Chúng ta sinh ra để làm những hành động tử tế, bày tỏ lòng biết ơn, lan tỏa sự tích cực đến mọi người. Dường như chìa khóa của cuộc sống hạnh phúc chính là một cuộc sống tốt đẹp với những mối quan hệ bền vững, công việc đầy thử thách và kết nối với cộng đồng
- Paul Bloom -
Cuốn sách này có một trọng tâm duy nhất là cung cấp cho bạn một con đường tốt hơn để tự yêu bản thân. Vâng, yêu bản thân. Hành trình yêu thương bản thân cần một sự cân bằng giữa những việc bạn làm cho bản thân và những gì được mong đợi ở bạn. Điều quan trọng không phải là thế giới mong đợi gì ở bạn mà là bạn mong đợi gì ở chính mình.
Chỉ có bạn mới có thể làm cho mình hạnh phúc. Tôi biết điều này nghe có vẻ như một lẽ thường thức chủ quan hay một lời khuyên cũ kĩ, nhưng hẳn là bạn không ít lần mong cầu tình yêu từ người khác, rồi cuối cùng nhận lại là thất vọng và đau thương. Chẳng ai có thể cung cấp cho bạn cảm giác yêu thương 24/7 đâu. Chẳng ai truyền cho bạn hạnh phúc, bởi xét cho cùng, hạnh phúc là một cảm giác, một cảm nhận cá nhân.
Bạn là thợ làm vườn cho tâm trí, thân thể và tinh thần của bạn. Vì vậy, hãy sống và làm những điều tốt đẹp cho bản thân, trân trọng cuộc sống của bạn như thể nó là một sự sáng tạo tuyệt vời. Làm điều này và bạn sẽ luôn tràn đầy năng lượng và biết cách tự yêu bản thân.
Xuyên suốt cuốn sách này, chúng ta đã xem xét những suy nghĩ tiêu cực phá hủy lòng tự trọng, làm tổn hại đến sự tự tin và khiến chúng ta bị mắc kẹt trong vực thẳm nội tâm. Đấy là những chướng ngại ngăn cản chúng ta trở thành những gì chúng ta hằng mong muốn. Ai cũng có những điều tiêu cực, những khoảng tối trong mình, nhưng đấy không phải là tất cả con người chúng ta. Loại bỏ những khuôn mẫu thất bại, và chúng ta sẽ vươn lên trở thành kẻ bất bại.
TỰ YÊU THƯƠNG BẢN THÂN
Khi bạn nghe những từ “tự yêu thương bản thân”, bạn nghĩ về điều gì? Tôi đã từng ghét những từ này vì tôi không yêu bản thân mình cho lắm, và chắc chắn tôi sẽ không nói với mọi người về điều đó nếu tôi ghét nó. Nhưng đấy là con đường giúp bạn có một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Chà, bạn có thể đã biết thế nào là không yêu bản thân. Hẳn bạn cũng có nhiều điều không thích về bản thân. Có lẽ bạn đã chán ghét bản thân mình đến mức gần như tự ruồng bỏ chính mình. Sự chán ghét bản thân rất mạnh mẽ, tự yêu bản thân cũng giống như vậy, cũng rất mãnh liệt.
Yêu hay ghét như hai mặt của một đồng xu, có ghét cũng sẽ có yêu, chỉ là chúng ta đã vùi lấp nó suốt bao năm qua. Tại sao lại như thế? Chúng ta dễ bị tổn thương, dễ xấu hổ, dễ sợ hãi. Chúng ta ẩn mình để bảo vệ bản thân trước những nỗi đau. Nhưng trong lúc bảo vệ mình, chúng ta cũng quên mất cách thể hiện bản năng yêu thương chính mình.
Yêu bản thân rốt cục là gì?
Nhiều người không bao giờ làm điều đó. Họ được dạy rằng thành công là đạt được điểm cao, nhiều thành tích, là kiếm được một công việc ổn định và sau đó tìm một người bạn đời. Họ lấy những thành tựu đó che lấp đi mục đích sống thực sự của mình. Tôi đã làm tất cả những điều này và tôi có thể tự tin nói với bạn rằng, những thành tựu ấy có thể làm tăng lòng tự trọng của tôi, nhưng nó không tập trung nhiều vào việc thể hiện bản thân. Khi nói đến thành tích của tôi, chúng không khiến tôi hài lòng quá lâu. Chẳng mấy chốc tôi sẽ tìm kiếm điều mới.
Các mối quan hệ cho tôi cảm giác về tình yêu lẽ ra phải khiến tôi thích thú, nhưng cuối cùng tôi vẫn cảm thấy thất vọng khi không thể thỏa mãn những kì vọng đỏng đảnh của tôi. Người hôm nay làm tôi vui, ngày mai cũng có thể làm tôi buồn, không phải vì hôm nay gắn bó, mà ngày mai không phải chia xa. Chuyện này có thể làm tôi đau đớn.
Tôi nhận ra một điều là, để có thể cân bằng cuộc sống và xây dựng mối quan hệ lành mạnh với những người xung quanh, trước tiên tôi cần phát triển mối quan hệ tốt đẹp với chính mình.
TÌNH YÊU VÔ TƯ
Khi tôi bị từ chối hoặc được nói, “Xin lỗi, việc này sẽ không đi đến đâu cả”, tôi đã tin rằng tôi không đáng được yêu thương. Nhưng hóa ra, sự thừa nhận bên ngoài không phải là công thức cho hạnh phúc.
Trong nhiều năm, tôi đã gặp nhiều người thú nhận rằng họ không thể cảm nhận được chút tình yêu nào đối với bản thân. Khi tôi hỏi tại sao, họ nói rằng: “Chưa từng có ai khiến tôi cảm thấy mình đáng được yêu. Nếu tôi không thể thỏa mãn những kì vọng của họ, thì hóa ra tôi cũng chẳng đáng yêu chút nào.”
Ồ, tình yêu phải đi kèm với điều kiện ư? Không tôi nghĩ là, tình yêu phải thật vô tư, nếu không thể vô tư, thì có lẽ không còn là tình yêu nữa. Lần đầu tiên chúng ta học được tình yêu vô tư là từ cha mẹ mình. Nếu chúng ta không có được tình yêu vô tư đấy từ cha mẹ, khi lớn lên phần lớn tình yêu sẽ đi kèm với điều kiện.
Chúng ta sống với niềm tin rằng mình có thể được yêu thương khi đạt đến một địa vị nhất định. Nếu được lớn lên trong một môi trường khuyến khích thành tích, chúng ta có thể tin rằng mình sẽ nhận được tình yêu thương vì đã làm tốt ở trường lớp hoặc trong thể thao.
“Nếu tôi đạt điểm cao nhất trong lớp, bố mẹ tôi sẽ rất vui.”
“Nếu tôi làm như lời vợ tôi nói, cô ấy sẽ thể hiện sự trân trọng dành cho tôi.”
“Nếu tôi có thể đáp ứng kì vọng của sếp, anh ấy sẽ tôn trọng tôi.”
Khi chúng ta thiếu kết nối với tình yêu vô tư, chúng ta dành cả đời để theo đuổi nó. Đấy là nhiệm vụ để chứng minh rằng chúng ta đáng được yêu. Nhưng khi nói đến tình yêu thương vô tư, ngoài cha mẹ của chúng ta, nguồn yêu thương lớn nhất đến từ bên trong bạn. Vâng, những gì bạn đang tìm kiếm là những gì bạn vốn đã có.
Nếu nghĩ rằng tìm thấy nửa kia của mình có thể giúp bạn khỏa lấp tất cả những yêu thương mà bạn cần, thì thực ra không phải như vậy. Tình yêu vô tư thuở ban đầu là khởi đầu cho một mối quan hệ, nhưng quan trọng là bạn có thể duy trì được sự vô tư ấy. Khi thấy được khuyết điểm của nhau, bạn có đủ bao dung, đủ rộng lòng đón nhận những khuyết thiếu đó. Nhiều mối quan hệ thất bại bởi vì khi họ tiến về thêm bước nữa, những thiếu sót này trở nên rõ ràng hơn và ảo tưởng tan vỡ. Cho nên, chúng ta phải sống thực tế.
Có phải đôi khi chúng ta luôn cố gắng làm hài lòng, chứng minh hoặc đáp ứng kì vọng của người khác dựa trên khả năng làm việc hoặc thành tích không?
Đây là những gì sẽ xảy ra trong trường hợp này: Chúng ta tập trung vào làm việc chứ không tập trung sống. Thay vì sống vô tư, xứng đáng được yêu thương, chúng ta lại dồn hết sức để được biết đến qua các thành tựu. Nhưng những thành tựu này chỉ là phù du. Ngay sau khi chúng ta đạt được một thành tựu, chúng ta sẽ bỏ đi và hướng đến thành tựu tiếp theo. Nó trở thành một vòng xoáy không bao giờ kết thúc mà không có bất kì kết quả vững chắc nào. Chúng ta chính là thành tựu chúng ta vừa đạt được.
Hầu hết mọi người đều đánh mất khái niệm về tình yêu vô tư vì họ tin rằng tình yêu xây dựng từ thành tựu vật chất.
Đây là những gì Marty nói về thời thơ ấu của mình:
Tôi được kì vọng sẽ học tốt ở trường. Khi tôi học giỏi, bố mẹ tôi đã mua cho tôi một chiếc máy tính. Nếu tôi hoàn thành xuất sắc bài tập, sẽ có một phần thưởng nào đó. Nhưng một lần, tôi bị ốm và không thể đến trường. Điểm số và năng lực của tôi đi xuống và tôi không nhận được bất kì phần thưởng nào. Nhiều năm về sau, tôi nhận ra rằng tình yêu mà tôi nhận được chỉ hiện diện khi tôi đạt được điều gì đó. Nó dựa trên những gì tôi đạt được chứ không phải tôi đang sống.
Hãy tưởng tượng hai cánh cửa:
Cánh cửa số 1: Tình yêu có điều kiện là tình yêu mà chúng ta nhận được khi làm hài lòng người khác. Khi hoàn thành kì vọng của họ, chúng ta cảm thấy như chúng ta đang làm những gì được mong đợi ở chúng ta. Tình yêu phải có lí do chính đáng.
Cánh cửa số 2: Tình yêu vô tư là tình yêu mà chúng ta nhận được khi chúng ta là chính mình. Không cần bất kì sự thừa nhận hoặc lí do chính đáng nào.
Tôi sẽ chọn cửa số hai. Tình yêu có điều kiện là dựa trên những gì bạn làm. Bạn phải chứng tỏ rằng bạn là người xứng đáng trước khi ai đó sẽ cho bạn sự công nhận bạn mong muốn. Nhưng tình yêu vô tư chính là sống, đây là những gì bạn có thể dành cho chính mình. Mọi người đang lầm tưởng rằng mình sẽ kiếm được tình yêu từ thế giới.
Chúng ta đã dành một phần lớn cuộc đời mình sống phụ thuộc vào người khác nhằm đáp ứng những nhu cầu của mình, nhất là với tình yêu thương. Tất nhiên, chúng ta có thể nhận được tình yêu từ bạn bè và gia đình của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là tự trọng, tự lực và tự tin.
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân là tự bao dung chính mình. Có thể bạn đã nghe nói về việc từ bi với người khác, bạn cũng sẽ nhận lại sự từ bi cho mình. Chà, hãy thử đảo ngược và thể hiện lòng từ bi với bản thân đi. Sau tất cả những gì bạn đã trải qua, bạn thấy mình xứng đáng với nó chứ?
Bạn không cần phải tìm kiếm sự từ bi. Nó vốn ở trong bạn. Hãy quyết định đối xử với bản thân bằng sự tôn trọng đi. Hãy biến nó trở thành lễ đặc xá hằng ngày. Bạn không cần sự cho phép của bất kì ai và nếu ai đó trong cuộc sống của bạn là kẻ cướp đi sự từ bi và ngăn cản bạn trải nghiệm hết tiềm năng của mình, thì đã đến lúc bạn phải nhìn lại mối quan hệ với kẻ đó.
Tôi có một phương châm mà phương châm này đã rất hiệu quả với tôi: Bất cứ điều gì hoặc bất kì ai trở thành lực lượng tiêu cực trong cuộc sống của tôi, nếu không thể giúp tôi phát triển, tôi sẽ tống khứ nó đi. Đấy là cách tôi trân trọng chính mình. Xét cho cùng thì, chúng ta chỉ có thể cảm thấy hài lòng về bản thân khi chúng ta học cách đối xử với bản thân như một người có giá trị.
TÌNH YÊU CHÂN THÀNH
Bạn nên chân thành với chính mình càng nhiều càng tốt. Hãy sống đúng với những gì bạn biết là đúng. Thừa nhận khi bạn đang cảm thấy sợ hãi và không chắc chắn. Hãy chấp nhận bản thân với mọi khuyết điểm bạn có và không phán xét bản thân hay người khác vì những khiếm khuyết đó. Ai rồi cũng sẽ mắc sai lầm và làm mọi thứ rối tung lên. Cuộc sống mà, quan trọng là bạn đối mặt với những thử thách đó như thế nào thôi, đúng không?
Hãy đồng cảm và cởi mở với những người đang cố gắng hết sức mình. Nhưng hãy lưu ý những người bạn gặp gỡ hằng ngày, khi nào có thể xích lại gần nhau, khi nào cần giữ khoảng cách. Nếu họ đang kéo bạn xuống cùng với các vấn đề của họ, nhưng họ dường như không muốn làm bất cứ điều gì để thay đổi cục diện đó, hãy cắt đứt mối quan hệ và bước ra khỏi họ. Sống thật với chính mình cũng chính là nhận thức được những người bạn không thể giúp đỡ ngay bây giờ. Họ chưa sẵn sàng để nhận sự giúp đỡ của bạn.
BÀY TỎ SỰ TỰ BAO DUNG
Như tôi đã đề cập trước đó, lòng bao dung là một động lực tích cực mà chúng ta cần. Nếu không có lòng trắc ẩn trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt hướng về bản thân mình, thì mọi chuyện giống như thể chúng ta đang cố chèo một chiếc thuyền bị thủng.
Sự bao dung là vũ khí chống lại bạo quyền, thù hận và ích kỉ. Khi chúng ta có thể bao dung và yêu thương chân thành, tư duy của bạn có thể thay đổi, từ sợ hãi sang tự tin trao cho ai đó những điều tốt đẹp. Tự bao dung là khả năng yêu thương bản thân, không phải theo cách tự si, mà từ sự quan tâm thực sự đến bản thân.
Tôi lấy ví dụ về một người luôn mắc kẹt trong những chứng tật phá hoại. Đấy là Bill, anh mắc kẹt trong cảm giác tiếc nuối về bản thân, anh tủi thân và cảm thấy rằng mình đóng góp rất ít cho xã hội. Nhưng Bill cũng có một ý chí thay đổi mạnh mẽ. Khi anh ta quyết định xoay chuyển tình thế, anh ấy đã bỏ hầu hết các thói xấu của mình, tự tha thứ cho mình và học cách đồng cảm với người khác, đồng thời giúp họ chữa lành những tổn thương. Bạn có thể tìm thấy lòng trắc ẩn ở mình bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình với người khác. Không có cách cống hiến nào tốt hơn là giúp một người khác vượt qua những trở ngại.
TỰ CHẤP NHẬN
TThật khó để nhiều người trong chúng ta thích bản thân như chính mình là, như chính chúng ta thực sự là, ngay lúc này, không có bất kì kết nối nào với quá khứ hay tương lai. Đây là điểm mà chúng ta luôn đấu tranh để cân bằng cuộc sống.
Hãy lấy quá khứ làm ví dụ. Tất cả chúng ta đều đã trải qua nhiều chuyện và đều mắc sai lầm. Chúng ta đã làm tổn thương người khác và chúng ta cũng bị tổn thương. Nhiều người vẫn giữ lấy sự hối tiếc và nỗi đau từ thời thơ ấu, và theo thời gian biến nó thành một dạng sự thực tiêu cực nặng hơn: trầm cảm, tức giận hoặc nổ cơn thịnh nộ. Điểm mấu chốt là, bản thân trong quá khứ của chúng ta đã không thể sửa chữa được, chỉ có thể chấp nhận và tha thứ.
KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG BẢN THÂN
Chiến lược 1: 20 phút thiền định
Tôi yêu thiền. Trước đây, tôi không thể ngồi thiền trong khoảng thời gian rất dài vì tôi không thể chịu đựng việc ở một mình với những suy nghĩ của chính tôi trong một vài phút. Nhưng dần dần, tôi đã học cách bình tĩnh lại. Bây giờ tôi có thể thiền từ 15 đến 20 phút mỗi ngày. Thiền đã được chứng minh là một bài tập thư giãn rất hiệu quả. Bạn có thể đã biết đôi chút về cách nó hoạt động, vì vậy tôi sẽ chỉ chạy sơ qua các bước của bài tập thiền.
1. Mở một bản nhạc thư giãn;
2. Bạn có thể ngồi trên ghế hoặc trong tư thế thư giãn;
3. Hít vào sâu và thở ra mạnh. Hít vào và thở ra trong 5 giây;
4. Tập trung vào suy nghĩ của bạn và cố gắng giữ chúng yên tĩnh. Bạn cũng có thể đưa ra những lời khẳng định tích cực trong tâm trí;
5. Hãy biến đây thành một thói quen đều đặn mà bạn có thể thực hiện một cách thường xuyên.
Chiến lược 2: Ghé thăm đứa trẻ “quá khứ” trong bạn
Hãy tưởng tượng rằng bạn có thể quay ngược thời gian để thăm chính mình khi bạn còn là một đứa trẻ. Chọn một kí ức đau buồn mà bạn đã trải qua. Tiếp cận phiên bản trẻ thơ của bạn và ôm lấy mình. Ôm đứa trẻ càng lâu càng tốt. Nói với đứa trẻ rằng bạn yêu nó.
Nếu bạn cho rằng bài tập này nghe có vẻ ngớ ngẩn và câu trả lời của bạn là “Tôi sẽ không làm vậy đâu”, thì cũng không sao cả, nhưng hãy thử nó một lần. Nó thực sự là một bài tập tuyệt vời và có hiệu quả nếu bạn tiếp tục thực hiện nó. Bạn sẽ kết nối với phần lớn nhất của con người bạn.
Chiến lược 3: Chăm sóc sức khỏe của bạn
Tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người tự hủy hoại bản thân mình. Ăn uống kém, hút thuốc, uống rượu quá mức hoặc làm việc quá sức. Chúng ta bắt mình trải qua rất nhiều nỗi đau, thế thì sao có thể là một người biết yêu thương bản thân. Đây là điểm mấu chốt của những tật xấu hoặc những hoạt động hủy hoại bản thân của chúng ta.
Khi chúng ta không chăm sóc cơ thể mình, về cơ bản chúng ta đang tự làm giảm tuổi thọ của mình. Ai cũng muốn mình có thể sống thật lâu, nhưng lại tự làm tổn hại chính thân thể mình. Khi ốm bệnh đau yếu, người ta thường muốn có nhiều thời gian hơn với con cái hoặc những người thân yêu. Hãy nghĩ về điều này: Nếu đây là ngày cuối cùng của bạn trên trái đất, bạn sẽ trải qua nó như thế nào?
Đừng kết thúc cuộc đời trong hối tiếc. Nếu bạn có một số thói quen cần phải kiểm soát và thay đổi để có một lối sống lành mạnh hơn, thì hãy biết chúng là gì. Hãy là, bạn đang cảm thấy tốt vì bạn đang chăm sóc tốt cho bản thân mình. Thay đổi cách bạn ăn. Ngừng ăn bất cứ thứ gì sẽ gọt đi nhiều năm tuổi thọ của bạn. Loại bỏ những tật xấu như dùng ma túy hoặc hút thuốc, tất cả những thứ sẽ cướp đi khả năng sống lâu hơn của bạn.
Cách bạn đối xử với thân thể, tập thể dục có đều đặn không, thói quen ăn uống lành mạnh không, hay có tật xấu nào không, đều phản ánh trực tiếp cách bạn đang trân trọng cuộc sống của mình. Nếu bạn không trân trọng cuộc sống của mình, nghĩa là bạn chưa yêu bản thân mình đủ nhiều. Khi biết yêu thương mình, bạn mới có đủ sức mạnh để vượt qua bất cứ khó khăn, trở ngại nào trong cuộc sống.