Thái độ của bạn giống như một hộp bút màu tô vẽ thế giới của bạn. Nếu bạn thường xuyên tô màu màu xám, bức tranh của bạn sẽ luôn ảm đạm. Hãy thử chọn một màu tươi sáng, thêm một chút hài hước vào, bức tranh của bạn sẽ bắt đầu sáng lên
- Allen Klien -
Nếu ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã được trao cho một bản thiết kế chi tiết, một lộ trình để tạo ra một cuộc sống đầy yêu thương, đầy hạnh phúc và được chấp nhận, có phải là rất tuyệt không? Một bản thiết kế phác thảo những nguyên tắc tốt nhất của cuộc sống để tạo ra một “bạn” tích cực, hoàn hảo, toàn vẹn. Tôi không biết bạn thế nào, nhưng tôi rất muốn sở hữu một thứ như vậy.
Tuy nhiên, cuộc sống đâu diễn ra theo cách đó. Đối với hầu hết mọi người, xây dựng một cái tôi tích cực cần rất nhiều nỗ lực. Thế giới là một nơi đầy biến động và cái tôi tích cực của chúng ta thường xuyên bị tấn công. Chúng ta cần cố gắng bảo vệ lãnh thổ của mình trước tất cả những điều tiêu cực ngoài kia.
Đây là một thử thách lớn. Trong cuốn sách này, chúng ta đã thảo luận về những cảm xúc tiêu cực tác động đến cái tôi tích cực của chúng ta như thế nào. Dù chúng ta lạc quan đến đâu, luôn có những thế lực muốn kéo chúng ta lại và tiếp tục tàn phá chúng ta.
BẢN THIẾT KẾ TẠO RA “BẠN-TÍCH CỰC”
Trước hết, hãy để tôi hỏi bạn những câu hỏi này. Hãy dành thời gian suy nghĩ về chúng nếu cần. Câu trả lời của bạn sẽ giúp làm rõ con đường tốt nhất để bạn xây dựng và tạo ra cái tôi tích cực của bạn.
Câu hỏi để suy nghĩ:
1. Bạn đang cảm thấy như thế nào về bản thân mình ngay lúc này?
2. Nếu ai đó hỏi bạn, “Bạn có thành công không?”, thì bạn muốn nói gì?
3. Nếu ai đó hỏi bạn, “Bạn có phải là người thất bại không?” thì bạn muốn nói gì?
4. Nếu ai đó yêu cầu bạn định nghĩa bản thân bằng hai mươi từ hoặc ít hơn, bạn sẽ trả lời như thế nào?
5. Sau khi đọc qua bốn tư duy tiêu cực, tư duy nào tác động đến bạn nhiều nhất? Điều này đã ảnh hưởng đến hình ảnh tích cực của bạn như thế nào?
6. Bạn đang đổ lỗi cho ai về những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống của bạn? Bạn đã sẵn sàng để buông bỏ chưa?
TỰ VỆ TRƯỚC NHỮNG KẺ PHÁ HOẠI SỰ TÍCH CỰC CỦA BẠN
Tạo ra một cái tôi tích cực cho bản thân là một điều rất tuyệt vời. Nhưng bạn có thể gặp những người gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn. Làm thế nào để bạn tự vệ trước những lời chỉ trích, công kích hoặc cố gắng ngáng chân bạn theo một cách nào đó?
Trước hết, nếu bạn gặp vấn đề về lòng tự trọng, hoặc quá nhạy cảm với những lời chỉ trích và từ chối, bạn ở gần những người đang tìm kiếm ai đó để xả trút những tổn thương của họ, thì sẽ rất dễ tạo ra những tình huống căng thẳng. Nếu cha mẹ của bạn khá nghiêm khắc, hoặc bạn đã phải chịu đựng nhiều năm bị người khác từ chối và phủ nhận, bạn rất có thể nhạy cảm với những người thích hủy hoại hình ảnh của người khác. Về cơ bản, họ tìm kiếm con mồi và tìm kiếm những điểm yếu của đối phương để tấn công.
Bạn có thể trải nghiệm điều này trong tình yêu, hôn nhân hoặc thông qua đồng nghiệp. Nếu bạn đang cố gắng xây dựng tính tích cực của mình, thì sự căng thẳng này sẽ làm suy yếu sức khỏe tinh thần của bạn. Nếu bạn thấy mình đang ở cạnh một kẻ chuyên hủy hoại hình ảnh, bạn cần có cách đối phó với người đó.
Dưới đây là các chiến lược để bạn có thể yêu thương và chấp nhận bản thân, trở nên vững mạnh và tích cực hơn.
Chiến lược 1: Xác định kẻ chuyên phá hủy hình ảnh của người khác
Bước đầu tiên để xác định và gán nhãn kẻ hủy diệt hình ảnh của người khác là quan sát những người xung quanh. Họ có thể tỏ ra hung hăng thái quá hoặc họ có xu hướng gây hấn thụ động. Một phút trước họ còn đối xử tử tế với bạn nhưng ngay sau đó họ có thể chĩa mũi dùi vào bạn. Khi bạn gặp những người này, hãy nói năng hết sức cẩn thận. Cố gắng đi vòng ra sau người khổng lồ đang say ngủ, đừng đánh thức họ dậy. Bạn không muốn gây rắc rối nên bạn phải chơi an toàn, hi vọng rằng họ không phát hiện ra bạn nhạy cảm nhường nào.
Chiến lược 2: Nhận định những vấn đề không phải do bạn gây ra
Điểm mấu chốt ở đây là hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Khi bạn gặp phải những người chê bai, cáu giận hoặc thích hoạnh họe, vấn đề chưa chắc đã liên quan đến bạn. Có thể bạn chỉ là cái cớ để họ trút bỏ những vướng bận trong lòng. Hãy nhớ rằng: Họ mạnh mẽ ra sao, họ ảnh hưởng đến bạn nhường nào là quyền của bạn.
Tôi đã gặp một số người từng là kẻ phá hủy hình ảnh của người khác. Họ tìm kiếm cơ hội để tấn công, chỉ trích hoặc làm ai đó xấu hổ. Chuyện này không phải là một hành động đẹp, nhưng những người này có tồn tại và chúng ta cần phải bảo vệ bản thân để họ không phá hủy sự tích cực của chúng ta. Điều quan trọng cần nhớ là không phải vấn đề nào cũng là do chúng ta, bởi chúng ta thiếu sót hay khiếm khuyết.
Hầu hết những người bạn sẽ làm việc hoặc tương tác có thể công bằng, đáng tôn trọng và chuyên nghiệp. Nhưng những kẻ hủy diệt hình ảnh thì khác. Họ có xu hướng đưa ra các quy tắc của riêng mình và mong đợi bạn làm theo. Đôi khi có thể là người quản lí, anh bạn hàng xóm của bạn, thậm chí là một người nào đó trong chính gia đình bạn.
Karen kể câu chuyện của cô:
Tôi kết hôn được vài năm và mọi thứ lúc đó thật tuyệt vời. Rồi một ngày dường như mọi thứ đều thay đổi. Chồng tôi dần dần biến thành kẻ bạo hành tinh thần và theo thời gian, nó leo thang đến mức tôi gần như phát điên. Tôi nghĩ tất cả là do tôi và nếu tôi thay đổi, mọi thứ sẽ trở lại bình thường, như xưa. Nhưng tôi càng cố gắng, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ. Anh ta tranh thủ bất cứ cơ hội nào để hạ thấp tôi hoặc coi thường tôi, thường là trước mặt bạn bè hoặc trong một bữa tiệc. Cho đến khi chúng tôi chia tay, hình ảnh cá nhân của tôi đã hoàn toàn bị phá hủy.
Lí do cốt lõi khiến chúng ta gặp rắc rối với việc duy trì hình ảnh bản thân là vì chúng ta đang đối mặt với quá nhiều cảm xúc tiêu cực mâu thuẫn. Chúng ta muốn trở nên tích cực hơn nhưng lại bị cản trở bởi những suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta muốn trở nên quyết đoán và chủ động nhưng chúng ta sợ phải đối mặt với việc tự phê bình. Chúng ta mong muốn kết nối, tương tác và gần gũi hơn với những người khác, nhưng thay vào đó, chúng ta lại tự cô lập mình.
Hãy dành một phút để nghĩ về hình ảnh của bạn. Khi bạn thực sự kết nối với những phần sâu thẳm trong mình, bạn cảm thấy thế nào về con người bạn? Bạn yếu đuối hay mạnh mẽ? Bạn có ý nghĩ tiêu cực hay tích cực về bản thân?
Khi nhìn lại tất cả những điều tích cực và cả tiêu cực về mình trong những năm qua, bạn có ngạc nhiên khi thấy bản thân rất yếu ớt không? Bạn phải biết chính xác vị trí của mình ở đâu, thì bạn mới có thể bắt đầu thay đổi. Bạn phải thấy hình ảnh thật của mình, và sau đó tưởng tưởng ra người bạn muốn trở thành.
Nhiều người trở nên bế tắc bởi vì họ đang ở giai đoạn một, và họ chỉ coi “mình” của hiện tại là chính con người thật của họ. Tệ hơn nữa, họ bị cuốn vào việc nhớ lại những sự kiện quá khứ, nuôi những hình ảnh tiêu cực vào trong tiềm thức của họ mỗi ngày.
Hãy suy nghĩ về điều này: Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu lắng nghe một giọng nói bên trong tâm trí mình (không phải của chính bạn) đang gửi cho bạn một thông điệp giống như sau:
Bạn không là gì cả. Bạn sẽ mãi không là gì cả. Mọi người đều giỏi hơn bạn. Cho dù bạn làm gì, bạn cũng sẽ thất bại. Bạn xấu xí và bạn không có tiềm năng thực sự cho bất cứ điều gì. Hãy từ bỏ trước khi bạn tự biến mình thành kẻ ngốc.
Bạn có thể nghĩ rằng đây là một ví dụ phóng đại quá mức, nhưng nhiều người, kể khi họ không biết về nó, vẫn bị khống chế bởi một giọng nói trong đầu – giọng nói đang điều khiển mọi chuyện. Phần lớn thời gian, chúng ta thậm chí không biết nó ở đó vì nó rất nhẹ nhàng khéo léo, giống như một con sư tử ẩn nấp chờ đợi trong đám cỏ cao. Đấy là tiếng nói của đứa trẻ đầy tổn thương trong bạn, không bao giờ được chơi với những đứa trẻ khác. Đứa trẻ bị chỉ trích, bị sỉ nhục, bị bỏ rơi và phải học cách sợ hãi thế giới.
Bạn chẳng thể theo đuổi cuộc sống mà bạn mơ ước và xây dựng hiện thực mà bạn muốn, bởi ai đó đã quyết định từ lâu rằng bạn không xứng đáng có được nó. Đấy là tiếng nói của sự nguyền rủa đã và đang kiểm soát các quyết định của bạn, đưa ra các lựa chọn và chi phối hành vi của bạn. Đấy là “con quái vật không bao giờ ngủ yên” trong tâm trí bạn. Không đơn giản chỉ là một giọng nói tiêu cực trong đầu, nhiều người đã bị lừa dối rằng hình ảnh đó là con người của họ: vô giá trị, vô dụng, chẳng là gì ngoài một kẻ thất bại.
Trước đó, tôi đã kể cho bạn nghe về cha tôi, một doanh nhân thành đạt, người không bao giờ tin rằng mình đủ tốt để đứng bên cạnh “những con người thật giỏi”. Những suy nghĩ, những quan niệm tiêu cực này, đã được nuôi dưỡng trong ông qua suốt nhiều năm.
Khi bạn bị đối xử như thể bạn không là gì, bị những người bạn tin tưởng nhất nói dối về giá trị của bạn, theo thời gian, điều đó sẽ trở thành danh tính của bạn. Bạn tiếp thu điều này như một thực tế duy nhất mà bạn biết, bất kể nó có đúng hay không.
Nhưng bạn cũng biết rằng họ đã nhầm, đúng chứ. Mức độ thành công của bạn và cách bạn cảm nhận về bản thân không liên quan đến những gì người khác nói hoặc làm. Những người có lòng tự trọng và sự tự tin cao sẽ nói với bạn rằng: “Những lời nói xấu đến với tôi như nước đổ lá khoai vậy.” Là một người trưởng thành, bạn có thể chấp nhận điều đó ngay bây giờ, nhưng còn một đứa trẻ thì chưa đủ để nhận thức điều này.
Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta chưa tự định hình hình ảnh về con người mà chúng ta nên trở thành. Vào thời điểm đó trong cuộc đời, chúng ta không có đủ kinh nghiệm hay sự trưởng thành để đúc nên số phận của chính mình. Vì vậy, chúng ta làm điều duy nhất mà chúng ta biết: Tin tưởng rằng những người đang chăm sóc chúng ta sẽ lấp đầy những khoảng trống, dạy chúng ta về cuộc sống và ca ngợi chúng ta cho dù ta thắng hay thua. Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra theo cách này.
Tại sao tôi nói với bạn điều này? Tôi muốn bạn có thể học cách hiểu và chấp nhận những điều đã xảy ra, chúng không thể tái hồi. Nhưng chúng ta có thể cải thiện cuộc sống của mình cho tương lai ngay từ bây giờ. Nếu bạn không đứng lên và tiến về phía trước, bạn chẳng thể thay đổi được điều gì.
Chính sự ràng buộc với nỗi đau quá khứ đang khiến bạn bị mắc kẹt. Như ai đó đã từng nói với tôi: “Bạn có thể nhớ về những điều tồi tệ đã xảy ra, nhưng hãy nhớ rằng, những điều tốt đẹp cũng luôn hiện diện ở đó, trong cuộc sống của bạn. Hãy nắm lấy những điều tốt đẹp và tiến về phía trước. Khi bạn nghĩ mình là ‘con thú bị thương’, thì rất tự nhiên, bạn sẽ trở thành con thú đầy tổn thương. Khi ấy, nỗi đau của bạn sẽ định hình tương lai của bạn, một tương lai đầy đau đớn.” Hẳn bạn sẽ không muốn thế đâu.
Hình ảnh của bạn, cái tôi của bạn đang cần được thay đổi, và bạn có thể bắt tay vào thực hiện nó ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn có thể quyết định xem bạn muốn nghe theo những giọng nói tiêu cực đó hay tắt chúng đi. Bạn có thể vô hiệu hóa quyền lực của chúng, bạn có thể phát huy sức mạnh của chính mình.
Chiến lược 3: “Không phải bây giờ”
Bất cứ khi nào tâm trí tôi bắt đầu lấp đầy với những suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi – suy nghĩ kích khởi những giọng nói tiêu cực tiêm nhiễm kia, tôi sẽ nói: “Không phải bây giờ” và tắt chúng đi.
Bằng cách chèn câu nói này vào, tôi đã làm gián đoạn dòng chảy của sự tiêu cực. Khi ấy, tôi nhận thức được điều gì đang xảy ra, thay vì chỉ để nó xảy ra. Tôi có thể tự do lựa chọn những suy nghĩ mình muốn và tạo ra ngôn ngữ giao tiếp với tâm trí của mình.
Chiến lược 4: Năm phút trước gương
Trước khi tôi tiếp tục, tôi muốn bạn dành một chút thời gian. Đây là một bài tập ngắn, không dễ chịu cho lắm. Nhưng để đến được nơi bạn muốn, bạn phải sẵn sàng chấp nhận sự khó chịu này. Lí do bạn không thích nó là vì bạn có thể đã từng trốn tránh nó.
Thuật soi gương này đã tôi học trong nhiều năm. Trong năm phút, bạn sẽ trò chuyện với chính “hình ảnh phản chiếu” của mình. Trong cuộc trò chuyện này, bạn sẽ nói về:
• Bạn biết ơn điều gì trong cuộc sống? Bạn biết ơn ai? Bạn có một công việc bạn yêu thích? Bạn có sống trong một ngôi nhà đẹp không?
• Những đặc điểm bạn thích ở bản thân là gì? Bạn có trung thực không? Bạn có chính trực không? Bạn giỏi trong lĩnh vực nào?
• Bạn đang trốn tránh điều gì? Tại sao? Bạn sợ điều gì về bản thân? Về những người khác?
Thảo luận điều này ngay bây giờ với hình ảnh phản chiếu của bạn. Tại sao lại là một chiếc gương? Vì, ít người trong chúng ta cảm thấy thoải mái khi nhìn vào gương và nói chuyện với chính mình.
Ví dụ nhé, đây là điều tôi không thích ở bản thân: Tôi sẽ trốn tránh thực tế. Tôi đã tránh những thứ mà tôi không muốn chịu trách nhiệm. Tôi rất khó thay đổi thói quen này. Nhưng tôi có thể thay đổi nó bằng cách nhận ra nó.
Hãy dành ra năm phút cho chính mình. Bạn thậm chí có thể ghi hình và xem lại sau. Đây là một việc thực sự tạo ra sự thay đổi. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn đã mất nhiều năm để tự dạy bản thân cảm thấy tồi tệ về con người của mình, bạn đã chăm chỉ để xây dựng hình ảnh tiêu cực về bản thân. Cho nên, bạn cũng cần có thời gian để chữa lành tâm trí và trái tim của bạn, để từ đó xây dựng một cái tôi vững mạnh, trưởng thành và lạc quan.
Chiến lược 5: Củng cố sức mạnh cho bản thân
Như tôi đã nói, bạn cần có thời gian để xây dựng hình ảnh mạnh mẽ và tự tin về bản thân. Khi bạn bắt đầu thực hiện những thay đổi trong trạng thái cảm xúc và tinh thần của mình, bạn nhận thấy rằng mình đang chống lại những tiếng nói nội tâm tiêu cực đang ngày ngày dày vò bạn. Chúng là những ấn tượng về giọng nói và ý kiến trong quá khứ mà tâm trí bạn đã ghi lại. Tất nhiên, chúng làm bạn tổn thương không ít, nhưng bạn có thể kiểm soát những giọng nói này, khiến chúng im lặng. Rốt cuộc thì, bạn có quyền kiểm soát hoàn toàn tâm trí của chính mình.
Học cách kiểm soát tâm trí của mình, quản lí cảm xúc của mình, làm chủ cách bạn sống và kiên trì theo đuổi những lí tưởng của bản thân, sẽ giúp bạn củng cố sức mạnh của bản thân, và ngày càng tin tưởng vào chính mình.
Chiến lược 6: Đặt ranh giới với những điều tiêu cực
Chúng ta dễ dàng phán xét người khác vì họ không thể chống trả. Nhưng bạn đã từng xem xét cách thế giới nhìn nhận bạn chưa? Tiến thêm một bước nữa, bạn hình dung về mình như thế nào? Bạn có phải là người có ảnh hưởng tích cực không?
Trong nhiều năm, tôi từng là người không có ảnh hưởng tích cực. Tôi có một thói quen xấu là nhìn thấy điều tồi tệ nhất ở người khác và lấy đó làm tiêu chuẩn để tổng kết tính cách của họ. Nhưng nhìn thấy tác hại của nó đối với tình trạng nội tâm của tôi, tôi đã đưa ra quyết định kiên quyết không trở thành loại người đó.
Chúng ta nên đặt ra ranh giới trong chính mình. Bạn có thể dựa vào ranh giới đó để kiểm soát bản thân khi bạn bắt đầu chỉ trích những sai lầm của mình, hoặc khi bạn không đạt được mục tiêu hay kì vọng cá nhân. Bạn có thể giới hạn lại bản thân khi đã đi quá xa trong việc hạ thấp bản thân và so sánh mình với người khác.
Tự thiết đặt giới hạn cho bản thân là một chuyện, quan trọng là bạn phải đủ quyết tâm để thực hiện những giới luật bạn đặt ra cho chính mình. Hãy vạch rõ ranh giới với các khuôn mẫu thất bại, tiêu cực của bạn và nỗ lực thực hiện nó. Bạn có thể ý thức được điều gì là nên hay không nên. Bạn không cần phải đợi sự cho phép từ ai cả. Cuộc đời này là của bạn, quyết định cũng là của bạn, hãy sống sao cho thật đích đáng.