Tất cả chúng ta đều học được những bài học từ cuộc sống. Tôi luôn học được nhiều điều từ sự từ chối và thất bại, hơn là từ sự chấp nhận và thành công
- Henry Rollins -
Nếu bị từ chối, bạn nghĩ bạn sẽ làm gì? Nếu bạn bị chỉ trích, bạn phải nghe từ “không” hoặc bị đánh giá về công việc của mình, bạn có dám tiến về phía trước mà không sợ hãi và lo lắng về những gì người khác nghĩ không?
Nếu bạn đang phải vật lộn với sự từ chối, chúng tôi biết rằng bạn không dễ dàng gì quên đi trải nghiệm này. Việc bị từ chối sẽ đeo bám bạn trong một thời gian rất dài và để lại vết sẹo rất sâu.
Mỗi người sẽ có một cách phản ứng khác nhau với sự từ chối. Một số người coi sự từ chối như một sự thất bại, một đòn đánh vào khiếm khuyết bản thân, hoặc một sự công kích cá nhân vào tính cách của họ. Trong khi đó, một số người khác có thể đón nhận sự từ chối và coi đấy như động lực để tiến lên. Liệu sự từ chối có hủy hoại chúng ta, hay cách chúng ta phản ứng với nó mới hủy hoại chúng ta? Khi kết thúc chương này, chúng ta sẽ đối diện với sự từ chối theo một cách khác, khi ấy chúng ta sẽ đánh bại gã khổng lồ tự hủy hoại bên trong chính mình.
Sự phủ nhận bản thân bắt nguồn từ niềm tin cốt lõi rằng chúng ta không xứng đáng với những gì đang có. Những người đấu tranh với sự phủ nhận thường tự hạ thấp mình và ít coi trọng bản thân. Sự phủ nhận, sự từ chối có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể cảm thấy bạn bị đồng nghiệp, gia đình hoặc vợ chồng của bạn phủ nhận. Nhưng đây là ý tưởng chính mà tôi muốn chia sẻ với bạn.
Đây là một ví dụ. John đã hẹn hò với Mandy trong ba tháng qua. Mọi thứ đang rất tốt đẹp thì đột nhiên một ngày, cô ấy quyết định chia tay, không một lời giải thích. Hóa ra, cô ấy đã có người khác.
John cực kì suy sụp và bối rối. Anh như đang trong cơn bão quay cuồng của cảm xúc. Khi cố gắng hiểu xem điều gì đã xảy ra, anh ấy kết luận là mình không đủ tốt, vấn đề nằm ở chính anh. “Có phải tôi đã làm gì đó không? Tôi đã nói gì khiến cô ấy phật ý à?”
Không ai phủ nhận bạn, ngoài việc bạn đang tự phủ nhận chính mình. Sự phủ nhận luôn bắt đầu từ sự tự phủ nhận. Trước khi kịp hành động, thì bạn đã rụt lại vì nỗi sợ bị từ chối.
Hẳn là tất cả chúng ta đều từng trải qua điều đó. Các mối quan hệ kết thúc. Nhà tuyển dụng không chọn chúng ta. Bạn bè ngừng liên lạc mà không có lí do rõ ràng… Suy nghĩ đầu tiên của chúng ta hầu như luôn luôn là: “Tôi đã làm gì sai?” Chúng ta đổ lỗi cho bản thân về mọi lời từ chối trong cuộc sống, vì không phải lúc nào chúng ta cũng có lời giải thích cụ thể cho nó. Lí do hợp lí duy nhất hẳn là do chúng ta đã gây ra điều gì đó.
Tại sao chúng ta lại có suy nghĩ như vậy? Chúng ta có thể quay trở lại thời thơ ấu. Bạn đã bao giờ bị từ chối, bị bỏ rơi, hoặc bị chỉ trích khi xảy ra vấn đề chưa? Nếu bạn không nghe lời cha mẹ, hoặc không nhất trí với ý kiến của đồng nghiệp, họ có đánh giá bạn không đủ tốt hay không? Nếu bạn nghĩ rằng mình là người duy nhất bị từ chối, hãy để tôi giúp bạn xử lí nỗi sợ hãi này nhé: Bị từ chối và sợ bị từ chối là một chuyện rất bình thường.
Nỗi sợ hãi này cho thấy chúng ta mong muốn được yêu thương, được chấp nhận, được đánh giá cao và là một người có giá trị. Nếu chúng ta không đạt được những điều này, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái trầm-cảm-vì- bị-từ-chối. Chúng ta cảm thấy mình không có giá trị và như một người thừa. Chúng ta xấu hổ và tin rằng mình không đủ tốt trong thế giới của họ. Chúng ta ngày càng hoài nghi về bản thân, về giá trị của mình. Chúng ta có thể đi đến những phản ứng cực đoan hòng có được sự chấp nhận, chẳng hạn làm những việc trái với lòng mình để làm hài lòng mọi người.
Nếu bạn lớn lên trong một môi trường quen với sự ổn định và quen được yêu thương bao bọc, thì tình trạng bị từ chối là một trong những điều bạn rất khó chấp nhận, đấy là điểm bạn tự đánh bại bản thân mình. Nó là chướng ngại khổng lồ trong bạn, và một khi đã tự đánh bại chính mình, bạn rất khó để phục hồi. Không phải là không thể, chỉ là rất khó. Đấy là lí do tại sao chúng ta xem xét nó sau cùng, như một trạng thái cốt lõi bạn cần phải đối diện và khắc phục.
LO SỢ BỊ TỪ CHỐI
Đối với chúng ta, những thiếu sót của chúng ta hiển nhiên đến đau khổ, đến nỗi chúng ta lo sợ bị từ chối trong mọi tình huống. Lo sợ bị từ chối thực ra chỉ là chúng ta đang từ chối bản thân trước khi người khác có cơ hội từ chối chúng ta. Chúng ta nghĩ bản thân quá kém cỏi đến mức tin rằng mình sẽ bị ruồng bỏ hoặc bị đối xử chẳng ra gì.
Hãy hình dung về một cảnh huống, chẳng hạn như một bữa tiệc. Người đi cùng bạn đột nhiên phải rời đi và bạn xem đấy như một sự từ chối. Bạn đẩy bản thân vào ám ảnh vì bị từ chối, đến nỗi bắt đầu nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi.
Thường thì đối phương không biết chuyện gì đang xảy ra trong bạn. Hầu hết mọi người không nghĩ, “Tôi rời đi nghĩa là tôi từ chối anh/cô ta.” Rất có thể, họ đang bận công chuyện gì đấy mà chúng ta không biết, và nó không liên quan gì đến chúng ta cả.
Nỗi sợ hãi từ sâu thẳm này chính là những gì đang kìm chân bạn tiến về phía trước. Trên hết, bạn có niềm tin sâu thẳm rằng bạn không đủ tốt, bạn không quan trọng đến mức mọi người đều sẽ rời bỏ bạn.
Khi nói đến việc giao lưu trò chuyện với những người mới, tôi rất sợ hãi. “Radar sợ bị từ chối” của tôi nhạy đến mức tôi sợ rằng bất cứ ai cũng có thể phát hiện ra tôi không đáng có mặt ở đây. Khi tôi chia sẻ điều này với một người bạn, một chuyên gia về mối quan hệ xã hội, anh ấy nói: “Cậu chắc chứ? Cậu thực sự nghĩ rằng tất cả mọi người đến bữa tiệc là để từ chối cậu à? Mọi người quá bận rộn với chuyện của họ. Nên là cậu hãy vượt qua cảm giác đó đi.”
Lời khuyên thật tuyệt vời. Anh ấy đưa ra một lời giải đáp thật đơn giản cho cái tâm tư phức tạp mà tôi đang tranh đấu. Đơn giản là: “Bạn không phải là trung tâm để tất cả mọi người phải chú ý. Họ có quá nhiều việc cần lo.”
Quả thật, đúng là vậy. Liệu có ai thực sự thức dậy và quyết định rằng hôm nay là ngày họ sẽ nhắm vào ai đó và từ chối người đấy không? Rõ ràng là không, và sự thật là, tất cả chúng ta đều từ chối điều gì đó hoặc ai đó trong những mối quan hệ và ứng xử hằng ngày của chúng ta. Chúng ta chỉ không nhận ra điều đó mà thôi.
TỪ CHỐI BẢN THÂN
Bạn có tin rằng 90% những lời từ chối là bạn đang từ chối chính mình, chứ không phải thế giới từ chối bạn? Có lẽ là bạn không tin. Bạn sẽ bắt đầu tìm cớ cho việc tại sao bạn bị từ chối và thu thập tất cả những bằng chứng để chứng minh cho điều đấy: thất bại ở trường học, đỗ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc những câu nói “không” thường trực trên cửa miệng nhiều người,...
Nhưng hãy hiểu rằng, kể cả khi ai đó nói “không”, điều đó có nghĩa là vẫn còn những cơ hội khác. Bạn bị từ chối một công việc, nghĩa là sẽ có một công việc khác đang chờ bạn. Bạn bị từ chối về một khoản vay ngân hàng, có thể một tuần sau thị trường sụp đổ. Ai đó chia tay bạn, nghĩa là bạn có cơ hội gặp gỡ những người khác. Ai dám chắc rằng sự từ chối là tốt hay xấu đây?
Tôi cho rằng, từ chối không phải là tốt hay xấu. Nó chỉ là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Tốt hay xấu là do cách nhìn nhận, đánh giá của chúng ta. Khi bạn có thể chấp nhận bản thân trong hiện tại mà không cần lo lắng người khác đang nghĩ gì về mình, bạn sẽ bớt sợ hãi và lo lắng. Nhưng nếu bạn cố gắng tránh né nó, hoặc đánh lạc hướng bằng cách trốn chạy, nghĩa là bạn đang từ bỏ cơ hội cho một điều tốt hơn.
NẾU BỊ TỪ CHỐI, VẤN ĐỀ KHÔNG HOÀN TOÀN LÀ Ở BẠN
Hãy thẳng thắn với nhau nhé. Đôi khi, sự từ chối chỉ mang tính cá nhân. Có thể ai đấy không thích bạn chỉ vì một lí do nào đó của riêng họ. Chuyện đấy đã xảy ra với tôi, và cả với bạn, trong suốt cuộc đời của chúng ta, và nó sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Và chúng ta phải biết là, có rất nhiều người yêu quý mình.
Một số người từ chối ý kiến của tôi và thậm chí cả lời đề nghị giúp đỡ của tôi, nhưng rồi họ sẽ lại lấy ý kiến đó từ người khác. Sự từ chối giống như một trò chơi quay số ngẫu nhiên. Một số nào đấy sẽ được chọn sẽ, còn nhiều số khác thì không. Khi chúng ta biến sự từ chối thành vấn đề cá nhân, chúng ta đang bộc lộ cảm xúc của mình ra ngoài và để chúng đánh bại chúng ta.
TỪ CHỐI LÀ MỘT LOẠI QUAN ĐIỂM
Đôi khi sự từ chối chỉ là một ý kiến dựa trên lí tưởng của người khác. Và, trong hầu hết các trường hợp, vấn đề là bạn có đưa ra những gì họ muốn vào lúc đấy hay không.
Ví dụ, tôi đã nhiều lần bị từ chối tuyển dụng, không phải vì tính cách của tôi mà là do kĩ năng của tôi. Điều này không liên quan gì đến phẩm cách cá nhân của tôi. Đơn giản là họ đang tìm kiếm một người có kĩ năng cụ thể phù hợp với công việc mà thôi.
NỖI SỢ BỊ ĐÁNH GIÁ
Đây là điểm mà chúng ta đều đang ít nhiều trốn tránh: Nỗi sợ bị đánh giá. Sợ bị từ chối, sự tự ti và sợ bị chỉ trích đều là hệ quả của nỗi sợ bị phán xét.
Hãy nhớ lại một việc nào đấy trong thời thơ ấu của bạn, khi ai đó, rất có thể là cha mẹ bạn, đánh giá hoặc chỉ trích bạn. Hãy nghĩ về khoảnh khắc đó. Có phải là lúc bạn bị điểm kém? Lúc bạn bị gạt ra khỏi nhóm học tập của mình? Hoặc khi bạn cư xử hơi thiếu khéo léo khiến người trong gia đình cảm thấy xấu hổ,...
Dù nó có thể là gì, thì nỗi sợ sự từ chối đều bắt nguồn từ sự phán xét và chỉ trích đã xâm nhiễm bạn trong quá trình trưởng thành. Giờ đây, dù bao nhiêu tuổi, độc lập bao nhiêu, bạn vẫn cảm thấy tổn thương vì những điều đó. Khi bạn rơi vào trạng thái hoài nghi và bạn tự hỏi liệu mình có đủ tốt hay không, bạn đang chạm vào nỗi đau mà bạn đã phải trải qua khi lớn lên. Nó đeo bám mãi và bạn sẽ không thể thoát ra cho đến khi bạn vượt qua nỗi sợ trong chính bạn.
Mọi người nhìn người khác bằng con mắt định kiến mọi lúc mọi nơi. Hẳn là bạn rất hay suy diễn về một người trước khi có những bằng chứng về người đấy, và chuyện đó rất thường diễn ra phải không? Rất có thể, bạn đã tin rằng nhận định của bạn là đúng đắn. Bạn chắc chắn không gì có thể thay đổi ý kiến của bạn.
Vậy thì người khác cũng sẽ nhìn nhận về bạn theo cách đó, theo định kiến của họ về bạn. Có thể bạn không biết, cũng có thể bạn biết nhưng giả vờ như nó không xảy ra. Hoặc thay vì để mình tổn thương, bạn làm tổn thương người khác bằng cách tấn công họ trước khi họ kịp tấn công bạn.
Nhưng sẽ thật không hay khi bạn cho rằng tất cả mọi đều nhìn nhận bằng định kiến và sai lầm về mình. Làm sao bạn biết chắc chắn được? Nếu bạn thực sự nuôi ác ý với người khác thì bạn tin rằng mình có quyền bác bỏ, phán xét và lên án họ, vì vậy bạn có quyền làm tổn thương họ.
Nhưng nếu điều đó xảy ra với bạn thì sao? Bạn sẽ trả đũa bằng cách trút ra nỗi đau của chính mình. Sự trả đũa qua lại và xù lông để bảo vệ bản thân không thể biến thế giới trở thành một nơi dễ sống hơn. Chỉ khi bạn gỡ bỏ định kiến trong việc nhìn nhận con người và mọi việc, khi bạn thôi nhìn người khác bằng con mắt ác ý, thì chính họ cũng sẽ dừng lại định kiến và ác ý của họ.
THUỐC GIẢI CHỨNG MẪN CẢM
Một trong những chiến lược để giúp bạn vượt qua nỗi sợ bị từ chối là làm giảm sự mẫn cảm của bạn với nó. Làm thế nào để thực hiện được điều này? Tự giải mẫn cảm nghĩa là bạn phải điều hòa cảm xúc cho tâm trí. Khi đấy sự từ chối sẽ không thể làm bạn đau lòng. Nhưng thật ra, điều chúng ta sợ chính là vượt qua nỗi đau ban đầu khi bị từ chối. Đây là cú đánh đầu tiên khiến bạn đau đớn nhất, và cũng là vết thương lớn nhất mà chúng ta cố gắng trốn tránh.
Khi chúng ta gạt bỏ mọi rủi ro, chẳng hạn như ngừng tiếp cận, thôi trò chuyện với mọi người, hoặc ngừng gặp gỡ mọi người, chúng ta có thể tạm tránh khỏi nỗi đau bị từ chối. Nhưng cũng chính khi đó, chúng ta đang bỏ lỡ những điều lớn hơn nhiều so với một tổn thương cảm xúc.
Hãy nghĩ về điều này. Bạn gặp một người bạn thích và muốn rủ người ấy đi ăn, nhưng bạn không dám. Bởi bạn đã chịu một tổn thương từ trước đó. Một người nào đấy chia tay bạn và chuyện này củng cố niềm tin rằng bạn là người không đáng để yêu thương, không đáng được yêu thương, và bạn hình thành một suy nghĩ giả dối rằng bạn không cần yêu thương. Nỗi sợ hãi này đã ăn sâu trong bạn. Bạn cô đơn nhiều năm vì điều đó, và bây giờ, nhiều năm sau, rào cản đó vẫn ngăn cản bạn đến với những gì bạn thực sự muốn.
Bạn không dám làm gì cả. Và thế, bạn chẳng nhận được gì. Chỉ đơn giản là bạn trốn tránh khỏi nỗi đau bị từ chối. Nhưng nếu bạn hành động theo một kịch bản khác thì câu chuyện sẽ diễn biến ra sao? Đổ mồ hôi vì sợ hãi và tim đập thình thịch, nhưng bạn quyết chớp lấy cơ hội, rủ người đó đi chơi và họ nói đồng ý. Bạn đi nắm tay người ấy đi đến cuối cuộc đời. Và bạn biết rằng điều duy nhất giúp bạn thành công và hạnh phúc là bởi bạn đã đối mặt với nỗi sợ hãi trong sâu thẳm lòng mình: Nỗi sợ bị từ chối.
Hãy ra ngoài kia, bước ra khỏi vòng an toàn của bạn và đón nhận nhiều cơ hội hơn, dẫu có thể bị từ chối. Hãy biến nó thành một sự tự thử thách. Hãy thử mở lòng và trò chuyện, hãy chân thành và cởi mở. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng bạn không phải là người duy nhất sợ hãi. Tất cả chúng ta đều có nỗi sợ đó.
Hãy tách bản thân khỏi những kì vọng và tập trung vào hành động tiếp cận. Ngay cả khi người kia nói “không”, thì đấy vẫn là một chiến thắng. Bởi bạn đã dám vượt qua nỗi sợ để tiếp cận ai đó và mở lòng với họ.
NHỮNG LỜI NÓI DỐI CHÚNG TA VẪN TIN
Khi chúng ta né tránh làm những điều chúng ta thực sự muốn, thì chính là chúng ta đang từ chối bản thân mình. Nhưng như thế sẽ dẫn bạn đến đâu? Cuối cùng vẫn là những tổn thương chất chồng tổn thương. Xin lưu ý với bạn, đây là những cảm xúc có thật và chúng ta không thể bỏ qua chúng. Nhưng nếu để chúng thôi miên chúng ta, chúng sẽ tạo ra số phận của chúng ta: Số phận sống trong sợ hãi.
Khi một người từ chối chúng ta với tư cách một cá nhân, rốt cuộc đó là một cuộc tấn công vào tính cách và cái tôi của chúng ta. Khi ai đó nói với chúng ta rằng họ không muốn và không cần chúng ta, điều đó rất đau đớn. Chúng ta nhận được những lời nói này từ khi còn nhỏ và thường xuyên bị cha mẹ người thân đối xử như vậy
Những đứa trẻ bị từ chối từ khi còn rất nhỏ chịu tổn thương rất nặng nề. Tôi đã gặp rất nhiều người cho đến tận hôm nay vẫn đang phải vật lộn với vết thương đó. Nhưng tôi cũng đã gặp nhiều người dám đối mặt với cuộc chiến này và họ luôn cố gắng kiên trì. Nếu họ không vượt qua được những gì đang khiến họ bị mắc kẹt, họ sẽ mãi mãi mắc kẹt.
Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về tất cả những cách bạn dùng để tránh bị từ chối. Hãy lập danh sách chúng và tự quan sát bản thân ngay đi.
Đây là danh sách tôi đã đưa ra:
• Tránh giao tiếp bằng mắt;
• Nói không với các sự kiện xã hội;
• Chọn ở một mình thay vì ở với những người khác;
• Không ứng tuyển công việc mà mình thực sự muốn;
• Tránh xa các sự kiện đào tạo;
• “Quên” đến một buổi kiểm tra;
• Bỏ qua những cuộc trò chuyện bất ngờ với người lạ;
• Không viết lách;
• Tránh việc mặc cả giá khi mua hàng;
• Tránh tham gia các đội thể thao,…
Chúng ta tìm cách thoát khỏi nguy cơ bị từ chối thông qua việc né tránh. Chúng ta tránh xa tất cả những việc có thể khiến chúng ta thất bại hoặc khiến chúng ta trông có vẻ ngu ngốc, và chúng ta còn bỏ lỡ nhiều điều hơn thế nữa. Chúng ta từ chối đối mặt với nỗi sợ.
Khi tự ti và cảm thấy bản thân thấp kém, chúng ta sẽ cho rằng mình không đủ quan trọng hoặc xứng đáng. Và bởi vì chúng ta nhận được lời từ chối với tư cách cá nhân, nên nó giống như một cuộc tấn công vào thể chất và tình cảm của chúng ta. Trải nghiệm đó đưa chúng ta trở lại thời điểm khi lần đầu tiên biết đến cảm giác bị từ chối. Bị từ chối là một trải nghiệm và chúng ta luôn phải sống trong nỗi đau đó. Nó trở thành một phần của chúng ta. Và đây là lúc tổn thương thực sự bắt đầu. Để bảo vệ bản thân khỏi bị từ chối, chúng ta tự nhốt mình vào bên trong và vứt bỏ chìa khóa. Không ai có thể tiến vào và chúng ta cũng không thể thoát ra.
Chúng ta càng ẩn mình, cảm giác cô đơn càng nặng nề. Theo thời gian, khi chúng ta nhìn những người khác tiếp tục cuộc sống của họ, chúng ta nhận ra cuộc sống tự cô lập mà chúng ta đã chọn đau khổ nhường nào. Chỉ vì luôn sợ hãi và bảo vệ bản thân trước bất kì rủi ro nào, chúng ta chẳng nhận được gì từ cuộc sống này.
Vậy thì để xử lí và vượt qua sự bị từ chối, chúng ta có thể đẩy mình vượt lên khỏi nỗi sợ đó, chấp nhận rủi ro và mạnh dạn làm điều gì đó ngay cả khi chúng ta sợ rằng mình sẽ thất bại. Bằng cách chấp nhận rủi ro, bạn đang có được một bài học quan trọng: Học cách chấp nhận rằng không phải mọi thứ trong cuộc sống lúc nào cũng suôn sẻ. Và, chúng ta xứng đáng có được nhiều hơn thế.
THAY ĐỔI TƯ DUY ĐỂ GIẢI PHÓNG BẢN THÂN KHỎI NỖI SỢ BỊ TỪ CHỐI
Muốn giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ bị chối, chúng ta cần thay đổi những thói quen suy nghĩ đã ăn sâu bén rễ trong bạn. Thực ra thì, không có công thức đặc biệt nào cả. Mỗi thay đổi, mỗi bước chuyển cũng giống như bạn đi bộ từ điểm A đến điểm B. Nhưng khi bị từ chối, chúng ta dường như rất khó làm theo lẽ thường. Chúng ta đang giải quyết một vấn đề đã chi phối và kiểm soát bạn kể từ khi bạn khi bạn còn nhỏ.
Dường như, ai cũng phải đối mặt với nỗi sợ bị từ chối theo nhiều cách. Có thể bạn không gặp vấn đề bị từ chối ở cơ quan, nhưng bạn lại bị từ chối trong một mối quan hệ nào đó. Bạn cảm thấy sụp đổ và rối bời, bạn cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Nỗi đau chí mạng mà bạn đã gặp phải trong giai đoạn trưởng thành chính là tổn thương ngủ vùi từ thơ ấu đang được kích hoạt.
Chiến lược 1: Kế hoạch hành động khi bị từ chối
Nỗi sợ bị từ chối là không có thật. Điều này nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi tin là như vậy. Hãy tưởng tượng bạn tham gia một buổi phỏng vấn xin việc, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Sau đó vài ngày, họ gọi cho bạn và thông báo rằng bạn không được chọn, vì bạn không có kĩ năng phù hợp với vị trí họ đang tuyển dụng.
Bây giờ bạn có hai lựa chọn: Một là bạn có thể chấp nhận những gì họ đã nói với bạn như những phản hồi tích cực. Hai là bạn có thể ra ngoài và tham gia lớp đào tạo cho bộ kĩ năng mà bạn đang thiếu. Đây là bạn đang hành động tích cực. Một lựa chọn khác là bạn có thể vứt bỏ bản sơ yếu lí lịch và từ bỏ tìm một công việc mới, quay lại tiếp tục công việc cũ vì đấy là điều duy nhất bạn giỏi.
Hành động mới có thể giúp bạn thay đổi cục diện. Khi đã tập trung vào những việc mình cần làm, thì bạn không còn biết nỗi sợ là gì nữa.
Chiến lược 2: Đừ ng tự tạo ra nỗi sợ sự từ chối
Chúng ta có quyền lựa chọn cách chúng ta phản ứng với sự từ chối. Bạn sẽ chọn làm điều gì đó tiêu cực hay tích cực với nó. Có mười người nói “không” với bạn ư? Người thứ mười một nhất định sẽ nói “có”. Mười người đòi chia tay bạn ư? Người thứ mười một sẽ nhận ra những điều tốt đẹp ở bạn và nắm tay bạn đi đến cuối con đường.
Đây là vài ví dụ:
• Bạn không phải là mẫu người của cô ấy. Vậy thì, hãy đi tìm một người muốn đồng hành cùng bạn;
• Bạn mặc cả và nhân viên bán hàng nói “không”. Được rồi, họ không giảm giá những sản phẩm đó. Kệ nó đi;
• Sách của bạn bị từ chối vì nhà xuất bản nói rằng đó là thứ tồi tệ nhất mà anh ấy từng đọc. Nhưng đừng quên rằng ai đó đã từng nói điều tương tự với Stephen King2;
• Bạn đi dự tiệc và hầu hết các vị khách đều phớt lờ bạn. Có lẽ họ đang chú tâm vào điều khác không phải bạn. Thế thì hãy chủ động nói chuyện họ hoặc đi đến một nơi khác.
Bạn có thể thay đổi kết quả của những lời từ chối, thay vì để chúng đánh bại bạn. Khi mọi chuyện không diễn ra như bạn mong đợi, hãy làm điều gì đó khác để cải biến tình hình theo hướng tích cực hơn. Như tôi đã nói, hành động hay từ bỏ là lựa chọn của bạn, tương lai của bạn phụ thuộc vào những quyết định của bạn trong quá khứ.
2 Stephen King (sinh năm 1947): Nhà văn người Mĩ. Ông nổi tiếng với những tiểu thuyết kinh dị giả tưởng. Với lối viết đa dạng, nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim. Stephen King được coi là người đi tiên phong trong việc xuất bản “sách điện tử”.
Chiến lược 3: Tách mình khỏi kết quả
Càng nghĩ đến kết quả, bạn càng bị phụ thuộc vào nó. Nếu bạn tin rằng bạn sẽ đạt được những điều mình mong muốn, bạn chắc chắn phăm phăm tiến về phía trước. Nếu ngay từ đầu bạn nghĩ mình bị từ chối, bạn sẽ có xu hướng trì hoãn những việc phải làm. Những người nhạy cảm khi bị chỉ trích, phớt lờ hoặc lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình, thường bám riết vào ý kiến của người khác như thể họ là tất cả những gì chúng ta có. Bạn có cảm thấy chán nản với sự từ chối ngay từ đầu không? Dù kết quả là tốt hay xấu, điều gì phải đến sẽ đến, hãy đón nhận nó dù có ra sao.
Sợ hãi về một điều chưa xảy ra chỉ ngăn bạn đến với sự thay đổi và tiến bộ, nên hãy tách mình khỏi kết quả và làm việc mình cần làm.
Chiến lược 4: Kiểm soát cảm xúc của bản thân
Điều gì sẽ xảy ra khi cảm xúc của bạn bị chi phối bởi cảm xúc của người khác? Khi họ tức giận, bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Nếu họ vui vẻ hoặc có tâm trạng tốt, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Bằng cách tìm kiếm sự đồng tình trong các mối quan hệ của chúng ta ở nhà hoặc tại nơi làm việc, chúng ta sẽ mãi phải chấp nhận sự chi phối của người khác.
Một cố vấn của tôi đã từng cho tôi một lời khuyên rất hữu ích. Anh ấy nói rằng, “Khi những người khác kiểm soát cách bạn phản ứng, tức là họ đã nắm bắt được bạn, có khả năng thao túng bạn. Ý tôi là, làm sao bạn có thể hạnh phúc hoặc cảm thấy sự chân thật khi cảm xúc của bạn phụ thuộc vào người khác chứ? Khi bạn sợ ai đó sẽ không chấp nhận mình, bạn sẽ tiếp tục cố gắng lấy lòng họ để đạt được sự chấp nhận của họ. Ngay cả khi bạn có được sự chấp nhận ấy, bạn vẫn chưa thực sự đạt được gì cho đến khi bạn chấp nhận chính bản thân mình.”
Sân chơi cảm xúc của bạn là khu vực bạn kiểm soát. Những người khác có thể đến chơi, nhưng xét cho cùng sân chơi này vẫn thuộc về bạn. Bằng cách tập trung vào “sân sau cảm xúc” của riêng mình, bạn có thể nắm bắt được những cảm xúc mà bạn thường xuyên mất kiểm soát. Chẳng hạn, vài đứa trẻ bước vào sân chơi của bạn và chúng có tâm trạng không tốt. Chúng cố gắng phá rối mọi thứ bằng cách giành quyền kiểm soát, khiến những đứa trẻ khác sợ hãi hoặc trở nên khó hòa đồng. Nếu cung cấp cho chúng những gì chúng muốn và chúng sẽ tiếp tục lặp lại hành vi này. Thay vào đó, hãy vẽ đường ranh giới của bạn và cho chúng biết chúng có thể ở lại miễn là chúng cư xử đàng hoàng đúng mực.
Đây là cách chúng ta có thể theo dõi và duy trì cảm xúc của mình trong hầu hết mọi tình huống. Khi chúng ta sợ bị từ chối, che giấu sự xấu hổ hoặc cố gắng trốn tránh, chúng ta không tập trung vào “sân sau” của mình thì người khác sẽ chơi trên sân của chúng ta.
Cần phải luyện tập và tập trung nhận ra cảm xúc của bản thân. Khi bạn cảm thấy người khác đang tiếp tục chơi trên sân của bạn, đó là dấu hiệu cảnh báo rằng nỗi sợ hãi của bạn đang được kích hoạt. Bạn có thể ngăn điều này vượt ngoài tầm kiểm soát. Đầu tiên, hãy nói không với tình trạng mất kiểm soát. Bạn chẳng có gì để mất cả.
Tôi thiết lập một chiến thuật cho việc này. Khi ở trong một tình huống mà tôi cảm thấy sợ hãi, chẳng hạn như khi tôi phải nói trước công chúng, tôi tự nói với bản thân: “Không, mình sẽ không để điều này xảy ra.” Tôi cho phép bản thân có toàn quyền kiểm soát những gì tôi cảm thấy và cách tôi thể hiện. Phản ứng với nỗi sợ hãi và chạy trốn sẽ chỉ tiếp tục vòng lặp luẩn quẩn không thể giúp bạn tiến đến điều mình muốn.
Chiến lược 5: Chấp nhận bản thân trước khi chờ đợi người khác chấp nhận bạn
Hãy nhớ là bạn không cần sự cho phép từ người khác để cảm thấy hài lòng về bản thân. Trải nghiệm của bạn về nhu cầu được chấp nhận, đấu tranh với lòng tự trọng và chống lại sự khiếm khuyết có thể là, “Tôi không ổn trừ khi ai đó nói với tôi, tôi ổn.” Điều đó không đúng, bạn cần chấp nhận mình trước khi người khác chấp nhận bạn, bạn phải chấp nhận cảm giác không ổn của mình trước tiên. Đấy là bước đầu tiên để bạn có thể thực hiện những bước tiếp theo nhằm thoát khỏi nỗi sợ hãi và trạng thái bất ổn của mình. Hãy cố gắng giao tiếp với đứa trẻ trong mình. Có thể bạn sẽ cảm thấy rất đau đớn, nhưng việc này có thể giúp bạn giải thoát, và khi bạn thực hành điều này một cách nhất quán, nó sẽ trở thành một thói quen giúp chữa lành và biến đổi nỗi đau của bạn.
Chiến lược 6: Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát
Trước một vấn đề, mọi người có thể bày tỏ quan điểm và thái độ của mình, bạn có thể đồng tình hoặc không, vì đấy là suy nghĩ và nhận định của mỗi người. Song nếu bạn phản ứng tiêu cực với hành động và thái độ của người khác, việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bạn. Bạn có thể kiểm soát cách bạn suy nghĩ, nhưng bạn không thể kiếm soát cách người khác nghĩ và hành động. Cho nên, hãy tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát, đấy là suy nghĩ và hành động của bản thân.
Như tôi đã nói, khi chúng ta cảm thấy bị từ chối, trong hầu hết các trường hợp, đấy là chúng ta đang từ chối chính mình. Chúng ta có thể chấm dứt điều này bằng cách đặt sự tự tin vào các cử động của cơ thể. Trong Chương 11, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về sức mạnh của việc kiểm soát cơ thể và cách sử dụng ánh mắt và tư thế để kích hoạt cảm xúc và suy nghĩ của bạn theo cử động của cơ thể.
Khi người khác đối xử tệ với bạn hoặc bạn đang cố gắng quá sức để làm hài lòng người khác, bạn sẽ phản ứng với tâm trạng của họ. Như thế, bạn đang trao cho họ quyền kiểm soát bạn. Cuối cùng, bạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi họ làm bạn tổn thương, theo bất cứ cách nào.
Hãy chú ý khi bạn bị chuyển sang chế độ phản ứng. Bạn sẽ biết vì bạn sẽ cảm thấy như thể bạn đang chờ búa đập. Nó tạo ra sự lo lắng và kích hoạt trạng thái chạy trốn của bạn.
Hãy “giám sát” suy nghĩ của bạn. Khi suy nghĩ tiêu cực bỏ qua và bắt đầu cuốn bạn vào vòng xoáy đi xuống đó, bạn có thể dừng lại và nói, “Không. Điều này không xảy ra bây giờ. Tôi sẽ không cho phép điều đó.” Tôi sử dụng chiến thuật này vài lần một ngày. Nó có hiệu quả vì nó hoạt động như một bộ ngắt kích hoạt.
Bạn có thể chấm dứt loại hành vi tiêu cực này chỉ khi bạn quan tâm đến những gì đang xảy ra bên trong mình.
Đừng để người khác xâm nhập vào đầu bạn. Hãy giữ mình ở vị trí trung tâm. Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn đã đi được bao xa, và mỗi ngày đều là ngày bạn bắt đầu lại cuộc sống của mình để trở nên tốt đẹp hơn. Sẽ không ai từ chối bạn trừ khi bạn cho phép họ làm như vậy. Bạn chính là người sẽ quyết định những gì bạn xứng đáng có, xứng đáng làm và sống trọn vẹn.