Mọi người có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực hơn là những điều tốt đẹp. Vì vậy, tâm trí họ dần lấp đầy những ám ảnh tiêu cực, những phán xét, cảm giác tội lỗi và những mối về tương lai
- Eckhart Tolle -
Tác giả Thức tỉnh mục đích sống cuốn sách làm bừng tỉnh thế giới!
Trong chương này, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét “sức mạnh” của nỗi mặc cảm trước xã hội và học cách hành động có chủ đích trong mỗi tình huống đời thường.
Cô lập xã hội là một khái niệm bao hàm hai khía cạnh khác nhau. Đầu tiên, các mối quan hệ bạn có với những người khác và cách bạn diễn giải các mối quan hệ đó. Thứ hai, mối quan hệ bạn có với nội tâm chính mình và cách bạn thể hiện bản thân trước mọi người.
Đâu là cách bạn tương tác, giao tiếp và kết nối với những người xung quanh bạn, ở nhà, trong cộng đồng và tại nơi làm việc?
Bạn có thể đang bị mắc kẹt trong tư duy mặc cảm xã hội nếu có những triệu chứng sau:
• Tôi luôn đứng ở vị trí người ngoài, người bên lề trong bất kì tình huống nào;
• Tôi thấy cô độc, ngay cả khi xung quanh có những người khác;
• Hầu hết mọi người không hiểu tôi. Họ không muốn ở bên tôi vì tôi khác họ;
• Họ từ chối tôi vì tôi không cùng đẳng cấp. Tôi quá kém hấp dẫn, ít học và không có địa vị xã hội;
• Tôi luôn lúng túng mỗi khi cất lên những tiếng nói nội tâm. Và nhiều khi tôi đã nói điều gì đó ngu ngốc bởi vì quá lo lắng;
• Tôi không có quá nhiều thứ để nói. Đó là lí do tại sao tôi thích những quán bar ồn ào hơn. Tôi sẽ không cần phải nói chuyện với bất kì ai nữa;
• Tôi biết những người khác đang đánh giá tôi dựa vào nơi tôi đã học, công việc hoặc thành tích của tôi;
• Tôi đang cố gắng để bù lại cho những khiếm khuyết của mình.
Đối với nhiều người, đặc biệt là những ai đang phải đối mặt với các vấn đề thiếu tự tin, thiếu tự trọng hoặc thường xuyên bị từ chối, các tình huống xã hội (social situation) luôn là một trở ngại, khó khăn với họ. Thậm chí, một số người còn tránh né hoàn toàn các tình huống xã hội. Một số khác thì luôn cảm thấy kiệt sức sau vài giờ tiếp xúc với người khác, và họ chỉ muốn về nhà. Khi nhắc đến những người xung quanh, chính là lúc nảy sinh những thách thức liên quan đến cảm giác tự ti trong mỗi người.
Robert đã chia sẻ cảm xúc của mình về chủ đề này:
Tôi luôn có niềm tin rằng mình thật kém cỏi so với mọi người. Tôi đã dành phần lớn cuộc đời, từ lúc tôi bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, để cố gắng trở nên đủ tốt. Tôi muốn mình có thể đạt đến một điểm mà mọi người sẽ chấp nhận tôi, nhưng tôi không bao giờ đạt được điều đó. Dù ở đâu, vào lúc nào, tôi cũng đều có cảm giác tự ti, giống như vừa sinh ra tôi đã kém cỏi hơn những người khác. Rồi một ngày, tôi chợt nhận ra: Chính tôi mới là người đang từ chối bản thân mình. Sự chấp nhận mà tôi đang tìm kiếm nơi người khác trước tiên phải đến từ tôi. Khi tôi nhận ra điều đó, mọi thứ đã đổi thay.
HÒA NHẬP XÃ HỘI Ở DUBAI
Vài năm trước, tôi đã tham dự một hội thảo lớn kéo dài ba ngày ở Dubai. Hơn 200 người tập trung tại một hội trường lớn tham dự một hội thảo kéo dài ba ngày về giáo dục toàn cầu. Tôi chưa bao giờ thực sự làm tốt ở những nơi đông người. Khi biết nhiều người trong số họ sẽ là những chuyên gia có trình độ học vấn cao, bao gồm các bác sĩ, giám đốc điều hành từ các công ty nằm trong danh sách Fortune 500, tôi đã cảm thấy tự ti rất nhiều.
Trong ngày đầu tiên, tôi tỏ ra cực kì lúng túng, thỉnh thoảng là sợ hãi khi phải giao tiếp với những con người hoàn toàn khác biệt. Tôi cố gắng gây ấn tượng với mọi người, và thậm chí còn nói dối về “thành tích” của mình. Đôi khi tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có được một chút tán đồng nơi người khác.
Đối với tôi, thử thách thực sự đến khi những người tham gia được chia thành các nhóm nhỏ. Điều này ít đáng sợ hơn nếu là nhóm nhỏ quen thuộc. Còn ở đây, trong nhóm đều là những con người xa lạ và đầy khoảng cách trong bối cảnh sống và cùng làm một dự án nhỏ. Chúng tôi chia sẻ ý tưởng của mình để giúp dự án thành công. Khi nghe điều này, tôi sững người. Trong khoảnh khắc, đầu tôi tràn ngập cảm giác bị từ chối.
Nếu họ ghét ý tưởng của tôi thì sao?
Điều gì sẽ xảy ra nếu họ nhận ra tôi không thông minh như họ nghĩ?
Điều gì sẽ xảy ra nếu họ phát hiện ra tôi là kẻ lừa đảo?
Kế hoạch ban đầu của tôi là trốn tránh. Tôi muốn nó kết thúc thật nhanh. Một số thành viên trong nhóm đảm nhận vai trò dẫn dắt, trong khi những người còn lại bắt đầu tham gia đóng góp ý kiến. Tôi hầu như im lặng suốt cả buổi. Rốt cuộc, tôi phải làm những gì? Tại sao họ cần tôi?
Sau đó, một thành viên nữ trong nhóm quay sang tôi và nói: “Chà, bạn cứ đứng đó sao, bạn có ý kiến gì không?”
Đấy là một yêu cầu trực diện đặt tôi vào một hoàn cảnh đúng là ngặt nghèo. Giờ các thành viên khác cũng đang đợi tôi nói điều gì đó. Một chút khó xử và cả cảm giác tự ti, khó hòa nhập khi làm việc trong một nhóm người lạ đã được đánh thức. Tôi chỉ có thể lẩm bẩm một câu: “Viện cớ vào nhà vệ sinh thôi!” Và chính là như thế. Tôi đã đi ra và rồi không ai để ý đến nữa. Họ tiếp tục như kế hoạch, dự án đã hoàn thành, và tôi ở trong nhà vệ sinh cho đến khi buổi làm việc nhóm kết thúc.
Tôi có phải là người chối bỏ xã hội không? Tôi không nghĩ vậy, và vấn đề cũng không nằm ở những người trong nhóm. Trên thực tế, ở đó không có ai làm gì tôi cả. Mọi thứ tôi trải qua đều do một tay tôi tạo nên dưới tác động của nội tâm. Nó như thể một cánh cửa mở ra cho tâm hồn tôi và mọi người trong căn phòng đó đều có thể bước vào.
Trong ba ngày, tôi mới nhận ra mình đã gặp phải những vấn đề về sự từ chối xã hội và nỗi sợ xã hội mà bản thân chưa từng trải qua trước đây. Tại sao như vậy?
Bởi vì tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình để tránh né nó. Ở cấp độ tiềm thức, tôi có thể nhận thức được những điểm yếu của mình. Tôi sợ bị từ chối, sợ đám đông, hoặc có thể tôi cảm thấy không thoải mái với những người xung quanh nói chung. Nếu vậy, hành động của tôi là tránh né những nỗi sợ hãi mà bản thân không muốn đối mặt. Và nếu tôi muốn hiểu tại sao, tôi phải truy nguyên về những tổn thương thời thơ ấu.
Tôi đã học được rất nhiều điều về bản thân trong ba ngày đó. Tôi học được rằng, hóa ra tôi đã luôn sử dụng những “lối thoát hiểm” như một phương tiện để tránh tiếp xúc với những người khác. Để tránh trông thật ngu ngốc hoặc bị chế giễu, tôi chạy trốn. Đó là một bản năng tự nhiên của tôi, một người từng tích cực tham gia vào các chiến lược trốn tránh.
Còn một khía cạnh khác nữa của câu chuyện. Sợ ở trong một nhóm là một chuyện. Tôi còn sợ thất bại, sợ bị đánh giá, sợ bị chỉ trích trước mặt người khác. Đây là những trải nghiệm bất kì ai cũng có thể có.
Mãi cho đến khi hội thảo gần kết thúc, khi tôi cảm thấy bớt lo lắng hơn, thì phần tồi tệ nhất (hay là phần hay nhất nhỉ) đã xảy ra. Tôi nhớ mình đã chọn ngồi ở bàn tít phía sau, cố gắng tránh sự chú ý và hòa vào không khí hội trường lúc đó. Rồi người phát biểu cuối cùng đứng lên bế mạc.
Anh ấy bắt đầu lần lượt đưa micrô đến từng bàn. Ở mỗi bàn, các chỗ ngồi đều có đánh số. Khi micrô được đặt trên bàn, nếu anh ấy gọi đến số của ai, thì người đó phải nói trong vòng một phút về cách họ sẽ áp dụng những gì bản thân đã học tại hội thảo vào thực tế. Micrô đặt xuống bàn của chúng tôi, và số của tôi đã được gọi. Đó là số 47.
Lúc đầu, tôi đơ người. Tôi không có gì để nói cả, vì tôi nào có chuẩn bị bài phát biểu gì đâu. Nhưng xung quanh chẳng có ai như vậy cả, dường như ai ai cũng đều làm tốt.
Mọi tế bào trong tôi giờ đây đều run rẩy sợ hãi trước đám đông. Có hơn 200 cặp mắt đang đổ dồn vào tôi. Và tôi có thể cảm thấy cổ họng mình khô khốc, cứng họng lại theo đúng nghĩa đen. Nếu bạn cũng từng trải qua cảm giác sợ hãi khi nói chuyện trước mọi người, thì hẳn bạn hiểu cảm giác cả cơ thể và tâm trí đang ngừng hoạt động. Bạn không thể nghĩ gì cả. Trong một số trường hợp, thậm chí bạn còn chẳng thể thốt lên nổi một lời.
Ai đó đã đặt micrô vào tay tôi vì trước đó nó vẫn còn nằm trên bàn. Tôi đứng dậy, cứ như thể căn phòng đang quay cuồng. Sự lúng túng khi phải đứng trước đám đông, nỗi sợ bị từ chối, và tất cả những cảm giác tự ti đó từng bước từng bước trỗi dậy. Nhưng sau đó, có một chuyện đã xảy ra. Ngay lập tức, tôi nhớ lại một câu nói của Mark Twain. Tôi đã viết nó ra nhiều ngày trước đó để nhắc nhở bản thân ý nghĩa của nỗi sợ hãi: Dũng cảm là dám chống lại nỗi sợ, làm chủ nỗi sợ, chứ không phải là không sợ hãi.
Cho đến thời điểm đó, tôi luôn né tránh những điều bản thân sợ hãi. Tôi chẳng muốn dính dáng gì đến con người hay những thử thách cả. Tôi sẽ giữ nỗi sợ hãi này ở một khoảng cách thật xa, giấu thật kĩ vào một góc nào đó mà nó không thể thoát ra được. Nhưng có một vấn đề là, tôi sẽ không bao giờ có thể trưởng thành thực sự, nếu cứ luôn che giấu. Tôi sẽ không bao giờ có cơ hội học hỏi thêm, phát triển hoặc phát huy hết tiềm năng của mình. Nhưng trong chính khoảnh khắc tất cả nỗi sợ trong tôi lộ diện, tôi chỉ muốn duy nhất một điều: thay đổi.
Cuối cùng, tôi đã nói trong khoảng 10 phút. Cho đến ngày hôm nay, tôi cũng không nhớ mình đã nói gì nữa. Nhưng có một điều tôi vẫn còn nhớ là, trong khoảnh khắc sợ hãi tột cùng đó, tôi đã đánh bại nỗi sợ mà bản thân luôn trốn tránh.
Điểm chính tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, bạn cũng có thể làm vậy. Có thể bạn đã tin rằng mình vô giá trị và kém cỏi, nhưng đấy không phải là sự thật. Cứ giữ mãi những niềm tin này, bạn sẽ không bao giờ ngẩng cao đầu lên được. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì thất bại và trốn chạy, bây giờ chính là lúc để nắm bắt lấy thời cơ và đổi thay.
PHÁ VỠ CHUỖI MẶC CẢM XÃ HỘI
Vấn đề của tư duy từ chối xã hội chưa bao giờ nằm ở người khác, mà là ở chính bạn. Người khác có thể làm và nói những điều có thể khiến bạn cảm thấy kém cỏi, nhưng cuối cùng, chính bạn mới là người quyết định việc tiếp nhận những ý kiến và hoàn cảnh đấy.
Cô bạn Robin của tôi đã chia sẻ như thế này:
Tôi chưa bao giờ giỏi trong mấy chuyện giao tiếp. Tôi ghét cái khoảnh khắc bản thân phải nói “Rất vui được gặp bạn.” Ngay lúc đó, tôi cảm giác như thể bản thân phải gồng mình lên cho người này thấy rằng tôi thông minh, giỏi giang và đầy tham vọng. Đôi khi tôi không nói gì và mọi người chỉ bắt đầu nói về bản thân họ, về cuộc sống, thành tích, cũng như ước mơ, hoài bão của họ. Đây là những cuộc gặp gỡ tuyệt vời nhất, vì tôi chẳng phải nói bất cứ điều gì. Tôi không muốn họ biết bất cứ điều gì về tôi.
Những người phải vật lộn với các tình huống xã hội, trong họ đã sẵn tồn tại những mẫu thuẫn, nỗi sợ hãi, lo lắng. Họ tự thôi miên rằng bản thân không đủ tốt, không xứng đáng hưởng những điều tốt đẹp. Và rồi, họ sẽ bắt đầu lao vào cuộc chiến chứng minh giá trị của mình. Họ sẽ phô trương thành tích, hay thảo luận về tham vọng và mục tiêu.
Nếu bạn gặp vấn đề với những lời bác bỏ, từ chối, bạn sẽ luôn cảm thấy bản thân thật yếu đuối trước chúng. Sẽ luôn có một nỗi sợ tiềm ẩn nào đó tồn tại, như sợ ai đó phát hiện ra bạn là một kẻ giả mạo và sẽ nói điều đó cho mọi người.
Bạn thấy bản thân đầy khiếm khuyết, đơn độc, nhưng bạn chỉ muốn mình là người duy nhất biết điều này. Vì vậy, bạn bắt đầu giả vờ, cố gắng trở thành một thành viên của đám đông xa lạ. Bạn thậm chí cố nói to, thu hút sự chú ý chỉ để thể hiện bản thân là một người nổi bật trong xã hội. Nhưng bên trong, cảm giác đau đớn, trống rỗng lại chẳng thể nguôi bớt.
Dù thế nào đi nữa, bạn vẫn luôn cảm thấy mình kém cỏi hơn những người khác. Họ dường như đang sống một cuộc sống tuyệt vời hơn, có công việc tốt hơn, quần áo đẹp hơn và con đường học hành thuận lợi hơn bạn. Họ hài hước và dí dỏm, mang lại sức sống cho bữa tiệc, và bạn cảm thấy bản thân thật buồn tẻ và nhàm chán, chẳng có mấy đóng góp cho đời này.
Những suy nghĩ này sẽ dần đưa bạn đến con đường tự chỉ trích và hủy hoại bản thân. Bạn không dám đứng gần người khác, vì bạn không muốn bị coi là bất thường hoặc khác biệt. Điều này có thể bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu của bạn.
Hãy cùng nghe câu chuyện Susan:
Tôi luôn luôn khác biệt từ khi còn là một đứa trẻ. Bản thân tôi không giỏi thể thao lẫn các môn học ở trường. Vì thế, tôi luôn quan sát tất cả những đứa trẻ nổi tiếng, hay nhận được sự chú ý. Tôi như một kẻ bên lề cố gắng nhìn ngó vào trong. Một kẻ chỉ dám đứng bên ngoài, úp mặt vào kính và quan sát bữa tiệc đang diễn ra. Tôi quá sợ hãi để bước vào nơi đó. Tôi sợ rằng, nếu tôi bước vào, chắc chắn họ sẽ từ chối, đuổi tôi đi.
Ở mỗi người sẽ có những biểu hiện, hành động khác nhau, và tất cả chúng ta, ai cũng đều có một câu chuyện kể về sự tự ti của mình. Bạn có thể cảm thấy mình kém cỏi, khiếm khuyết, hư hỏng, hoặc hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của thế giới, nhưng tôi muốn bạn biết một điều: Chuyện đó không sao cả đâu.
Dù bạn nghĩ bản thân mình như vậy, bạn vẫn luôn có thể chấp nhận con người hiện tại, và nhận ra rằng bạn cũng giống như bao người khác. Hãy cố gắng làm những gì bạn có thể làm. Điều này sẽ giúp bạn bình thản trước áp lực phải hoàn hảo của bản thân.
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải chứng minh giá trị của mình với ai đó chỉ để họ chấp nhận bạn, vậy hãy cân nhắc đến chuyện tránh xa người đó và nghỉ ngơi. Có thể họ sẽ muốn đạt được một cái lợi khi bắt đầu mối quan hệ này. Nhưng hãy để câu chuyện này sang một bên. Điều quan trọng là bạn luôn có thể là chính mình. Những người không sẵn lòng tin vào giá trị nơi bản thân, chắc chắn họ sẽ tìm một nhóm nào đó để có nơi bám víu.
SỰ HOÀN HẢO PHI THỰC TẾ
David lớn lên trong một hoàn cảnh luôn thiếu thốn tình cảm. Anh bắt đầu bị rối loạn thần kinh chức năng từ khi còn nhỏ. Anh ấy có thành công nhường nào, cũng không bao giờ là đủ tốt cả. Mẹ của anh ấy là một người cầu toàn và hiếm khi thể hiện cảm xúc. Bà ấy chưa một lần khen ngợi thành tích của anh.
David chia sẻ rằng:
Một lần kiểm tra nọ, tôi được điểm trung bình là 77, đấy là mức tốt nhất tôi có thể làm được. Nhưng khi tôi đưa bảng điểm ra cho mẹ tôi, bà ấy đã hỏi, “Thế 23 điểm còn lại đâu?”
Từ đó, anh ấy liên tục phấn đấu cho sự hoàn hảo. Nhưng có một vấn đề là, dẫu cố gắng trở nên hoàn hảo đến đâu, anh ấy cũng không cảm thấy thỏa mãn. Anh ấy đạt được một cột mốc, rồi sau đó anh ấy lại tập trung vào cột mốc cao hơn.
Đặt lên vai mình những áp lực phải vượt qua được thành tích trong quá khứ khiến anh ấy không thể ăn mừng chiến thắng ở hiện tại. Điều này tạo ra một cuộc sống thiếu sự viên mãn. Anh ấy không ngừng nghỉ theo đuổi những thành tích, như một vòng lặp bất tận. Anh ấy tưởng mình đã, đang và sẽ chạm đến đỉnh cao của thành công, nhưng thực ra anh ấy vẫn đang đứng im tại chỗ.
Điều tồi tệ nhất của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo là họ coi thất bại như một bước lùi, là một điều kinh khủng. Thay vì rút kinh nghiệm và nhận ra rằng thất bại cũng là một phần cần thiết của thành công, họ dằn vặt, hạ thấp bản thân và đặt lên mình nhiều gánh nặng hơn nữa.
Chúng ta không nên có những ý niệm như thế về thất bại. Cũng tương tự như các tư duy kinh điển “có tất cả hoặc không có gì”, trong giây lát, chúng ta có thể hạnh phúc khi giành được chiến thắng, nhưng chúng ta sẽ sớm tan nát khi bản thân thất bại. Xét cho cùng, thua cuộc hay thất bại cũng là một phần quan trọng của chiến thắng.
Làm sao một người có thể trân trọng chiến thắng của chính họ nếu họ chưa bao giờ thất bại? Theo đuổi sự hoàn hảo là một lời nói dối, và nó luôn như vậy. Liệu tôi có đang gợi ý rằng, chúng ta không nên làm những gì tốt nhất có thể để đạt được đỉnh cao nhất của tiềm năng không nhỉ? Dĩ nhiên là không rồi.
Hãy cố gắng hết sức, học hỏi từ những gì không hiệu quả và thay đổi, cải tiến, tiếp tục điều chỉnh. Thay vì cố gắng đạt được đỉnh cao của sự hoàn hảo viển vông nào đó, hãy tập trung vào nấc thang tiếp theo. Bạn biết được bao nhiêu người có thể nhảy từ bậc đầu tiên lên đến đỉnh cao chỉ trong một lần bật nhảy chứ? Tất cả, ai ai cũng cần đi từng bước một.
Cố gắng “hành động” hoàn hảo có thể gọi là một cơ chế sống còn. Chẳng hạn, Betty cảm thấy lo lắng trong giao tiếp. Cô ấy sợ mình không phù hợp, hay không đủ tốt, nên đã cố gắng gây ấn tượng với mọi người để họ yêu quý cô. Dần dà, Betty đã tạo ra một nhân cách hoàn hảo cho chính mình. Trước khi ra ngoài, cô ấy luyện tập ở nhà để biết chính xác phải nói gì về sự nghiệp hoặc cuộc sống cá nhân của cô. Nhưng tất cả chỉ là đóng kịch. Khi sự kiện kết thúc, Betty cảm thấy kiệt sức.
Những mặc cảm mặt xã hội có liên hệ chặt chẽ với tính cách cầu toàn. Tại sao một người lo lắng? Chúng ta cảm thấy lo lắng vì chúng ta có một bí mật không muốn bất kì ai khám phá ra. Cố gắng che giấu những phần tồi tệ nhất của bản thân, chúng ta đã giấu đi con người bản nguyên của mình, để đắp lên mình một danh tính giả trông có vẻ bình thường.
Rõ ràng, chúng ta có thể lừa người khác trong chốc lát, nhưng sớm thôi, chúng ta sẽ mắc kẹt trong chính những lời nói dối của mình. Một ai đó thông minh hơn chúng ta sẽ nhận ra những sơ hở qua các câu chuyện. Tôi có một cô bạn, Lily, lớn lên trong một gia đình luôn bị hành hạ về mặt cảm xúc.
Cha tôi là người chuyên kiểm soát và chi phối gia đình. Ông ấy luôn bắt tôi phải kể về gia đình mình tuyệt vời như thế nào, tình yêu thương đầm ấm ra sao, kể cả sau khi tôi rời nhà và bước ra ngoài thế giới. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng ông ấy đang cố gắng che giấu nỗi đau mà mọi thành viên trong gia đình cũng đang cảm thấy. Ông ấy cố gắng tạo ra một vẻ ngoài giả tạo về gia đình mình. Nhìn bề ngoài chúng tôi giống như một gia đình hoàn hảo, bố mẹ có công việc tốt, học vấn cao và nhà có hai chiếc ô tô, nhưng bên trong đó lại là một câu chuyện khác. Tuy nhiên, khi đứng trước xã hội, tôi vẫn cố bám víu lấy những lời nói dối để che giấu sự xấu hổ mà tôi cảm thấy.
Thực sự trên đời này có ai là hoàn hảo không? Ngay cả những vận động viên tài năng nhất, những doanh nhân thông minh nhất, những tầng lớp tinh hoa trong xã hội cũng có đầy rẫy những khiếm khuyết. Chính việc nhận ra những khiếm khuyết của bản thân và cải sửa nó sẽ giúp bạn ngày càng hoàn thiện hơn. Hơn thế nữa, bạn có thể thoải mái khi là chính mình, biết lỗi sai của mình và sửa chúng thay vì che giấu.
Hãy tưởng tượng khi tham gia một hoạt động xã hội, bạn không cần quan tâm đến việc bản thân xuất hiện như thế nào. Việc gây ấn tượng với ai đó, bạn cũng bỏ qua, tất cả chỉ đơn giản là tham gia vào các cuộc trò chuyện mà không lo sợ bản thân sẽ bị đánh giá hay chỉ trích. Bạn có nghĩ mình sẽ trông giống như một kẻ phiền phức không?
Những người sống thực dụng là những người thu hút nhiều người bạn chân thành nhất. Họ được yêu thích không phải vì họ học giỏi thế nào, gia cảnh ra sao, hay thành tựu chót vót. Mà là vì họ có thể cho người khác thấy rằng, dẫu họ không có những thứ tốt nhất, họ vẫn xứng đáng vươn tay tới những điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp là khi trở thành chính mình.
KHẮC PHỤC NHỮNG MẶC CẢM XÃ HỘI
Chiến lược 1: Liệt kê những đặc điểm, kĩ năng và khả năng độc đáo của bạn
Tất cả chúng ta là duy nhất, theo nghĩa rằng, tất cả chúng ta đều có những điểm tích cực để cống hiến. Bạn cần phải hiểu rõ những đặc điểm độc đáo của mình là gì, để có thể chia sẻ chúng mà không cảm thấy ngượng ngùng hay xấu hổ. Tôi luôn ngạc nhiên khi hỏi mọi người xem họ yêu thích gì ở chính bản thân và họ nói, “Thực sự không có gì”, hoặc “Tôi chẳng giỏi việc gì cả”.
Tất cả chúng ta đều giỏi một thứ gì đó, thậm chí là vài thứ. Vậy bạn có những kĩ năng gì? Những kĩ năng này có thể là về mặt đội nhóm hoặc cá nhân. Như bạn rất giỏi trong việc tổ chức các sự kiện xã hội chẳng hạn.
Chiến lược 2: Lập danh sách các khuyết điểm của bạn
Bây giờ bạn hãy thử nghĩ xem, những khiếm khuyết này khác với những trải nghiệm của người khác như thế nào? Bạn nghĩ đâu là nguyên nhân sinh ra những khiếm khuyết đó? Bạn thấy nó hợp lí không? Tại sao vậy?
Bạn có thể xấu hổ về những khiếm khuyết, thiếu sót của mình. Nhưng ai mà không có khuyết điểm chứ? Ngay cả những nhà lãnh đạo của các quốc gia, những người hùng thể thao và những người có tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc cũng có những sai sót. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy khuyết điểm ở họ, nhưng chúng luôn ở đó. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là, họ chế ngự được nó để tiếp tục làm việc chu toàn hơn. Và, chúng ta cũng có thể làm được như vậy đấy.
Có lẽ bạn đã trải qua nhiều năm suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Hãy thẳng thắn nhìn nhận, điều này đã ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của bạn. Nhưng tin tốt là, hầu hết những suy nghĩ này đều có thể thay đổi. Tất cả những điều tồi tệ mà chúng ta đã tự nói với mình chỉ là những bản thu âm cũ kĩ được phát đi phát lại. Nó có thể đúng tại một thời điểm, nhưng không phải là mãi mãi. Chẳng hạn như “Tôi là một người hay trì hoãn”, thế thì được thôi, tôi có thể thay đổi điều đó. Trì hoãn là thứ có thể thay đổi.
Bạn không được sinh ra với những khiếm khuyết. Chúng ta tạo ra khiếm khuyết và cung cấp cho chúng sức mạnh. Và chúng ta hoàn toàn có thể biến những khiếm khuyết của mình thành những điểm tích cực.
Chiến lược 3: Vạch ra các chiến lược để giải thoát bản thân khỏi những mặc cảm
Bạn thấy mình có khuyết điểm gì rất khó thay đổi? Nếu thay đổi chúng, nó có giúp bạn trở thành một người tốt hơn không? Đấy là khuyết điểm về thể chất hay tinh thần? Nó có ngăn cản bạn tiến về phía trước không?
Bạn nghĩ bản thân đã dùng chiến lược gì để trốn tránh nó? Né tránh không gặp gỡ mọi người? Hay cô lập bản thân? Vào những lúc nào bạn muốn chạy trốn nhất?
Hãy tạo một danh sách về những khuyết điểm này, sau đó, đưa ra từng hành động nhỏ mà bạn có thể làm để thay đổi khuyết điểm đó. Điều quan trọng cần lưu ý là, bạn chỉ nên cân nhắc thay đổi điều này nếu nó là rào cản đối với sự phát triển cá nhân của bạn.
Ngoài ra, hãy xác định các chiến lược trốn tránh mà bạn đã và đang sử dụng. Bạn có biết bản thân chống lại, đẩy lùi những hoàn cảnh căng thẳng như thế nào không? Sau đó, hãy hình dung ra cách bạn thay đổi những điểm khó chịu này. Thúc đẩy, tạo động lực cho bản thân để vượt qua ngưỡng cửa trước mặt là điều rất quan trọng.
Khi bạn ngừng chạy trốn, bạn đang từng bước nắm lấy quyền làm chủ cuộc đời mình. Có chịu khó trước những điều làm bản thân khổ tâm, bạn mới có thể vững mạnh, tự tin trước đời này.