu cực về sự kém cỏi, yếu đuối và thất bại. Tôi sẽ nói sâu hơn về những chủ đề này trong những chương tới. Nhưng nhận ra sự tồn tại của chúng sẽ giúp bạn biết rằng bạn đang bị chúng “xấm chiếm” từ bên trong (nội tâm).
Một người bạn từng nói với tôi, “Thay đổi không dễ dàng. Luôn có sự hi sinh ở một mức nhất định để biến hóa. Và phần lớn mọi người không sẵn sàng hi sinh điều cần thiết để tạo ra sự biến đổi đó.”
Biến hóa, tái tạo hay chuyển đổi mạnh mẽ cuộc sống của bạn cần sự dũng cảm, quyết tâm và kiên định. Bạn phải chủ động làm mọi thứ với mục tiêu rõ ràng. Nếu đến chính bạn cũng không hiểu tại sao mình cần thay đổi, vậy bạn sẽ quay trở về vòng xoáy tiêu cực đã từng giam hãm bạn. Để thoát khỏi vòng xoay đấy, bạn phải dồn toàn bộ quyết tâm vào quá trình thay đổi các cơ chế vận hành trong nội tâm của bạn.
Hãy nghĩ theo cách này: Trưởng thành, chúng ta gặp rất nhiều chuyện bản thân không mong đợi. Chỉ trích, hành hạ cảm xúc, bị bỏ bê khiến chúng ta thất bại. Nhưng điều này không có nghĩa chúng ta là những kẻ thất bại. Điều chúng ta cần là chữa lành những tổn thương và học cách củng cố chính mình.
Vì vậy, nếu tận cùng vực thẳm là nơi chúng ta đang ở, vậy đó sẽ là nơi ta bắt đầu. Bạn phải bắt đầu đã. Mỗi chúng ta đều có những câu chuyện thành công và thất bại, đau đớn và hạnh phúc riêng của mình. Nếu bạn đang đọc cuốn sách này, khả năng lớn là bạn quan tâm đến hạnh phúc nhiều hơn là nỗi đau. Điều này tôi có thể hiểu được.
Thay đổi lớn nhất đời tôi xuất hiện khi tôi quyết định ngừng phá hoại chính mình và khi tôi đã chán nản với việc cảm thấy bản thân vô dụng. Sống một cách bị động, đấy thực sự không phải là sống. Cuối cùng bạn sẽ phải làm những thứ bạn không muốn và dành cuộc đời mình sống cùng những người bạn không thể nào quý mến.
Lí do người ta bế tắc là vì họ cố gắng đánh bại tất cả những điều này cùng một lúc. Họ bị quá tải và bị lấp đầy bởi những lo lắng, những sợ hãi. Điều này kích hoạt cơ chế trốn tránh. Họ bắt đầu sử dụng những hoạt động tiêu cực để nuôi dưỡng cách sống này.
CÁC BƯỚC HỒI PHỤC BẢN THÂN
Bước 1: Nhận ra điểm tổn thương
Hãy cố gắng nhận ra những phương pháp bạn dùng để đổ lỗi cho người khác về những gì bạn đang trải qua. Những chiến thuật trốn tránh nào bạn thường dùng để không phải đối mặt với sự thật? Những chiến thuật trốn tránh này giống như những mật đạo đào tẩu.
Sau đó, hãy suy xét xem bạn thường trách cứ ai. Đấy là bố mẹ bạn hay người bảo hộ? Một người bạn tin tưởng đã phản bội bạn? Lập một danh sách những người, những nơi và hoàn cảnh mà bạn dùng để đổ lỗi.
Bước 2: Đối mặt với tổn thương trong tâm trí
Đây là bài tập tưởng tượng. Hãy tưởng tượng ra người đã từng làm bạn cảm thấy mình thấp kém và vô dụng. Bạn có thấy cảnh mình tức giận, phản kháng và từ chối bất kì lời phê bình nghiêm khắc nào chứ. Đây có thể là một bước đầy đau đớn và mệt mỏi. Nếu bước tập này quá sức với bạn, vậy hãy tìm sự giúp đỡ từ một người bạn hay từ một chuyên gia trị liệu tâm lí.
Bạn có thể trải qua nhiều đau đớn tinh thần trong bước này, ví dụ như giận dữ, nhục nhã hay xấu hổ. Chuyện đó rất bình thường. Chỉ là bạn đang đối mặt với rất nhiều cảm xúc bị dồn nén.
Khi liên tục dồn nén cảm xúc và tự thuyết phục rằng mình không quan trọng, sự giận dữ tiềm ẩn bắt đầu lớn mạnh. Dần dần, sự giận dữ ấy biến thành phẫn nộ. Nếu bạn cảm giác mình mất kiểm soát, hãy tìm một nhà trị liệu giúp bạn vượt qua nó. Bạn không nhất thiết phải làm điều này một mình. Tôi khuyên bạn hãy tham gia một nhóm trị liệu. Cùng nhau thực hiện và nói ra cảm xúc của bạn là con đường dẫn đến sự chữa lành.
Bước 3: Viết một bức thư cho người bạn oán giận
Những lời trách cứ đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời bạn. Nhưng bây giờ bạn có thể gỡ bỏ sức mạnh của nó từng phần, từng phần một. Oán giận là một cảm giác cay đắng mạnh mẽ mà bạn dành cho ai đó, hoặc điều gì đó đã làm tổn thương bạn. Thường khi, đấy chính là lí do vì sao người ta phải vận lộn với sự hận thù và khó tha thứ.
Oán giận có thể rất hùng mạnh, nhưng nó chỉ hùng mạnh khi bạn tiếp tục cung cấp sức mạnh cho nó. Kể cả nếu bạn bị nhấn chìm trong cơn oán giận, bạn vẫn có thể thoát khỏi vòng xoáy đó. Bắt đầu với việc viết một bước thư tới người đã làm tổn thương bạn. Bạn có thể diễn đạt theo bất cứ cách nào bạn muốn. Sẽ không có ai khác ngoài bạn nhìn, đọc bức thư này. Bạn không cần phải gửi bức thư này nếu bạn không muốn hay bạn không thể vì một lí do nào đó. Bức thư này vốn dành cho bạn.
Bộc lộ cảm xúc và biết rằng những gì xảy ra không phải lỗi của bạn, giờ đây bạn đã sẵn sàng buông bỏ và bước tiếp. Xin nhắc lại lần nữa, mục đích của việc này là tha thứ, nhưng không phải cho người khác, mà cho chính bạn.
Bước 4: Tập trung vào điểm mạnh của bản thân
Trách cứ, oán hận và giận dữ sẽ khiến bạn càng thêm bế tắc. Khi những cảm xúc này nổi lên, hãy cố nhận ra chúng ngay lập tức và cân nhắc những điều bạn đang nghĩ vào khoảng khắc đó. Khả năng cao là bạn đang nghĩ về một ai đó bạn oán giận. Nếu đúng là thế, hãy sử dụng các phương pháp phía trên để loại bỏ sức mạnh của nó. Khi bạn còn trao sức mạnh cho những suy nghĩ tiêu cực và củng cố nhận định mình là một nạn nhân bất lực, bạn sẽ không thể thay đổi. Bạn sẽ luôn phải vật lộn với cảm giác bất ổn về bản thân. Thay vào đó, hãy hướng năng lượng của bạn đến những điều tích cực và thế mạnh của bạn để phát triển các kĩ năng giúp ích cho cuộc sống và công việc của bạn.
Thế mạnh của bạn là gì? Đây là một vài ví dụ: sự trung thực, phẩm giá, tự tin, trung thành, kỉ luật và vị tha,... Bạn có thể mãi dằn vặt chính mình chỉ vì bạn không tự nhận ra những điểm tốt mình có. Hãy liệt kê năm phẩm chất tốt ở bạn ngay bây giờ và viết chúng ra một tờ giấy. Treo tờ giấy đó lên, trước bàn làm việc hoặc trên tường để nhắc nhở bản thân về những điều mình đang có, về giá trị của mình.
Bước 5: Lập một danh sách biết ơn
Đây là nơi bạn tìm thấy sức mạnh thực sự. Bạn biết ơn điều gì? Bạn yêu thương những ai trong cuộc sống mình? Ngay lúc bạn muốn tấn công và trả thù, hãy chuyển hướng tâm trí về phía sự biết ơn. Điều này sẽ biến đổi bạn từ một người bất lực thành một người tràn đầy sức mạnh.
Vòng xoáy trách cứ giam hãm bạn trong nỗi đau. Vì thế, bạn sẽ không bao giờ được chữa lành và liên tục cảm thấy chính mình tồi tệ. Bạn hành động vì những kẻ hành hạ mình, và thế là bạn mãi mãi là nạn nhân.
Trách cứ người khác, hoàn cảnh và cuộc đời sẽ tạo nên một cảm giác bất lực. Bạn có biết bạn đang để tuột mất sức mạnh tự lập của chính mình. Và rồi để bản thân cứ mãi bị xâm nhiễm bởi suy nghĩ rằng một ai đó phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc hay bất hạnh của bạn.
Bước 6: Tha thứ những người bạn trách cứ
Đây không phải là một bước dễ dàng. Song, phải nói rõ một điều rằng, bạn tha thứ cho người khác không chỉ là giúp người mà còn là giúp mình. Bạn chắc chắn phải vượt qua những điều tiêu cực và oán giận đã luôn khiến bản thân bế tắc.
Khi bạn còn chấp vào ai đó hay những điều làm bạn tổn thương, bạn sẽ thể xóa bỏ tâm lí nạn nhân. Khi nào bạn còn tin rằng bạn là người bị hại, bạn sẽ còn muốn trả thù và sẽ thật khó để tiến bước.
Ngay bây giờ, hãy lập danh sách 3 người bạn sẵn sàng tha thứ. Và đừng quên, bạn làm thế để xoa dịu nỗi đau tinh thần và chữa lành tổn thương cho chính mình.