Muốn tự tin, chúng ta nhất định phải tập trung vào lí tưởng duy nhất và quên đi những thất bại cùng những điều tiêu cực trong cuộc sống
- Denis Waitley -
Tại sao tôi lại tự ti? Những cảm giác khiếm khuyết này bắt nguồn từ đâu? Tại sao tôi lại căng thẳng và sợ hãi bị tổn thương mỗi khi tham gia vào cuộc trò chuyện? Làm thế nào mà tôi luôn nghĩ mình thua kém hơn mọi người mình gặp và không đủ tư cách để sánh vai cùng họ? Tại sao tôi cảm thấy mình là kẻ lạc loài?
Trong chương này, chúng ta hãy cùng xem xét các lập luận logic về lí do tại sao chúng ta tự xem mình là những kẻ không đủ tốt. Hãy dành một chút thời gian để nghĩ lại khi mình khi còn là một đứa trẻ. Bạn có luôn cảm thấy những điều này không? Bạn có thiếu tự tin hoặc bị nỗi sợ hãi kéo chân không?
Khi còn nhỏ, có thể chúng ta luôn dũng cảm theo nhiều cách. Nhưng khi năm tháng trôi qua, chúng ta dần khám phá bản thân thông qua những trải nghiệm. Một sự thay đổi đang diễn ra. Một số người bức phá và vượt lên trên cả tiềm năng của họ. Họ trông thật mạnh mẽ, đầy ý chí với những thành công.
Nhưng điều này không có nghĩa là bạn kém cỏi hơn nếu bạn liên tục gặp khó khăn, thất bại. Cuộc sống này là một hành trình, có vinh quang tột đỉnh, cũng có những chướng ngại khôn cùng. Nếu không có bí quyết đối phó với những khó khăn ấy, chúng hoàn toàn có thể đánh bại rất nhiều người. Nếu bạn lớn lên trong một môi trường hà khắc và tiêu cực chẳng hạn. Vậy rất có thể nhiều năm sau, bạn sẽ mang những đặc điểm đã được hình thành trong quá trình bạn trải qua biến cố. Chúng có thể đã biến thành một loạt các khuôn mẫu tiêu cực, những điều kiến tạo nên thứ năng lượng hủy hoại bản thân bạn.
Tự hủy hoại bản thân nghĩa là gì? Đối với nhiều người, đấy là việc vật lộn với chứng nghiện ngập. Đấy cũng có thể là các hành vi trốn tránh, tự hạ thấp bản thân, những thứ ngăn trở sự trưởng thành và các quá trình phát triển tích cực. Bất kì hành vi nào làm tổn hại đến lòng tự trọng của bạn, giết chết sự tự tin, làm bạn thêm đau khổ, đều là một kiểu tự hủy hoại bản thân. Và chắc chắn rồi, nó luôn là những lối sống khó bỏ.
Một khi bạn đã và đang chọn đọc cuốn sách này, rất có thể đấy là vì bạn đang gặp khó khăn với một hoặc nhiều khuôn mẫu tiêu cực. Những khuôn mẫu tiêu cực này có thể khiến bạn tự hủy hoại ở nhiều mức độ khác nhau, từ trường hợp rất nhẹ đến các tình huống nặng nề hơn.
Nhiều người cảm thấy rằng họ sinh ra đã là kẻ lạc loài theo nhiều cách khác nhau. Nhiều khiếm khuyết. Những thiếu sót. Những điểm xấu xí. Vì lẽ đó nên chúng ta đã tạo dựng nên một hệ thống hành vi để thích nghi với điều đấy. Các cơ chế thích nghi này có thể liên quan đến các thói quen tiêu cực, như chứng nghiện, lạm dụng chất kích thích. Còn có các thói quen tiêu cực khác bao gồm chi tiêu không kiểm soát, ăn uống quá đà hoặc để nỗi sợ hãi chi phối hành động dẫn đến kết quả bê bết.
Nhiều vấn đề liên quan đến nỗi sợ, nỗi ám ảnh được bắt nguồn từ thời thơ ấu. Đứa trẻ trong ta có thể đã cảm thấy nó bị bỏ rơi, bị hạ thấp hoặc có lẽ bị đè nặng bởi kì vọng đến nỗi nỗi sợ thất bại ngày một dâng cao.
Những người bạn tin tưởng không phải lúc nào cũng sẽ cùng bạn vượt qua mọi thử thách. Có thể cha mẹ đã chỉ trích bạn nặng nề, coi thường hoặc hoàn toàn phớt lờ bạn. Điều này đã để lại cho bạn những vết thương thời ấu thơ. Đây là những điều bạn không thể quên, hoặc dù đã cố gắng chôn vùi nhưng không thành công. Có người đã từng nói với tôi, “Bạn phải thay đổi mắt kính mà bạn đang nhìn. Chúng đã bị hỏng và lỗi thời. Khi cuộc sống không dành cho bạn sự ưu ái, đã đến lúc thay đổi cách nhìn. Bạn có sức mạnh để thay đổi nó.”
Bước đầu tiên bạn phải làm là phân tích xem vị trí hiện tại của bạn đang ở đâu. Hãy xem xét các bằng chứng chống lại chính bạn. Hãy coi như bạn đang trong một phiên tòa để tự phán quyết cho mình. Trước khi bắt đầu, dưới đây là một số ví dụ về cái mà tôi gọi là “bằng chứng”, những thứ được dùng để giảm giá trị của bạn. Hãy tích vào các mục mà bạn đã, đang gặp phải:
• Tôi không thành công như hầu hết những người tôi gặp;
• Tất cả những người tôi biết đều đã kết hôn và có một công việc tốt, và tôi không có cả hai điều này;
• Tôi không được như mọi người xung quanh mình;
• Tôi cảm thấy choáng ngợp vì lúc nào cũng tự thúc ép mình quá nhiều. Tôi chỉ muốn thành công, nhưng rồi tất cả những thành công ấy cũng sẽ không còn quan trọng nữa. Tôi sẽ sớm theo đuổi thành công tiếp theo;
• Cuộc sống của tôi lúc nào cũng bấp bênh;
• Tôi cảm thấy như mọi người “tốt hơn” hoặc “cao hơn” tôi theo một cách nào đó;
• Tôi luôn nghĩ rằng sẽ có điều gì đó tồi tệ xảy ra với tôi;
• Mọi người luôn làm tôi thất vọng. Làm thế nào để tôi có thể tin tưởng họ?
• Khi tôi lớn lên, cha tôi nói với tôi rằng tôi chưa bao giờ là “đủ tốt”;
• Khi giao tiếp với mọi người, tôi cảm thấy mình cực kì mỏng manh;
• Trong suốt cuộc đời mình, gần như lúc nào tôi cũng bị người khác từ chối, khước từ;
• Người khác nói rằng tôi nhàm chán, vì tôi chưa bao giờ nghĩ ra được điều gì đủ thú vị. Tôi thậm chí còn không thể đưa ra bất cứ ý kiến nào khi cần;
• Cả đời, tôi luôn là một kẻ “bên lề”;
• Gia đình tôi rất bất thường, không giống những gia đình khác. Tôi luôn cố gắng che giấu việc chúng tôi trông thật khác thường;
• Tôi luôn lo lắng về ngoại hình của mình (cân nặng, khuôn mặt, chiều cao,...) khi ở gần người khác. Điều đó khiến tôi luôn ngại ngùng và tự ti;
• Tôi từng tham gia một bữa tiệc và không dám nói chuyện với bất kì ai. Tôi chỉ ngồi đó nhìn đám đông vui vẻ cảm giác như ai ai cũng đang từ chối tôi;
• Tôi không yêu bản thân mình cho lắm. Tôi có những nhận định tiêu cực về bản thân.
Bạn có thấy hình ảnh chính mình ở trong những tình huống trên không? Tất cả chúng ta đều gặp đã từng những vấn đề (ở các mức độ khác nhau) liên quan đến giá trị bản thân, cũng như các vấn đề về cảm xúc, suy nghĩ khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội. Đấy chính là lớp nền cấu tạo nên những nỗi ám ảnh về sự thất bại, sự từ chối và thiếu tự tin. Nhiều người còn phải đối mặt với những vấn đề này hằng ngày. Để đối phó với chúng, chúng ta đã tạo ra cơ chế sinh tồn của riêng mình, một hàng rào phòng vệ để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương.
Nhưng chính cơ chế phòng vệ này lại là bức tường giam hãm bạn. Chúng gần như không có tác dụng gì trong quá trình giải quyết vấn đề. Thay vào đó, bạn cần rèn cho mình một “tổ hợp” hành động để đưa bản thân thoát khỏi tình trạng rối loạn và chuyển sang trạng thái tốt hơn, lành mạnh hơn. Có như thế, bạn mới có thể tự tin vào chính mình để nhận ra rằng mình vốn đã đủ tốt, đủ mạnh mẽ. Đúng là thế đó, bạn đã đủ tốt.
Bạn cần tự tạo cho mình niềm tin rằng mình đủ tốt. Đấy là nền tảng căn bản để bạn có những bước phát triển cao hơn
Nhưng trước hết, hãy tiêu diệt những ảo tưởng tiêu cực đã lừa bạn về chính con người bạn. Dưới đây là danh sách những lời nói dối mà chúng ta thường tự nói với mình:
• Tôi vô dụng;
• Tôi không ổn;
• Tôi luôn thiếu sót;
• So với những người khác, tôi không có đủ khả năng;
• Tôi buồn tẻ và nhàm chán;
• Tôi liên tục bị từ chối;
• Tôi không hấp dẫn;
• Tôi không thông minh lắm;
• Tôi làm gì cũng thất bại;
• Tôi là kẻ lạc loại, làm sao những người khác có thể chấp nhận tôi được;
• Tôi chưa bao giờ được yêu quý. Và tôi sẽ không bao giờ được yêu quý;
• Tốt hơn là tôi nên ở một mình;
Đây là những “chương trình tinh thần” mà nhiều người trong chúng ta đã dày công xây dựng trong nhiều năm. Chúng đã thay thế cách chúng ta suy nghĩ, hành động và cư xử. Chúng đang giết chết cách chúng ta sống. Chúng đã bóp méo thực tế mà ta cần biết.
Mục tiêu của tôi cũng như của bạn là vứt bỏ những quan niệm cũ nát này. Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta đang đi trên một con đường mới rồi. Đây sẽ là một hướng đi tốt hơn cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đang tạo ra một thực tế mới, xây nên các cây cầu nối. Chúng ta đang xây lại cách chúng ta suy nghĩ, cư xử và hành động.
Đúng là các “bằng chứng” chúng ta sử dụng để chứng minh bản thân không đủ tốt rất có sức thuyết phục. Bởi có hàng trăm ví dụ trên đời này có thể cho thế giới thấy lí do tại sao chúng ta không quan trọng, không đáng được quan tâm. Đấy có thể là những thất bại chúng ta đã gặp phải, những người đã chỉ trích chúng ta hoặc những mối quan hệ không bao giờ thành.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với bạn rằng, hình ảnh bạn xây dựng cho chính mình phần lớn đã bị ảnh hưởng bởi những ý kiến, ý tưởng của những nhà phê bình giả dối không biết gì về bạn? Bạn có tin tôi không?
Đấy có thể là cha là mẹ, cũng có thể là đồng nghiệp, giáo viên hoặc các mối quan hệ khác trong quá khứ của bạn. Nhưng trên hết, mấu chốt vẫn là bạn.
Niềm tin của bạn ra sao, cuộc đời bạn sẽ như thế. Nếu bạn thất bại ở trường, vậy thì sao chứ? Có lẽ người yêu thời trung học của bạn sau khi tốt nghiệp đã bỏ bạn theo người khác, và bạn vẫn cảm thấy bị tổn thương vì điều đó. Được rồi, bây giờ thì sao đây? Có thể bạn đang phải làm công việc mình ghét, bởi vì trung tâm giới thiệu việc làm cho rằng bạn không có đủ kĩ năng nào để làm việc khác. Thật thế sao?
Bạn không cô đơn đâu. Tất cả chúng ta, ai cũng từng thất bại, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta là những kẻ thất bại
Chúng ta đang tự kéo mình xuống, và đây mới là điều gây sốc thực sự, không ai khác có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của bạn ngoại trừ bạn. Đây là điều đầu tiên tôi sẽ phải nói rõ: Bạn là người thợ cả của cuộc đời bạn. Bạn chịu trách nhiệm về những thất bại lẫn thành công của mình. Không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát hết kết quả cuối cùng. Nhưng bạn vẫn luôn có thể kiểm soát hành động của bản thân và cách bạn phản ứng với các hậu quả.
Bạn có sức mạnh để tạo ra sự thay đổi tại bất kì thời điểm nào. Nếu bạn đang chờ đợi một ai đó sẽ xuất hiện và làm điều đó thay bạn, vậy chúc may mắn. Bạn sẽ phải đợi rất lâu đấy. Sẽ chẳng có mấy ai thực sự quan tâm đến việc bạn cảm thấy thế nào. Nhưng bạn có thể tự trở thành con người mạnh mẽ, được xây dựng dựa trên sự kiên cường của chính mình. Rồi bạn sẽ không cần phụ thuộc vào bất kì ai để có được sự thừa nhận, sự tự tin hoặc sự chủ động nữa.
Khi còn nhỏ, chúng ta rất cần những thứ này. Nhưng chúng ta không mấy khi nhận được tất cả sự khích lệ, tình yêu hoặc sự chấp nhận mà chúng ta nên có. Và thế là ta vẫn luôn thường trực một cảm giác đau đớn vì thiếu thốn những điều này.
Có một tin vui là, dù chúng ta không thể tái tạo lại quá khứ, chúng ta vẫn có thể phục hồi dần dần từ nó.
Từ hôm nay trở đi, hãy tự tin vỗ ngực rằng mình đã đủ tốt. Đây là nơi sự thay đổi sẽ bắt đầu.
BIỆN MINH CHO “BẰNG CHỨNG”
Lòng tự trọng và sự tự tin đóng một vai trò cực lớn trong chuyện bạn cảm thấy bản thân có đủ tốt hay không. Nhưng đây không phải gốc rễ của tình trạng đó. Bạn có thể vực dậy tinh thần và sự tự tin, nhưng rốt cuộc bạn vẫn cảm thấy không thoải mái trong hoàn cảnh hiện tại. Trong nhiều trường hợp, sự tự tin phụ thuộc vào hoàn cảnh bạn gặp phải. Bởi thế, bạn phải xem xét đến cả các triệu chứng và giải quyết vấn đề cốt lõi.
Tất cả bắt đầu với nhận định của bạn về chính bản thân. Niềm tin và suy nghĩ của bạn về bản thân rất quan trọng. Nói cách khác, bạn chính là thứ hữu hình được tạo nên từ những suy nghĩ mà tâm trí của bạn đang dung dưỡng.
Khi bạn nghĩ bản thân thật yếu kém, thì nhận định đó sẽ càng được củng cố bởi các “bằng chứng” mà bạn đã xây dựng để chống lại chính mình.
Tôi muốn kể cho bạn câu chuyện của Sarah. Cô ấy lớn lên và luôn tự ti với ngoại hình của mình. Cô ấy bị thừa cân từ khi còn nhỏ và liên tục bị trêu chọc ở trường. Cô cố gắng ăn kiêng, thậm chí bỏ ăn để giảm gần hết số cân thừa. Sarah đã không còn thừa cân, nhưng cô ấy vẫn ám ảnh mãi về hình ảnh “cô bé mập mạp tội nghiệp” bị bắt nạt ở trường.
Để thấy là, mọi người có thể đánh giá cao về bạn, nhưng nếu bạn không thể tự thấy mình đủ tốt, thì những gì người khác nghĩ sẽ không quan trọng nữa. Bạn sẽ luôn phản ứng với thế giới theo nhận thức của bạn về giá trị của bản thân. Điều ngược lại cũng đúng. Một đám đông chống lại bạn, nhưng nếu bạn không bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích của họ, thì bạn sẽ tin vào điều đúng đắn mình đang làm. Điểm mấu chốt là, bạn không thể và không nên dựa vào ý kiến của thế giới bên ngoài.
Một người bạn của tôi, tên là George, đã nói về việc hình thành nhận định về bản thân như sau:
Tôi luôn cố gắng thay đổi bề ngoài mình để có được sự chấp thuận của những người xung quanh. Nếu ai đó thích tôi vì điều tôi đã làm hoặc đã nói, tôi sẽ làm, sẽ nói điều đó nhiều hơn nữa để tiếp tục nhận được lời khen ngợi. Tôi sợ bị ghét bỏ, vì vậy tôi đã cố gắng rất nhiều để làm những gì mọi người mong đợi. Tôi sẽ đồng ý, ngay cả khi bản thân không thực sự nghĩ như vậy và không muốn làm điều mình đã đồng ý. Nếu họ yêu quý tôi, nó sẽ là “nguồn thức ăn” nuôi dưỡng cho “sự tự tin” của tôi. Nếu họ ghét tôi, tôi sẽ cảm thấy mình thật vô dụng và vô giá trị.
Đây là một ví dụ điển hình về cách chúng ta cố gắng hòa nhập với xã hội: Tuân theo các quy tắc của xã hội và làm theo điều mà những người xung quanh nói để tránh bị từ chối, hoặc tẩy chay. Bạn sẽ cần xây dựng lại lớp nhận định về bản thân của bạn. Nhưng hãy nhớ, nó sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Không có lối tắt dễ dàng nào cả. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tiến lên từng bước nhỏ. Bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ với một quyết định đơn giản.
Kể từ thời điểm này, hãy tập trung vào việc thay đổi những hành vi đã ngăn cản bạn trở thành tất cả những gì bạn có thể trở thành. Từ hôm nay trở đi, bạn sẽ loại bỏ những tiếng nói tiêu cực trong tâm trí và chọn áp dụng những thay đổi tích cực chứ?
Hãy nhớ rằng, chúng ta có hàng chục năm tích lũy cái gọi là “bằng chứng” để biện minh cho nhận định rằng bản thân là vô giá trị. Tuy nhiên, “bằng chứng” này không có thật. Nó được tạo nên từ những quan niệm sai lầm và mục tiêu của chúng ta là thay đổi quan điểm của bạn và vẽ nên một cục diện mới.
Nhiều nhận thức tiêu cực của chúng ta bắt nguồn từ thời thơ ấu. Chúng ta đã học chúng từ cha mẹ, giáo viên và bạn bè cũng như từ chính những điều chúng ta nhìn, nghe được. Bạn tôi, Dennis đã kể về thời thơ ấu của anh ấy:
Lớn lên, tôi luôn cố gắng làm vui lòng bố mẹ. Tôi cố gắng học tập chăm chỉ, tham gia thể thao, thậm chí học piano một thời gian. Vì tôi nghĩ điều đó sẽ giúp tôi trông thật chăm chỉ trong mắt bố. Thậm chí, tôi đã một lần đoạt giải trong một cuộc thi. Nhưng cuối cùng, nó cũng không còn quan trọng gì nữa. Cả bố và mẹ đều đủ bận với cuộc sống riêng của chính họ rồi. Và lúc duy nhất tôi hiện diện trong mắt họ là khi tôi làm sai điều gì đó. Sau đó, họ cứ nhắc đi nhắc lại về điều đấy. Còn cuộc thi mà tôi đã thắng, họ chưa bao giờ nhắc đến.
Trong trường hợp của Dennis, anh ấy cảm thấy mình bị bỏ rơi bởi những người được cho là yêu thương anh nhất. Sau đó, anh dành phần lớn cuộc đời mình để theo đuổi thành công, cái mà anh không bao giờ được công nhận. Người đầu tiên không công nhận là chính anh ấy. Những người khác có thể nhìn thấy các thành tựu và bao nhiêu tiềm năng của anh ấy. Nhưng Dennis có một “cơn đói khát” triền miên, không bao giờ được thỏa mãn. Bất kể anh ấy đã làm gì hoặc kiếm được bao nhiêu tiền, điều đó vẫn chưa đủ.
Dennis sẽ chẳng bao giờ có một điều gì được coi là đủ tốt. Anh ta sẽ không bao giờ có, nếu anh vẫn cho rằng cố gắng làm hài lòng người khác là đủ rồi. Chỉ khi anh ấy lựa chọn không còn lệ thuộc bởi những gì mọi người nói hay nghĩ nữa, và khi Dennis quyết định rằng chỉ mình anh ấy mới có thể quyết định được giá trị bản thân, mọi thứ sẽ thay đổi. Dennis đã bước được qua cánh cửa để đến một thế giới mới ngập tràn ánh sáng.
Nhìn lại cuộc đời của mình, hẳn mỗi người chúng ta đều có thể nhặt ra được những khoảnh khắc mà cảm xúc và tình cảm của chúng ta bị dẫm đạp lên. Và sẽ có những lúc chúng ta buộc phải nghĩ rằng mình không là gì cả. Bạn có thể đã ở trong một mối quan hệ, mà ở đó bạn bị lạm dụng, hoặc bị những người thân thiết nhất đối xử tệ hại.
Nhưng hãy chắc chắn rằng, chúng ta sẽ không nhảy lên chuyến tàu của sự tủi thân. Đúng vậy, chúng ta sẽ lần ra từng những trải nghiệm đã định hình nên hình ảnh rạn nứt của ta, rồi vứt bỏ những kí ức đau buồn này sau lưng. Bởi bạn, tôi, chúng ta sẽ xây dựng lại đời mình.