Những người tuyệt vời nhất chúng ta biết là những người đã gặp thất bại, đau khổ, khó khăn và đã vươt lên vực thẳm. Chính nhờ những mất mát đấy, trong họ đã nảy sinh một hạt mầm của sự cảm thông, dịu dàng và thấu hiểu. Hãy hiểu là, những người tuyệt vời không ngẫu nhiên xuất hiện
- Elizabeth Kubler-Ross -
Tự trọng là sợi dây kết nối giữa bạn với chính mình, giữa bạn với những người khác. Sợi dây đó có bền chặt hay không đều phụ thuộc vào lòng tự trọng bạn có. Tự trọng là cảm giác chung của bạn về giá trị bản thân mình, cách bạn đánh giá chính mình và cách bạn thể hiện hệ giá trị đó với thế giới xung quanh.
Bạn nghĩ mình là một người đem đến nhiều giá trị cho cuộc sống của người khác? Hay bạn cảm thấy mình thừa thãi, mọi ý kiến của bạn không có trọng lượng gì?
Việc bạn tự nhìn nhận chính mình ra sao sẽ là nền móng xây dựng sự tự trọng ở bạn.
Khi cảm giác mình vô dụng, chúng ta sẽ chỉ thấy mình thật kém cỏi, khác biệt và khiếm khuyết. Chúng ta cảm thấy mình không xứng với xung quanh, và vì thế chúng ta cứ trốn mãi trong thế giới của sự yếu đuối. Điều này thường xuyên xảy ra ở trong các gia đình, ở chỗ làm hay ở trong một hoàn cảnh xã giao nào đó.
Thiếu tự trọng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống của bạn. Và nó sẽ chỉ “đóng góp” cho những suy nghĩ tiêu cực về thất bại và sự khước từ. Nếu chúng ta không thể tự trân trọng mình, đừng mong cuộc đời này sẽ trân trọng thay ta. Việc phụ thuộc vào thế giới bên ngoài để nâng giá trị bản thân chắc chắn sẽ dẫn đến nỗi thất vọng khác.
Cảm nhận về giá trị và hạnh phúc của bạn chỉ có thể xây dựng được từ bên trong, và dù bạn cố gắng tìm kiếm sự công nhận bên ngoài đến đâu, nó cũng không bao giờ là đủ. Bạn không thể mong người khác sẽ đổ đầy nước vào một chiếc bình tự trọng vốn đã vỡ.
Nhưng, bản thân bạn có khả năng tự tạo ra sự tự trọng và tính tích cực. Và không thể phủ nhận rằng việc có những người hỗ trợ là rất quan trọng, đấy là những người bạn có thể nói chuyện về cảm xúc và ý tưởng của mình.
Chính bạn phải linh động và sẵn sàng thực hiện những sự thay đổi tích cực này. Không có công thức diệu kì nào cho hành trình xây dựng sự tự trọng này cả. Tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức của bạn. Rốt cuộc, bạn có tin mình là một con người giá trị và thực sự quan trọng hay không. Phần còn lại là công cuộc xây dựng một hệ thống niềm tin mới để hỗ trợ điều này. Chính bạn sẽ là người bắt đầu thử thách này. Trong Phần 3 của cuốn sách, chúng ta sẽ cùng khám phá các công cụ giúp đỡ bạn trong hành trình này.
Bên cạnh lòng tự trọng, tôi muốn nói đến sự tự ti, một cảm giác sâu thẳm trong mỗi người, cảm giác thấy mình không xứng với bất kì ai. Bạn luôn thấy mình đứng dưới cơ người khác. Dù cố gắng hòa nhập thế nào, luôn luôn có một ai đó đứng trên bạn, những người trông đẹp hơn, sở hữu nhiều thứ hơn, hay tài năng hơn. Còn bạn thì sao, tất nhiên là chưa bao giờ có những điều này.
Tại sao lại như vậy?
Bởi vì bạn không tin rằng mình xứng đáng với nó. Ở trung tâm của những nếp suy nghĩ tiêu cực này, một trong những suy nghĩ tai hại nhất là bạn không chỉ tin mình kém cỏi so với người khác, mà bạn còn cho rằng bản thân không xứng đáng hưởng những điều tuyệt vời trong cuộc đời.
Những suy nghĩ đầy tổn thương này được xây dựng từ thuở ấu thơ. Nhiều năm nhận lấy những chỉ trích, sự tủi nhục, thiếu sự thấu hiểu và những tổn thương cảm xúc, tất cả đã hằn sâu vào trong bạn một lối suy nghĩ lệch lạc rằng bạn vô dụng và kém cỏi. Đây là một tình trạng tự hoại được xây dựng trong suốt nhiều năm.
May mắn là, điều này không phải là mãi mãi. Bạn vẫn có thể xoay chuyển những ảnh hưởng xấu này để trở nên tự tin, mặc kệ tiểu sử của bạn nói gì. Mấu chốt là kiên trì, kiên trì với kế hoạch chữa lành chính mình.
Nhiều người cảm thấy bản thân kém cỏi so với người khác về nhiều mặt. Thực thế mà nói, luôn có những người có nhiều hơn, nhìn đẹp hơn, quyến rũ hơn hay một gia đình khá giả hơn. Nhưng cái chúng ta thấy chỉ là bề nổi của cuộc đời người khác. Đấy không nên là lí do để chúng ta tự ti.
Mỗi người đều sẽ trải qua trạng thái tự ti theo nhiều cách khác nhau. Khi tự ti, chúng ta sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng vào phần tiêu cực và khiếm khuyết của bản thân.
Mỗi ngày, chúng ta đều bị sự tiêu cực xâm nhiễm từng tí từng tí một dưới dạng độc thoại nội tâm. Đấy có thể là những suy nghĩ tự hủy hoại bản thân, những lời phê phán từ bóng ma quá khứ. Hầu hết các giọng nói mà chúng ta đang nghe đều không có thật. Chúng là tiếng nói của bóng tối còn ở bên ta, và chỉ là chúng ta vẫn chưa học cách buông bỏ chúng.
Dưới đây là vài điều cậu bạn Ted của tôi chia sẻ:
Vì công việc, tôi phải gặp gỡ với rất nhiều khách hàng ở các sự kiện xã giao. Nhưng tôi ghét nó. Tất cả mọi người ở đây đều là những người có bằng cấp, có quan hệ và chỉ số IQ cao. Chà, không chỉ mình tôi nghĩ vậy đâu, nhiều người trong số họ cũng nghĩ như vậy đấy. Tôi biết mình cần phải hòa nhập và kết nối với những người này, nhưng tôi vô cùng sợ hãi. Từ sâu thẳm, tôi luôn có cảm giác rằng mình không thuộc về nơi đó, rằng họ sẽ phát hiện ra tôi là “kẻ giả mạo”. Và có lẽ, một ngày nào đó, họ sẽ cười nhạo tôi vì không theo học tại một trường đại học danh tiếng. Tôi nhớ, sau mỗi sự kiện, tôi đều muốn chạy trốn khỏi những người này, theo nghĩa đen, cùng những áp lực xã hội đang đuổi theo sát gót chân tôi.
Căn nguyên của bệnh tự ti chắc chắn là không liên quan đến người khác. Chúng ta cần phải rõ ràng về điều đó. 95% những gì chúng ta đã, đang và sẽ thảo luận trong cuốn sách này không liên quan đến ý kiến hoặc thái độ của người khác. Thay vào đó, nó liên quan đến cách chúng ta hiểu và tiếp thu thông tin. Bạn có biết bản thân mình đã để nó kiểm soát suy nghĩ và tạo ra những quan niệm tiêu cực như thế nào không?
Có những quan niệm và hành vi nhất định khiến bạn bế tắc trong nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỉ. Trong suốt thời gian đó, thái độ và thói quen tự hủy hoại bản thân cứ lặp đi lặp lại cùng một kịch bản trong tâm trí bạn.
Giờ bạn đã biết một sự thật động trời rồi đó! Không phải một ai khác, mà chính bạn mới là người thúc đẩy các sự kiện đã tạo ra nhân cách tự ti của mình. Bạn nghe theo tiếng nói đầy hỗn loạn và sai lệch về con người thật của mình. Bạn nghĩ rằng cuộc đời vốn là thế, nhưng thực ra không phải như thế, đúng chứ? Bạn mới là người lựa chọn và thúc đẩy sự tự ti của mình, và giờ là lúc bạn nên tháo gỡ nó.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ TỰ TI
Đây là những đặc điểm cốt lõi của sự tự ti. Bạn có thể kiểm tra xem cái nào có ở bạn. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét những mặt tích cực tương ứng. Với mỗi đặc điểm được liệt kê dưới đây, tôi sẽ thêm cả ví dụ về niềm tin chung của những người có đặc điểm đó.
• Thái độ cầu toàn: Tôi phải làm thật hoàn mĩ, nếu không họ sẽ nghĩ tôi không đủ năng lực;
• Nghi ngờ người khác: Họ muốn gì ở tôi?
• Hành vi đổ lỗi: Đó không phải là lỗi của tôi.
• Sợ chấp nhận rủi ro: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thất bại và trông thật ngu ngốc?
• Cảm giác không được yêu thương: Không ai đã từng yêu tôi và cũng không ai sẽ yêu tôi.
• Sự phụ thuộc: Tôi sẽ nghe theo quyết định của mọi người.
• Sợ bị chế giễu: Tôi sẽ không đứng trước những người đó để phát biểu. Và để họ cười khi tôi nói vấp? Không, cám ơn.
• Tự phê bình: Mình đúng là đồ ngốc. Mình chả được cái tích sự gì cả.
• Trạng thái tiêu cực và bất hạnh nói chung: Để làm gì cơ chứ? Chẳng có hi vọng gì đâu.
• Từ chối nhận những phản hồi tích cực: Họ nói rằng mình đã làm rất tốt, nhưng đó chỉ là do may mắn mà thôi.
• Hạ thấp thành tích hoặc thành công: Bất kì ai cũng có thể làm điều này.
• Trốn tránh các tình huống có thể bị từ chối hoặc bị chỉ trích: Tôi nghĩ tôi sẽ từ chối lời mời dự tiệc đó.
• Thiếu kiên trì sau khi thất bại hoặc mắc lỗi: Chà, tôi sẽ không bao giờ làm như vậy nữa.
• Cảm giác “không xứng đáng” trở thành một phần của bản sắc cá nhân mình: Tôi là kẻ thất bại. Đó chính là con người của tôi từ trước đến nay.
• Hạn chế hoặc gần như không có khả năng nhìn thế giới theo hướng tích cực: Tôi không tin đâu, chẳng bao giờ có sự tốt đẹp như thế cả.
• Phản kháng sự tích cực: Tôi không thấy điều gì tốt đẹp có thể xảy ra từ tình huống này cả.
VIỆC CẦN LÀM
Bây giờ, với mỗi đặc điểm phía trên, hãy nghĩ cách biến chúng thành điều tích cực. Đây là một bài tập sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ của bạn. Bạn sẽ buộc phải đặt hình ảnh tiêu cực và niềm tin của mình dưới “kính hiển vi” để quan sát. Biến tiêu cực thành tích cực cũng giống như quay đầu xe khi bạn đi sai đường. Bạn quyết định đi theo con đường khác vì bạn biết đó là con đường đúng đắn để đi theo.
Ví dụ:
Ảo tưởng tiêu cực: Hạ thấp thành tựu hoặc thành công của bản thân. “Bất cứ ai cũng có thể làm điều này.”
Thực tế tích cực: “Đúng, ai cũng có thể làm được, nhưng họ không làm. Còn tôi đã làm được. Và nếu có cơ hội làm lại lần nữa, tôi còn có thể làm tốt hơn.”
Hãy thử điều này với tất cả các đặc điểm tiêu cực ở trên. Rồi bạn sẽ học được cách thích nghi với thói quen này khi gặp phải những suy nghĩ khiến bạn thất vọng, hoặc những suy nghĩ hạ thấp giá trị và khả năng của bạn.
XÂY DỰNG MỘT NHÂN CÁCH
Điều chúng ta nên xác định là những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tự ti. Đây không phải là một chấn thương thể chất thông thường, nhưng nếu bạn đánh giá thấp bản thân, bạn đang phải chịu một loại chấn thương tinh thần do chính mình gây nên. Nó là vô hình và không ai có thể nhìn thấy nỗi đau đó ngoại trừ bạn. Nếu không được điều trị, chữa lành cẩn thận, bạn sẽ phải dành phần lớn cuộc đời mình đi luẩn quẩn với cảm giác không xứng đáng, chán nản, và rồi tự thu mình lại.
Trong hầu hết các trường hợp, những người mắc trầm cảm, họ đều đang chạy theo những suy nghĩ tiêu cực về bản thân trong tâm trí. Tất nhiên, còn có nhiều yếu tố khác dẫn đến chứng trầm cảm. Nhưng trong cuốn sách này, tôi sẽ nói đến loại trầm cảm được tạo ra bởi những suy nghĩ, hành vi và thái độ tiêu cực đang giết chết lòng tự trọng của bạn. Bạn buộc phải xác định được chúng, để từ đó, bạn có thể nâng sự tự tin của mình lên.
Suy nghĩ tiêu cực là một khuôn mẫu hành vi được kiến tạo. Bạn không sinh ra đã tiêu cực. Nó không phải là một đặc điểm di truyền. Sự tiêu cực là một loại phản ứng có điều kiện.
VƯỢT LÊN SỰ TIÊU CỰC
Nếu bạn không vượt lên sự tiêu cực, bạn sẽ tiếp tục vấp ngã, rồi giữ mãi quan niệm rằng bản thân không xứng đáng. Những điều đó không đúng, bạn luôn có thể nâng sự tự tin của mình lên. Nhưng làm sao để làm điều đó bây giờ, khi tại một thời điểm nào đó trong quá khứ, bạn đã tin rằng lòng tự trọng là quan điểm của người khác về bạn, chứ không phải là sợi dây liên kết giữa bạn với chính mình nữa?
Hãy nhớ kĩ điều này: Thế giới sẽ đối xử với bạn theo cách bạn đối xử với chính mình. Giá trị mà bạn đặt cho mình cũng chính là giá trị mà bất kì ai khác sẽ thấy ở bạn. Những người có lòng tự trọng sẽ thu hút được nhiều điều tích cực. Không chỉ thu hút nó, họ còn tạo ra nó. Khi bản thân tin rằng mình là một người có giá trị, bạn sẽ xuất hiện với vai trò là một người có giá trị. Bạn có thể biến một cái cau mày thành một nụ cười, và một tình huống tiêu cực thành một điều đáng để ghi nhớ. Và chúng ta sẽ cần làm như thế nào để trở thành người như thế đây?
Hãy hành động có chủ đích. Chúng ta sẽ cần những hành động gắn liền với lí tưởng đầy mạnh mẽ. Bạn có thể làm điều này bằng một số cách. Đầu tiên là sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể. Thứ hai là rèn luyện tư duy có chủ đích. Thứ ba là chủ động đưa ra quyết định.
Ngôn ngữ cơ thể, cách bạn nói chuyện, khả năng giao tiếp bằng mắt và cách bạn thể hiện bản thân nói lên tất cả về sự tự tin của bạn. Thực hiện đúng vai trò, rồi bạn sẽ đồng nhất với vai trò đó.
KẾ HOẠCH NÂNG CAO LÒNG TỰ TRỌNG
Đã đến lúc để đấu tranh, và bây giờ bạn có đủ “đạn dược” để đứng lên tung những cú đánh của riêng mình.
Dưới đây là 6 chiến lược tôi khuyên bạn nên thực hiện ngay lập tức. Đừng đợi ai đó cho phép bạn được là chính mình. Trước kia bạn chưa bao giờ được cho phép và bây giờ bạn không cần được cho phép.
Chiến lược 1: Tạo ranh giới
Khi lòng tự trọng chưa đủ cứng mạnh, chúng ta chấp nhận những ngược đãi từ người khác, nhất là trong những mối quan hệ gần gũi. Khi còn nhỏ, chúng ta chỉ có thể đứng nhìn cha mẹ chỉ trích hoặc đánh giá thấp chúng ta. Chúng ta có thể từng liên tục chấp nhận nó vì chúng ta tin rằng mình xứng đáng với sự yếu kém đấy. Khi trưởng thành, chúng ta vẫn tin vào điều đó. Chúng ta vẫn còn làm những điều nhỏ nhặt và sợ hãi khi yêu cầu những gì mình muốn. Vì những nỗi sợ này, chúng ta đã tự biến mình trở thành mục tiêu cho kẻ khác.
Bạn có thể đang ở trong một mối quan hệ độc hại, một vài người bạn cùng lớp rất hay chỉ trích và khá trịch thượng. Nếu vậy, hãy tạo ranh giới. Bạn không cần phải gay gắt hay tức giận. Hãy cảm ơn những lời góp ý của họ, họ có thể nói những điều khó nghe, nhưng bạn có quyền không chấp nhận những lời chỉ trích ấy. Ban đầu, nó không phải là một điều dễ làm.
Bạn có thể khẳng định quyền và lập trường của mình, khi đó những người đã quen nhìn bạn theo một cách nhất định, rằng bạn là một người thụ động, mỏng manh, sẽ phải dè chừng con người mới của bạn. Họ có thể sẽ cố gắng kiểm soát bạn nhiều hơn nữa. Điều này thường dẫn đến sự tan vỡ của mối quan hệ. Nếu vậy, tốt nhất là hãy kết thúc nó. Bạn không cần phải làm chỗ trút cho kẻ khác.
Đứng lên.
Khẳng định mong muốn của bạn.
Gia cố chúng.
Đây là cách chúng ta lấy lại sức mạnh nơi mình. Và bạn có thể lấy lại sự tự tin mà bản thân đã đánh mất trong suốt một thời gian dài.
Chiến lược 2: Hãy ý thức mình đã ngược đãi người khác thế nào
Trong những ngày cảm thấy buồn chán, chúng ta có thể đã ngược đãi người khác giống như chúng ta đã từng bị ngược đãi. Chúng ta lặp lại những gì chúng ta gặp phải.
Ví dụ, một người lớn lên trong một ngôi nhà có cha hoặc mẹ rất gia trưởng. Thường thì về sau, người đấy cũng sẽ trở thành người gia trưởng trong các mối quan hệ. Họ sẽ săn tìm những con mồi sẵn sàng hứng nhận cái gia trưởng đó. Vòng quay cứ thế lặp đi lặp lại.
Nếu bạn là kẻ đi săn, có thể người yêu của bạn sẽ là người chỉ ra hành vi bắt nạt có hệ thống của bạn. Hãy nhớ rằng, chúng ta có xu hướng lan truyền những gì bạn nhận được, và đưa mọi thứ bạn có vào các mối quan hệ. Từ con cái, vợ chồng đến cha mẹ, không có gì sẽ bị lãng quên theo thời gian cả. Nhưng chỉ vì ai đó hạ thấp bạn, không có nghĩa là bạn có thể làm điều đó với người khác. Việc đấy sẽ không bao giờ giúp bạn chữa lành vết thương của mình. Vòng quay chỉ có thể kết thúc khi chính bạn kết thúc nó.
Thay vào đó, hãy tập trung vào việc khen ngợi những người bạn quan tâm. Biết ơn về sự hiện hữu của họ trong cuộc sống của bạn. Kiểm soát bản thân khi cảm thấy tức giận đang trào dâng bên trong. Hãy dừng lại và bước sang một bên nếu bạn cần làm vậy. Hãy nhớ rằng, khi ấy bạn đang đối mặt với những cảm xúc mong manh của mình, chứ không phải của ai khác. Rồi bạn sẽ nhận ra mình mạnh mẽ đến nhường nào, và thực ra đằng sau những lời phán xét, chỉ trích của ai đó là một tâm hồn đầy tổn thương đang cần được chữa lành. Và thế, bạn cũng có thể giúp ai đó nhận ra chân sự thật và cùng nhau tái khởi đời mới.
Chiến lược 3: Ý thức về cảm giác xấu hổ của mình
Một người dễ tổn thương thường cảm thấy nhục nhã, xấu hổ. Lớn lên trong một môi trường thiếu sự thừa nhận, tin tưởng từ những người thân thiết nhất với bất cứ ai đều là một cuộc sống đau đớn. Khi bạn dứt ra khỏi nỗi đau của quá khứ, những vết thương lòng cũ kĩ mà bạn đã cố gắng chôn vùi sẽ bắt đầu trồi lên.
Để ý thức được sự xấu hổ của bản thân, bạn cần có can đảm. Bạn phải sẵn sàng bước ra khỏi lớp kén mỏng manh của mình. Vạch trần những lời nói dối khiến bạn sợ hãi, bạn mới có thể đưa những cảm xúc và kí ức đó nổi lên bề mặt.
Nếu bạn có thể trò chuyện với phiên bản trẻ tuổi của mình, bạn sẽ nói gì? Nếu bạn có thể đến thăm đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương và luôn cảm thấy cả thế giới từ chối mình, bạn sẽ nói gì với cậu/cô bé ấy? Bạn sẽ an ủi chúng như thế nào? Hãy dành mười phút để tưởng tượng điều này.
Bạn đã từng bị so sánh với anh chị em khác không? Bạn có bị đặt nhiều kì vọng, nhưng không thể đáp ứng? Bạn hãy thử nghĩ về một sự kiện cụ thể và sau đó thấy bản thân hành động khác đi. Bạn nghĩ bản thân sẽ chống trả những lời chỉ trích hoặc coi thường như thế nào?
Chiến lược 4: Tạo danh sách ưu điểm của bản thân
Dưới đây là một số gợi ý để bạn bắt đầu:
Bạn có giữ cửa cho người khác đi vào/ra không?
Người khác có từng nói/thấy những điều tích cực về bạn không?
Bạn có trích 20% tiền lương của mình làm từ thiện không?
Bạn có cho mọi người vay tiền nếu họ cần không?
Bạn có nhường ghế trên xe buýt không?
Bạn có mỉm cười và chào những người bạn không quen biết không?
Bạn có đồng cảm với những người đang ở trong giai đoạn khó khăn không?
Bạn có phải là người bạn tốt? Người chồng, người vợ luôn quan tâm, cân nhắc đến cảm nhận của người khác không?
Hãy đào sâu và suy nghĩ kĩ về điều này. Bạn có thể gặp bế tắc, nhưng tạm dừng một lúc và giải lao nào. Bạn có thể viết tất cả điều này ra ngay lập tức hoặc dành một tuần để hoàn thành nó. Bên cạnh khoảng thời gian sống cho qua ngày, bạn sẽ phát hiện ra nhiều khoảnh khắc đặc biệt mà bản thân bạn đã bỏ quên.
Mục đích ở đây là giúp bạn nghĩ về con người thật của bạn theo hướng tích cực. Bạn cần bắt đầu biến chuyển biến những tiêu cực bên trong mình sang một hướng tiếp cận tích cực hơn. Đấy là một cách vô cùng hiệu quả để bạn dần phá vỡ những vòng xoáy tiêu cực đã ăn sâu trong mình.
Chiến lược 5: Lập danh sách những điều bạn muốn bản thân thay đổi
Bạn muốn thay đổi như thế nào? Bạn có thấy mình quá ích kỉ, và cần để ý đến người khác nhiều hơn không? Bạn có muốn trở nên quyết đoán hơn không? Bạn có phàn nàn quá nhiều không? Bạn có hay trì hoãn không?
Xây dựng lòng tự trọng cần thời gian và nỗ lực, nhưng bạn có thể tạo ra những thay đổi nhỏ mỗi ngày. Đơn giản chỉ cần làm điều gì đó cho bản thân, và sau đó giúp đỡ người khác. Khi bạn quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với người khác nhiều hơn, sự hi sinh đó tạo nên lòng tin.
Hãy tập trung vào con người thật bên trong bạn. Đừng để những ý nghĩ về sự thấp kém kéo bạn xuống, làm bạn tin rằng mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp. Bạn không phải lúc nào cũng là vấn đề. Hãy bám theo lộ trình ở đây, tìm lấy cho mình một lí tưởng sống và kiểm soát cuộc đời mình dựa trên lí tưởng sống ấy.
Chiến lược 6: Đặt câu hỏi cho chính mình
Bạn có thể viết ra những suy nghĩ của mình vào một cuốn sổ, hay sử dụng phần mềm như Evernote và Google Docs, bạn nên tạo một tệp riêng cho hoạt động này.
Bây giờ, hãy xem các câu hỏi bên dưới và dành thời gian để thực sự suy nghĩ về câu trả lời của bạn.
• Bạn cảm thấy thế nào khi gặp những nhân vật có quyền lực?
• Bạn cảm thấy mình kém cỏi trong những tình huống nào?
• Có ai đó đặc biệt khiến bạn cảm thấy mình thật kém cỏi không? Thông qua cách giao tiếp, thái độ của họ đối với bạn, người này có khiến bạn cảm thấy như thể họ giỏi hơn bạn không? Bạn cảm thấy những thông điệp này được truyền tải như thế nào?
• Khi so sánh mình với người này, bạn cảm thấy họ hơn bạn ở phương diện nào? Họ có vẻ khôn ngoan hơn, thông minh hơn, hay có giá trị hơn bạn?
• Bạn nghĩ làm thế nào để bản thân có thể đứng ngang hàng với người này? Đấy có phải là điều bạn cảm thấy mình cần phải làm hoặc cần đạt được không?
• Bạn có đang cố gắng tốt hơn để thành công và trở nên xứng đáng không?
• Có ai đó đã chỉ trích hoặc phán xét bạn từ khi còn rất nhỏ không? Điều này có khiến bạn hình thành nên nhận thức rằng mình rất kém cỏi không? Đấy là một người bạn, một giáo viên, hay một phụ huynh? Bạn sẽ nói gì với anh ấy/cô ấy nếu họ ở trước mặt bạn bây giờ?
• Hãy tưởng tượng, ngay bây giờ, anh ấy hoặc cô ấy đang đứng trước mặt bạn. Cả hai cùng nhau bắt đầu một cuộc trò chuyện. Hãy hỏi người này những câu hỏi như:Bạn thu được gì khi chỉ trích tôi? Bạn hi vọng sẽ đạt được gì trong tương lai nếu bạn tiếp tục hành động thế?
Ngay cả khi bạn không bao giờ gặp lại người này nữa, hành động “giao tiếp bằng hình ảnh” và tự đặt câu hỏi này sẽ tạo nên những động lực thay đổi nhận thức về lời chỉ trích đã ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn.