Khi đã xác định con đường mình đi, chúng ta không cần phải lập kế hoạch quá dài, không cần phải tự làm khổ mình với nghi ngờ hay sợ hãi. Sẽ luôn có những chướng ngại ngăn cản ta tiến bước. Đằng nào chúng ta cũng chỉ có thể đi từng bước một
- Orison Swett Marden -
Trong chương này, tôi sẽ nói về những chướng ngại giam hãm chúng ta trong một vòng xoáy, một vòng lặp bất tận của những khuôn mẫu hành vi tiêu cực. Trước khi thật sự thay đổi, chúng ta phải nhận ra những trở ngại trên con đường của mình. Đã xác định cụ thể điều gì đang níu kéo mình, chúng ta mới có thể loại bỏ những vật cản này khi chúng nổi lên.
NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI
Vếu bạn từng đã cố gắng thay đổi một thói quen hay hành vi, như bao người khác, bạn hẳn đã thất bại vài lần trước khi thành công. Sự thay đổi cần thời gian, nỗ lực không ngừng nghỉ, kiên nhẫn, đôi khi cần cả những lời động viên từ người khác.
Chắn giữa bạn và cuộc sống bạn hướng tới là một chuỗi trở ngại được dựng lên để bức bạn lùi bước dần dần và cuối cùng bạn thất bại. Đây là những chướng ngại bạn tự tạo ra gồm một hệ thống những khuôn mẫu hành vi tiêu cực được sử dụng để “cầm hòa” trước mỗi áp lực, mỗi nỗi sợ, sự bạc nhược và cả nỗi cô đơn.
Những trở ngại trên con đường tới tự do thật sự rất khó để nhận ra. Bởi vì chúng ta đã sống với chúng trong một thời gian dài. Chúng thấm nhập vào đời ta, trở thành một phần của ta, và khi ta cố gắng dừng lại, đương nhiên là chúng ta sẽ gặp sự phản kháng mạnh mẽ.
Mục tiêu của chúng ta là đột phá những trở ngại này, đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và tư duy tự biện hộ đang tàn phá đời ta. Những cảm xúc này quá đương nhiên đến nỗi ta không ý thức được chính mình đang sử dụng chúng. Nhận ra những trở ngại này là bước đầu tiên để tước đi quyền lực của chúng, rồi sau đó là loại bỏ chúng.
Không có điều gì có thể thực sự kiểm soát chúng ta trừ khi ta cho phép. Bạn có định cho phép những khiếm khuyết hủy hoại đời mình? Có lẽ không ai cho phép điều đó xảy ra, nhưng khi nhìn kĩ vào tình trạng thực tế, bạn sẽ buộc phải nhận ra rằng chính những quyết định hằng ngày (kể cả trong vô thức hay theo thói quen) đã luôn khiến bản thân quay cuồng trong một vòng xoáy tiêu cực.
Những trở ngại này cho phép chúng ta tránh phải chịu trách nhiệm về đời sống của mình. Chúng ta thực hiện các chiêu trò tránh né tránh nhiệm, đổ lỗi, than vãn về vấn đề thay vì giải quyết chúng, và bám vào niềm tin rằng mình không đủ tốt.
NHỮNG CHƯỚNG NGẠI GIAM HÃM CHÚNG TA
Dưới đây là danh sách sáu chướng ngại ngăn cản chúng ta tiến bước. Chúng ta sẽ thảo luận những điều này xuyên suốt cả cuốn sách, nhưng bây giờ, hãy ghi chép lại và suy ngẫm về những chướng ngại này trong cuộc đời bạn.
Chướng ngại 1: Hận thù và trách cứ một ai đó (hay một thứ gì đó) về những mất mát trong cuộc đời mình
Trách cứ là một chướng ngại to lớn ngăn cản bất kì ai trưởng thành. Nó làm ta mê mờ về tình huống thực tại. Việc đổ lỗi sẽ tạo ra dòng năng lượng tiêu cực tập trung vào sự phẫn nộ và hận thù. Chính trong lúc chúng ta ôm giữ mối thù oán hay khi lên án kẻ khác đã đối xử không phải với ta, lạm dụng ta, làm ta thất vọng, chính là khi chúng ta đang nuôi dưỡng nỗi đau bằng việc chấp vào chúng.
Bạn sẽ không bao giờ có được tự do nếu bạn còn bắt người khác chịu trách nhiệm về những thất bại của mình.
Luôn có những khoảng khắc người khác làm bạn tổn thương. Khi còn là đứa trẻ, bạn có thể đã bị phán xét, bị hạ thấp và bây giờ, sau hàng chục năm, bạn vẫn còn ôm giữ khư khư những cảm giác đau đớn đó. Bạn trách cứ bố mẹ, bạn bè đã từng từ chối bạn, hay những người bạn tin tưởng đã phản bội bạn. Khi bạn đổ lỗi mọi người là nguyên nhân cho những thứ tiêu cực trong đời mình, bạn đã đánh mất khả năng tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Quanh bạn giờ đây sẽ chỉ là những dòng chảy tiêu cực nếu bạn cứ dung dưỡng mối hận thù đó.
Những lời phàn nàn cay nghiệt, trạng thái nạn nhân, hay mong cầu những người đã từng từ chối bạn sẽ xin lỗi về hành vi của họ, tất cả đều không thực tế. Bạn có khi chẳng bao giờ nhận được sự công nhận, lời xin lỗi hay sự trân trọng mà bạn mong chờ.
Bạn phải kiểm soát chướng ngại này bằng cách chịu trách nhiệm – không phải về những gì đã xảy ra, mà là về những gì bạn cần làm để giải quyết chúng ngay lúc này. Bạn sẽ phải mạnh mẽ hơn nữa, kiên định hơn nữa để nhận ra rằng một khi đã bám víu vào quá khứ, là bạn đang mang quá khứ đến tương lai.
Chúng ta sẽ nhìn sâu hơn vào vấn đề trách cứ trong những chương tới, vì nó là một chướng ngại cực kì phiền nhiễu cần được giải quyết.
VIỆC CẦN LÀM
1. Hãy viết tên một người mà bạn đang cảm thấy căm ghét. Sau đó, viết ra ba lí do vì sao bạn ghét họ. Bạn “gặt hái” được lợi ích gì từ việc ghét bỏ đó? Bạn có nghĩ rằng có ai đó ngoài kia cũng đang ghét bạn không? Nếu có, thì vì sao lại như vậy?
2. Trong vòng 24 giờ tới, hãy chỉ nghĩ về các đặc điểm và tính cách tích cực của người bạn ghét bỏ. Nếu bạn không thể nghĩ ra được bất cứ tính tốt nào, vậy ít nhất hãy cố gắng tưởng tượng ra một khó khăn họ đang cần đối mặt. Người này có cuộc sống khó khăn không? Họ có sinh trong gia cảnh nghèo khó hay từng bị bắt nạt không?
Chuyện hiểu được căn nguyên đằng sau như vậy rất quan trọng. Tất nhiên, điều đó không thể bào chữa cho hành vi gây ra tổn thương cho bạn của họ. Nhưng mấu chốt không nằm ở đó. Mục tiêu của việc này là xoa tan những cảm xúc tiêu cực trong bạn bằng cách thấu hiểu họ.
Chướng ngại 2: Bạn đã từng cố gắng thay đổi, và nó không thành công
Nếu bạn đã từng cố gắng bỏ một vài thói quen xấu, bạn biết nó chẳng dễ dàng gì. Tuy nhiên, bạn vẫn phải tiếp tục cố gắng. Nếu bạn từ bỏ sau một hai lần thử, vậy là bạn thất bại rồi.
Chúng ta đều biết rằng thay đổi hành vi hay thói quen xấu không hề dễ. Nó yêu cầu sự kiên trì và kiên định. Nhưng thường thì chúng ta sẽ từ bỏ sau vài lần thử và hậm hực nói rằng: “Thấy rồi chứ? Tôi biết ngay là không thể mà.” Nhưng mọi chuyện đều có thể thay đổi, nếu bạn dành thêm thời gian và tâm sức nó.
Bỏ cuộc chỉ bảo đảm rằng bạn sẽ bị kẹt mãi trong tình trạng hiện tại
Hãy nghĩ về một lần bạn thất bại khi cố gắng thay đổi một thói quen hay dừng một hành vi tiêu cực. Nó có phải một thói gây nghiện không? Bạn có nhớ tại sao bạn không thành công không? Nếu bạn thành công, bạn sẽ thay đổi ra sao? Khi nói đến kiến tạo lại cuộc đời mình, trước tiên chúng ta phải quyết tâm xóa bỏ những khuôn mẫu hành vi khiến chúng ta thất bại liên tục.
Đôi khi, chúng ta thử thay đổi, bỏ cuộc rồi ngó lơ khi không đạt được kết quả mong muốn. Vòng tuần hoàn này sẽ lặp đi lặp lại đến khi ta chẳng còn cơ hội thay đổi nữa.
VIỆC CẦN LÀM
1. Hãy nhớ về một thời điểm bạn cố gắng học một điều mới. Nó mất bao lâu? Bạn có bỏ cuộc khi gặp sai lầm không? Khi thành thạo một việc gì đó, không phải là bạn đã cố gắng rất nhiều cho đến lúc thành công sao? Chúng ta đều bỏ cuộc bởi vì chúng ta mất động lực và cho rằng nó không còn quan trọng.
2. Bây giờ, hãy nghĩ đến một việc bạn đã thử mà thành công. Vì sao bạn đạt được thành công như vậy. Bạn nghĩ phải làm thế nào mới thành công? Điều gì sẽ giúp quá trình này dễ dàng hơn?
Khi tôi cố gắng thay đổi một hành vi hay thói quen, tôi chia nó ra thành các bước nhỏ. Phương pháp “các bước nhỏ” này là hiệu quả nhất. Thay vì cố thay đổi mọi thứ cùng một lúc, hãy tập trung vào một điều cụ thể.
Ví dụ, bạn muốn xây dựng sự tự tin để trở thành một diễn giả. Nhưng bạn sợ hãi khi phải nói trước đám đông, việc nói trước 500 thính giả là điều quá khả năng của bạn. Vậy, hãy bắt đầu bằng từng bước nhở trước.
Bạn có thể tổ chức một sự kiện trực tuyến trên Facebook (Facebook Live). Hay, xem các buổi biểu diễn của các diễn giả bậc thầy như Tony Robbins, Les Brown và Kyle Cease. Bắt chước cách họ nói và chuyển động. Bạn có thể luyện tập điều này một mình trước gương, trước khi thực sự nói trước một nhóm bạn nhỏ.
Chướng ngại 3: Cố gắng thay đổi một mình mà không tìm sự giúp đỡ
Thường thì, chúng ta thà tự thay đổi một mình còn hơn tìm cách nhận hỗ trợ từ người khác. Chúng ta cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi cô độc bởi vì chúng ta sẽ có ít thứ để mất hơn. Rất nhiều người đã dành nhiều năm để thay đổi một điều gì đó một mình và thành công của họ cũng rất khiêm tốn. Tôi biết chính mình cũng từng như thế. Nhưng chỉ đến lúc tôi thừa nhận rằng mình cần giúp đỡ, tôi mới vượt qua được các ngưỡng cửa thực sự.
Bạn không cần phải làm một mình. Bạn có thể tìm một người thầy, một người dẫn đường, hay gia nhập một diễn đàn trực tuyến, kết nối với những người có thể giúp bạn qua các hội nhóm ở địa phương. Cách tốt nhất để vượt qua trở ngại và nỗi sợ là đi theo những người đã từng trải qua điều đó. Họ có thể trợ lực, dẫn lối và đồng cảm với bạn trong một mối quan hệ đáng tin cậy.
VIỆC CẦN LÀM
Tìm một người thầy, kết nối với một đồng sự đáng tin, hoặc hãy thuê một nhà trị liệu. Kết nối trực tuyến hay gặp mặt trực tiếp đều được cả. Hãy cố gắng tham dự các buổi gặp mặt của một nhóm hỗ trợ trong khu vực của bạn theo tuần hay theo tháng. Hoặc bạn có thể tham gia một nhóm trực tuyến để tìm kiếm hỗ trợ.
Chướng ngại 4: Trong sâu thẳm, bạn tin rằng bản thân không đáng được yêu, được cần đến và trên tất cả những người bạn gặp đều sẽ từ chối bạn
Những suy nghĩ này khiến bạn ám ảnh, sợ hãi. Và từ đó, bạn sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại cùng một đoạn độc thoại nội tâm về nỗi ám ảnh này. Những thói quen sẽ mãi không đổi. Những hành vi và khuôn mẫu hành vi sẽ mãi y như vậy trong nhiều năm.
Ví dụ, Bill cảm thấy ám ảnh mỗi lần bạn gái (hay cũng chính là vợ sắp cưới của anh) thường trách móc anh trước đám đông, khiến anh trông thật nhỏ mọn. Nhưng anh chấp nhận điều này vì Bill cảm thấy mình không xứng đáng với điều tốt hơn. Đối với Bill, đấy là một cảm giác quen thuộc, bởi vì nó gợi lại thời thơ ấu khi mẹ anh cũng đã làm điều tương tự. Dần dà, Bill bị thu hút bởi những người phụ nữ luôn áp đảo cảm xúc của anh, dù điều này khiến anh cảm thấy yếu đuối và sợ hãi.
VIỆC CẦN LÀM
1. Hãy tự hướng nội, nhìn nhận chính mình. Khi nào bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi? Có phải bạn thấy thế khi đang trong một mối tình? Trong một lần cãi vã? Hay khi có một người phê bình bạn? Bằng việc nhận biết tình huống xung quanh, bạn sẽ có thể tìm ra điều gì mới thực sự khiến bạn sợ hãi.
2. Lập một danh sách những người bạn thân nhất và những người yêu thương bạn nhất. Với mỗi người đó, liệt kê lí do vì sao bạn nghĩ họ có mặt trong cuộc đời bạn. Bạn có những phẩm chất nào thu hút những người này đến với bạn? Thực hiện việc đơn giản này sẽ đưa sự thật (và những lời nói dối) ra ánh sáng.
Bằng việc tự quan sát mình biểu hiện ra sao trong một mối quan hệ, kể cả trong công việc lẫn riêng tư, bạn có thể nhận ra những cảm xúc tiêu cực đang kiềm tỏa bạn. Xuyên suốt cuốn sách này, tôi sẽ tập trung vào từng cảm xúc tiêu cực cụ thể và cách giải quyết chúng.
Chướng ngại 5: Bạn phụ thuộc vào những “chiến thuật” trốn tránh trách nhiệm thực tại
Trong nhiều năm, chúng ta đã dày công xây dựng những chiến lược trốn tránh thực tại. Cuối cùng, ai ai cũng đã thành công và có những công cụ của riêng mình. Nhưng bạn có biết rằng, chính sự phụ thuộc vào những chiến thuật này đã định nghĩa bạn là ai.
Trốn tránh hiện thực là cơ chế, là động lực để chúng ta xây một lớp phòng thủ chống lại những cơn đau nội tâm. Chúng ta cảm thấy việc trốn tránh là chuyện đương nhiên, nó giúp giải tỏa cho mọi tình huống áp lực.
Ví dụ, bạn có thể trốn tránh các buổi gặp mặt xã giao bởi vì bạn không muốn giao tiếp với người khác. Bạn cho rằng họ sẽ nhìn bạn như một kẻ kì lạ hay khác biệt. Bạn tránh nỗi sợ bị xa lánh bằng chính việc tự cô lập bản thân. Đây là cơ chế trốn tránh của bạn.
Bạn có thể sử dụng nhiều cách khác nhau làm chính mình tê dại, để không cảm thấy điều gì nữa. Chẳng hạn như uống rượu, ăn uống vô độ hay xem ti-vi hàng giờ. “Chiến thuật” trốn tránh được thiết kế để giữ những khuôn mẫu hành vi tiêu cực luôn tồn tại. Chúng được ưa chuộng vì chúng hiệu quả. Khi chúng ta tự đánh lạc hướng mình, ta sẽ không phải đối mặt với thực tế nữa. Có điều, trong suốt cuộc đời, chúng ta luôn ở trong trạng thái bị động, tìm cách trốn tránh và không bao giờ thực chữa lành từ bên trong.
Niềm tin của mỗi người sẽ cho họ biết mình tự định nghĩa bản thân như thế nào. Sức mạnh của niềm tin liên quan mật thiết với sự thành bại của quá trình xây dựng sự tự tin và tự trọng. Nhưng đừng lo lắng quá. Bạn không phải thay đổi tất cả mọi thứ cùng một lúc. Đây là một hành trình, không phải một cuộc đua. Đây là một chương trình học chứ không phải một bài kiểm tra. Bạn không thất bại, kể cả khi bạn liên tục thụt lùi.
Bạn phải luôn dặn mình quyết tâm hướng về phía trước, vượt qua những bức tường của chướng ngại và nhận ra rằng, phần lớn công sức bạn đã bỏ ra chỉ là tự lừa mình dối người. Rất có khả năng là, những điều tiêu cực bạn nghĩ về mình không đúng. Có thể bạn từng làm những điều chẳng đáng tự hào gì. Nhưng hãy nói cho tôi biết, đã từng có một ai chưa bao giờ mắc sai lầm chưa? Hãy tin rằng bạn có thể vượt qua nỗi đau tinh thần, và xây một đời mới mà không chấp vào những điều tiêu cực. Đấy là mới là con đường bạn nên đi và tôi hi vọng bạn sẵn sàng.
Chúng ta sẽ nói thêm về những lối thoát con người hay sử dụng trong chương tới.
VIỆC CẦN LÀM
1. Viết ra những cách bạn hay dùng để trốn tránh. Khi sử dụng những phương pháp này, bạn cảm thấy điều gì? Cô đơn? Buồn chán? Lo lắng? Những chiến thuật trốn tránh luôn liên quan đến qua khứ của bạn.
2. Hãy nghĩ về tương lai, bạn nghĩ cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu tiếp tục dùng trốn tránh như một cơ chế biện hộ? Bạn thấy đó là cuộc sống bạn muốn hướng tới, hay đó là cuộc sống bạn buộc phải chấp nhận vì đã liên tục trốn tránh hiện tại?
Chướng ngại 6: Bạn không giữ được kỉ luật đều đặn
Những thứ được gọi là thói quen là những hoạt động, hành vi mà bạn duy trì đều đặn. Nếu bạn làm với thái độ “Tôi thích thì tôi làm”, kết quả sẽ chẳng đi đến đâu cả. Chúng ta sẽ không đạt được điều gì nếu thiếu quyết tâm.
Khi đi qua từng chương trong cuốn sách này, bạn sẽ phải đối diện với một người bạn vẫn luôn trốn tránh: Bạn. Khi nói về chuyện đối mặt với những sự kiện liên quan đến lời từ chối, thất bại, khiếm khuyết hay thiếu tự tin, việc cần làm là nhìn ra những lối mòn bạn thường dùng để tránh việc tự hướng nội. Mấu chốt của việc thay đổi là chủ động giữ vững nhịp sinh hoạt đều đặn với những hành động có chủ đích.
VIỆC CẦN LÀM
Có việc nào bạn cần làm đều đặn hàng ngày không? Việc này có thể là bất cứ điều gì, từ viết nhật kí đến đánh răng. Bạn sẽ nhận ra những việc bạn làm hằng ngày sẽ là những việc bạn đã làm tốt lắm rồi. Và rất có thể bạn sẽ sử dụng việc làm này khi muốn thoát khỏi cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ, mỗi sáng thức dậy, đầu tiên hãy thử đọc một câu “thần chú” hay một lời trích tích cực trong vòng 10 phút. Hành động này có thể sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể. Hãy làm những hành động tích cực, dù chỉ là một việc nhỏ. Rất có thể nó sẽ giúp bạn bắt đầu bước ra nỗi sợ hãi để đến với tự do đích thực.
TẠO RA NHỮNG GIẢI PHÁP TỐT HƠN
Đây là cuốn sách của hành động. Trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những tư duy, cảm xúc tiêu cực có thể kìm hãm bạn, cũng như những chiến lược để vượt qua và chữa lành. Hãy nhớ rằng, không điều gì là mãi mãi. Bạn có thể khôi phục và xây dựng một cuộc sống đẹp đẽ hơn cuộc sống bạn đang chịu đựng. Kể cả khi bạn cho là mình đang sống một cuộc sống tươi đẹp rồi, chúng ta vẫn có thể nâng nó lên một tầng cao mới.
Với mỗi thất bại, chúng ta đều có thể sửa chữa. Với mỗi lời từ chối, chúng ta có thể tìm điều tuyệt vời hơn cho mình. Với mỗi lần mất tự tin, chúng ta có thể sử dụng năng lượng tích cực từ nội tâm và học cách phát triển.