Người thắng cuộc không sợ thua. Chính những kẻ thua cuộc mới sợ. Thất bại là một phần của quá trình thành công. Người trốn tránh thất bại cũng trốn tránh luôn cả thành công
- Robert T. Kiyosaki -
Tác giả của cuốn sách Rich Dad, Poor Dad
(Cha giàu, cha nghèo)
Thất bại trong cuộc đời là một kết cục không thể tránh khỏi. Đã có khi nào trong đời mà mọi việc bạn làm đều thành công viên mãn chưa? Khả năng cao là, bạn không thể nghĩ ra một thời điểm như vậy, bởi vì bất cứ ai cũng từng thất bại ở đâu đó: Bạn đã thất bại trong các bài kiểm tra, thi đấu thể thao, các mối quan hệ hay một vài nhiệm vụ liên quan đến công việc. Trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, việc phạm sai lầm và “thất bại” thực sự nên được coi là một phần tất yếu của quá trình bước tới thành công.
Một số người coi thất bại là điều đáng sợ và phải tránh né. Họ không dám vượt qua giới hạn của bản thân vì họ sợ thất bại sẽ khiến họ mất tinh thần, gây đau đớn và hạ thấp lòng tự trọng.
Lại có những người coi thất bại là bước đi cần thiết để đến được nơi họ cần đến. Phía bên kia của thất bại là mọi thứ bạn hằng mong muốn. Nhưng nếu bạn sợ hãi điều đó, bạn sẽ mãi mắc kẹt và không thể thoát ra khỏi cái bẫy thất bại. Thất bại chỉ để bạn biết rằng đó chưa phải là cách làm đúng nhất, bạn cần tìm một hướng khác để đi.
Bạn nghĩ mình là người như thế nào?
Thất bại có thể gây ra căng thẳng và khiến bạn nghi ngờ về giá trị và năng lực của mình. Càng lo lắng bạn càng sợ hãi, càng dễ thất bại. Những lo âu, hoài nghi ấy có sức thuyết phục lạ thường và lôi kéo bạn chìm sâu vào sợ hãi và thất bại. Bạn sợ không còn cơ hội cho chính mình, vì vậy bạn đặt tất cả rủi ro xuống mặt bàn và chọn một lối thoát dễ dàng. Nhưng con đường dễ dàng là con đường đánh mất tất cả những gì bạn có thể đạt được.
Bạn có sẵn sàng từ bỏ, trốn tránh và để thất bại cướp đi tất cả những gì bạn có thể có không? Hẳn bạn không muốn thế đâu. Đó là lí do tại sao chương này có lẽ là quan trọng nhất. Bây giờ, hãy dành một phút để suy ngẫm những những điều này:
• Bạn có hạ thấp thành tích của mình và tin rằng thành công của bạn là không chính đáng không?
• Bạn có nghĩ rằng bạn chưa đạt được nhiều thành công như những người khác và bạn cần phải chứng minh bản thân hơn nữa?
• Bạn có ám ảnh với những thất bại trong quá khứ và tin rằng chúng sẽ là tương lai của bạn không?
• Bạn có đang trốn tránh trách nhiệm vì bạn bạn sợ thất bại không?
MẮC KẸT TRONG THẤT BẠI
Những người đấu tranh với tư duy thất bại hẳn đã từng phải chịu đựng nhiều điều:
• Bị chỉ trích gay gắt;
• Bị từ chối;
• Có những lí tưởng theo chủ nghĩa hoàn hảo;
• Những kì vọng không thực tế;
• Những khoảnh khắc nhục nhã;
• Thiếu niềm tin vào bản thân và người khác
• Thiếu tình yêu thương (từ thời thơ ấu và các mối quan hệ cá nhân).
Khi bạn tin rằng mình vô dụng, điều đó tạo ra cảm giác khiếm khuyết sâu sắc hơn. Sau đó, bạn mang cảm giác khiếm khuyết này vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Bạn phát triển một tư duy tự đánh bại bản thân rằng, bạn không bao giờ đủ giỏi cho dù mình đã làm gì, đã nỗ lực ra sao và bạn sẽ phải sống chung với thất bại đời đời kiếp kiếp.
Chẳng hạn, bạn chọn duy trì mối quan hệ với những người kiểm soát hoặc ngược đãi mình. Bạn có thể lựa chọn một vai trò nào đó trong công việc của mình bởi vì nó cho bạn thể hiện uy quyền của mình với những người khác. Bạn không thử bất cứ điều gì mới bởi vì bạn luôn nghĩ mình sẽ thất bại trước khi bạn bắt tay vào làm. Chỉ cần ý nghĩ đối mặt với nỗi sợ thất bại cũng tạo ra căng thẳng và khiến bạn muốn thu mình lại.
Phần lớn thất bại chúng ta đã trải qua đều là những điều mọi người từng chứng kiến: điểm kém ở trường, tuột mất khách hàng trong công việc kinh doanh, hoặc một mối quan hệ không thành, như chia tay người yêu hay gia đình không hạnh phúc. Nhưng chính thất bại mà không ai nhìn thấy mới là điều bạn quan tâm: thất bại về chính mình. Đó là thất bại đau đớn nhất, một nỗi đau sâu thẳm bên trong, khó lòng thấu hiểu, chẳng dễ thấy biết.
Mỗi lần thất bại, chúng ta lại ghi lòng tạc tạ, coi nó một chứng nhận rằng mình không đủ tốt. Nhưng sự thật là, không ai sinh ra đã là một thất bại. Thất bại nảy sinh từ nhiều năm suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta được huấn luyện để sợ thất bại và do đó, chúng ta sợ thay đổi. Thay vì đối mặt với thất bại trong cuộc sống, chúng ta chọn cách trốn tránh. Các chiến lược né tránh là thứ khiến chúng ta càng mắc kẹt trong vòng xoáy không ngừng của việc tự hủy hoại bản thân.
Trước khi chúng ta đi xa hơn, tôi muốn bạn lập một danh sách thất bại. Viết ra tất cả những lần bạn cảm thấy mình thất bại, chẳng hạn như các mối quan hệ, công việc hoặc bất cứ điều gì mà bạn nghĩ rằng bạn đã không đáp ứng được kì vọng của bản thân hoặc người khác.
Đây là danh sách ngắn của tôi:
1. Trượt môn toán lớp 10 hai lần;
2. Thất bại trong việc mở kinh doanh riêng ba lần;
3. Trượt bài kiểm tra lái xe hai lần;
4. Thất bại trong nhiều mối quan hệ (nhưng cũng học được rất nhiều từ đó);
5. Không cùng tốt nghiệp trung học với các bạn đồng lứa (sau đó, tôi phải tham gia các lớp học trực tuyến để thi qua).
Tôi đã thất bại trong nhiều vấn đề, nhưng tôi cũng thành công ở nhiều lĩnh vực. Thông qua việc mắc lỗi, tôi đã biết tất cả những điều sẽ dẫn đến thất bại. Đây là cách tôi có thể thu hẹp khoảng cách giữa những sai sót của mình và tiến gần hơn đến thành công.
Tiếp theo, lập danh sách mười điều bạn đã làm thành công mà bạn hài lòng. Bạn có thể theo dõi quá trình những thất bại trong cuộc sống của bạn biến thành thành công sau này. Ví dụ, tôi đã thất bại trong kinh doanh vài lần. Nhưng, cuối cùng tôi cũng thành công vì tôi đã kiên trì với nó. Tôi từng thất bại trong những khóa học ở trường, nhưng nó chỉ khiến tôi thêm quyết tâm phải thành công. Cuối cùng tôi sẽ học đại học và tốt nghiệp.
Thất bại không phải là một tình trạng bất biến, như chúng ta sẽ thấy. Bạn có thể không thành công với những gì bạn đang phấn đấu ngày hôm nay, nhưng cuối cùng, nếu bạn gắn bó và tiếp tục làm việc với một niềm đam mê, thì một ngày nào đó, bạn sẽ ngoảnh đầu nhìn lại và biết ơn bài học mà công cuộc vượt khó vượt khổ này đã dạy cho bạn.
Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy xem xét nỗi sợ thất bại, nó làm gì, nó đến từ đâu và các chiến lược chúng ta có thể áp dụng và thực hành để lấy lại sự tự tin vốn có của mình.
GIẢI PHẪU TƯ DUY THẤT BẠI
Cha tôi là một người đàn ông rất thành đạt. Ông xuất sắc trong kinh doanh và là người đi đầu trong ngành suốt nhiều năm. Trong suốt 35 năm sự nghiêp, các công ty mà ông làm việc đã trả lương thật hậu hĩnh. Ông ấy bay khắp đất nước để tham dự từ hội nghị này đến hội nghị khác, phát biểu và chia sẻ những quan niệm và kinh nghiệm của mình. Nhưng ông có một khuyết điểm chết người không phải ai cũng biết: Ông tin rằng mình là người vô giá trị, một kẻ thất bại và lép vế so với các đối thủ.
Nhìn từ bên ngoài, ông có vẻ rất thành công: một công việc ổn định, các bằng cấp chứng nhận, một ngôi nhà rộng lớn và một chiếc du thuyền hạng sang. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Ông khó lòng chấp nhận bản thân như ông chính là, thay vào đó, ông đấu tranh để trở thành người mà ông tôn trọng và ngưỡng mộ. Trận chiến mà ông ấy tham đấu không phải là với các đối thủ trong kinh doanh, mà là với chính ông.
Một đêm, ông kể cho tôi nghe câu chuyện này: “Lúc đó, bố ở trong phòng họp với nhiều nhà kinh doanh khác. Một số người trong số họ là tỉ phú, sở hữu đế chế kinh doanh đồ sộ. Họ nhìn bố và hỏi ý kiến của bố về cách họ nên chốt giao dịch hay đánh bại đối thủ. Bất cứ khi nào điều này xảy ra, tất cả những gì bố có thể nghĩ là, ‘Anh đang yêu cầu tôi làm gì? Tôi chỉ có trình độ học vấn lớp 11!’”
Bố tôi chưa học hết cấp ba, và ông đã mang mặc cảm đó theo suốt cuộc đời. Ông bà tôi nghĩ rằng bố tôi nên nghỉ học và kiếm một công việc thực sự. Không có sự hỗ trợ từ gia đình và cha mẹ cũng không quan tâm nhiều đến tương lai của con, nên ông đã nghỉ học. Nhưng ông ấy là một người thông minh và ông ấy muốn thành công.
Ông ấy đã làm việc chăm chỉ để đạt đến cấp độ điều hành, nhưng cảm giác thất bại luôn đeo bám ông. Ông không bao giờ cho rằng mình xứng đáng ở trong một căn phòng với một những người có bằng cấp, có hàng tỉ đô-la và sống trong những ngôi nhà có khi còn lớn hơn nhiều thị trấn nhỏ. Ông ấy bị mắc kẹt trong nỗi sợ hãi thất bại gần hết quãng đời mình vì ông ấy nghe những tiếng nói tiêu cực trong mình truyền đến, ông ấy đã nhận lấy những thông điệp sai trái nhưng lại tưởng là thật.
Ám ảnh từ quá khứ và những hành động tiêu cực đã xảy ra với chúng ta, đóng vai trò lớn trong việc định hình ngưỡng thành công của chúng ta. Thật là lạ kì khi một người đạt được nhiều thành tích hơn người khác vẫn có thể tự cho mình là không xứng đáng, bất kể những gì họ đã đạt được.
Chúng ta có thể thành công, nhưng chỉ khi chúng ta chấp nhận rằng mình đủ tốt và mọi thứ chúng ta có là một món quà mà chúng ta nên biết ơn, nếu không chúng ta vẫn cứ mãi nghèo. Tôi đã gặp rất nhiều người trong cuộc sống, bên ngoài họ có tất cả những gì mình cần, nhưng bên trong nội tâm họ hoàn toàn vỡ nát và không bao giờ có thể tận hưởng những gì họ có.
Chúng ta không chỉ sợ thất bại mà còn sống trong nó. Chúng ta luẩn quẩn với niềm tin rằng mình không đủ tốt. Chúng ta làm hết sức, chơi hết mình, nỗ lực trong mỗi việc mình làm và đối xử với cuộc sống rất nghiêm túc để không bị tổn thương. Chúng ta thường xuyên có cảm giác tủi hổ này, như thể chúng ta xấu hổ khi là chính mình và muốn là người khác.
Cũng giống như sự tự hủy hoại bản thân, ở mức độ xã hội, chúng ta không cho rằng mình xứng đáng sở hữu bất cứ thứ gì. Chúng ta bước vào các mối quan hệ với tâm lí phụ thuộc và mang theo tâm cảm nặng nề. Chúng ta cảm thấy bất toàn, khiếm khuyết.
“Giá như tôi có thể chứng tỏ bản thân bằng nhiều thành công hơn, bằng nhiều tiền của hơn, bằng một địa vị xã hội cao hơn.”
Đây là một chu kì tự hủy hoại bản thân vĩnh viễn không bao giờ dừng lại. Trừ khi bạn chấm dứt nó bằng cách tạo ra một luồng suy nghĩ mới vực dậy sự tích cực trong mình. Vấn đề không phải là chuyện thành công hay không. Bạn không thể vượt qua thất bại chỉ bằng cách thành công và tích lũy thành công.
Nếu bạn gặp khó khăn với tư duy thất bại, bạn có thể có một vài hoặc tất cả những đặc điểm sau. Đây không phải là một bài kiểm tra. Hãy xem xét những điều này để xác định các yếu tố cốt lõi mà bạn sử dụng thường xuyên nhất.
Bạn đang chìm sâu vào tư duy thất bại nếu bạn:
• Theo đuổi thành công không ngừng nghỉ nhưng bạn chưa bao giờ hài lòng;
• Không bao giờ có thể sánh bằng những người mà bạn so sánh bản thân với;
• Hạ thấp các kĩ năng, khả năng và năng lực của bạn mà mình có;
•Cảm thấy mình như một kẻ giả mạo và tin rằng người khác sớm hay muộn sẽ phát hiện ra điều đó;
• Sẵn sàng cho thất bại vì nếu bạn thành công, bạn sẽ được giao nhiều trách nhiệm hơn mà bạn cảm thấy chắc chắn rằng mình sẽ thất bại ở những trách nhiệm mới này;
• Tin vào những điều tồi tệ nhất về bản thân, và mỗi thử thách mới được đưa ra là một cơ hội khác để bạn có thể làm hỏng việc;
• Ám ảnh về những gì người khác nghĩ về bạn, khiến bạn phải nói quá và bịa đặt;
• Bạn làm càng ít càng tốt để tránh nổi bật;
• Bạn sợ cam kết;
• Bạn luôn đề phòng thất bại, vì vậy bạn đã phá hoại cơ hội thành công của mình trước khi bạn cố gắng.
HÌNH THỨC BÊN NGOÀI VÀ NIỀM TIN BÊN TRONG
Nếu bạn bị mắc kẹt trong tư duy thất bại, bạn đang có rất nhiều nỗi đau nội tâm mà không ai có thể nhìn thấu hoặc cảm nhận được ngoài bạn. Bạn biết nó ở đó bởi vì bạn cảm nhận nó mỗi ngày, giống như một bí mật bạn để gần bề mặt nhưng vẫn đủ sâu để nó được giấu kín.
Không ai biết nỗi sợ của bạn rõ như chính bạn. Vì vậy, để giữ cho bí mật này được chôn giấu, bạn tránh né việc chấp nhận rủi ro. Tư duy thất bại chính là thứ kìm chân bạn và bạn không dám tiến lên phía trước hoặc không dám thu hút sự chú ý đến bản thân. Bạn sợ rằng bạn có thể được yêu cầu đảm nhận trách nhiệm lớn hơn và có nguy cơ gây ra chuyện xấu hổ. Bạn muốn hoạt động từ đằng sau những bức tường mong manh của cái tôi và của những tư duy xây trên nỗi sợ hãi.
NGƯỜI CHỈ TRÍCH VÀ NHỮNG KẺ LẦM LẪN
Khi nói đến thất bại, chúng ta chính là những người chỉ trích nặng nề nhất của mình. Mọi người xung quanh không cần phải làm bất cứ điều gì để góp phần khiến chúng ta cảm thấy tự ti. Chúng ta có thể tự mình làm điều đó. Bề ngoài, chúng ta có thể tỏ ra tự tin, biết kiểm soát và là người đưa ra các quyết định lớn. Nhưng cuộc chiến thực sự là cuộc đấu tranh nội tâm mà chúng ta phải đương đầu hàng ngày. Đấy là đối mặt với cảm giác thất bại trong nội tâm. Bạn trong có vẻ như kiểm soát được tình hình, nhưng sâu bên trong, bạn sợ hãi bị người khác phát hiện là mình chỉ đang giả vờ.
Vật lộn để thích nghi với cảm giác hoàn hảo, nỗi xấu hổ và sự thất bại trong nội tâm, khiến bạn mất dần niềm tin vào bản thân. Bạn nghĩ rằng bất kể bạn làm gì, nó sẽ không bao giờ là đủ tốt.
Có lẽ bạn đã có trải nghiệm tương tự khi còn nhỏ, làm bạn nảy sinh ý niệm này. Thật chẳng ai đo đếm được cảm giác mình không đủ tốt, ý nghĩ rằng bạn có thể làm ai đó thất vọng – thường là cha mẹ bạn. Bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thành công của mình qua việc tự hủy hoại bản thân.
Tại sao bạn lại phá hoại chính mình? Có một vài lí do. Đầu tiên, nếu bạn luôn nghĩ mình thất bại, sẽ không ai mong đợi điều gì ở bạn. Bạn sẽ bị bỏ lại một mình, đây là điều mà hầu hết những người đang đấu tranh với cảm xúc tiêu cực của mình mong mỏi: được ở một mình. Bạn muốn thế giới cứ tiếp diễn như thể họ không tồn tại. Bằng cách này, sẽ không ai soi mói mình. Bạn có thể sống cuộc sống riêng tư với những thói xấu của mình trong yên bình và chẳng có ai phê phán bạn.
Bằng việc tự hủy hoại bản thân, áp lực sẽ giảm đi và bây giờ bạn có thể bào chữa cho việc không cố gắng làm bất cứ điều gì mình cần làm. “Bạn thấy đấy, tôi đã nói rằng nó quá khó khăn,” hoặc “Đó là lần cuối cùng tôi thử điều đó.” Tự hủy hoại cũng là một cách để trốn tránh. Đấy là một cơ chế phòng vệ mà chúng ta đã phát triển để né tránh nỗi đau khi đối mặt với thất bại.
Chiến lược tự phá hoại giống như một kẻ thù thầm lặng. Bạn không biết nó ở đó cho đến khi bạn tìm kiếm nó. Nếu bạn có một khuôn mẫu hoặc tiền lệ thất bại ở một điều gì đó, rất có khả năng bạn đã biết điều này trong tiềm thức. Bây giờ là cơ hội để bạn đưa nó lên bề mặt và phơi bày nó như chính nó là. Bạn chỉ có thể dừng hành vi phá hoại khi bạn thấy sức mạnh của nó và cách nó thao túng hành động của bạn.
Đây là những gì Brian chia sẻ:
Tôi chưa bao giờ học giỏi ở trường. Ít nhất là tôi nghĩ vậy. Tôi đã trượt ở hầu hết các khóa học và trên lớp tôi tỏ ra chống đối việc học. Tôi thường bị la mắng vì các vấn đề về hành vi. Tôi nhận ra rằng điều tôi thực sự muốn là được giúp đỡ, nhưng tôi không có sự giúp đỡ ở nhà và các giáo viên không muốn liên quan gì với tôi, vì họ nghĩ rằng tôi chỉ là rắc rối. Vì vậy, tôi đã trải qua rất nhiều thời gian bị kỉ luật hoặc bị đuổi ra khỏi lớp. Tôi càng thất bại ở trường học, hành vi tự hủy hoại của tôi càng trở nên tồi tệ hơn. Tự phá hoại bản thân là một cách để thích nghi với niềm tin rằng bạn là kẻ thất bại. “Nếu tôi không thể thành công, tôi sẽ phá hủy cơ hội của mình.”
Đó là một hình thức nổi loạn và cũng là một lời kêu cứu. Nhưng khi chúng ta không thể yêu cầu sự giúp đỡ, chúng ta tìm kiếm sự chú ý. Điều này xuất phát từ cảm giác thất bại từ khi còn nhỏ.
Khi còn nhỏ, chúng ta thường:
• Bị chỉ trích;
• Bị thúc ép để thành công và bị nhục mạ khi chúng ta thất bại;
• Phải đáp ứng được một số tiêu chí trước khi chúng ta được yêu thương;
• Bị soi mói khi cố gắng trở nên khác biệt hoặc độc đáo.
CÁC CÁCH TRỐN TRÁNH NỖI SỢ THẤT BẠI
Trước hết, bây giờ chúng ta biết rằng mình sử dụng các chiến thuật trốn tránh để hủy hoại bản thân, từ đó chúng ta không phải chịu trách nhiệm về những thành công hay thất bại của mình.
Nhưng con đường dường như thật mịt mờ khi có chướng ngại vật ở mọi nơi. Và nếu bạn giống tôi, bạn đã luồn lách qua những trở ngại khó khăn trong hầu hết cuộc đời của mình. Điều đó thật mệt mỏi. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, trốn tránh đã trở thành một hành động mặc định khi bản thân muốn tránh né thất bại. Các mối quan hệ, công việc hoặc các vấn đề cá nhân bị ta bỏ xó. Các vấn đề không được giải quyết mà thay vào đó ta gạt nó sang một bên.
Có một số chiến thuật chúng ta sử dụng để tránh những gì chúng ta không muốn đối mặt. Chúng ta có thể trì hoãn và tạm dừng nhiều việc vô thời hạn, phân tâm vào các nhiệm vụ khác để tránh những việc yêu cầu chúng ta phải chú tâm. Chạy trốn là một cách hủy hoại. Chúng ta có thể trốn nhưng sẽ không bao giờ đứng lên được. Chúng ta chỉ có thể trở nên tốt hơn nếu chúng ta giữ vững lập trường và lựa chọn không bị đánh bại.
Nhiều năm trước, khi tôi lần đầu tiên nhận ra các phương thức trốn tránh của mình, tôi thấy những khuôn mẫu hành vi mà hầu như ngày nào tôi cũng thực hiện. Tôi sẽ tránh nói về những chủ đề khó, những xung đột trong các mối quan hệ. Thái độ của tôi là, “Rồi tự nó sẽ ổn thôi.” Nhưng rồi việc đó hoặc là do người khác xử lí, hoặc là không ai xử lí cả.
Lảng tránh vấn đề là một cách trốn tránh thực tế. Đấy là một chiến thuật để tồn tại. Bởi vì chúng ta chưa bao giờ học cách đối phó với thực tại của mình khi còn nhỏ, chúng ta đã phát triển các phương pháp thích nghi của riêng mình. Nó có thể không lành mạnh, nhưng nó tạo ra cảm giác an toàn bên trong nội tâm. Chúng ta học cách tồn tại bởi vì chúng ta không có lựa chọn nào khác.
Khi thế giới khiến bạn cảm thấy mình không đủ tốt, bạn sẽ tìm cách thoát khỏi nó.
SỰ TRÌ HOÃN VÀ TỰ HẠ THẤP BẢN THÂN
Tương tự như việc trốn tránh vấn đề, trì hoãn là một thói quen tự hủy hoại bản thân mạnh mẽ, có thể được phát triển từ thời thơ ấu. Nó ngăn cản chúng ta hành động. Nó hủy hoại cơ hội tiến lên phía trước của chúng ta.
Dưới đây là kinh nghiệm của Ben:
Khi còn nhỏ, tôi ghét bài tập về nhà. Tôi sẽ không bao giờ làm bài tập ở trường. Nếu môn nào đến hạn nộp bài, tôi sẽ đợi đến phút cuối cùng mới làm bài, hoặc có thể hoàn toàn không làm. Tôi sẽ trì hoãn mọi thứ. Cuối cùng nó đã trở thành một thói quen. Cha tôi nghĩ rằng tôi chẳng được tích sự gì và tôi đã thỏa mãn kì vọng của ông ấy. Tôi sẽ phá hoại việc học của mình chỉ để cho ông ta thấy rằng ông ấy đúng.
Để tránh thất bại, trì hoãn là lựa chọn số 1 của nhiều người. Đây là một cách tự hủy hoại ở nhiều cấp độ, một vòng luẩn quẩn việc tự phá hoại bản thân. Tất nhiên, nhiều người cũng trì hoãn ở các mức độ khác nhau, nhưng một số người trong chúng ta đã biến nó thành thói quen sinh tồn.
Khi nó là lựa chọn mặc định đầu tiên mà chúng ta tìm đến để trốn tránh, nó sẽ khiến mọi thứ bị trì hoãn. Bạn không thể hồi phục khi chính mình bận chôn vùi nỗi đau. Đối ngược với sự trì hoãn là làm việc lớn. Đây là các bước hành động giúp bạn thoát khỏi cơn đau.
Phủ nhận lời khen ngợi là một phương pháp khác để trốn tránh, nhưng với chiến thuật này, bạn đang hạ thấp thành tích của mình vì bạn tin rằng nó vô giá trị. Bạn nghĩ rằng bất kì ai cũng có thể làm được, vì vậy đó không phải là chuyện gì to tát. Bạn sẽ cố gắng hơn vào lần sau để hoàn thành công việc tốt hơn.
Bằng cách hạ thấp thành công của mình, bạn sẽ không bao giờ thực sự thoát ra khỏi lối mòn thất bại của sự tự thương hại bản thân. Bạn tiếp tục hướng tới một chiến thắng lớn mới, nhưng nó không kéo dài lâu.
KHỞI ĐỘNG LẠI BỘ TƯ DUY THẤT BẠI
Bây giờ chúng ta đã xem xét tỉ mỉ tư duy này, hãy cùng tìm hiểu các chiến lược mà chúng ta có thể sử dụng để khởi động lại kế hoạch hành động của bạn. Tôi sẽ đưa ra bốn chiến lược bạn có thể thực hiện để phục hồi và khắc phục suy nghĩ thất bại của mình.
Tôi khuyên bạn mỗi lúc chỉ nên tập trung vào một chiến lược. Đừng để bản thân choáng ngợp, cũng đừng nghĩ rằng bạn phải chữa lành vết thương chỉ trong một thời gian ngắn. Xây lại cuộc đời là một quá trình lâu dài, bạn không thể vội vàng được đâu. Chúng ta không hướng tới sự hoàn hảo. Thay vào đó, chúng ta đang tập trung vào sự tiến bộ.
Chiến lược 1: Phản hồi tư duy tiêu cực
Có những người đã làm tổn thương chúng ta trong quá khứ. Họ đối xử không công bằng với chúng ta, chỉ trích những sai lầm của chúng ta, và khiến chúng ta cảm thấy mình như thể là một thất bại lớn. Khi chúng ta nhớ lại thời điểm này trong quá khứ, nó gợi lên những kí ức đau buồn. Nhưng chúng ta cần phải suy xét lại nó bởi vì chúng ta đã từng trốn tránh điều đã thực sự xảy ra.
Những điều chúng ta né tránh sẽ gặm nhấm chúng ta theo thời gian. Nó làm chúng ta trầm cảm, tức giận và tổn thương sâu sắc, rất khó để chữa lành. Nhưng giờ đây chúng ta có thể chữa lành những tổn thương ấy.
Làm sao để đối diện với những người làm bạn tức giận? Hãy tưởng tượng, bạn sẽ như thế nào khi đến thăm người đấy và cho họ biết cảm giác của mình. Bạn đang định nói gì? Bài tập này sẽ giúp bạn thoát khỏi sự xấu hổ. Hãy giữ vững lập trường và đừng nghĩ rằng bạn đáng bị trừng phạt, hoặc bị đối xử như cách bạn đã từng bị đối xử. Nếu người đó đang đứng trước mặt bạn lúc này, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn muốn nói gì? Bạn sẽ bám vào điều gì?
Thực tế là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đối diện với những người mà chúng ta vẫn còn tức giận hoặc cay cú với họ. Trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng không có khả năng và cơ hội để làm điều đó. Trong trường hợp va chạm đã xảy ra, hoặc có tổn thương sâu sắc về tình cảm, tốt hơn là bạn nên giữ khoảng cách. Có một bài tập bạn có thể thực hiện được ngay là hãy tưởng tượng người này đang ở bên bạn và bạn có 5 phút để nói với họ cảm giác của bạn. Hãy hình dung cuộc trò chuyện và cách bạn có thể thể hiện cảm xúc.
Bạn sẽ thấy rằng bạn có thể nâng cao khả năng tha thứ của mình. Điều này không nhất thiết để đối phương cảm thấy tốt hơn, mà là để chính bạn cảm thấy tốt hơn. Bằng cách buông bỏ nỗi đau về những gì đã xảy ra, bạn đang tạo cơ hội cho bản thân trưởng thành. Chừng nào bạn vẫn còn bực bội, tức giận và cay cú, thì bạn gần như không thể tiến về phía trước. Như thế bạn đang nợ chính mình một cơ hội để trưởng thành và bản lĩnh.
Chương cuối cùng của cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn các bước để xây dựng một cuộc sống mới cho bản thân và cách biến ước mơ của bạn thành hiện thực. Chúng ta đang đi từ mô hình tư duy thất bại sang một lối sống hoàn toàn mới. Nếu tôi phải thất bại, thì cũng là thất bại khi tôi đã nỗ lực hết mình.
Chiến lược 2: Quyết tâm làm điều bạn đã trì hoãn
Bạn đang trốn tránh điều gì? Bây giờ là cơ hội để bạn đối mặt với nó. Quyết định của bạn trong thời điểm này sẽ định hình tương lai của bạn. Bạn đang quyết định làm gì? Đó có phải là giấc mơ mà bạn đã từng bỏ rơi? Hay bạn muốn kết nối với một người mà bạn đã không nói chuyện trong một thời gian dài?
Nhận ra những điều mình đang trốn tránh là bước đầu tiên để bạn hành động. Chỉ khi bạn quyết tâm hành động, bạn mới phá vỡ sự trì hoãn. Quyết định của bạn khi ấy mới có sức mạnh. Và cuộc sống mà bạn đang sống là kết quả trực tiếp của những quyết định như thế. Mỗi khoảnh khắc bạn quyết tâm hành động sẽ đưa bạn đến thành công trong tương lai.
Sự do dự, trì hoãn chỉ càng làm bạn thêm lo lắng và sợ hãi. Còn sự quyết tâm và những quyết định có chủ đích sẽ kiến tạo cuộc đời bạn, hôm nay và ba mươi năm nữa.
Chiến lược 3: Thất bại để tiến về phía trước
Khi chúng ta thất bại, bản năng đầu tiên là rút lui, đánh giá lại và sau đó có thể thử lại. Nhưng nhiều người không dám thử lại. Họ đánh giá lại và sau đó làm một cái gì đó ít rủi ro hơn, chọn đi theo một con đường khác, con đường dễ dàng hơn. Bạn có thể không thất bại, nhưng chưa chắc đã thành công.
Con đường duy nhất để bạn tiến bộ là trân trọng những bài học bạn đã học được từ những thất bại và đồng hành với nó. Thực tế là, những người thất bại nhiều nhất lại là những người thành công lớn nhất. Họ dám vấp ngã, dám học hỏi và đạt được những gì họ mong muốn. Những người còn lại tranh giành với nhau một chút lợi ích nho nhỏ và họ có một điểm chung là: Họ sợ làm những việc lớn và sợ thất bại để tiến bộ. Thất bại của bạn là một bước đệm. Bạn chỉ có thể bước lên một bước khi bạn đã lùi lại ba bước.
Chiến lược 4: Hành động để thành công
Hành động luôn đầy sức mạnh. Chúng ta biết tất cả những hành động khiến chúng ta thất bại, và vì thế thất bại trở thành người thày của chúng ta. Theo đó, chúng ta biết được những cách giúp chúng ta có thể thành công. Ví dụ, đây là danh sách những hành động tôi đang thực hiện để thành công hơn:
• Thức dậy sớm và tập thể dục;
• Đọc ba mươi phút mỗi ngày;
• Đi bộ thường xuyên hơn;
• Phác thảo cuốn tiểu thuyết tôi luôn muốn viết;
• Đăng kí một khóa học;
• Viết một lá thư cho người đã từng làm tổn thương tôi, kể chi tiết cách tôi tha thứ cho người đó. Gửi thư này hay không là tùy chọn;
• Bổ sung những điều tôi biết ơn vào cuối mỗi ngày. Mục tiêu là đạt 20 điều mỗi ngày;
• Tập trung vào một mục tiêu mà tôi luôn muốn đạt được;
• Liệt kê những thành tựu của tôi trong mười năm qua, cho dù nhỏ đến đâu.
Từ đầu đến giờ, chúng ta đã nói đến rất nhiều điều để đi qua vùng lầy đầy khó khăn của tư duy thất bại. Chúng ta đã xem xét cách chúng ta biện minh cho cảm giác vô dụng của mình. Chúng ta đã thấy những lối suy nghĩ dẫn mình vào bế tắc và thấy cách xây dựng hình ảnh tích cực để chúng ta có thể đi đúng hướng.
Chúng ta đã nhìn lại cách mình đã đổ lỗi và việc chúng ta chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình có thể giúp chúng ta thay đổi bất cứ điều gì. Chúng ta đã thấy những kì vọng không thực tế của mình từng phá hủy cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn và chúng ta đã cùng tìm ra hành động tích cực để tạo ra sự thay đổi cho bản thân.
Bây giờ, chúng ta sẽ thảo luận về chướng ngại khổng lồ, và cũng là tư duy cuối cùng khiến chúng ta rơi vào sự tự hủy hoại, đấy là: Sự từ chối.